Hoàng Quân


Hồn Việt giữa trời Âu

Đầu năm nay, do thất nghiệp, tôi được nhàn rỗi một thời gian. Bởi thế, tôi cho phép mình sống “phóng túng” vài tháng. Tức là rất hào phóng về thời gian, nhưng có thể túng bấn về tài chánh.

Trước đây, áp lực ba bên, bốn bề, tôi quá tất bật. Người lật đật hơn cả con lật đật. Giờ, được tự do thoải mái, tha hồ thức khuya, dậy trễ. Cho nên, với tôi, mất việc lần này, xem ra, thật được việc.

Từ thư viện thành phố, tôi ẵm một chồng sách về gối đầu giường. Đọc sách giấy mỏi tay, tôi vào internet, tìm các trang mạng quen thuộc, đọc tất cả các mục. Tôi đang trong thời kỳ “si mê” Tìm Một Ánh Sao của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Ngày nào, cũng vài lần, tôi “tìm một ánh sao” qua giọng hát ca sĩ Mai Hương với hòa âm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Vừa nghe nhạc, vừa lang thang trong xóm làng chữ nghĩa trên mạng, tôi bắt gặp thông tin trong trang T.Vấn & Bạn Hữu về buổi ra mắt phim Lê Văn Khoa - Một Đời Cho Nghệ Thuật của Viet Nam Film Club*. Tưởng tượng như mình đang nghĩ đến “người trong mộng”. Bỗng nhiên, có ai nhắc, hứa, sẽ kể chuyện về “người ấy”.  Buồn ngủ mà được chiếu hoa, thích thật. Tôi mừng rỡ reo vui, thật là một sắp xếp đáng yêu của cuộc sống. Bằng mọi cách, tôi sẽ đến dự buổi ra mắt phim.

Viet Nam Film Club là “dân” Mỹ. Thế mà ra mắt phim đầu tiên ở Âu Châu. Như vậy, mình được ưu tiên hơn cả dân Mỹ. Tôi vội chuyển tiếp thông tin cho người thân, bạn bè và rủ rê gia đình đi Pháp. Buổi ra mắt phim sẽ vào Chủ nhật. Tôi nhẩm tính, mình vẫn trong tình trạng “bảy nghề” vào những tháng tới, sẵn dịp, du xuân ở kinh đô ánh sáng Paris vài bữa. Nhưng mình tính không bằng trời tính. Thật bất ngờ, chỉ trong vòng hai tuần lễ, tôi được hãng mời đến phỏng vấn và nhận việc làm, vài ngày trước khi tôi đi Pháp. Mới vào hãng 4 ngày, tôi không thể nghỉ phép. Nhưng tôi nhất quyết không bỏ lỡ chuyến đi dự ra mắt phim. Tôi phải thay đổi chương trình. Phải đi, về trong ngày. Buổi ra mắt phim vào trưa Chủ nhật. Tờ mờ sáng, vợ chồng chúng tôi, cùng với người chị và người bạn, rời Đức, chạy nước rút để đến nơi vào 12 giờ trưa. Chương trình kết thúc khoảng 7 giờ tối. Chúng tôi phóng một mạch về lại Đức, kịp sáng hôm sau, thứ Hai tôi đi làm.

Chủ nhật, ngày 08.04.2018, ngoài trời nắng xuân trong lành, trong lòng những người đến dự buổi ra mắt phim cũng rộn rã niềm vui.

Địa điểm tổ chức là hội trường C. Royal, thanh lịch, ấm cúng ở Vitry-sur-Seine, gần sát Paris. Trên sân khấu, có trưng chân dung nhạc sĩ Lê Văn Khoa qua nét cọ của ông Bút Tre Kỳ Văn Cục.

Nơi đây, chúng tôi cùng đứng chào cờ Việt Nam Cộng Hòa, cùng hát quốc ca Việt Nam.

Nơi đây, chúng tôi rưng rưng cảm động, nghe ca sĩ Ngọc Hà, người vợ, người bạn đời của nhạc sĩ Lê Văn Khoa hát hai nhạc phẩm Mơ Về Quê TôiNhớ Em.

