Châu Minh Dũng


Thương chiến Mỹ - Trung đang làm gián đoạn các tham vọng kinh tế của Việt Nam

.

Những điểm quan trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng đã nổi lên như một chính khách mạnh mẽ khác thường. Từng được xem là nhân vật có khuynh hướng thỏa hiệp khi nhậm chức Tổng Bí thư vào năm 2011, nhà tư tưởng cứng rắn 74 tuổi đã nhanh chóng định hình lại thế cân bằng của chính trường Việt Nam từ khi trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản. Ngày 22/10, Quốc hội Việt Nam chính thức bầu ông Trọng vào vị trí Chủ tịch nước, phá vỡ một cách hiệu quả mô hình lãnh đạo tập thể lâu dài và đưa ông trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam quyền lực nhất trong các thập kỷ gần đây.

Nhưng không giống như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trọng còn lâu mới trở thành nhà lãnh đạo có thực quyền tối cao; độ tuổi của ông khiến ông gần như chắc chắn sẽ về hưu trong đại hội đảng tiếp theo vào năm 2021 – yếu tố đặt ra câu hỏi về kế hoạch chọn người thừa kế và khả năng bền vững của nền toàn trị duy cá nhân, trên tàn tích của một nền chính trị phe phái. Tuy nhiên, trong thời điểm này, chuyện giữ vững quyền lực chỉ là một nửa nhiệm vụ của ông Trọng. Nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ còn phải cố gắng chấn chỉnh đất nước trong thời đại chuyển biến khôn lường, để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao đã gìn giữ vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản.

Điều quan trọng là, những thay đổi trong dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu đã mang lại cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để phát triển nền kinh tế, vốn đã đạt mức tăng trưởng 7% kể từ năm 2000 và sở hữu một lượng lớn lao động trẻ, cùng với vị trí thuận lợi đứng giữa Trung Quốc và tuyến đường hàng hải Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn ở vị trí cuối của chuỗi cung ứng và phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài. Do những thay đổi toàn cầu, Hà Nội vẫn đang trong một cuộc đua chống lại thời gian để không trở thành con mồi trước các đối thủ Đông Nam Á, cùng với cái bẫy thu nhập trung bình không thể tránh khỏi. Và trong khi việc duy trì mối quan hệ cân bằng với các siêu cường và đối tác thương mại vẫn giữ tầm quan trọng sống còn đối với quá trình chuyển đổi của Việt Nam, nhiệm vụ này sẽ ngày càng phức tạp bởi diễn biến leo thang của thương chiến Mỹ – Trung, bắt buộc quốc gia này – cũng như các nền kinh tế mới trỗi dậy khác – phải vượt qua được chiến trường này với thiệt hại tối thiểu.

Phát triển chiến lược tiếp nhận đầu tư nước ngoài

Đối với phần khả quan trong ba thập kỷ qua kể từ năm 1986, khi cuộc cải cách Đổi mới biến Việt Nam thành một nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã trở thành bộ phận không thể thiếu đối với nền kinh tế của quốc gia này – và biến nó hầu như trở thành đất nước phát triển kinh tế thành công nhất trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 50% tổng giá trị sản xuất của đất nước và 70% doanh thu xuất khẩu, và trực tiếp tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 3,6 triệu người, cũng như gián tiếp tạo công việc cho khoảng 5 triệu người. Dòng tiền này đã khiến Việt Nam trở thành vùng đầu tư hấp dẫn đối với các nhà sản xuất phụ kiện cấp thấp và hàng may mặc, da, giày, nhưng Hà Nội còn đang tìm kiếm một thứ gì đó khác hơn thế. Chính phủ nước này đang soạn thảo kế hoạch phát triển chiến lược tiếp nhận đầu tư nước ngoài, bằng cách từ bỏ sự theo đuổi đơn điệu về số lượng để thay bằng việc đầu tư giá trị vào công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, chế biến và các ngành liên quan khác. Đồng thời, nó còn nhắm đến việc chấn chỉnh các lĩnh vực kinh tế, vốn chưa được hưởng lợi ích từ đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Một bức tranh tổng quan về kinh tế Việt Nam.
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc. Ảnh: John Bill/ Shutterstock

