Nguyễn Minh Tâm


Donald Trump, vị tổng thống ưa “Quấy Rối”

***

Màn trình diễn thường thường bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng. Chỉ cần nhấp con chuột máy vi tính, hay chụp vội điện thoại, mọi người trên khắp thế giới nhận được tin tức mới lạ, kinh hoàng về quyết định của một nhân vật có nhiều quyền bính nhất hành tinh. Đây là một loại giao lưu vừa thân mật, vừa kỳ lạ nhất từ trước đến nay. Ông Donald Trump nói cho chúng ta biết cảm nghĩ riêng tư của ông về những gì ông trông thấy trên đài truyền hình, những gì ông đang tức tối trong lòng, và cả những gì ông muốn chúng ta suy nghĩ cùng ông. Đời là thế đấy! Khi ông Trump giữ chức vụ Tổng thống Mỹ.

Dùng những phương thức đo lường sức làm việc của một tổng thống theo lối thông thường, như ban hành chính sách, làm luật mới, hay đưa ra những sáng kiến, chương trình làm việc, phải nói rằng sau một năm làm việc ông Trump đã đem lại rất nhiều “hiệu quả”. Ông rút chân Hoa Kỳ ra khỏi nhiều thỏa ước mậu dịch quốc tế, đưa nước Mỹ trực diện đối đầu với nguy cơ của một cuộc chiến tranh bằng vũ khí nguyên tử với Bắc Hàn. Ông bổ nhiệm vị Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện làm phe bảo thủ rất ư hài lòng, và làm thay đổi hẳn hệ thống tư pháp. Ông đã xóa bỏ nhiều qui tắc hành chánh cũ, và thu gọn guồng máy chính phủ liên bang. Ông đã rút lại việc kiểm soát của chính phủ liên bang trên hàng triệu mẫu đất hoang. Vào lúc cuối năm, ông còn chọc tức thiên hạ với luật giảm thuế của riêng ông. Luật này sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi góc cạnh của đời sống người Mỹ. Luật Thuế của ông Trump sẽ giảm thuế cho các công ty lớn, xóa bỏ những sơ hở dễ bị lạm dụng, làm rúng động thị trường địa ốc, và làm tiêu tan chương trình y tế Obamacare. Vì vậy, sau 100 ngày đầu làm việc, ông khoe: Chính quyền đạt được những thành tựu lớn lao nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là chính quyền của ông Trump sẽ để lại những hậu quả lâu dài ra sao?

Ảnh hưởng lớn nhất, và lâu dài, sau một năm làm việc của ông Trump là ông đã thay đổi hoàn toàn chế độ tổng thống dưới quyền cai trị của ông. Ông gây ra thù oán, cãi nhau chí chóe, tố cáo ngang ngược, dùng ngôn ngữ thô bạo, mang đầy tính chất chia rẽ, với ác ý. Từ trước đến nay chưa có vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội nào đã bộc trực nói ra ý nghĩ của mình, không cần suy nghĩ trước sau. Ông đá văng những đồng minh cũ, và vứt bỏ mọi giá trị của chế độ dân chủ ở ngoại quốc, đem vào dinh tổng thống một đế quốc doanh nghiệp lớn lao, và gây ra những hiềm khích khắp nơi, khiến các công ty doanh nghiệp cạnh tranh, đấu đá nhau. Ông lấy làm vui khi gây chiến với giới truyền thông, báo chí, và cả với các lãnh tụ trong đảng ông. Ngay cả những người từng trung thành với ông từ bấy lâu nay vẫn không thể hiểu rõ thái độ của ông. Chánh văn phòng của Bạch Cung, tướng John Kelly thú thật với báo chí: “Tôi không theo dõi trên twitter. Ai viết gì trên đó tôi cũng mặc, tôi không để ý.”.

