Ngô Thị Quý Linh


Giới thiệu quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông và hai soạn giả: BS. Lê Văn Thu và DS. Nguyễn Hiền

   

Dưới đây là bài ghi lại buổi nói chuyện trên đài phát thanh Saigon Houston ngày 26-10-2023, do bà Ngô Thị Quý Linh điều hợp

Quý Linh (QL): Thưa quý thính giả, đây là chương trình Văn Hóa Việt do Quý Linh thực hiện trên đài Saigon Houston mỗi tháng một lần vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ tư.

Thưa quý thính giả, ngôn ngữ là một nét văn hóa đặc biệt trong di sản phi vật chất của mỗi dân tộc. Không phải chỉ có núi non ruộng đồng trên dải đất hình chữ S mới là gia tài của tổ tiên để lại, mà tiếng Việt cũng là một phần trong di sản ấy, “của khí thiêng non sông Hồng-Lạc đã chung đúc ra cho ta”  như nhà thơ Đông-Hồ đã viết. (“Gia-đình giáo-dục ký”, Tạp chí Nam-Phong tháng 3 năm 1927)

Đối với người Việt tha hương, sử dụng tiếng Việt thường xuyên, giữ gìn tiếng nói của dòng giống Việt, truyền dạy lại cho con cháu là những phương cách bảo tồn văn hóa.

Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được mời hai vị soạn giả quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông là Bác sĩ Lê Văn Thu và Dược sĩ Nguyễn Hiền đến với chương trình Văn Hóa Việt để chia sẻ cùng quý vị đồng hương về sự thực hiện và hoàn thành quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông.

Xin mời BS. Lê Văn Thu (LVT) và DS. Nguyễn Hiền (NH) lên tiếng chào quý thính giả của đài Saigon Houston.

LVT: Kính chào Nhà biên khảo Ngô Thị Quý Linh và quý thính giả của Đài Phát thanh Saigon Houston. Xin chào DS. Nguyễn Hiền.

NH: Cũng xin kính chào chị Ngô Thị Quý Linh và quý vị thính giả của Đài Phát thanh Saigon Houston. Chào BS. Lê Văn Thu.

QL: Xin kính chào BS. Lê Văn Thu và DS. Nguyễn Hiền. Thưa BS. Lê Văn Thu và DS. Nguyễn Hiền, đây là lần đầu tiên chúng tôi hân hạnh được quý vị nhận lời hội thoại trong chương trình Văn Hóa Việt. Trước khi bắt đầu đề tài hôm nay, xin mời nhị vị dành cho quý thính giả một vài phút để nói về tiểu sử của quý vị. Xin kính mời BS. Lê Văn Thu lên tiếng.

LVT: Tôi xin được tự giới thiệu, tôi tên Lê Văn Thu, tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài gòn năm 1973, và cũng là một quân y sĩ hiện dịch, đã phục vụ tại Bệnh xá Sư đoàn 3 BB, Quân Lực VNCH, ở Quảng Nam, từ cuối năm 1973 tới cuối tháng 3 năm 1975. Là tù binh tại các trại cải tạo ở miền Trung VN từ đầu tháng Tư 1975 (trước khi Sài Gòn thất thủ) đến giữa năm 1976. Sau khi được trả tự do, về làm việc cho Phòng Y tế Quận 11, Thành phố HCM, từ 1976 tới 1979. Vượt biên bằng thuyền tới trại tị nạn Pulau Bidong, thuộc Mã Lai, giữa tháng 5 năm 1979. Định cư tại thành phố Seattle, Tiểu bang Washington, từ tháng 8 năm 1980 với diện cựu quân nhân. Học và lấy lại bằng bác sĩ y khoa của Mỹ sau 4 năm, và mở phòng mạch hành nghề tư tại thành phố Tacoma, Tb Washington, chăm sóc bệnh nhân đủ mọi sắc tộc, cả bản địa lẫn di dân, từ giữa năm 1984 tới gần cuối năm 2013 thì về hưu.

QL: Xin cảm ơn BS. Thu. Chúng tôi xin kính mời DS. Nguyễn Hiền.

NH: Còn tôi tên Nguyễn Hiền. Tôi biết bác sĩ Lê Văn Thu từ khi chúng tôi còn là Sinh viên Quân Y, cùng khóa với nhau, tức là cùng ra trường năm 1973, nhưng tôi là Dược sĩ. Sau khi ra trường, tôi phục vụ trong sư đoàn 9 Bộ Binh, đóng ở Vĩnh Long. Sau khi miền Nam mất vào tay Cộng sản, tôi cũng như các sĩ quan khác bị đi cải tạo. Cuối năm 1977 tôi được thả, khi ấy như quý vị cũng biết, miền Nam rất thiếu chuyên viên, tôi xin được một chỗ trong một hiệu thuốc quốc doanh ở Sài Gòn. Tới năm 1980 tôi tìm được một tổ chức vượt biên và may mắn chiếc ghe được tàu Hòa Lan vớt, nên tôi nhanh chóng được định cư ở quốc gia này. Khi đó Hòa Lan đánh giá bằng dược sĩ của Việt Nam Cộng Hòa chỉ tương đương với 2 năm đầu đại học Dược khoa ở đây, vì vậy tôi phải trước hết học tiếng Hòa Lan, sau đó theo tiếp học trình chính thức của họ, tức là học thêm 3 năm nữa để lấy được bằng doctorandus Dược năm 1985, bằng này cao hơn Master. Phải có bằng này rồi, mới được học thêm 2 năm nữa để lấy bằng Dược sĩ. Vì tôi đi chuyên ngành Kỹ thuật Dược nên sau đó làm trong các công ty sản xuất dược phẩm cho tới tuổi về hưu, năm 2016.

QL: Thưa quý anh, quý anh một nguời là y sĩ, một người là dược sĩ. Cả hai đều là  những nhà chuyên môn trong ngành Y và Dược. Xin nhị vị soạn giả cho biết lý do nào nhị vị nghĩ đến việc soạn từ điển là một công trình có tính cách văn học? Xin mời BS. Thu lên tiếng trình bày với quý thính giả.

