Nguyễn Lê Hiếu


Dân Kurdes và bài học lịch-sử

Mấy hôm nay, báo-chí và truyền-hình liên-tiếp loan-tải tin-tức về cuộc rút quân do TT Trump ra lệnh, rút ra khỏi phía bắc Syria, bỏ rơi đồng-minh Kurdes là một nhóm đồng-minh chống “cái gọi là nhà nước Islam-giáo”. Nhà nước Islam-giáo đó là một tổ-chức quá-khích trước đây đã chiếm một khu thuộc Irak và Bắc Syria, xưng là quốc-gia Islam-giáo, khuyến-khích, yểm-trợ và chỉ-huy nhóm khủng-bố phá-hoại ISIS. Hoa-kỳ và các đồng-minh Âu-châu, và nhóm Kurde ở Syria đã chung sức đánh phá cái nhà nước Islam-giáo. Các đồng-minh yểm-trợ khí-giới, phương-tiện truyền-tin giao-thông trong khi dân Kurdes, nam cũng như nữ trong tuổi tác-chiến, trực-tiếp tham-gia cuộc chiến đã giảm-thiểu số tử-vong và thương-tích của Đồng-minh và Hoa-kỳ; ngược lại, quân dân Kurdes thì phải trả giá cao về số tử-vong và thương-binh. Sau khi phá xong cái-gọi-là nhà nước Islam-giáo, Đồng-minh nghĩ là nên tạo một khu an-ninh tại biên-giới cho dân Kurdes sinh-sống, có sự hiện-diện tượng-trưng của Hoa-kỳ để đảm-bảo an-ninh vùng nói chung.

Bỗng-nhiên, sau cú điện-thoại với TT Thổ-nhĩ-kỳ, TT Trump đã ra lệnh rút quân, bất ngờ và nhanh-chóng, nói cách khác, gián-tiếp bật đèn xanh cho quân Thổ mở cuộc hành-quân tràn xuống phía nam, đưa quân vào vùng ranh-giới giữa Syria và Thổ, nghĩa là vào phía bắc của Syria, đất-đai trước đây thuộc vùng quân dân Kurdes sinh-sống tự-trị. Mới ra quân hai ngày, quân Thổ đã giết hàng trăm quân dân Kurdes. Dân Kurdes vẫn còn đang chống đỡ, tuy-nhiên, vì bị Mỹ bỏ rơi, họ đã phải kêu gọi người đối-lập của Hoa-kỳ là TT Syria Assad giúp-đỡ và tin cuối ngày hôm nay, TT Syria Assad đã đưa xe tăng và quân-đội vào khu tự-trị Kurde gọi là để giúp-đỡ dân Kurde và bảo-vệ lãnh-thổ Syria. Đồng-thời, Nga, đồng-minh của Syria, cũng đã đưa quân vào tiếp-thu các căn-cứ Hoa-kỳ để lại. Còn Phó TT Pence và ngoại-trưởng Pompeo lên đường sang Thổ cố-gắng tháo-gỡ cuộc hành-quân khủng-bố của Thổ.

Câu chuyện còn đang biến-chuyển, chuyện hiện-đại lại còn nhiều điều bí-ẩn, nên chúng tôi không đám đâm đầu mà bàn vào nói ra. Thay vì nói chuyện hiện-đại và đoán mò về tương-lai, tôi xin mới quý thính-giả tìm về lịch-sử, tìm-hiểu sao dân Kurde lại nên nông-nỗi khổ đau của dân-tộc nhỏ này.

Trước hết, xin giải-tỏa vài ngộ-nhận. Cũng như một số dân Hoa-kỳ trong đó có một số không ít dân gốc Việt ta, chúng ta bị đầu-độc: biết là ISIS ác-độc, lại được nghe họ là dân Islam-giáo, thế là không ít người ùa theo số đông chỉ-trích Hồi-giáo là quá-khích, là ác-nghiệt, là dã-man. Từ đó, chê-bai buộc tội Islam-giáo, bóp méo các câu chuyện về dân tỵ-nạn Islam-giáo. Trên một mạng gọi là trí-thức, có người viết: Không phải tất cả dân Hồi-giáo là xấu nhưng trăm-phần-trăm các vụ khủng-bố là do dân Hồi-giáo gây ra. Đấy, có những người gọi còn ngộ-nhận và phát-biểu lẫn-lộn như vậy.