Việc ông Trump ra tranh cử khiến cho người ta phải viết lại tất cả những qui luật về chính trị. Bây giờ ông Trump lại làm thay đổi hẳn những qui luật về chức vụ tổng thống. Từ Hoa Thịnh Đốn đến Wall Street, từ Peoria đến Bình Nhưỡng, từ những show trên truyền hình lúc về khuya đến trang mạng xã hội, cả thế giới đều phải chạy đua với ông Trump, theo dõi màn hí trường do ông Donald Trump thủ diễn. Ông dí mũi vào cả những vấn đề tranh luận xã hội, chẳng hạn như việc phản đối của các tuyển thủ trong Hiệp Hội Football quốc gia, hay về các tượng đài kỷ niệm thời còn chia rẽ Nam Bắc Confederate – khiến cho những chủ đề này biến thành những điều tranh cãi về văn hóa.

Ngày nào cũng có những chuyện xung đột xảy ra, khiến cho dân chúng trở nên tê dại, vô cảm. Một bản tin ngắn của ông Trump viết trên Twitter làm cho tin tức trên hệ thống cable trở nên sôi nổi một lúc, sau đó lại lịm dần đi. Độc giả còn nhớ tin nói về người góa phụ có chồng chết ngoài chiến trường bị đối xử thiếu xót? Hay vụ ông Trump gọi nhà độc tài Bắc Hàn là tên nhóc “béo, lùn”? Những lời nói mạt sát tàn bạo của ông khiến những người ủng hộ ông khoái chí, trong lúc làm cho người chống ông cảm thấy ghê sợ, rùng mình. Nói gì thì nói, ai cũng phải chú ý đến câu chuyện về ông Trump.

Tuy nhiên, những nhà nhận định thời cuộc cảnh cáo rằng ông Tổng thống thứ 45 đang đào sâu hố chia rẽ trong xã hội Mỹ. Trong Hội đồng thành phố, trong Hội đồng giáo dục địa phương đang có những căng thằng cao độ, cấu xé nhau. Nhiều gia đình trở nên hiềm khích với nhau trên facebook. Theo cuộc thăm dò trên báo Washington Post thực hiện hồi tháng Chín, hai phần ba người Mỹ đều nói Tổng thống đang chia rẽ nước Mỹ. Thực ra ông Trump không gây ra sự chia rẽ giữa đô thị với nông thôn, giữa người đồng tính và người chống đồng tính, giữa người khá về kinh tế và người nghèo khổ, nhưng ông Trump khai thác, đào sâu thêm sự khác biệt, sự đối chọi giữa những mâu thuẫn này.

Lấy ví dụ trường hợp của ông Chris Danou, trước khi ông Trump lên làm Tổng thống, ông Danou là đại diện của đảng Dân Chủ ở Trempealeau, Wisconsin. Ông vẫn được những người hàng xóm bảo thủ quí mến, và giao dịch bình thường. Nhưng ngay khi ông Trump đắc cử tổng thống, những người hàng xóm này đã bỏ phiếu trục xuất ông Danou ra khỏi quốc hội tiểu bang. Sự thất cử của ông khiến ông đau lòng vô hạn, không phải chỉ đơn thuần là một thất bại về chính trị. Ông nói: “Tôi tức giận là vì có những người tôi nghĩ là đàng hoàng tử tế, lại đi bỏ phiếu cho những kẻ vô lại.”. Ít lâu sau, ông Danou quyết định đưa gia đình và con cái đến sống ở cộng đồng khác, thân thiện hơn.

Những người ủng hộ ông Trump lý luận rằng sau nhiều thập niên suy thoái, nước Mỹ cần phải được rung chuyển, lắc thật mạnh, trong quá trình sửa chữa, tuy rằng có lúc rất đau thương. Họ nói rằng họ không để ý đến những lời bàn tán ồn ào, họ chỉ muốn nhìn vào kết quả của sự việc. Như ông Randy Bradley, chủ nhân nhiều tiệm ăn ở Missouri và Iowa đưa lời nhận xét: “Tôi không thích cá nhân ông ta, nhưng trong tư cách một doanh nhân, tôi thấy việc ông ấy làm rất hay. Tôi nghĩ ông đang vãn hồi tinh thần lạc quan cho cộng đồng kinh doanh. Đó là một cách đầu tư rất tốt.”

Nước Mỹ là một nước lớn, lớn hơn bất cứ một tổng thống, hay một định chế hiến định nào. Nhưng ở ông Trump, người ta đang cảm nhận thấy có điều gì mới. Triều đại tổng thống của ông Trump đã xảy ra, và nó để lại những hậu quả vô cùng to lớn – từ những quyết định ông làm, cũng như phản ứng của người khác đối với những quyết định đó.

