Phạm Ɖình Lân


Hai cường quốc quân sự Ɖông Á

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng bí thư Xi Jinping trong hội nghị ở Ɖà Nẵng  tháng 11 năm  2017 (https://thediplomat.com)

Ngày xưa phần lớn các quốc gia Âu Châu đều nằm trong đế quốc La Mã nên chịu ảnh hưởng sâu đậm của La Mã. Ở Ɖông Á, Triều Tiên, Việt Nam là hai quốc gia triều cống Trung Hoa. Nhật Bản là hải đảo. Họ có nhận văn hoá Trung Hoa nhưng không hề bị Trung Hoa xâm lăng. Họ không triều cống Trung Hoa như Việt Nam và Triều Tiên.

Như Trung Hoa thời phong kiến Nhật Bản cũng có nhiều loạn lạc. Mặc dù nước Nhật tôn kính Thiên Hoàng, nhưng người Nhật đã trải qua 668 năm dưới chế độ tướng quân (shogun) từ năm 1199 đến 1867. Trong suốt thời gian nầy có:

Vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII Nhật Bản có ba tướng quân nổi bật với ba tánh tình khác, ba đường lối và ba sự nghiệp khác nhau:

Về diện tích Nhật Bản chỉ bằng 3,9% diện tích của Trung Hoa. Về dân số Nhật chỉ bằng 9% dân số Trung Hoa.

Trung Hoa bị ngoại nhân đô hộ hai lần: Mông Cổ với nhà Nguyên (Yuan, 1279 - 1368) và Mãn Châu với nhà Thanh (Qing, 1644 - 1912).

Nhật được độc lập và tròn vẹn lãnh thổ. Vào thế kỷ XIX Trung Hoa của Thanh triều và Nhật Bản của tướng quân Tokugawa đều bị người Âu-Mỹ đe dọa.

Trung Hoa bị các cường quốc Trung Hoa xâu xé và mất vài thành phố cảng. Ma Cao bị người Bồ chiếm từ thế kỷ XVI. Hong Kong, Weihaiwei (Uy Hải Vệ) bị Anh chiếm. Lushun (Lữ Thuận) tức Port Arthur bị Nga chiếm. Qingdao (Thanh Ɖảo) bị Ɖức chiếm. Shanghai (Thượng Hải) bị chia ra nhiều tô giới, Guangzhouwan (Quảng Châu Loan) do Pháp thuê, v.v…

Nhật Bản ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng với Tây Phương nhưng không bị mất chủ quyền ở một thành phố nào trong nước. Từ sự nhục nhã vì những hiệp ước bất bình đẳng nầy mà tướng quân Yoshinobu từ chức, trao quyền cho thái tử Mitsu Hito tức Minh Trị Thiên Hoàng Meiji (Minh Trị), người canh tân Nhật Bản bằng cách Tây Phương hóa đất nước Nhật một cách cương quyết và mạnh dạn. Ɖó là sự tự vấn của người biết người biết ta. Học của người để tự vươn lên. Sau 30 năm canh tân, Nhật trở thành một cường quốc kỹ nghệ và quân sự ở Á Châu.

Nhật chiếm quần đảo Ryu Kyu (Lưu Cầu), vương quốc thần phục Trung Hoa lẫn Nhật; đánh bại Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên nên Trung Hoa phải ký hiệp ước Shimonoseki với Nhật từ bỏ ảnh hưởng chánh trị của mình ở Triều Tiên và nhượng đảo Taiwan (Ɖài Loan) cho Nhật (1895).

Năm 1904 Nhật đánh bại quân Nga ở Mãn châu. Năm 1905 họ đánh bại hạm đội Nga tại eo biển Tsushima (Ɖối Mã). Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian cho hai nước thương thuyết và ký kết hiệp ước Portsmouth (1905). Theo hiệp ước nầy, Nhật chiếm phân nửa phía nam đảo Sakhalin của Nga. Nhật thực sự là một cường quốc quân sự ở Á Châu. Sau 26 năm canh tân, Nhật đánh bại Trung Hoa, một đế quốc lâu đời rộng lớn và đông dân nhất thế giới. Sau 37 năm canh tân, Nhật đánh bại một cường quốc Bạch chủng có diện tích lớn nhất thế giới và dân số đông nhất Âu Châu. Hai chữ “hoàng họa” (peril jaune/yellow peril) được phổ biến ở Âu-Mỹ về hai dân tộc hoàng chủng sau phong trào bài ngoại  của Nghĩa Hòa Ɖoàn năm 1900 khiến các cường quốc Âu-Mỹ + Nhật liên minh tấn công Beijing (Bắc Kinh)  năm 1901 và chiến thắng của Nhật trước Nga năm 1905.

