Trọng Đạt


Tháng Ba Di Tản

Bối cảnh lịch sử

Đề tài này tôi đã viết vài lần trước đây nên sẽ không đề cập nhiều về chi tiết, trong phần nhận xét sẽ đánh giá lại hậu quả của di tản, xin được trình bầy lại trong dịp 42 năm biến cố bi thảm này.

Đầu tháng 2 năm 1968, trận đánh Tết Mậu Thân nổ ra ngay giữa mấy chục tỉnh và thị xã lớn tại miền nam VN, người ta cho là chiến tranh đã tới giai đoạn tàn khốc nhất và sẽ phải có hòa bình. Nhưng mấy năm sau đó dưới thời tân Tổng thống Nixon, cuộc chiến lại khốc liệt hơn gấp bội lần, những trận đánh lớn qui ước cấp sư đoàn, quân đoàn diễn ra liên tiếp. Mặc dù Mỹ-Việt Nam Cộng Hòa thắng lợi về quân sự nhưng nó không đóng vai trò quyết định mà thực ra trận Mậu Thân tuy cường độ khiêm tốn hơn nhưng đã thay đổi khúc quành cuộc chiến. Miền Nam đánh thắng một trận lớn nhưng thua trận, số phận bi thảm của Đông Dương đã được quyết định từ đây. Người Mỹ quá chán nản mệt mỏi cuộc chiến, họ chống đối dữ dội đòi chính phủ phải rút ra khỏi Đông Dương.

Đầu năm 1969, Nixon nhậm chức Tổng thống và bắt tay vào việc mang lại hòa bình giữa khi phong trào phản chiến bùng phát tới chỗ bạo động, đổ máu, chết người... (1). Trong khi tại miền Bắc, Tổng bí thư Lê Duẩn với lập trường sắt đá quyết chiếm được miền Nam dù phải đẩy hàng triệu cán binh vào tử địa. TT Nixon cứng rắn kiên quyết không nhượng bộ địch nhưng cũng không chế ngự được cuộc chiến tại đất nhà.

Năm 1972 mặc dù TT Nixon (Cộng Hòa) tái đắc cử nhiệm kỳ hai với đại đa số phiếu cử tri đoàn 96% (520/17), hơn đối thủ McGovern (Dân Chủ) 18 triệu phiếu nhưng đảng đối lập vẫn giữ đa số tại Quốc hội với 56% Hạ viện và 57% Thượng viện. Hiệp định Paris ký kết vào cuối tháng 1-1973 khi người dân, Quốc hội Dân Chủ thúc ép phải ký gấp nên VNCH có một số điều khoản bất lợi, Cộng quân vẫn được đóng tại dưới Khu phi quân sự.

Sáu tháng sau Hiệp định Paris, Quốc hội Dân Chủ ra luật cắt tất cả các ngân khoản quân sự cho Hành pháp về những hoạt động quân sự tại Đông Dương có hiệu lực từ giữa tháng 8-1973 (2) và cắt giảm viện trợ từ 2,2 tỷ năm 1973 xuống còn 1 tỷ tài khóa 1974 và chỉ còn 700 triệu tài khóa 1975 (3). TT Nixon cho biết ngày 23-9-1974, Lưỡng viện Quốc Hội (DC) Mỹ chỉ chấp thuận viện trợ cho miền nam VN 500 triệu (4), ông nói các vị dân cử phản chiến đã xóa sổ đồng minh miền nam VN.

Ngày 9-8-1974 Nixon từ chức vì Watergate, Gerald Ford lên thay, tình hình chính trị VN ngày càng xấu. Vụ tai tiếng Watergate khiến Dân Chủ lấy thêm được 49 ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện đầu tháng 11-74, chiếm 291 ghế, tỷ lệ 66,9%.

Họ cũng lấy thêm được 4 ghế Thượng viện thành 60 ghế tỷ lệ 60%, những đảng viên Dân Chủ mới vào kỳ này chống chiến tranh VN tích cực (5).

Trong khi CS quốc tế viện trợ quân sự dồi dào cho Hà Nội, giai đoạn 1972-1975 hàng viện trợ 649.246 tấn hàng vũ khí tương đương với giai đoạn 1969-72 (6). Cuối năm 1974 Nga tăng viện trợ cho BV gấp 4 lần so với những tháng trước đó (7).

