Phạm Đình Lân


Chuyện thế kỷ XXI: Địa cầu Tam quốc

Năm 1918 Đức thất trận, Đệ nhất thế chiến chấm dứt.

Năm 1919 hội nghị Versailles được triệu tập. Đó là lúc người ta nghe nhắc đến Tam Cường Anh, Pháp và Hoa Kỳ.

Hai nước Anh và Pháp không to lớn về diện tích lẫn dân số nhưng là hai cường quốc Âu Châu có nhiều thuộc địa trên thế giới vào thế kỷ XIX và 2/3 thế kỷ XX.

Hoa Kỳ là một nước tân lập sớm trở thành cường quốc ở Mỹ Châu, đẩy lui ảnh hưởng của đế quốc Tây Ban Nha ra khỏi lục địa Mỹ Châu. Sau khi đánh bại Tây Ban Nha năm 1898, Hoa Kỳ có ảnh hưởng tuyệt đối trên đảo Cuba, Puerto Rico và chiếm quần đảo Phi Luật Tân, thuộc địa của Tây Ban Nha ở Đông Nam Á. Hoa Kỳ đã vượt xa chủ nghĩa Monroe về Châu Mỹ của người Mỹ Châu để đặt chân lên quần đảo Hawaii và Phi Luật Tân trong Thái Bình Dương.

Năm 1917 Hoa Kỳ tham gia đệ nhất thế chiến bên cạnh Anh và Pháp khi Wilson thuộc đảng Dân Chủ làm tổng thống. Lần đầu tiên quân sĩ Hoa Kỳ chiến đấu trên chiến trường Âu Châu và giúp cho phe đồng minh chiến thắng vào năm 1918. Quốc Hội Cộng Hòa không phê chuẩn hiệp ước Versailles nên Hoa Kỳ phải trở về chủ nghĩa cô lập.

Hoa Kỳ có vai trò tối quan trọng trong đệ nhị thế chiến và thời hậu chiến trên thế giới. Để làm gương cho hai nước Anh và Pháp, Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Phi Luật Tân (1946). Anh và Pháp bắt đầu suy yếu nếu trao trả độc lập cho các thuộc địa. Anh khéo léo trao trả độc lập cho Miến Điện, Ấn Độ để tránh chiến tranh giành độc lập. Pháp cố bám lấy thuộc địa nên bị thất bại ở Việt Nam năm 1954 và phải đương đầu với cuộc đấu tranh võ trang giành độc lập ở Algeria theo gương Việt Minh. Để tránh một Điện Biên Phủ II ở Bắc Phi, tổng thống De Gaulle trao trả độc lập cho Algeria (1962) . Sau đệ nhị thế chiến Anh và Pháp mất dần địa vị cường quốc mà họ có vào đầu thế kỷ XX. Thay vào vị thế của Anh và Pháp có Liên Sô và Trung Hoa.

***

Nga là quốc gia có diện tích rộng lớn nhất thế giới và có dân số đông nhất ở Âu Châu. Dù vậy Nga không phải là vùng đất bất khả xâm phạm: Năm 1812 Nga bị quân Pháp xâm lăng. Năm 1854 - 1855 cảng Sebastopol của Nga trên bán đảo Crimea bị Liên Minh Anh-Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ-Piemont-Sardinia phong tỏa. Năm 1904 và 1905 Nhật đánh bại Nga trên chiến trường Mãn Châu và trên eo biển Tsushima. Năm 1914 Nga bị Đức đánh bại trong trận đánh Tanneberg. Năm 1922 Nhật đổ bộ lên Tây Bá Lợi Á nhằm mục đích đánh dẹp quân Cộng Sản cướp chánh quyền ở Nga năm 1917. Năm 1941 Liên Sô bị Đức xâm lăng v.v...

So với Anh, Pháp Đức thời Bismarck, Nga là một quốc gia nghèo nàn và thua kém về phương diện khoa học kỹ thuật. Năm 1917 Đức giúp Lenin về nước lật đổ chánh phủ Kerensky để yên mặc trận phía đông hầu dốc lực lượng về mặt trận phía tây để đương đầu với Anh, Pháp có sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Đức thất trận năm 1918. Lenin không được chia phần với phe chiến thắng. Nhưng ông ấy có đường hướng tước đoạt thuộc địa trong tay các đế quốc Âu-Mỹ bằng sự thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản năm 1919. Ông biến nước Nga thành Thánh Địa Cộng Sản, trong đó Karl Marx là giáo chủ, bản thân ông Lenin là giáo hoàng và các đảng viên Đệ Tam Quốc Tế là những cán bộ không biên giới hết lòng phục vụ cho Đệ Tam Quốc Tế và nước Nga. Đó là phương cách tuyệt kỹ chinh phuc thế giới không cần võ khí, tiền bạc, không mang tiếng “đế quốc”, không phải chăm lo đời sống của dân thuộc địa, cũng không tốn tiền xây dựng bệnh viện, trường học, đường xá cầu kỳ chi cả nhưng được tiếng thơm “giải phóng thuộc địa” và được các nước thuộc địa cung phụng đủ thứ.