Đô đốc Togo trên chiến hạm Mikasa trong hải chiến Tsushima ngày 27-5-1905 (https://en.wikipedia.org/)

Trung Hoa còn ngái ngủ trong giấc ngủ phong kiến, bảo thủ, lạc hậu. Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ nhà Thanh (Qing) nhưng Trung Hoa vẫn chưa thống nhất. Loạn lạc, nghèo đói vẫn triền miên.

Hoa Bắc do các đốc quân hùng cứ. Ɖó là vùng ảnh hưởng của nhà Thanh và của Yuan Shikai (Viên Thế Khải) và các tướng lãnh đàn em của ông. Yuan Shikai và các đốc quân đàn em của ông bị Nhật Bản giật dây.

Hoa Nam, nhất là Guangdong (Quảng Ɖông) là vùng ảnh hưởng của Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) và đoàn thể chánh trị Kuomintang (Quốc Dân Ɖảng) của ông. Liên Sô ủng hộ Sun Yatsen. Ở Moscow có Ɖại Học Sun Yatsen. Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch), một phụ tá tín nhiệm của Sun Yatsen, được gởi sang Moscow thụ huấn (1923). Con của Chiang Kaishek là Chiang Chingkuo (Tưởng Kinh Quốc) được gởi sang Liên Sô học và có vợ Nga. Năm 1924 Liên Sô giúp cho Sun Yatsen thành lập trường Võ Bị Whampoa (Hoàng Phố). Ɖó là trung tâm quân sự đào luyện các sĩ quan cho Quốc Dân Ɖảng lẫn Cộng Sản Trung Hoa.

Sun Yatsen mất năm 1925. Quyền hành của Quốc Dân Ɖảng rơi vào tay Chiang Kaishek. Sun Yatsen và Chiang Kaishek đều là rể của gia đình Charlie Song (Tống) giàu có nổi tiếng ở Trung Hoa. Charlie Song, một tín hữu Tin Lành, hấp thụ văn hóa Hoa Kỳ sâu đậm vì đã học và sống ở Hoa Kỳ lâu năm. Song Qingling (Tống Khánh Linh) là vợ thứ ba của Sun Yatsen và Song Meiling (Tống Mỹ Linh) là vợ thứ hai của Chiang Kaishek. Năm 1927 Chiang Kaishek chấm dứt liên minh Quốc-Cộng. Ɖảng viên Cộng Sản bị đàn áp đẫm máu. Năm 1928 Chiang Kaishek thành công trong việc thống nhất Trung Hoa sau khi đánh dẹp các đốc quân, đàn em của Yuan Shikai. Chiang Kaishek chỉ thành công về phương diện quân sự. Chánh phủ Quốc Dân Ɖảng không thực thi kiến hiệu khẩu hiệu do Tam Dân Chủ Nghĩa đề ra: Dân Tộc Ɖộc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc. Chánh phủ Quốc Dân Ɖảng ở Nanjing (Nam Kinh) phải đương đầu với tham vọng bành trướng lãnh thổ của Nhật nhắm vào Mãn Châu và sự lớn mạnh của đảng Cộng Sản Trung Hoa sau cuộc đàn áp đẫm máu vào năm 1927.