LVT: Chúng tôi nghĩ tới việc soạn một cuốn từ điển Việt ngữ phổ thông từ đầu thập niên 2010, khi mà chúng tôi có được các cuốn từ điển của các soạn giả của miền Nam như ông Đào Duy Anh, Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, cũng như các cuốn từ điển của các soạn giả ở trong nước xuất bản sau này, như của nhóm Hoàng Phê, ông Nguyễn Lân, và một vài vị khác. Khi đọc, chúng tôi thấy các cuốn ấy đều có rất nhiều ưu điểm, nhưng cũng không thiếu những khuyết điểm. Có một số từ bị định nghĩa chưa chính xác, có khi sai lạc, hoặc là do ở các thập niên trước 1970, việc tiếp cận với các nguồn thông tin chưa dễ dàng, hoặc là do tâm lý soạn giả bị ảnh hưởng quá sâu đậm bởi khuynh hướng chính trị đảng phái, nên một số từ bị định nghĩa với nghĩa khác với nghĩa gốc của nó.  Vì thế, chúng tôi nghĩ tới việc soạn một cuốn từ điển mới hơn, đầy đủ hơn, với các định nghĩa chính xác và trung thực hơn, để giúp mọi người, từ giới học thuật tới sinh viên và học sinh, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, có nguồn ngôn ngữ khả tín để tra cứu mỗi khi cần.

Thế rồi, tới năm 2015, vào dịp kỷ niệm 40 năm tị nạn, để soạn bài vở cho cuộc triển lãm ở Giáo xứ Công giáo Việt Nam vùng Seattle, chúng tôi có cơ hội tra cứu các tài liệu trên các mạng xã hội, và thấy rằng con số di dân người Việt trên khắp thế giới đã lên tới hơn 5 triệu người, trong đó hơn 2 triệu người ở Mỹ, gần 500 ngàn người ở Úc, 350 ngàn người ở Pháp, hơn 250 ngàn người ở Canada, hơn 200 ngàn người ở Đức, và hơn 100 ngàn người ở Anh, không kể hàng chục ngàn người ở nhiều nước khác. Trong số hơn 2 triệu người ở Mỹ, có đến hơn một nửa thuộc thành phần trẻ, trong đó 37% được sinh ra tại Việt Nam. Nhìn các con số này, chúng tôi thấy việc hoàn thành cuốn từ điển càng trở nên cấp bách, và thôi thúc chúng tôi phải cố gắng hơn nữa, vì không muốn thành phần trẻ ấy quên mất tiếng Việt, hoặc hiểu sai lạc ý nghĩa của tiếng Việt, nhất là đa số các em được sinh ra và lớn lên sau năm 1975, nếp nghĩ phần nào đã bị tha hoá và biến chất bởi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

QL: Chúng tôi xin cảm ơn BS. Thu và xin mời DS. Hiền.

NH: Thưa chị cùng quý vị thính giả, việc làm cách nào để lưu giữ những từ ngữ có nguy cơ bị mai một do các nguyên nhân khách quan và chủ quan là điều mà tôi đã suy nghĩ từ mấy chục năm nay, khi chính tôi cũng nhiều lúc gặp bối rối khi viết, vì tôi thường xuyên viết truyện và bài đăng báo. Sau khi Việt Nam bị chia đôi bởi hiệp định Genève, tiếng Việt ở hai miền đã phát triển theo hai hướng khác nhau. Hiện tượng bên này tránh dùng từ ngữ của bên kia đưa đến hệ quả tất nhiên là sau khi đất nước thống nhất sẽ phải có một cuộc lọc lựa từ ngữ, mà sự lọc lựa này đương nhiên chịu rất nhiều áp lực của bên thắng.

Như vậy có nghĩa là rất nhiều từ ngữ trước kia ‘phổ thông’ ở miền Nam, thì nay có nguy cơ rất lớn là chúng sẽ bị mai một đi. Người ta dần dà sẽ nói triển khai thay vì khai triển, đảm bảo thay vì bảo đảm, cửa hàng thay vì tiệm, xe hơi không còn nữa, chỉ còn ô-tô v.v.. Rất hiếm có trường hợp một từ miền Nam trở thành từ phổ thông, nhưng đó là vì lý do khác. Như ‘siêu thị’, vì miền Bắc trước kia không có, ‘trực thăng’ vì Việt Nam hiện thời cũng đã có, do đó họ không muốn dùng từ ‘tàu bay lên thẳng’ mang tính miệt thị ‘nôm na là cha mách qué’, kiểu những từ thí dụ như ‘Nhà Trắng’ (thay vì Tòa Bạch Ốc biểu tả sự kính trọng) hoặc ‘giặc cái’.

Nhiều từ ngữ được gán thêm một hoặc nhiều nghĩa mới. ‘Xử lý’ chẳng hạn. Hay ‘nhất định’ trong câu: ‘có một số kinh nghiệm nhất định’, v.v.. Hoặc do nhu cầu chính trị, nghĩa của một số từ đã bị chính trị hóa theo hướng do nhà nước chỉ đạo để có thể qua đó tuyên truyền nhận thức của họ.

Tiếng Việt (ở đây tôi muốn nói chữ quốc ngữ) là một ngôn ngữ rất trẻ. Nó sẽ thay đổi liên tục và rất nhanh. Nhưng thay đổi theo lối tôi thấy hiện nay thì rất đau lòng. Ở hải ngoại, nhiều bậc cha mẹ sẽ gặp lúng túng khi phải giải thích cho con cháu. Tìm trong từ điển thì không thấy, hoặc có trong từ điển mà thấy nghĩa không phải như mình nghĩ thì cũng không biết phải làm sao.

Tuy mang ưu tư như vậy nhưng lúc đó tôi không biết giải quyết cách nào. Cũng có lúc tôi nghĩ đến việc kêu gọi làm một cuốn từ điển, nhưng trong hoàn cảnh sinh sống của tôi nơi đất nước Hòa Lan nhỏ bé, chuyện đó coi như vô hy vọng. Bởi thế, khi nhận được lời kêu gọi của nhóm biên soạn từ điển, qua anh bác sĩ Lê Văn Thu, mà chúng tôi vốn đã biết nhau từ những năm còn là sinh viên quân y, tôi đã sốt sắng nhận lời, vì thấy đây cũng là một dịp rất tốt để tôi có thể trau giồi thêm tiếng Việt.

QL: Thưa quý thính giả, quyển Từ điển Việt Ngữ Phổ thông rất dày, có đến gần 1300 trang và trên 62 ngàn từ. Đây là một công trình đòi hỏi nhiều thời gian, kiên nhẫn và tìm tòi sâu rộng, rất đáng khâm phục, nhất là chỉ có hai soạn giả. Xin quý anh cho biết tiến trình và phân công trong việc soạn thảo quyển từ điển này. Xin mời BS. Thu.

