Phạm Đình Lân


Chuyện thiếu thừa

 

Quanh ta có lắm chuyện ta cho là mâu thuẫn, khó hiểu mặc dù nó theo một định luật bất biến mà ta không thấy hay không tìm hiểu. Đó là luật quân bình tự nhiên ứng dụng trong mọi sinh hoạt của loài người.

Vũ trụ khai sinh từ luật Âm (-) (Yin), Dương (+) (Yang), Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thăng bằng của vũ trụ chỉ có khi có thăng bằng Âm Dương Ngũ Hành. Mặt trời là Dương. Nóng nhiệt là dương. Mặt trăng là Âm. Sự mát lạnh là Âm. Nếu mặt trời nóng thái quá sẽ gây ra hạn hán. Cây cối khô héo. Đó là cảnh Dương thịnh. Nếu Âm thịnh thì gây ra cảnh băng giá. Sự sống của cây cỏ hay loài người đều khó khăn. Trong cơ thể con người cũng thế. Người bị nóng sốt (Dương thịnh) hay có thể lạnh buốt (Âm thịnh) không thể là người mạnh khoẻ được.

Con người có hai mắt, hai tai, hai vú, hai tay, hai chân… nghĩa là có bên Âm và bên Dương. Thực tế không có sự bình đẳng giữa bên Âm và bên Dương. Sự chênh lệch thấp nhất là 90 - 100. Do sự chênh lệch về trọng lượng, sự hữu dụng và sức mạnh mà có hình dung từ PHẢI và TRÁI. Tay trái không mạnh bằng tay phải nên TRÁI. Chân trái cũng vậy v.v…

Có phải chăng PHẢI và TRÁI đều dựa vào vóc dáng, sự hữu dụng và sức mạnh?

Trong trí não của con người có chút lệch lạc về nguồn gốc của sự PHẢI TRÁI, TỐT XẤU. Ngày xưa người ta trọng NAM, khinh NỮ vì con trai khỏe mạnh, lao động có năng suất cao, lớn lên lập gia đình nối dõi tông đường và phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Các nghệ nhân Hy Lạp, La Mã ngày xưa đề cao vẻ đẹp nam phái (beauté masculine) trước khi đề cao vẻ đẹp nữ phái (beauté féminine). Ý niệm về vẻ đẹp nam phái dựa vào quan sát thông thường nơi các động vật giống đực và giống cái. Con gà trống có lông óng ánh đẹp hơn con gà mái; con công trống đẹp hơn con công mái; con bò đực trông uy nghi hơn con bò cái; con sư tử đực to lớn, mạnh bạo, có bờm trông uy vệ hơn con sư tử cái v.v...

Nam phái dư thừa Dương tính. Nữ phái dư thừa Âm tính. Hôn nhân nam-nữ là chuyện không tránh được chẳng những nhằm vĩnh cửu dòng giống mà còn tạo thăng bằng Âm- Dương cho hai đối tượng Nam-Nữ.

Luật ÂM DƯƠNG đối nghịch và bổ túc nhau như luật THIẾU THỪA nhằm tạo sự thăng bằng trong vũ trụ.

Người thích ăn chua vì cơ thể thiếu chất chua. Người thích ăn mặn, ngọt, cay, đắng đều do có thể đang thiếu các vị ấy. Nếu thiếu tất cả thì cần phải có tất cả các vị chua, cay, mặn, đắng, ngọt mà ngũ tạng đang cần.

Đừng lấy làm lạ khi thấy một thiếu nữ đẹp có chồng xấu xí. Người ĐẸP dư cái đẹp nhưng thiếu XẤU nên cần XẤU để mang lại sự cân bằng. Sự kết hợp giữa người KHÔN và NGU cũng có cùng một định luật: tạo quân bình.

Người ủy mị bên ngoài tất tiềm ẩn sự cứng rắn bên trong.

Người có dấu hiệu hiền lành tất có che giấu sự cộc cằn và hung dữ bên trong.

