Trùng Dương


Chuyện cô Greta đi Nữu Ước và phong trào ‘Thứ Sáu cho Tương lai’

.

Chị bạn bầy tỏ quan ngại qua điện thư khi nghe tin cô bé Greta Thunberg người Thụy Điển từ chối bay đi Nữu Ước từ Âu Châu vì không muốn làm ô nhiễm thêm môi trường mà, thay vì thế, nhận lời dùng chiếc thuyền đua mong manh trang bị bằng năng lượng mất trời để vượt Đại Tây Dương với hai người đàn ông lần đầu quen biết.

“Theo đầu óc rất thô thiển và trình độ lơ tơ mơ… của tôi thì cha mẹ cô bé này dám cho cô con gái 9 tuổi của mình lênh đênh trên đại dương trên một con tầu không đủ tiện nghi có thể bị chìm đắm trước một cơn biển động nào, rồi lại ở trên tầu với một người đàn ông không phải thân thích họ hàng (dù đó là con cháu của bà Hoàng) thì quả thật cha mẹ cô có thể muốn được nổi tiếng trước khi nghĩ đến bảo vệ môi trường hay bất cứ một điều tốt đẹp nào,” chị viết. “Có ai trong chúng mình dám cho con gái hay cháu gái của mình mới 9 tuổi lênh đênh đại dương như thế không?”

Chị bạn hiển nhiên đã không theo dõi chuyện cô Greta, 16 tuổi (không phải 9) đi Nữu Ước để dự Hội nghị về khí hậu biến đổi tại Liên Hiệp Quốc, có ông bố của cô đi theo (thay vì với một người đàn ông lạ) hiện đang gây sôi nổi, kẻ hỗ trợ cũng lắm, trong đó có tôi; song cũng không thiếu người chống đối. Phe chống đối vì những lý do nào đó, kể cả lập luận rằng hiện tượng khí hậu thay đổi chỉ là chuyện tự nhiên của đất trời, cố ý gán cho cuộc vận động chống lại hiện tượng khí hậu biến đổi một mầu sắc chính trị không xứng đáng với mục đích nhân bản cao quý của nó.

Tôi cảm thấy có nhu cầu chia sẻ chuyện cô Greta đi Nữu Ước – tại sao cô chọn đi bằng chiếc thuyền đua mong manh không dùng xăng dầu, có thể bị sóng nhận chìm bất cứ lúc nào. Và mục đích của chuyến đi là gì.

Cuộc hải hành 15 ngày của nhà hoạt đông cho môi trường Greta Thunberg, 16 tuổi,
từ Plymouth, Anh Quốc (góc trên, bên phải) tới New York trên chiếc thuyền đua Malizia II
trang bị một hệ thống thu năng lượng mặt trời.
Trong khung mầu đen là các chi tiết tọa độ, tốc độ gió, nhiệt độ, khoảng cách từ thuyền tới điểm đến là cảng New York,
ghi vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ Hai 26 tháng 8, 2019. (Screenshot từ Web site tracker.borisherrmannracing.com/)

Khi tôi bắt đầu đặt bút viết bài này vào sáng thứ Hai ngày 26 tháng 8, 2019, cô Greta và phái đoàn vượt biển gồm năm người trên chiếc Malizia II đã vượt được ba phần tư đoạn đường dài 3.316 miles, tức 5.337 km, từ cảng Plymouth ở phía nam nước Anh, nơi họ bắt đầu cuộc hải hành 12 ngày trước, tới cảng Nữu Ước, dự tính tới nơi vào ngày thứ Tư 28 tháng 8.

Greta Thunberg là ai?

Greta sinh năm 2003 tại Stockholm, Thụy Điển. Mẹ tên Malena Ernman, 49 tuổi, một ca sĩ opera và diễn viên kịch nghệ tên tuổi của Thụy Điển; và cha là Svante Thunberg, 50 tuổi, nhà văn, diễn viên và nhà sản xuất kịch nghệ. Được biết cả hai hỗ trợ việc làm của con gái. Không những thế họ còn trực tiếp tham gia khi có thể. Chính vì quan tâm về môi trường của Greta mà cả gia đình quyết định ăn chay, loại hẳn thịt ra khỏi thực đơn gia đình.

Như nhiều đứa trẻ Thụy Điển khác, từ bé cô Greta đã được dậy phải tiết kiệm năng lượng (tắt đèn), không phí phạm tài nguyên (recyle). Lần đầu cô nghe về hiện tượng khí hậu thay đổi, do nhiệt hóa toàn cầu, là lúc lên 8 tuổi. Cô cũng được biết là sở dĩ có hiện tượng này là do cách sinh sống của loài người.

