Phạm Đình Lân


Chuyện ăn thịt thú vật

Hình VOA

Con người làm chủ quả địa cầu tức là sở hữu chủ của núi rừng, sông hồ, biển cả, tài nguyên trên mặt đất, dưới lòng đất, dưới sông, hồ, biển cả. Họ ăn tất cả những loại thảo mộc ăn được hoặc có hương vị hấp dẫn và ăn thịt tất cả các loài thú có trên mặt đất. Khi chưa biết tạo ra lửa loài người sống trong cảnh ăn lông ở lổ theo quan điểm của con người bây giờ. Loài người chỉ thuần hóa một số súc vật để ăn thịt (trâu, bò, ngựa, dê, trừu, heo, thỏ, gà, vịt, cá...). Trâu, bò, ngựa giúp ích trong công việc đồng áng hay chuyên chở, kéo xe. Chó giữ nhà; mèo bắt chuột; khỉ rút phong cho ngựa. Các gánh xiệc lớn nuôi voi, sư tử, cọp, beo để biểu diễn. Tùy theo tôn giáo, sinh hoạt kinh tế và vùng khí hậu mà người ta ăn thịt loài súc vật này mà không ăn thịt loài súc vật khác. Người Trung Hoa, Việt Nam ăn nhiều thịt heo vì dành đất để canh tác nên không có đồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Người ta nuôi heo ngay trong nhà. Đó là cách tạo nguồn dinh dưỡng hay tạo thêm lợi tức thích hợp cho những người làm nghề nông và sống định cư. Thức ăn của heo tương đối dễ tìm: cám, chuối, rong, bèo, thức ăn thừa v.v... Người Do Thái và Hồi Giáo không ăn thịt heo. Nguyên thủy dân ở Trung Đông bây giờ là dân du mục sống trong vùng khí hậu khô hạn và nóng bức nên việc chăn nuôi heo khó thực hiện vì heo cần nước. Heo không di chuyển và cũng không ăn cỏ như dê, trừu. Người Ấn Độ không ăn thịt bò cũng như người Việt Nam ít ăn thịt trâu (thủy ngưu) vì cần chúng giúp việc đồng áng. Người Việt Nam ăn thịt bò nhưng ít ăn thịt trâu vì trâu giúp nông dân trong việc cày bừa và kéo xe khỏe hơn bò.

Cá, tôm cua, sò ốc, gà, vịt được toàn thể các dân tộc trên thế giới dùng. Người Việt Nam không ăn cá to. Trái lại người Nhật thích ăn thịt cá voi. Ở vài thành phố miền duyên hải Việt Nam ngư dân thờ cá voi vì tin rằng cá voi giúp cho thuyền đánh cá không bị lật vào những ngày giông bão.

Người Trung Hoa ăn tất cả thịt các loài thú vật nuôi trong nhà hay săn bắt trong rừng. Nhưng loại thịt thường dùng là thịt heo (hủ tiếu, heo quay, heo xa xíu, xíu mại, bánh bao, lòng heo phá lấu...). Người Việt Nam cũng chia sẻ quan niệm ẩm thực tương tự. Loại thịt thường thấy trong thức ăn của người Hồi Giáo và người Âu Châu dọc theo Địa Trung Hải là thịt dê và trừu. Người Âu Châu và Mỹ Châu ăn nhiều thịt bò. Họ cũng ăn thịt heo và thịt gà. Về thịt rừng họ thích ăn thịt nai. Người Hoa Kỳ không thích ăn thịt thỏ như người Pháp ưa ăn thịt thỏ nấu với rượu chát (lapin en civet). Ở nước ta thường các xóm đạo có nuôi thỏ để bán thịt và bán cho bịnh viện Pasteur.

Ở Âu Mỹ chó, mèo được xem là những con vật thương yêu được nuôi trong nhà. Ngựa cũng được xem loại súc vật được người Âu-Mỹ trân quí. Dù vậy ở Âu Châu vẫn có quầy bán thịt ngựa và gần đây có nơi người ta trộn thịt bò với thịt ngựa qua nhãn hiệu thịt bò tức nhãn hiệu thịt bò bên trong là thịt ngựa. Người Âu-Mỹ không ăn thịt chó và thịt mèo

Thịt chó được bày bán ở Việt Nam (VOA).

Cẩu nhục được các thầy thuốc Hoa y cho là bổ dương nên được hưởng ứng ở Trung Hoa, bán đảo Triều Tiên và Việt Nam. Ở Việt Nam còn có câu: Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
Chết xuống Âm phủ biết có hay không?
Mùa nắng ăn chó trắng,

Mùa mưa ăn chó vàng,
Nắng mưa làng chàng khoan, vàng, đốm, vện.

