Lê Ngọc Vân


Làm thế nào mà người tị nạn Việt này đã trở thành CTO của công ty Uber

 

Vào thời mà Thuận Phạm chỉ mới 12 tuổi, ông đã từng có nhiều va chạm với cái chết.

Trong khi vượt thoát Việt Nam cùng với mẹ và người em trai vào năm 1979, một cơn bão dữ dội đập vào chiếc ghe đánh cá bằng gỗ mỏng manh đang chở gia đình ông và hàng chục người tị nạn khác. Sau đó họ đã bị nạn cướp biển. Và một khi họ đặt chân xuống một trại tị nạn ở Indonesia, họ lại gặp nạn thiếu chỗ trú ngụ và điều kiện vệ sinh trong nhiều tuần.

"Mẹ tôi đã quyết định rằng tốt hơn là chúng tôi phải chịu may rủi ở số mạng..., còn hơn là lớn lên mà không có một cơ hội nào để tạo một cuộc sống tốt đẹp", ông Phạm nói. "Đó là những gì bạn làm nếu là một người nhập cư: Bạn sẵn lòng đánh đổi cuộc sống của bạn để lấy sự tự do. Đôi khi bạn gặp may và bạn chụp lấy nó để sống."

May mắn thay, gia đình ông Phạm đã gặp may. Và cuối cùng họ đã đến định cư được ở vùng ngoại ô Maryland.

Ông Phạm miệt mài học tập trong trường, thích máy computer và được nhận vào học vào Học viện Công nghiệp Massachusetts (M.I.T.), nơi ông học ngành vi tính.

Sau khi tốt nghiệp, ông đến Silicon Valley và trở thành một thành viên không thể thiếu trong ngành công nghiệp biến đổi.

Trong năm 2013, ông được Uber tuyển vào làm làm giám đốc công nghệ. Kể từ thời điểm đó, ông Phạm, hiện nay 49 tuổi, đã tạo dựng nên nhóm kỹ thuật Uber, từ 40 lên đến hơn 2.000 kỹ sư hiện nay. Bộ phận công nghệ của công ty đã đi từ chỗ giải quyết 30.000 vụ một ngày đến hàng triệu hiện nay.

Ngoài ra, ông Phạm gần đây đã được tuyên danh là một trong 40 Người Nhập cư Vĩ đại năm 2016 do Tổ hợp Carnegie bình chọn, một quỹ giúp đỡ lâu đời nhất của quốc gia (Hoa Kỳ).

Dưới đây là câu chuyện thành công của ông Phạm tại Hoa Kỳ.

***

Khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng Tư năm 1975 thì chúng tôi đã sống qua bốn năm dưới chủ nghĩa cộng sản. Các chú bác của tôi đã phải vào trại tập trung và họ đã chết ở đó.

Mẹ, thằng em tôi và tôi ra đi vào giữa đêm. Chúng tôi chen chúc, khoảng 470 người, trên một chiếc ghe đánh cá bằng gỗ mỏng manh – số hiệu MT-2377. Khi chúng tôi ra khơi, mọi người đều ói mửa.

Thuận Phạm (trái) cùng Phong, em trai của ông, tại Việt Nam.

Một cách kỳ diệu, chúng tôi sống sót sau một trận bão lớn. Các cơn sóng cao từ 10 đến 20 bộ đã đập vào ghe của chúng tôi. Tất cả chúng tôi chỉ còn biết giữ mình.

Một ngày nọ chúng tôi thấy có ánh đèn và nghĩ rằng có ai đó phát hiện ra chúng tôi và sẽ đến cứu! Nhưng đó lại là hải tặc Thái Lan. Họ cướp mọi thứ của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã gặp may. Họ còn có thể giết chúng tôi nữa kia.

Một đêm, khi trời bắt đầu tối, chúng tôi thấy đất. Chúng tôi mừng quá. Chúng tôi nhắm hướng đó và cho thuyền chạy vào tới khi bị mắc cạn ngay trước bờ biển. Thuyền của chúng tôi ngay lập tức bị quân lính bao vây và họ đã đưa chúng tôi đến một trại tị nạn.