Ngược lại miền Nam lại lâm vào tình trạng kiệt quệ nhất trong cuộc chiến 1964-1975 vì bị cắt viện trợ. TTMT Cao Văn Viên cho biết đạn dược súng lớn nhỏ tháng 2-75 chỉ đủ xử dụng cho 30 ngày, tháng 4 chỉ còn đủ cho khoảng hai tuần (8). Xe tăng, máy bay thiếu cơ phận thay thế, khoảng 1/3 nằm ụ. Theo Tướng TL Nguyễn Văn Minh vì thiếu săng nhiều máy bay không cất cánh được, chính BV cũng đã biết tình trạng bi đát của VNCH (9).

Cũng theo lời ông Cao Văn Viên, trước tình hình thiếu thốn tiếp liệu đạn dược do cắt giảm viện trợ, nhiều nhà Chiến lược gia đã đề nghị với TT Thiệu thu hẹp lãnh thổ vì không đủ hỏa lực để bảo vệ cả 4 Quân khu, bỏ Quân khu I và Quân khu II rút về bảo vệ QK III và QK IV (10).

1- Vào năm 1974, Tướng Đồng Văn Khuyên, TMT đệ trình lên tổng thống ý niệm phải thu hẹp lãnh thổ VNCH thế nào tương xứng với sự cắt giảm viện trợ quân sự.

2- Thiếu tướng John Murray thuộc phòng tùy viên quốc phòng Hoa Kỳ (Defense Attache Office-Vietnam) có cung cấp cho tổng thống Thiệu qua Tòa Đại Sứ Mỹ một sơ đồ tương tự.

3- Chuẩn tướng Úc Đại Lợi Ted Sarong cũng đề nghị qua một giới chức Phủ Tổng Thống một kế hoạch tương tự.

Các kế hoạch trên rất khó thực hiện vì nếu rút cả hai QK I, II về phần đất còn lại (QK III, IV) người dân sẽ chạy ùa theo. Ít nhất QK III, QK IV sẽ phải tiếp nhận từ 3 tới 4 triệu người tỵ nạn, chính phủ rất khó nuôi thêm một số dân quá đông.

Giữa tháng 12-1974 ba sư đoàn CSBV tấn công Phước Long, ngày 7-1-1975 họ đã chiếm được toàn bộ tỉnh. BV đánh thăm dò phản ứng Mỹ, TT Ford chỉ phản đối xuông. Trước đó chỉ vài ngày, trong một phiên họp quân sự cao cấp tại Dinh Độc Lập TT Thiệu vẫn lạc quan tin rằng BV chưa phục hồi sau trận đánh lớn 1972, chưa đủ sức tấn công các thị xã, thành phố lớn.

Tám mươi phần trăm quân chính qui BV đã hiện diện tại QK I và QK II của VNCH tháng 3-75, họ giữ lại 3 sư đoàn tổng trừ bị (thuộc quân đoàn I) tại miển Bắc. Tại QK I, theo tác giả Nguyễn Đức Phương, Bắc việt có 7 sư đoàn (324B, 325, 320B, 312, 304, 711, 712) và 3 Trung đoàn độc lập tổng cộng vào khoảng 8 sư đoàn (11).

Theo TTMT Cao Văn Viên, tại đây BV có 5 sư đoàn (341, 325C, 324B, 304, 711), 10 trung đoàn độc lập (52, 4, 5, 6, 27, 31, 48, 51, 270, 271), 3 Trung đoàn đặc công (5, 45, 126), toàn bộ vào khoảng hơn 8 Sư đoàn (12).

Tại QK II họ để một lực lượng tương đương 6 sư đoàn (13).

Trong khi đó tại QK I, VNCH có 3 sư đoàn cơ hữu (1, 2, 3) và 2 sư đoàn tổng trừ bị (Dù, TQLC), 4 liên đoàn Biệt động quân; QK II có 2 sư đoàn cơ hữu (22, 23) và 7 Liên đoàn BĐQ.

 

Diễn tiến cuộc di tản

Sau khi đã đánh thử Phước Long, thấy Mỹ chỉ phản đối xuông, Hà Nội bèn mở cuộc tổng tấn công qui mô, họ đánh chiếm Ban Mê Thuột ngày 13-3-1975 mở đầu cho sự sụp đổ của miền nam VN.

