Trần Ngọc
Cưỡng bức chích ngừa đối lại với quyền tự do quyết định chích: Hà Lan đang đứng nơi đâu?
Càng ngày càng có nhiều nước quanh ta ép buộc nhân viên làm trong một số ngành nghề phải chích ngừa.
Còn Hà Lan thì sao? “Chắc bạn nghĩ là nếu xét trên mặt pháp lý thì dễ dàng ban hành biện pháp bắt buộc chích.
Thế nhưng một đạo luật như vậy không khi nào được Quốc hội thông qua.”
Người tham dự Stereo Sundayfestival (Venlo) phải xuất trình
kết quả thử âm tính virus corona tại cổng vào ©Arie Kievit
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi những người không muốn chích ngừa là ‘ích kỷ’ và ‘vô trách nhiệm’. Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố ‘cụ thể là đi tới từng nhà một’ để nâng cao tỉ lệ chích ngừa tại vài khu vực trong Hoa Kỳ. Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte, khét tiếng qua ngôn ngữ răn đe, mới đây đã dọa là sẽ bắt giữ những người Phi nào không chịu chích ngừa để chính thức tiêm vào đít họ một phát
Còn Thủ tướng Mark Rutte và Bộ trưởng Y tế, An sinh và Thể thao Hà Lan Hugo de Jonge nghĩ sao? Hai vị này cao lắm sẽ cho là những người này có phần nào ‘đồi bại’ cho nên mới không chịu chích. Cho dù người ta đã chụp hình được vài người trong đám biểu tình phản đối đã mang theo ngôi sao Do Thái với hàng chữ ‘không chích ngừa’, việc cưỡng bức chích ngừa tại Hà Lan cho tới nay vẫn chưa đi tới đâu. Hiện đã có tình trạng gia tăng áp lực bằng cách ‘thúc đẩy’ (thủ tướng Rutte dùng từ nudging để chỉ những hành động dùng cảm tình hoặc dùng cách thân mật để lôi kéo người khác theo hướng định sẵn).
Đem so sánh với nhiều quốc gia khác thì Hà Lan là ốc đảo của sự tự do lựa chọn. Ý, Pháp và Hy Lạp bắt buộc nhân viên trong ngành săn sóc phải chích ngừa, tại Vương quốc Anh những người săn sóc tại nhà phải chịu biện pháp này. Tại Indonesia, nếu không chịu chích ngừa sẽ bị phạt 300 euro. Nga không bắt buộc phải chích ngừa nhưng các chính sách của nhà nước đã được tổ chức khiến cho dân chúng gần như không thể thoát được và có thể bị đuổi việc nếu từ chối chích ngừa.
Gay gắt trong các cuộc tranh luận
Thế nhưng, ở Hà Lan, những cuộc bàn thảo đang có nguy cơ trở nên gay gắt hơn nữa, chắc chắn là sắp tới đây, khi mọi người đã có đủ cơ hội để đi chích ngừa, nhưng do sự không sẵn lòng của một số người nên vẫn phải cần có biện pháp. Những người do giữ một niềm tin riêng nên dứt khoát không chịu chích ngừa virus corona thì cho đây là sự đối xử phân biệt; hoặc ít nhất, đây là sự chia rẽ trong xã hội, trong đó những người không chích ngừa sẽ trở thành đối tượng bị khinh rẻ. Những người này lo ngại những tác dụng phụ của thuốc chủng, không tin tưởng ở tác dụng của thuốc hoặc không muốn có cảm giác bị thúc ép bắt phải chích.
Tranh cãi về sự chia rẽ trong xã hội làm dấy lên nhiều câu hỏi khác. Hà Lan có thể ban hành biện pháp bắt buộc chích ngừa hay không? Khi đòi xem giấy chứng nhận chích ngừa thì có những cân nhắc nào về mặt pháp lý và đạo đức hay không? Và liệu rằng các chủ nhân hoặc doanh nhân có được phép làm điều này không?
Gần như tất cả mọi chuyên viên đều nói là ở Hà Lan sẽ không có chuyện bắt buộc phải chích ngừa. Điều này sẽ đi ngược lại văn hóa của chúng ta trong lãnh vực sức khỏe và chủng ngừa. Chủng ngừa từ trước tới nay vẫn luôn là chuyện tự nguyện, bởi vì đó là một sự can thiệp mang tính xâm phạm. Nếu có, cao lắm là vấn đề thúc giục (thí dụ những người đã được chích ngừa sẽ được hưởng ưu tiên nào đó, mà không có vấn đề ép buộc. Sau đợt phát dịch đậu mùa năm 1870, đó là lần cuối cùng Hà Lan ép buộc dân phải chùng ngừa.
Trong trường hợp ép buộc chủng ngừa, luôn luôn có sự trao đổi một số quyền cơ bản và sự tự do. Sẽ có những đụng chạm giữa các giá trị với nhau. Quyền tự do của người này khiến họ không muốn chích ngừa sẽ đối mặt với sự tự do của người khác muốn sống mạnh khỏe trong cảnh không bị giam hãm, và không bị lây nhiễm ở những nơi công cộng.
Tòa án Âu châu
Tòa án Nhân quyền Âu châu trong tháng tư năm nay (2021) đã phán quyết là chính phủ có thể ra điều kiện là đứa trẻ phải được chích ngừa nếu muốn được nhà trẻ thu nhận. Vụ kiện được các bậc cha mẹ ở Cộng hòa Tiệp đưa ra, họ muốn là con họ, nếu không chích ngừa sởi hoặc viêm gan chẳng hạn, phải được nhận vào nhà trẻ, trong khi điều này ở Tiệp bị cấm đoán. Theo Tòa án Âu châu, sức khỏe cộng đồng có ưu tiên trên quyền được tôn trọng môi trường sống và sự toàn vẹn thân thể.