Mẹ tôi nói khi đó, "Mình đã có được tự do rồi! Mình đã có được tự do rồi!" Nhưng một tuần sau đó, họ đưa chúng tôi trở lại ghe của chúng tôi và một tàu hải quân Malaysia kéo chúng tôi ra biển lại.

Chuyến đi đã kết thúc tại Singapore, và chúng tôi bị giam lỏng trên thuyền. Cuối cùng, chúng tôi đã đến được Indonesia. Ở đó chúng tôi được đối xử khá tốt khi đến. Nhưng sau đó chúng tôi bị đưa đến đảo Kuku.

Chuyện gì đã xảy ra trên đảo Kuku?

Chúng tôi là một trong số những người cư ngụ đầu tiên trong trại [tị nạn] và lúc đó không có cơ sở hạ tầng tại đây. Đêm đầu tiên chúng tôi chỉ có một tấm bạt trên đầu chúng tôi với một cơn mưa như trút nước. Không có điều kiện vệ sinh, rất nhiều người đã mắc bệnh và qua đời.

Chúng tôi ở đó 10 tháng. Các tổ chức như UNHCR, CARE và Feed the Children đổ xô đến để giúp đỡ và phân phối các túi đồ ăn và vật dụng cứu trợ cho chúng tôi.

Phạm (áo xanh lục,) mẹ, em trai và những đồng hương tị nạn trên đảo Kuku trước khi rời khỏi trại tị nạn.

Gần như chẳng có sự khác biệt nào khi so sánh với các trại tị nạn mà chúng ta thấy ngày nay ở Syria hay nơi có những người chạy trốn từ Bắc Phi qua Địa Trung Hải bằng tàu bè.

Mỹ và nhiều nước khác, chẳng hạn như Canada, Pháp, Đức, Úc, vv., đã cử nhiều đoàn lập thủ tục đăng ký người muốn xin tị nạn.

Một số người trên đảo Kuku đã phải chờ đợi trong nhiều năm, vì họ không có mối quen biết nào tại các nước có quy chế cho tị nạn. Chúng tôi đã có đủ điều kiện xin tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ bởi vì cha tôi là một thành viên của quân đội miền Nam Việt Nam, và vì vậy chúng tôi đã có thể đến đây.

Cha tôi còn ở lại Việt Nam. Khi chúng tôi ra đi vào giữa đêm, đó là lần cuối cùng tôi thấy ông trong 10 năm.

Cuộc sống như thế nào khi ông đã đến được Hoa Kỳ?

Chúng tôi đến Mỹ bằng máy bay và đã được đưa đến Rockville, Maryland.

Nơi đó có một cộng đồng những người tị nạn cùng hoàn cảnh như chúng tôi [ở Rockville]. Chúng tôi tạo mối dây liên kết với nhau để có thể sống còn về mặt kinh tế.

Mẹ tôi làm việc tại một trạm xăng và tại một tiệm tạp hóa. Bà từng là một kế toán viên tại Việt Nam, nhưng vì không thông thạo tiếng Anh, bà đã không được lấy được bằng tại Hoa Kỳ

"Bởi vì bà làm việc đầu tắt mặt tối, thực sự là tôi không thấy mặt bà suốt cả tuần. Tôi đã phải dẫn dắt thằng em đến mọi nơi trong thành phố, đi khám bác sĩ, đi học, đi thực tập. Tôi đã phải đóng vai người lớn", ông Phạm nói (người đứng bên phải).

Một căn chung cư hai phòng ngủ có giá 370 đô-la một tháng. Chúng tôi phải chia nhau ở chung với một gia đình khác. Có bảy người trong căn chung cư của chúng tôi.

Mùa đông ở Maryland khá lạnh, nhưng bên trong nhà chúng tôi thì giống như một phòng tắm hơi. Có nghĩa là hơi nước tụ lại nhỏ giọt trên các cửa kính và cửa sổ. Căn nhà ban đêm cũng đầy gián. Đó là hoàn cảnh sống của chúng tôi trong nhiều năm.

Tôi cố gắng học thật siêng năng tại Richard Montgomery High School và điều đó đã được trả công. Tôi đã tốt nghiệp vào năm 1986 và được nhận vào đại học M.I.T..

Đó là khi cuộc sống bắt đầu trở nên tốt đẹp hơn.

