Lê Ngọc Vân


Lệnh cấm cửa của Trung Quốc phơi trần vấn đề rác thải của Âu châu

Nửa năm từ khi Trung Quốc đưa ra luật từ chối (nhận) rác,
rác thải Hà Lan đang đi tìm con đường qua những quốc gia khác.
Giờ đây khi những quốc gia này chốt cửa nhận rác, dậy lên câu hỏi: chúng sẽ phải bỏ ở đâu?

 

Một người đàn ông làm việc trong một cơ sở tái chế chai bằng nhựa dẻo trong một vùng tại Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Ảnh Reuters

Mỗi năm Hà Lan bán hàng trăm nghìn tấn rác cho Trung Quốc. Nước này tái chế chúng, để xoa dịu cơn đói nguyên liệu trầm kha. Điều này không riêng gì Hà Lan: khoảng một nửa số nhựa phế thải toàn thế giới được đưa tới Trung Quốc từ 1992, theo số liệu của những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ được công bố mới đây trên tạp chí chuyên ngành Science Advances. Nhờ tiêu chí thấp về chất lượng trên nguyên vật liệu và nhân công rẻ, các cơ xưởng hưởng nhiều lợi nhuận trong việc tái sử dụng chất dẻo, giấy, đồ điện phế thải và kim loại có chất lượng kém.

Nhưng chỉ tới tháng giêng vừa qua. Chính quyền Trung Quốc đã chán ngán vụ ô nhiễm môi trường gây nên do tái chế tràn lan các rác thải có chất lượng kém, và đã ban bố một lệnh cấm rác. Nó nằm trong cuộc thánh chiến lớn chống ô nhiễm mà chính quyền đã khai mở, qua đó hàng chục nghìn cơ sở đã phải đóng cửa năm ngoái. Nhưng còn rác của chúng ta thì sao?

Trong nửa năm vừa qua, chúng chấm dứt cuộc đời phần lớn tại các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Việt Nam và Thái Lan, ông Peter Rem – giáo sư về tái chế tại Đại học Kỹ thuật Delft cho biết. Và cũng tại những quốc gia có nhân công rẻ. Việc nhập chúng không hẳn là hợp pháp: tháng vừa qua cảnh sát Thái đã chận bắt những container đầy chất nhựa dẻo mà theo nhà cầm quyền thì chúng đến từ nhiều nước, trong đó có Hà Lan.

Vấn đề là: những quốc gia này hoàn toàn không còn cáng đáng được số rác rưởi khổng lồ tuôn vào nữa. Trước ngày cấm cửa, Thái Lan và Việt Nam đã đứng vào hàng thứ 5 những nước gây ra nhiều ô nhiễm chất plastic trong đại dương nhất, theo báo cáo năm 2015 của cơ quan bất vụ lợi Ocean Conservatory. Giờ đây, sau lệnh cấm cửa, vấn đề này gia tăng, bà Angelica Carballo-Pago – người phát ngôn của Greenpeace Đông Nam Á cảnh báo. Thế là những nước này cũng đóng cửa luôn: Thái Lan gửi trả lại từ tuần này chất nhựa dẻo, cơ phận điện tử phế thải và rác nguy hiểm, và Việt Nam từ chối những container chứa phế liệu plastic cho tới ngày 15 tháng 10. Malaysia cũng đang nghĩ tới những biện pháp.

Rác đang được tái chế tại Eindhoven. Ảnh Marcel van den Bergh/de Volkskrant

Hà Lan

Ở Hà Lan, vấn đề chủ yếu nằm ở các phế liệu bao bì bằng chất nhựa dẻo từ các hãng xưởng, theo một kết luận từ một buổi họp do Học viện Kiến thức về Bao bì Bền vững (KIDV) tổ chức ngay trước khi lệnh cấm có hiệu lực. Do những vật liệu này đã từ nhiều năm được chở tới Trung Quốc, Hà Lan chưa có đủ năng suất tái chế và thị trường tiêu thụ nhựa tái chế cũng còn hạn hẹp. Đó là vấn đề cho cả toàn thế giới: cho tới năm 2030, 100 triệu tấn chất plastic phải được chở đi một nơi nào đó, do lệnh cấm của Trung Quốc, theo như báo cáo nêu trên của Science Advances. Bao bì trong sinh hoạt gia đình tại Hà Lan được tái chế trong nội địa Âu châu, do đó lệnh cấm này không có ảnh hưởng bao nhiêu.

Có những phương cách khác nằm ngoài Đông Nam Á, ông Rem nói. Cho dù chúng thường không rẻ hơn. Thí dụ Rumania, họ có thể tái chế tốt chất nhựa và tại nơi đó nhân công khoảng 3 hay 4 euro mỗi giờ. May mắn là Hà Lan phân loại rác thải tốt và do đó có thể giải quyết tương đối đơn giản, theo ông. Nhưng không hiểu là những nước này có thể nhận hàng triệu tấn mà Trung Quốc trước đây đảm nhận?

