Phạm Đình Lân


Trung Quốc 70 tuổi Cộng Sản

 

(Ảnh: Xinhua News Agency/EPA)

Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc ra đời ngày 01-10-1949,  đến nay đã được 70 tuổi. Người sáng lập ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là Mao Zedong (Mao Trạch Đông). Đảng Cộng Sản Trung Hoa không phải là nguyên bản của đảng Cộng Sản xuất phát từ Liên Sô, mà là một đảng Cộng Sản Hán hóa theo tư tưởng Mao Zedong. Xưa kia người Trung Hoa đã Hán hóa Phật Giáo, thì vào đầu thập niên 1930 của thế kỷ XX Mao Zedong đã Hán hóa chủ nghĩa Marxism-Leninism thành chủ nghĩa Maoism.

Đảng Cộng Sản Trung Hoa ra đời ở Shanghai (Thượng Hải) năm 1921. Điều đáng lưu ý là Mao Zedong không phải là người sáng lập ra đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông chỉ là một đảng viên ngay từ ngày thành lập. Mao chỉ đóng vai trò quan trọng sau khi đảng Cộng Sản Trung Hoa bị quân Quốc Dân Đảng đàn áp năm 1927. Những thành phần lãnh đạo đảng hoặc bị bắt hoặc bị giết chết. Đó là cơ hội để Mao nêu cao chủ trương của ông, điều mà sau này được gọi là chủ nghĩa Mao (Maoism).

Chủ nghĩa Cộng Sản Mao là chủ nghĩa Cộng Sản “nông nghiệp” dựa vào nông dân và nông thôn chớ không dựa vào công nhân và dùng thành thị làm địa bàn đấu tranh. Chủ nghĩa Cộng Sản Mao có ảnh hưởng ở Việt Nam, Triều Tiên, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân. Đảng Cộng Sản ở các quốc gia Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao vì các nước nầy có nhiều cư dân gốc Hoa.

Quốc kỳ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có 4 ngôi sao vàng bao quanh một ngôi sao vàng to. Ngôi sao vàng to là Trung Nguyên. Bốn ngôi sao vàng nhỏ là tứ ngoại tỉnh thuộc Trung Hoa: Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng.

Như tất cả vua chúa và nhà lãnh đạo Trung Hoa khác, Mao Zedong muốn cá nhân ông là một lãnh tụ độc tài, độc tôn và nước Trung Hoa là một đế quốc trên địa cầu. Ngay khi vừa chiếm lục địa Trung Hoa, ông xua quân chiếm Tây Tạng, Tân Cương, gây chiến tranh biên giới với Ấn Độ và với Liên Sô, thành trì của Xã Hội Chủ Nghĩa thế giới. Mao nghĩ đến việc tái lập ảnh hưởng ở hai nước từng triều cống Trung Hoa trong quá khứ là Triều Tiên và Việt Nam.

Triều Tiên rời khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa sau khi bị Nhật đánh bại năm 1894. Ɖến năm 1905 Nhật biến Triều Tiên thành thuộc địa của họ cho đến năm 1945. Sau khi Nhật bại trận, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi. Bắc Triều Tiên theo chế độ Cộng Sản. Nam Triều Tiên chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Năm 1950 Bắc Triều Tiên xua quân tấn công Nam Triều Tiên với hy vọng thống nhất bán đảo dưới chế độ Cộng Sản. Sự chống trả của quân đội Nam Triều Tiên quá yếu ớt đến nỗi Nam Triều Tiên chỉ còn cảng Busan mà thôi! Quân Liên Hiệp Quốc dưới sự chỉ huy của đại tướng Mc Arthur tham chiến đẩy lui quân Bắc Triều Tiên về phía bắc vĩ tuyến 38. Chí nguyện quân Trung Quốc do tướng Peng Dehuai (Bành Ɖức Hoài) chỉ huy tràn vào Bắc Triều Tiên để cứu phần đất nầy trước sự phản công vũ bão của đạo quân LHQ do Hoa Kỳ chỉ huy. Cuộc chiến tranh trở thành cuộc đụng độ võ trang giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Diễn văn của Mao Zedong cách đây 70 năm ở Thiên An Môn (Ảnh: Hou Bu)

