Lê Ngọc Vân


Việt Nam vượt Trung Quốc và trở thành nhà xuất khẩu (đồ nội thất) lớn nhất sang Hoa Kỳ

.

Một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhập khẩu đồ nội thất gần đây là Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu hàng thành phẩm lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.

Theo nghiên cứu của Furniture Today, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ trong năm 2020, tăng 31% so với 5,7 tỷ USD được xuất vào năm 2019. Để so sánh, Trung Quốc đã xuất 7,33 tỷ USD sang Mỹ trong cùng thời gian 12 tháng. Con số này đã giảm 25% so với con số 9,7 tỷ USD mà Trung Quốc đã xuất khẩu vào năm 2019.

Mặc dù có khoảng cách tương đối nhỏ, nhưng vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế cho thấy quốc gia này đã nâng tầm quan trọng lên như thế nào trong những năm qua.

Tất nhiên, điều này khởi đầu một cách chậm chạp, khi Việt Nam nổi lên thành một thế lực trong lĩnh vực đồ gỗ trong phòng ngủ như là một sự chuyển mình trước việc các nhà sản xuất đồ gỗ trong phòng ngủ của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá bắt đầu từ tháng 6/2004.

Rồi thậm chí còn một sự thay đổi mạnh mẽ hơn đã xảy ra trong hai năm rưỡi qua khi chính phủ Hoa Kỳ áp đặt mức thuế cao tới 25% đối với hầu hết các loại đồ nội thất. Ngay cả nệm cũng được chuyển sang các nước khác ngoài lãnh thổ Trung Quốc để họ thực hiện nhiệm vụ được giao phó.

Ví dụ, trong nửa năm cuối 2018, khi thuế quan của Trung Quốc bắt đầu ở mức 10%, ngành công nghiệp này đã bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc, cho dù lúc đầu còn chậm. Các lô hàng đồ nội thất của Trung Quốc giảm 1%, xuống còn 13,6 tỷ USD. Các lô hàng của Việt Nam trong khi đó đã tăng 9%, từ 3,9 tỷ đô la lên 4,2 tỷ đô la vào năm 2017.

Một sự chuyển dịch lớn hơn đã diễn ra vào năm 2019, khi các lô hàng của Trung Quốc giảm 28%, xuống còn 9,7 tỷ USD. Các lô hàng của Việt Nam trong khi đó đã tăng 35%, lên khoảng 5,7 tỷ đô la.

Việt nam đi lên

Như vậy, hai năm tăng giảm liên tiếp với mức “hai con số” ở mỗi nước cuối cùng đã đưa Việt Nam vượt khỏi Trung Quốc.

Fred Henjes, Giám đốc điều hành của tổ hợp Riverside Furniture Corp cho biết: “Điều đó không khiến tôi ngạc nhiên chút nào. Đã từ lâu chúng tôi không còn mua hàng từ Trung Quốc nữa, và tôi biết rằng nhiều người khác quanh chúng tôi cũng làm như vậy.”

Ông lưu ý rằng nội thất trong phòng ngủ, phòng ăn, nội thất trong văn phòng ở cơ quan và văn phòng thiết lập tại nhà đều là những danh mục mạnh của Riverside ở ngoài Việt Nam. Ông cho biết, trong khi các đơn đặt hàng vẫn còn ứ đọng ở mức cao, đặc biệt là do những thách thức về vấn đề cung ứng như đảm bảo an toàn cho các container, các chuyến vận chuyển hàng đã được cải thiện vào giờ chót.

Ông Henjes nói về sự thích ứng của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất: “Tôi tin rằng họ sẽ làm việc đó trong một thời gian dài.

Những người khác cũng nói là Việt Nam đã trở nên quan trọng hơn như một nguồn vật lực.

Terry McNew, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Klaussner Home Furnishings nói thêm: “Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng việc tăng thuế đối với Trung Quốc chắc chắn đã tác động đến giá cả của họ”.

Klaussner, giống như nhiều công ty khác trong ngành đồ gỗ, cung cấp tất cả đồ nội thất bằng gỗ của công ty từ Việt Nam. McNew cho biết doanh số bán hàng trong ngành đồ gỗ từ Việt Nam đã tăng 10% trong năm ngoái.

Đồ nội thất bằng gỗ đủ loại là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ Việt Nam với 1,9 tỷ USD xuất khẩu, tăng 43% so với năm trước.

Nhưng sự gia tăng mạnh nhất trong danh mục các sản phẩm nòng cốt là ghế có khung gỗ được bọc nệm. Các sản phẩm này đã tăng 83% so với năm trước, đạt 1,25 tỷ đô la.