Dù là thời phong kiến hay dân chủ Cộng Hòa lúc nào người ta cũng mơ chuyện ông hoàng, bà chúa. Chỉ có ông hoàng, bà chúa mới có hạnh phúc mà thôi. Người ta mơ ước từ cái nón đến cái áo của ông hoàng bà chúa. Câu 'Sướng như Tiên' không thể so sánh với câu ‘Sướng như Vua’ được. Vì vua nhất hô bách nạt, nhiều cung phi mỹ nữ, nhiều kẻ hầu hạ, gia sản to lớn nhất nước và có quyền uy không giới hạn. Vậy mà dưới thời chúa Trịnh các vua nhà Lê Trung Hưng như người mặc áo gấm ngồi trên bàn chông vì các chúa Trịnh có thể phế, lập và giết vua một cách tùy tiện. Dưới thời Robespierre vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette bị lên máy chém khiến cho ý niệm 'Sướng như Vua’ tạm vụt tắt.

Từ ý niệm trọng ông hoàng bà chúa sang ý niệm trọng những người không có quần đùi (sans culotte), trọng nể thằng Bờm ở Việt Nam và thằng Jacques ở Pháp. Văn chương thi phú nhắm vào việc đề cao thằng Bờm, thằng Jacques với tất cả nét ưu việt của hai nhân vật ấy.

Khi ông Lenin cho ra đời chế độ chuyên chính vô sản thì những người theo ông đều tự nhận mình là người vô sản, nghèo, dốt và bị áp bức. Thực tế hoàn toàn không giống như vậy. Ông tổ của chủ nghĩa Cộng Sản là Karl Marx có tiến sĩ Triết Học; ông Lenin có cử nhân Luật và xuất thân từ một gia đình trung tư sản; ông Trotsky có tiến sĩ Luật và từng sống ở Hoa Kỳ. Ông Mao Zedong xuất thân từ một gia đình phú nông ở Hunan (Hồ Nam), tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, từng làm việc cho Thư Viện Đại Học Beijing (Bắc Kinh). Ông Zhou Enlai học ở Nhật và Pháp. Ông Deng Xiaoping học ở Pháp và Liên Sô. Thân sinh Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau này) là phó bảng làm việc tại bộ Lễ rồi tri huyện Bình Khê. Ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu xuất thân từ một gia đình khoa bảng quan lại phong kiến nổi tiếng ở Nam Định. Thân sinh ba anh em Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện và Mai Chí Thọ (bí danh chớ không phải tên họ thật) là tổng đốc. Thân sinh ông Phạm Văn Đồng là một triều thần dưới triều vua Duy Tân v.v... Nhưng tất cả đều mang lý lịch vô sản thuần thành. Tất cả như có thừa màu sắc quan lại, phong kiến nên thiếu chất vô sản, nghèo dốt và bị áp bức chăng?

Ở các nước dân chủ Tây Phương tiêu biểu là Hoa Kỳ dân chúng có đời sống cao. Thanh thiếu niên xuất thân từ những gia đình giàu có lại thích ăn mặc quần rách và tỏ ra phong sương, bụi đời. Quần rách lại bán giá cao hơn quần lành vì rách có chủ đích và rách tự nguyện chớ không vì nghèo mà mặc quần rách. Nhiều nhà chánh trị khoe lý lịch nghèo khổ, tự lập của mình mặc dù họ xuất thân từ những gia đình giàu có và có thể lực. Nghèo và lao động xuất thân như tổng thống Abraham Lincoln là một trường hợp hiếm hoi gần như ngoại lệ trong một quốc gia tân lập vươn lên từ chủ nghĩa tư bản.