Trung Hoa mất ảnh hưởng chánh trị ở Việt Nam từ khi hiệp uớc 1884 được ký kết. Mao Zedong chánh thức cầm quyền trên lục địa ngày 01-10-1949. Ɖúng ba tháng sau ông công nhận chánh phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Trung Quốc nỗ lực giúp Việt Minh chống Pháp bằng cách viện trợ võ khí, lương thực, thuốc men, huấn luyện cán binh Việt Minh trên lãnh thổ Trung Hoa gần biên giới Việt Nam, viện trợ cố vấn chánh trị và quân sự cho Việt Minh, chữa bịnh cho thương bịnh binh Việt Minh gần biên giới Hoa-Việt v.v... Việc Mao Zedong nhìn nhận chánh phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh được xem như một cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc với Liên Sô đối với Cộng Sản Việt Nam.

Năm 1945 Việt Minh cướp chánh quyền. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được Hồ Chí Minh khai sinh ngày 02-09-1945. Trong những năm 1945, 1946 đến ngày toàn quốc kháng chiến Stalin không một lời ủng hộ Hồ Chí Minh, một cán bộ Ɖệ Tam Quốc Tế (Comintern) do chính Liên Sô đào tạo. Vì sao?

Mặc dù làm chủ lục địa rộng lớn với dân số to lớn nhất hoàn cầu, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vẫn không giữ ghế đại diện cho Trung Hoa tại tổ chức Liên Hiệp Quốc. Trung Hoa Dân Quốc bây giờ là Taiwan (Ɖài Loan) của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch), vẫn là đại diện của Trung Hoa tại LHQ cho đến năm 1971. Trên thực tế Trung Quốc được xem là đệ ngũ cường trên thế giới khi ký hiệp ước Panmunjom (Bàn Môn Ɖiếm) với Hoa Kỳ năm 1953. Trong hội nghị quốc tế ở Berlin vào tháng 2 năm 1954 chỉ có tứ cường được mời: Hoa Kỳ, Liên Sô, Anh Quốc, Pháp Quốc. Hội nghị nầy chẳng đi về đâu. Nó chuyển sang hội nghị Genève nhằm mục đích giải quyết vấn đề Triều Tiên và Ɖông Dương giữa Pháp với Việt Minh.

Lần nầy Trung Quốc mặc nhiên được công nhận là một trong ngũ cường giữa lúc Taiwan (Trung Hoa Dân Quốc) là đại diện Trung Hoa tại LHQ nhưng không được mời tham dự hội nghị Genève năm 1954. Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trung Quốc là Zhou Enlai (Châu Ân Lai) đóng vai trò năng nổ trong hội nghị. Ông là người từng du học ở Nhật rồi ở Pháp nên phong cách ngoại giao của ông rất đặc biệt vì kết hợp nhịp nhàng hai văn hóa Ɖông-Tây, Tư Bản-Cộng Sản. Ông Phạm Văn Ɖồng là đại diện của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức chánh phủ Hồ Chí Minh vừa thắng Pháp trong trận đánh Ɖiện Biên Phủ vang lừng. Nhưng ông không có vai trò gì đáng nói trong hội nghị Genève 1954. Trái lại Zhou Enlai được xem là nhân vật nổi bật trong hội nghị quyết định sự ngưng chiến và chia đôi Việt Nam.

Trung Quốc tái lập ảnh hưởng ở phân nửa phía bắc bán đảo Triều Tiên và phân nửa phía bắc nước Việt Nam.

Trung Quốc tự xem mình như thủ lãnh các quốc gia thuộc địa của các đế quốc Tây Phương, kể cả Nga, tuy rằng trên danh nghĩa Liên Sô là đồng chí của Trung Quốc. Một lẩn nữa Zhou Enlai được sáng chói trong hội nghị Bangdung (1955).