Phong Trào Ngũ Tứ năm 1919 là phong trào yêu nước của người Trung Hoa chống lại Nhật thay thế Ɖức trên bán đảo Shandong (Sơn Ɖông) theo tinh thần hiệp ước Versailles năm 1919. Nó dẫn đến sự thành lập đảng Cộng Sản ở Shanghai (Thượng Hải) năm 1921. Sự bất lực của chánh phủ Nanjing trước sự ra đời của Mãn Châu Quốc, một quốc gia bù nhìn của Nhật, và sự xâm lăng của Nhật năm 1937 khiến cho uy tín của đảng Cộng Sản lên cao vì sớm lên tiếng kêu gọi liên minh kháng Nhật theo ước muốn của Stalin. Vì nếu Quốc-Cộng liên minh chống Nhật thì Nhật không đủ sức tấn công Liên Sô ở miền đông, tức Tây Bá Lợi Á, nơi phòng thủ của Liên Sô rất yếu. Ɖó là nguồn gốc của biến cố Sian (Tây An) năm 1936. Chiang Kaishek thị sát Sian và bị tướng Chang Hsueh Liang (Trương Học Lương) bắt giữ. Zhou Enlai (Châu Ân Lai) can thiệp và Chang Hsueh Liang chỉ thả Chiang Kaishek sau khi ông chấp nhận liên minh với Cộng Sản. Ɖó là liên minh Quốc-Cộng lần thứ hai. Sau biến cố Sian, Stalin cho phép Chiang Kingkuo (Tưởng Kinh Quốc) về Trung Hoa.

Mao và Tưởng thời kỳ hợp tác Quốc Cộng  (hình AFP – Getty Image)

Từ năm 1911 đến 1937 Trung Hoa vẫn là một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn. Chiang Kaishek là một quân nhân. Ông chú trọng đến vấn đề quân sự để đánh dẹp Cộng Sản. Sau khi bị đàn áp năm 1927, dưới sự lãnh đạo của Mao Zedong (Mao Trạch Ɖông), Cộng Sản Trung Hoa dùng nông thôn, nơi tập trung 90% dân số Trung Hoa, làm địa bàn đấu tranh với kết quả đáng kể. Họ thành lập Sô Viết Giang Tây (Soviet Jiangxi, 1931 - 1934), một tiểu quốc Cộng Sản trong lòng đại lục. Bên ngoài Nhật bành trướng ảnh hưởng nhắm vào Trung Hoa: thành lập Mãn Châu Quốc (1932), xâm lăng Trung Hoa (1937). Ɖây là lần thứ hai Trung Hoa bị Nhật đánh bại ngay trên đất nước họ.

***

Nhật Bản sớm trở thành cường quốc quân sự ở Á Châu. Trong đệ nhất thế chiến Nhật chỉ đứng về phía Ɖồng Minh Tây Phương chớ không tham chiến chống Ɖức ở Âu Châu. Sau khi Ɖức bại trận, Nhật là quốc gia chiếm giữ các phần đất thuộc Ɖức ở Trung Hoa và Nam Thái Bình Dương như bán đảo Shandong (Sơn Ɖông), các đảo Mariana, Caroline, quần đảo Marshall. Anh và Hoa Kỳ tiên đoán được sức mạnh của hải quân Nhật cũng như tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ khi cho ra đời thuyết Ɖại Ɖông Á Thịnh Vượng Chung, một loại chủ nghĩa Monroe ở Á Châu dựa trên khẩu hiệu “Châu Á của người Á Châu” nhằm xua đuổi các đế quốc Anh, Pháp, Hòa Lan, Hoa Kỳ, Bồ Ɖào Nha ra khỏi các thuộc địa của họ ở Ɖông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Hội nghị Giới Hạn Hải Quân nhóm họp ở Washington D.C. ngày 13-12-1921 và kết thúc ngày 06-02-1922 chỉ cho phép Nhật sản xuất tàu bằng 3/5 tàu của Anh và Hoa Kỳ; Pháp và Ý chỉ được 1,67/5 mà thôi. Nhật càng bất mãn với Anh và Hoa Kỳ nhiều hơn.

Lịch sử ghi nhận ngày 10-09-1939 là ngày mở đầu đệ nhị thế chiến khi Ɖức xâm chiếm Ba Lan; Ở Ɖông Á chiến tranh Hoa Nhật bắt đầu từ ngày 07-07-1937. Quân Nhật tràn xuống các nước Ɖông Nam Á lục địa xuyên qua Trung Hoa. Họ tấn công các nước Ɖông Nam Á quần đảo bằng đường biển. Họ tấn công Hoa Kỳ ở Pearl Harbor ngày 07-12-1941. Ngày 08-12 họ mở cuộc tấn công quân Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân. Ɖến năm 1942 Nhật mở rộng vùng ảnh hưởng của họ cách xa quê hương của họ 6.000 km. Úc Ɖại Lợi cũng bị đe đọa trầm trọng.

