Phạm Đình Lân


Chiến tranh Bắc Hàn - Hoa Kỳ nếu xảy ra, ai lợi?

Trên lục địa Âu Châu, Ba Lan nằm gần Nga, Đức, Áo- Hung. Ở Đông Bắc Á bán đảo Triều Tiên nằm gần Nga, Trung Hoa và Nhật Bản. Vào thế kỷ XIX Nga tiến hành cuộc Đông tiến trên bước đường nới rộng lãnh thổ và tìm biển.

Bán đảo Triều Tiên là quốc gia bộ thuộc của Trung Hoa. Vùng đất này có quá khứ lịch sử, văn hóa và chánh trị gắn liền với Trung Hoa như Việt Nam. Trước sự đe dọa của các cường quốc Tây phương vào thế kỷ XIX Trung Hoa thi hành chánh sách bế quan tỏa cảng nghiêm nhặt. Các vua Triều Tiên và Việt Nam theo gương Trung Hoa thi hành chánh sách bảo thủ và thiếu linh động này vì quá tin tưởng vào tàn dù an ninh của Thiên triều (Trung Hoa) giữa lúc Nhật Bản canh tân xứ sở tức là Tây phương hóa đất nước. Bán đảo Triều Tiên trở thành vùng tranh chấp giữa Nga - Nhật - Trung Hoa.

Vào hậu bán thế kỷ XIX Triều Tiên như miếng mồi trong miệng của Trung Hoa. Cả Nga lẫn Nhật đều dòm ngó miếng mồi này.

Nga muốn bành trướng và tìm biển ấm trên Hoàng Hải và Nhật Hải.

Nhật muốn bành trướng lãnh thổ sang lục địa Á Châu. Bán đảo Triều Tiên là đầu cầu gần Nhật nhất để Tây tiến về lục địa. Năm 1894 Nhật đánh bại Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên và đặt vùng đất này dưới sự bảo hộ của họ từ năm 1905 (sau khi đánh bại Nga) cho đến khi bại trận năm 1945.

Sau đệ nhị thế chiến, Triều Tiên bị chia đôi lấy vĩ tuyến 38 làm đường ranh phân chia. Bắc Hàn chịu ảnh hưởng của Liên Sô (lúc ấy Trung Hoa Cộng Sản chưa nắm chánh quyền trên lục địa). Nam Hàn chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Stalin đưa Kim Il Sung (Kim Nhật Thành 1912 - 1994) nắm chánh quyền ở Bắc Hàn.

Năm 1950 Bắc Hàn ồ ạt tấn công Nam Hàn. Quân LHQ dưới sự chỉ huy của tướng Mc Arthur được đưa sang Nam Hàn chặn đứng sự tiến quân ồ ạt của quân đội Bắc Hàn. Chí nguyện quân Trung Quốc tiến vào Bắc Hàn để giúp đỡ cho Kim Il Sung. Các phe lâm chiến ký kết hiệp ước ngưng bắn lấy vĩ tuyến 38 làm đường ranh phân chia như đã có trước chiến tranh.

***

Kim Il Sung chết năm 1994. Con ông là Kim Jong Il (Kim Chánh Nhật) lên lãnh đạo Bắc Hàn. Kim Jong Il theo đuổi chương trình sản xuất võ khí nguyên tử theo ước nguyện của cha ông. Bắc Hàn là một quốc gia Cộng Sản cô lập. Chánh quyền thi hành chánh sách độc tài hà khắc như thời trung cổ. Dân chúng sống cùng cực. Thỉnh thoảng Bắc Hàn trải qua nạn đói nhưng Kim Jong Il cương quyết theo đuổi chương trình sản xuất võ khí nguyên tử. Khi chánh quyền không có khả năng đem lại no ấm cho nhân dân, họ xây dựng thanh thế cá nhân bằng những thiên anh hùng ca. Nào là nước họ là một cường quốc nguyên tử. Nào là nước họ đang làm cho đế quốc Mỹ run sợ. Đó là những thiên anh hùng ca của những nhà lãnh đạo độc tài dùng sức mạnh của võ khí để củng cố quyền hành và địa vị lâu dài.

