Phạm Đình Lân


Taiwan: Bài toán khó cho Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Chính Họ

.

Taiwan là tên một hòn đảo rộng 36.000 km2 (10,9% diện tích Việt Nam). Năm 1542 người Âu Châu đầu tiên khám phá ra hòn đảo này là người Bồ Đào Nha. Họ đặt tên đảo là Formosa có nghĩa là hòn đảo đẹp.

Năm 1624 người Hòa Lan thành lập một thương điểm trên đảo Tayouan, một đảo nhỏ. Thương điểm này là Fort Zeelandia. Chữ Taiwan (Đài Loan) do chữ Taiyouan mà ra vậy.

Năm 1626 người Tây Ban Nha chiếm một vùng ở phía bắc đảo Taiwan để buôn bán với thuộc địa của họ ở Phi Luật Tân.

Người Hòa Lan và Tây Ban Nha mộ nhiều người Trung Hoa ở Fujian (Phúc Kiến) đến đảo Taiwan.

Đến năm 1683 nhà Thanh (Qing) mới sáp nhập đảo Taiwan vào lục địa Trung Hoa.

Năm 1894 Trung Hoa bị Nhật đánh bại trên chiến trường Triều Tiên. Theo tinh thần hiệp ước Shimonoseki, Trung Hoa phải nhường đảo Taiwan (Đài Loan) và quần đảo Penghu (Bành Hồ) cho Nhật Bản. Đảo Taiwan đặt dưới sự cai trị của Nhật từ năm 1895 đến 1945. Sau khi bại trận đảo Taiwan được hoàn trả lại cho Trung Hoa lúc ấy còn dưới sự lãnh đạo của thống chế Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) và đảng Kuomintang (Quốc Dân Đảng). 300.000 kiều dân Nhật trên đảo Taiwan bị cưỡng bách hồi hương sau khi bại trận.

Taiwan là đảo sớm giao tiếp với người ngoại quốc như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan và Nhật Bản nên dân chúng Taiwan, mặc dù đa số là người Hán từ Fujian (Phúc Kiến) hay Guangdong (Quảng Đông) đến từ thế kỷ XVII và sau đó, không giống người Hán trên lục địa 100%. Trái lại họ xem họ là người Taiwan. Dĩ nhiên 16 bộ lạc gốc Austronesians, thổ dân sống lâu đời trên đảo, không xem họ là người Hán và không công nhận đảo Taiwan là một đơn vị hành chánh của Trung Hoa. 50 năm dưới sự cai trị của Nhật, đảo Taiwan trở nên phồn thịnh về phương diện kinh tế. Đời sống dân chúng được nâng cao. Dân chúng Taiwan không oán hận Nhật như nhiều người bàng quan tưởng. Nhiều người Taiwan chuyển sang Shinto (Thần Đạo), học tiếng Nhật, nói tiếng Nhật và tự cải tên sang tên Nhật! Sau khi Nhật đầu hàng, đảo Taiwan được hoàn lại cho chánh phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Đó là cơ hội cho người Taiwan so sánh về sự quản lý Taiwan giữa Nhật Bản và Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Kuomintang). Sự tham nhũng và thối nát của chánh quyền Quốc Dân Đảng Trung Hoa do viên toàn quyền Chen Yi đứng đầu làm cho dân chúng chán ngán, bất mãn. Phong Trào Độc Lập Taiwan nhen nhúm và bùng nổ bằng cuộc nổi dậy trở thành cuộc thảm sát ngày 28-2-1947. Có từ 20.000 đến 28.000 người dân trên đảo bị quân Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek thảm sát. Nhiều người bị thủ tiêu bí mật. Năm 1949 Cộng Sản Trung Hoa đánh bại quân của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch). Quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa chạy ra đảo Taiwan trước sự lạnh nhạt của dân chúng trên đảo.

Taiwan trở thành một quốc đảo dưới quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc với lá cờ Thanh Thiên Bạch Nhật và chủ nghĩa Tam Dân (San Min Chu I) do Sun Yatsen đề xướng. Thống chế Chiang Kaishek lãnh đạo Taiwan bằng chế độ độc tài, độc đảng như Mao Zedong (Mao Trạch Đông) trên lục địa.