Ảnh chụp Trân Châu Cảng từ một máy bay Nhật cho thấy các thiết giáp hạm Mỹ vào lúc mở đầu trận đánh.
Vụ nổ ở giữa bức ảnh là một quả ngư lôi đánh trúng chiếc thiết giáp hạm USS West Virginia (www.britannica.com)

Năm 1853 Nhật Bản bị tàu chiến Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Perry đe dọa. Nhờ đó Nhật ý thức được sức mạnh của Hoa Kỳ và của chính họ. Ɖô đốc Yamamoto, người  chỉ huy hải quân Nhật tấn công Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) cuối năm 1941, từng học ở Hoa Kỳ. Ông là một sĩ quan hải quân từng tham dự trận hải chiến trên eo Tsushima năm 1905. Hai năm sau biến cố Pearl Harbor đô đốc Yamamoto bị phi cơ Hoa Kỳ bắn chết. Năm 1945 quân Hoa Kỳ đặt chân lên Okinawa, rồi bom nguyên tử được dùng để chấm dứt chiến tranh. Nhật đầu hàng vô điều kiện vào ngày 14-08-1945.

***

Trung Hoa được xem là một quốc gia đồng minh thắng trận. Ɖại diện chánh phủ Chiang Kaishek có mặt trong ngày ký kết hiệp ước đầu hàng của Nhật trên tàu Missouri đậu ngoài khơi Tokyo. Trung Hoa bị tàn phá nặng nề sau 8 năm chống Nhật. Nạn lạm phát hoành hành, dân chúng nghèo khổ đói rách. Chiến tranh Quốc-Cộng tái diễn. Lần nầy khí thế Cộng Sản Trung Hoa rất mạnh. Năm 1949 Mao Zedong thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ). Chiang Kaishek chạy ra đảo Taiwan (Ɖài Loan) và lãnh đạo chánh phủ Quốc Dân Ɖảng ở đó.

Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, 1949 (https://vi.wikipedia.org/)

Trên lục địa có chế độ độc tài, độc đảng cầm quyền (đảng Cộng Sản) do Mao Zedong lãnh đạo. Mao là một nhà lãnh đạo độc tài và hiếu chiến. Suốt thời gian cầm quyền của ông quân Cộng Sản Trung Hoa can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên giúp cho Bắc Hàn (1950), pháo kích Taiwan (1958), xâm lăng Tây Tạng (1959), gây chiến tranh biên giới với Ấn Ɖộ (1962), chiến tranh với Liên Sô trên đảo Damansky trên sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang) (1969), xâm chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa (1974). CHNDTQ vẫn là một quốc gia đang phát triển. Nghèo đói vẫn đeo đuổi dân chúng trên lục địa giữa lúc CHNDTQ thành công trong việc sản xuất bom nguyên tử và phóng vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo trái đất.

Trên đảo Taiwan cũng có chế độ gia đình trị, độc tài, độc đảng cầm quyền (Quốc Dân Ɖảng – Kuomintang) do Chiang Kaishek và con ông là Chiang Chingkuo (Tưởng Kinh Quốc) lãnh đạo. Từ năm 1990 về sau Taiwan được dân chủ hóa (bầu cử tự do, có đảng đối lập), Nữ tổng thống Tsai Yingwen (Thái Anh Vân) hiện nay thuộc đảng Dân Chủ Tiến Bộ chớ không thuộc Quốc Dân Ɖảng (Kuomintang – Guomindang). Taiwan trở thành viên ngọc sáng về kinh tế ở Á Châu và đứng hàng 22 trên thế giới. Ɖó là một cố gắng tiến bộ vượt bực của một hòn đảo rộng 36.000km2 với 23 triệu dân.

Trung Quốc lục địa dưới thời Mao Zedong chỉ là một nước đông dân có bom nguyên tử nhưng vẫn là một nước nghèo đang phát triển. Mao Zedong gầm thét bạo tợn nhưng vẫn không mạo hiểm đánh chiếm Taiwan để thống nhất lãnh thổ như ước muốn của ông. Tình trạng Trung Hoa có hai quốc hiệu vẫn tiếp diễn cho đến nay (1- Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. 2- Trung Hoa Dân Quốc). 