Các nhà lãnh đạo ngoại quốc đang chen vai thích cánh để tìm cách thích ứng với ông Trump. Theo ông Richard Haas, Chủ tịch Hội Đồng Bang Giao Quốc Tế, cựu cố vấn cho Bộ Ngoại Giao thời Tổng thống George W. Bush: “Hoa Kỳ từ bấy lâu nay vẫn là quốc gia bảo vệ, và phát triển trật tự thế giới kể từ sau Thế chiến thứ Hai. Những gì ông Trump đang làm báo hiệu cho mọi người biết từ nay Hoa Kỳ sẽ không còn đảm nhiệm vai trò đó nữa.”. Ông Trump công khai ủng hộ nhà độc tài nước Thổ Nhĩ Kỳ là ông Erdogan và nhà độc tài của nước Phi Luật Tân ông Rodrigo Duterte. Ông cũng tỏ ý có thiện cảm với nhiều nhà độc tài khác trên thế giới. Các nước Âu châu tìm cách né tránh Hoa Kỳ, họ nói chuyện trực tiếp với các đối tác Á châu, đạt thỏa ước với Nhật Bản. Việc này có thể khiến nhiều công ty Hoa Kỳ ở thế bất lợi. Ông Trump tuyên bố Hoa Kỳ rút chân ra khỏi Hiệp Ước Paris, để lại các nước Âu châu và Trung Cộng giữ vai trò lãnh đạo trong cố gắng chống lại hiện tượng tăng nhiệt độ toàn cầu. Âu châu và Trung cộng hứa sẽ dành ra 100 tỉ đô la mỗi năm cho quĩ bảo vệ khí quyển. Những lời chỉ trích của ông Trump đối với tổ chức NATO khiến cho các nước này không còn trông cậy vào Hoa Kỳ trong việc bảo vệ an ninh cho Âu châu. Bà Thủ tướng Angela Merkel của nước Đức phải tuyên bố: “Từ nay, các nước Âu châu chúng ta phải tự lo liệu lấy về an ninh cho đất nước của mình.”.

Tình hình ở Trung Đông đang được sắp xếp lại, sau khi ông Trump ra dấu sẽ củng cố cán cân quyền lực ở đây. Chưa đầy hai tuần sau khi ông Trump đi thăm vùng Trung Đông lần đầu tiên, các nước Ả Rập Saudi, United Arab Emirates, Bahrain và Ai cập cùng chung nhau thực hiện cuộc phong tỏa nước Qatar. Ông Trump viết trên Twitter ủng hộ việc này, và chiến lược gia Stephen Bennon nói thêm rằng việc phong tỏa không phải là việc làm tình cờ. Nước Ả Rập Saudi và đồng minh tin rằng ông Trump đã bật đèn xanh cho họ thanh trừng thành phần đối lập ở trong nước. Do Thái chấp thuận việc xây cất khu định cư ở West Bank.