“Tôi nhớ đã nghĩ là thật là lạ là con người vốn cũng chỉ là một trong những loài sống trên trái đất mà sao có khả năng thay đổi được khí hậu của trái đất,” cô tâm sự tại một cuộc nói chuyện trên diễn đàn TED Talks, một diễn đàn nổi tiếng thế giới, hiện diện tại nhiều quốc gia và là nơi những ý tưởng, kinh nghiệm mới, ý nghĩa hay lạ được chia sẻ trong một bài thuyết trình ngắn gọn không quá 18 phút. “Bởi vì rằng nếu thực sự là như vậy thì chúng ta phải là chỉ nói về chuyện đó thôi mới phải – trên TV mỗi khi ta bật lên, và ở các tít lớn trên radio, báo chí, mọi người sẽ chỉ nói về chuyện đó thôi, như thể đang có chiến tranh vậy. Thế nhưng không ai nói gì về chuyện (khí hậu thay đổi) cả. Nếu đốt nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels) mà tệ hại đến đe dọa sự tồn vong của chúng ta thì tại sao chúng ta cứ tiếp tục sống như vậy? Tại sao đã không có những hạn chế? Tại sao không biến nó thành phạm pháp? Theo tôi, điều đó khó tin, quá sức là không thực.”

Khi lên 11 tuổi, cô Greta bị bệnh, không ăn, không nói, và rơi vào trầm cảm. Trong vòng hai tháng, Greta bị sụt 10 kí lô. Chẩn bệnh cho biết cô bị bệnh tự kỷ (autism), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (COD) và bệnh câm chọn lọc (selective mutism). Do chứng tự kỷ, cô càng thêm khả năng tập trung vào những hiểu biết do sự nghiên cứu về khí hậu thay đổi mang lại, còn như thể bị thôi miên.

Từ cuộc biểu tình đơn độc tới phong trào ‘Thứ Sáu Cho Tương Lai’

Cuối cùng, vào ngày thứ Sáu 20 tháng 8 năm ngoái, sau nhiều ngày Âu châu bị nhiệt độ cao khác thường hoành hành và Thụy Điển trải qua một loạt cháy rừng, cô Greta quyết định đi biểu tình dù chỉ có một mình. Cô bãi học, đạp xe tới ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển với tấm bảng “Bãi lớp cho khí hậu thay đổi” (“skolstrejk för klimatet” hay “school strike for climate change”) và bảng liệt kê các dữ kiện khoa học về hiện tượng thay đổi khí hậu do cô viết tay. Cô cho biết việc cô biểu tình là do cảm hứng từ việc học sinh trường trung học Stoneman Douglas ở Florida bãi trường biểu tình chống lại luật lệ kiểm soát vũ khí lỏng lẻo sau vụ nổ súng hồi tháng 2 đầu năm ngoái đã làm 17 người tử thương. Greta cho đây là cách tốt nhất để lôi kéo sự chú ý của dư luận.

Chẳng bao lâu, sau nhiều lần biểu tình đơn độc, cô Greta đã khiến giới truyền thông lưu ý và nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, cùng tham dự, không chỉ tại Thụy Điển mà trên toàn thế giới. Một phong trào do giới trẻ chủ động thành hình khi Greta dùng Internet và các diễn đàn xã hội khuyến khích học sinh khắp nơi bãi lớp mỗi thứ Sáu để cùng tham dự vào cái gọi là “Thứ Sáu Cho Tương Lai – Fridays for Future.” Tháng 11, 2018 cho thấy 17.000 học sinh tại 24 quốc gia tham dự vào “Thứ Sáu Cho Tương Lai.” Greta bắt đầu tham dự những cuộc họp có tầm vóc quốc tế về thay đổi khí hậu, như Hội nghị Khí hậu kỳ thứ 24 của Liên Hiệp Quốc tại Ba Lan, và kêu gọi các chính phủ phải hành động. Vào ngày 15 tháng 3 năm nay, trên 1,4 triệu sinh viên học sinh tại 112 quốc gia, đồng bãi trường biểu tình đòi các chính phủ có hành động thiết thực giải quyết nạn khí hậu thay đổi. Một cuộc biểu tình tương tự với hàng triệu học sinh và sinh viên từ 125 quốc gia cũng đã diễn ra hai tháng sau đó vào ngày 24 tháng 5 năm nay.