Từ ba thập niên qua thế giới có thêm nhiều quốc gia có bom nguyên tử. Ấn Độ và Pakistan đã có bom nguyên tử. Iran và Bắc Hàn có chương trình sản xuất bom nguyên tử. Mỹ theo dõi Iran và Bắc Hàn vì cả hai nước này đều có thái độ thù nghịch với Mỹ. Iran còn thù nghịch với Do Thái và Saudi Arabia, hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông.

Bắc Hàn là nước Cộng Sản đe dọa mạng sống của quân sĩ Mỹ ở Nam Hàn và Okinawa nếu họ có bom nguyên tử. Bắc Hàn rất nghèo. Mỹ lo ngại Bắc Hàn bán kỹ thuật nguyên tử cho các tổ chức khủng bố Hồi Giáo trên thế giới.

Suốt 17 năm lãnh đạo của Kim Jong Il (1994 - 2011) Mỹ có ba tổng thống: Clinton, Bush II và Obama. Cả ba vị đều tìm cách giải quyết việc đình chỉ chương trình nguyên tử của Bắc Hàn bằng đường lối thương thuyết ngoại giao giữa 06 quốc gia liên hệ trong vùng: Nga - Trung Quốc - Bắc Hàn - Nam Hàn - Nhật - Mỹ. Đông Bắc Á là lò thuốc súng nguyên tử trên thế giới, là nơi tập trung ba đại cường quốc (Nga, Trung Quốc, Mỹ). Nhật và Nam Hàn là hai quốc gia tuần tự có nền kinh tế đứng hàng thứ 3 và thứ 11 trên thế giới. Bắc Hàn tuy nghèo nhưng có tàu ngầm, bom nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa.

Như Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước năm 1975, Bắc Hàn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Sô. Về phương diện kinh tế Bắc Hàn lệ thuộc 100% kinh tế Trung Quốc. Bù lại Bắc Hàn phải bán khoáng sản cho Trung Quốc với giá đặc biệt. Về phương diện chánh trị Bắc Hàn chịu ơn Moscow. Quyền hành mà họ Kim có xuất phát từ sự ban bố của Stalin khi Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) mới 37 tuổi! Bắc Hàn đẩy mạnh chương trình sản xuất bom nguyên tử dưới thời của Kim Jong Il. Kim Jong Il có đường lối uyển chuyển đối với Trung Quốc nhưng trong thâm tâm ông có thái độ e dè và không thiện cảm với Trung Quốc. Chương trình nguyên tử nhằm tự vệ không những chống Mỹ mà còn chống Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật nữa! Kim Jong Il không gởi con sang Nga hay Trung Quốc học mà sang Thụy Sĩ.

Kim Jong Un (Kim Chánh Ân) được Kim Jong Il chọn để kế nghiệp ông sau khi Kim Jong Nam (anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un) bị phế vì dùng thông hành giả du lịch sang Nhật. Từ đó Kim Jong Nam sống trên lục địa Trung Hoa như người lưu vong và trở thành con cờ chánh trị hờ của Trung Quốc. Kim Jong Un là người hấp thụ văn hóa Tây Phương nên không mấy thân thiện với Trung Quốc. Quốc gia nầy dung dưỡng những người dòm ngó ghế lãnh đạo Bắc Hàn của ông ta. Là người trẻ, hấp thụ văn hóa Tây Phương, Kim Jong Un quyết đoán mạnh bạo như ông nội Kim Il Sung và cha là Kim Jong Il khi mạnh tay với những người cạnh tranh quyền hành với ông ta dù đó là anh cùng cha khác mẹ và chồng của cô của ông và là người từng hướng dẫn ông ta vào những năm tháng đầu nắm chánh quyền. Kim Jong Un tỏ ra không phục tùng Beijing (Bắc Kinh). Ông không đến Beijing từ khi lên kế nghiệp cha năm 2011. Không mời đại diện đảng Cộng Sản Trung Quốc tham dự đại hội đảng Cộng Sản Bắc Hàn. Giết dượng rể, một người rất thân Trung Quốc và bị Kim Jong Un kết tội bán hết tài nguyên Bắc Hàn cho Trung Quốc. Có nhiều nghi vấn để tin rằng Bắc Hàn có nhúng tay vào cái chết của Kim Jong Nam ở Mã Lai vào tháng 02- 2017.