Tác giả và Nhạc Sĩ lê Văn Khoa (Ảnh: TBA&HTT)

Nơi đây, chúng tôi được nghe nhạc sĩ Lê Văn Khoa tâm tình. Nhạc sĩ mong muốn đem nhạc dân tộc ra khỏi biên giới Việt Nam, giới thiệu âm nhạc Việt Nam với thế giới. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa mong ước người Việt vẫn còn yêu thương âm nhạc Việt. Âm nhạc cũng như xã hội, mỗi người có nhiệm vụ riêng, khác nhau. Mỗi người đều là phần tử quan trọng của xã hội. Quan trọng là thi hành nhiệm vụ đúng lúc, đúng chỗ. Nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một giờ. Đơn cử trường hợp người chơi phèng la trong ban nhạc. Người ấy phải tập dượt cùng ban nhạc rất nhiều giờ. Mà trong buổi trình diễn, có thể người ấy chỉ một hai lần gõ phèng la. Nhưng tiếng phèng la vẫn cần thiết để buổi hòa nhạc được trọn vẹn.

Nơi đây, lần đầu tiên tôi gặp ông Chu Lynh, người đã miệt mài làm những cuốn phim tài liệu Việt Nam (Hồn Việt – Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam, Hồn Tử Sĩ...) có giá trị. Ông Chu Lynh thuộc mẫu người nói ít, làm nhiều. Ông có đôi lời gọn. Đại khái ông kể, ông đã nghe đâu đó “phương châm”, nếu không nói được nhiều trước đám đông, thì hãy làm việc thật tốt với máy móc phía sau hậu trường.

Ngoài ra, chúng tôi được hội ngộ những tên tuổi khả ái của Pháp. Nhạc sĩ Trần Quang Hải phát biểu ngắn. Ông bảo, nếu người ta gọi ông là nhạc sĩ, ông phải gọi ông Lê Văn Khoa là nhạc sư. Bởi theo ông Trần Quang Hải, ông chỉ là người viết bài nhạc. Còn nhạc sư Lê Văn Khoa soạn nhạc, hòa âm, phối khí...

Ca sĩ Bạch Yến, dẫu không đàn trống, vẫn vút cao giọng Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống... Khán giả cùng phụ họa Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời…

Khán giả cũng được cùng cô Phương Oanh a li hò lờ trong bài hò tặng nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Bên cạnh những người Việt, còn có sự tham gia của ban hợp ca những người-không-phải-Việt, nhóm Favic, do ông Đoàn Thiều thành lập. Nhóm hát những bài dân ca ba miền Việt Nam thật dễ thương.

Cô Thu Sương, trưởng ban tổ chức và người giới thiệu chương trình, mời mọi người cùng vươn giọng với Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.

Trước đây, tôi có đọc các bài viết về nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Những gì tôi biết về nhạc sĩ Lê Văn Khoa quá ít ỏi, hời hợt, so với những cống hiến cho đời của người nhạc sĩ. Tôi rất ngưỡng mộ nhạc sĩ. Nhưng vẫn là thái độ kính nhi viễn chi. Đứng xa xa nhìn nhạc sĩ, xuýt xoa, nhạc sĩ Lê Văn Khoa cao quá, lớn quá, tài hoa quá. Hôm nay, tôi mới được live “kiến kỳ hình” nhạc sĩ. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa trịnh trọng trong bộ đồ vét màu sẫm, đặc biệt với chiếc cà-vạt cờ vàng ba sọc đỏ. Lúc chuyện trò, ông lại là ông ngoại, ông nội, người bác, người chú, người cậu thân tình. Nghe ông nói chuyện, tôi càng cảm phục ông hơn. Nơi ông nổi bật đức tính khiêm cung và tấm lòng nhân ái. Dẫu tài năng cao, thành công lớn, nhạc sĩ Lê Văn Khoa vẫn rất gần gũi, thân thiện với mọi người. Ông vui vẻ trả lời những câu hỏi của những người mù mờ về âm nhạc.

Tại 94400 Vitry-sur-Seine, Paris, Pháp, ngày 08.04.2018

Đoạn đường chúng tôi đi về từ Đức sang Pháp hơn ngàn cây số có là bao, so với biết bao thì giờ, công sức ông Chu Lynh và những thành viên trong Việt Nam Film Club đã dành cho cuốn phim.

Cuốn phim Lê Văn Khoa, Một Đời Cho Nghệ Thuật đã giúp cho khán giả thấy con tim và khối óc của nhạc sĩ thật phi thường. Và cuốn phim để lại trong tâm trí khán giả nhiều ấn tượng vô cùng đẹp đẽ về một người tài đức vẹn toàn. 