Từ ngày lập quốc cho đến khi đệ nhị thế chiến chấm dứt (1945) Hoa Kỳ là một cường quốc kinh tế và quân sự bất bại. Là một nước tư bản Hoa Kỳ không ưa thích gì cuộc cách mạng vô sản do Lenin lãnh đạo năm 1917. Nếu Liên Sô là thành trì của chủ nghĩa Cộng Sản thì Hoa Kỳ là thành trì của chủ nghĩa tư bản, là đối tượng đả phá của chánh quyền vô sản Nga dưới tên mới là Liên Sô sau khi sáp nhập vài quốc gia láng giềng vào nước Nga. Trong đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ tham chiến giúp các nước đồng minh chống lại phe Trục Đức- Ý- Nhật. Hoa Kỳ giúp luôn cho Liên Sô khi nước này bị Đức tấn công sau khi Liên Sô ký kết hiệp ước với Đức Quốc Xã vào cuối tháng 08 năm 1939. Trong các hội nghị quốc tế lúc nào tổng thống Roosevelt của Hoa Kỳ cũng ngồi giữa hai ông Churchill (Anh) và Stalin (Liên Sô) hay giữa Churchill và Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch).

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh (1949 - 1991) các tổng thống Hoa Kỳ như Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush I đều không có dấu hiệu khâm phục Stalin, Khrushchev, Brezhnev, Andropov, Chernenko, Gorbachev. Khrushchev có cởi giày đập lên bàn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vì vụ máy bay thám thính cơ Hoa Kỳ U-2 bị bắn rớt trên không phận Liên Sô thời tổng thống Eisenhower. Hành động thô bỉ của Khrushchev không được ai ca ngợi cả. Vậy mà Khrushchev như được trớn khi đặt hỏa tiễn trên đảo Cuba hướng về Hoa Kỳ. Nhưng ông phải lùi bước trước sự cương quyết của tổng thống Kennedy.

Hoa Kỳ như dư thừa chiến thắng nên dân chúng Hoa Kỳ cầu bại bằng phong trào phản chiến rầm rộ trong cuộc chiến tranh Việt Nam II. Tổng thống Nixon xem như phủ đầy danh dự khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27-01-1973 để rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Vinh dự ấy trở thành vết thương tinh thần khó quên trong tâm não người tham dự cuộc chiến.

Tổng thống Ford, Carter là hai cái bóng mờ. Tổng thống Reagan rất năng động. Tổng thống Clinton, Bush II, Trump đều không tham dự chiến tranh Việt Nam vì các lý do khác nhau. Tổng thống Obama sinh năm 1961 nên không biết gì về chiến tranh Việt Nam mà Hoa Kỳ tham gia từ năm 1965 đến 1973.

Dù là tổng thống một nhiệm kỳ hay hai nhiệm kỳ không vị tổng thống Hoa Kỳ nào từ Woodrow Wilson đến Barack Obama ngưỡng mộ hãy khép nép trước các nhà lãnh đạo Liên Sô hay Nga. Tổng thống Reagan đứng trước bức tường Berlin và kêu gọi Gorbachev hãy xé nát bức tường ô nhục nầy!

Không vị tổng thống nào nói trên không tôn trọng sự liên tục chánh quyền (governmental continuity).

Không vị nào đả phá định chế chánh trị dân chủ dựa trên hiến pháp và luật pháp do các nhà lập quốc Hoa Kỳ đặt ra trên hai thế kỷ trước.