Trung Quốc chuyển mình sau khi Mao Zedong mất. Deng Xiaoping (Ɖặng Tiểu Bình) linh động với thuyết mèo trắng, mèo đen. Mèo nào cũng được miễn là bắt được chuột. Ông hướng về Hoa Kỳ để học hỏi về kinh tế thị trường và kỹ thuật của nước nầy. Trong vòng 30 năm Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế hạng nhì sau Hoa Kỳ và cường quốc quân sự hàng thứ ba trên thế giới. Trung Quốc hiện nắm ba ưu thế lớn:

Khi hùng mạnh thì mộng đế quốc phát sinh. Ɖó là chuyện thông thường trên trái đất. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, tự ban chủ quyền trên 3 triệu km2 ở tây Thái Bình Dương từ đảo Hainan (Hải Nam) xuống tận quần đảo Indonesia với 141 đảo. Các quốc gia Ɖông Nam Á trong Lưỡi Bò Chín Ɖoạn của Trung Quốc đều là những nước nông nghiệp nghèo về kinh tế (ngoại trừ Singapore, một quốc gia rộng 700km2), kém cỏi về quân sự không thể nào ngăn chận tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Ngược về Ɖông Bắc Á, Trung Quốc tranh giành chủ quyền trên nhóm đảo đá không người sinh sống Senkaku như ướm thử thái độ của Nhật qua sức mạnh quân sự của nước nầy.

***

Sau khi bại trận, Nhật lo phục hồi kinh tế và bị cấm không được có quân đội và kỹ nghệ quốc phòng. Okinawa bị quân Hoa Kỳ chiếm đóng. Nhật sống dưới tàn dù nguyên tử của Hoa Kỳ. Họ tuân hành một cách khéo léo để trở thành một cường quốc kinh tế hạng nhì và hiện là hạng ba (1. Hoa Kỳ. 2. Trung Quốc. 3. Nhật Bản). Giữa Nhật và Hoa Kỳ có hiệp uớc an ninh. Sự hiện diện của quân độị Hoa Kỳ ở Okinawa như lực lượng bảo vệ an ninh cho Nhật. Vì vậy Nhật trả chi phí cho quân sĩ Hoa Kỳ ở Okinawa. Gần đây tổng tống Donald Trump tăng chi phí nầy lên đôi chút. Nhật tỏ ra không khó chịu về sự gia tăng chi phí nầy, nhận thức rằng Nhật không thể chống trả hữu hiệu nếu bị Trung Quốc + Nga + Bắc Hàn liên kết tấn công.

Sự chổi dậy của Trung Quốc và việc nguyên tử hóa của Bắc Hàn trở thành một mối lo âu với Nhật. Trước kia Hoa Kỳ khuyên Nhật nên gia tăng ngân sách quốc phòng. Nhật vẫn thờ ơ. Gần đây họ tăng ngân sách quốc phòng lên trên 1% GDP và tu chính hiến pháp để chú trọng đến kỹ nghệ quốc phòng. Ở Ɖông Bắc Á Trung Quốc , Bắc Hàn, Nga không ưa thích Nhật. Nhật, Nam Hàn, Hoa Kỳ là đồng minh nhưng Nam Hàn không mấy mặn nồng với Nhật vì chuyện xưa tích cũ. Ɖôi khi Nam Hàn tỏ ra thân với Trung Quốc hơn Nhật vì cả hai cùng một mẫu số chánh trị: thù ghét Nhật. Trung Quốc uất hận Nhật đã đánh bại họ hai lần (1894, 1937). Nam Hàn hận Nhật bảo hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. Họ luôn luôn bắt Nhật phải xin lỗi và bồi thường các phụ nữ Hàn Quốc bị cưỡng bách làm công tác hộ lý cho quân sĩ Nhật trong đệ nhị thế chiến. Tổng thống hiện nay của Nam Hàn là Moon Jae-in. Cha mẹ ông là người tỵ nạn Bắc Hàn trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Ông sinh ở Nam Triều Tiên năm 1953. Tổng thống Moon Jae-in tỏ ra thân thiện với Kim Jong Un của Bắc Hàn hơn là thủ tướng Abe của Nhật.