Taiwan nhận viện trợ của Hoa Kỳ để phát triển kinh tế. Truyền thống kỹ nghệ của Taiwan do Nhật Bản để lại nên việc phát triển kinh tế Taiwan gặp nhiều thuận lợi.

Về an ninh Taiwan cũng có lực lượng quốc phòng của mình; mua võ khí của Hoa Kỳ và được sự bảo vệ của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương. Taiwan (Trung Hoa Dân Quốc) vẫn còn giữ ghế đại diện cho Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc. Họ mất ghế này cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc năm 1971 khi Hoa Kỳ chuẩn bị cuộc viếng thăm Beijing của tổng thống Nixon.

Sau đệ nhị thế chiến Hệ Thống San Francisco (San Francisco System) của Hoa Kỳ là thiết lập liên minh Hoa Kỳ - Nhật Bản - Nam Hàn - Taiwan ở Đông Á. Năm 1955 Hoa Kỳ và Taiwan ký hiệp ước Hỗ Tương Quốc Phòng đảm bảo an ninh Taiwan và quần đảo Pescadores (Pengu- Bành Hồ) nhưng không đảm bảo an ninh hải đảo nhỏ sát duyên hải Trung Quốc là Kinmen (Kim Môn) và Matsu (Mã Tổ). Năm 1958 Mao Zedong ra lịnh pháo kích hai đảo này nhưng vẫn chưa dám chiếm hai tiền đồn sát nách lục địa. Hiệp ước Hỗ Tương Quốc Phòng bắt đầu vô hiệu lực vào ngày 01-01-1980 dưới thời tổng thống Jimmy Carter (DC) để chuẩn bị cho việc bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các quốc gia thiết lập bang giao với Trung Quốc phải chấp nhận nguyên tắc ‘một quốc gia’ nghĩa là Taiwan không phải là một đảo quốc, một Trung Hoa Dân Quốc, mà là một đơn vị hành chánh ly khai với lục địa. Hoa Kỳ an ủi Taiwan bằng đạo luật TRA (Taiwan Relation Act), Đạo Luật Về Quan Hệ Với Taiwan. Hoa Kỳ vẫn giữ quan hệ thương mại với Taiwan. Đảng Cộng Hòa của Hoa Kỳ ủng hộ việc cung cấp võ khí cho Taiwan. Tổng thống Nixon (CH) trao ghế đại diện Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc cho Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Nhưng đảng Cộng Hoà tích cực ủng hộ Taiwan. Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa của Hoa Kỳ đều không chủ trương Taiwan độc lập vì sợ phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc.

Ở Hoa Kỳ có lối 350.000 người Taiwan. Họ rất thành công trong việc kinh doanh. Bà Elaine Lan Chao là vợ của nghị sĩ Mc Connell từng là bộ trưởng bộ Lao Động thời tổng thống Bush II và bộ trưởng bộ Vận Tải thời tổng thống Donald Trump. Người Taiwan ở Mỹ có mặt trong Hạ Viện, ngành Tư Pháp, khoa học kỹ thuật v.v... Jerry Tang là đồng sáng lập viên YAHOO!; Steve Chen, đồng sáng lập viên của YuTube ; Jen Hsun Huang, sáng lập viên của NVIDIA; William Yang, sáng lập viên của VIZIO v.v... Dân số Taiwan không đến 25 triệu người. Nhưng Taiwan là một đảo kỹ nghệ; 75% dân chúng là thị dân. Kinh tế Taiwan đứng hạng 22 trên thế giới.

Taiwan được dân chủ hóa vào nhiệm kỳ hai của tổng thống Lee Teng Hui (Lý Đăng Huy – tổng thống: 1988 - 2000). Ông là người sinh và trưởng thành ở Taiwan và Nhật trong đệ nhị thế chiến, học đại học ở Nhật và Hoa Kỳ. Là một đảng viên cao cấp của Trung Hoa Quốc Dân Đảng nhưng ông có khuynh hướng thân Nhật và chủ trương chấm dứt chế độ độc tài, độc đảng do thống chế Chiang Kaishek lưu lại. Ông muốn có một đảo Taiwan độc lập và không mặn nồng với việc thống nhất với lục địa.

