Ca Dao


Sao Khuê đã tắt

.

Đã lâu, ít nghe nhắc đến ông, thót giật mình khi đọc tin trên mạng: Giáo sư Trần Khuê đã qua đời ngày 25/6/2020, thọ 84 tuổi.

Cũng là dịp để nhớ về ông và những kỷ niệm rời…

Từ 20 năm qua, Phong trào Dân chủ đã có nhiều thay đổi, nhờ mạng xã hội phát triển, những người tham gia lên tiếng cho Tự do, Dân chủ Việt Nam cũng đã đa dạng hơn.

Nhưng vào những thập niên 80-90, ít ai dám lên tiếng công khai, cụm từ “phong trào đối kháng, đấu tranh cho Tự do, Dân chủ, Nhân quyền ” hãy còn rất ngại ngùng ở các quán cafe Sài Gòn, Hà Nội.

Rồi, năm 1999, quyển “Đối Thoại năm 2000” của ông Trần Khuê và bà Nguyễn thị Thanh Xuân xuất hiện như cơn bão thổi đến con thuyền XHCN hãy còn yên ắng dưới tay chèo chống của đảng cầm quyền.

Tôi biết đến có một người tên Trần Khuê của Trung Tâm Nghiên Cứu Hán Nôm cũng từ quyển sách đó.

Thời đó, mà có một người dám lên tiếng đòi “Quyền làm chủ của một công dân” đã là một mạo hiểm, một đặc biệt. Vì thế, tôi mời ông vào diễn đàn “Việt Nam Suy Tư và Ước Vọng” của tôi trên hệ thống Paltalk để nói chuyện – Lúc đó, chưa có FB, paltalk là nơi để những người chống độc tài cộng sản lên tiếng và cũng là cửa ngỏ để tiếp cận với những người trong nước – tôi nghĩ ông sẽ từ chối vì nó khá nguy hiểm cho ông – Paltalk lúc đó được coi là môi trường “phản động” – nhưng ngạc nhiên thay, ông nhận lời ngay.

Tôi chỉ cho ông cách cài đặt và sử dụng paltalk. Sau khi cài đặt xong, ông đi thử một vòng các room trên paltalk và ông quay trở lại tôi….”từ chối” !

Thì ra, ông đi lạc vào những room “giang hồ chống cộng” – Những người đã từng sinh hoạt trên paltalk thì chắc không lạ gì những room này, họ chống cộng theo cách riêng của họ, họ dùng những ngôn từ thô tục để lên án cộng sản, chửi thề ĐM hồ chí minh.v.v… – Ông Trần Khuê nghe qua và bị…sốc ! nên ông từ chối.

Sau đó, tôi phải giải thích rằng không phải room nào cũng vậy, và room “Việt Nam Suy Tư và Ước Vọng “của tôi thì tuyệt đối không cho dùng những ngôn từ thô lỗ, không cho chửi bậy, dù là chửi HCM. Lên án CS hay HCM chỉ nên đưa ra dữ kiện và phân tích đúng sai. Ông tin tưởng và đồng ý vào diễn đàn tôi nói chuyện. Ông là nhà đấu tranh trực diện đầu tiên vào paltalk để nói chuyện. Lúc đó, sợ bị công an cài người vào phá nên chúng tôi phải mở room kín và giới hạn người tham dự. Sau đó thì rất nhiều người đấu tranh đã biết đến và dùng paltalk như một môi trường để lan toả thông tin và bày tỏ quan điểm.

Năm 2005, tôi dự định đến thăm ông Trần Khuê. Khi về đến Việt Nam, công an mời tôi lên điều tra về những hoạt động của tôi ở hải ngoại nhưng câu hỏi chính của họ vẫn là “Tại sao tôi muốn đến gặp ông Trần Khuê”? Và họ cấm tôi đến gặp ông.

Tôi báo cho ông Trần Khuê biết là công an cấm tôi đến gặp ông. Tôi còn nhớ, ông nói: “Có hay không có những người ở hải ngoại, tôi vẫn đấu tranh. Công an muốn cô lập những người như chúng tôi nên doạ dẫm, nếu cô sợ mà không đến thì tôi hiểu”.