Một phần là do Việt Nam vẫn chưa được hưởng lợi ích của giá trị gia tăng trong nền kinh tế, bởi vì phần lớn các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm hầu hết cho các giá trị xuất khẩu, đồng thời Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu thô. Thật vậy, chừng nào Việt Nam còn chưa thiết lập được đầy đủ các ngành công nghiệp hỗ trợ, đất nước này sẽ phải nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị điện tử và linh kiện để sản xuất điện thoại thông minh, hàng may mặc và sản phẩm điện tử, góp phần duy trì mức thâm hụt thương mại lâu năm.

Đồng thời, cuộc cạnh tranh gay gắt ở các tỉnh thành để giành giật các khoản đầu tư nước ngoài đôi khi gây tổn thất dài hạn cho các công ty trong nước. Đối thủ cạnh tranh nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước được hậu thuẫn về chính trị tiếp tục bóp nghẹt các nhà sản xuất trong nước, với năng lực chưa phát triển đầy đủ và chưa được hưởng lợi từ trình độ công nghệ. Và khi cuộc đua giành chuỗi cung ứng sản xuất cấp thấp càng trở nên phức tạp hơn với sự cạnh tranh từ Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar, Việt Nam – vốn đã sở hữu chi phí lao động cao hơn Philippines và Indonesia – bắt buộc phải nâng cấp chuỗi giá trị công nghiệp trước khi khả năng cạnh tranh của nó bị xói mòn.

Để tăng cường hơn nữa vị trí của Việt Nam trong thời kỳ các nền kinh tế mới nổi Đông Nam Á cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Hà Nội đã liên tục theo đuổi các hiệp định thương mại tự do trong những năm gần đây. Nước này hiện có 12 giao dịch thương mại tự do – nhiều hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực. Việt Nam cũng đặc biệt ở chỗ nó là nền kinh tế kém phát triển trong số các nước tham gia ký kết các giao dịch thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các thỏa thuận tương tự khác với Liên minh châu Âu – trong khi vẫn đang đối mặt với thách thức của việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, vốn là động lực chính của nền kinh tế, và thực thi các tiêu chuẩn môi trường và lao động nghiêm ngặt hơn.

Cơ hội đang lên

Trong những năm gần đây, Hà Nội cũng đã đạt được một số tiến bộ trong chuyện thu hút đầu tư nước ngoài ở cấp cao hơn. Quốc gia này hiện đang sở hữu một số cơ sở cho Intel, LG, Microsoft và cơ sở sản xuất lớn nhất ở nước ngoài cho Samsung, vốn đã đóng góp một phần tư tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017 (kể cả khi con số đó thể hiện mức độ phụ thuộc mà Hà Nội muốn tránh bằng cách thu hút các công ty có tầm vóc tương tự Samsung). Đất nước này cũng đã đạt được tiến bộ tích cực trong chuyện thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đồng thời hỗ trợ những ngành công nghiệp ở các khu công nghiệp phía nam, nhưng quá trình này vẫn còn chậm, khiến chính phủ ưu tiên đầu tư bất động sản như một con đường tắt để khắc phục tình trạng thiếu hụt ngân sách, vào khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội.

Ngoại trừ Samsung, các thương hiệu lớn trước đây đã và đang đến Việt Nam dưới danh nghĩa cơ chế “Trung Quốc cộng một” (China Plus one) (*), trong đó quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành một địa chỉ dự phòng trong tương quan với Trung Quốc, nơi các công ty này quản lý hầu hết nguồn lực, nỗ lực và sự nghiên cứu đầu tư phát triển của họ. Nhưng vì những tác động lâu dài mà cuộc thương chiến Mỹ-Trung có thể gây ra cho chuỗi cung ứng công nghệ, các công ty vốn đã nhạy cảm với chi phí ngày càng tăng của Trung Quốc có thể phải suy nghĩ lại về chiến lược và kế hoạch mở rộng.