Đảng Dân Chủ Tiến Bộ hưởng ứng chủ trương Taiwan độc lập. Năm 2000 ông Chen Shui Bian (Trần Thủy Biển) của đảng nầy đắc cử tổng thống. Đến năm 2004 ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Ông dùng danh xưng Taiwan thay thế cho quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) tức là tránh chữ China. Hình ảnh của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) và con ông là Chiang Ching Kuo (Tưởng Kinh Quốc) bị xóa mờ. Tổng thống Chen Shui Bian là vị tổng thống Taiwan đầu tiên chánh thức thăm viếng Houston, Los Angeles và New York năm 2001 dưới thời tổng thống Bush II (CH) mặc cho sự phản đối của Beijing.

Beijing (Bắc Kinh) thích Quốc Dân Đảng hơn là đảng Dân Chủ Tiến Bộ đòi tách đảo Taiwan ra khỏi Trung Hoa. Trung Quốc đe dọa dùng võ lực để xâm chiếm Taiwan nếu đảo nầy tuyên bố độc lập. Áp lực quân sự từ phía Trung Quốc ảnh hưởng đến sự đắc cử của lãnh tụ Quốc Dân Đảng Ma Ying Jeou (Mã Anh Cửu) trong hai cuộc bầu cử năm 2008 va 2012. Ma Ying Jeou quá tin tưởng vào Beijing. Những cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Hong Kong làm cho dân chúng Taiwan lo sợ cho tương lai của Taiwan một khi đặt dưới sự kiểm soát của Beijing. Tổng thống Ma Ying Jeou và Quốc Dân Đảng mất uy tín trong dân chúng Taiwan nhất là giới thanh niên và sinh viên vì họ quá lệ thuộc vào Beijing.

Trong cuộc bầu cử năm 2016 bà Tsai Ying Wen (Thái Anh Văn) của đảng Dân Chủ Tiến Bộ vẫn đeo đuổi chủ trương Taiwan độc lập và thờ ơ trước nguyên tắc một nước Trung Hoa. Nhưng bà khéo léo không nói lên ý nghĩ thầm kín của mình để tránh sự đe dọa quân sự của Trung Quốc. Bà đã đắc cử.

Nữ  tổng thống Taiwan Tsai Ying Wen (Thái Anh Văn) của đảng Dân Chủ Tiến Bộ (EPA)

Tsai Ying Wen là một phụ nữ độc thân chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương. Bà học ở Hoa Kỳ và Anh. Bà được nhiều thiện cảm của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đến thời bà làm tổng thống, Trung Quốc rất quyết liệt với Taiwan. Các lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc như Mao Zedong, Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) đều tỏ ra e dè Hoa Kỳ nên chánh phủ Taiwan vẫn còn hiện hữu đến ngày nay. Xi Jinping tỏ ra mình là một lãnh tụ vượt trội hơn những người tiền nhiệm vì:

1. - Trung Quốc là cường quốc kinh tế hạng nhì trên thế giới
2. - Trung Quốc là chủ nợ của Hoa Kỳ sau Nhật
3. - Trung Quốc là một cường quốc quân sự với lực lượng Hải Quân, Không Quân, Kỵ Binh, Bộ Binh hùng hậu nhất ở Á Châu. Đó là một cường quốc nguyên tử và vệ tinh nhân tạo trên thế giới.

Trung Quốc sẵn sàng dằn mặt bất cứ quốc gia nào đã bang giao với Trung Quốc nhưng tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng hay có liên hệ với Taiwan. Taiwan không được dùng lá cờ Thanh Thiên Bạch Nhật của Trung Hoa Dân Quốc mà phải dùng lá Cờ Thế Vận Hội Trung Quốc Đài Bắc (Chinese Taipei Olympic Flag) khi tham dự Thế Vận Hội. Những từ Republic of China hay Taiwan đơn thuần không được dùng trên các phi cơ của các Công Ty Hàng Không ngoại quốc. Nếu không, các công ty ấy bị xem như mất quyền xử dụng các phi trường trên lục địa. Trước kia Taiwan có 19 quốc gia nhỏ ở Nam Mỹ, Phi Châu và các hải đảo ở nam Thái Bình Dương thiết lập bang giao. Ở Âu Châu, Taiwan chỉ có bang giao với Tòa Thánh Vatican mà thôi. Các quốc gia có liên hệ ngoại giao với Taiwan là: Belize, El Salvador, Guatemala, Haïti, Honduras, Kiribati, Marshall Islands, Nauru, Nicaragua, Palau, Paraguay, Saint Kitts & Nevis, Saint Vincent & Grenadines, Solomon Islands, Swaziland, Tuvalu, Vatican City, Dominican Republic. Các nước El Salvador và Dominican Republic chấm dứt bang giao với Taiwan để hướng về Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều lợi thế để cô lập Taiwan trên sân khấu chánh trị quốc tế:

- có 1,5 tỷ dân
- có nền kinh tế hạng nhì trên thế giới
- có tiềm năng quân sự đứng hàng thứ ba trên thế giới

Số quốc gia bang giao với Taiwan càng ngày càng nhỏ lại. Tương lai Taiwan đi về đâu khi 17 quốc gia nhỏ bé sẽ lần lượt hướng về Trung Quốc? Các quốc gia to lớn như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ… phải tôn trọng Taiwan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc khi bang giao với Trung Quốc mặc dù Taiwan đúng nghĩa với tên gọi Formosa (Đảo Đẹp) là một đảo có chánh phủ do dân bầu lên; có dân chủ; có quốc kỳ; có nền kinh tế phồn thịnh đứng hạng 22 trên thế giới. Lợi tức tính theo đầu người trên 25.000 Mỹ kim/ năm. Hòn đảo đẹp này đang trong tình trạng khó xử và đặt cho các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản trước một bài toán khó có đáp số đúng.

Taiwan

Taiwan đơn côi trên chánh trường quốc tế. Các cường quốc đồng minh cũ xa lánh Taiwan bằng cách giảm viện trợ, thay thế ghế đại diện Trung Hoa tại tổ chức Liên Hiệp Quốc, chấm dứt hiệu lực của Hiệp Ước Hỗ Tương Quốc Phòng (1955 - 1979), chấm dứt quan hệ ngoại giao với Taiwan để hướng về Trung Quốc và tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa. Thỉnh thoảng cường quốc đồng minh âm thầm bán võ khí cho Taiwan và bị Trung Quốc kịch liệt phản đối. Taiwan cố giữ nguyên trạng để tránh chiến tranh với Trung Quốc hầu kéo dài sự hiện hữu của quốc đảo trên bản đồ thế giới. Cho đến ngày nào đó chỉ còn Tòa Thánh Vatican còn quan hệ ngoại giao với Taiwan thì Taiwan đương nhiên là một bộ phận hành chánh của lục địa.

NẾU Taiwan tuyên bố độc lập thì chuyện gì sẽ xảy ra?

- Chiến tranh xuất phát từ lục địa. Taiwan sẽ trải qua cảnh tàn phá kinh hoàng vì bom đạn, hỏa tiễn của pháo binh, Không Quân và Hải Quân Trung Quốc rót vào. Lãnh tụ Quốc Dân Đảng sẽ đứng ra thương thuyết chấm dứt chiến tranh và sáp nhập Taiwan vào lục địa. Đó là bức tranh thê lương do lý trí vẽ ra chưa hẳn hoàn toàn đúng.

Trung Quốc

Trung Quốc là một quốc gia Cộng Sản to lớn và đông dân nhất thế giới. Ngay từ lúc mới nắm chánh quyền Mao Zedong đã đụng độ với Hoa Kỳ trên chiến trường Triều Tiên, chiếm Tây Tạng, Tân Cương; đánh nhau với Ấn Độ và Liên Sô. Dù vậy Mao Zedong chỉ pháo kích ngày chẵn, ngày lẻ trên đảo Kinmen (Kim Môn), Matsu (Mã Tố) nhưng vẫn chưa chiếm được Taiwan.