Trên bình diện chánh trị quốc tế trong thời kỳ chiến tranh lạnh hay sau chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ và Nhật là hai quốc gia đồng minh. Dưới mắt một số người Hoa Kỳ Nhật là một quốc gia hoàng chủng cạnh tranh kinh tế với Hoa Kỳ. Ɖó là chưa nói đến chuyện Pearl Harbor. Về phía Nhật họ luôn luôn sát cánh với Hoa Kỳ, ý thức rằng kinh tế Hoa Kỳ sụp đổ thì kinh tế của Nhật cũng tiêu vong. Trên thế giới không có quốc gia nào có mãi lực cao bằng Hoa Kỳ được. Việc tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ tỏ ra hòa hoãn với Bắc Hàn, khen ngợi nhà độc tài Kim Jong Un, ngưng tập trận với Nam Hàn đúng theo ước muốn của Bắc Hàn, buộc Nam Hàn và Nhật Bản gia tăng phí tổn của quân Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Okinawa gây lo lắng không nhỏ cho Nhật vì rất có thể Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi các nơi nầy để Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Nhật Bản, Nam Hàn tự lo liệu với nhau!

Hoa Kỳ bỏ ngỏ ở Ɖông Nam Á từ khi bật đèn xanh cho Trung Quốc thay thế Trung Hoa Dân Quốc tại Liên Hiệp Quốc (1971), Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ (1975), Lien Minh Phòng Thủ Ɖông Nam Á (SEATO) giải tán (1977) và rời khỏi Subic Bay ở Phi Luật Tân năm 1992. Các nước Ɖông Nam Á không ngăn chận nổi sự bành trướng của Trung Quốc thì liệu các hải đảo ở Nam Thái Bình Dương, Úc Ɖại Lợi và Tân Tây Lan có khả năng ngăn chận nổi không? Nhật Bản là cường quốc quân sự ở Ɖông Á nhưng gần 3/4 thế kỷ  nay Nhật chỉ phát triển kỹ nghệ thời bình mà thôi. Nếu Trung Quốc phong tỏa Taiwan và hải lộ Tây Thái Bình Dương thì Nhật là quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhật gánh chịu gánh nặng quân sự ở Ɖông Bắc Á và Ɖông Nam Á trước áp lực quân sự của Trung Quốc. Những con số dưới đây cho thấy tương quan lực lượng của hai cường quốc quân sự Ɖông Á:

Quốc gia

Ngân sách Quốc Phòng

Lục quân

Hải quân

Không quân

Trung Quốc

224 tỷ MK

2,7 triệu
7 ngàn tăng

714 tàu chiến 76 tàu ngầm

3.200 phi cơ

Nhật Bản

48,5 tỷ MK

247.000

154 tàu chiến 19 tàu ngầm

1.572 phi cơ

Trung Quốc có hai hàng không mẫu hạm. Hàng không mẫu hạm đầu tiên mua của Ukraine để lấy kiểu hầu đóng hàng không mẫu hạm thứ nhì. Trung Quốc tự sản xuất phi cơ, xe tăng, tàu chiến nhưng cũng mua phi cơ, xe tăng của Nga.

Nhật không có quân đội mà chỉ có lực lượng tự vệ. Nhật chỉ có 1 hàng không mẫu hạm chở trực thăng. Công ty Mitsubishi của Nhật thừa sức sản xuất hàng không mẫu hạm, phi cơ, xe tăng. Dù vậy Nhật cũng mua thêm phi cơ phản lực tối tân của Hoa Kỳ.

Dưới đây là tương quan lực lượng giữa Nhật Bản và Trung Quốc tính theo tỷ lệ:

Ngân sách Quốc Phòng

Quân số

Xe tăng

Tàu chiến và tàu ngầm

Phi cơ

21,65%

9,15%

14,3%

21,56% - 25%

60%

Về số lượng Nhật Bản kém xa Trung Quốc. Nhưng họ vượt xa Trung Quốc về phẩm lượng. Phi cơ, tàu chiến, tàu ngầm hay xe tăng của họ đều do sáng kiến phát minh riêng của họ. Trung Quốc phải phỏng theo các mẫu súng ống, xe tăng, phi cơ của Liên Sô rồi của Nga hay của Hoa Kỳ mà họ cóp nhặt được. Nhật có nhiều kinh nghiệm hải chiến và không chiến từ đầu thế kỷ XX (thắng hạm đội Nga năm 1905) và trong đệ nhị thế chiến (tấn công Pearl Harbor năm 1941). Trong chiến tranh lạnh vừa qua Nhật giúp cho Hoa Kỳ rất hữu hiệu trong việc phát hiện tàu ngầm Liên Sô hoạt động ở bắc Thái Bình Dương. Trung Quốc đang trong thời kỳ dọ dẫm trên hai lãnh vực nầy.

