Lê Ngọc Vân


Mua sắm trong dịp lễ Sinterklaas và Giáng sinh làm cho quân đội Trung Quốc lại mạnh hơn lên một chút

Sự tiêu thụ của đại khối quần chúng trong những ngày lễ mang một dư vị chua chát.
Trung Quốc cung cấp iPhone, TV Samsung và những sản phẩm được ưa chuộng.
Nhưng do mua sắm chúng, dân Tây phương làm cho Trung Quốc,
đế quốc ngày một hung tợn hơn, mỗi ngày mỗi mạnh thêm.

Hơn 200 năm trước đây, Napoleon Bonaparte đã từng gọi Trung Hoa là con sư tử đang say ngủ. “Cứ để nó ngủ, bởi vì khi thức giấc, nó sẽ làm thế giới lung lay”. Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon chẳng thèm để ý đến lời này và chìa tay mời gọi Trung Quốc, trong thế trận Chiến Tranh Lạnh với Liên Bang Sô Viết. Kể từ khi đó Trung Quốc đã phát triển thành một siêu quyền lực. Năm 1994, Nixon thận trọng tuyên bố là ông sau đó đã nghi ngờ là hành động chìa tay ra này không biết có phải là hành động sáng suốt hay không.

Câu trả lời có thể tạm đưa ra trong những ngày cuối năm 2017: nó không sáng suốt.

Trung Quốc cướp đất không biết ngượng

Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Âu mới đây vừa mở một buổi tiếp tân và trưng ra trên màn truyền hình cho mọi người xem tấm bản đồ trong đó Biển Nam Trung Quốc (tức Biển Đông, tiếng Việt Nam) được vẽ như là một biển thuộc nội địa Trung Quốc. Xen kẽ đây đó là những màn biểu dương sức mạnh quân sự. Một  viên chức EU đã tức giận bỏ ra ngoài để tỏ thái độ. Không chút e thẹn, Trung Quốc đã cho mọi người biết là họ đang cướp đất và sử dụng quân lực đễ hỗ trợ. Những đầu tư ở diện rộng trên những hòn đảo hiện có và những đảo nhân tạo trong Biển Đông, trên đó chi chít những căn cứ quân sự, là bằng chứng không thể nhầm lẫn được.

Từ phía Hoa Kỳ, Canada và Âu châu, ta dường như có thể trông mong là họ sẽ ngăn chặn bớt, hay không để cho Trung Quốc có thể xâm nhập vào thị trường của họ. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, thật hợp lý, Liên Xô cũng đã không được tự do xâm nhập thị trường Tây phương. Và sau khi sáp nhập xứ Krim của Ukraine vào lãnh thổ của mình, Nga Sô đã bị mất một phần cơ hội xâm nhập thị trường Tây phương và – quan trọng hơn nữa – không còn có thể nhập những kỹ thuật và kiến thức Tây phương được nữa. Trung Quốc thì lại được mua kỹ thuật cao của các xí nghiệp Tây phương mà gần như hoàn toàn không bị kềm chế.

Quân lực với mối lợi của hàng hóa.

Tổng thống Ronald Reagan trong thập niên ‘80 đã mở cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô trong quan điểm là Moscow không thể theo đuổi trường kỳ cuộc tranh đua này, hay ít ra sẽ phải gánh chịu khổ đau. Hiện nay thì Tây Phương lại làm ngược điều này. Khi mở cửa cho dân Trung Quốc vào thị trường Tây phương, giới tiêu thụ Tây phương có thể hè nhau mua hàng Trung Quốc. Trung Quốc dùng món lợi này để phát triển quân lực.

Khi trước Reagan đã cố gắng làm suy yếu Liên Xô, thì nay những nhà lãnh đạo Tây phương dường như lại thêm sức cho Trung Quốc, nước hiện trở thành nguy hiểm hơn. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tạm thời có phản ứng nhỏ giọt. Ông gia tăng ngân sách quốc phòng, nhưng chuyện này có đủ để kềm chế Trung Quốc hay không, ít ra ta còn phải đặt mối nghi ngờ.