Năm 1997 Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Bồ Đào Nha trả Ma Cao vào năm 1999. Chỉ còn Taiwan vẫn còn bị lên án là một phần lãnh thổ phản nghịch. Dùng võ lực để xâm chiếm Taiwan Trung Quốc còn ngần ngại sự can thiệp của Hoa Kỳ. Không sáp nhập được Taiwan vào lục địa thì Trung Quốc cảm thấy họ thực sự là cọp giấy, từ ngữ mà Mao Zedong gán cho Hoa Kỳ vào thập niên 1960. Trung Quốc thành công ở Tây Tạng và Tân Cương bằng võ lực. Sự thành công của họ ở Việt Nam là vẻ vang hơn cả vì không tốn xương máu, tiền bạc mà vẫn có nước bộ thuộc lại khỏi mang tiếng xâm lăng, đô hộ cũng không có nghĩa vụ nuôi dân thuộc địa! Đối với Taiwan họ không gặp dễ dàng như vậy. Giải pháp quân sự chỉ dành cho Taiwan khi đảo nầy tuyên bố độc lập. Sự tuyên bố độc lập của Taiwan là sự tuyên chiến của phần đất nhỏ bé này với Trung Quốc 1,5 tỷ dân. Để duy trì hòa bình trong khu vực, nữ tổng thống Tsai Ying Wen của Taiwan và đảng Dân Chủ Tiến Bộ không tuyên bố độc lập mà cũng không công nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa. Taiwan tìm cho mình một sự khác biệt với lục địa về ngôn ngữ, sắc tộc và quá khứ lịch sử.

Hình ảnh ghép bà Thái Anh Văn cùng Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ (VOA)

Các ngôn ngữ được dùng trên đảo Taiwan là: Quan Thoại, Hokkien Taiwanese (của người miền nam Fujian < Phúc Kiến > đến Taiwan vào thế kỷ XVII; có 82% dân Taiwan nói mặc dù không phải là quốc ngữ), tiếng Hakka Taiwanese được 6,6% người Taiwan dùng; tiếng nói Austronesian của 16 bộ lạc bản địa được 2,5% người nói; thổ ngữ đảo Matsu < Mã Tổ > được 1% dân Taiwan dùng trên đảo Matsu.

Người bản địa trên đảo Taiwan tập trung về phía đông của đảo. Hiện nay còn 16 bộ lạc gốc Austronesian giống như người Polynesians, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia. Người Hán ở miền nam tỉnh Fujian đến Taiwan vào thế kỷ XVII khi người Hòa Lan và Tây Ban Nha lập thương điểm trên đảo. Sau người Hán gốc Fujian là người Hán Hakka. Người Hakka gốc ở Shanxi (Sơn Tây), Henan (Hà Nam) và thung lũng sông Huang He (Hoàng Hà) di chuyển xuống phía nam. Hiện các tỉnh Guangdong (Quảng Đông), Guang Xi (Quảng Tây), SiChuan (Tứ Xuyên), Zhejiang (Chiết Giang), Hainan (Hải Nam), Taiwan (Đài Loan) có nhiều người Hakka (Hakka: khách). Tiếng nói của họ tổng hợp Quan Thoại (Mandarin) + Cantonese (Quảng Đông). Một số người Taiwan lai Nhật sau 50 năm đặt dưới sự cai trị của Nhật (1895 - 1945). Đợt người Hán sau cùng đến đảo Taiwan vào cuối năm 1949.

Taiwan là một đơn vị hành chánh của Trung Hoa vào thập niên 1680 của thế kỷ XVII. Đảo này sớm tiếp xúc với người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan rồi Nhật Bản. Văn hóa, kỹ thuật, tổ chức kinh tế, chánh trị, xã hội các nước nói trên không nước nào kém hơn Trung Hoa cả. Các nhà lãnh đạo trên đảo Taiwan đều là những người có học vị cao tốt nghiệp từ các đại học Hoa Kỳ hay Anh Quốc. Taiwan gần gũi với Trung Hoa về phương diện địa lý nhưng cả hai quá xa nhau về các phương diện khác.

Các điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc chiếm Taiwan để kiểm soát Đông Bắc Á và Đông Nam Á đã chín mùi chưa?