Hoa Kỳ có hiến pháp và nền dân chủ trên 240 năm. Năm 2016 dân chúng Hoa Kỳ bầu một nhà tỷ phú lên làm tổng thống. Các tổng thống Hoa Kỳ đều là những người giàu có ngoại trừ ông Abraham Lincoln nhưng từ trước đến năm 2016 không có vị nào là tỷ phú cả. Ông Donald Trump là nhà tỷ phú, tự hào với tài chỉ huy, kinh doanh và trí khôn tuyệt luân của mình khi phá vỡ thần tượng Mc Cain, tiếng tăm của gia đình Bush, đả kích FBI, CIA, các thầm phán, báo chí Hoa Kỳ và cương quyết dẹp bỏ tất cả những gì tổng thống Obama đã làm. Ông tiếp đón các nguyên thủ quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ bằng thái độ lạnh lùng nhưng ông tỏ ra vui mừng, hớn hở khi gặp ngoại trưởng Nga, đại sứ Nga nhất là tổng thống Putin. Ông bầy tỏ sự ngưỡng mộ tổng thống Vladimir Putin của Nga và yêu cầu G-7 mời Nga trở lại. Nga bị trục xuất ra khỏi G-8. G-8 trở thành G-7. Bây giờ Hoa Kỳ thờ ơ với các thành viên của G-7 như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada nên G-7 trở thành G-6 +1. Ý ủng hộ việc mời Nga vào G-7. Putin không xin vẫn được tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu. Khi bị trục xuất khỏi G-8 vì vấn đề Crimea (Ukraine), Putin thấy cô đơn. Bây giờ Putin nắm thế thượng phong nên có vẻ không cần vào G-7, G-8 gì nữa vì các G ấy tự nó yếu rất nhiều và tự đấu đá lẫn nhau.

Tổng thống Donald Trump vui vẻ tiếp sứ giả của Kim Jong Un đến Washington. Ông vui mừng cầm bức thơ vĩ đại khổ 8 x 11’ của Kim Jong Un chưa đọc nhưng rất vui mừng. Ông tự hào là vì tổng thống Hoa Kỳ duy nhất nói chuyện với lãnh tụ Bắc Hàn để giải quyết vấn để nguyên tử Bắc Hàn. Điều tổng thống Trump nói không sai. Từ Tổng thống Truman đến tổng thống Obama trải qua 12 vị lãnh đạo Hoa Kỳ không vị tổng thống nào tiếp xúc với ba nhà lãnh đạo họ Kim ở Bắc Hàn.

Vì các vị ấy kém cỏi?
Vì các vị ấy không biết ngoại giao?
Vì các vị ấy không đủ uy như tổng thống Trump?

Thực tế có lẽ khác hẳn. Nguyên nhân đúng là vì thái độ đàn anh và mặc cảm tự tôn của các nhà lãnh đạo của nước giàu kinh tế, mạnh quân sự từng chiến thắng trong hai đại chiến thế giới và cả chiến tranh lạnh.

Ngay cả người giải phóng nước Pháp là tướng De Gaulle cũng từng nuốt đắng cay trước người đồng minh thân thiết bên kia Đại Tây Dương. Tướng De Gaulle không được mời dự các hội nghị quốc tế trong đệ nhị thế chiến với Roosevelt, Churchill, Stalin (Hội nghị Tehran và Yalta). Thống chế Chiang Kaishek được mời tham dự hội nghị Cairo năm 1943.

Ông Hồ Chí Minh từng mang bí danh Lucius khi làm việc với OSS, tiền thân của CIA sau này, muốn có visa sang Hoa Kỳ nhưng có được chánh phủ Hoa Kỳ quan tâm đến bao giờ đâu.

Trong hội nghị Panmunjom năm 1953 tướng William Kelly Harrison Jr., người Hoa Kỳ thay mặt cho quân LHQ chỉ mang cấp bậc thiếu tướng thương thuyết với đại tướng Peng Dehuai (Bành Đức Hoài) của CHNDTQ và tướng Nam Il của Bắc Hàn. Tướng Nam Il là tướng của Bắc Hàn do Liên Sô đào luyện. Ông từng tham gia các trận đánh lớn với quân Đức kể cả việc tiến quân Liên Sô về Berlin năm 1945 với tư cách sĩ quan cao cấp của Liên Sô.

Điều đó nói lên cái gì?

*** Hoa Kỳ không trọng nể Trung Quốc hay Liên Sô sá chi Bắc Hàn ***

Tại hội nghị Genève năm 1954 ngoại trưởng Hoa Kỳ là Foster Dulles không bao giờ bắt tay thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao của Trung Quốc là Zhou Enlai (Châu Ân Lai). Đó là thái độ kẻ cả của Hoa Kỳ. Thực tế ông không có mặt trong hội nghị mà để cho Molotov, Zhou Enlai quyết định sự phân chia nước Việt Nam.