Các đảng Cộng Sản ở các nước Ɖông Nam Á đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của Cộng Sản Maoism vì:

Trung Quốc của Mao Zedong vẫn còn là một Trung Quốc nghèo nàn về kinh tế lẫn kỹ thuật. Mao Zedong củng cố quyền hành cá nhân trong việc xây dựng và củng cố chế độ Cộng Sản trên 50 triệu xác chết của người Trung Hoa: chết vì cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ, phản động; chết vì sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt gây ra nạn đói trên lục địa; chết vì Cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976) và những tranh giành quyền lực ngấm ngầm giữa các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc. Mao Zedong thành công trong sự kích thích tự hào Hán tộc bằng cách:

Sau cuộc chiến tranh với Liên Sô trên đảo Damansky Mao Zedong thay đổi thái độ đối với Hoa Kỳ. Năm 1972 tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon thăm viếng Beijing (Bắc Kinh) và được tiếp rước linh đình.

***

Mao Zedong mất năm 1976. Là một nhà độc tài, Mao Zedong là người thực sự quan tâm đến tương lai của đất nước ông. Như chúng ta đã biết, cho đến năm 1949, Mao chưa hề ra khỏi Trung Hoa một ngày. Ông coi thường những đảng viên Cộng Sản Trung Hoa được Liên Sô đào tạo. Nhưng ông trọng dụng Zhou Enlai, một người từng học ở Nhật và Pháp về, trong chức vụ thủ tướng kiêm ngoại trưởng. Điều đó cho thấy ông có cái nhìn bất thiện cảm với Nga mặc dù Liên Sô là thành trì của Thế Giới Cộng Sản. Trung Quốc là một quốc gia Cộng Sản. Liên Sô và Trung Quốc là hai nước đồng sàng đồng mộng nên hiểu ý nhau nhanh chóng. Mao học tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng không học ngôn ngữ của đồng chí Nga láng giềng. Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) cũng có cái nhìn tương tự với Mao về Nga mặc dù có thời gian ông là nạn nhân của Mao. Có thể ông bị Mao nghi ngờ chịu ảnh hưởng của Nga vì Deng Xiaoping có học đại học Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) ở Moscow năm 1924.

Trong Cách Mạng Văn Hóa nhiều nhân vật quan trọng trong đảng Cộng Sản chết một cách đau đớn và tủi nhục. Nhưng Zhou Enlai được xem là “bất đảo ông”. Deng Xiaoping, tổng bí thơ đảng Cộng Sản, bị hạ tầng công tác xuống làm thợ thay nhớt xe nhưng ông vẫn được an toàn. Zhou Enlai và Deng Xiaoping đều có học ở Pháp. Deng Xiaoping từng làm việc cho hãng xe hơi Renault nên trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, ông trở lại nghề thay nhớt xe hơi. Mao Zedong đánh giá cao những sáng kiền của Deng Xiaoping mặc dù không thi hành trong lúc ông làm chủ tịch đảng Cộng Sản. Nhưng ông không dùng bàn tay Vệ Binh Đỏ để cướp mạng sống của người mà ông biết sẽ giúp ích cho Trung Quốc rất nhiều. Ông để cho Zhou Enlai bảo lãnh Deng Xiaoping như gìn giữ người sẽ canh tân Trung Quốc hay ít ra là người giúp cho Jiangqing (Giang Thanh), vợ của Mao, nắm chức vụ chủ tịch của ông sau ngày ông mất.

Deng Xiaoping là người có cái nhìn rộng rãi về sức mạnh Đông-Tây. Ông sống ở Pháp, một quốc gia dân chủ Tây Âu, và ở Nga, một quốc gia Cộng Sản kết hợp hai văn hóa Âu-Á. Đối với Deng Xiaoping đảng Cộng Sản chỉ là phương tiện nắm giữ chánh quyền chớ không phải là nhân tố tạo sự phát triển quốc gia về phương diện kinh tế-xã hội. Ông có quan niệm rộng rãi về lý thuyết khi cho rằng mèo trắng, mèo đen gì cũng được miễn là bắt được chuột. Khác với Mao Zedong, ông không tự cho mình là lý thuyết gia dẫn đạo hàng trăm triệu dân Trung Quốc. Ông rất thực tế khi theo gương Meiji tenno (Minh Trị Thiên Hoàng) canh tân xứ sở bằng cách Tây Phương hóa. Vào thời đại của ông canh tân là nhả bớt một phần màu Cộng Sản để theo gương tổ chức kinh tế và phát triển khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ. Bắt đầu từ cuối thập niên 1970 Trung Quốc gởi nhiều sinh viên sang Hoa Kỳ du học. Bản thân Deng Xiaoping thăm viếng Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Jimmy Carter. Chính Deng Xiaoping cho tổng thống Carter biết trước ý định tấn công Việt Nam vào tháng 2 năm 1979. Học hỏi và nếu thuận lợi, tặc các thành quả khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ. Từ thập niên 1980 những từ trộm kỹ thuật cao đã được thông dụng.