LVT: Thoạt khởi đầu vào năm 2011, chỉ có mình tôi soạn. Tới đầu năm 2018 thì xảy ra việc một số quân y sĩ đàn anh trong Diễn đàn Cựu SVQY, trong đó có anh Bác sĩ Nguyễn Đương Tịnh, bút hiệu Trúc Cư, định cư tại Pháp, vừa là nhà văn, vừa là nhà biên khảo thơ Đường, có ý định làm một cuốn từ điển Việt-Pháp-Anh, nhằm duy trì và phổ biến tiếng Việt trong sáng cho các thế hệ con cháu, đặc biệt là cho các cháu đang định cư hay du học ở nước ngoài. Thấy anh ấy gặp khó khăn trong việc chọn từ Việt để biên dịch, tôi bèn ngỏ ý giao phần Việt ngữ mà tôi đã và đang soạn để các anh ấy dùng làm nguồn từ, coi như tôi phụ trách phần Việt ngữ, các anh khác phụ trách phần Pháp và Anh ngữ. Anh Tịnh rất mừng và chấp nhận ngay sau khi xem qua bản thảo của tôi. Công việc được các anh khác hỗ trợ và góp sức: anh BS Trần Văn Tích, một nhà biên khảo rất uyên bác về Hán ngữ, định cư ở Đức, anh Nguyễn Đức Liên, Vũ Chấn, Nguyễn Văn Tạ và Trương Minh Cường, rất giỏi về Anh ngữ, định cư tại Mỹ. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được GS Trần Huy Bích, một giáo sư tiến sĩ của UCLA, rất uyên thâm về Hán học, BS  kiêm nhà văn, nhà thơ Nguyễn Văn Bảo, bút hiệu Con Cò, và BS Nguyễn Hy Vọng, một nhà ngữ học đã có một số sách biên khảo được ấn hành – trong đó phải kể tới cuốn Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, giúp ý kiến trong việc tra cứu nghĩa của các từ. Ngoài ra, chúng tôi còn được các vị đàn anh khác, như anh BS Hà Ngọc Thuần, BS Nguyễn Ngọc Khôi trên Diễn đàn Cựu SVQY, các bạn cùng lớp như BS Hầu Mặc Hưng và BS Nguyễn Mạnh Tiến, thỉnh thoảng góp ý hoặc bổ sung từ ngữ. Chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ và đóng góp ý kiến của các anh ấy.

Trở lại việc biên soạn cuốn từ điển Việt Ngữ, cũng trong thời gian bắt đầu việc biên soạn cuốn từ điển tam ngữ nói trên, tôi được biết anh DS Nguyễn Hiền, định cư ở Hoà Lan, qua việc anh ấy và tôi cùng tham gia vào công tác hiệu đính cho tờ báo mạng của Diễn đàn Cựu SVQY, tôi bèn mời anh ấy giúp tôi phần hiệu đính cho bản thảo cuốn từ điển. Điều tình cờ thú vị là anh ấy và tôi cùng xuất thân khoá 20 QYHD năm 1973, anh ấy bên Quân Dược, còn tôi bên Quân Y.

Đến tháng 9 năm 2018, thấy việc soạn thảo còn lâu mới có thể xong nếu tôi làm một mình, tôi liền đề nghị anh Hiền soạn cho một số vần. Qua công tác soạn thảo và hiệu đính, chúng tôi làm việc với nhau rất hài hoà, ăn ý về đủ mọi lãnh vực của ngôn ngữ, nên công việc trôi chảy thuận lợi, và vì thế, cuốn từ điển đã được trình làng đầu tháng Tám vừa qua.

(Từ lúc anh Hiền nhận cộng tác với tôi, anh Hiền và tôi là hai thành viên phụ trách phần Việt ngữ của Nhóm Biên soạn từ điển Việt Pháp Anh. Việc soạn cuốn từ điển này hiện vẫn được tiến hành, tuy có hơi chậm).

Chưa hài lòng với kết quả hiện tại, chúng tôi vẫn đang rà soát lại cuốn từ điển ấn bản 2023 để cố gắng sửa chữa những sai sót, bổ sung các từ, đặc biệt là tăng cường phần định nghĩa, giải thích các từ thuộc về khoa học tự nhiên cách khoa học hơn, để độc giả hiểu đúng đó là con gì, cây gì, mỗi khi muốn tìm hiểu về chúng.

QL: Xin cảm ơn BS. Thu đã chia sẻ. Xin mời DS. Hiền lên tiếng.

NH: Sự phân công trong việc soạn thảo cuốn từ điển thì anh bác sĩ Thu đã vừa trình bày rồi. Tôi nhập cuộc khi anh Thu đã biên soạn được khoảng một nửa. Qua những bàn thảo trước khi bắt tay vào việc và xem những vần anh Thu đã làm, tôi thấy anh đã nghiên cứu rất kỹ về phương pháp biên soạn, đã đề ra một số nguyên tắc căn bản. Vì thế, đại thể chúng tôi đã thống nhất với nhau về cách tiến hành công việc theo những nguyên tắc đó. Còn trong tiến trình soạn thảo, nếu thấy có những gì cần bổ khuyết thì chúng tôi sẽ bàn với nhau để đi đến quyết định chung. Thí dụ như khi nào viết i, khi nào viết y, hay dấu giọng (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng) phải đặt ở đâu, v.v.. Đây là những vấn đề không dễ giải quyết nhưng chúng tôi đã tìm ra được một số nguyên tắc mà theo chúng tôi nhờ đó đã vượt qua được hầu hết những trở ngại trong việc lựa chọn. Như anh Thu vừa trình bày, chúng tôi có một nhóm biên soạn, phần lớn là các vị trong y giới, tôi phải nói là rất thán phục kiến thức của những vị này bên ngoài lãnh vực y khoa, các vị đó đã cho chúng tôi rất nhiều ý kiến đóng góp, bổ túc, bổ nghĩa, và nhất là giải thích tường tận những từ cổ hoặc điển tích ít người biết.

Chúng tôi bắt đầu bằng một danh sách chính, gồm những từ ‘chắc chắn được coi là phổ thông’. Công trình lọc lựa thành danh sách này cũng được chị Hương Mai, là vợ của anh Thu, giúp cho rất nhiều. Sau đó thì tùy theo, chúng tôi chia nhau làm từng vần một. Từ danh sách các từ gốc này chúng tôi sẽ bổ túc thêm những từ chúng tôi biết được, qua tham khảo các cuốn từ điển lớn xưa nay, các từ điển chuyên ngành, sách về các bộ môn khoa học chính xác và khoa học xã hội, qua sách vở báo chí, qua mạng internet…

Trong việc biên soạn, chúng tôi tra cứu nghĩa, sắp xếp thứ tự các nghĩa, bắt đầu từ nghĩa chính hoặc nghĩa cụ thể, cho đến những nghĩa phụ và nghĩa bóng. Với những từ địa phương chúng tôi cố gắng cho thí dụ bằng những câu phù hợp với những từ đó. Với những từ vay mượn chúng tôi cố gắng tìm từ gốc. Những tên cây cỏ thú vật thì chúng tôi cho thêm tiếng Latinh để người ta có thể tra cứu thêm.