Diện tích nước Nga trước 1917 là 17 triệu km2. Từ năm 1922 đến 1991 quốc hiệu mới của Nga là Liên Sô (USSR: Union of Soviet Socialist Republics) bao gồm nước Nga + các nước vùng Caucasus + các nước theo đạo Hồi ở miền Nam nước Nga + Ngoại Mông + các tiểu quốc vùng Baltic tổng cộng 22 triệu km2. Người thực hiện công trình nầy là nhà độc tài Stalin, một người gốc Georgia, được chọn làm tổng bí thơ đảng Cộng Sản Nga. Stalin là người không có học vị cao như Lenin và Trotsky. Ông là người thô bạo, nhưng rất uyển chuyển để ngoi lên nắm quyền tột đỉnh ở Nga.

Lenin bị ám sát năm 1918. Ông không chết nhưng bị thương nặng phải tịnh dưỡng ở vùng ngoại ô Moscow. Mọi việc nước gần như do Stalin nắm giữ. Trong cuộc tranh chấp quyền hành giữa Stalin và Trotsky, Stalin tỏ ra ôn hòa và biến Trotsky thành người Cộng Sản quá khích với chủ trương cách mạng thường trực trên toàn thế giới. Cuối cùng Stalin hạ bệ Trotsky và đày ông sang Tây Bá Lợi Á. Stalin đưa nước Nga nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu trở thành một nước có kỹ nghệ nặng hạng nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ bằng những kế hoạch ngũ niên bắt đầu thực thi vào năm 1928.

Một ngày trước khi Đức xâm lăng Ba Lan mở đầu cho đệ nhị thế chiến, Stalin ra lệnh cho Molotov ký hiệp ước bất tương xâm với Đức Quốc Xã để Liên Sô bành trướng ảnh hưởng sang Phần Lan và ba tiểu quốc miền Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania). Năm 1941 Đức tấn công Liên Sô. Liên Sô vội vã ký hiệp ước bất tương xâm với Nhật để yên mặt trận phía đông hầu dồn nỗ lực chống Đức.

Năm 1942 Hoa Kỳ tham gia đệ nhị thế chiến trên cả hai mặt trận Âu Châu (chống Đức) và Thái Bình Dương (chống Nhật). Liên Sô nghiễm nhiên trở thành “đồng minh” của các quốc gia dân chủ Tây Phương. Liên Sô không chống phát xít Đức mà là đồng minh của Đức rồi thành kẻ thù khi bị Đức tấn công (1941). Việc Liên Sô đánh nhau với Đức đẫm máu để bảo vệ Leningrad và Stalingrad chỉ là cuộc chiến vệ quốc. Liên Sô không đánh nhau với Nhật. Họ chỉ tuyên chiến với Nhật sau khi Hoa Kỳ liệng hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (6/8 và 9/8 năm 1945). Phát xít Đức và Nhật đầu hàng. Liên Sô là quốc gia chia phần thắng lợi to lớn nhất:

– Tháo gỡ các nhà máy kỹ nghệ của Đức.

– Xâm chiếm quần đảo Kurils của Nhật.

– Biến các quốc gia Đông Âu thành những quốc gia chư hầu. Đó là: Đông Đức, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Albania, Romania, tổng cộng lối 1.017.285 km2 (3,08 lần lớn hơn nước Việt Nam).

– Thu hồi phân nửa đảo Sakhalin phía nam (37.246 km2) nhượng cho Nhật năm 1905 và chiếm quần đảo Kurils (10.503 km2) của Nhật.

Đó là thành tích to lớn mà nhà độc tài gốc Georgia mang lại cho Liên Sô sau 31 năm cầm quyền với tư cách tổng bí thơ đảng Cộng Sản và thủ tướng Liên Sô.

Sau đệ nhị thế chiến thế giới có hai đại cường to lớn về diện tích, dân số và trình độ khoa học kỹ thuật: Hoa Kỳ và Liên Sô.

Hoa Kỳ là quốc gia có bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới (1945). Bốn năm sau đệ nhị thế chiến, Liên Sô cũng có bom nguyên tử, rồi bom khinh khí như Hoa Kỳ. Cuộc chiến lạnh giữa hai đại cường bắt đầu vào năm 1949. Hoa Kỳ đứng đầu Thế Giới Tự Do. Liên Sô đứng đầu Thế Giới Cộng Sản.

Năm 1949 Trung Quốc trở thành quốc gia Cộng Sản. Bán đảo Triều Tiên bị chia đôi. Phần phía bắc theo chế độ Cộng Sản (1948).

Năm 1954 Việt Nam bị chia đôi. Phần phía bắc theo chế độ Cộng Sản. Phần phía nam theo Thế Giới Tự Do.

Năm 1959 Fidel Castro biến đảo Cuba sát nách Hoa Kỳ thành một nước Cộng Sản đầu tiên ở Tây Bán Cầu. Thoạt mới nhìn, ta thấy Liên Sô đang thắng thế trên thế giới và Trung Quốc đang thắng lớn trên lục địa.