Chương trình Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping là hiện đại hóa

Đối với dân chúng Trung Quốc Deng Xiaoping có chánh sách cởi mở hơn Mao Zedong. Cuộc sống của họ được dễ chịu hơn. Nó không thiếu thốn và ngột ngạt như dưới thời Mao Zedong. Sinh viên Trung Quốc có dịp tiếp xúc và học hỏi nơi các quốc gia dân chủ Tây Phương. Nhưng một người ghi hai chữ DÂN CHỦ để Bốn Hiện Đại Hóa thành Ngũ Hiện Đại Hóa đã bị bắt đưa ra tòa xử 15 năm tù!! Bản án nhỏ nầy đính chánh dư luận trong và ngoài Trung Quốc rằng Trung Quốc vẫn là nước Cộng Sản. Bốn Hiện Đại Hóa nhằm đẩy mạnh địa vị đại cường quốc của một quốc gia Cộng Sản đông dân nhất thế giới chớ không phải Bốn Hiện Đại Hóa gắn liền với việc Dân Chủ Hóa Trung Quốc. Biến cố Tiananmen (Thiên An Môn) năm 1989 xác định rõ ràng chiều hướng nầy.

Một sinh viên đứng cản trước đầu xe tăng trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn 1989 (ảnh internet)

Hai nhà lãnh đạo sau Deng Xiaoping tiếp nối việc thực hiện chương trình Bốn Hiện Đại Hóa đều không xuất thân từ những gia đình Cộng Sản ưu tú từng tham gia cuộc Vạn Lý Trường Chinh lịch sử của Mao Zedong vào những năm 1934, 1935. Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) đều là kỹ sư, tức nặng về việc thực hiện Bốn Hiện Đại Hóa hơn là thấm nhuần lý thuyết Đảng và tư tưởng Mao. Jiang Zemin nắm toàn quyền 10 năm (1993 - 2003). Người kế nhiệm của ông là Hu Jintao cũng nắm quyền 10 năm (2003 - 2013) như quy định. Jiang Zemin và Hu Jintao thực thi Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping với kết quả rực rỡ. Trong khoảnh khắc thời gian, từ một quốc gia có nền kinh tế kém cỏi và nền khoa học kỹ thuật nghèo nàn, Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế hạng nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ và một cường quốc quân sự đứng hàng thứ ba sau Nga và Hoa Kỳ.

Trong nước đời sống dân chúng được cải thiện rất nhiều so với thời Mao Zedong. Hàng hóa Trung Quốc được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là trên thị trường Hoa Kỳ, nơi dân chúng có mãi lực cao. Nhiều công ty Tây Phương chuyển sang Trung Quốc để được giá nhân công rẻ. Công nhân Trung Quốc cần cù và khéo tay. Hàng hóa sản xuất bán với giá rẻ. Số người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài ngày càng gia tăng. Nhiều nơi người ta than phiền sự ồn ào của du khách Trung Quốc. Ở Ai Cập, Musée de Louvre (Pháp), phố Ginza (Nhật) người ta than phiền du khách Trung Quốc làm bẩn các di vật cổ, gây ồn ào mất trật tự, khạc nhổ tứ tung v.v... Đó là một trong những cách phô diễn sự giàu có và sức mạnh của nhân dân Trung Quốc vào thế kỷ XXI.