Khi đã thành bản sơ thảo, chúng tôi chuyển cho nhau để bổ túc, qua ba bốn lượt hiệu đính nội dung lẫn hình thức, chúng tôi chấp nhận bản chính thức. Thời gian hơn 12 năm tưởng là dài, nhưng thực sự nó qua rất nhanh. Tiếng Việt có tổng cộng 29 vần, tính trung bình mỗi năm chúng tôi phải làm 2 vần rưỡi. Có những vần rất lớn, như vần T chúng tôi đã phải mất hơn một năm cho việc biên soạn, vần N cũng phải mất khoảng một năm. 

QL: Thưa quý anh, trong vô số chữ trong kho tàng chữ nghĩa tiếng Việt, chắc khó mà có thể để hết các chữ đã có từ xưa đến nay vào trong một quyển từ điển. Xin quý anh cho thính giả được biết nhị vị soạn giả quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông đã đặt ra những tiêu chuẩn như thế nào trong việc chọn từ ngữ. Chúng tôi xin mời BS Thu trình bày.

LVT: Thực ra, chúng tôi đã băn khoăn rất nhiều khi nghĩ đến vấn đề đặt ra tiêu chuẩn để chọn từ. Mình là người quốc gia, sống ở nước ngoài, hằng ngày đọc sách báo của người quốc gia viết trước và sau 1975, các từ ngữ trong các sách báo ấy đã như nằm sẵn trong tiềm thức, tiêu chuẩn chọn từ không có gì là khó cả.

Bản thân tôi đã từng bị tù trong các trại cải tạo, rồi làm việc ba năm cho chế độ mới sau khi được thả về, tôi đã có cơ hội tiếp thu các từ mới, đúng ra là từ cũ nhưng được người miền Bắc bên kia sông Bến Hải dùng nhiều và mình chưa bao giờ nghe nên tưởng là từ mới, tôi quen dần với văn phong và từ ngữ của các nhà văn, nhà báo xã hội chủ nghĩa, nên đối với tôi, chúng không có gì lạ lẫm cả. Nhưng vài chục năm gần đây, chúng ta lại thấy xuất hiện nhiều từ rất mới, nghe thấy lạ tai, khó hiểu, thường được dùng cách thoải mái trên báo, đài trong nước. Sau một thời gian tìm hiểu thì tôi thấy rất nhiều từ được dịch từ tiếng Anh, đặc biệt là các từ về vi tính. Tôi cũng hiểu những từ ấy không có gì là sai hay lạc ra ngoài khuôn mẫu ngôn ngữ Việt, chẳng qua là người ta dùng không đúng chỗ, đúng lúc, đôi khi lại dùng với tính cách giễu cợt, nên chúng trở thành kỳ quặc. Tôi bàn với Dược sĩ Nguyễn Hiền và đi đến quyết định, với tư cách là những người biên soạn từ điển, phải cho tất cả các từ ấy vào sách của mình, và cho nó những định nghĩa chính xác nhất, đồng thời cho các thí dụ để người ta hiểu đúng nghĩa và biết cách dùng.

Như vậy, trong từ điển của chúng tôi, nó có cả các từ thật xa xưa (gọi là từ cũ hay xưa), có những từ có gốc là Hán, Pháp và Anh ngữ, có những từ được dùng phổ thông tại hai miền Nam hoặc Bắc trước và sau 1975, và có cả những từ mới phát sinh sau này, đặc biệt là các từ được dịch từ Anh ngữ.

QL: Xin cảm ơn BS. Thu. Chúng tôi xin mời DS. Hiền lên tiếng.

NH: Nói về tiêu chuẩn chọn từ ngữ thì đây là một vấn đề khá phức tạp. Tiếng Việt là một sinh ngữ, nó thay đổi theo thời gian, đó là điều đương nhiên. Nhưng tiếng Việt không là một sinh ngữ hiểu theo nghĩa thông thường, do hoàn cảnh đất nước và yếu tố chính trị. Hàng triệu người Việt khi định cư ở nước ngoài đã mang theo một hành trang văn hóa, bao gồm cả ngôn ngữ. Họ muốn bảo tồn những gì đã nuôi dưỡng họ, họ trân trọng và tôn thờ những giá trị văn hóa truyền thống đó và vì thế khó chấp nhận những cái mới, kể cả những từ ngữ mới, vì ngôn từ cũng phản ảnh văn hóa, nếp sống của một cộng đồng dân tộc. Vốn từ vựng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại vì thế chuyển biến chậm hơn trong nước. Cũng phải nói thêm ở đây là ngôn ngữ cũng được dùng để xác định cộng đồng mình đang sinh sống trong đó. Nếu trong chiến tranh, ngôn ngữ là một phương tiện giản dị để phân biệt bạn thù, thì sau chiến tranh ngôn ngữ lại trở thành phương tiện để phân biệt Quốc-Cộng, bên này bên kia.

Khi biên soạn cuốn từ điển, chúng tôi muốn là công trình này mang được tính phổ quát, tức là hữu dụng cho tất cả người Việt, bất kể họ đang cư ngụ ở đâu trên thế giới. Mà thế giới hiện đang tiến rất nhanh ở tất cả mọi mặt. Điều này cũng có nghĩa là liên tiếp xuất hiện những khái niệm mới, từ đó đưa đến những từ mới, nhất là ở các lãnh vực chính trị, kỹ thuật, xã hội… Chuyển một từ mới từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng phải chạy theo với một nhịp độ khủng khiếp, đến mức dường như người ta có thói quen dùng luôn nghĩa cổ điển mà không còn có thể để ý xem những từ mới đó trong tiếng Việt có dễ hiểu không, hoặc giả họ không có thời giờ để suy nghĩ. Nhiều từ mới đã khiến người Việt ở hải ngoại bối rối đưa đến dị ứng và có khi chê bai. Vài thí dụ: phát triển bền vững, tên lửa hành trình, mở tài khoản để vào cổng thông tin điện tử, hoặc dùng từ ‘siêu’ cho tất cả những gì ‘super’ trong tiếng Anh. Mới ba ngày trước đây (23/10), sau tai nạn giao thông trên đường xa lộ ở Louisiana gây hư hại cho hơn 150 chiếc xe, báo tiếng Việt khi đăng tin đã dùng từ ‘siêu sương mù’ (dịch từ ‘super fog’)! Chọn một từ ‘phổ thông’ trong bối cảnh này có nghĩa là cũng phải có sự tiên liệu xem từ ngữ đó trong tương lai sẽ được đại chúng chấp nhận hay không. Như trong thí dụ trên, ‘tài khoản’ là dịch từ account trong tiếng Anh do nhu cầu cấp bách, nhưng khi chúng ta mở account để có thể vào xem hồ sơ thì không cần phải có ‘tiền’ (tức là tài) trong đó. Có một số người đã dùng từ ‘danh khoản’, nhưng tôi thấy chưa có mấy hy vọng là từ này sẽ được nhiều người chấp nhận, vì vậy trong cuốn từ điển của chúng tôi chưa có từ này.