Để củng cố địa vị và kích thích niềm tự hào của dân chúng Bắc Hàn nghèo đói và cơ hàn, Kim Jong Un càng đẩy mạnh chương trình sản xuất bom nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa để đe dọa Nam Hàn, quân sĩ Mỹ ở phía nam vĩ tuyến 38, Nhật Bản, quốc gia từng đô hộ bán đảo Triều Tiên từ 1905 đến 1945. Phải ngầm hiểu võ khí nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa Bắc Hàn còn nhằm mục đích tự vệ chống lại Trung Quốc nữa. Sắp theo thứ tự thù hận của Bắc Hàn ta thấy:

- Bắc Hàn rất thù ghét Nam Hàn.

- Ghét Mỹ gây trở ngại cho việc đánh chiếm Nam Hàn của họ

- Ghét Nhật vì bị Nhật đô hộ trong quá khứ. Dù vậy Kim Jong Il và Kim Jong Un rất thích ăn Sushi Nhật. Người đầu bếp của Kim Jong Il là người Nhật. Nữ tổng thống Nam Hàn là Park Geun-hye (1952 - ) hưởng ứng sự lên án của Beijing về sự tàn ác của Nhật khi xâm chiếm Trung Hoa và dùng phụ nữ Triều Tiên phục vụ sinh lý cho quân sĩ Nhật trong đệ nhị thế chiến. Bà được mời làm khách danh dự ngồi bên cạnh Xi Jinping (Tập Cận Bình) trong lễ kỷ niệm 70 chiến thắng Nhật cử hành tại Beijing năm 2015. Lúc bấy giờ Bắc Hàn lại bắt tay thương thuyết với Nhật! Điều trớ trêu là ông Park Chung Hee, thân sinh của nữ tổng thống Park Geun-hye, là cựu sĩ quan do Nhật đào tạo trong khi ông nội của Kim Jong Un là người chống Nhật trong hàng ngũ quân Liên Sô. Năm 1941 Liên Sô ký hiệp ước trung lập với Nhật. Hiệp ước này có hiệu lực 05 năm nghĩa là đến năm 1946. Ngày 06 rồi 09-08-1945 Mỹ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Liên Sô tấn công lực lượng Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu để thụ hưởng sự chiến thắng của phe Đồng Minh.

Thoạt mới nhìn ai cũng tưởng Trung Quốc là ân nhân của Bắc Hàn. Chỉ có Bắc Hàn biết rõ hơn cả. Kim Jong Un tuy còn trẻ, kinh nghiệm chánh trị chưa đầy đặn, chắc chắn ông thấy được sự đối xử của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc đối với cha ông, Kim Jong Il, khi ông cùng cha sang Beijing. Cái hận của hai người đánh nhau đổ máu không trầm trọng và lâu dài bằng cái hận của người lớn hạ nhục người nhỏ, cấp trên hạ nhục cấp dưới, người giàu hạ nhục người nghèo, người thâm hiểm vừa tham lam vừa vị lợi lại tự nhận là ân nhân.

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

Trên bàn cờ chánh trị thế giới hiện nay xuất hiện hai nhân vật độc đáo. Một người lãnh đạo một đại cường quốc đang tìm đường bế quan tỏa cảng mà tổ tiên ông rất kỵ khi bang giao với các nước xa lạ ở Á Châu vào thế kỷ XIX. Đó là ông Donald Trump. Người kia là người trẻ mới lên ngôi nhưng không phải là vua. Một người già và một người trẻ. Cả hai đều có những điểm chung như sau:

1. Cả hai đều không có kinh nghiệm về bang giao quốc tế và chánh trị quốc tế. Kim Jong Un tuy trẻ nhưng có 06 năm kinh nghiệm lãnh đạo. Ông Donald Trump là nhà tỷ phú có nhiều kinh nghiệm làm giàu bằng khai thác địa ốc và đồ trường.