Đi xa hơn, Trung Quốc phô trương lực lượng với những cuộc diễn hành nam nữ quân nhân đi theo chân ngỗng vào ngày quốc khánh 01-10 hàng năm. Trên trời đủ loại phi cơ tối tân bay lượn. Dưới phố hàng ngàn xe tăng gào thét ầm ĩ. Hàng ngàn xe vận tải hạng nặng chở các dàn hỏa tiễn dài hàng chục thước. Dưới biển, Trung Quốc có hàng không mẫu hạm, tàu chiến đủ loại, tàu ngầm trang bị võ khí nguyên tử. Quân số bộ binh của Trung Quốc trên 2 triệu người với 500.000 quân trừ bị. Về kỹ nghệ quốc phòng Trung Quốc có khả năng sản xuất phi cơ chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm trang bị hỏa tiễn, xe tăng, bom nguyên tử, các loại hỏa tiễn đầu đạn nguyên tử, v.v… Trung Quốc đứng đầu Á Châu về kỹ nghệ quốc phòng. Nước nầy có từ 260 đến 300 trái bom nguyên tử; 5.200 phi cơ chiến đấu với 100.000 quân đặc trách các dàn hỏa tiễn; 9.000 xe tăng so với 22.700 xe tăng của Nga, 8.725 của Hoa Kỳ và 5.978 xe tăng của Ấn Độ.

Với một nền kinh tế phồn thịnh và một sức mạnh quân sự đáng kể Trung Quốc tự nhận mình là chủ của 3 triệu km2 trên Biển Đông. Họ tự xây đắp đảo nhân tạo và biến chúng thành những căn cứ quân sự trên bước đường bành trướng ảnh hưởng xuống nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chương trình bành trướng sang lục địa Phi Châu và Âu Châu đang phác họa và được thực thi từng phần. Việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng xuống các đảo ở nam Thái Bình Dương nhằm cô lập Taiwan. Từ đó họ dòm ngó Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và các đảo thuộc chủ quyền của Pháp. So với tiềm năng chiến tranh của Nhật trong đệ nhị thế chiến thì tiềm năng quân sự của Trung Quốc bây giờ mạnh hơn nhiều. Sự bành trướng lãnh thổ không ồ ạt như Nhật đã làm vào thập niên 1930 và 1940 của thế kỷ trước.  Nó đuợc thực thi chậm nhưng chắc bước. Ưu thế của Trung Quốc hiện nay là:

Điều ngạc nhiên khi theo dõi cuộc diễn binh rầm rộ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (1949 - 2019) với những bước chân ngỗng rì rầm, tiếng kèn trống, quân nhạc ì ầm với những khẩu hiệu như tiếng rít của bom đạn là vị đại lãnh tụ có nhiều dấu hiệu lo lắng hơn là hạnh phúc, vui tươi.

Chủ tịch Xi Jinping, hai cựu chủ tịch Jiang Zemin, Hu Jintao và thủ tướng Li Keqiang
trong lễ  kỷ niệm Trung Quốc 70 năm Cộng Sản (Ảnh: Jason Lee/Reuters)

Chủ tịch Xi Jingping có gì phải lo lắng? Ông không có đối thủ trên lục địa. Jiang Zemin không còn là đối thủ. Hu Jintao hài lòng với những gì đã và đang có Các đối thủ khả dĩ tranh giành quyền lực với Xi Jinping đã ngồi tù và chờ chết. Xi Jinping là lãnh tụ đời đời như Mao Zedong. Hơn cả Mao, ông là chủ tịch Nước và chủ tịch Đảng. Trong khi Mao chỉ là chủ tịch Đảng, Xi Jinping lãnh đạo 1,5 tỷ dân khi Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và quân sự được thế giới nể nang. Nơi Trung Quốc có ảnh hưởng tuyệt đối là Việt Nam. Vì sao?