Về phía Liên Sô đó là gánh nặng và mối đe dọa của Liên Sô đối với một lãnh tụ quốc gia láng giềng đông dân nhất thế giới: Mao Zedong (Mao Trạch Đông). Gánh nặng vì Liên Sô bị chiến tranh tàn phá lại phải cưu mang, giúp đỡ cho một người khổng lồ luôn luôn kiêu ngạo về nền văn hóa ngàn năm của mình. Mao Zedong là người Cộng Sản Trung Hoa đầu tiên dám chống lại sự chỉ đạo của Stalin. Stalin ra lệnh cho đại diện của Liên Sô tại Hội Đồng Bảo An LHQ rời khỏi phòng họp để không dùng phiếu phủ quyết việc LHQ đưa quân vào bán đảo Triều Tiên năm 1950 và để quân Hoa Kỳ và LHQ đánh nhau với quân Cộng Sản Trung Quốc vừa mới nắm chánh quyền trên lục địa năm 1949. Bang giao Trung-Sô rạn nứt dưới thời Krushchev, người kế vị Stalin. Năm 1969 chiến tranh biên giới xảy ra giữa hai nước Cộng Sản trên đảo Damansky mà Trung Quốc gọi là Chen Pao (Chân Bảo).

Cộng Sản Trung Quốc nắm chánh quyền trên lục địa. Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) giữ chánh quyền trên đảo Taiwan chỉ rộng 36.000 km2. Nhưng sự hiện diện của Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Taiwan cho thấy sự phân ly trên thực tế của nước Trung Hoa.

Trong chiến tranh lạnh Hoa Kỳ bao vây Liên Sô ở Âu Châu bằng NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương), kế hoạch Marshall nhằm giúp đỡ các nước bại trận như Nhật, Đức, Ý và các nước bị chiến tranh tàn phá phục hồi kinh tế. Trong vùng Đông Nam Á có SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á) ngăn chận làn sóng Cộng Sản từ Trung Quốc tràn xuống các nước Đông Nam Á, kể cả Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Hoa Kỳ tài trợ cho Pháp 80% chi phí chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Sự thất trận của Pháp dẫn đến sự chia đôi nước Việt Nam. Thế giới Cộng Sản có thêm nửa nước Việt Nam (1954). Nhưng nửa nước Cộng Sản nầy chịu ảnh hưởng sâu đậm của Cộng Sản Maoist hơn là Liên Sô. Hoa Kỳ có ảnh hưởng ở nửa nước Việt Nam phía nam vĩ tuyến 17 sau khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956.

Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973. Hiệp định Paris là lối thoát danh dự của Hoa Kỳ. Năm 1975 Việt Nam thống nhất dưới chế độ Cộng Sản. Vài quốc gia Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh có khuynh huớng thiên về Cộng Sản. Sự chia rẽ giữa Cộng Sản thân Liên Sô và Cộng Sản Maoist càng rõ nét. Liên Sô có hai nước Cộng Sản trung kiên ngoài Âu Châu: đó là Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn và Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro. Liên Sô chống chủ nghĩa Maoism. Lê Duẩn chống Maoism. Liên Sô xâm lăng Afghanistan năm 1979. Trước đó không lâuViệt Nam xâm lăng Cambodia đánh đuổi Khmer Đỏ theo Maoism ra khỏi Phnom Penh (12-1978). Mỗi năm Liên Sô tài trợ cho CHXHCN Việt Nam 2 tỷ Mỹ kim giữa lúc kinh tế Liên Sô kiệt quệ vì:

– Chạy đua võ trang với Hoa Kỳ.

– Cưu mang các nước Xã Hội Chủ Nghĩa, đặc biệt là Việt Nam và Cuba.

– Bị Hoa Kỳ và các nước Tây Phương lên án về việc xâm lăng Afghanistan.

– Thế Vận Hội Moscow 1980 bị Hoa Kỳ và các nước Tây Phương tẩy chay.

– Đại bại trên chiến trường Afghanistan đành phải rút quân về (1988).

Bang giao thân thiện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc từ năm 1972 về sau thất lợi cho Liên Sô rất nhiều. Sau việc rút quân Liên Sô khỏi Afghanistan, các nước Đông Âu và các Cộng Hòa Sô Viết trong Liên Sô vùng lên đòi độc lập (1989). Chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu năm 1989. Hai năm sau Liên Sô sụp đổ.

Miền Nam Việt Nam bại trận nhưng Hoa Kỳ thắng trong sách lược của họ. Cộng Sản thân Liên Sô (Việt Nam) đánh nhau với Cộng Sản Maoist (chiến tranh Việt Nam-Khmer Đỏ năm 1978, chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc năm 1979). Cuối cùng Hoa Kỳ thắng trong chiến trạnh với Liên Sô. Thành trì chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ ở tuổi 74 (1917 - 1991).

***

Trung Hoa là một quốc gia rộng lớn và đông dân nhất thế giới. Vào thế kỷ XIX nước nầy bị các liệt cường Âu Châu chia cắt, kể cả Nhật Bản. Trong nước người Trung Hoa cảm thấy nhục nhã vì bị người Mãn Châu đô hộ. Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ nhà Mãn Thanh. Cách mạng chỉ có tiếng vang ở miền Nam. Ở miền Bắc nhà Mãn Thanh như không hề hấn gì. Một viên tướng người Hán phục vụ cho Thanh triều là Yuan Shikai (Viên Thế Khải) chụp thời cơ yêu cầu Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) nhường chức tổng thống cho ông thì ông sẽ dùng quân đội buộc nhà Thanh tuyên bố cáo chung. Nếu không ông đem quân đánh dẹp quân cách mạng. Lượng thấy quân cách mạng còn quá yếu, Sun Yatsen đành nhượng quyền cho Yuan Shikai.

