Phan Văn Song


Giải Thưởng Cao Quý với phần thưởng 10 đồng -
Giải Thưởng Văn Học Goncourt

Vào mỗi đầu tháng 11, Viện Goncourt họp, bầu và trao giải thưởng
cho người thắng giải cái chi phiếu với số tiền “khổng lồ” là 10 euros.
Người thắng giải sẽ sử dụng làm sao với chi phiếu ấy!

***

Lễ trao giải thưởng văn học cao quý được tổ chức hằng năm, vào đầu tháng 11 tại quán cơm Le Drouant, quảng trường Place Gaillon, quận Nhì Paris.

Năm nay 2017, là ngày thứ hai 6/11. Người thắng giải Goncourt 2017, là nhà văn Eric Vuillard, với cuốn truyện "L'Ordre du Jour – Chương Trình Nghị Sự " , nhà xuất bản – Éditions Actes Sud, Paris. Truyện kể sự cướp chánh quyền của Hitler và sự xâm phạm nước Áo – l'Anschluss (cưỡng chiếm Áo-Autriche bởi Đức quốc xã)

Tiệm cơm Le Driant, có truyền thống sanh hoạt văn hóa từ mãi cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX, tiệm cơm nầy, thuở ấy, đã là nơi quy tụ các văn nghệ sĩ tài ba, nổi tiếng như Rodin, Pissaro, Daudet, hay Renoir rồi. Năm 1914, ngày 31 tháng 10, Giải Văn Học đầu tiên được tổ chức tại nhà hàng nầy, quán Le Drouant, nằm ngay trung tâm sanh hoạt văn hóa Paris, với Nhà Hát Lớn – L’Opéra Garnier, cũng như Khu Saint Germain des Prés nổi tiếng một thời gian sau đó.

Mười vị giám khảo của Viện Goncourt – Académie Goncourt sẽ nhóm họp mỗi thứ ba đầu tháng trong phòng khách lớn nhứt trên lầu một của Nhà hàng, và Giải thưởng sẽ được trao tặng vào đầu tháng 11 hằng năm.

1/ Giải thưởng: Một chi phiếu 10 euros:

Trưa ngày 3 tháng 11, năm 2015, Matthias Enard, được mời ngồi ăn cùng bàn với 10 vị giám khảo Viện Goncourt, tại nhà hàng Le Drouant. Đây là một vinh dự, vì cuốn sách thứ mười của chàng “La Boussole – Cái Địa bàn” (Nhà xuất bản Acte Sud, Paris), vừa được trúng giải Goncourt năm ấy, 2015. Xong phần món cá Sole, sau đĩa sa-lát với hạch cổ con bê – ris de veau, chàng thưởng thức cũng vừa xong món bít tết nai – chevreuil, nhưng chưa kịp lựa chọn những chiếc phô-mát ngon lành thì đành phải ngưng lại. Chẳng phải là chàng đã no bụng, chán chê, ăn xong, mà chàng bị ngăn cản. Bọn nhà báo đã tràn ngập phòng ăn, và làm ngưng buổi ăn. Buổi ăn chưa xong, mới nửa bữa, chưa xong phần pho mát, còn trái cây, còn tráng miệng bánh ngọt, còn cà phê, rượu tiêu hóa – digestif, chưa đứng dậy ra khỏi bàn, mà đã là các câu hỏi đã dồn dập đưa đến:

Anh được giải, anh nghĩ sao? Cảm tưởng? Ấn tượng?…”

Toàn là những câu đã được hỏi, đã trả lời trước buổi ăn rồi, khi vừa đặt chơn tới tiệm.

Tư tưởng cuốn sách do đâu đến?” – “ Tại sao có Cái Tựa?” – “ Suy nghĩ? Sáng kiến?”

Nhìn vào dĩa với miếng camembert béo ngậy chưa được nếm, trước chiếc comté thơm phức chưa được thử, và miếng fromage dê nhuyễn như khêu gợi… và một câu hỏi hắc búa được đặt ra...

Anh đã nhận tấm chi phiếu chưa?”

À ra thế! Ai ai cũng tò mò xem cái sự thật… có thật phải vậy không? Matthias bèn ấp úng,

Đúng tôi đã vừa nhận được, nhưng, chưa mở ra!”… Bènrút từ túi áo ra, và mở bao thơ “Đúng đây là tấm chi phiếu! Đúng là 10 euros! Không phải là một huyền thoại!”. Và chàng đưa tấm chi phiếu lên cao lên cho mọi ký giả nhìn thấy!