Trung Quốc có cần biến Việt Nam thành một thuộc địa hay thành một đơn vị hành chánh của họ không? – Thực tế Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay họ rồi cần gì phải mang tiếng đế quốc chiếm thuộc địa hay cướp đất quốc gia láng giềng trước dư luận quốc tế. Việt Nam đã mất tất cả nhưng danh xưng Việt Nam vẫn còn với tư cách là một thành viên LHQ. Việt Nam đang có một chế độ tạm gọi là chế độ THUỘC ĐỊA ÂM, nghĩa là dưới chế độ thuộc địa. Nếu là thuộc địa hay một tỉnh, một quận thì Trung Quốc phải lo nuôi dân và kiến thiết thuộc địa hay tỉnh, quận của mình. Với tình trạng hiện hữu họ không có trách nhiệm nặng nề đó. Họ khai thác tài nguyên Việt Nam, chèn ép dân Việt Nam mà không bị tai tiếng là thực dân, đế quốc, cũng không có trách nhiệm gì ở đó cả. Việt Nam là một thành viên LHQ thì Trung Quốc có thêm một lá phiếu tại diễn đàn quốc tế nầy. Hàng ế ẩm của Trung Quốc có thị trường tiêu thụ Việt Nam. Việt Nam được hưởng quan thuế biểu đặc biệt gì từ Hoa Kỳ hay Liên Âu thì sẽ có vô số hàng Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam hay Trung Quốc dán nhãn Việt Nam để tung ra thị trường quốc tế. Nếu Việt Nam là một quốc gia thành viên LHQ thì Việt Nam có thể liên lạc với bất cứ quốc gia nào mà Trung Quốc không thể liên lạc hay khó liên lạc. Trung Quốc biến Việt Nam thành quốc gia gián điệp phục vụ cho họ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được Trung Quốc cho hưởng chế độ THUỘC ĐỊA ÂM. Đó là sự thành công to lớn nhất của Trung Quốc trong lịch sử sau 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.

***

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX quân Trung Hoa thời Thanh triều (Qing) không có đầy đủ súng ống và các phương tiện chiến tranh khác nhưng các nước kỹ nghệ Tây Phương và Nhật Bản phải liên minh bát quốc để tấn công vào Beijing (Bắc Kinh). Ngày nay tình thế thay đổi khác, Trung Quốc không còn là con mồi mà là kẻ săn mồi. Sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc  là mối lo ngại của 10 quốc gia trong khối ASEAN và Taiwan cùng các cường quốc khác như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi. Mặc dù là “đồng minh” của Trung Quốc, Nga cũng có những lo ngại riêng vì có biên giới chung với Trung Quốc và từng xung đột võ trang với nhau vì một đảo nhỏ trên sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang). Không thể chủ quan cho rằng Hoa Kỳ nuốt chửng Trung Quốc bằng tiềm năng quân sự vô địch của họ. Cũng đừng vội tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ cho Trung Quốc một bài học trên Biển Đông. Với đường lối chánh trị hiện nay Hoa Kỳ phải mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đồng minh. Các quốc gia ASEAN lo sợ Trung Quốc thôn tính nhưng không mạnh dạn nhập “phe” với Hoa Kỳ. Nhật Bản sau gần 70 năm gác bỏ chuyện kiếm cung, nay cũng phải e dè trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Giàu tiền bạc, mạnh mẽ về võ lực như vậy sao chủ tịch Xi Jingping trông có vẻ không vui. Bên cạnh ông có một người già đi đứng không vững là cựu chủ tịch Jiang Zemin (Giang Trạch Dân). Kế đó là một người già khác trông còn tráng kiện, quắc thước. Đó là Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào). Cả ba vị chủ tịch không bày tỏ một dấu hiệu thân mật nào cả. Còn có chuyện gì khác làm cho chủ tịch Xi Jinping lo nghĩ đến nỗi mất đi vẻ mặt tươi nhuận trong ngày đại lễ 70 tuổi của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc?

Trung Quốc dũng mãnh như vậy nhưng vẫn chưa phải là một quốc gia thống nhất.

Năm 1997 Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc.

Năm 1999 Bồ Đào Nha trao trả Macau sau 400 năm chiếm đóng.

Hồng Kông theo chế độ “một quốc gia hai hệ thống”.