Hoa Bắc chịu ảnh hưởng của Sun Yatsen và các tướng lãnh tay em của Yuan. Từ năm 1912 đến 1927 chánh phủ Bắc Dương bị Nhật chi phối. Đảng Cộng Sản Trung Hoa ra đời vào năm 1921 ở Shanghai.

Phe Quốc Dân Đảng của Sun Yatsen hùng cứ ở miền Nam. Sun Yatsen là người Guangdong (Quảng Đông). Liên Sô giúp cho Sun Yatsen lập trường võ bị Whampoa (Hoàng Phố). Đại tá Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) được gởi sang Moscow học về tổ chức quân sự và đoàn thể. Con của ông, Chiang Kingkuo (Tưởng Kinh Quốc), cũng được gởi sang Liên Sô học.

Năm 1925 Sun Yatsen mất. Chiang Kaishek cầm đầu quân Quốc Dân Đảng. Ông chấm dứt liên minh Quốc-Cộng và bắt đầu đàn áp các đảng viên Cộng Sản (1927). Đến năm 1928 Chiang Kaishek đánh bại các đốc quân ở Hoa Bắc để thống nhất Trung Hoa dưới lá cờ Thanh Thiên Bạch Nhật của Quốc Dân Đảng (Kuomintang). Ba năm sau Nhật chiếm Mãn Châu. Năm 1932 Mãn Châu Quốc được khai sinh.

Năm 1937 Nhật tấn công Trung Hoa. Chánh phủ Quốc Dân Đảng phải rời Nanjing (Nam Kinh). Nhật chiếm các thành phố lớn của Trung Hoa ở phía đông. Trong đệ nhị thế chiến Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Cộng Sản liên minh lần thứ hai (1936) kháng cự lại Nhật với sự giúp đỡ tích cực của Hoa Kỳ. Chánh phủ kháng chiến đóng đô ở Chongquing (Trùng Khánh). Pháp và Trung Hoa là hai trong Ngũ Cường bị Đức và Nhật xâm chiếm. Pháp có chánh phủ Pétain thân Đức. Trung Hoa có chánh phủ Wang Jing Wei (Uông Tinh Vệ) thân Nhật. Trung Hoa có chánh phủ kháng chiến trong nước. Pháp không có. Đó là điều mà tướng De Gaulle khó chịu trước cái nhìn của Roosevelt và Churchill.

Năm 1945 Trung Hoa chia chiến thắng với đồng minh. Nhật trả lại đảo Taiwan cho Trung Hoa sau khi thiết lập nền móng cai trị ở đó được 50 năm (1895 - 1945). Cuộc nội chiến Quốc-Cộng tái diễn. Lần nầy khí thế của du kích Cộng Sản quá mạnh. Năm 1949 quân Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek bị quét sạch khỏi lục địa phải chạy ra đảo Taiwan. Lục địa Trung Hoa trở thành Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, một quốc gia Cộng Sản đông dân nhất thế giới.

Mao Zedong là một nhà lãnh đạo độc tài, kiêu căng, hiếu chiến và bài ngoại. Dưới sự lãnh đạo của ông CHNDTQ:

– Đánh nhau với Hoa Kỳ và và quân LHQ trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).

– Viện trợ cho Việt Minh đánh nhau với Pháp. Trung Quốc phát huy ảnh hưởng ở Bắc Hàn và Bắc Việt Nam, hai vùng đất có liên hệ lịch sử và văn hóa với Trung Hoa từ xưa. Chính Zhou Enlai (Châu Ân Lai) có vai trò quan trọng trong hội nghị Genève năm 1954 chớ không phải Phạm Văn Đồng mặc dù Việt Minh được tiếng chiến thắng Pháp trong trận đánh quyết định ở Điện Biên Phủ. Người chiến thắng không ngăn cản nổi sự chia cắt đất nước. Thậm chí ông Đồng đề nghị lấy vĩ tuyến 13 làm đường ranh phân chia cũng không được ai để ý đến. Molotov chỉ cần nói “Vĩ tuyến 17” thì sự chia cắt dựa vào đó thành văn bản do Tạ Quang Bửu (Việt Minh) và đại tá Delteil (Pháp) ký ngày 20-07-1954.

– Xâm lăng Tây Tạng.

– Đe dọa Taiwan bằng những trận pháo kích kinh hoàng.

– Chiến tranh với Ấn Độ và chiếm được 60.000km2 biên thổ Trung-Ấn (1962).

– Chiến tranh với Liên Sô trên đảo Damansky (1969).

Dưới thời Mao Zedong có những biến cố rùng rợn làm cho 50 triệu người chết. Đó là nạn đói do sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt 1958 và cách mạng văn hóa từ 1966 đến 1976. Bù lại Trung Quốc có bom nguyên tử và vệ tinh nhân tạo. Kinh tế Trung Quốc rất yếu kém. Sự thống nhất của Việt Nam năm 1975 như là một sự ngạo nghễ của Lê Duẩn đối với Trung Quốc, Đông Đức và Bắc Hàn.