Đầu tháng 3-1975 một phái đoàn dân biểu Mỹ tới Việt Nam để nghiên cứu tình hình trước khi quyết định viện trợ thêm, đa số là phản chiến. Khoảng mười ngày sau họ về Mỹ và từ chối giúp đỡ, TT Thiệu hết hy vọng nên phải nghĩ tới kế hoạch tái phối trí lực lượng. Ngày 11-3-1975, ông họp với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, các Tướng Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang tại Dinh Độc Lập và cho biết vì nay không đủ lực lượng nên cần tái phối trí. Theo ông những vùng quan trọng là QK III, QK IV, những vùng cần chiếm lại là những nơi đông dân trù phú, có giá trị về lâm sản. Tại QK II phải chiếm lại Ban Mê Thuột vì tỉnh này quan trọng, miền duyên hải QK II giữ được phần nào hay phần nấy. Ta chỉ có thể giữ được Quân khu III, Quân Khu IV và một vài tỉnh duyên hải QK I và QK II. Quân khu I chỉ giữ Huế và Đà Nẵng (14).

Ngày 14-3-1975, TT Thiệu bay ra Cam Ranh mở phiên họp cao cấp quân sự, có mặt các ông Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Cao Văn Viên, Phạm Văn Phú (Tư lệnh QK II). (Phạm Huấn ghi lại theo lời kể của Tướng Phú trong cuốn Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975). Ông Thiệu cho biết Quốc hội Mỹ cắt quân viện, hủy bỏ những cam kết yểm trợ không lực khi bị tấn công, lãnh thổ phòng thủ quá rộng nên ta phải tái phối trí lực lượng. Tướng Phú phải rút quân bỏ Kontum Pleiku về duyên hải, qua Nha Trang sau đó sẽ hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột.

Tại Quân khu II, VNCH có 2 sư đoàn bộ binh (22, 23) và 7 liên đoàn Biệt động quân, BV có 5 sư đoàn bộ binh và 4 trung đoàn độc lập.

Tướng Phú xin ở lại tử thủ nhưng ông Thiệu bác bỏ, và căn dặn phải dấu không được cho các Tỉnh trưởng, Quận trưởng biết, họ phải ở lại chiến đấu. Về buổi họp này Tướng BV Văn Tiến Dũng ghi lời khai của Chuẩn tướng Phạm Duy Tất cũng gần giống như vậy, ông Cao Văn Viên ghi lại chi tiết buổi họp cũng gần giống như lời Phạm Huấn.

Tướng Cao Văn Viên cho biết quốc lộ 21 về Nha Trang không đi được vì đường 14 từ Pleiku tới Ban Mê Thuột đã bị BV cắt, đường 19 nối Pleiku với Qui Nhơn bị Cộng quân đóng chốt nhiều nơi, đèo An Khê bị cắt ở hai phía đông tây, chỉ con đường số 7B. Con đường này tuy tạo được yếu tố bất ngờ nhưng bị bỏ hoang cầu cống hư hỏng.

Kế hoạch được giữ bí mật, Liên đoàn 20 công binh chiến đấu mở đường, thiết giáp đi theo các đoàn xe để bảo vệ, hai liên đoàn Biệt động quân và thiết giáp đi bọc hậu đoàn quân di tản.

Ngày 16-3-1975 đoàn xe bắt đầu rời Pleiku gồm các đơn vị quân cụ, đạn dược, pháo binh, khoảng 200 xe. Tướng Phú và bộ tư lệnh đi trực thăng về Nha Trang, Chuẩn tướng Phạm Duy Tất lo đôn đốc cuộc di tản. Mỗi ngày một đoàn xe khoảng 200 hay 250 chiếc, ngày đầu êm xuôi vì bất ngờ. Điều xui xẻo là đường rút lui lại gần vị trí đóng quân của Sư đoàn 320 BV tại Buôn Hô, Ban Mê Thuột, chúng đuổi theo ngày 16-3 (ngày 18 đã bắt kịp).

Ngày hôm sau 17-3, các đơn vị pháo binh còn lại, công binh, quân y, tổng cộng chừng 250 xe. Khi ấy dân chúng chạy ùa theo làm náo loạn.

Ngày 18-3 Bộ chỉ huy Quân đoàn về tới Hậu Bổn, Phú Bổn, Việt Cộng đuổi theo pháo kích dữ dội gây thiệt hại hầu hết chiến xa và trọng pháo tại đây. Địch pháo kích phi trường gây kinh hoàng cho đoàn di tản. Lực lượng chiến xa pháo binh dồn đống tại Phú Bổn bị thiệt hại nặng tới 70%.