Ben Kras, Giám đốc công ty Kras Recycling, nhức đầu về chuyện này. Khoảng 50 phần trăm số lượng tổng cộng, từ nhiều thập kỷ, được bán cho Trung Quốc. Phần lớn là plastic, mà cũng có cả giấy và carton. Kể từ ngày cấm cửa, ông mất khoảng 30% doanh số. Những công ty cùng ngành cũng chịu chung số phận, theo ông. Vì giờ đây ông chỉ tiêu thụ được ít hơn, nên ông cũng nhận rác ít hơn. Vậy thì chúng phải đi đâu bây giờ? Chúng tôi tự hỏi như vậy. Chúng tôi không nghe thấy nơi nào có kho chứa đầy rác khổng lồ. Gần như chẳng có cách nào khác hơn là chúng được thiêu hủy cùng với rác tạp và Hà Lan tái chế ít rác hơn.

Ba Lan

Từ trong óc, Ba Lan chợt nẩy ra. Nước này trong năm nay có hơn sáu mươi vụ cháy bãi rác, đi kèm với sự thoát các khí độc hại. Tại một trong những vụ cháy này, gần thành phố Zgierz, 250 nhân viên cứu hỏa suốt hai ngày đêm cứu chữa. Theo Bộ trưởng Bộ Môi trường, những cơ sở nhập rác vào với lời hứa sẽ tái chế, để rồi sau đó lại đem đi đổ bỏ. Chính quyền nghi là những núi rác được cố ý đốt – để có thêm chỗ chứa.

Cho câu hỏi là có rác Hà Lan nằm trong đó hay không, ông Kras cho là không lẽ lại có chuyện đó. Chúng có giá, cho nên đã được mua lại hết. Những gì nằm trong những nơi chứa rác, theo sự dự đoán của ông, là những lọc lựa cẩu thả mà người ta muốn trả tiền để thoát của nợ. Thí dụ như từ Anh Quốc, nơi rác không được phân loại tốt. Nhưng để truy tầm thì hoàn toàn vô phương, ông Peter Rem và Maarten Bakker của Đại học Kỹ thuật Delft – đồng nghiên cứu, nói. ‘Có biết bao nhiêu là rác, với bao nhiêu là nguồn, truyền qua biết bao nhiêu cơ quan… Ngay cả Liên Âu cũng gặp khó khăn để có thể lần ra con đường đi của rác’, theo ông Bakker.

Đội cứu hỏa đang dập tắt một đám cháy lớn tại một bãi rác tại một khu trong thành phố Zgierz, Ba Lan, ngày 26 tháng năm.
250 lính cứu hỏa bận rộn suốt hai ngày liền trong công tác chữa cháy

Tự tái chế

Để giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, chỉ có một cách, theo như quan điểm của tất cả mọi phía: Đó là những quốc gia Âu châu cũng phải tự xoay sở với rác thải kém chất lượng. Tức là phải tự tái chế thêm. Nó phải được bắt đầu từ sản xuất, ông Rem giải thích. Nhất là chất nhựa dẻo: thường chúng có chứa một hỗn hợp của nhiều nguyên liệu và vật liệu gần như không thể tái sử dụng, do đó cần có những quy trình đắt tiền tách riêng chúng để có thể tái chế. Vấn đề nằm bên dưới là kỹ nghệ chất nhựa dẻo, trái với kỹ nghệ thủy tinh chẳng hạn, là tái chế không nằm trong phạm vi hoạt động riêng của cơ sở, do đó chúng sẽ cạnh tranh với những cơ sở tái chế.

Một vấn đề khác là sự thiếu hụt nhu cầu chất nhựa dẻo đã tái chế trong Âu châu, ông Maarten Bakker khẳng định. Nhựa tái chế có thể có mùi hôi, hay không được chắc chắn. Nhưng có thể lệnh cấm nhập sẽ gây được sự kích thích phải phát minh. Cơ sở tái tạo rác Renewi cho biết đã tìm được những nơi cộng tác mới. Thí dụ như với Philips, họ đã phát minh ra một máy hút bụi mà một phần là những vật liệu được tái chế. Ông Ben Kras nhận thấy là trong Âu châu, nhu cầu cho những vật liệu đã được lọc lựa cẩn thận và sạch sẽ hiện đang lên. Ông Bakker nói: ‘Có thể cú sốc này là cần thiết. Cứ để mặc cho ngành rác phải giật mình tí chút.’

.

Nguyên tác: Chinese ban legt Europees afvalprobleem bloot (De Volkskrant, 04.07.2018), Niels Waarlo
Người dịch: Lê Ngọc Vân


Cái Đình - 2018