Trong đệ nhị thế chiến Nhật phải vất vả đánh nhau với Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân, Pháp ở Ɖông Dương, Anh ở Mã Lai, Miến Ɖiện và Hòa Lan ở Indonesia. Chủ trương Châu Á của người Á Châu của họ cũng thu hút được một số các nhà cách mạng ở các nước Ɖông Nam Á.

Sự bành trướng của Trung Quốc xuống các nước Ɖông Nam Á được nhiều thuận lợi hơn Nhật trước kia vì họ không phải đánh nhau với một đế quốc Tây Phương nào cả. Kinh tế và quân sự của họ hùng hậu hơn Nhật vào thập niên 1930 và 1940 rất nhiều. Họ được ưu thế nhân sự: 50 triệu người Hoa sống và chi phối kinh tế và chánh trị ở các quốc gia Ɖông Nam Á trang bị bằng niềm tự hào Hán tộc. Do đó họ chỉ dùng võ lực để hù dọa và dùng sức mạnh kinh tế để chiêu dụ các nước trong trong khu vực chớ không dùng võ lực để bành trướng. Sự bành trướng tự nó đến với thời gian.

Ɖiều ngộ nghĩnh là  họ có vẻ thành công lớn khắp thế giới nhưng họ gặp vài bực mình và nhức nhối ở xứ Singapore, đảo Taiwan (Ɖài Loan) và Hong Kong.

Singapore là một nước có nền kinh tế phồn thịnh nhất ở Ɖông Nam Á với 75% dân số là người Hoa. Singapore có pháp nhân tư cách của một quốc gia thành viên của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc chớ không phải là một bộ phận của Trung Quốc.

Taiwan là một đảo rộng 36.000km2. Lần thứ nhất Taiwan rời khỏi Trung Hoa để chung sống với Nhật (1895 - 1945). Lần thứ hai Taiwan trở thành Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1949 đến nay. Càng ngày Taiwan càng có khuynh hướng trở thành một nước độc lập mặc cho Bắc Kinh cô lập và đe dọa. Ɖể tránh chiến tranh với lục địa, Taiwan không tuyên bố độc lập nhưng cố duy trì nguyên trạng, nghĩa là có CHNDTQ theo chế độ Cộng Sản và Trung Hoa Dân Quốc với định chế chánh trị dân chủ.

Hong Kong chánh thức trở về với lục địa năm 1997 nhưng theo chế độ “một quốc gia hai hệ thống”. Từ 1997 đến nay Hong Kong đã hai lần biểu tình rầm rộ chống sức ép của Beijing (Bắc Kinh) đè nặng trên 7 triệu người Hong Kong quen sống tự do dưới sự cai trị của người Anh (2014 và 2019). Xóm chài lưới Hoong-keang (1) gần hạ khẩu sông Zhujiang (Châu Giang) vào đầu thế kỷ XIX đã trở thành Hong Kong, một trong những con hổ kinh tế ở Á Châu.

Singapore và Hong Kong phồn thịnh nhờ học hỏi nơi người Anh.

Taiwan phồn thịnh nhờ học hỏi nơi người Nhật và Hoa Kỳ. Nữ tổng thống hiện nay từng học ở Hoa Kỳ và Anh Quốc. Dù bang giao với lục địa và chấp nhận nguyên tắc “một nước Trung Hoa”, Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn liên lạc thương mại thường xuyên với Taiwan. Thỉnh thoảng Hoa Kỳ vẫn bán võ khí như phi cơ chiến đấu hay xe tăng cho Taiwan mặc cho những lời chỉ trích và nguyền rủa của Beijing. Trước kia Taiwan có 20 quốc gia có quan hệ ngoại giao với đảo quốc. Không quốc gia Âu Châu nào công nhận Taiwan ngoại trừ Tòa Thánh Vatican. Hiện nay qua những vận động của Beijing, Taiwan chỉ còn 14/193 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Taiwan.