Chặng đường cuối cùng về Tuy Hòa rất cam go vì có nhiều chốt VC, trời mưa lạnh, địch pháo kích đoàn di tản để cầm chân ta. Ngày 27-3, sau khi thanh toán chốt cuối cùng, đoàn di tản về tới Tuy Hòa buổi tối tổng cộng 300 xe (trong số 1.200 xe) mở đường máu về được Tuy Hòa.

Theo lời kể của Đại tá Phạm Bá Hoa, khi ta rút khỏi Pleiku và Kontum 4 ngày (kể từ 16-3) CSBV mới tiến quân vào hai tỉnh lỵ này, chúng còn đóng ở xa. (PBH: Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7B). Theo The World Almanac Of The Viet Nam War trong số khoảng 400.000 người dân Cao nguyên chạy loạn chỉ có chừng một phần tư tới Tuy Hòa. Tướng Hoàng Lạc nói trong số khoảng 200.000 dân chạy loạn chỉ có 45.000 tới Tuy Hòa. 60.000 chủ lực quân chỉ có 20.000 tới được Tuy Hòa. Lữ đoàn 2 Thiết Kỵ với trên 100 xe tăng nay chỉ còn 13 chiếc M-113. Tướng Cao Văn Viên nói ít nhất 75% lực lượng, khả năng tác chiến của Quân đoàn II gồm Sư đoàn 23 BB, BĐQ, Thiết giáp, Pháo binh, Công binh… bị hủy hoại trong vòng 10 ngày. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột không thể thực hiện được vì không còn quân.

Tại Quân khu I, VNCH có ba sư đoàn cơ hữu 1, 2, 3 và hai sư đoàn tổng trừ bị (Dù, TQLC) và 4 liên đoàn Biệt động quân nhưng ông Thiệu lại cho rút sư đoàn Dù về Trung ương.

Ngày 14/3 sau khi họp với TT Thiệu Tướng Trưởng từ Sài Gòn về Quân đoàn I họp tham mưu, thảo luận kế hoạch tái phối trí.

Ngày 17/3 Lữ đoàn 258 TQLC sẽ rời Quảng Trị để về Đà Nẵng thay lữ đoàn 2 Dù. Dân chúng sợ hãi đã di tản ồ ạt trên Quốc lộ 1 gây cản trở.

Ngày 18/3 Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ra Đà Nẵng để giải quyết vấn đề dân tỵ nạn, ông cho Tướng Trưởng biết sẽ không có quân tăng viện Quân khu I.

Ngày 19/3 Tướng Trưởng được triệu về Sài Gòn họp lần thứ hai để trình bầy hai kế hoạch lui binh:

Kế hoạch Một: các đơn vị sẽ theo Quốc lộ I từ Huế, Chu Lai về Đà Nẵng, trong trường hợp Quốc lộ I bị cắt thì sẽ theo kế hoạch Hai.

Kế hoạch Hai: Các lực lượng Quân đoàn sẽ tập trung tại ba cứ điểm Huế, Đà Nẵng và Chu Lai, tầu Hải quân sẽ chuyên chở lính từ Huế và Chu Lai về Đà nẵng. Đà Nẵng là điểm phòng thủ chánh. Tướng Trưởng đề nghị giữ cả ba cứ điểm để phân tán lực lượng và gây tổn thất tối đa cho địch, ông Thiệu cho biết giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Ngày 19/3 Quảng Trị bỏ ngỏ, chi đoàn Thiết giáp, Liên đoàn 14 BĐQ rút về bên này Mỹ Chánh lập phòng tuyến mới.

Sáng 20/3 Tướng Trưởng bay ra bộ chỉ huy tiền phương họp các cấp chỉ huy bàn kế hoạch phòng thủ Huế như Tổng thống ra lệnh phải giữ bằng mọi giá.

Đến chiều khi về tới Đà Nẵng, Tướng Trưởng nhận được lệnh của của dinh Độc Lập chỉ giữ Đà Nẵng thôi nếu tình hình bó buộc, vì không đủ sức để bảo vệ cả ba cứ điểm Chu Lai, Huế và Đà Nẵng.