QL: Thực hiện quyển từ điển này là một công trình lớn lao, dài lâu và phức tạp. Quý anh đã phải dành ra một thời gian cả 12 năm trời để thực hiện. Xin nhị vị soạn giả cho biết những khó khăn quý anh gặp phải trong khi soạn thảo. Xin mời BS. Thu lên tiếng.

LVT: Khó khăn thì nhiều, chủ yếu là vấn đề phải cân nhắc việc chọn từ để cho vào từ điển. Có những từ mà một số người quốc gia rất nhạy cảm, cho rằng những từ ấy là của “Việt Cộng”, nhất định không chấp nhận; ai dùng nó có thể sẽ bị gán cho cái nhãn thân Cộng! Thế nhưng, đã gọi là từ điển thì phải đầy đủ nguồn chữ để cho các thế hệ sau tra cứu mỗi khi cần, chúng tôi nghĩ là mình không thể loại bỏ chúng được, nhưng phải giải nghĩa sao cho đúng để mọi người thấy các từ ấy là tiếng nước nhà, chứ không phải là từ riêng của chế độ mới!

Lại có những từ mới quá, đặc biệt là các từ thuộc ngành vi tính, các từ ấy lại được giới chuyên môn dịch từ tiếng Anh thành tiếng Việt, đúng ra là Hán Việt, như giao diện, thiết bị, vi xử lý, trình duyệt, v.v., mà chúng tôi lại không chuyên trong các ngành ấy nên rất khó định nghĩa. Chúng tôi phải vào mạng, tìm đến các trang về khoa vi tính để đọc xem người ta viết và sử dụng các từ ấy ra sao. Đọc mà chưa chắc mình đã hiểu vì ngành này vẫn còn non trẻ, thuật ngữ vi tính bằng tiếng Việt chưa được chọn lọc và viết rõ ràng . Thế là mình phải đọc thêm, đọc mãi, đọc cả bên tiếng Anh xem họ nói ra sao, từ đó mới dần dần hiểu ra, để rồi tóm tắt thành một định nghĩa sao cho người không thuộc ngành vi tính cũng có thể hiểu được.

QL: Xin mời DS Hiền lên tiếng.

NH: Cuốn từ điển của chúng tôi có tựa là Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông, tức là một quyển từ điển tập hợp những từ đã và đang được phổ biến trong mọi giới quần chúng.

Nhưng trên thực tế, như tôi đã trình bày ở trên, hơn 5 triệu người Việt sống ở nước ngoài có một vốn từ vựng hơi khác những người Việt trong nước. Trong tương lai, các nhà biên soạn từ điển trong nước sẽ dần dần loại bỏ một số từ trước đây được coi là phổ thông trong xã hội miền Nam. Họ sẽ lấy lý do là vì dân chúng không còn dùng nữa nên những từ này không được coi là ‘phổ thông’. Một số từ có liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa hoặc vì lý do chính trị sẽ được giải thích sao cho hợp với chủ trương chính sách của nhà cầm quyền, bất chấp lời giải thích đó có hợp lý hay không. Thí dụ như trong Từ Điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, từ ‘ngụy quyền’ được giải thích là ‘chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân’. Lời giải thích này không đúng, vì trong lịch sử, các triều đại nối tiếp nhau chỉ là sự chiếm quyền của một nhóm quyền lực mới thành lập. Trong quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông, chúng tôi giải thích từ ‘ngụy quyền’ như sau: chính quyền của phe giặc không có chính nghĩa (thường là từ để nhà cầm quyền phe này gọi cách khinh miệt chính quyền phe bên kia). Một định nghĩa chính xác phải là một định nghĩa không bị thay đổi theo thể chế chính trị hay hoàn cảnh xã hội.

Thử tưởng tượng sau này, khi tra cứu nghĩa trong từ điển, những thiếu sót và sai sót như trên sẽ có ảnh hưởng ra sao? Quý vị nên nhớ rằng cuốn từ điển tiếng Việt phổ thông cuối cùng ở miền Nam được xuất bản năm 1970. Từ đó tới nay đã hơn 50 năm trôi qua, chúng ta phải chăng vì cuộc sống mà đã quên việc lưu truyền kho tiếng Việt của mình?

Do đó, để đáp ứng nhu cầu tra cứu của hơn 5 triệu người gốc Việt đang sinh sống tại nước ngoài, và cho những người sau này muốn tìm hiểu thêm về lịch sử cận đại, chúng tôi thấy có bổn phận phải tìm cách giữ những từ có nguy cơ bị xóa bỏ hoặc bị dẫn giải không trung thực. Nói thì dễ, nhưng làm sao để chúng tôi giữ được tính khách quan là một chuyện khác.

Một khó khăn khác trong việc lựa chọn từ ngữ là sự cân nhắc giữa từ ‘đúng’ (tôi dùng chữ ‘từ đúng’ nếu xét theo nguồn gốc từ) và từ đã trở thành phổ thông, được rất nhiều người chấp nhận. Hiện nay có một cách đánh giá sự phổ thông của một từ là tìm qua Google, bên cạnh sự tìm hiểu về nguồn gốc của từ đó. Một thí dụ: hai từ ‘giông tố’ và ‘dông tố’, Google tìm ra hơn 500 ngàn kết quả với ‘giông tố’ và 700 ngàn kết quả với ‘dông tố’. Tìm hiểu về lịch sử hai từ này, chúng tôi thấy từ đúng phải là ‘dông tố’, nhưng vì sự quá phổ thông của ‘giông tố’, bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết ‘Giông Tố’ của Vũ Trọng Phụng, chúng tôi đã đưa cả hai từ vào trong cuốn từ điển. Tuy nhiên, từ đơn ‘giông’ không có trong từ điển của chúng tôi, vì chúng tôi nhận thấy từ ‘giông’ này không thể coi là một từ phổ thông được.

