Lê Ngọc Vân


Đông Nam Á không chịu làm thùng rác của thế giới nữa: hợp lý quá chứ gì?

Cambodia, nối gót các quốc gia khác ở Đông Nam Á, từ chối không chịu làm thùng rác của thế giới nữa.
Quốc gia này trả lại các thùng container chứa rác nhựa về lại nguyên gốc, là các quốc gia tây phương.
Điều dễ hiểu, nhưng vấn đề thực ra ít rõ ràng trắng đen như thoạt trông.

Công nhân xử lý rác đang làm công tác sửa soạn cho công đoạn đốt rác nhựa tại một bãi rác ở Mojokerto, Đông Java, Indonesia.  ©2018 Getty Images

Tin sốt dẻo chuyên chở một thông điệp đạo đức từ một truyện thần thoại về ý thức môi trường: Cambodia tuyên bố hôm thứ tư là họ sẽ trả về lại các nước tây phương 1.600 tấn rác nhựa. Số rác nhập lậu chứa trong 83 thùng container được phát hiện tại cảng Sihanoukville. Chúng có nguồn từ Hoa Kỳ và Canada, hai trong số những quốc gia xuất khẩu rác lớn nhất thế giới.

‘Cambodia không phải là cái thùng rác để các nước khác mang rác điện tử và những loại rác rưởi khác trút vào đó’, Neth Pheaktra, Bộ trưởng Môi trường Cambodia tuyên bố. ‘Và chính phủ này chống lại việc nhập khẩu chất nhựa dẻo, chất bôi trơn và những loại rác khác để tái chế tại quốc gia này.’ Ngôn từ đáng để cho những nhà bảo vệ môi trường trên toàn thế giới thưởng thức như tiếng nhạc bên tai. Để cho mọi người phải tự dọn rác của mình, đúng quá?

Dù gì đi nữa, xứ Cambodia nghèo mạt rệp nối đuôi theo một dãy các quốc gia trong vùng Đông Nam Á từ chối không chịu tiếp tục gánh vác công tác xử lý rác thải từ các quốc gia tây phương nữa. Đầu tháng bảy Indonesia đã gởi trả lại 49 container đầy rác nhựa, tã lót đã dùng xong và những thứ táp nham khác về cho Úc, Đức, Pháp và Hoa Kỳ. Tiếp theo đó là tám containers nữa, thay vì giấy vụn như trên tờ khai vật liệu chuyên chở, thì chúng lại chứa đầy rác rưởi độc hại. Nhập khẩu rác độc hại là tội phạm tại Indonesia.

Sông Citarum ở Tây Java được biết đến như là một trong những dòng sông dơ bẩn nhất trên thế giới. Ảnh AFP

Vào cuối tháng năm, Phi Luật Tân đã bất hòa với Canada về chuyện nhập rác thải nhựa bất hợp pháp. Tổng thống Rodrigo Duterte triệu hồi đại sứ về, và gởi trả lại 69 trong số 103 thùng container rác ghi là các hạt chất dẻo có thể tái chế được, nhưng thực chất là chúng chứa rác thải dơ bẩn của sinh hoạt gia đình. Cũng trong tháng này Mã Lai trả lại 3000 tấn rác nhựa không thể tái chế được cho Úc, Canada, Anh quốc và Hoa Kỳ.

Cuộc khủng hoảng trong thế giới toàn cầu hóa về xử lý và tái chế rác thải là hệ quả của quyết định từ Trung Quốc (quốc gia tái chế lớn nhất thế giới) là không nhận nhập vào những rác nhựa và rác điện tử, do ô nhiễm môi trường tại chính quốc gia của họ. Các mối lái phải tìm nơi khác để trút bỏ những rác rưởi của họ, tốt nhất là tại những quốc gia không có những luật lệ khắt khe. Điều đó đã đưa tới sự gia tăng dòng rác chảy vào Đông Nam Á.

Điểm đến mới

Đó là một vấn đề cấp bách. Theo một nghiên cứu trong tạp chí khoa học Science Advances (2018), do quyết định của Trung Quốc làm cho người ta khi tới mốc 2030 phải tìm ra được một điểm đến cho hơn 110 triệu tấn rác nhựa. Trong vùng Đông Nam Á đã xuất hiện một ngành kỹ nghệ gồm những cơ sở tái chế lậu. Tại Mã Lai 148 nhà máy vô tư xả thải chất nhựa và khói độc ra ngoài. Một phần trong số này trôi theo sông ngòi ra biển.