Tóm lại, trong vòng chưa đầy một năm, sự kiên trì đấu tranh của cô Greta và những người đồng trang lứa đã làm rúng động nhiều người trên thế giới. Người ta nhận thấy giới truyền thông tường thuật về hậu quả của khí hậu thay đổi nhiều hơn. Thêm nhiều phim tài liệu xuất hiện trên YouTube và các diễn dàn xã hội về những quốc gia hòn đảo đang bị nước biển xâm chiếm; về nạn hạn hán làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp đã đưa đến hiện tượng tị nạn môi trường (environment refugees) mà nhiều quốc gia đang phải đối phó; những nỗ lực để ngăn chặn nạn lấn chiếm đất của sa mạc bằng việc trồng cây đồng thời để giúp hút bớt khí thải và tạo thêm dưỡng khí; về việc Miami, San Francisco, New York, và nhiều thành phố ven biển khác phải đối phó với nạn nước biển dâng cao.

Thông điệp của cô Greta là chúng ta không còn bao nhiêu thời gian nữa.

“Ngôi nhà của chúng ta đang bị cháy,” cô Greta cảnh báo và thúc giục các kinh tế gia hãy tiếp tay giải quyết nạn khí hậu thay đổi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng Giêng năm nay tại Davos, Thụy Sĩ. Tại diễn đàn Hiệp hội Âu châu (EU) tháng Tư ở Strasbourg vừa rồi, Greta đã khiến nhiều người, kể cả người viết bài này, ứa nước mắt khi cô bật khóc đòi các nhà lãnh đạo hãy quên chuyện Brexit và tập trung nỗ lực vào việc giải quyết nạn khí hậu. “Nếu nhà chúng ta đang tan hoang quý vị đã không họp thượng đỉnh khẩn cấp cho Brexit tới ba lần và không có một cuộc họp thượng đỉnh nào về sự suy xụp của khí hậu và môi trường,” cô Greta nói trong nghẹn ngào.

Tháng 5 vừa rồi, tạp chí Time đã đưa Greta vào danh sách những người trẻ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019 và đã đăng hình cô ngoài bìa số báo gần đây. (Lần đầu tiên tôi thấy hình Greta mặc một bộ đồ tề chỉnh so với những hình ảnh tôi vẫn có về cô, đặc biệt cái vẻ bất cần thời trang khi xuất hiện trên TED Talks với mái tóc thắt bím sơ sài và đường ngôi lệch lạc, và một bộ áo quần tập thể dục mầu xanh da trời cũ kỹ.) Một số dân biểu Quốc hội Na Uy còn đề nghị trao giải Nobel cho cô nữa.

Thứ Sáu ngày 20 tháng 8, 2018: Từ biểu tình đơn độc trước nhà Quốc hội Thụy Điển, trái, với tấm bảng “Bãi lớp cho Khí hậu”;
và với vài bạn học cùng tham dự, phải, những ngày thứ Sáu kế đó, mở đầu cho phong trào “Thứ Sáu cho Tương lai – Fridays for Future”
chẳng mấy chốc lan ra khắp thế giới.
(Ảnh theguardian.com)

Thứ Sáu ngày 15 tháng 3, 2019: Trên một triệu người, phần lớn là sinh viên học sinh từ trên trên 2.000 thành phố
tại 125 quốc gia cùng tham dự ngày “Thứ Sáu cho Tương Lai.
” Hình chụp tại Prague, Cộng Hòa Tiệp. (Ảnh Greta Thunberg Twitter)

Greta không phải là không bị chống đối, châm chọc. Các nhà lập pháp bảo thủ và cực hữu Pháp, chẳng hạn, đã tẩy chay không muốn cô tới nói chuyện tại Quốc Hội Pháp tháng Bẩy vừa rồi. Họ gọi cô là “kẻ rao giảng tận thế – guru of the apocalypse” và “giải Nobel cho sự sợ hãi.”

Tệ hơn nữa, nhà bình luận bảo thủ Andrew Bold tại Úc đã, vin vào bệnh tự kỷ của Greta, hồi đầu tháng 8 vừa qua gán cho cô nhãn hiệu “vị cứu tinh cực kỳ rối loạn – deeply disturbed messiah.” Để đáp lại chỉ trích ác độc đó, cô Greta trả lời trên Twitter, một việc cô ít khi làm vì chủ trương của nhóm “Thứ Sáu” là nhắm vào các chính phủ hơn là cá nhân: “Tôi quả có ‘cực kỳ rối loạn’ thật trước sự kiện là các chiến dịch thù hận và chủ thuyết âm mưu đã được phép tiếp tục và cứ mãi tiếp tục chỉ vì tụi trẻ con chúng tôi đã trao đổi với nhau và hành động dựa vào (các dữ kiện) khoa học. Các người lớn ở đâu cả rồi?”