Xem ra mắt phim về, nhiều ấn tượng còn nóng ấm, tôi dự định, sẽ viết bài tường thuật, để chia sẻ với gia đình, bạn bè... với những ai không có dịp đến dự buổi giới thiệu.

Chưa viết, tôi vào internet tìm hiểu về sinh hoạt của Vietnam Film Club. Tôi tìm thấy các bài của cô Trịnh Bình An và ông Chu Lynh. Đọc xong, tôi đã lặng người một hồi. Tôi tự hỏi và trách mình, sao vô tình quá. Tôi đâm ra ngần ngại. Những điều mình định viết, e sẽ nhỏ bé, cạn cợt quá, so với những gì mình được nghe, được thấy. Bởi thế, tôi dùng dằng, cầm bút lên, lại cất bút xuống. Đúng hơn, tôi ngồi trước bàn phím, viết vài chữ, lại xóa. Tôi không “dám” viết.

Tự nhiên, tôi ngộ ra, mình mắc nợ nhiều quá. Có những người, như nhạc sĩ Lê Văn Khoa, làm nhạc cho mình thưởng thức. Có những người, như ông Chu Lynh, bỏ bao nhiêu công sức thu thập thông tin để thực hiện phim tài liệu.

Ngẫm đi, nghĩ lại, tôi sẽ không viết để kể về cuộc đời nhạc sĩ Lê Văn Khoa, về nhóm Vietnam Film Club. Tôi muốn chỉ viết rằng, tôi là con nợ may mắn. Tôi xin nói lời cám ơn chân tình đến những chủ nợ rộng rãi, ban cho tôi món nợ tinh thần lớn lao, quý giá.

Trí vẫn còn vấn vương không khí Việt của buổi ra mắt phim ở Pháp. Cuối tuần trước, tôi lại có dịp sống giữa Hồn Việt. Hôm thứ Bẩy 12.05.2018, mấy trăm người Việt từ khắp nơi trên nước Đức cùng nhau tụ tập về thành phố Troisdorf gần Bonn, cựu thủ đô Cộng Hòa Liên Bang Đức. Chúng tôi đến tham dự lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm Tiến Sĩ Rupert Neudeck, để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của người Việt tỵ nạn đối với ông. Vị đại ân nhân đã cứu sống gần 12.000 thuyền nhân Việt và cùng nước Đức tạo cơ hội cho họ được sống trong một xứ sở tự do, nhân bản. Trong khuôn viên của lâu đài Wissem, một địa danh tiêu biểu của thành phố Troisdorf, chúng tôi giương cao biểu ngữ Danke Deutschland, “Cám ơn nước Đức”. Những chùm bong bóng bay với với dòng chữ Danke Dr. Neudeck, “Cám ơn tiến sĩ Neudeck”. Trong nắng xuân chan hòa, cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa bay phất phới bên cạnh cờ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Mọi người cùng hát hai bài quốc ca Việt Nam và quốc ca Đức.

Phút giây khi mọi người vang vang... Xứng danh nghìn năm dòng giống Lạc Hồng, hẳn trong tim mỗi người đang ấm lên tình quê hương.

Mặc dầu đứng ngoài trời nhiều giờ đồng hồ, người đến tham dự, thuyền nhân và thế hệ con cháu thuyền nhân, đều nghiêm chỉnh lắng nghe những lời phát biểu của các đại diện chính quyền liên bang, địa phương và các hội đoàn. ÔngWolfgang Schäuble, đương kim Chủ tịch Quốc hội Đức cũng có mặt tại buổi lễ trọng đại này. Ngày hôm sau, tờ nhật báo Đức Westdeutsche Allgemeine Zeitung (WAZ)** ra ngày Chủ nhật 13.05.2018 có bài của ký giả Hubert Wolf tường thuật về buổi lễ. Đặc biệt trong bài tường thuật của báo có kèm tấm hình với lời chú thích: “600 người Việt từ khắp nơi trên nước Đức đã cùng nhau tụ tập về thành phố Troisdorf tham dự lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm. Chiếc dù với nền vàng và sọc đỏ dựa theo mẫu quốc kỳ của nước Việt Nam ngày trước, chứ không phải là lá cờ của chế độ cộng sản hiện nay.”***

Troisdorf, Đức, 12.05.2018 (Ảnh:  Ralf Rottmann, trong nhật báo WAZ)

Thông thường, phóng viên chụp nhiều hình ảnh và chọn lựa tấm hình ưng ý, thích hợp nhất để đăng kèm bài báo. Tôi thầm cám ơn người phóng viên, đã cảm nhận “Hồn Việt” qua lá cờ vàng. Bởi thế, ông đã chọn tấm hình này để kèm theo bài phóng sự. Nhất là phóng viên đã nêu lên sự khác biệt của hai màu cờ.