Quân khu I ngày một nguy ngập, Cộng quân đã bắt đấu tấn công mạnh theo thế gọng kìm từ trên Quảng Trị đánh xuống và từ dưới Quảng Ngãi đánh lên. Tại Huế, Trung đoàn 1 BB (SĐ1) và Liên đoàn 15 Biệt động quân bị đẩy lui, Tướng Trưởng ra lệnh thu gọn tuyến phòng thủ Huế.

Dân chúng và quân cụ bắt đầu được chở bằng tầu ra khỏi Đà Nẵng. Sáng ngày 24/3 tại phía Nam Quân khu I, BV tấn công mạnh tại Quảng Tín, Trung đoàn 52 BV và xe tăng đánh Tam Kỳ, đặc công đột nhập tỉnh lỵ thả tù gây rối loạn đến trưa thì Tam Kỳ thất thủ. Dân ùn ùn chạy về Đà Nẵng. Quảng Ngãi bị Cộng quân tấn công dữ dội.

Ngày 25/3 tất cả các đơn vị Quân đoàn I tụ lại 3 phòng tuyến chính: Nam Chu Lai, Đà Nẵng và Bắc Huế, các lực lượng của Quân đoàn I bị thiệt hại nhiều khi di tản về các phòng tuyến này. Một nửa Sư đoàn 2 đã lên tầu đưa về Bình Tuy, chính phủ tuyên bố Huế và Chu Lai thất thủ ngày 25/3.

Huế bắt đầu di tản, Sư đoàn I và các đơn vị cơ hữu rút ra cửa Tư Hiền. Sư đoàn TQLC và các đơn vị trực thuộc sẽ triệt thoái bằng tầu Hải quân. Cộng quân đuổi theo nã pháo vào cửa Tư Hiền và các địa điểm tập trung gây nhiều thiệt hại. Hỗn loạn diễn ra không còn quân kỷ, Sư đoàn I tan rã tại đây chỉ có một phần ba về được đến Đà Nẵng, tới nơi họ rã ngũ đi tìm thân nhân.

Trong khi đó Lữ đoàn kỵ binh với hơn 100 thiết giáp các loại từ mặt trận Bắc Huế tiến về cửa Thuận An, theo sau là các đơn vị pháo binh với hằng trăm khẩu pháo. TQLC, BĐQ, ĐPQ từ tuyến sông Bồ đang lũ lượt kéo về, hỗn loạn lại diễn ra. Hai tầu dương vận hạm đến cửa Thuận An để chở TQLC, tầu hải vận đĩnh và quân vận đĩnh chở người từ bờ ra dương vận hạm.

Các Sư đoàn Cộng quân tấn công bao vây Đà Nẵng, VNCH lập tuyến phòng thủ nhưng ngày 27/3/1975 bị vô hiệu trước sự hỗn loạn. Tại đây Quân đoàn I chỉ còn có Sư đoàn 3 và 2 lữ đoàn TQLC, các Sư đoàn 1 và 2 đã bị rã ngũ, một phần đã được tầu chở ra khơi. Lực lượng không đủ đương đầu với áp lực quá đông của địch.

Sáng ngày 28/3/1975 Tướng Trưởng họp khẩn cấp các đơn vị trưởng ban hành một số biện pháp vãn hồi trật tự và tái trang bị các đơn vị di tản trong thành phố nhưng không còn đủ quân tác chiến. Hai giờ trưa các xã ấp quanh Đà Nẵng đã bị địch chiếm.

CSBV pháo phi trường, căn cứ Hải quân rất dữ dội và chính xác. Liên lạc giữa Sài Gòn và Đà Nẵng bị cắt đứt, Tướng Trưởng lập tức ra lệnh bỏ Đà Nẵng, ông họp với Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư lệnh Hải quân vùng I và các cấp chỉ huy để hẹn địa điểm rút quân tại: chân đèo Hải Vân, núi Non Nước và cửa khẩu Hội An.

Rạng sáng ngày 29/3/1975 binh sĩ lội ra biển. Cuộc di tản êm xuôi cho đến khi khi địch phát hiện, pháo kích vào địa điểm tập trung quân và tầu ngoài khơi gây nhiều thiệt hại. Đoàn tầu di tản được khoảng 6.000 TQLC, 3.000 lính Sư đoàn 3 và nhiều đơn vị khác.