Năm 1972 Mao Zedong (Mao Trạch Đông) phải hối thúc y sĩ của ông cho thuốc cho ông sớm bình phục để tiếp đón tổng thống Nixon. Tổng thống Nixon và phái đoàn Hoa Kỳ được thết đãi một buổi tiệc 80 món ăn cầu kỳ đặc biệt.

Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) báo trước cho tổng thống Carter biết Trung Quốc sẽ đánh Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1979.

12 vị tổng thống Hoa Kỳ vừa kể được danh dự gì khi gặp Kim Il Jung, Kim Jong Il và Kim Jong Un?

Kim Jong Un được danh dự ngồi ngang hàng với nhà lãnh đạo của một đại cường quốc. Đó là thắng lợi của ông.

Nhờ cái gì?

- Nhờ có bom nguyên tử và hỏa tiễn.

Ai hơn ai ?

Ai cần ai trong hội nghị Singapore 12-06-2018?

Chưa có câu trả lời rõ ràng. Chỉ biết một người ở tuổi 36 có 06 năm kinh nghiệm lãnh đạo độc tài; quyền uy tuyệt đối khiến cho vị lãnh đạo 72 tuổi phải thèm thuồng và ước muốn ‘my people’ (dân Hoa Kỳ) làm như dân Bắc Hàn. Nhà độc tài có phong thái và quyền uy của vua chúa trong bộ áo lãnh tụ tối cao như Lenin, Stalin, Mao Zedong. Thành công to lớn nhất của Kim Jong Un là được tổng thống Donald Trump ca ngợi là người yêu dân, yêu nước và đáng kính trọng. Tổng thống Hoa Kỳ ra lịnh chấm dứt việc tập trận hàng năm với Nam Hàn vì xem đó là hành vi gây hấn và tốn tiền để đổi lại lời hứa phi nguyên tử hóa của Bắc Hàn. Kim Jong Un thành công lớn nhưng ông ta cũng chỉ là kép chánh của một vở tuồng chánh trị. Người thành công thực sự là ông thầy tuồng chớ không phải người kép chánh.

Kết quả mà kép chánh thu nhận được chỉ có tính biểu tượng mà thôi. Thầy tuồng cho hai bên cảm giác đồng thắng Win- Win. Kim Jong Un dùng WIN để hấp dẫn dân chúng Bắc Hàn lẫn Nam Hàn với ý định thống nhất Triều Tiên trong hòa bình và đẩy nhẹ quân Hoa Kỳ ra khỏi Nam Triều Tiên một cách hòa bình. Liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn-Nhật Bản tự tan rã.

Tổng thống Trump muốn dựa vào WIN để được tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2020.

L'homme propose.
Dieu dispose.

Hoa Kỳ thừa dân chủ, thừa nhân quyền và thừa phương thức chống Cộng Sản nên bây giờ cần bổ túc bằng những điều ngược lại. Vừa qua Hoa Kỳ rút ra khỏi Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ. Một khoá sinh tốt nghiệp West Point ghi trên nón kết của anh ta Communism Will Win (Cộng Sản sẽ thắng) như lời cầu nguyện. Chủ trương Dân Chủ Xã Hội theo gương các nước Bắc Âu của ông Bernie Sanders đang trên đà phát triển ở Hoa Kỳ nhất là trong giới trẻ.

Luật THIẾU THỪA vẫn tiếp diễn không ngừng trên Địa Cầu. Có nơi đó là sự bổ túc để vươn lên. Có nơi nó báo hiệu sự suy tàn nếu chuyển động từ TỐT sang XẤU, từ DÂN CHỦ sang ĐỘC TÀI, từ LUẬT PHÁP sang VÔ LUẬT PHÁP, từ HỮU SẢN sang VÔ SẢN, từ NHÂN ÁI sang BẠO TÀN.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2018