Các mặt hàng lớn nhất tiếp theo được đặt hàng từ Việt Nam là đồ nội thất phòng ngủ bằng gỗ, với các lô hàng giảm 5% xuống còn 1,1 tỷ USD; ghế bọc có khung gỗ, tăng 22% lên gần 912 triệu USD và giường gỗ, tăng 11% lên 778,9 triệu USD.

Các chuyến hàng đến Hoa Kỳ giảm giá

Tổng thể, các lô hàng đồ nội thất từ các nhà máy ở nước ngoài nhập vào Hoa Kỳ trong năm 2020 đã giảm 1%, từ khoảng 23 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 22,7 tỷ USD.

Malaysia đã lên được 2 nấc trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu, vượt lên trên Canada và Mexico và đứng vào hàng thứ ba. Các chuyến hàng từ Malaysia đã tăng 47%, từ 942,6 triệu USD vào năm 2019 nay lên tới 1,4 tỷ USD.

Các lô hàng của Mexico chỉ tăng 1% lên 1,2 tỷ đô la, trong khi các lô hàng của Canada giảm 15% xuống còn 1,1 tỷ đô la, đưa nước này từ hàng thứ ba trong năm 2019 xuống hàng thứ năm.

Các lô hàng từ Indonesia tăng 14%, thành 855,3 triệu USD, trong khi các lô hàng từ Ý giảm 7% xuống còn 780,2 triệu USD.

Các lô hàng từ Ấn Độ giảm 8% xuống còn 347,6 triệu USD và các lô hàng từ Thái Lan tăng gấp đôi lên gần 296 triệu USD.

Các lô hàng của Ba Lan đã giảm 6% xuống còn gần 249 triệu đô la, đặt nước này ở vị trí thứ 10 trong danh sách, giảm so với vị trí số 9 vào năm ngoái. Sự tăng trưởng ấn tượng của Thái Lan đã đưa nước này vào danh sách 10 quốc gia hàng đầu ở vị trí thứ 9 trong danh sách, vượt lên trên cả Ba Lan và Đài Loan, những quốc gia lần lượt giữ vị trí thứ 9 và 10 vào năm ngoái.

Tại nhánh Hooker Furnishings Home Meridian International (HMI), với các thương hiệu bao gồm SLF, Pulaski và Prime Resources International (PRI), sản phẩm đến từ nhiều quốc gia khác nhau ở Châu Á bao gồm Trung Quốc và Malaysia.

Nhưng phần lớn các dòng gỗ mang thương hiệu SLF và Pulaski’s đến từ Việt Nam, và hầu hết các nguồn của PRI cũng phát xuất từ Việt Nam.

Trong khi HMI và nhiều hãng khác phải chống chọi với khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa ra khỏi châu Á do sự gián đoạn có liên quan đến đại dịch, ông Lee Boone, giám đốc phân nhánh đã thừa nhận tầm quan trọng của Việt Nam:

“Tất cả được thúc đẩy bởi thuế chống bán phá giá trong những năm trước và thuế quan (của Trung Quốc) hiện giờ,” ông Boone nói. “Và Việt Nam vẫn đang cố gắng bắt kịp và tạo ra năng lực. Họ vẫn chưa góp mặt rộng lớn với các đồ có khung gỗ bọc vải, nhưng họ đã đi một chặng đường dài.”

Ông Boone nói thêm: “Có thể nói một cách chắc chắn rằng hầu hết sự gia tăng là do sự tháo chạy khỏi Trung Quốc”. “Nếu vụ sửa đổi về thuế quan không xảy ra thì sẽ chẳng có ai muốn điều này. Vì có thuế quan nên phát sinh đòi hỏi và các quốc gia khác có thể nhảy vào cuộc cạnh tranh”.

Thật vậy, lợi nhuận trong lĩnh vực ghế bọc của Việt Nam chắc chắn đến từ các nguồn chính như Ashley, Manwah, Kuka, Kaiser và Happy Leather, tất cả những thương hiệu này đều đã góp mặt lâu đời trong ngành.

Kelly Hahn, Giám đốc Sáng kiến của DesignWorks Furniture, nói: “Tất cả những sản phẩm được chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ làm các bạn thăng tiến. Những nhà máy bọc ghế đã tăng thật là nhanh."

Ông Hahn cũng lưu ý rằng với nhu cầu từ người tiêu dùng đang phải ở nhà, họ muốn mua đồ nội thất mới, số lượng hàng đưa ra khỏi Việt Nam thậm chí còn có thể cao hơn nếu không vì những hạn chế về vận chuyển đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành.

“Nếu mọi người có thể vận chuyển những thứ họ cần, con số này có thể lớn hơn rất nhiều,” ông nói.

.

Nguyên tác: Vietnam overtakes China as largest exporter to U.S. – Thomas Russell (Furniture Today, 03.05.2021).
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/vietnamvuottrungquoc.htm


Cái Đình - 2021