Lại nói Islam-giáo dạy rằng kẻ nào tử-vì-đạo thì khi chết sẽ được hưởng 72 trinh-nữ. Câu chuyện vô-lý đó được xầm-xì với nhau rồi sau bắc loa phổ-biến khắp thiên-hạ. Mặc dù câu chuyện được cải-chính, giải-thích nhưng nó không hợp với thành-kiến ghét Islam-giáo nên câu giải-thích cải-chính không được phổ-biến. Sự thực là được hưởng 72 trái nho raisin –nho vốn là thức ăn quý của thiên-thần tựa như đào tiên của Tây-Vương-Mẫu. Vậy hưởng trái nho là được ngồi vào bàn tiệc cùng chư Thần. Raisin là trái nho bị dịch nhầm và hiểu nhầm là virgin trinh-nữ!

Trở lại vấn-đề nhóm quá-khích chiếm một khu đất Irak và Bắc Syria – mà cũng là khu dân Kurde tự-trị, làm loạn đia-phương đó; sau bị quân Kurde và quân đồng-minh tái chiếm. Quân Kurde hy-sinh nhiều để thành-công trong khi quân đồng-minh yểm-trợ vũ-khí, truyền-tin; còn thì chỉ có tổn-hại nhỏ về nhân-sự. Quân Thổ-nhĩ-kỳ thuộc khối NATO cũng góp phần vào. Truyền-thông ít giải-thích nên nhiều người chúng ta không nhớ rằng dân Kurde và dân Thổ cũng là Islam-giáo. Có nghĩa là nếu ISIS là Islam giáo ác-nghiệt thì ngược lại, đồng-minh với Hoa-kỳ và Âu-châu có dân quân Kurdes và quân Thổ cũng là Islam-giáo. Nói cách khác, ở đâu và tôn-giáo nào, cũng có người tốt và người xấu, Vậy trong CĐ chúng ta, cần phải tỉnh-táo để mà xóa-bỏ cái ý-kiến – không, đúng hơn là bỏ cái thành-kiến – ngộ-nhận kỳ-thị Islam-giáo. Đó là bài-học đầu buổi hôm nay: tháo-bỏ ngộ-nhận kỳ-thị tôn-giáo

Câu hỏi thứ hai là tại sao cùng Islam giáo mà Thổ và Kurde đánh lẫn nhau? Xin thưa là vì dân Kurde chiếm gần 1/5 tổng-số dân Thổ-nhĩ-kỳ, sinh-sống trên một khoảng đất rộng gần 1/4 đất-đai Thổ-Nhĩ-Kỳ. Sau đệ I thế-chiến, tại hội-nghị Sèvres dự-trù cắt một khoảng đất lập nước cho dân Kurde. Nếu như vậy, Thổ sẽ mất 1/4 diện-tích đất và 1/5 dân-số. Thổ không chịu và sau đó, quốc-tế chịu nhường Kemal Moustafa, lãnh-tụ trẻ và người hùng của cộng-hòa Thổ. Rút cuộc là dân Kurde, không có quốc-gia riêng-biệt, cho nên sống ở vùng ranh-giới 4 nước: Thổ ở phía bắc, Syria, Irak và Iran ở phía nam; và họ chịu cảnh thổ-dân thiểu-số.