Thuận Phạm trong buổi lễ tốt nghiệp trung học của ông

Làm thế nào mà ông đâm ra mê máy tính?

Người cha của anh bạn thân nhất của tôi ở trường trung học mua được một máy tính IBM và tôi la cà tại nhà của anh ta sau giờ học. Chúng tôi viết một chương trình cho máy tính và giống như thể "Xem kìa! Nó làm những gì mình muốn!" Đó thật là thích thú.

Một trong những người trong nhà thờ khi đó là một giám đốc tại Văn phòng Quốc gia về Những Tiêu chuẩn và ông đã đem tôi vào làm tại đó như một sinh viên tình nguyện. Tôi thực sự đã viết một chương trình khá tiên tiến cho họ như một người có tay nghề thượng đẳng để tự động hóa các quy trình kế toán của họ. Nó giảm công việc của hai hay ba kế toán viên xuống chỉ còn là một cái bấm nút.

Khi tôi chuẩn bị để đi học ở M.I.T., họ trao cho tôi một tờ chi phiếu 1800 đô-la tiền thưởng, vì vậy tôi có thể mua một cái máy tính IBM để đi học đại học.

Những gì mà ông nhận thấy đã là bước đột phá lớn của ông?

Khi tôi tốt nghiệp M.I.T., tôi có một công việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu của HP.

Sau ba năm làm việc tại HP, tôi thấy chán nên đã sang làm cho một công ty gọi là Silicon Graphics (SGI), một công ty trong ngành công nghệ thực sự đang lên hương trong những năm đầu ‘90, được thành lập bởi Jim Clark. Ông ta bước vào lãnh vực này để nghĩ ra được Netscape và những gì mà chúng ta biết dưới tên Internet hiện nay.

Thuận Phạm và mẹ trong lễ tốt nghiệp tại MIT năm 1991

Đó là một bước tiến quan trọng, nhưng tôi đã làm mẹ tôi đứng tim. Bà cứ nghĩ rằng tôi đã liều lĩnh. Theo quan điểm của bà thì tôi nên ở lại để xây dựng sự nghiệp tại một công ty ổn định như HP cho 30 năm và về hưu với một chiếc đồng hồ vàng.

Đó là sự hồi hộp trên đường sự nghiệp của tôi.

Người bạn làm chung phòng với tôi thành lập văn phòng NetGravity (mà sau này sáp nhập với DoubleClick) và tôi đã sang đó để làm người kỹ sư thứ tư. Tôi đã không kể cho mẹ tôi về điều đó cho đến khi chúng tôi đã được đại chúng công nhận và tôi đã có thể mua một căn nhà.

Nhiều người có thể có những kỹ năng, nhưng cuối cùng tất cả chúng ta cần phải tạo ra các cơ hội để thực hiện và cho người ta thấy những gì chúng ta có thể làm.

Uber là bước ngoặt lớn của tôi. Tôi biết Uber là loại công ty có thể gây một sự thay đổi thực sự trên thế giới.

Làm thế nào để ông xác định sự thành công và làm ông nghĩ rằng bạn đã đạt được nó?

Biện pháp để đo sự thành công của tôi, nằm ở cốt lõi của nó, là: "Tôi đã sống một cuộc sống có ý nghĩa chưa?" Bằng biện pháp đó, tôi thấy là mình đã có phần nào thành công.

Một kiểu khác của sự thành công là: "Với khoảng thời gian của bạn trên trái đất, bạn đã làm được tất cả mọi thứ bạn có thể làm chưa?" Đó là loại thành công mà tôi sẽ dành cho những người khác phán xét.

Một trong những điều ông làm mỗi ngày mà nó giúp ông đạt được mục tiêu là gì?

Tôi hồi tưởng lại. Tôi nghĩ về những gì đã xảy ra ngày hôm đó và tự hỏi: "Có phải đó là điều tốt nhất tôi đã có thể làm được?"

Câu trả lời gần như luôn luôn là: "Tôi đã có thể làm khá hơn."

Nguyên tác: How this Vietnamese refugee becam Uber’s CTO
Tác giả: Octavio Blanco. Trích từ CNNMoney, 12/08/2016
Người dịch: Lê Ngọc Vân

 

 


Cái Đình - 2016