Mao Zedong mất năm 1976. Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) có cái nhìn rộng rãi hơn Mao Zedong, một nhà lãnh đạo chưa rời khỏi Trung Hoa một ngày trước năm 1949. Deng Xiaoping từng học ở Pháp như Zhou Enlai và đại học Sun Yatsen ở Moscow thời liên minh Quốc-Cộng lần thứ nhất vào đầu thập niên 1920. Là nạn nhân của Mao trong cách mạng văn hóa, Deng không oán ghét Mao mà xem ông là một nhà lãnh đạo có bản lãnh đứng trên góc nhìn về lợi ích của nước Trung Hoa. Nếu trước kia Mao Zedong học tiếng Pháp và tiếng Anh mà không học tiếng Nga thì Deng Xiaoping canh tân CHNDTQ bằng cách hướng về Hoa Kỳ học hỏi mà không một thoáng tin tưởng vào Liên Sô.

***

Sự sụp đổ của Liên Sô đưa Hoa Kỳ vào địa vị độc tôn trên thế giới vì giàu về kinh tế và mạnh về quân sự. Tổng thống Bush I (Cộng Hòa) và tổng thống Clinton (Dân Chủ) che lấp ánh sáng của hai nhà lãnh đạo Gorbachev và Yeltsin. Diện tích Liên Bang Nga trở lại với thời Nga hoàng. Ngay cả Ukraine cũng tách rởi khỏi Nga và có khuynh hướng muốn gia nhập vào Liên Âu và NATO. Các Cộng Hòa Sô Viết cũ tuyên bố độc lập. Nga mất đất đai và dân số trầm trọng. Nhiều giáo sư và khoa học gia rời bỏ Nga sang Hoa Kỳ hay các quốc gia Châu Âu khác để có môi trường nghiên cứu.

Tân chánh phủ Yeltsin lọng cọng trong việc điều hành quốc gia theo tinh thần dân chủ và kinh tế tự do. Giữa buổi giao thời giữa độc tài và tự do là sự hỗn loạn xã hội.Thanh niên rượu chè, hút sách. Ai thừa hưởng các công ty quốc doanh giải thể nếu không phải là thân nhân của Yeltsin và phe cánh của ông? Du đảng hoành hành ở các thành phố lớn. Người Hồi ở Chechnya vùng lên đòi tự trị. Nga không mạnh tay đàn áp vì sợ dư luận thế giới và bị ám ảnh bởi chiến trường Afghanistan (1979 - 1988). Yeltsin tự thấy không đủ khả năng giám quốc nên từ chức, nhường quyền cho một sĩ quan KGB có học vị cao và có nhiều thành tích tốt khi phục vụ ở Petrograd. Đó là Vladimir Putin.

Hoa Kỳ càng lúc càng gặp rắc rối đối với thế giới Hồi Giáo. Vì ủng hộ Do Thái tích cực? Vì quyền lợi dầu hỏa ở Trung Đông? Vì va chạm giữa văn hóa Tây Phương với văn hóa Hồi Giáo?

Sau biến cố ngày 11-09-2001 Hoa Kỳ tấn công Afghanistan, nơi chứa chấp khủng bố Al Qaeda. Năm 2003 liên minh Anh-Mỹ xâm lăng Iraq bất chấp sự phủ quyết của Pháp. Tổng thống Bush II của đảng Cộng Hòa mở hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan (2001) và Iraq (2003). Quân Taliban ở Afghanistan và Iraq của Saddam Hussein đều bị đánh bại nhưng họ không đầu hàng. Hoa Kỳ bị sa lầy và mang nợ lớn nhất thế giới vì hai cuộc chiến tranh nầy. Năm 2011 tổng thống Obama (Dân Chủ) rút quân khỏi Iraq nhưng ở Afghanistan Hoa Kỳ vẫn còn giữ 8.000 quân (2014).

Chánh quyền Bush II nặng về vấn đề Trung Đông vì dầu hỏa và sự hiện hữu của quốc gia Do Thái trong vùng. Giá dầu hỏa lên giúp ích rất nhiều cho kinh tế Nga. Kinh tế nước nầy chỉ trông đợi vào việc xuất cảng dầu khí và bán võ khí. Putin im lặng trong việc liên minh Anh-Mỹ xâm lăng Iraq. Đến cuối nhiệm kỳ hai tổng thống Putin thử phản ứng của Hoa Kỳ bằng cách tấn công Georgia và chiếm Abkhazia và nam Ossetia của Georgia. Cuộc chiến xảy ra sau khi Dmitry Medvedev lên làm tổng thống và Putin làm thủ tướng.

Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Jiang Zemin (Giang Trạch Dân, 1933 - 2003) và Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào, 2003 - 2013) đeo đuổi chương trình Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping. Nhiều sinh viên được gởi sang Hoa Kỳ học. Nhiều vụ trộm kỹ thuật cao xảy ra. Không bao lâu Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế và quân sự. Trung Quốc thực hiện mộng bá quyền ở Biển Đông bằng cách tự cho chủ quyền trên đường Lưỡi Bò Chín Đoạn. Thực tế đường nầy do chánh quyền Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) vẽ ra vào năm 1946 sau khi vừa thu hồi đảo Taiwan. CHNDTQ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng võ lực năm 1974 rồi một phần của quần đảo Trường Sa năm 1988. Họ cũng thử phản ứng của Nhật Bản khi giành chủ quyền trên chòm đảo đá Senkaku nhưng không dám sỗ sàng vì e dè tinh thần “võ sĩ đạo” của Nhật. Họ mua hàng không mẫu hạm của Ukraine về sửa chữa, sơn phết và trang bị võ khí nặng. Họ đẩy mạnh kỹ nghệ quốc phòng, sản xuất phi cơ, xe tăng, tàu ngầm phỏng theo phi cơ, xe tăng của Liên Sô mà họ mua được. Không bao lâu họ sản xuất được những chiến đấu cơ và hỏa tiễn tối tân khả dĩ đương đầu hữu hiệu với các chiến đâu cơ hay hỏa tiễn của Hoa Kỳ. Nếu trước kia SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á) yếu kém vì không có quân đội như NATO thì ASEAN ( Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á) càng rời rạc khi Hoa Kỳ có vẻ như khoán trắng cho Trung Quốc sau khi rời khỏi Việt Nam (1973), Phi Luật Tân (1992).

Ông Barak Hussein Obama là người Mỹ da đen đầu tiên được lên làm tổng thống. Sự thắng cử của ông như là một vết thương đối với người Mỹ da trắng tự hào về những thành quả mà người Anglo-Saxon đã mang lại cho nước Mỹ trong 200 năm qua. Cha ông Obama là một du sinh viên Kenya. Mẹ là người Mỹ da trắng gốc Ái Nhĩ Lan. Ông lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn chật vật xâu xé bởi ba nền văn hóa Mỹ-Phi-Á và ba khuynh hướng tôn giáo: Hồi Giáo (của người cha Kenya và kế phụ gốc người Indonesia), đạo Thiên Chúa của mẹ và đạo Tin Lành của đa số người Mỹ. Ông là người thông minh, hoạt động, lợi ngữ nhưng có chút bỡ ngỡ khi tiếp xúc với các quân vương Á Rập, Anh và Nhật Bản. Khi nhậm chức tổng thống năm 2009 ông cố gắng phục hưng một nền kinh tế suy thoái sau 8 năm dưới thời tổng thống Bush II, giải quyết nạn thất nghiệp quá 10%, quan tâm đến Châu Á Thái Bình Dương. Sau 8 năm cầm quyền, Hoa Kỳ cũng không làm gì hơn là cho tàu chạy qua lại quanh các đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á dưới danh nghĩa tự do hàng hải. Hoa Kỳ không sao ngăn cản Trung Quốc xây đắp đảo nhân tạo và biến chúng thành những căn cứ quân sự để thực hiện mộng chiếm hữu 3 triệu km2 trong vùng lưỡi bò và bành trướng sang Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương (các hải đảo Nam Thái Bình Dương, Úc Đại Lợi, và Tân Tân Lan). Bản thân ông không có lời nói hay sự tai tiếng nào về tiền bạc hay tình ái để đối phương khai thác và tấn công. Nhưng người Mỹ đã phiền trách ông về:

– Việc xin lỗi Iran trong việc CIA giúp Anh lật đổ Mossadegh năm 1953.

– Lập trường ôn hòa của ông đối với nhóm Hồi Giáo quá khích khiến một số người Mỹ da trắng cho rằng ông theo đạo Hồi (cha là tín đồ Hồi Giáo Kenya. Kế phụ là tín đồ Hồi Giáo Indonesia. Ông sống và học ở Indonesia khi còn nhỏ).

– Chủ trương dễ dãi đối với việc nhập cư.

– Obama Care, một thành tích y tế-xã hội to lớn của ông Obama.

– Không hành động ngoạn mục với Syria khi tổng thống Assad của nước nầy dùng võ khí hóa học.

Do mặc cảm sắc tộc người ta quên những thành quả mà ông Obama mang lại cho Hoa Kỳ: giết chết trùm khủng bố Osama Bin Laden, chấm dứt chế độ độc tài ở Libya do Qadafi đứng đầu, phục hồi kinh tế, cùng với Liên Âu trừng phạt Nga về việc sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Liên Bang Nga, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp trong nước, hạ thấp giá dầu khiến Nga chới với vì kinh tế Nga dựa vào việc xuất cảng dầu khí, bang giao hữu hảo với các nước đồng minh, nới rộng tỷ lệ người được mua bảo hiểm y tế, cứu vãn kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ v.v... Nếu ông không thành công một cách tổng quát thì khó lòng được dân chúng tín nhiệm để được tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Về bang giao quốc tế cần đặt câu hỏi vì sao Putin và Xi Jinping ghét ông? Lãnh tụ quốc gia đối nghịch của Hoa Kỳ ghét lãnh đạo của Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa tốt hay xấu? Nguồn gốc của sự ghét bỏ ấy là gì? Nếu ông ấy bất tài hay phá hại Hoa Kỳ thì điều đó có lợi hay có hại cho Nga và Trung Quốc? Nếu hại thì tại sao hại?