Trong ngữ học, có một ngành gọi là ngành Từ Điển học (lexicography), ngành này chuyên nghiên cứu về cách biên soạn từ điển. Trên thế giới có nhiều nhà từ điển học nổi tiếng như Noah Webster (Hoa Kỳ), Pierre Larousse (Pháp), Johan Hendrik van Dale (Hòa Lan)… mà tên tuổi đã gắn liền với những bộ từ điển mẫu mực. Việt Nam cũng có những nhà từ điển học như Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Hoàng Phê, v.v.. Rất tiếc là những sách dạy về bộ môn này rất khó tìm, tuy nhiên, với một số kiến thức cơ bản, tuy còn hạn hẹp, nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng đặt bước khởi đầu và sự thực chúng tôi rất hãnh diện khi nhìn lại thành quả đã đạt. Tôi hy vọng là sau khi quyển từ điển này được phổ biến, chúng tôi sẽ nhận được những đóng góp cho lần tái bản, hoặc có người nào đó hiểu được sự cần thiết phải có một cuốn từ điển tiếng Việt mà tiếp nối công việc duy trì tiếng Việt cho tới khi hai dòng ngôn ngữ và văn hóa trong và ngoài nước có thể gặp nhau.

QL: Thưa quý anh, đã hơn một trăm năm nay, từ khi có quốc-ngữ, đã có rất nhiều quyển từ điển tiếng Việt được xuất bản. Mỗi quyển có những đặc điểm riêng tùy theo thời kỳ phát hành hoặc tùy thuộc vào phạm vi chuyên môn. Xin quý anh chia sẻ đến thính giả đài Saigon Houston những điểm đặc biệt của quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông. Xin mời BS. Thu lên tiếng.

 LVT: Quyển từ điển này, như đã nói ở trên, là nơi tập trung hầu như tất cả các từ cũ, thật xưa, của các chế độ, từ phong kiến, tới thực dân, từ chế độ cộng hoà ở miền Nam tới chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Nó cũng được bổ sung với các từ mới phát sinh sau này, kể cả các từ ngoại quốc được du nhập vào xã hội Việt Nam và được người trong nước chuyển thành ngôn ngữ Việt từ sau ngày Việt Nam mở cửa, đón nhận nền văn minh và học thuật Tây phương.

Nói chung, có thể nói quyển từ điển này là quyển có nhiều từ nhất so với mươi cuốn từ điển Việt ngữ mà chúng tôi hiện sở hữu trong tủ sách gia đình.

QL: Cảm ơn BS. Thu và xin mời DS. Hiền.

NH: Điểm nổi bật mà người tra cứu có thể nhận thấy ngay, là cách giải thích theo khoa học hiện đại. Thí dụ: từ ‘Xanh’ được các từ điển giải thích như sau: ‘màu giống lá cây hay nước biển’ (Việt Nam Tự Điển – Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ), ‘màu như màu lá cây’ (Việt Nam Tự Điển – Khai Trí Tiến Đức) hoặc ‘có màu của lá cây hay nước biển’ (Từ Điển Tiếng Việt – Hoàng Phê). Nhưng nếu xét cho kỹ, nước biển có thể từ gần như trong suốt (nhìn thấy cát sâu vài ba thước hoặc thấy cá bơi dưới đáy) cho tới đen ngòm (những ai đã đi tị nạn bằng đường biển đều trải qua cảm giác ghê rợn khi nhìn màu này), và lá cây không hẳn là có ‘màu xanh lá cây’ mà có thể có màu đỏ, màu vàng phớt màu xanh lá cây v.v. Chúng tôi chọn cách giải thích: Có màu của nước biển, da trời hoặc của lá cây. Cách giải thích này bao hàm cả màu xanh dương.

Những từ ngữ về luật pháp, xã hội cũng được định nghĩa theo như cách định nghĩa hiện nay, được giải thích ngắn gọn hơn cho dễ hiểu nếu có thể được. Chúng tôi quen với cách định nghĩa của khoa học chính xác, mà từ ngữ dùng trong dân gian có thể khác nhau tùy theo vùng miền, hoặc gây khó hiểu cho một số người, cho nên chúng tôi cố gắng ghi chú thêm tên khoa học bằng tiếng Latinh để những người muốn tìm hiểu thêm có thể tra cứu trong sách chuyên ngành, hoặc xem thêm giải thích trong Wikipedia là cuốn từ điển bách khoa trực tuyến ngày càng trở nên thông dụng.

Những từ có gốc ngoại quốc cũng được chú thích thêm về nguồn gốc. Những từ có cách phát âm khác nhau tùy vùng miền cũng được chúng tôi xem xét cẩn thận, vì không phải chúng có thể lúc nào cũng dùng lẫn lộn nhau. Thí dụ từ ‘nhơn dân’ cũng giống như ‘nhân dân’ khi dùng với nghĩa ‘toàn thể người dân sống trong một vùng hoặc trong một nước’, nhưng chỉ có ‘ủy ban nhân dân’ mà không có ‘ủy ban nhơn dân’, vì đây là một từ hành chính.

QL: Trong quyển từ điển này,  chắc thể nào cũng có phần giải thích những chữ mới vì những chữ mới sẽ là những chữ mà nhiều người trong chúng ta muốn có được một câu giải thích minh bạch về những chữ mà mình không biết rõ. Xin nhị vị soạn giả cho vài ví dụ về một số chữ mới trong trong quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông.

LVT: Không kể những thuật ngữ mới thuộc lãnh vực vi tính, như cổng thông tin điện tử, giao diện, truy cập, v.v., chúng tôi cũng đã viết dưới hình thức giải thích, tranh luận về một số từ, cũ cũng như mới, xin đan cử vài thí dụ: đó là từ ấn tượng, chữ giờ với ký hiệu H, và cụm từ lang bạt kỳ hồ.