Tối hôm đó, tôi đến gặp ông ở nhà riêng của ông đường Nguyễn Trãi, ông mời tôi ăn nhãn, chúng tôi nói chuyện đến khá khuya, bên kia đường, anh chàng công an vẫn lặng lẽ ngồi trên chiếc gắn máy cho đến lúc tôi từ giã ông ra về. Và dĩ nhiên, trước ngày rời Việt Nam, tôi lại được công an mời lên với câu hỏi “Tại sao chúng tôi không cho chị đến gặp ông Trần Khuê mà chị vẫn đến gặp?”.

Qua ông, tôi cũng gặp ông Đỗ Nam Hải, ông Nguyễn Chính Kết, ms Nguyễn Hồng Quang.v.v… những người đã đi tiên phong trong phong trào Dân chủ tại Việt Nam. Và cũng qua Giáo sư Trần Khuê, tôi quen Nguyễn Tiến Trung, một sinh viên du học tại Pháp và cùng tham gia với Nguyễn Tiến Trung, Hoàng Lan, Việt Quốc của Tập Hợp Thanh Niên Dân chủ trong chiến dịch Marathon Nối Vòng Tay Lớn, thu thập chữ ký gửi kiến nghị lên Đại hội APEC vận động tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

Mặc dù bị quản chế, bị điều tra, gặp nhiều khó khăn từ phía nhà cầm quyền Hà Nội về những bài viết cổ xuý cho quyền công dân, về việc tham gia đảng Dân chủ Việt Nam của ông Hoàng Minh Chính.v.v..nhưng Giáo sư Trần Khuê cũng không được chấp nhận bởi một số người đấu tranh ở hải ngoại, vì họ cho rằng ông vẫn bênh vực HCM.

Với tôi, đó không phải là rào cản. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta cần tìm những điểm đồng thuận để cùng hợp tác chứ không tìm những điểm khác biệt để chia rẻ. Mục tiêu chung vẫn là đấu tranh cho một Việt Nam Dân chủ, Nhân quyền thực sự. Và tôi vẫn tiếp tục liên lạc với ông dù bị ít nhiều người chỉ trích.

Sau này, khi phong trào dân chủ nở rộ, thêm nhiều người mới nhập cuộc. Những người như ông Trần Khuê, Đỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang.v.v..dần dần lui vào phía sau, nhường chổ cho những người trẻ hơn, nhiệt huyết hơn, sáng tạo hơn tiếp tục con đường dân chủ hoá Việt Nam.

Cám ơn giáo sư Trần Khuê, cám ơn những người đã lót những viên gạch đầu tiên.

Chúc ông lên đường bình yên, trên nền trời Dân chủ Việt Nam, một vì sao Khuê đã tắt.

.

Ca Dao
26/06/2020

_______

Chú thích của BBT www.caidinh.com:

Trần Khuê tên thật là Trần Văn Khuê, sinh năm 1936 tại Nam Định. Ông nguyên là giáo viên trường sư phạm Nam Cường – Nam Hà.

Năm 1981 ông xin nghỉ hưu và chuyển sang nghiên cứu về lĩnh vực Hán-Nôm.

Ông được nhiều người biết đến từ năm 1999 khi ông và vợ là Nguyễn Thị Thanh Xuân phổ biến tập tài liệu mang tên “Đối thoại 2000”, và hơn 1 năm sau “Đối thoại 2001” ra mắt. Cả 2 tác phẩm là những phê phán về tình trạng không có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Ông cũng đòi hỏi phải xóa bỏ điều 4 hiến pháp, đòi đổi tên đảng, tên nước v.v.. Vì những hoạt động đó, và vì những liên lạc với một số nhân vật và tổ chức người Việt ở hải ngoại bị Việt Nam cáo buộc là có âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố, v.v., ông bị quản chế và theo dõi chặt chẽ. Tuy thế, ông Trần Khuê không được nhiều sự ủng hộ từ hải ngoại, vì ông luôn đề cao Hồ Chí Minh.

 


Cái Đình - 2020