Còn có chuyện ông Diêm Vương nạt con chó kiện người làm thịt nó: “Thôi im miệng lại đi! Nói mãi tao phát thèm!” Không biết có phải do ảnh hưởng của chuyện tiếu lâm này hay không, những người van vái thoát khỏi tù tội, tai họa hiểm nghèo bằng cách cúng trả lễ bằng một con chó. Văn hóa cẩu nhục và miêu nhục đang lan tràn ở Việt Nam. Việc ăn cẩu nhục đã có từ lâu. Nhưng việc ăn miêu nhục mới có do ảnh hưởng của trào lưu ăn thịt mèo từ Trung Hoa mà ra. Trước kia người Việt Nam vẫn nói:

Ăn thịt mèo nghèo ba năm.

Sự phát triển các quán thịt chó dưới các nhãn hiệu Nai Đồng Quê, Sống Trên Đời, Cờ Tây (nói lái thành cầy tơ) hay quán thỏ nấu rượu chát (lapin en civet) nhưng thực sự là thịt mèo nấu giấm đỏ gây một xáo trộn lớn trong nước khi xảy ra tình trạng trộm chó và mèo càng ngày càng gia tăng đáng sợ. Văn hóa cẩu nhục và miêu nhục có tiếng vang quốc tế khi báo chí Anh đưa ra những bài phóng sự về đường dây buôn chó ở Thái Lan và Lào vào Việt Nam. Gần đây báo chí Anh loan tin một người Việt Nam ở Đức nhớ quê hương bằng cách bắt mèo của người Đức ăn thịt với nước mắm! Ở Trung Hoa lục địa, Đại Hàn những người bảo vệ súc vật đụng độ với những người mua chó, người bắt chó và chủ các tiệm bán thịt chó. Kết quả là có người bảo vệ súc vật bị chém trọng thương hay nhẹ hơn là bị đánh ngã gục bất tỉnh. Ở Việt Nam những người đi bắt chó bị chủ chó dùng luật giang hồ để đáp trả đến vong mạng. Chánh quyền phải làm gì? hay trở thành ông Diêm Vương xử án nghĩa là ông ấy đứng theo phe hạ thịt cầy như đã nghe ông Diêm Vương phán: “Nói mãi tao phát thèm.”

Chỉ có một miếng ăn trong thời no ấm mà xã hội trở nên rối loạn và cộng đồng quốc tế cảm thấy chó, mèo của họ mất an ninh. Sống ở Âu Mỹ có thịt bò, thịt trừu, thịt dê, thịt heo, thịt gà, thịt vịt, thịt thỏ và đủ các loại hải sản không đủ bổ và không đủ ngon bằng cẩu nhục hay miêu nhục sao? Sống trong nước người mà không theo luật pháp của họ và không hòa đồng với cộng đồng dân tộc mà mình sống e rằng sẽ có những hậu quả không tốt đẹp sẽ xảy ra. Hậu quả tệ hại đè nặng trên vai người vi phạm và gây một ấn tượng không mấy đẹp đẽ cho đồng bào ông ta dưới mắt người bản xứ. Người Việt Nam yêu thương chó và mèo nhưng chưa chăm sóc sức khỏe của chó và mèo như người Âu-Mỹ. Ở Âu-Mỹ chó, mèo được chích thuốc ngừa, được huấn luyện và được nằm bịnh viện thú vật khi bị binh. Mùa lạnh chó, mèo được mặc áo ấm để ngừa bịnh phổi. Trong đội quân khuyển, chó có công trạng cũng có cấp bậc như một quân nhân hữu công. Nhiều nơi có nghĩa địa chó, mèo. Trên thế giới người ta chăn nuôi bò, dê, trừu, ngựa, thỏ, gà, vịt, cá... nhưng không nơi nào chăn nuôi chó, mèo qui mô để bán hay ăn thịt cả. Các quán cẩu nhục hay miêu nhục làm sao có đủ nguồn thịt hằng ngày để bán cho thực khách nếu không xảy ra những nạn cẩu tặc hay miêu tặc? Việc duy trì hay chấm dứt hiện trạng hỗn loạn xã hội về nguồn cẩu nhục, miêu nhục, vệ sinh ở các quán Cờ Tây (Cầy Tơ) là trách nhiệm của chánh quyền và người tiêu dùng. Bài toán dễ trở thành bài toán dang dở không bao giờ có đáp số. Thịt heo, thịt bò, thịt gà bán ở các cửa hàng đều được thú y kiểm chứng. Thịt chó và thịt mèo có được kiểm chứng không mặc dù bày bán công khai?

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2018