Một số công ty lớn ở Hoa Kỳ vận động ông Trump rút chân ra khỏi hiệp ước TPP, Thỏa ước cộng tác mậu dịch của 12 nước ở Á châu Thái Bình Dương. Theo ước tính của Ủy Ban Mậu Dịch Quốc Tế Hoa Kỳ, trong 15 năm sắp tới, các công ty sản xuất nông nghiệp như Monsanto và Tyson Foods sẽ kiếm lời khoảng $7,2 tỉ nhờ khuếch trương xuất cảng nông phẩm. Nhưng thử thách lớn nhất cho giới kinh doanh Mỹ gây ra bởi thái độ “không chính thống” của ông Trump. Hồi đầu nhiệm kỳ, ông khiêu khích hai công ty lớn Boeing và Lockheed Martin kèn cựa nhau về giá thành sản xuất phản lực cơ chiến đấu F-35. Việc này khiến cho giá cổ phiếu của Lockheed tuột 2% sau một loạt những lời viết trên twitter của ông. Hãng Toyota lỗ 1,2 tỉ đô la trên thị trường trong vòng 5 phút sau khi ông Trump đe dọa sẽ trừng phạt nếu công ty này dời cơ xưởng qua bên Mễ Tây Cơ. Những ví dụ về thái độ bốc đồng của ông Trump khiến cho chủ tịch các công ty doanh nghiệp lớn phải cảnh giác, đề phòng mỗi khi ông Trump nổi hứng, khiêu khích sự tức giận trước công chúng.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khen ngợi ông Trump thu hồi những điều luật rườm rà, làm trở ngại doanh nghiệp, cũng như việc tổng thống giảm thuế cho công ty kinh doanh. Tùy theo kết quả thương lượng giữa Hạ Viện và Thượng Viện, bộ luật thuế mới sẽ cắt giảm thuế cho cá nhân, giảm thuế cho các gia đình có nhà cửa, tăng tax credit cho cha mẹ có con nhỏ, và hủy bỏ điều khoản bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm y tế theo sự qui định của Obamacare. Tuy nhiên, ước tính chính thức nói rằng việc giảm thuế sẽ đưa đến việc khiếm hụt ngân sách thêm 1 trillion đô la.

Theo sự phân tích của Axio, những lời viết trên twitter của ông Trump mang tính chất giận dữ, phẫn nộ đều nhắm vào giới truyền thông, báo chí. Ông miệt thị giới truyền thông bằng những từ “fake news” – Tin bịa đặt – hay bọn báo chí là “kẻ thù của dân chúng”. Ông còn đề nghị phải rút giấy phép hành nghề của một số hãng truyền hình. Ông làm cho mối quan hệ giữa tổng thống và ký giả trở nên thù nghịch nhau. Báo TIME tiếp xúc với ông và cho biết ông CÓ THỂ được chọn là nhân vật của năm 2017, xin ông dành cho cuộc phỏng vấn, chụp hình. Ngày 24 tháng 11, một ngày sau lễ Thanksgiving, ông đột ngột từ chối, và viết trên twitter như sau: “Báo Time gọi cho tôi và nói rằng CÓ THỂ tôi được chọn là Nhân Vật Trong Năm. Giống như năm ngoái. Tôi nói rằng nếu chỉ CÓ THỂ, thì thôi dẹp đi. Cám ơn các ông.”. Thực ra, câu viết của ông Trump sai, báo TIME không hề bảo đảm, và cũng không đặt điều kiện cho ông là nhân vật trong năm. Tất cả đều xuất phát từ quyết định của nhóm chủ bút chọn lựa.

Ngoài thành tựu lớn về luật thuế, một chính sách đối nội quan trọng được ông Trump hoàn thành là việc cắt giảm guồng máy hành chính của chính quyền. Việc dẹp bỏ những qui tắc hành chánh rườm rà, gây trở ngại cho doanh nghiệp làm vui lòng phe bảo thủ, nhưng làm cho phe cấp tiến cảm thấy xấu hổ, bất nhẫn. Phe cấp tiến nói rằng có nhiều Bộ trong chính phủ ngày nay chỉ còn là cái sườn rất mong manh, từ Bộ Ngoại Giao, đến Bộ Năng Lượng thu hẹp lại rất nhỏ. Nhiều vị lãnh đạo các Bộ như bà Betsy DeVos, ở Bộ Giáo Dục hay ông Mick Mulvaney, và Scott Pruitt công khai bầy tỏ thái độ thù ghét guồng máy hành chính cũ của bộ sở do mình lãnh đạo. Chẳng hạn như Bộ Năng Lượng đòi dẹp bỏ chương trình Clean Power Plan, bị các nhóm bảo vệ môi sinh lên án gắt gao.

Có lẽ không nơi nào người ta hốt hoảng, bối rối cho bằng Đảng Cộng Hòa dưới trào Tổng thống Trump. Các nhà lãnh đạo Đảng lo sợ rằng một ngày đẹp trời nào đó, họ có thể bị ông Trump lôi ra làm thịt. Chẳng hạn như Lãnh Tụ khối đa số Thượng viện Mitch McConnell, bị ông Trump tấn công nặng nề hồi tháng Tám, vì gây rối trong việc không soạn xong luật bảo hiểm y tế thay thế luật Obamacare. Một số đông dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa có ý định nghỉ hưu vì họ cảm thấy khó làm việc chung với ông Trump.

Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Gallup, chỉ có 33% dân chúng Mỹ ủng hộ ông Trump sau một năm làm việc. Đây là tỉ lệ thấp nhất so với các tổng thống tiền nhiệm. Những người hiểu chuyện nội bộ cho biết rằng ông vua địa ốc, khách sạn, sòng bài chuyển sang làm chính trị nên bị mất định hướng. Trong suốt cuộc đời làm việc, ông Trump ngồi ở cao ốc của mình ngay tại New York. Ông Sam Nunberg, cựu cố vấn chính trị của ông Trump nói: “Ông ta ngồi trên cái ghế trong phòng làm việc của mình trong suốt 40 năm, bây giờ ông trở nên lọng cọng khi ngồi trong Bạch Cung, cũng là điều dễ hiểu.”. Rồi đây người ta sợ rằng ông sẽ thay đổi nhiều nhân sự phụ tá cho ông theo kiểu ông Nixon. Ngày xưa ông Nixon than rằng ông bao quanh toàn những kẻ lạ mặt.

Người Ta Dễ Đánh Mất Quan Điểm Trong Chốc Lát. Ông Trump có tật là hay đẩy phe chỉ trích ông đến sát tận chân tường, rồi mới chịu ngưng. Vì thế, mỗi lần có ai than phiền chê bai, mọi lời chỉ trích đều bị thổi phồng lên. Kinh nghiệm cho thấy khi ông George W. Bush lên cầm quyền, phe cấp tiến nói rằng đất nước sắp có nguy cơ sụp đổ. Tương tự như vậy, khi ông Obama lên cầm quyền thì phe bảo thủ lo rằng đất nước sắp nguy ngập. Rút cục, chẳng có gì xảy ra. Đất nước vẫn tồn tại, bình chân như vai, chẳng hề hấn gì.

Ông Trump lên làm Tổng thống, thế giới cũng tự điều chỉnh theo. Thị trường chứng khoán phớt lờ, không mảy may lên xuống mỗi khi ông Trump la lối om xòm. Các vị Chủ tịch công ty lớn thường có thói quen nhòm ngó tìm một chiếc ghế trong nội các, hay trong Bạch Cung, nhưng sau khi ông Trump phản ứng không đẹp trong vụ nhóm Da Trắng Độc Tôn gây rối loạn ở Charlottesville, Virginia, các vị CEO công ty lớn lặng lẽ xa lánh ông Trump. Hầu hết các công ty bị ông Trump tấn công, chỉ trích đều đã mau chóng phục hồi giá trị chứng khoán của mình trên thị trường. Đi xuống một nấc thấp hơn, người công nhân bình thường bắt đầu cảm thấy tỉnh bơ, không còn xao động, sôi nổi trước những tuyên bố nóng hổi, giật gân của ông Trump. Đối với Hiệp Ước TPP, 11 quốc gia còn lại tìm cách lập ra những thỏa ước riêng với nhau, không có bác Trump thì chợ vẫn đông. Các nhà lãnh đạo ngoại quốc, và những chính khách ở Hoa Thịnh Đốn nhún vai lặng thinh trước những màn kịch sân khấu chính trị do ông Trump thủ diễn.