Cho đến nay dân lục địa Mỹ châu chỉ biết tới cô Greta và chiến dịch khí hậu thay đổi đã lôi kéo hàng triệu người trẻ khắp nơi trên thế giới qua truyền thông của Âu châu và các diễn đàn xã hội. Từ Thứ Tư ngày 28 tháng 8, khi chiếc thuyền đua Malizia cập cảng Nữu Ước sau 15 ngày hải hành vượt trên 3.300 miles, Mỹ châu sẽ có dịp trực diện tiếp xúc với cô.

Cô Greta và chuyến hải hành vượt Đại Tây Dương

Ngày 20 tháng 9 tới, Hội nghị thế giới về khí hậu thay đổi sẽ nhóm tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước. Cô Greta muốn đem thông điệp của mình và giới trẻ tới diễn đàn này. Từ một năm qua cô di chuyển đó đây trên lục địa Âu châu phần lớn bằng xe điện. Muốn tới Nữu Ước cô sẽ phải bay, nhưng cô không muốn góp thêm vào tình trạng ô nhiễm trái đất vì máy bay được coi như phương tiện chuyên chở nhả chất thải đáng kể vào không khí. Nghe vậy, nhóm Malizia Ocean Challenge với hai nhà đua thuyền chuyên môn Pierre Casiraghi, con trai của Công chúa Caroline của Monaco, và Boris Herrmann, gốc Đức và đã từng dự các cuộc đua thuyền vòng quanh thế giới, đề nghị đưa cô đi họp bằng chiếc thuyền đua Malizia II dài 60 feet, tức 18 mét, có trang bị hệ thống xử dụng năng lượng mặt trời tối tân. Cô Greta sung sướng nhận lời.

“Tôi phải cám ơn cô Greta về sự lãnh đạo và cuộc phấn đấu không ngừng nghỉ của cô để đanh thức chúng ta hạy lắng nghe khoa học [về khí hậu biến đổi]. Tôi đã rất xúc động khi nghe cô thuyết trình trước tòa thị sảnh Hamburg nguy nga hồi đầu tháng Ba vừa rồi,” Boris, 38 tuổi, tuyên bố trước khi Đoàn Malizia lên đường. “Loài người không còn bao nhiêu thời gian nữa để làm giảm khí thải CO2. Việc này đòi chúng ta phải thay đổi mọi sự trong đó có việc thay đổi hệ thống kinh tế toàn cầu hiện dựa hoàn toàn trên năng lượng hóa thạch. Cuộc hải hành này nói lên hai điều, rằng rất khó mà thay thế năng lượng hóa thạch song không phải là không thể thực hiện… Và đây là cơ hội đem chúng ta lại gần thiên nhiên, lại gần nhau và gần với chính mình.”

Phái đoàn năm người, gồm ngoài Greta, Pierre và Boris còn có cha của cô bé, nhà văn Svante Thunberg, và nhà làm phim tài liệu Nathan Grossman, đã khởi hành ngày 14 tháng 8 từ cảng Plymouth nằm ở cực tây nam nước Anh, cho một cuộc hải hành kéo dài 15 ngày vượt Đại Tây Dương. Được biết trên thuyền tiện nghi tối thiểu đến phòng vệ sinh cũng không có mà phải dùng sô. Đoàn viên sẽ ăn đồ khô và không tắm, không thay quần áo trong suốt cuộc hải hành, Boris cho biết. Cô Greta cho biết cô không quan tâm, nói có thể sẽ chỉ bị say sóng chút đỉnh. Mặc dù những chỉ trích, như việc một nhà bảo thủ dọa “tai nạn có thể xẩy ra cho một chuyến hải hành trên thuyền đua như vậy,” cô không sờn lòng. Nhiều phụ nữ tên tuổi, cũng là những bà mẹ, đã lên tiếng hỗ trợ và cả cầu nguyện cho cô và đoàn hải hành.