Khác với thời chiến tranh lạnh, lần nầy Trung Quốc và Nga liên minh để làm suy yếu Hoa Kỳ. Putin là người ngưỡng mộ nhà độc tài Stalin. Nhà độc tài nầy không ưa thích gì lãnh tụ Mao Zedong của Trung Quốc. Dĩ nhiên Putin thừa biết điều đó. Sự liên minh với Trung Quốc là điều cần thiết. Năm 1949 Trung Quốc là một nước Cộng Sản nghèo nàn. Họ cần Liên Sô về mọi mặt. Vào đầu thế kỷ XXI Trung Quốc là một cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới trong khi kinh tế Nga còn thua sút xa. Về kỹ thuật Trung Quốc học hỏi Hoa Kỳ và bắt chước kỹ thuật của Hoa Kỳ lẫn của Nga. Dù vậy Trung Quốc cần liên minh với Nga để thực hiện mộng bành trước của họ dưới sự lãnh đạo của Xi Jinping, người tự hào mang dòng máu Cộng Sản chân truyền khác với Jiang Zemin và Hu Jintao, hai người thực thi Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping mà Xi Jinping đang thụ hưởng và tự biến mình thành đại lãnh tụ đời đời.

Vị trí của Putin lên cao từ năm 2015 trở đi. Đó là lúc Nga can thiệp quân sự vào Syria nhằm cứu vãn ngôi vị của tổng thống Assad. Nga bị nghi ngờ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Trong lúc vận động bầu cử, ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng Hòa không ngần ngại kêu gọi Nga phục hồi 30.000 e-mails của ứng cử viên Dân Chủ là bà Hillary Clinton. Putin được sự ngưỡng mộ và trọng vọng của ông Donald Trump và sự kính nể kiêng dè của Xi Jinping. Putin không tái lập được thành tích của Stalin nhưng ông chinh phục được hai nhà lãnh đạo của hai đại cường trên thế giới mặc dù nước Nga còn thua sút rất nhiều về phương diện kinh tế so với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Putin dùng:

– Hoa Kỳ và Trung Quốc chế ngự lẫn nhau về kinh tế lẫn quân sự như Stalin đã làm năm 1950. Dù “liên minh” với Trung Quốc , Nga vẫn phập phồng lo sợ nước láng giềng to lớn và đông dân nhất thế giới nầy dòm ngó Tây Bá Lợi Á và các cựu Cộng Hòa Sô Viết ở phía nam nước Nga. Việc phòng thủ của Nga ở Tây Bá Lợi Á tương đối lỏng lẻo.

– Trung Quốc chế ngự Nhật Bản và Hoa Kỳ ở Nam Hàn, Okinawa và xa hơn nữa là đảo Guam và Hawaii.

– Bắc Hàn gây nhức đầu thường xuyên cho Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn. Nhờ vậy Nga như được bảo vệ ở Đông Bắc Á. Chuỗi đảo Kurils vẫn thuộc chủ quyền của Nga.

Nga vẫn có ảnh hưởng lớn ở hai nước Cộng Sản ở Tây Bán Cầu là Cuba và Đông Nam Á là Việt Nam. Nga với tay sang tận Venezuela. Chỉ vài chục cố vấn Nga mà chánh quyền của Maduro được bảo vệ vững chắc trong khi Juan Guaido được Hoa Kỳ và 50 quốc gia khác công nhận là tổng thống lâm thời lại không làm lung lay nổi địa vị của nhà độc tài Maduro.

Việc Anh rời khỏi Liên Âu rất hợp với ước muốn của Nga. Liên Âu và NATO càng sứt mẻ, rối loạn càng có lợi cho Nga đang dòm các tiểu quốc vùng Baltic, Ba Lan một cách thèm thuồng. Một thành viên của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã mua võ khí của Nga. Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng tách rời khỏi lập trường thân Do Thái và thân Hoa Kỳ. Quốc vương Saudi Arabia bắt đầu thăm viếng Moscow.

Việc Trung Quốc de dọa các nước Đông Nam Á làm cho Nga có cơ hội bán võ khí và tàu chiến. Liên minh với Trung Quốc, Nga có cơ hội tạo ảnh hưởng ở Đông Nam Á, nơi có vẻ xa lạ với họ về phương diện địa lý lẫn văn hóa. Nếu công ty dầu khí Nga khai thác trong vùng Lưỡi Bò chín đoạn thì Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao? Ở điểm nầy Putin vượt xa đường lối bỏ rơi Hồ Chí Minh của Stalin sau năm 1945. Vì lúc ấy Stalin tôn trọng hiệp ước Pháp-Liên Sô ký kết giữa Molotov và Bidault ngày 10/02/1944? Vì Stalin quan tâm đến Đông Âu hơn là Đông Nam Á xa xôi và xa lạ nhưng gần với Trung Quốc? Putin cũng ý thức được như thế nhưng thừa cơ hội chia phần với Trung Quốc và Hoa Kỳ mà không tốn kém chi cả. Nga giữ im lặng trước:

– Cuộc tranh chấp các hải đảo và đường Lưỡi Bò chín đoạn giữaTrung Quốc và các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei.

– Tình hình Hong Kong.

– Tình hình Taiwan.