Đà Nẵng thất thủ ngày 29/3/1975, có tài liệu cho biết VNCH mất 130 máy bay tại Đà Nẵng, năm 1976 Tướng Trưởng cho biết khoảng 6.000 TQLC, và 4.000 quân thuộc các binh chủng khác đã được tầu bè cứu thoát. Tổng cộng có 70.000 người dân được cứu thoát và 16 ngàn lính. Bốn sư đoàn kể cả TQLC đã bị thiệt hại nặng nề.

 

Nhận xét

Tướng TTMT Cao Văn Viên cho biết tái phối trí là cần thiết và đã có ý tưởng từ lâu nhưng không tiện nói với TT Thiệu vì sợ hiểu lầm là chủ bại (Những Ngày Cuối Của VNCH trang 131, 132) và nay mới tái phối trí là quá trễ. Đúng ra phải thực hiện từ giữa năm 1974 hay khi Nixon từ chức (tháng 8-74). Ông nói cuộc di tản QĐ II bị ngăn trở bởi dòng người chạy loạn, nếu làm được cầu qua sông đúng lúc thì địch không đuổi theo kịp (trang 151, 152).

Ông Cao Văn Viên chỉ trích Tướng Phú (TL QĐ II) không chu toàn trách nhiệm, không bàn thảo với ban tham mưu (trang 152), tỉnh trưởng Phú Bổn và Phú Yên thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh lộ trình. Sự thật sai lầm do thượng cấp nhiều hơn, ông TTMT cũng nói nếu không tái phối trí sẽ không thua nhanh như vậy (trang 153).

Đại tướng Cao Văn Viên mâu thuẫn với chính ông, trong NNCCVNCH trang 92 tác giả nói đạn dược chỉ đủ xử dụng trong 30 ngày (tháng 2-1975). Nhưng ông lại nói ta vẫn còn mạnh, chỉ tại di tản. Không tái phối trí ta không tan nhanh như thế, mất Ban Mê Thuột chỉ mất một phần của sư đoàn 23 BB nhưng nhưng tất cả những đơn vị khác vẫn còn nguyên vẹn, ta vẫn còn mạnh. Dù lấy được Ban Mê Thuột, Cộng quân vẫn phải ngừng lại, suy tính kỹ trước khi mở một mặt trận mới ở QK II, ta vẫn còn Sư đoàn 22 BB (trang 134).

Tại Quân đoàn I, sự sụp đổ còn nhanh và tồi tệ hơn QĐ II. Nhiều biểu hiện tiêu cực như cấp chỉ huy bỏ chạy trước khiến cho các đơn vị như rắn không đầu đưa tới hỗn loạn, những điều tệ hại này đã được các nhân chứng kể lại.

Phạm Huấn cho biết tại những địa điểm tập trung quân, vô cùng hỗn loạn, triệt thoái vội vã, không có kế hoạch, lịch trình, sự phối hợp Quân đoàn và Hải quân lỏng lẻo, cuộc lui binh cũng hỗn độn y như cuộc triệt thoái Cao nguyên (15).

TTMT Cao Văn Viên nói:

“Sự hỗn loạn, thất bại của cuộc tái phối trí ở Vùng Một xảy ra không phải vì áp lực của Cộng quân, mà vì tinh thần chiến đấu của quân ta không còn nữa” (trang 184, 185).

Tác giả lại mâu thuẫn, ông cho biết lực lượng địch tới 8 sư đoàn (trang 160), gấp hai lần VNCH, ta không thể cầm cự lâu dài được. Trong khi tại phía Bắc QK I phải rút từ Huế về Đà Nẵng, các tỉnh phía Nam Quân khu (Quảng Ngãi, Quảng Tín) đều phải hối hả rút về Đà Nẵng vì bị BV tấn công dữ dội mà ông lại nói không phải vì áp lực địch.

Tác giả Nguyễn Đức Phương (16) cho rằng Quân khu I thất thủ dễ dàng không có một lực lượng nào được tổ chức để đánh trì hoãn, có 4 nguyên nhân chính, xin sơ lược.

Lực lượng Cộng Sản tại Quân khu I trội hơn nhiều so với sự phân tán mỏng của ta. Kế hoạch lui binh về các cứ điểm Huế, Đà Nẵng, Chu Lai quá trễ.

Ông Thiệu sai lầm trầm trọng khi cho rút Sư đoàn Dù về Vùng III quá nhanh, khiến cho dân chúng hốt hoảng đổ dồn về Đà nẵng gây ra hỗn loạn. Đã phát thanh lời kêu gọi tử thủ Huế của Tổng thống, sau lại cho lệnh bỏ Huế khiến quân dân chúng hoang mang mất tin tưởng.