2/ Không phải là một huyền thoại:

Thật vậy, Giải Văn học Goncourt trao một giải thưởng “khổng lồ” là 10 Euros.

Đây là một chi phiếu tượng trưng”, Bernard Pivot, anh Chủ tịch Viện nói an ủi. “Ai cũng biết rằng khi trúng giải Goncourt, cuốn sách trúng giải của nhà văn có số sách bán tăng gấp bội, và phần thưởng đúng là tiền huê hồng của nhuận bút thu được. Pierre Lemaitre, giải Goncourt 2013, với cuốn “Au-Revoir Là Haut – Chào Những Ai Trên Ấy” (Nhà xuất bản Albin Michel, Paris) đã xuất được 600.000 ấn bản và đã được dịch ra 20 ngôn ngữ.”

Matthias Enard hứa sẽ không bỏ chi phiếu nầy vào trương mục. Cũng như Lydie Salvayre, nữ văn sĩ trúng giải năm 2014, đã nói đùa “Tôi giữ nó, phòng những ngày gặp khó khăn thiếu thốn!”. Nàng  nhờ, cũng với cuốn truyện “Pas pleurer – Không Khóc” (Nhà xuất bản Le Seuil, Paris) trúng giải nầy, với cuốn sách viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, cũng đã trúng giải Cervantès, giải văn học Tây Ban Nha, bên kia rặng Pyrénées, và đã nhận 125.000 Euros, và đã ký thác vào ngân hàng mình. Nhưng nàng không ký thác chi phiếu của giải Goncourt.

Tôi sẽ giữ chi phiếu nầy như một linh vật – fétiche”. Matthias nói thêm, và dám thố lộ: “Các giám khảo đã cho tôi biết được rằng… đã có một vị trúng giải đã ký thác vào ngân hàng để lãnh số tiền ấy… Nhưng suỵt... tôi xin dấu tên”. Matthias dứt lời, đám ký giả cười rộ!

Câu chuyện nầy không phải hảo huyền hay thần thoại, mà có thật! Theo lời kể của Pierre Rambaud, 1 trong 10 vị giám khảo: “Không nên ngạc nhiên vì ông nầy là dân Thụy sĩ” (Dân Thụy sĩ nổi tiếng là “kẹo” nhứt thế giới!). Không nói ra, nhưng ai cũng biết là Jacques Chessex, nhà văn Thụy sĩ duy nhứt trúng giải Goncourt với cuốn truyện “Ông Kẹ – l’Ogre” – Nhà xuất bản Grasset - Paris năm 1973. Câu chuyện không ngưng tại đây đâu. “Chúng tôi nhờ ông (Jacques Chessex) hãy đưa cao tấm chi phiếu trình thiên hạ, trên đài truyền hình, khi ông được đài phỏng vấn. Ông trả lời rằng chi phiếu ấy ông đã đưa vào tương mục rồi, quý ông hãy viết cho tôi tấm chi phiếu khác đưa tôi để tôi trưng bày cho truyền hình. Và chúng tôi thuận. Ông trưng lên truyền hình tấm chi phiếu sau, xong,... cũng bỏ vào trương mục không trả lại cho chúng tôi, mà cũng không cất giữ làm kỷ vật!”. Tác giả Chessex, nay đã là người thiên cổ, nên không thể cải chính câu chuyện trên! Nhưng Rambaud vẫn còn đó, với nụ cười, và với những chuyện bên lề rất có duyên của những cuộc lễ trao giải thưởng Goncourt!

Và còn ông, Pierre Rambaud? Ông làm gì với tấm chi phiếu trúng giải? Rambaud, trúng giải Goncourt năm 1997 với cuốn truyện “Trận Chiến – La Bataille” Nhà xuất bản Grasset, Paris? “Tôi để chỉ phiếu vào trong khung, và treo trên tường nhà nghỉ mát của tôi ở Normandie, một căn nhà cổ thuộc thế kỷ thứ XIX, đẹp, dễ thương, nhưng hoàn toàn hư mục, tôi mua nhà ấy nhờ tiền bán sách với giải Goncourt”. Nên hiểu rằng: với tiền nhuận bút do sách bán được, nhưng cũng đừng quên, cùng một năm ấy, cũng với cuốn sách ấy, Pierre Rambaud cũng nhận được giải thưởng Giải Thưởng Lớn cho tiểu thuyết của Viện (Văn học) Pháp – Grand Prix du roman de l’Académie française, hào phóng hơn Viện Goncourt với số tiền thưởng là 100 ngàn quan Pháp – phật lăng – francs français!