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã lui về chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch. Hoa Kỳ mất nhiều ảnh hưởng ở Trung và Nam Mỹ, Đông Nam Á và các quốc gia Hồi Giáo. Chiến tranh Afghanistan là cuộc chiến tranh nhì nhằng và tốn kém nhất đối với Hoa Kỳ. Thế không thắng, không thua gây tốn kém và tổn hại tâm lý của người Mỹ. Hoa Kỳ của thế kỷ XXI không thể so sánh được với Hoa Kỳ vào thể kỷ XIX và XX. Vào lúc ấy Hoa Kỳ là quốc gia có sức mạnh kinh tế và quân sự độc tôn trên thế giới. Hoa Kỳ tham chiến giúp cho các đồng minh dân chủ đánh bại phe gây chiến trong đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Hoa Kỳ thành công trong vai trò hỗ trợ, rất hùng cường nhưng không phải là bất bại. Hoa Kỳ không có Điện Biên Phủ ở nam Việt Nam, Afghanistan, Iraq, Syria nhưng không thắng. Tổng thống Donald Trump là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên ngưỡng mộ tổng thống Putin của Nga. So với Hoa Kỳ và Trung Quốc Nga kém xa trên bình diện kinh tế. Ngân sách quốc phòng của Nga chỉ bằng 1/ 17 ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ nhưng Putin khoe có nhiều võ khí, xe tăng, phi cơ, tàu ngầm nguyên tử và bom nguyên tử tối tân làm cho Hoa Kỳ phải giựt mình. Trong tình hình thế giới hiện tại Putin trở thành người hùng tiêu biểu của người Bạch chủng và đạo Christ trên thế giới bằng sức mạnh của võ khí dùng trong vấn để Chechnya (Hồi Giáo), Georgia và Crimea. So với Hoa Kỳ và Âu Châu, Nga tương đối thuần chủng hơn. Putin âm thầm trong các vấn đề quốc tế tạo nhức đầu cho Hoa Kỳ như vấn đề Bắc Hàn, Iran, Syria và Afghanistan. Nga tỏ ra không quan tâm đến vấn đề Taiwan hay những cuộc tranh chấp biển, đảo ở tây Thái Bình Dương mà chỉ miệt mài bán võ khí cho các nước Đông Nam Á kể cả Trung Quốc, quốc gia gây hoảng hốt trong vùng.

Nữ  tổng thống Thái Anh Văn trong chuyến viếng thăm Houston và Los Angeles vào tháng 8-2018 (AFP)

Hoa Kỳ không khuyến khích Taiwan tuyên bố độc lập vì sẽ đặt Hoa Kỳ vào tình trạng khó xử:

- đụng độ với Trung Quốc?
- hay khoanh tay nhìn Trung Quốc chiếm Taiwan?

Họ có quyền khoanh tay ngồi nhìn vì hiệp ước Hỗ Tương Quốc Phòng Mỹ - Taiwan đã hết hiệu lực từ năm 1980. Họ không còn mặn nồng với NATO, ngưng tập trận với Nam Hàn và có thể rút 30.000 quân ở Nam Hàn để Nam và Bắc Hàn tiến đến thống nhất? Tổng thống Moon của Nam Hàn rất tin tưởng lời hứa của Kim Jong Un, lãnh tụ Bắc Hàn. Tổng thống Donald Trump không ngớt khen ngợi lãnh tụ Bắc Hàn.

Đụng độ với Trung Quốc đồng nghĩa với đại chiến. Hoa Kỳ cần đồng minh chớ không thể tự mình chạm trán với Trung Quốc bằng võ lực.

Beijing cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đụng độ với Hoa Kỳ, một quốc gia có bề ngoài đơn giản, hời hợt nhưng đừng quên rằng đó là sự đơn giản và hời hợt của người giàu về tiền của và mạnh về lực như một võ sĩ lên võ đài mà không cần phải thủ vậy. Các cửa hàng to lớn của Hoa Kỳ bày hàng la liệt từ đồng hồ đến vàng vòng, kim cương. Vậy mà không mất một cây đinh! Không nghe họ nói đến lòng yêu nước. Thế mà khó có nước nào đánh chiếm nước họ dễ dàng được.