Nơi đây, giữa trời Âu, Việt Nam xa lăng lắc vạn dặm. Nhưng cảm giác gần gũi quê hương vẫn ấm trong tim tôi. Bởi, Hồn Việt vẫn quanh tôi, Hồn Việt vẫn với tôi.

.

Hoàng Quân
Tháng Năm 2018

_________

*Phim Tài Liệu năm 2018 về Nhạc sĩ, Nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa

**Bài tường thuật của ký giả Hubert Wolf đăng trong nhật báo Đức Westdeutsche Allgemeine Zeitung (WAZ) ra ngày chủ nhật 13.05.2018

***

Ông Dương Hồng Ân dịch bài tường thuật của ký giả Hubert Wolf

“Nhật báo Đức Westdeutsche Allgemeine Zeitung (WAZ) ra ngày chủ nhật 13.05.2018 lúc 17:20 đã có bài của ký giả Hubert Wolf tường thuật ngày khánh thành tượng đài tưởng niệm tiến sĩ Rupert Neudeck tại Troisdorf với tựa đề “Für Rupert Neudeck: Ein Denkmal aus tiefer Dankbarkeit” (Dành cho Rupert Neudeck: Đài tưởng niệm với lòng biết ơn sâu sắc)

Lời chú thích tiếng Đức:
“600 Menschen aus ganz Deutschland kommen zur Enthüllung nach Troisdorf.
Das Muster des gelb-roten Schirms lehnt sich an an die alte vietnamesische Fahne, nicht die kommunistisch-gegenwärtige.”

Ngày thứ bẩy 12.05.2018 vừa rồi 600 người Việt từ khắp nơi trên nước Đức đã cùng nhau tụ tập về thành phố Troisdorf gần Bonn, cựu thủ đô CHLB Đức tham dự lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm TS Neudeck để tỏ lòng biết ơn sâu sắc của người Việt tỵ nạn đối với vị đại ân nhân đã cứu sống gần 12.000 thuyền nhân và tạo cơ hội cho họ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên một xứ sở tự do, nhân bản. Thuyền nhân người Việt đã đóng góp 61.000 Euro, gấp hai số tiền phí tổn xây cất cần thiết. Số còn lại, 30.000 Euro được trao cho bà Christel Neudeck để dùng cho một dự án có mục đích nhân đạo. Thuyền nhân Việt Nam hát hai bài quốc ca Việt- Đức, mang cờ VN Cộng Hòa, mang biễu ngữ “Cảm ơn nước Đức” và thả bóng bay với dòng chữ “Cảm ơn Dr.Neudeck”.

Ông Wolfgang Schäuble (đảng CDU), đương kim Chủ tịch Quốc hội Đức cũng có mặt tại buổi lễ trọng đại này. Ông Schäuble nhắc lại việc thâu nhận người tỵ nạn Việt Nam vào năm 1980 gặp biết bao khó khăn tranh luận lúc ban đầu như vấn đề nhà tạm cư, nhận bao nhiêu người tỵ nạn. Ông nói thêm, nếu ông Neudeck còn sống, với nghĩa cử nhân đạo của ông, ông sẽ làm cho chúng ta xấu hổ vì hiện nay chúng ta lại đang tranh cãi vấn đề nhận người tỵ nạn.

Ký giả báo WAZ cũng nói chuyện với ông Lê Văn Hồng, 58 tuổi, năm 1980 đã vượt biên bằng thuyền và được tầu Cap Anamur vớt. Ông Hồng đã về thăm Việt Nam với thông hành Đức. Ông cho biết: “Việt Nam ngày nay có bộ mặt thân thiện hơn, nhưng vẫn như cũ, bạn hãy nhìn vào cuộc bắt cóc tại Berlin”, Ông Hồng nói tiếp: “Công an có mặt ở khắp mọi nơi, cũng ở đây nữa, ông nhìn xung quanh nhưng tất nhiên sẽ không thấy ai vì đơn giản là công an, mật vụ là những kẻ “vô hình” không ai nhận ra được.


Cái Đình - 2018