VOA Tiếng Việt
Nhà văn Kim Thúy ‘nhìn chữ là thấy thương’
Nhà văn Kim Thúy tại Festival America, tháng 9, 2010. (Hình: Camille Gévaudan)
“Không có. Không có.” Kim Thúy cười lớn, khẳng định “không có” chuyện cô sẽ đoạt Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương (the New Prize in Literature), được mệnh danh “giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương 2018.”
Giải thưởng mới “tính theo số người bỏ phiếu.” Kim Thúy nói với VOA, cô ngạc nhiên, và độc giả của cô cũng ngạc nhiên, về việc cô có tên trong số 47 tác giả được đưa ra cho công chúng bình chọn.
“Chẳng hạn, trong 47 người đó, có nhà văn Rowling. Chỉ cần 0.01% độc giả của Rowling bỏ phiếu, thì tôi đã không có tên trong số 4 người [vào vòng trong].” Rồi cô cười lớn, “chắc Rowling không để ý.”
Hàn Lâm Viện Thụy Điển quyết định hoãn công bố giải Nobel Văn Chương 2018 do các điều tiếng về scandal liên quan đến giám khảo của giải thưởng danh giá này. Vì lý do ấy, các quản thủ thư viện Thụy Điển cùng thành viên trong cộng đồng văn hóa và nghệ thuật quyết định lập ra một giải thưởng khác, chỉ trong năm nay, để lấp vào khoảng trống của Nobel Văn Chương.
Văn bản nói về lý do ra đời của Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương có đoạn: “Trong thời điểm mà giá trị nhân văn ngày càng bị thách thức, thì văn chương trở thành lực đối kháng với sự đàn áp và thái độ vô cảm. Bây giờ là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết giải thưởng văn chương cao quý nhất thế giới phải được trao tặng.”
Các thành viên trong ban tổ chức Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương chọn ra danh sách 47 nhà văn trên toàn thế giới, rồi để công chúng bình chọn. Bốn người có số phiếu cao nhất sẽ được xét chọn bởi ban giám khảo, gồm giáo sư văn chương Lisbeth Larsson, nhà báo kiêm thủ thư Marianne Steinsaphir, nhà phê bình kiêm chủ bút Peter Stenson, và giám đốc thư viện, Gunilla Sandin.
Trả lời tờ báo National Post, Kim Thúy cũng nói xác suất để mình thắng giải thưởng này là “dưới zero phần trăm.” Cô nói về 3 nhà văn trong danh sách được bình chọn (Maryse Condé - the Guadeloupe và Pháp, Haruki Murakami - Nhật Bản; và Neil Gaiman - Anh): “Họ là những biểu tượng văn hóa – những nhà văn dày dạn kinh nghiệm – trong khi tôi chỉ mới bắt đầu hành trình của mình.”
Rồi cô nói đùa: “Có thể gia đình tôi hơi đông người!”
Kim Thúy thật lòng không tin mình sẽ thắng giải, và cô bông đùa thoải mái về giả thuyết sẽ trở thành “khôi nguyên giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương.”
Thế nhưng, con đường đi vào văn chương của tác giả các tác phẩm có tựa đề độc đáo, “Ru,” “Vi,” “Man,” lại mang đậm sự ray rứt về thân phân con người di dân, tị nạn, và lòng yêu mến đến sâu thẳm giá trị văn hóa Việt Nam.
“Tôi hãnh diện về vẻ đẹp của Việt Nam mình. Có những cái nhỏ, nhỏ, nhỏ của Việt Nam mình mà mình không để ý tới. Chẳng hạn chữ “ru,” không ngờ một chữ “ru” mà đẹp đến như vậy. Khi tôi tìm đến tiếng Pháp thì chữ “ru” trong tiếng Pháp rất dài. Ru con ngủ là một cái gì rất là dài, thế mà “ru” chỉ là một chữ thôi. Thành ra tôi thấy nó hay quá đi, và thấy mình phải chia sẻ.” Kim Thúy nói với VOA.