Rác thải nhựa hiện nay đang trở thành một vấn nạn toàn thế giới. Theo UNEP, văn phòng đặc trách về môi trường của Liên Hợp Quốc, thế giới sản xuất hàng năm 300 triệu tấn rác nhựa, trong đó có một phần được tái chế. Nhiều chất nhựa dẻo phát tán ra ngoài môi trường và cuối cùng ra biển (khoảng 8 triệu tấn mỗi năm) và dẫn đến cái chết của cá voi, rùa và chim biển. Đã có những chỉ dấu cho thấy trong cơ thể con người càng ngày càng có nhiều chất nhựa dẻo hơn.

Hải quan Indonesia đang kiểm tra một container đầy chất nhựa được nhập vào. Ảnh của AFP

Tất cả mọi cố gắng chế ngự vấn đề này đều chỉ mang đến kết quả hạn hẹp. Vào tháng năm, 187 quốc gia đã thỏa thuận là sự luân chuyển vòng vèo quốc tế trong rác nhựa phải được dẹp bỏ, qua Công Ước Basel, một hiệp ước quốc tế về xử lý rác độc hại. Sự tu chính này cho phép các quốc gia có quyền từ chối nhập khẩu rác nhựa dơ bẩn hay khó có thể tái chế (vài quốc gia, trong số đó có Hoa Kỳ, đã từ chối ký vào Công Ước này)

Vào tháng sáu, tại Nhật Bản, khối G20 đã đề xuất ra một dự án để khối lượng rác nhựa ‘mới’ sẽ được rút xuống còn số không vào thời điểm trước năm 2050. Dự án Osaka Ocean Vision này tuy vậy đã bị những nhà bảo vệ môi trường công kích là ‘quá ít và quá chậm trễ’. Sự cải tiến trong xử lý và tái chế chất thải có hay thật đấy, nhưng chẳng có là bao so với sự tiết giảm sản xuất bao bì plastic dùng một lần. Nhiều quốc gia, trong đó có 25 quốc gia Phi Châu, đã cấm sử dụng túi nhựa, và khối Liên Âu dẹp bỏ mười loại sản phẩm plastic dùng một lần, như muỗng nĩa và ống hút, bắt đầu từ năm 2021.

Xì hơi

Sự quyết đoán tại Đông Nam Á trước tiên phải được coi như là một cú vuốt ve dân chúng và vì thể diện quốc gia hơn là nhắm vào ý thức về môi trường, bởi vì hơn ai hết, các quốc gia đặt vấn đề đó chính lại là những nhà sản xuất rác nhựa lớn. Indonesia, Phi Luật Tân, Việt Nam và Thái Lan là những nước, sau Trung Quốc, làm ô uế qua rác nhựa nhất. Theo như tổ chức phi chính phủ (NGO) lo về thiên nhiên Ocean Conservancy cho biết, vào năm 2015, các quốc gia này đã phải chịu chung trách nhiệm về 60% nồi súp plastic trong đại dương, một hệ quả của việc giữ vệ sinh môi trường một cách tồi tệ cũng như sự xử lý chất thải một cách bê bối.

Song le, ASEAN, tổ chức tập hợp các quốc gia vùng Đông Nam Á, vào tháng sáu tại Bangkok, trước cả nhóm G20, cũng đã thuổng được một đồng xu về môi trường vào túi, với Tuyên ngôn về Cuộc chiến chống rác vụn trong khu vực các quốc gia ASEAN (Bangkok Declaration on Combating Marine Debris in ASEAN Region). Tuy thế, khác hơn các biện pháp đề ra do EU, tuyên bố này nói về một kế hoạch dựa trên sự tình nguyện. Các nhóm hoạt động về môi trường lên tiếng kêu gọi 10 quốc gia trong khối ASEAN cũng nên cấm mọi sự nhập khẩu từ các quốc gia đã phát triển, chấm dứt sự sản xuất nhựa dùng một lần và mau chóng ký vào bản tu chính của công ước Basel.

.

Nguyên tác: Zuidoost-Azië weigert langer de vuilnisbak van de wereld te zijn: logisch, toch? – Ben van Raaij (De Volkskrant, 19.07.2019).
Người dịch: Lê Ngọc Vân


Cái Đình - 2019