Ở Thổ-nhĩ-kỳ, chính-phủ Thổ có kế-hoạch đồng-hóa dân Kurdes, gọi họ là Thổ miền Thượng (Mountainous Turk); bắt họ bỏ văn-hóa Kurde mà chấp-nhận văn-hóa Thổ; tiếng nói, tập-tục, cách ăn-mặc v.v… nhất nhất phải theo khuôn-mẫu Thổ. Lấy văn-hóa Thổ làm chuẩn. Cách xử-thế đó, trước đây coi là bình-thường vì nhân-loại hồi xưa, chưa hiểu-biết và thiếu rộng-lượng, cởi-mở như ngày nay; cho nên phe khỏe hay phe thắng-thế thường tưởng rằng mình đúng nên lấy mình làm chuẩn. Pháp muốn dân Việt sống theo Pháp và tự trao trách-nhiệm giáo-hóa dân thuộc-địa – gọi là sứ-mạng khai-hóa la mission civilisatrice. Dân Hán lấy nước ta, ép ta theo họ, mặc áo cài bên mặt, bỏ chữ viết khoa-đẩu, rồi cho Nhâm-Diên dạy chữ tượng-hình-tượng-ý, tức là thứ chữ Hán chữ Nho, cũng tự cho là công-trình khai-hóa. Về sau dân ta có thế mạnh, lại bắt dân Chăm ăn-mặc theo dân Việt gọi là cho có tiến-hóa. Bên châu Mỹ, người Da-trắng bắt thanh-thiếu-niên Da-đỏ vào nội-trú tại các trường công-giáo hay trong chủng-viện; sau vài năm, khi thả họ về với các bộ-lạc nguyên-thủy, trai-tráng Da-đỏ thành lạc-lõng với đồng chủng. Nhân-loại hồi đó chưa biết đánh giá thực văn-hóa, nhầm văn-hóa với văn-minh tiến-bộ nên xử-thế như vậy, phần nào có thiện-chí thiện-ý nhưng đi ngược lòng dân.

Cái tệ-hại ngày nay là nhân-loại đã tiến-hóa, đã biết tôn-trọng văn-hóa di-biệt, trang-quý đa-diện, đề-cao nhân-quyền mà Thổ-nhĩ-kỳ còn bám chặt lối suy-nghĩ cổ-xưa, ép dân Kurde thay-thế văn-hóa của họ để theo và hội-nhập văn-hóa Thổ. Do đó có xung-khích. Vậy bài học thứ hai bữa nay là nên biết và tôn-trọng đa-nguyên, tôn-trọng nhân-quyền, kính-trọng các văn-hóa khác, dân-tộc khác. Không nên trong chớ hay ép-buộc người khác hội-nhập vào nhóm của mình – dù có là đa-số đi nữa – mà phải biết trân-quý cái khác-biệt phong-phú đa-nguyên.

Từ đó, chuyển sang điểm thứ ba là nguồn-gốc và hoàn-cảnh dân Kurde. Họ là thổ-dân ở vùng Tiểu-Á, giống Indo-European, nhánh Iranien, ở phía bắc vùng Lưỡng-hà nghĩa là vùng đồng-bằng giữa hai sông Tigris và Euphrates, vùng Iran Irak ngày nay. Dân Kurde nhận mình là hậu-duệ của vương-quốc Mèdes.

Vùng Tiểu-Á này – và cả vùng Trung-đông là điểm qua lại của nhiều lớp dân, nhiều văn-minh, nhiều đế-quốc, nhiều tôn-giáo; tất-cả ảnh-hưởng nhiều đến các vương-quốc nhỏ trong vùng trong đó lẽ-dĩ-nhiên có Medes. Ba nền văn-minh lớn và ảnh-hưởng lâu-dài là, theo thứ-tự thời-gian: văn-minh Ba-tư xứ Nghìn-lẻ-một-đêm, văn-minh Hy-La (Hy-lạp và La-mã), và thứ ba là văn-minh Ả-rập-Islam-giáo. Văn-minh Á-đông đăc-biêt dân Hung-nô cũng đánh-chiếm Ba-tư một thời, để lại hậu-duệ pha-giống là dân Thổ ngày nay.

a-  Trước hết là văn-minh và đế-quốc Ba-tư, thời Cyrus II tức là Cyrus đại-đế đã chiếm xứ Medes của ông ngoại. Từ sau đó, dân Medes không bao-giờ được hoàn-toàn tự-do nữa, một thời trở thành nước phụ-dung của Ba-tư.