Cũng là một dấu hỏi, là liệu rằng những biện pháp dùng thế mạnh hợp lý khác – như hạn chế mở cửa cho Trung Quốc xâm nhập thị trường Tây phương – đủ gây ảnh hưởng hay không. Quốc gia này hiện vẫn còn tùy thuộc rất nhiều vào xuất khầu sang Mỹ và Âu châu, nhưng sức tiêu thụ và dịch vụ tại quốc nội đang phát triển với nhịp độ nhanh.

Tây phương không cần những sản phẩm của Trung Quốc.

Cái mà Hoa Kỳ và Âu châu có thể làm, là đẩy lui nhiều mặt hàng Trung Quốc ra khỏi thị trường. Âu châu không cần thép của Trung Quốc, Mỹ có thể chế tạo iPhone tại chính nước mình hay tại những quốc gia dân chủ khác. Thực ra Tây phương hoàn toàn không cần thứ gì của Trung Quốc mà họ không thể tự làm ra hay đặt làm tại những nước có cùng chung quan điểm và có nền văn hóa tương tự như Tây phương. Trái lại: Mỹ và Âu châu bán nhiều hàng cho Trung Quốc, mà cán cân thương mại thiếu hụt trầm trọng tới mức nó không mang lại lợi lộc gì, ngoài một dòng tiền từ tây phương đổ sang Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy Ban Âu châu Jean-Claude Juncker và tổng thống Hoa Kỳ Trump thấy những mối nguy hiểm và cả hai cùng chung một ý là nhiều sản phẩm Trung Quốc không được phép mang vào. Nhưng Juncker, trong cương vị Chủ tịch Ủy Ban, theo định nghĩa, khá yếu thế. Trump thì đã và đang có sự nghi ngờ Trung Quốc một cách sáng suốt, nhưng vẫn chưa chịu ra tay.

Mối lo cho chủ thuyết bảo vệ mậu dịch của Trump

Một ngày không có gì xảy ra, là một ngày Trung Quốc đạt thắng lợi.  Bởi vì ngày nào dân Tây phương còn đến tiệm mua hàng của họ, thì tiền sẽ chảy vào kho tàng tại Peking, nhờ đó quốc gia này có thể xây dựng quân lực và mua chuộc dân chúng của họ – đem thịnh vượng đổi lấy sự thuần phục Đảng Cộng Sản.

Không phải chuyện ngẫu nhiên mà nhà độc tài Tập Cận Bình năm nay – cả trên Diễn đàn Kinh tế ở Davos lẫn trong Hội nghị cấp cao G-20 ở Hamburg – đã kêu gọi một sự tự do mậu dịch. Nhiều nhà kinh doanh Tây phương hoan hô Tập, và cả một số nhà cầm quyền Âu châu cũng làm vậy. Họ lo sợ chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch của Trump.

Họ đã quên những lời lẽ sáng suốt của Napoleon và sự nghi ngờ muộn màng của Nixon rồi sao? Chúng ta không trông đợi nhiều nơi những doanh gia. Họ suy nghĩ thiển cận và muốn có được sự xâm nhập vào thị trường Trung Quốc với chi phí sản xuất rẻ tiền bên đó. Ta cũng ít trông mong được vào những người tiêu thụ. Họ chỉ muốn mua đồ với giá rẻ. Nhưng nơi  những nhà cầm quyền thì chúng ta phải được phép trông đợi nhiều ở họ. Người Trung Quốc đã nghĩ cả nhiều thập kỷ nay – có thể cả nhiều thế kỷ – như những nhà cầm quyền của họ vẫn từng nghĩ. Nay thì phải đến lượt những nhà lãnh đạo Tây phương.

.

Nguyên tác: Sinterklaas- en kerstinkopen maken China militair weer een beetje sterker, Jelte Wiersma (Elsevier, 29.12.2017).
Người dịch: Lê Ngọc Vân


Cái Đình - 2018