Vào thập niên 1940 của thế kỷ trước Hoa Kỳ phản ứng mạnh đối với Nhật sau khi nước nầy tấn công Pearl Harbor (Trân Châu Cảng). Họ ngăn chặn tham vọng bành trướng lãnh thổ của Nhật, một quốc gia Hoàng chủng. Hoa Kỳ mạnh tay với Nhật hơn với Đức Quốc Xã và phát xít Ý khi dùng bom nguyên tử vì:

- Nhật tấn công họ ở Pearl Harbor
- Nhật không chịu đầu hàng vô điều kiện
- Nhật thuộc Hoàng chủng trong khi Đức và Ý thuộc Bạch chủng. Từ Hoàng họa (Gelbe Gefahr - Yellow Peril) do vua Đức là Wilhelm II đặt ra nhằm vào Trung Hoa. Nhưng khi Nhật đánh bại Trung Hoa năm 1894 và Nga năm1904 & 1905 thì hai chữ Hoàng họa nhắm vào Nhật Bản. Tháng 06 năm 1895 tờ Sandusky Register ở Ohio, Hoa Kỳ, đã dùng hai chữ Yellow Peril để ám chỉ Nhật.

Bây giờ Trung Quốc mạnh gấp chục lần Nhật Bản vào thập niên 1940. Đó cũng là lúc các nước Bạch chủng lo nghĩ đến việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, sang Phi Châu, xuống Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và từ Đông Á đến bờ Đại Tây Dương. Ngòi lửa chiến tranh bùng nổ NẾU Taiwan tuyên bố độc lập và NẾU Trung Quốc tấn công Taiwan.

Nhật Bản

Gần 70 năm qua Nhật Bản xa rời võ khí. Nhật cam phận của một quốc gia chiến bại. Nước này thành một cường quốc kinh tế sau khi bại trận. Họ không thiết tha nhiều đến vấn để quân sự. Ngân sách quốc phòng của họ rất nhỏ. Lục Quân, Không Quân, Hải Quân của Nhật thua kém Trung Quốc rất xa về số lượng.

Về kinh tế hiện nay Nhật và Trung Quốc sáp lại gần nhau để chịu đựng đường lối kinh tế và thương mại của tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump (CH). Nhật hợp tác kinh tế nhưng không hợp tác chánh trị với Trung Quốc. Họ không nhường bước trước Trung Quốc về chủ quyền trên các đảo đá Senkaku và trước Nga trên quần đảo Kurils. Không quốc gia nào kể cả Trung Quốc am tường về vấn đề Taiwan hơn Nhật. Nhật đã thấy tầm quan trọng chiến lược của quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa khi đánh chiếm quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) năm 1939 và xem quần đảo nầy thuộc đảo Taiwan.

Vào đầu thế kỷ XX cờ Bát Quốc Liên Quân (Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý, Áo-Hung, Hoa Kỳ và Nhật Bản) tiến quân vào Peking tức Beijing (Bắc Kinh) bây giờ. Trong 08 nước này có 07 nước Bạch chủng + 01 nước Hoàng chủng (Nhật). Một liên minh rộng lớn tương tự sẽ hình thành với sự hiện diện của nhiều quốc gia Bạch chủng, Hoàng chủng và Hắc chủng.

Taiwan độc lập là ngòi lửa của đại chiến ở tây Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ thắng trước và bại sau. Chế độ Cộng Sản cáo chung ở Trung Quốc lôi cuốn theo sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam khi chiến tranh bùng nổ Các hải đảo tranh chấp sẽ được quốc tế hóa để đảm bảo sự tự do hàng hải ở tây Thái Bình Dương vì các quốc gia tranh chấp chủ quyền trong vùng như Việt Nam, Mã Lai, punei, Indonesia đều im lặng không dám đưa Trung Quốc ra Toà Án Quốc Tế The Hague khi Beijing tự nhận họ có chủ quyền trên 140 đảo đá và rặng san hô với 3 triệu km2 lãnh hải tây Thái Bình Dương trong Lưỡi Bò Chín Đoạn do họ vẽ ra. Phi Luật Tân dưới thời tổng thống Aquino III kiện Trung Quốc và thắng kiện (2016) nhưng tổng thống Duterte, người thay thế tổng thống Aquino III, không dám nhận kết quả của vụ kiện!! Tạm thời các hải đảo nằm trong Lưỡi Bò Chín Đoạn kể cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ đặt dưới sự kiểm soát và giám sát của phe thắng trận. Đó là những chuyện dự đoán có thể xảy ra trong tương lai.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2018