b-  Thứ đến là Hy-lạp và La-mã đánh chiếm Ba-tư; đế-quốc La-mã tiếp-nối trong vùng rồi lấy Ky-tô-giáo làm chính-giáo; lúc này, Lydie thành bộ-phận cơ-hữu của đế-quốc La-mã.

c-  Đợt thứ ba là văn-minh Ả-rập Islam-giáo tràn sang, chiếm các nước ven-biển Địa-trung-hải. Phía tây của Âu-châu theo Ky-tô-giáo còn phía đông, bắc-Phi và Tiểu-Á theo Islam-giáo. Dân Mèdes cũng theo tôn-giáo mới, Islam-giáo nhưng không theo văn-hóa Ả-rập mà giữ nguyên truyền-thống của mình.

Thời Trung-cổ, quân Hung-nô từ miền trung Á-châu cũng tràn qua Tiểu-Á, không ở lâu nhưng cũng để lại dấu-vết trên dân sống ở Thổ-nhĩ-kỳ. Tóm lại nhiều lớp dân, nhiều giống dân sống chung, đa-số cải theo Islam-giáo, có nhóm giữ tín-ngưỡng cũ Hỏa-giáo, Thanh-giáo, Ky-tô-giáo đông-phương… Nhưng nhóm Mèdes chỉ theo Islam-giáo nhưng không theo văn-hóa Ả-rập. Rút cuộc, sau còn hai đế-quốc Islam-giáo lớn, Ottoman theo Sunni và Iran theo Shi’a. Dân Kurde là giống dân ở giữa chịu cảnh trâu-bò đánh nhau ruồi muỗi chết.

Hoàn-cảnh cũng giống như dân Chăm thời quân Tây-sơn và quân Nguyễn-Ánh tranh hùng. Khi quân Nguyễn-Ánh từ Gia-định ra đánh Tây-sơn, thì phải kéo quân qua vùng Tam-Phan (Phan-rang, Phan-rí, Phan-thiết). Còn khi phe Tây-sơn vào đánh Nguyễn-Ánh ở Gia-định, cũng lại kéo quân qua vùng Tam-phan. Gọi là trâu bò húc nhau ruỗi muỗi chết là như vậy. Ở Tiểu-Á, dân Kurde ngả theo phe đế-quốc Ottoman để được hưởng quyền tự-trị trong đế-quốc nhưng phải giữ vai-trò phên-dậu bảo-vệ Ottoman chống lại mỗi khi phe đế-quốc Ba-tư gây hấn. Tình-hình tồn-tại như vậy nhiều thế-kỷ cho đến tận cuối Đệ I Thế-chiến, khi đế-quốc Ottoman thua, phe đồng-minh Pháp Anh cùng nhau cấu xé phân-chia đế-quốc Ottoman thành một lô tiếu-quốc, miệng thì nêu nhân-nghĩa theo công-thức quốc-gia dân-tộc; nhưng thực-tâm thì phân thành nhiều nước nhỏ để dễ trị (sau này gọi là Balkanisation = phân-hóa) Họ dự thảo cắt một khoảng đất-đai nhỏ cho lập nước Kurdistan. Nếu như vậy thì đất Thổ mất 1/4 đất đai và 1/5 dân-số.

Bấy giờ, đế-quốc Islam-giáo Sunni Ottaman bị thua chỉ còn quốc-gia Thổ mà nếu lại còn mất dân mất nước thêm thì còn gì nữa; thế là một số sĩ-quan trẻ nổi lên làm cách-mạng, đánh-đổ vị Sultan tức là vua Thổ, lập nền Cộng-hòa. Trong số các lãnh-tụ nổi dậy, có Kemal Mustapha trở thành anh-hùng Thổ, được Anh Pháp nể; Anh Pháp bèn bãi bỏ dự-án thiết-lập Kurdistan. Thế là mộng có một quốc-gia Kurdistan thành mây-khói, dân Kurde không có tổ-quốc, là một nhóm dân sống vùng ranh-giới giữa Thổ phía bắc và Iran – hậu-duệ của Ba-tư ở phía nam.

