Lê Ngọc Vân


Việt Nam mất mỗi ngày một khoảng đất bằng một rưỡi sân bóng đá


Những con đập tàn phá vùng đồng bằng sông Cửu Long

Jeannette den Boer và Stefan Coppers đi khắp thế giới để thực hiện serie phim video có tựa đề “Những Người Trên Sông Nước” (Waterlanders) trong đó cho thấy thay đổi khí hậu làm rối loạn đời sống hàng ngày ra sao. Dưới đây là bài (và phim) về châu thổ sông Cửu Long tại Việt Nam.

Bờ biển Việt Nam bị vùi dập nằm đó. Những căn chòi bị tàn phá trông như đang bị bỏ hoang phế vội vã. Quần áo máng xô lệch trên dây phơi. Đây đó lăn lóc những chiếc dép nhật bị bỏ rơi. Biển tuy dường như còn lâu mới nổi cơn thịnh nộ, nhưng dù sao đi nữa, nó cũng như một con ‘pac-man’ gặm dần dà mỗi ngày một chút bờ biển, chắc có tới một sân bóng đá rưỡi mỗi ngày.

Sông Cửu Long là một trong những dòng sông mãnh liệt nhất trên trái đất. Nó bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy quanh co hơn 4000km qua Á châu trước khi tới được vùng hạ lưu ở Việt Nam. Trên sông, hết con đập khổng lồ này tới con đập khủng khác mọc lên. Trước tiên là ở Trung Quốc, và bây giờ cũng ở Thái Lan, Lào và Cambodia.

Những con đập được xây lên để có thể thỏa mãn những nhu cầu về điện tăng lên từng ngày, nhưng trong khi đó thì sự tàn hại do chúng gây nên không thể lường trước được. Mark Goichot, chuyên gia về sông ngòi của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên gióng lên tiếng chuông báo động. “Nếu tôi có quyền quyết định, tôi sẽ phá bỏ tất cả.”

Ông Goichot giải thích: Chúng ta đang ở trên vùng châu thổ lớn nhất thế giới. Một vùng châu thổ, đó chỉ là một mảng cát và bùn được sông tải xuống và bồi lên qua thời gian, không hơn không kém. Cái mà người ta gọi là trầm tích này, hiện nay nằm lại ở phía thượng nguồn của mỗi con đập. Vì thế vùng đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún ngay trước mắt chúng ta, một khu vực có 22 triệu dân đang sinh sống.

Một người đàn ông đang thất thểu đi dọc dải đất ven biển. Ông ta len lỏi giữa những căn nhà hoang tàn. “Trước đây không lâu thì biển còn nằm mãi ngoài kia!” Ông đưa tay chỉ về hướng chân trời. “Còn đây khi trước là một cái làng nằm xa biển.” Xa hơn chút nữa có hai bà già người Việt đang ngồi trong một căn lều cất tạm. Họ than thở về biển khơi: “Sóng thì càng ngày càng cao, năm nào cũng vậy.”

Goichot: “Những nạn nhân nghĩ là thay đổi khí hậu là thủ phạm; nó gây ra do mực nước biển dâng cao. Nhưng đó chỉ là một chất xúc tác. Lý do của sự xói mòn chính là những con đập đang cướp đất của họ, đúng theo nghĩa đen.

Còn nhiều đập trên sông Cửu Long đang được lên kế hoạch; cho tới năm 2030 sẽ còn 88 đập nữa được xây. Theo như một nghiên cứu của Ủy ban Sông Cửu Long, sẽ có 97% của dòng trầm tích nơi vùng châu thổ sẽ bị mất nếu như kế hoạch xây cất được tiến hành. Ông Goichot nói: “Vài người thu được lợi nhất thời, nhưng những người còn lại không còn tương lai. Rõ ràng là một cuộc mua bán tồi tệ.”

.

Nguyên tác: Vietnam verliest dagelijks anderhalf voetbalveld aan land. Stefan Coppers. (trích từ Algemeen Dagblad, 17.06.2019)
Người dịch: Lê Ngọc Vân

Xem video


Cái Đình - 2019