Khi còn là ứng cử viên tổng thống, những tuyên bố của ông Trump khiến người ta lo ngại sẽ xảy ra những xung đột về da mầu, chủng tộc, giai cấp, phái tính, và sự thay đổi của xã hội. Lúc lên làm tổng thống, ông Trump tiếp tục kích động, xúi dục sự hiềm khích, chia rẽ trong mọi tầng lớp xã hội người Mỹ. Ngay trong bài diễn văn nhậm chức, ông đã dùng chữ “American Carnage” – “sự chém giết lẫn nhau của người Mỹ”, sau đó, ông còn gọi một số tuyển thủ football là “đồ chó đẻ”, và ông sỉ nhục một chính khách nước Anh là kẻ chống Hồi Giáo cực đoan. Tinh thần đoàn kết cục bộ của ông Trump làm cho những người ủng hộ ông thích thú, nhưng làm cho những người chống ông cảm thấy lạnh lùng, vô cảm. Trường hợp người Mỹ gốc Phi châu, họ cảm thấy như họ đang phải sống với một chính phủ cắt bỏ tất cả mọi chương trình giúp đỡ người thiểu số bị hiếp đáp vì thành kiến. Người di dân thì nghĩ rằng chính phủ này thường xuyên thực hiện những cuộc ruồng bố bắt di dân ở lậu, ngay tại nơi làm việc, tại nhà thờ, hay trên đường phố. Dưới trào ông Trump số người di dân bị cơ quan di trú ICE bắt giữ tăng 40%. Một phụ nữ Mễ từng sống ở Mỹ trong hàng chục năm, được hứa là sẽ không bị trục xuất về nước nếu tuân theo qui tắc trình diện định kỳ. Khi bà đến trình diện sở di trú ở Phoenix, bà bị bắt, và trục xuất về nước, để lại những đứa con ở Mỹ.

Cuối cùng thì người di dân và người da mầu rất sợ chính quyền ông Trump, không những chỉ sợ những áp lực do chính quyền áp đặt trên họ, mà còn sợ vì mối hận thù ông Trump khuyến khích, kích động trong dân chúng. Theo cơ quan FBI tội phạm vì thù ghét tăng lên cao từ hồi năm 2016, và cứ đến mùa bầu cử, thì tội phạm loại này lại cảng tăng.

Có lẽ ông Trump sẽ gặp nguy hiểm trong tương lai vì bị Ủy Viên Công Tố đặc biệt Robert Mueller điều tra về những hoạt động của người Nga trong mùa bầu cử 2016. Cuộc điều tra đang làm cho các phụ tá của ông Trump lo sợ. Đầu tiên là ngày 30 tháng 10, ủy ban truy tố ông chủ tịch, và phó chủ tịch vận động tranh cử của ông Trump về tội rửa tiền. Kế đến là ngày 1 tháng 12 vừa qua, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, tướng hồi hưu Michael Flynn phải nhận tội đã nói láo với FBI, và ông hứa sẽ cộng tác với nhà chức trách khai hết sự thật. Bạn bè thân cận với ông Trump nói rằng theo quan điểm của ông thì ông chẳng làm điều gì nên tội cả. Ông Christopher Ruddy, người vừa dự lễ Thanksgiving với gia đình ông Trump nói: “việc này rồi đây sẽ mau chóng kết thúc, và chẳng gây ảnh hưởng gì đến ông Trump cả.”. Nhưng nhiều quan sát viên hoài nghi, và cho rằng cuộc điều tra sẽ không sớm kết thúc đâu.

Tuy nhiên, chính ông bạn thân Ruddy này cũng mong rằng từ nay về sau ông Trump nên bớt công kích, xỉ vả nặng lời những kẻ chống ông thì có lợi hơn. Nếu không, mùa bầu cử sang năm sẽ đưa đến những kết quả “long trời đổ đất.”. Phụ nữ, giới trẻ, sẽ xông ra làm thịt đảng Cộng Hòa ‘thật đẫm máu” trong kỳ bầu cử mid-term.

Có điều phải nói cho đúng là dù yêu hay ghét ông Trump, ông ấy đã chiếm lĩnh sự chú ý của chúng ta, của mọi người, khác hẳn với các Tổng thống trước đây. Ông ta đang chỉ huy không những ngành hành pháp, ông còn chỉ huy luôn toàn dân trong nước, chỉ huy cả thế giới qua việc làm đơn phương của ông, hay qua những biến cố, phải uốn mình tuân theo ý muốn của ông. Đây mới chỉ là Năm Đầu Tiên trong triểu đại tổng thống Trump, và show trình diễn mang tên ông Trump sẽ còn tiếp diễn dài dài. Phê bình màn trình diễn này có thể có ý khen, hay chê khác nhau, nhưng chắc chắn ai cũng phải chú ý theo dõi, không thể bỏ qua.

.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 18/12/2017
Nguyên tác: Donald Trump, The 45th commander in chief has changed the rules of the presidency, Molly Ball

 


Cái Đình - 2018