3/ Từ 5.000 phật lăng vàng đến 10 euros:

Không phải hoàn toàn, ngay từ đầu giải nầy chỉ cho một số tiền là tượng trưng như vậy đâu?

Năm 1896, lúc mất, Edmond de Goncourt để lại một di chúc rất hậu hỉ: “Tôi tuyên bố người thừa tự trách nhiệm di chúc tôi là người bạn thân của tôi là nhà văn Alphonse Daudet. Alphonse Daudet có bổn phận tổ chức ngay trong năm tôi vừa mất, và tiếp tục vĩnh viễn, một hiệp hội văn chương, nhơn danh cá nhơn tôi và anh tôi, trên nền tảng của những người yêu văn chương, một giải thưởng là 5.000 phật lăng, thưởng tặng cho một áng văn xuôi giả tưởng hằng năm – Je nomme un exécuteur testamentaire mon ami Alphonse Daudet, à la charge pour lui de constituer dans l’année de mon décès, à perpétuité, une socìté littéraire dont la fondation a été, tout le temps de notre vie d’hommes de lettres, la pensée de mon frère et la mienne,et qui a pour objet la création d’un prix de 5.000 francs destiné à un ouvrage d’imagination en prose paru dans l’année”.

Hiệp hội văn chương Goncourt ra đời từ đó. Giải văn chương đầu tiên được phát năm 1903: 5000 quan phật lăng vàng. Với giá thị trường tụt dốc, lạm phát tụt dần đến chỉ còn 50 phật lăng mới – nouveaux francs năm 1962. Dù sau, người nhận giải thưởng Goncourt không cần đến số tiền của giải thưởng để tạo sự thành công và sự sống sung túc, sống với nghề viết văn.

Sự thật, là tấm chi phiếu của giải thưởng nầy không gây một kỷ niệm đáng nhớ nào cho các người trúng giải cả!

Erik Orsenna, (có thời gian làm “cố vấn quân sư, thầy dùi” cạnh Tổng Thống Mitterrand) (“Triển Lãm Thuộc Địa – l’Exposition Coloniale”, nxb Seuil, Paris, năm 1988), tuy không ký thác tấm chi phiếu lãnh được vào ngân hàng, nhưng hoàn toàn, cũng không nhớ rằng để tấm chi phiếu ở đâu:    “Tôi dọn nhà nhiều lần, đồ đạc lung tung, ông tự biện hộ. Tôi nhớ là tấm chi phiếu mầu vàng nhạt, do Quỹ Ký thác – Caisse de Dépôts – phát hành. Sự thật, cái mà tôi nhớ mãi như in trong đầu, là khi tôi nghe tên tôi trúng giải, tôi bèn tự nói ngay “ Từ nay, khỏe rồi!!Ta đã thoát nỗi ám ảnh!”. Hoàn toàn được giải thoát không còn bị ám ảnh bởi trúng giải hay không, vì thiệt tình mà nói tay nhà văn nào mà nói rằng mình không nghĩ đến sách mình có thể trúng giải Goncourt là thằng cha ấy nói láo!”.

Jean-Christophe Rufin, bác sĩ, có môt thời làm Đại sứ (“Mầu Đỏ Ba Tây – Rouge Brésil”, nxb Gallimard, Paris, năm 2001) cũng chẳng nói gì hơn: “ Sự xúc động không đến từ tấm chi phiếu. Đó là cái lục lạc ta mang nơi cổ. Có nên mang hay không. Riêng tôi, tôi đã để lạc mất tấm chi phiếu, nhưng tôi vừa tìm được lại khi sắp xếp lại đống hồ sơ cũ. Và tôi đã chụp sao lại. Và có thể tôi sẽ đóng khung và treo tấm chi phiếu ấy, mặc dù hình dáng cũng chả đẹp đẽ gì cho lắm!” Tấm chi phiếu ấy là tấm cuối cùng trị giá viết bằng phật lăng – francs. Năm sau, trị giá được viết thành 10 euros và 65 francs. Ông cựu bác sĩ (JC. Rufin) tính toán trật thời thế “Tôi thật không may mắn tý nào!” Ông vừa nói vừa cười. Chắc ông thèm được lãnh bằng euros chăng? Đã trúng giải mà còn chê tới chê lui. Nói theo người việt chúng ta: “Nghèo mà ham!”