Ở đây có dầu hỏa. Anh Pháp bèn cắt cho mình hai khu-vực dầu-hỏa: Pháp lập vùng ảnh-hưởng là Syria do Pháp quản-trị, còn Anh lập ra vùng Irak thuộc Anh. Dân Kurde trước đây được tự-trị thuộc Ottoman, nằm giữa hai đế-quốc Ottoman và Ba-tư, nay không có đất riêng và trở thành dân bản-địa, sống rải-rác, thành dân thiểu-số trong bốn nước mới: Thổ (Ottoman cũ), Iran (Ba-tư cũ).; Syria và Irak (hai đất mới thành-lập).

Ở Iran, lúc đầu, có nhóm Kurde được Nga ủng-hộ nhưng sau vì vua Iran, le shah, theo Anh và được Anh đỡ đầu bèn đánh giết, mong tiêu-diệt hay ít nhất, kiểm-soát chặt-chẽ 10% thiểu-số Kurdes trong vương-quốc Iran, cũng như nhiều thiểu-số khác.

Ở Irak, Saddam Hussein cũng giết dân Kurde, có lần mang hơi-độc để giết dân Kurde; cho tới khi Mỹ mang quân vào và hạ Hussein thì một vùng đã được ghi nhận trong hiến-pháp mới, thời hậu-Hussein, là vùng tự-trị Kurde.

Bên Syria, khi Mỹ đánh phá ISIS, để được sự hỗ-trợ của dân Kurde ở phia bắc Syria, đồng-minh đã cổ-võ để lập vùng biên-giới Syria-Thổ thành khu tự-trị giống như bên Irak thời hậu Hussein. Dân Kurde ở Syria đóng góp nhiều về mặt quân-sự vì họ có mặt tại chỗ, nhận phương-tiện của Mỹ để đánh ISIS và bảo-vệ vùng đất tự-trị bắc Syria.

Ở Thổ, dân Kurde đông, bằng 50% tổng-số dân Kurde và 20% dân-số Thổ. Họ muốn tranh-đấu có tổ-quốc Kurde như vậy sẽ lấy mất 1/4 lãnh-thổ Thổ-nhĩ-kỳ; nếu họ thành-công thì sẽ thu-hút thêm dân Kurde ở ba nước chung-quanh là Syria, Irak và Iran, dám lại tạo nên một quốc-gia dân-tộc Kurde mới tinh. Thổ không chấp-nhận, coi như không có dân Kurde, phủ-nhận sự hiện-hữu của dân Kurde, gọi họ là dân Thổ miền Thượng (miến núi). Cấm-đoán phong-tục cổ-truyền Kurde, cấm xử-dụng ngôn-ngữ, in sách báo bằng tiếng Kurde. Khi thấy đồng-minh tính lập và bảo-vệ một khu an-tòa tự-trị tại Irak, nay lại sao bản cũ bên Syria thì Thổ e-sợ dân Kurde ở Thổ cũng noi gương đòi tự-trị hay biệt-lập; nhưng không làm gì được ngoài việc liên-tục phàn-nàn với Mỹ. Đúng lúc Mỹ rút hết quân không còn có mặt – mặc-dù chỉ là sự hiện-diện tượng-trưng – thì Thổ biết là Mỹ đã bỏ rơi Kurde. Thế là mấy ngày sau, Thổ xua quân sang đánh quân dân Kurde ở bắc Syria. Người Kurde ơi ới kêu phản-bội. Thì cũng chỉ là bổn cũ ở Việt-Nam sao lại.

Nhìn vào lịch-sử, lúc nãy có nói đến vài thu-nhận kiến-thức:

1-  Nên cởi bỏ ngộ-nhận kỳ-thị Islam-giáo
2-  nên tôn-trọng đa-nguyên, kính-trọng các văn-hóa khác, dân-tộc khác.