Pháp, Bỉ, Ý và Tiệp cưỡng bức một số loại tiêm chủng. Ở Đức, nhà trẻ không được phép thu nhận trẻ không được chích ngừa. Cha mẹ có thể bị phạt nặng, tới 2500 euro, nếu họ không cho con chích ngừa. Ở Hà Lan cũng có những nhà trẻ từ chối nhận trẻ không chích ngừa, cho dù điều này không có cơ sở pháp lý. Một dự thảo luật đã được đảng D66 đệ trình và hiện đang nằm tại Thượng Viện.
“Chúng tôi khá gắn bó với quyền tự quyết ở Hà Lan,” ông Martin Buijsen – giảng sư luật và chăm sóc sức khỏe của Đại học Erasmus, nói. “Nếu chính phủ đụng chạm tới, chúng tôi sẽ chống đối.” Ngoài ra, những nhóm chống chủng ngừa dựa trên nguyên tắc sống của nhóm cũng được tổ chức chặt chẽ và có tiếng nói mạnh ở Hà Lan. Ông Buijsen cho biết: “Cứ thử nghĩ đến những người sống trong vòng đai Kinh Thánh hoặc những nhà nhân loại học. Trên căn bản pháp lý, người ta có thể khá dễ dàng soạn thảo một dự luật bắt buộc chủng ngừa, thí dụ cho những người săn sóc, nhưng một dự luật kiểu đó không bao giờ được lưỡng viện Quốc hội thông qua.”
Hà Lan trong lịch sử đã được xem là một nơi an toàn cho những người có ý kiến khác thường, thí dụ như những người Hugenoten hoặc những người Do Thái gốc Tây Ban Nha (Sephardim) đã đến Hà Lan tị nạn vào thế kỷ 17 - 18. “Chúng tôi sẵn có trong máu cái gen chấp nhận những người chống đối,” ông Theo Boer – giảng sư Y Đức và cũng là thành viên của Hội đồng Tư vấn Sức khỏe, nói. “Con người có được quyền tự do phạm lỗi, không phải chỉ vì MỘT đại dịch mà phế bỏ nó.”
Sự sẵn sàng tiêm chủng
Ở Hà Lan luôn có khoảng từ 8 tới 10% dân số không chịu chích ngừa chống lại những bệnh nhiễm khuẩn ‘cổ điển’ như sởi, sốt tê liệt và viêm gan siêu vi B. Ông Buijsen cho biết: “Thi thoảng có nơi phát dịch, như dịch sởi 6 năm trước. Nhưng trên nguyên tắc thì số 10% này được bảo vệ bởi 90% dân đã được chích ngừa. Nếu con số 10% này gia tăng, thì chúng tôi có lẽ sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng.”
Ở Hà Lan, một sự cưỡng bách tiêm chủng rất có thể không cần thiết. Mức độ sẵn lòng cho chích ngừa chống lại virus corona trong những tháng gần đây đã gia tăng mãnh liệt và theo RIVM, vào đầu tháng bảy này nằm ở mức 89% những người từ 16 tuổi trở lên. “Có khả năng là mức độ sẵn lòng còn tăng chút ít nữa,” ông Buijsen nói. “Đương nhiên là còn tùy thuộc vào mức độ hiệu nghiệm của vaccin chống lại các biến chủng, nhưng trên nguyên tắc, một mức độ tiêm chủng trên 90% là đủ để chế ngự phần lớn virus.”
Cố nhiên là có thể có người nào đó ở Hà Lan vẫn cảm thấy bị áp lực ép buộc phải đi chích ngừa. Thí dụ chủ nhân của họ đòi hỏi phải có giấy chứng nhận đã chích ngừa hoặc cơ sở nào đó đòi xem giấy này trước khi cho phép vào cửa hiệu, nơi tổ chức sự kiện hoặc lễ hội, hay quyết định cho lên máy bay hay không.
Bởi vì, đúng như vậy, Hội đồng Tư vấn Sức khỏe đã ra khuyến cáo là tư nhân được phép xét giấy chứng nhận đã chích ngừa trước khi cho phép đi vào hoặc tham gia, nhưng với điều kiện là phải thông báo thật rõ ràng và hợp lý. Họ phải chứng minh được là giấy chứng nhận đã chích ngừa phải được phục vụ cho một mục tiêu chính đáng và thật sự cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Trong thời gian đại dịch, một mục tiêu chính đáng là: nhân viên bán hàng hoặc nhân viên phục vụ trong hàng quán phải lo cho khách hàng có được một môi trường lành mạnh.
Sự xét hỏi giấy chứng nhận chủng ngừa cũng phải đáp ứng các yêu cầu về sự tương xứng – tức là những bất lợi của sự can thiệp phải tương ứng với mục tiêu – và sự phục vụ sẽ được hưởng, có nghĩa là cũng phải có một cách nào khác ít bó buộc hơn, thí dụ giấy chứng nhận thử nghiệm âm tính. Chính sách này dĩ nhiên cũng phải đáp ứng luật bảo vệ đời tư và không được đi ngược lại luật cấm đối xử phân biệt.
.
Nguyên tác: Prikdwang versus prikvrijheid: waar staat Nederland? Abel Bormans & Haro Kraak. Trích từ: de Volkskrant 27.07.2021
Người dịch: Trần Ngọc
Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/thoisu/cuongbucchichngua.htm