Cách “chia sẻ” của Kim Thúy cũng rất lạ: Cô muốn, qua mỗi tác phẩm của mình, độc giả ngoại quốc lại được học thêm một vài chữ tiếng Việt. Và sự chia sẻ ấy bắt đầu ngay từ tựa đề của sách.
“Chỉ một “sound” đã có ý nghĩa rồi. Chữ “Man,” tức là “Mãn”, đẹp thế nào. Mãn, là mãn nguyện. Nhìn chữ là thấy thương. Hay “ru,” tiếng Pháp cũng có ý nghĩa. “Man,” tiếng Anh cũng có nghĩa. “Vi,” cũng gần như “C’est la Vie” trong tiếng Pháp. Lúc nào cũng có ý nghĩa của 2, 3 ngôn ngữ. Nhưng lúc nào cũng muốn có tiếng Việt Nam. Tôi muốn độc giả thấy chữ viết của tiếng Việt mình. Tức là độc giả của tôi bây giờ biết ít nhất là một chữ tiếng Việt. Còn trong tác phẩm “Man,” gần như mỗi trang đều có một chữ tiếng Việt, để người ta thấy tiếng Việt mình có dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng…”
“Ru”, xuất bản cách đây gần 10 năm, là một trong những tác phẩm thành công nhất của Kim Thúy. Tác phẩm, được viết bằng tiếng Pháp, được dịch sang 27 ngôn ngữ, gần đây nhất là dịch sang tiếng Ukraine.
Nhưng Kim Thúy “thấy buồn” khi “Ru” đến nay vẫn còn “ăn khách.”
“Có nhiều nước mua và dịch Ru ra tiếng của họ, bây giờ vẫn còn, thành ra tôi thấy Ru cứ còn mới như là một em bé. Nhưng rất buồn là còn phải dùng chữ di dân, tị nạn trong tác phẩm, chỉ mong là một ngày nào không cần dùng chữ này nữa thôi. Nhưng mà rồi chiến tranh hết ở đây rồi ở kia. Thành ra ở phương diện ấy, nếu cuốn sách này còn mới hoài, còn nói về vấn đề của hiện tại bây giờ… Tôi mong là một ngày nào đó, cuốn sách này chỉ nói về một chuyện rất xa xưa trong quá khứ, không ăn nhập gì với thời hiện tại.”
Mặc dầu đã có mặt tại 27 quốc gia khác nhau, "Ru" vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Kim Thúy nói có lẽ vì Ru nói về chuyện vượt biển, là chuyện vẫn còn "khó nói" ở trong nước. Và cô cho rằng mình có thể "đợi một tý."
Kim Thúy vượt biên năm 1978, lúc mới 10 tuổi, rồi sang định cư tại Canada. Cô tốt nghiệp ngành Luật, đến năm 1998 thì về Việt Nam làm việc 4 năm. Đối với cô, 4 năm này là cơ hội để cô học lại văn hóa Việt Nam, là văn hóa mà cô tưởng mình “đã hiểu”.
“Thật ra thì tôi thấy tôi nhầm cơ. Tưởng là hiểu Việt Nam, mà thật ra trở lại Việt Nam sau 20 năm thì Việt Nam trở thành một xứ khác rồi. Mà ở đâu cũng vậy, luôn luôn có sự thay đổi. Tôi sanh ở Sài Gòn mà khi trở về làm việc là làm ở Hà Nội, lại là một xứ mới (cười lớn). Và như vậy phải học trở lại, và nhờ học trở lại tôi tìm ra cái đẹp đặc sắc của Việt Nam mình. Nếu không trở lại Việt Nam trong 4 năm đó, tôi không nghĩ có thể viết được; sẽ không thể biết làm sao để trân quý vẻ đẹp riêng của Việt Nam. Thành ra nhờ 4 năm ấy, trở về một nơi mình nghĩ mình biết, mà mình không biết, đó là một sự học hỏi phải làm lại từ đầu.”
Kim Thúy luôn khẳng định, rằng cô không chọn văn chương, mà văn chương chọn cô, từ một sự tình cờ nằm ở những đèn xanh, đèn đỏ ở các ngã tư đường tại Montreal.