2. Cả hai đều sinh ra trong gia đình quyền thế chỉ biết sai khiến, quát nạt người khác nên thấy chuyện gì cũng nằm trong tầm tay của mình. Môi trường sống và giáo dục của họ không giống phương thức giáo dục của các vị vua tương lai ở Anh: phải nếm mùi khổ nhục mà họ học ở trường để thấu hiểu sự khổ nhục của thần dân của họ khi họ lên ngôi. Thái tử Charles từng chỉ huy hải quân Anh trong cuộc chiến tranh Anh - Argentina về đảo Falklands năm 1982. Thái tử Williams là sĩ quan lái trực thăng. Thái tử Harris từng được gởi sang chiến trường Afghanistan.

3. Vì không có thành tích gì nổi bật nên cả hai đều thích tự đề cao mình bằng những thiên anh hùng ca làm phấn khởi những người xem chiến tranh nguyên tử như trò bắn pháo bông vào những ngày lễ trọng đại!

4. Gia đình họ Kim mang ơn Nga tạo quyền hành cho họ. Trường hợp ông Donald Trump có giống như vậy không chỉ biết rằng ông rất ngưỡng mộ Putin? Ông khen ông Putin là người lãnh đạo tài ba. Ông hãnh diện được gặp ông Putin vào tháng 07 năm 2017 tại Hamburg, Đức. Ông cảm ơn ông Putin trục xuất 755 nhân viên sứ quán Mỹ ở Moscow về nước!

5. Cả hai đều độc tài. Ông Kim Jong Un là nhà độc tài trong một quốc gia chưa hề có tự do, dân chủ. Độc tài của Kim Jong Un là độc tài truyền thống. Ông Donald Trump đang học độc tài từ Putin và các nhà độc tài khác như Mussolini, Hitler, Saddam Hussein, Qadafi v.v… trong một nước có truyền thống dân chủ 240 tuổi và từng được xem là thành trì tự do, dân chủ trên thế giới.

Cả hai ông Trump và Kim Jong Un thách thức và hù dọa lẫn nhau từ ngày Quốc Khánh Mỹ (04-7) đến ngày kỷ niệm 72 năm Mỹ liệng hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (06 & 09-08-1945). Những trận giặc miệng nguyên tử làm cho Nam Hàn, Nhật Bản, dân đảo Guam, Hawaii, Alaska, Washington State theo dõi và phập phồng lo sợ. Kim Jong Un phấn khởi vì việc thí nghiệm hỏa tiễn liên lục địa thành công. Ông ta lợi dụng sự bất ổn chánh trị ở Hoa Kỳ từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống để có những lời tuyên bố nẩy lửa và trịch thượng. Nội tình nước Mỹ rối loạn nếu không nói là hoài nghi và chia rẽ lẫn nhau: chia rẽ giữa Dân Chủ và Cộng Hòa; chia rẽ giữa Da Trắng, Da Đen và các sắc tộc khác; chia rẽ giữa Nghèo - Giàu; ngờ vực giữa người theo Hồi Giáo với người theo đạo Christ; niềm tin của dân chúng vào các định chế dân chủ có phần sụt giảm v.v…

Tổng thống Trump hành sử như ông chủ xí nghiệp đối với các nhân viên mà ông thuê. Ông cách chức những viên chức cao cấp không tỏ ra trung thành hay không làm vừa ý ông. Ông muốn dùng Quốc Hội lưỡng viện Cộng Hòa để biểu quyết những đạo luật theo ý ông muốn – dù thiệt hại cho đa số dân chúng trong nước. Nghị sĩ Mc Cain phải định nghĩa nghị sĩ, dân biểu Quốc Hội do dân bầu lên để phục vụ cho dân, cho đất nước và phản ánh nguyện vọng của dân chúng chớ không phải để trung thành hay phục vụ tổng thống như thường thấy ở những quốc gia dân chủ ngụy trang. Nước Mỹ mất nhiều đồng minh dưới sự lãnh đạo của ông Trump. Từ một nước phồn vinh nhất thế giới, nước Mỹ là nước mang nợ nhiều nhất thế giới sau khi gánh vác hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan (2001 đến nay) và Iraq (2003 - 2011). Mỹ lép vế ở Syria. Mỹ giúp cho Iraq tái chiếm Mossul tức đánh bại ISIS ở đây. Nhưng Iran hưởng lợi ở Iraq lẫn Syria. Với Iraq, Iran đồng đạo và đồng phái (Hồi Giáo Shiite). Với Syria, Iran, Hezbollah và Nga tích cực giúp cho Bashar Assad giữ chánh quyền sau 06 năm nội chiến từ năm 2011 đến nay. Mỹ đã tốn trên 800 tỷ Mỹ kim cho chiến tranh Afghanistan. Tình hình ở đó như thế nào? Taliban, khủng bố Al Qaida, ISIS bị diệt sạch hay trên đà phát triển và lớn mạnh? Nga có nhúng tay vào Afghanistan không? Pakistan có thực lòng diệt Taliban không? hay thực lòng đồng minh với Trung Quốc?