Về từ ấn tượng: Trong ngôn ngữ Việt trước đây nó chỉ được dùng như một danh từ, có nghĩa là cảm nhận sâu sắc (nó hàm nghĩa tốt khi đứng một mình, như trong câu "bức tranh đã tạo được ấn tượng trong lòng người xem"; khi cần nói rõ nghĩa, người ta phải thêm tính từ "xấu, tốt" sau nó, như trong câu "sau buổi hoà nhạc, khán thính giả đã có ấn tượng tốt về danh cầm thủ S., nhưng ấn tượng xấu về ban tổ chức"). Nay, người ta cũng có thể dùng nó như một tính từ, có nghĩa là “có cảm nhận tốt, gây được sự chú ý với chiều hướng tốt (td: cuộc trình diễn thời trang hôm nay rất ấn tượng)”; mới nghe thì tưởng là sai vì nó chưa có trong kho ngôn ngữ Việt, nhưng khi nghĩ tới từ impressive của tiếng Anh thì rõ ràng là người ta có tính từ, tại sao mình lại không? Qua việc du nhập các từ của tiếng nước ngoài rồi chuyển dịch thành tiếng nước nhà, kho ngôn ngữ Việt đã được làm giàu thêm.

Về chữ giờ với ký hiệu H, ở trên các báo, đài trong nước người ta dùng ký hiệu h để thay cho chữ giờ viết tắt. Thí dụ 20h30 là 20 giờ 30. Tôi thấy việc làm ấy không đúng, và tôi đã viết như sau về vần G:

G dt 1. chữ viết tắt của “giờ” (5 giờ 30 được viết tắt là 5g30; việc sử dụng chữ h để viết tắt chữ giờ trong tiếng Việt, thí dụ 5h30, là không nên vì đó là tàn tích của thời kỳ nô lệ thực dân Pháp, mà người dân thường chưa bao giờ tiếp xúc với tiếng Pháp cũng không hiểu chữ h này lấy ở đâu ra; ngoài ra, trong bảng ký hiệu quốc tế cũng không thấy quy định này!); 2. chữ viết tắt của gam, đơn vị đo khối lượng (100g).

Về cụm từ lang bạt kỳ hồ, đây là một câu được trích trong Kinh Thi, thiên 160, nguyên văn là một bài thơ dài, trong đó có 4 câu “lang bạt kỳ hồ, tái trí kỳ vĩ, Công tốn thạc phu, xích tích kỷ kỷ”. Để giải thích cái điển cố đưa đến việc một nhà thơ làm nên bài thơ này để ca tụng Chu Công thì dài dòng lắm. Đại khái là Chu Công Đán, một khai quốc công thần đời nhà Chu bên Tàu bị gièm pha, vu khống bởi Quản Thúc, nhưng khác với kẻ xấu, độc ác như lang sói, lúc nào cũng lấn cấn trong hành động, tiến thoái lưỡng nan, ông vẫn an nhiên tự tại, thoải mái trong cuộc sống, không đếm xỉa gì đến những lời vu khống đó. Nghĩa của cụm từ này nếu giải thích theo điển cố ấy thì hoàn toàn khác với nghĩa nôm na mà người mình hiểu. Cụm từ lang bạt kỳ hồ có chữ lang bạt, người mình bèn hiểu là lang thang phiêu bạt, với chữ kỳ hồ, người mình liền liên tưởng tới giang hồ, như trong đi giang hồ rày đây mai đó; thế là lang bạt kỳ hồ được chúng tôi định nghĩa “lang thang phiêu bạt rày đây mai đó không ở yên chỗ nào”theo cách hiểu của dân gian.Và tôi kết luận: cách dùng cụm từ ‘lang bạt kỳ hồ’ này trong ngôn ngữ Việt không thể dùng điển cố Trung Hoa mà dẫn giải hay giải thích được.

QL: Xin mời DS. Hiền cho một vài ví dụ về chữ mới trong quyển từ điển này.

NH: Nếu quý vị mở cuốn từ điển của chúng tôi và xem vần P thì sẽ thấy ngay một chuyển biến quan trọng trong cách phát âm của người Việt. Tiếng Việt khi xưa chỉ có vần kép Ph, vần P được phát âm như B, thí dụ ‘cái bơm’ có gốc từ tiếng Pháp ‘pompe’, ‘xe ăn banh’ là từ cụm từ ‘en panne’ trong tiếng Pháp, ‘bánh mì ba-tê’ là từ pâté chẳng hạn. Tuy nhiên, những thế hệ người Việt sau này, qua tiếp cận với Tây phương, đã quen với phụ âm đơn P. Vì thế, trong từ điển hồi xưa, vần P bắt đầu bằng chữ Pha, thì trong cuốn từ điển do chúng tôi biên soạn, trước ‘Pha’ là những từ vay mượn từ tiếng nước ngoài như Pa-tê, Pa-tăng…, và khi hết Ph sẽ là Pin, (bánh) Pía, v.v..

Tiếng Việt có nhiều chữ theo thời gian đã mất hẳn nghĩa cũ. Từ ‘xử lý’, nghĩa cũ là: cứ lý lẽ và luật lệ mà phân xử, thì bây giờ ‘xử lý’ mang những ý niệm hoàn toàn khác. Trong cuốn từ điển chúng tôi đã liệt kê ra 5 nghĩa hiện nay được coi là phổ thông, trong đó đương nhiên có cả nghĩa ‘vận hành’ (như khi ta nói ‘bộ xử lý trong máy vi tính’) và nghĩa bóng ‘xử tử, loại trừ khỏi tổ chức’, nghĩa này đã trở thành phổ thông sau khi Trần Thư cho ra đời cuốn hồi ký có tựa là ‘Tử Tù Tự Xử Lý Nội Bộ’.

Một nhóm từ mới, được chúng tôi đưa vào cuốn từ điển là những từ thuộc lãnh vực tin học, như con trỏ, giao diện, cà thẻ, v.v.. Những từ được giới trẻ dùng nhiều thành quen như ‘chảnh’, ‘phượt’ cũng có trong cuốn từ điển. Một số từ có thể gây hiểu lầm cũng được chúng tôi chọn, tuy chúng chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nào đó. Một thí dụ của những từ loại này là sida, khi gặp cụm từ ‘đồ sida’ thì biết đó là hàng viện trợ của cơ quan thiện nguyện SIDA của Thụy Điển, nó không dính dáng gì đến bệnh AIDS cả (bệnh Aids ở Việt Nam gọi là Sida, là chữ viết tắt theo tiếng Pháp). 

QL: Có người cho rằng hai chữ  “tự điển” và “từ điển” cùng một nghĩa. Xin quý vị soạn giả cho biết quý vị có phân biệt hai từ này không?

LVT: Thực ra, vấn đề phân biệt từ và tự trong tiếng Việt đã được nhiều vị uyên thâm về Hán văn bàn cãi rất nhiều.