Cũng như các người trúng giải của thế hệ của ông, tất cả đều nhận tấm chi phiếu qua bưu điện. Viết bởi một anh chưởng lý trên một tấm chi phiếu của Quỹ Ký Thác. “Rất máy móc, không thân mật tý nào – Tout était extrêmement impersonnel” Jean Chrisrophe Rufi, hổi tưởng lại: “Lúc bấy giờ có nhiều người không gặp các giám khảo. Chỉ có từ mươi năm nay thôi các người trúng giải được mời ăn chung với ban giám khảo giải Goncourt tại quán Drouant thôi!

Một lễ nghi kiểu cách cũng được từ từ tổ chức, sắp đặt. Từ từ mọi chuyện tỏ sẽ rõ ràng (không còn giữ vẻ bí mật như xưa nữa) kể cả cái chi phiếu, từ nay trao công khai, trân trọng, trước công chúng và báo chí. Từ nay, chi phiếu, ký bởi Hiệp hội văn chương Goncourt, được trao tận tay người trúng giải, trong một buổi lễ, trước mặt một phái đoàn nhà báo, tại tiệm ăn, và người nhận Giải được mời ăn chung với 10 người của Ban Giám khảo, được các nhà báo phỏng vấn, chụp hình, đưa lên báo và truyền hình.

Thay lời kết: Chuyện bên lề:

Từ cái khung 150 euros đến người nhận giải thưởng lớn nhứt 11 euros:

Tấm chi phiếu 10 euros luôn luôn là một biểu tượng quý giá. “Với bao nhiêu năm qua, ngày nay, tấm chi phiếu vẫn tạo một thái độ kỳ lạ, một sự ngạc nhiên kỳ thú, thứ nhứt khi ta là một người không quen với không khí của thế giới văn học-in ấn xuất bản” Alexis Jenni kể lại (“Art français de la guerre – Nghệ Thuật Chiến Tranh của Nước Pháp”, nxb Gallimard, Paris, năm 2011) và anh tiếp tục kể tiếp: “Khi vừa nhận được, có một khoảng đứng tim, chờ đợi, không tin tưởng, (qua đôi mắt mình): 10 euros, trong khi đối với mình, đây là một cái gì to lớn lắm, sách của ta trúng Giải Goncourt mà! Đây là một Giải Văn học lớn, và ta tác giả là Nhà văn Chúa của tất cả nhà văn!”. Và anh đã cất kỹ tấm chi phiếu trong một tập hồ sơ với một bìa giấy carton cứng cùng với bản hợp đồng với nhà xuất bản, của cuốn sách đầu tay nầy đã thắng giải.

Gilles Leroy (“Alabama Song – Bài Ca Alabama”, nxb Mercure de France, Paris, năm 2007), cuối cùng cho đóng khung tấm chi phiếu. “… Tôi hỏi cho đóng khung tấm chi phiếu, người thợ đòi 150 euros, vì tấm chi phiếu quá thước tấc. Quá mắc, tôi từ chối. Thời gian sau, trong một tiệm tạp hóa bán hàng tất cả 1 euro tôi thấy một khung bằng nhựa, tôi mua và để tấm chi phiếu vào. Hắn, ngày nay nằm trên một giá tủ nơi nhà nghỉ của tôi ở nhà quê...

Một đồng, đó là cái sai biệt của Giải thưởng tặng Marie Ndiaye (“Trois Femmes puissantes – Ba Người Đàn Bà Đầy Quyền Thế”, nxb Gallimard, Paris, năm 2009). “Số là Ban Giám Khảo hôm ấy lật đật thế nào, hôm ấy quên đưa tấm chi phiếu cho tôi. Hàn lâm viện sĩ Françoise Chandernagor, bèn viết chí phiếu gởi cho tôi ngày hôm sau. Với tất cả sự tao nhã và đầy hài hước, Ngài đã thêm 1 euro và số tiền chung để gọi là xin lỗi vì sự trễ nãi!” Từ nay, Marie Ndiaye là Nhà Văn cận đại với số tiền thưởng Giải Goncourt lớn nhứt 11 euros thay vì 10 euros! Chúc tất cả Vui Xuân.

.

Hồi Nhơn Sơn, Tất Niên 2018.
Phan Văn Song


Cái Đình - 2018