Cơ chế “Trung Quốc cộng một” đặt Việt Nam vào vị trí thuận lợi nếu các nhà sản xuất các sản phẩm như linh kiện ô tô và linh kiện điện tử với giá thành nhạy cảm bắt đầu chuyển dịch dây chuyền sản xuất ra khỏi đại lục. Như một sự lôi cuốn, Hà Nội có thể cung cấp các chính sách thuế và đất ưu đãi để thu hút các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc, cũng như các công ty đa quốc gia lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và phương Tây. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao và cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Việt Nam khiến quốc gia này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Malaysia, Thái Lan và thậm chí Philippines trong các ngành sản xuất tinh vi.

<=== Từ trên xuống:

Đồ thị về tổng mức xuất khẩu của Việt Nam (từ năm 2001 đến năm 2016),
Đồ thị về các đối tác xuất khẩu và tỉ lệ phần trăm trong thị phần xuất khẩu của Việt Nam (từ năm 2001 đến năm 2016),
Đồ thị về mức tăng tổng sản phẩm quốc nội – GDP – của Việt Nam (từ năm 2001 đến năm 2017).

Nguồn: Bản đồ Thương mại Thế giới, Ngân hàng Thế giới.

Nỗ lực duy trì thế cân bằng mong manh

Giống như Trung Quốc, Việt Nam không thể thay đổi toàn bộ nền công nghiệp chỉ trong một đêm. Một quá trình chuyển đổi như vậy đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, năng lực công nghệ và mức phát triển cao hơn của tiềm năng công nghiệp trong nước. Khoảng cách địa lý rất gần với Trung Quốc và cuộc tranh chấp lãnh hải lâu năm với siêu cường phương bắc đặt Việt Nam vào vị trí nhạy cảm nhất trong tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Kết quả là, Hà Nội đã tập trung vào việc đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược với các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, đồng thời tránh bất kỳ sự gián đoạn nào trong quan hệ với Trung Quốc, cũng như những lợi ích thương mại và kinh tế được hưởng lợi từ đó. Thật vậy, Hà Nội sẵn sàng ngậm bồ hòn làm ngọt trong quá trình cải cách để thỏa mãn các hiệp định thương mại tự do, chính là lộ trình đa dạng hóa không chỉ với các khoản đầu tư mà còn cả các quan hệ đối tác chiến lược.

Tuy nhiên, cuộc thương chiến ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington sẽ làm gián đoạn nỗ lực cân bằng của Hà Nội. Hoa Kỳ đã xác định Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực, giữa cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn với Trung Quốc và quan hệ an ninh song phương giữa hai nước đã được tăng cường rõ rệt thông qua một loạt các cuộc trao đổi cấp cao chính thức và bên lề. Đối với Hà Nội, thao tác tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác khác là điều cần thiết trong chuyện cân bằng cán cân ngoại giao trước Trung Quốc. Nhưng lựa chọn giữa Hoa Kỳ hay Trung Quốc trong chiến tranh thương mại và an ninh đều không thỏa đáng khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.

Cuộc cạnh tranh mới giữa các siêu cường đang làm xáo trộn thế cân bằng ngoại giao và rủi ro của Việt Nam, vốn đã được tính toán cẩn thận, buộc quốc gia này phải lựa chọn giữa lợi ích kinh tế từ Trung Quốc và nỗ lực của Hoa Kỳ để chống lại người khổng lồ Đông Á.

.

Nguyên tác: (Straffor)  The U.S.-China Battle Complicates Vietnam's Economic Ambitions
Dịch giả: Châu Minh Dũng

 


Cái Đình - 2018