Tháng 08 năm 2017 không có gì tốt với tổng thống Trump cả. Ông vừa cho chánh văn phòng phủ tổng thống Reince Priebus, cựu chủ tịch đảng Cộng Hòa sớm ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua, nghỉ việc. Ông kịch liệt chỉ trích bộ trưởng bộ Tư Pháp, Sessions, vì không điều tra email của bà Hillary Clinton và đứng ngoài cuộc điều tra về Nga và cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016; chỉ trích chủ tịch khối đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện, Mc Connell, không tích cực trong việc bỏ phiếu hủy bỏ Obamacare; cảnh cáo ông Mueller không được vượt “lằn ranh đỏ” khi tiến hành việc điều tra tài chánh của tổ chức của ông.

Ông Trump gặp phải trò đùa dai của Kim Jong Un.

Nhóm siêu bạch chủng biểu tình đốt đuốc ban đêm như các KKK vào thế kỷ XIX ở Charlottesville, Virginia. Máu đã đổ khi nhóm biểu tình siêu bạch chủng đánh nhau với những người chống lại họ và khi một chiếc xe hơi lao vào đám người chống lại nhóm siêu bạch chủng làm cho một người chết và hàng chục người bị thương. Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mc Master xem việc dùng xe hơi lao vào đám đông ngày 12-08-2017 tại Charlottesville, Virginia, là hành động khủng bố giống như cảnh tượng đã xảy ra ở Nice, Pháp, vào ngày Quốc Khánh 14-07-2016. Tổng thống Trump không đề cập chuyện này mà chỉ nói chung chung là “bạo lực từ nhiều phía”.

Donald Trump Jr. (con ông Trump), Jared Kushner (rể) và trưởng ban vận động tranh cử của ông Trump (Paul Manaford) đang bị điều tra về việc gặp gỡ với một nữ luật gia Nga có liên hệ với Putin.

Những quyết định về “Lửa và Cuồng Nộ” đối với Bắc Hàn và việc điều nghiên dùng quân sự can thiệp vào Venezuela có phải là những quyết định sáng suốt và được cân nhắc kỹ càng không? Lời nói của ông Trump có vẻ quyết liệt. Kế đó ông Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng, cũng có ý đe dọa Bắc Hàn (thay đổi chế độ chánh trị, chiến tranh). Ông bộ trưởng Ngoại Giao Tillerson lại nói dịu hơn (Mỹ không phải là kẻ thù của Bắc Hàn, Mỹ không có ý định thay đổi chế độ ở đó). Khi ông Trump có lối đe dọa đanh thép thì ông Mattis lại nói vấn đề Bắc Hàn có thể giải quyết bằng ngoại giao. Đó là sự lung tung của Mỹ trong việc tìm giải pháp đối phó Bắc Hàn.