“Tôi ngủ gục quá nhiều ở các đèn đỏ. Ngủ gục ở đèn đỏ thì rất nguy hiểm, nên lúc đầu tôi ăn hạt dưa. Nhưng ăn hạt dưa riết rồi hư răng. Thành ra đổi lại viết lúc dừng đèn đỏ. Thành ra cuốn sách này (Ru) là do những cái đèn đỏ. Mà tôi thích quá nên hay tìm những cái đèn đỏ lâu nhất, dài nhất ở Montreal để đi. Nhiều khi đi thành một vòng để tìm đèn đỏ dài thiệt dài để mình có thể viết tí xíu.”
“Lúc đầu cũng định thử [viết] một tháng thôi, và vì mình xuất thân là di dân, tị nạn. Rồi một tháng thành hai tháng, rồi năm tháng, rồi một năm, rồi thành một cuốn sách. Và cũng không nghĩ cuốn sách được nhiều người đọc như thế. Bây giờ nếu có ai mời nói về vấn đề di dân thì em cám ơn, vì có cơ hội nói cho những người đó; vì ít khi mình đưa microphone cho một người di dân, một người tị nạn nói. Thành ra, nếu tôi có cơ hội được đứng lên nói cho những người không có cơ hội, những người vượt biển mất tích hoặc chết ở biển, thì tôi nghĩ tôi có trách nhiệm nói giúp cho họ. Và hễ có cơ hội thì cứ nói, nhất là bây giờ có nhiều vấn đề về di dân.”
The CBC, hãng tin Canada, 47 nhà văn được chọn có nhiều lối viết và thể loại khác nhau, từ nhà văn hư cấu nổi tiếng Haruki Murakami, Cormac McCarthy, Don DeLillo, Zadie Smith và Elena Ferrante, đến các nhà văn viết cho thiếu nhi, như J.K. Rowling và Meg Rosoff, hay nhạc sĩ Patti Smith và nhà văn châm biếm giả tưởng nổi tiếng Neil Gaiman.
Trong khi ấy, Kim Thúy, nhà văn Canada gốc Việt, thì cho rằng mình được chọn chỉ vì nói đúng chuyện vào “đúng lúc, đúng thời.”
“Cuốn sách Ru là do một người bạn của Kim Thúy cầm mang đến một nhà xuất bản chứ bản thân tôi không có liếm tem, bỏ vào bao thơ để gởi. Thế rồi cuốn sách được chấp nhận rất nhanh. Thành ra cuốn sách này là ai chọn tôi chứ cá nhân chỉ là người gởi thông điệp.”
Và vai trò “gởi thông điệp,” theo Kim Thúy, chỉ có tính giai đoạn: “Rồi năm năm sau, vai trò đó lại trao cho người khác rồi tôi đi làm chuyện khác (cười lớn). Người Việt Nam mình hay nói “đúng lúc, đúng thời”, thì tôi chỉ nói cuốn Ru là đúng lúc, đúng thời.”
Lịch sử dân tộc là một cuốn sách dày, và Kim Thúy chỉ e rằng, một trang trong cuốn sách lịch sử ấy sẽ mất đi, hay bị bỏ trống, chỉ vì những chứng nhân của giai đoạn ấy không kịp viết lại những điều đã xảy ra. Viết, và viết đúng sự thật đã xảy ra, là thông điệp mà cô muốn gởi đến độc giả gốc Việt của mình: “Quan trọng là tất cả chúng ta đều viết, không chỉ văn sĩ mới viết. Những gì chúng ta viết là để lại cho thế hệ mới, giống như dây curoa, luôn tiếp tục vận hành. Mình là con cháu của ông bà mình, chứ không chỉ là mình, thành ra, tôi mong lúc nào cũng viết để để lại. Bởi vì “trang” ấy, không có sách lịch sử nào viết lại cả.”
Và mọi câu chuyện của từng người Việt Nam đã sống qua một giai đoạn nào đó, được cho vào một chiếc hộp, để các thế hệ sau có thể trở vô để đọc, từng câu chuyện một.
.
VOA Tiếng Việt, 19.09.2018
_______________
*** Xem giới thiệu tác phẩm 'RU'