Bây giờ lại có thêm vài nhận-xét mới:

3-  cái thuyết quốc-gia dân-tộc đã lỗi thời mà con gây nhiều trở-ngại: chẳng nhẽ phải thiết-lập các quốc-gia dân-tộc tí-hon cho mổi nhóm dân thiểu-số, tỷ-dụ như ở nước ta sẽ phải phân chia, có quốc-gia Mán, quốc-gia Mường, quốc-gia Tày, quốc-gia Đá-vách Thach-bia, như nước Kurde, nước cộng-hòa Nam-kỳ tự-trị, chuyện không tưởng gây chia-rẽ. Irak. Syria, Lebanon… toàn là sản-phẩm của các nước lớn chia mồi béo-bở, dựng ra cái bẫy quốc-gia dân-tộc khiến nước bé lại bé hơn nữa, phân-hóa và suy-nhược hơn nữa.

4-  lại có thêm vài nhận-xét nữa là vì thuyết quốc-gia dân-tộc mà khối dân đa-số thường muốn ép các nhóm sắc-tộc nhỏ bé phải bỏ văn-hóa mình mà theo văn-hoá của khối đa-số, gây cảnh kỳ-thị áp-bức trong nội-bộ quốc-gia dân-tộc.

Đã đến lúc nên thay-đổi mô-hình quốc-gia dân-tộc thành quốc-gia nhân-bản trong đó không còn chú ý đến sắc dân mà chỉ dựa vào từng công-dân, từng cá-nhân. Chất keo-sơn gắn-bó mọi công-dân sẽ không còn là sắc-tộc, là dân-tộc; sẽ không còn là chủng-tộc, sẽ không còn là ngôn-ngữ, là màu da hay là tín-ngưỡng. Cái keo-sơn gắn-bó trong quốc-gia sẽ là sự thấu-hiểu về nhân-bản, hiểu và chấp-nhận rằng ai cũng có bản-sắc, bản-sắc có thể khác nhau, nhưng giá-trị căn-bản, mọi người ai cũng như ai. Trong quốc-gia nhân-bản, mọi người cần được dạy-dỗ chung cho hiểu-biết và chấp-nhận rằng mỗi người đều có nhân-vị, bản-sắc, mỗi người đều hưởng nhân-quyền, mỗi người đều hưởng cơ-hội đồng-đều về giáo-dục, về cơ-hội đồng-đều cầu-tiến, cơ-hội đồng-đều mưu-tìm hạnh-phúc, cơ-hội đồng-đều về săn-sóc sức khỏe; và trong khi hưởng mọi cơ-hội đồng-đều thì cũng phải tôn-trọng và bảo-vệ quyền có cơ-hội đồng-đều của người khác.

Có người đã tóm-tắt những cơ-hội đồng-đều đó bằng lời răn sau đây: Hãy coi chừng sự bất-công không đồng-đều cho bất cứ một người nào; bởi vì sự bất công không đồng-đều cho một người khác mình ngày hôm nay sẽ dẫn đến bất-công không đồng-đều cho người giống mình ngày hôm sau và dẫn đến bất-công không đồng-đều cho chính mình ngày hôm sau nữa.

Những sự bất công cho dân tỵ-nạn và nhập-cư hôm nay ở biên-giới miền Nam, sẽ dẫn đến sự kỳ-thị người dân tỵ-nạn và nhập-cư Da nâu Da vàng Da đen khác ngày mai, và sẽ kéo theo sự kỳ-thị dân tỵ-nạn và nhập-cư Việt ngày mốt. Chúng ta phải tránh việc kỳ-thị, không phải là vì lo cho dân Việt nói riêng, mà là lo cho tất cả mọi người. Điều quan-trọng đáng nhớ nữa là nói và làm như vậy, không phải chỉ vì lòng nhân-đạo thương người, mà là sự tôn-trọng quyền làm người của mọi người trong quốc-gia nhân-bản.

,

Nguyễn Lê Hiếu


Cái Đình - 2019