Vượt đại dương trong một chiếc thuyền mong manh dù là tối tân như Malizia II vào thế kỷ 21 là một việc làm khác thường. Do đấy chuyến hải hành của Đoàn Malizia, ngoài việc Greta mang thông điệp của thế hệ cô tới diễn đàn Liên Hiệp Quốc và Châu Mỹ, lại càng lôi cuốn sự chú ý của thế giới. Người ngưỡng mộ theo dõi đoàn hải hành hầu như mỗi giờ.

Tôi có cô em có chương mục Twitter và Instagram nên đã giúp tôi theo dõi đoàn hải hành. Cứ vài lần trong ngày cô gửi text chia sẻ với tôi. Hàng triệu người cũng làm cái việc đó từ gần hai tuần nay.

“Chị ơi em xem bản đồ còn 999,786 miles nữa mới đến đất liền – sốt ruột và lo lắng quá chị ạ, giờ này trên trời dưới biển đen ngòm…” cô em than thở.

Ở ngày thứ 12, cô em chuyển cho một cái clip ngắn trên Instagram, cho thấy cô Greta trên con thuyền bao vây bởi sóng gió đại dương, hai tay nắm lan can thuyền để giữ thăng bằng, và tường trình trong khi lắc lư theo những con sóng: “Ngày 12. Chúng tôi tới gần hơn lục địa Mỹ Châu. Biển động, nhưng thuyền nương theo chiều gió đi – We are getting closer to the North American mainland. Rough conditions, but downwind sailing,” với 1.122.866 lượt xem, 4.790 ý kiến phản hồi. “Em xem video em mới gửi cho chị, em ứa nước mắt chị ạ,” cô em viết.

Sáng ngày thứ Hai 27 tháng 8, mới 7 giờ sáng, cô em đã text “Good morning chị ơi,” kèm cho một cái link Instagram của Team Malizia: “Ready for #nyc.” Rồi 3 tiếng sau, cô em lại text: “Sóng mạnh quá chị ơi,” kèm theo cái link Instagram của Greta: “Ngày 13. Biển động phía nam Nova Scotia. Nhưng thời tiết cho biết gần Nữu Ước gió sẽ giảm so với tiên đoán và tin thời tiết cho biết Thứ Tư thuyền tới nơi – Chúng tôi sẽ gửi tin khi gần tới bờ – Day 13. Rough seas south of Nova Scotia. But conditions closer to New York will be slower than predicted and weather update suggests Wednesday arrival – an updated ETA will come as we near the coast.”

Khi tôi sắp chấm dấu chấm hết cho bài này, chiếc iPhone tôi đặt úp mặt xuống mặt bàn rung lên. Text của cô em vừa tới vào lúc 2g13 trưa thứ Ba ngày 27 tháng 8: “Chị ơi tin mới nhất cách đây 7 phút của Team,” kèm với cái Instagram link của Greta: “Ngày 14. 119 miles tới Manhattan. Gió rất nhẹ phía nam Long Island – Day 14. 119 miles from Manhattan. Very light winds south of Long Island.”

Kế tiếp, hai cái text có hình của Greta: “And I’m almost THERE, I’m almost…” và “getting closer AND closer.”

Vài trao đổi bằng text messages giữa tác giả và cô em (Screnshot TD)

Và text cuối cùng của cô em: “Chị ơi, em vừa vào tracker bây giờ em yên tâm rồi vì không sợ giông tố đại dương nữa – chỉ còn ngót nghét 183 km from NYC.”

Tin CNN sáng ngày 28 tháng 8: “Greta Thunberg đã tới Nữu Ước sau cuộc hải hành 15 ngày bằng thuyền.” Bản tin kèm theo một đoạn phim ngắn 2 phút 18 giây song cô đọng về hành trình đòi các chính phủ trên thế giới giải quyết nạn khí hậu biến đổi đang đe dọa tới sự diệt vong của nhân loại, mở đầu bằng cuộc tiếp kiến của cô Greta với Đức Giáo Hoàng Francis vào tháng Tư vừa qua.

Screenshot từ Web site cnn.com

Được biết, sau khi tham dự các cuộc biểu tình nhân Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc Nhằm Đối phó Nạn Khí hậu và đăng đàn tại hội nghị, cô Greta sẽ thăm Canada và Mexico. Sau đó cô sẽ đi Chile để tham dự hội thảo khí hậu vào tháng 12 tới. Gia đình cô cho biết cô xin nghỉ học một năm để tập trung vào chiến dịch khí hậu.

Trùng Dương [TD2019-08]


Cái Đình - 2019