Trung Quốc và Nga dùng Bắc Hàn tạo sự lo nghĩ thường xuyên cho Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn. Mỹ càng có nhiều vấn đề để lo nghĩ thì Trung Quốc và Nga càng mừng. Họ duy trì tình trạng nầy miên trường, nếu có thể, để cột chân Mỹ. Họ không có lợi gì nếu có chiến tranh nguyên tử. Chuyện đơn giản là các lãnh tụ Xi Jinping, Putin, Kim Jong Un, Donald Trump đều là tỷ phú. Họ cần yên ổn để hưởng thụ chớ tạo sự tàn phá hủy diệt không có lợi gì cho mạng sống và sự hưởng thụ hạnh phúc vật chất của họ. Đó là lý do tại sao đại biểu của Nga và Trung Quốc không dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An LHQ ngày 05-08-2017 chống lại quyết định trừng phạt Bắc Hàn. Đó là cách lấy lòng Mỹ và nhắc khéo Kim Jong Un phải tự kềm chế. Với tổng thống Donald Trump nước Mỹ sẽ bất động, co cụm và đối đầu với những vấn đề nội bộ và quốc tế nhì nhằng không lối thoát (vấn đề y tế, vấn đề nhập cư, việc xây bức tường biên giới, vấn đề siêu bạch chủng, một dạng hồi sinh của Klu Klux Klan (KKK) kỳ thị Do Thái, Da Đen và các dân tộc da màu khác v.v...; vấn đề Trung Đông .<.Syria, Iran- Do Thái, Iran- Saudi Arabia; Saudi Arabia và các nước Á Rập khác với Qatar.>., chiến tranh Afghanistan, chiến tranh chống khủng bố Hồi Giáo ở Phi Châu, Á Châu, Trung Đông v.v…).

Xi Jinping (Tập Cận Bình) lên tiếng đe dọa Mỹ. Nếu Bắc Hàn tấn công Mỹ, Trung Quốc sẽ trung lập. Nếu Mỹ tấn công Bắc Hàn, Trung Quốc sẽ tham chiến giúp Bắc Hàn.

Putin im lặng, sự im lặng của kẻ cả đang nắm vững bàn cờ chánh trị quốc tế hiện nay. Putin như một người tài xế kinh nghiệm biết lúc nào đạp ga và lúc nào đạp thắng trên đoạn đường nguy hiểm.

Việc lưỡng viện Quốc Hội Mỹ biểu quyết luật trừng phạt Nga với đa số phiếu tuyệt đối (Hạ Viện: 419 chống 3 – 96%; Thượng Viện: 98 chống 2 – 98%) ngày 22-07-2017 cho thấy hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ hợp tác nhau và không tán đồng đường lối thân Nga của tổng thống Trump. Ông đành phải ký vào luật do Quốc Hội biểu quyết mặc dù ông cho là luật trừng phạt này vi hiến! Đó là dấu hiệu đầu tiên Quốc Hội đồng tâm giới hạn quyền của tổng thống bằng sức mạnh của lá phiếu dân bầu. Chắc chắn Quốc Hội sẽ theo dõi và kiểm soát những quyết định tối quan trọng liên hệ đến sự nguy nan, hưng thịnh và tồn vong của đất nước và nhân loại trên thế giới. Chuyện Bắc Hàn đe dọa bắn hỏa tiễn vào đảo Guam, lời hăm dọa “Lửa và Cuồng Nộ” của tổng thống Trump và dự tính đưa quân vào Venezuela tạm thời khỏa lấp những tin liên quan đến cuộc điều tra của Mueller và Quốc Hội về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, sự liên lạc của con trai ông Trump, rể của ông và trưởng ban vận động bầu cử của ông với nữ luật gia Nga tại Trump Tower vào tháng 06 năm 2016.

Không ai có lợi gì nếu chiến tranh nguyên tử xảy ra. Mục đích của Trung Quốc lẫn Nga là:

- làm cho Mỹ xáo trộn và thường xuyên lo lắng.

- tạo sự tiêu hao tài chánh và gây thương tổn tinh thần cho nước Mỹ và nhân dân Mỹ. Trung Quốc lẫn Liên Sô không êm ấm nhau trong thời kỳ chiến tranh lạnh mặc dù hai nước đều theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Nhưng cả hai đều tận tình giúp cho Cộng Sản Việt Nam ở miền Bắc và MTDTGP ở miền Nam để đánh Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi thắng lợi.