Một người biểu tình đã dẫm đạp lên hình của chủ tịch Xi Jinping trong cuộc biểu tình
ở Hồng Kông trong thời gian qua (Ảnh:
Athit Perawongmetha/Reuters)

Taiwan là lãnh thổ của chánh phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng từ năm 1949. Hồng Kông và Taiwan có nền kinh tế phồn thịnh ở Á Châu. Lợi tức đồng niên tính theo đầu người cao hơn dân lục địa rất nhiều. Hồng Kông phát triển nhờ người Anh.  Dưới sự cai trị của người Anh dân Hồng Kông học hỏi nhiều nơi người Tây Phương cũng như được hưởng nhiều quyền tự do hơn khi trở về “tổ quốc” dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản. Hồng Kông không ngừng đấu tranh cho dân chủ. Dù không thành công như ý muốn, nhưng cuộc đấu tranh của Hồng Kông với 7,5 triệu người tạo một vết thương kinh tế và chánh trị cho Trung Quốc. Nó phản ảnh tâm lý chánh trị bất thuận lợi cho Beijing (Bắc Kinh) khiến cho khẩu hiệu “một quốc gia hai hệ thống” của Beijing không có gì hấp dẫn đối với Taiwan.

Taiwan tuy nhỏ về diện tích, dân số không đến 25 triệu dân nhưng không phải là miếng mồi dễ nuốt.Taiwan có một nền kinh tế phồn vinh. Tỷ lệ thất nghiệp rất nhỏ. Lợi tức đồng niên tính theo đầu người cao hơn dân lục địa rất nhiều. Dân Taiwan tiếp xúc với Nhật từ năm 1895 đến 1945. Họ có cơ hội so sánh sự cai trị của Nhật và Trung Hoa thời phong kiến. Từ thập niên 1990 về sau dân Taiwan được hưởng chế độ tự do, dân chủ. Taiwan mua võ khí của Hoa Kỳ. Taiwan cũng sản xuất võ khí, phi cơ, tàu ngầm để tự vệ phòng khi bị Trung Quốc đổ bộ tấn công để thống nhất bằng võ lực. Mặc dù các nước bang giao với Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao với Taiwan, hòn đảo 36.000 km2 nầy không cô đơn nếu bị Trung Quốc tấn công. Khuynh hướng Taiwan độc lập càng ngày càng đậm nét. Nữ tổng thống Taiwan là Tsai Ing Wen (Thái Anh Vân) mạnh dạn bác bỏ “một quốc gia hai hệ thống” của lục địa.  Ngay cả ứng cử viên tổng thống Taiwan năm 2020 thuộc Kuomintang (Quốc Dân Đảng) là Han Kuo-Yu (Hàn Quốc Du), thị trưởng thành phố Kaohsiung, cũng có lập trường tương tự nhưng không mạnh dạn khẳng định như nữ tổng thống Tsai Ing Wen.

Con voi to lớn nhưng không thắng con kiến.

Người mạnh khỏe vẫn phải chết vì vi trùng.

Nước nhỏ bé như La Mã, Hy Lạp, Mông Cổ (đất rộng nhưng rất ít dân. Cho đến bây giờ dân số Ngoại Mông không đến 3,5 triệu người. Vậy mà tám thế kỷ trước đã là một đế quốc), Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan vẫn có quá khứ đế quốc.

Nước lớn và đông dân như Trung Quốc há không bị người Mông Cổ rồi Mãn Châu đô hộ? Bị Nhật đánh bại? Bị các nước Tây Phương giày xéo?

Nga há không bị Anh, Pháp, Đức, Nhật và gần đây Afghanistan làm nhục?

Lịch sử loài người rất phức tạp và khó tiên liệu vì đôi khi nó đi ngược chiều với lý trí thông thường. Điều đó cho thấy có THIÊN Ý và THIÊN ĐỊNH trong mọi diễn biến trong vũ trụ.

Việt Nam được cứu vãn bởi THIÊN Ý đã định. Sự sinh tồn của Việt Nam tùy thuộc vào sự hưng vong của Bắc quốc. Trung Quốc  hưng thịnh, Việt Nam khổ. Trung Quốc suy, Việt Nam đỡ âu lo. Sự tồn tại của quốc gia dân tộc do THIÊN ĐỊNH mà có. Sự phát triển và hưng vượng của đất nước do dân tâm, dân trí và ý chí sinh tồn của toàn dân tộc mà ra.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2019