– Việc xây đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông v.v…

Putin chắc chắn thích thú về những vụ lùm xùm trong nội bộ Hoa Kỳ giữa da trắng-da đen; giữa Dân Chủ-Cộng Hòa; những vụ nổ súng bắn giết nhau; quan hệ thiếu ấm cúng giữa Hoa Kỳ và NATO, Hoa Kỳ-Nhật Bản, Đức-Hoa Kỳ; sự rút quân Hoa Kỳ ra khỏi Syria và chương trình sẽ rút quân khỏi Afghanistan; sự tranh chấp giữa Nhật và Nam Hàn ở Đông Bắc Á; chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc có thể dẫn đến suy thoái kinh tế Hoa Kỳ và khủng hoảng kinh tế trên thế giới v.v…

***

Chuyện thắng bại, thịnh suy là chuyện thông thường. Trong cuộc giao đấu nào cũng có kẻ thắng người thua. Trong canh bạc nào cũng có kẻ có số đỏ, người có số đen. Sự hưng thịnh và sức mạnh của Hoa Kỳ cũng gặp nhiều thử thách nhưng cuối cùng Hoa Kỳ biến yếu thành mạnh và thắng lợi sau khi nhận ra chỗ yếu của mình.

Khi Hoa Kỳ chống lại đế quốc Anh, họ chưa có quốc gia. Họ không có quân đội. Nhưng họ đã thắng và từ địa vị nhược tiểu, ấu trĩ về mọi mặt họ đã trở thành cường quốc hưng thịnh về kinh tế và hùng mạnh về quân sự trên thế giới. Sức mạnh và phồn vinh của Hoa Kỳ được xây trên tinh thần tôn trọng tự do, dân chủ, pháp luật, công bình xã hội và lòng nhân ái. Nếu nói theo người Việt Nam “có đức mặc sức mà ăn” thì Hoa Kỳ là quốc gia có đức: lo no cơm ấm áo cho dân, tôn trọng mọi quyền của con người, nâng đỡ nhân tài và sẵn sàng cứu trợ các dân tộc khác khi nghèo đói, khốn khổ vì thiên tai hay chiến tranh. Bất cứ nhân tài nào trên thế giới cũng có thể trở thành người Hoa Kỳ. Charlie Chaplin, Einstein, Kissinger, Von Braun,… đều là những nhân tài đến Hoa Kỳ từ Anh và Đức. Có nước nào giúp đỡ cho các nước cựu thù phục hưng kinh tế như Hoa Kỳ đã giúp cho Nhật, Tây Đức và Ý? Nhật là dân tộc đầu tiên xem tướng Mc Arthur là anh hùng và ân nhân của nước họ!

Hoa Kỳ nổi tiếng về tổ chức và quản lý. Đó là nơi có một lực lượng khoa học gia và kỹ thuật gia đông đảo. Hoa Kỳ chiếm 350 giải Nobel trong khi Nga chỉ có 27 giải. Những khảo cứu khoa học của Hoa Kỳ giúp cho nhân loại vượt khỏi nạn đói, suy dinh dưỡng và bịnh tật rất nhiều. Vài nhà tỷ phú Hoa Kỳ có lòng hảo tâm nhằm xoa dịu sự đói khổ của nhân loại trên các lục địa Á-Phi và châu Mỹ La Tinh. Nước Nga, Trung Quốc và các nhà tỷ phú của họ đã giúp ích gì cho nhân loại ngoài việc gây hấn, bán võ khí, phô trương sức mạnh của võ khí, sự giàu có và gây đau khổ hơn là tạo sự vui hưởng thái bình và hạnh phúc cho loài người trên địa cầu. Chính cái đức quốc gia đã kéo dài sự phồn vinh và sức mạnh của Hoa Kỳ. Trong quá khứ có lần người ta nghĩ kinh tế Nhật sẽ vượt kinh tế Hoa Kỳ, Thị Trường Chung Âu Châu rồi Liên Âu sẽ qua mặt Hoa Kỳ và ngày nay Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ. Nhưng cái nhìn bi quan nầy không xảy ra ít ra trong thế kỷ XXI nầy.

Nếu nói về đạo đức quốc gia thì Nga và Trung Quốc thiếu sót nhiều so với Hoa Kỳ. Người lãnh đạo không tử tế với dân chúng của họ thì làm sao dân chúng hăng say trong việc xây dựng và phát triển quốc gia? Mà không tử tế với dân chúng của mình thì làm sao nhân ái với người khác được? Vì vậy ít thấy người nào trên thế giới bỏ nước trốn sang Nga hay Trung Quốc để thực hiện “Giấc Mộng Nga La Tư” hay “Giấc Mộng Trung Quốc”. Người ta lại thấy nhiều người Nga và Trung Quốc tìm mọi cách rời khỏi nước Nga hay Trung Quốc sang sinh sống ở các nước Âu- Mỹ-Úc Châu. Đó không phải là khí thế của công dân nước tự do, hùng cường và phồn thịnh. Thành công bằng công sức, trí thông minh, sự lương thiện và lòng nhân ái bền bỉ hơn sự thành công bằng cướp giựt, bằng mưu chước, sự ích kỷ và tàn độc. Câu No pain, no gain ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều nghĩa sâu xa.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2019