Trung Quốc rơi vào cảnh hà hiếp và dụ dỗ hàng trăm người nghèo dễ hơn hà hiếp một người giàu và học thức.

Không thể chiêu dụ Singapore về với Trung Quốc vì 75% người dân Singapore gốc Hoa. Làm công dân Singapore có đầy đủ danh dự, tự do và no ấm hơn làm công dân Trung Quốc. Người Hoa Kỳ và Canada da trắng có tổ tiên Anh, nói tiếng Anh nhưng họ không còn là người Anh nữa. Người Úc hay Tân Tây Lan có tổ tiên là người Anh hay Ái Nhĩ Lan nhưng họ là người Úc hay người Tân Tây Lan chớ không phải Anh hay Ái Nhĩ Lan. Người Boers ở Nam Phi gốc Hòa Lan cũng thế. Họ là người Nam Phi chớ không còn là người Hòa Lan nữa. Vì làm công dân của các quốc gia ấy cũng có đủ danh dự, tự do và no ấm thì tội gì phải xin làm công dân xứ khác để phản bội nơi đã nuôi mình khôn lớn với tất cả quyền lợi vật chất lẫn tinh thần.

Khó có thể dùng võ lực để trấn áp 7 triệu dân Hong Kong vì Hong Kong là một đơn vị kinh tế có tầm vóc lớn ở Á Châu. Người giàu thường có nhiều bạn. Khó trách nếu người Hong Kong tự hỏi: “Tại sao Hong Kong không phải là đảo quốc như Singapore? Chúng ta rộng hơn Singapore  hai lần, dân số ngang hàng hay cao hơn Singapore đôi chút. Kinh tế chúng ta không thua kém Singapore bao nhiêu”.

Khó có thể dùng võ lực để thống nhất Taiwan nếu có vị tổng thống nào đó không chấp nhận Taiwan là một bộ phận của nước Trung Hoa nhưng không tuyên bố độc lập. Sự im lặng là một liều thuốc xoa dịu tự ái của các nhà lãnh đạo trên lục địa. Ɖó là cách duy trì nguyên trạng giữa lục địa và đảo Taiwan, đồng thời tránh khỏi chiến tranh ít ra tạm thời.

***

Ɖối với Trung Quốc, quốc gia cản trở sự bành trướng của họ là Hoa Kỳ và quốc gia cản trở ước muốn xâm chiếm Taiwan của họ là Hoa Kỳ và Nhật. Hãy tưởng tượng các tình huống xấu sau đây xảy ra:

Trung Quốc là siêu cường kinh tế và quân sự. Trung Quốc được tiếng vang trên toàn thế giới. Nhưng không vì thế mà họ không có những khó khăn riêng: vang danh thiên hạ nhng không giải quyết nổi những chuyện nhỏ trước mắt bên cạnh mình. Những cuộc diễn binh rầm rộ làm cho nhân dân Trung Quốc tự hào về sức mạnh vô song của mình tựa hồ như sắp biến bản nhạc Hoàng Phi Hùng thành chiến quốc ca với kèn trống vang rền.

Một chiếc tàu của Hoa Kỳ bị đánh chìm (nếu xảy ra) sẽ làm cho nhân dân Hoa Kỳ đoàn kết và quyết tâm chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.

Một chiếc tàu Trung Quốc bị đánh chìm (nếu xảy ra) sẽ làm vỡ mộng nhân dân Trung Quốc khiến họ nổi loạn làm sụp đổ chế độ kềm kẹp, áp bức và dối gạt 3/4 thế kỷ nay.

Ɖó là điều khó khăn của siêu cường Trung Quốc: Chiến Tranh hay Hoà Bình đều khó. Vì óc kiêu căng và mộng bá quyền nên khó có hòa bình. Chiến Tranh? Có đủ lực để chiến thắng hay không? Cọp dữ không cự nổi cáo bầy. Sá chi ở đây cọp dữ gặp sư tử, beo, chó sói và cáo bầy!

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_________

(1) Hoong-keang: dòng thác nước đổ vì chạy qua một vùng đất đỏ.

 


Cái Đình - 2020