Nhiều sĩ quan cao cấp của Quân đoàn I mất tinh thần đào ngũ bỏ chạy, các đơn vị lần lượt tan rã, Cộng quân chiếm được đất mà không phải giao tranh.

Triệt thoái Quân đoàn II là sai lầm lớn của ông Thiệu như mọi người đã chỉ trích, cuộc lui binh đã làm thiệt mạng nhiều thường dân vô tội. Số thiệt hại của quân lính ít hơn vì họ có kinh nghiệm chiến trận, biết tránh bom đạn và có phương tiện hơn. Theo lời kể của một nhân chứng, cuộc hành trình vô cùng gian nan và bi thảm. Đương sự, một cô giáo đã may mắn sống sót sau nhiều tuần lê lết trong rừng, nhiều ngàn người chết vì đói khát, kiệt sức, lạc lối... trong rừng.

Tuy nhiên không hẳn ông Thiệu là nguyên nhân cho sự sụp đổ miền Nam mà người ta khẳng định. Tướng Cao Văn Viên chỉ trích ông Thiệu, Tướng Phú... nhưng ở cương vị Tổng tham mưu trưởng ông cũng không đưa ra được kế hoạch nào cứu nguy VNCH trước tình thế nguy kịch.

Sau khi ký Hiệp định Paris, hơn nửa triệu quân Mỹ vá các nước đồng minh đã rút đi, quân đội VNCH một mình phải gánh vác toàn bộ chiến trường với quân viện bị cắt giảm tận xương tủy, chuyện này ai cũng biết cả. Trong trận Phước Long khi CSBV bắn đại bác thả dàn thì binh sĩ miền Nam, nhất là pháo binh phải đếm từng viên đạn (17). Trong khi BV tổng cộng có 5 quân đoàn (1, 2, 3, 4, 232) tổng cộng 15 sư đoàn và 26 trung đoàn độc lập (18), phía VNCH chỉ có 13 sư đoàn lại trải mỏng để giữ đất thì sự sụp đổ cũng không có gì khó hiểu.

Tại QK I, như ta thấy khó có thể nói do ảnh hưởng của triệt thoái, ông Thiệu chỉ cho rút từ Huế vào Đà Nẵng. Các đơn vị không đủ sức chống lại áp lực quá lớn và hỏa lực mạnh của địch đã phải rút chạy về Đà Nẵng, Chu Lai... nhiều hơn là do cấp chỉ huy bỏ chạy hoặc do sai lầm của thượng cấp.

Lực lượng VNCH tại QK I gấp hai lần QK II (4 sư đoàn chính qui, 4 liên đoàn BĐQ đã tan rã trong 10 ngày lui binh. Tại QĐ I ông Thiệu chỉ ra lệnh bỏ Huế rút về Đà Nẵng vì không đủ lực lượng và hỏa lực, tiếp liệu... không thể nói QK I sụp đổ vì di tản.

Mọi người đều biết QK III không di tản và đã chiến đấu hết khả năng, giữ vững vị trí sau khi miền Trung thất thủ nhưng cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Người ta cũng đổ cho ông Dương Văn Minh làm mất nước, đầu hàng địch. Các vị nguyên thủ Quốc gia, Tướng lãnh đã làm hết sức mình nhưng cũng không cứu vãn được tình thế.

Miền Nam phải dựa vào yểm trợ của B-52, theo tác giả George Donelson Moss (19) viện trợ Mỹ cho VNCH phải từ 3 cho tới 3 tỷ rưỡi một năm mới đủ nhu cầu cuộc chiến, trên thực tế viện trợ 1975 chỉ còn 700 triệu chưa được bằng một phần tư nhu cầu (1/4).

Về điểm này Tướng Davidson đã công nhận CSBV được cấp nhiều xe tăng, đại bác tối tân, họ luôn mạnh hơn VNCH. Mỹ đã nâng cấp quân đội miền nam VN cho bằng BV nhưng quá trễ và quá ít “too little, too late”, nguyên văn.

“Vì thế quân đội BV luôn đi trước quân đội VNCH một bước. Việt Nam hóa chiến tranh là chuyện chạy đua (vũ trang) quá ít, quá trễ” (20).