Theo tôi hiểu, tự là chữ, mỗi chữ có một âm tiết được cấu tạo bởi nhiều con chữ. Thí dụ chữ quả có 3 con chữ, đó là q u ả. Chữ quả này có thể là từ, vì nó chỉ rõ một vật, đó là trái cây; thế nhưng trong từ công quả thì quả chưa phải là một từ, nó phải thêm chữ công mới đủ nghĩa là “sức lực và thì giờ bỏ ra cách tự nguyện cho một công việc của nhà chùa mà không lấy tiền công”.

Trong tiếng Hán luôn có một bộ thủ đi kèm một chữ để giúp tiếng đó có đủ nghĩa mà người ta muốn nói. Thí dụ bộ Nhân. Ngay trong bộ nhân cũng có bộ nhân đứng, bộ nhân nằm và bộ nhân đi. Căn cứ vào mỗi cách viết của bộ đó mà người ta hiểu từ ấy có nghĩa gì; chưa có bộ đó thì chưa phải là từ, mà mới chỉ là một chữ.

Còn trong tiếng Việt thì việc phân biệt quả thật rất khó, và các nhà ngôn ngữ học của mình vẫn còn đang tranh luận, chưa ngã ngũ.

NH: Theo học giả Đào Duy Anh, TỰ là chữ và TỪ là lời, trong LỜI (từ) đã có CHỮ (tự), tra cứu về lời (từ) tức cũng tra cứu về chữ (tự). Như vậy, theo quan điểm của ông,“từ điển là gồm cả tự điển ở trong”. Chúng tôi đồng ý với nhận định này, tuy rằng hiện nay trên thực tế người ta dùng lẫn lộn cả hai từ, với cùng một nghĩa “cuốn sách, hoặc bộ sách dùng để tra cứu nghĩa”. Và cũng vì thế, trong cuốn từ điển này chúng tôi ghi nhận cả hai từ, với cùng một nghĩa.

QL: Thưa quý thính giả, sau khi được hai vị soạn giả giải thích việc thực hiện và soạn thảo từ điển của nhị vị, chúng tôi xin được có một câu hỏi là xin nhị vị soạn giả giải thích lý do quý vị chọn tựa Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông cho quyển từ điển này.

NH: Về hai chữ Từ Điển, chúng tôi đã vừa trình bày. Về phần còn lại của cái tựa sách thì thưa chị và quý vị, cách tốt nhất là tôi xin đọc nguyên văn phần giải thích, mà chúng tôi đã ghi trong mục Hướng dẫn cách sử dụng cuốn từ điển:

Tiếng Việt và Việt ngữ có khác nhau không? Cả hai từ đều có nghĩa là nói, nhưng ‘ngữ’ là từ Hán Việt, ‘tiếng’ là từ nôm; ở đây, tên của cuốn từ điển này có đến sáu âm tiết, năm âm tiết đã là từ Hán Việt thì âm tiết còn lại chúng tôi nghĩ cũng nên dùng từ Hán Việt cho thuần nhất.

Vì sao gọi là phổ thông? Khi soạn cuốn từ điển này chúng tôi chỉ dám có tham vọng sưu tầm các từ thông thường đã và đang được phổ biến rộng trong mọi giới quần chúng, kể cả một số từ cơ bản (nhưng đã trở thành phổ thông) trong các ngành chuyên khoa như triết học, luật học, y học, hay vi tính, v.v..

QL: Thưa quý thính giả và quý anh, thời gian dành cho chương trình Văn Hóa Việt sắp chấm dứt. Chúng tôi xin mời nhị vị soạn giả quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông cho lời kết cho buổi hội thoại hôm nay.

NH: Chúng tôi biên soạn cuốn Từ điển Việt Ngữ Phổ Thông với mục đích chính là giúp cho người Việt có một cuốn từ điển để tra cứu các từ cũ có trong kho tàng sách báo Việt, cũng như để hiểu về các từ mới phát sinh của tiếng nước nhà. Mặc dù trong mấy tháng vừa qua được nhiều người khen ngợi về hình thức cũng như nội dung, nhưng chúng tôi biết rằng cuốn từ điển này chưa hoàn hảo. Bởi vậy chúng tôi mong mỏi được nghe thêm nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của những người đã sử dụng cuốn từ điển này. Và chúng tôi cũng xin quý vị quảng bá công trình biên soạn này đến những người thân, vì càng có nhiều người biết tới thì chúng tôi càng thu lượm được nhiều kinh nghiệm cho ấn bản sau.

LVT: Chúng tôi xin cám ơn quý vị đã lắng nghe chúng tôi trình bày và cũng cám ơn chị Ngô Thị Quý Linh, một nhà biên khảo và giáo dục vừa có tâm vừa có tầm, từng có nhiều sách được xuất bản, đã cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ quý thính giả của Đài Sài Gòn Houston, Texas, trong buổi hội luận hôm nay.

QL: Thưa BS. Thu và DS. Hiền, trước khi tạm biệt thính giả, xin nhị vị cho thính giả biết cách nào có thể đặt mua được quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông?

LVT: Thưa chị Quý Linh và quý thính giả, để đặt mua tại Hoa Kỳ, Canada và Việt Nam, xin quý vị gởi điện thư cho cô Lê Vũ Hương-Quỳnh tại địa chỉ tudienvn2023@gmail.com, hoặc gọi điện thoại số +1-253-642-7340.

Ngoài ra, tại Tự Lực Bookstore và Cơ sở Người Việt ở Nam California hiện cũng đã có bán sách từ điển này.

NH: Để đặt mua tại Úc châu và các nước Âu châu, xin quý vị liên lạc với tôi tại địa chỉ điện thư hien@ziggo.nl, hoặc số điện thoại +31-65389-5328 (1).

QL: Chúng tôi xin cảm ơn hai vị soạn giả BS. Lê Văn Thu và DS. Nguyễn Hiền đã dành thì giờ quý báu trình bày về việc thực hiện quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông đến quý thính giả của đài SGH. Rất mong quý thính giả sẽ ủng hộ và hỗ trợ cho công việc thực hiện từ điển của hai vị soạn giả Lê Văn Thu và Nguyễn Hiền.

Chúng tôi xin cảm ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình hôm nay và xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình lần tới.

________

(1) Giá tại Âu châu: 50€ + cước phí theo giá biểu PostNL (Hòa Lan: 6,95€, các nước Âu châu khác 10,70€)

Xem thêm một số chi tiết liên quan đến quyển Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoatthegioi/gioithieuquyentudien.html


Cái Đình - 2023