- chỉ cần một Snowden, Nga và Trung Quốc nắm được tất cả bí mật của Mỹ. Một tổng thống Mỹ có đường lối thân Nga chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho Nga và Trung Quốc ít ra trong một thời gian nào đó. Lenin không dùng đại pháo và tàu bè đi xâm chiếm thuộc địa như các đế quốc Tây Phương đã làm. Ông chỉ cần đào tạo mỗi quốc gia trên thế giới một cán bộ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản thì ảnh hưởng của Nga hiện diện khắp nơi trên thế giới. Putin chắc chắn thấu triệt điều này. Putin đang trả thù Mỹ ở Afghanistan. Quân Liên Sô rút ra khỏi Afghanistan trong cảnh thảm bại sau 09 năm xâm lăng (1979 - 1988). Mỹ giúp cho quân kháng chiến Afghanistan. Bây giờ Nga ngấm ngầm giúp cho Taliban gây rối chánh quyền Kabul do Mỹ yểm trợ. Afghanistan trở thành sào huyệt của Taliban, Al Qada và ISIS. Sự can dự công khai hay ngấm ngầm của các nước láng giềng như Pakistan, Ấn Độ, Iran, Nga, Trung Quốc khó tránh được. Bỏ cuộc thì xem như chịu thua mà tiếp tục thì không thấy kết quả cụ thể ngoại trừ sự tốn kém tài lực, vật lực và hao tổn tinh thần.

Mỹ và Nhật đề cao cảnh giác trước sự đe dọa tấn công đảo Guam của Bắc Hàn. Mỹ sẵn sàng cho B-1, B-52 xuất phát từ đảo Guam oanh tạc các địa điểm có hỏa tiễn ở Bắc Hàn khi nước này phóng hỏa tiễn nhắm vào Guam. Nhật sẽ dùng hỏa tiễn sẵn sàng bắn rớt hỏa tiễn Bắc Hàn bay ngang qua lãnh thổ Nhật.

Cho dù không xảy ra chiến tranh nguyên tử vì chuyện Bắc Hàn, chiến tranh cổ điển giữa Mỹ và Bắc Hàn, nếu có, cũng gây chết chóc ghê gớm.

Thủ đô Seoul của Nam Hàn nằm cách vĩ tuyến 38 lối 50 km. Bắc Hàn có 21.000 đại bác và hàng ngàn hỏa tiễn hướng về thành phố có 10 triệu dân chưa kể cư dân vùng phụ cận. Ở phía nam khu phi quân sự còn có lối 30.000 quân sĩ Mỹ đồn trú. Nếu chiến tranh bùng nổ trong vài tiếng đồng hồ có hàng chục hay hàng trăm ngàn người Nam Hàn, Mỹ, và Bắc Hàn chết. Chiến tranh gia tăng cường độ với sự tham dự của quân Trung Quốc và Nhật. Nếu sự việc xảy ra như vậy, một lần nữa Nga bình tĩnh nhìn ba con hổ kinh tế và quân sự Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản giao đấu nhau. Bán đảo Triều Tiên rách nát. Một phần nước Nhật cũng bị thiệt hại vì có quân sĩ Mỹ trú đóng. Chiến tranh nguyên tử có thể tránh khỏi nhưng chiến tranh hơi ngạt và chiến tranh vi trùng gây bịnh tật khó tránh. Dù ưa hay không ưa họ Kim, Trung Quốc bắt buộc không thể để chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Bắc Hàn hay Bắc Hàn bị Nam Hàn thống nhất với sự hỗ trợ của Mỹ và Nhật.

Những lời đe dọa qua lại của Kim Jong Un và tổng thống Donald Trump chỉ là khẩu chiến. Ông Trump cũng không giải quyết chuyện Bắc Hàn bằng cách nào khác hơn các tổng thống tiền nhiệm mà ông chê trách. Putin yên tâm chuẩn bị việc tái ứng cử và đắc cử vào năm 2018 và đặt trọng tâm vào việc gây hấn ở một nơi nào đó trên lục địa Âu Châu và Trung Đông. Phi cơ Nga thong thả bay trên vòm trời Alaska và ngay cả vòm trời Washington DC. Xi Jinping nắm lấy cơ hội ngàn vàng nầy để phát triển vòng đai kinh tế thương mãi từ Á sang Âu và chương trình nối liền ba đại dương: Thái Bình Duong- Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2017