Theo lời Tướng Tư lệnh không quân VNCH, năm 1975 thiếu nhiên liệu, máy bay không có khả năng cất cánh. Cắt giảm viện trợ đã khiến xe tăng, đại bác thiếu cơ phận thay thế, có tới 35% xe tăng, 50% thiết giáp, máy bay phải nằm ụ. (21)

Miền nam không thể chiến đấu khi cạn kiệt tiếp liệu đạn dược, sự sai lầm tái phối trí chỉ làm cho tình hình tồi tệ nhanh hơn.

Tướng Cao Văn Viên nói nếu không có tái phối trí, QK II không sụp đổ nhanh như vậy, ta còn đủ đạn dược, tiếp liệu chiến đấu cho hết mùa khô.

Ta cũng cần nhìn thẳng vào hậu quả có thể của vấn đề với giả thuyết quân đội VNCH chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Trong trường hợp này sự thiệt hại nhân mạng của của hai bên sẽ cao hơn nhiều nếu cuộc chiến kéo dài như xứ Chùa Tháp. Địch sẽ pháo kích ồ ạt vào các các thành phố lớn đông dân như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang... và giết hại nhiều thường dân vô tội hơn.

Sau khi chiếm được miền Nam chúng sẽ trả thù tàn khốc hơn, sẽ tàn sát kẻ chiến bại thẳng tay như trận Tết Mậu Thân Huế năm 1968, miền Nam sẽ phải trả giá đăt hơn nhiều.

 

Trọng Đạt
(trích trong Chiến Tranh Việt Nam Dưới Thời Kennedy-Johnson-Nixon-Ford, 2017)

_______________________

Tham khảo

(1) R.Nixon: No More Vietnams trang 126.

(2) No More Vietnams trang 180.

(3) No More Vietnams trang 185-186.

Kissinger : Years of Renewal trang 471.

(4) No More Vietnams trang 189.

(5) Henry Kissinger: Years of Renewal - trang 479.

(6) BBC.Tiếng Việt ngày 10-5-2006: Viện Trợ Quốc Tế Cho Miền Bắc Trong Chiên Tranh.

(7) Henry Kissinger: Years of Renewal - trang 481.

(8) Những Ngày Cuối Của VNCH - trang 92.

(9) Kissinger. Years Renewal - trang 480.

Tháng 1/1975 báo Học tập cùa CS viết.

“Hỏa lực và sự di động của quân Ngụy giảm mạnh trong quí ba 1974, hỏa lực pháo binh hàng tháng của quân Ngụy giảm ba phần tư (3/4) so với 1973. Số phi vụ chiến thuật hàng ngày của Ngụy giảm chỉ còn một phần năm (1/5) so với năm 1972. Số máy bay Ngụy so với thời ký chiến tranh trước đây giảm 70%, trực thăng giảm 80%... Kho bom đạn Ngụy giảm mạnh và chúng gặp nhiều khó khăn về tiếp liệu, bảo trì, sửa chữa và xử dụng các loại máy bay, xe tăng, tầu thuyền, vũ khí nặng.

(10) Những Ngày Cuối của VNCH, trang 130.

(11) Chiến tranh VN toàn tập, trang 752.

(12) Những Ngày Cuối Của VNCH, trang 160.

(13) Dương Đình Lập: Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi dậy Mùa Xuân 1975, trang 90, 91.

(14) Những Ngày Cuối Của VNCH trang 129, 130, 131.

(15) Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975 trang 57, 58).

“Hơn 20 ngàn Chủ lực quân, hàng mấy trăm chiến xa, đại bác, cùng với cả trăm ngàn dân chúng...., nhưng hai cửa Thuận An và Tư Hiền không được phòng thủ bảo vệ. Sự phối hợp và chỉ huy giữa Bộ Tư Lệnh Tiền Phương và hải quân thật lỏng lẻo.

(16) Chiến tranh VN Toàn tập - trang 762, 763, 764.

(17) Kissinger: Years of Renewal - trang 490.

(18) Chiến tranh VN toàn tập trang 901 - Wikipedia tiếng Việt, Chiến dịch xuân hè 1972.

(19) Vietnam, An American Ordeal - trang 388.

(20) Vietnam At War, The History 1946-1975 - trang 660: “Therefore the NVA were always at least one step ahead of the RVNAF”.

(21) R. Nixon, No More Vietnams trang 187- Phillip B. Davidson Vietnam At War, The History 1946-1975 trang 748.


Cái Đình - 2017