Bùi Văn Đỗ


Thăm Chùa mới vào ngày đầu năm Ất Mùi  28-02-2015

Chuyện tình cờ vào đầu năm mới Ất Mùi,  tôi muốn thăm ngôi  Chùa mới ở Almere Buiten. Chuyện đi tham quan này cũng đã có trong dự trù từ lâu, khi nhận viết bài cho việc Chùa chấp nhận cho đặt tượng đài thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam tại Hòa Lan trên vùng đất thuộc Chùa này. Bài thì đã viết, dự định đã có từ lâu nhưng chưa có dịp đến. Nhân tình cờ, có người bạn từ Hoorn lên Chùa mới ở Almere, tôi xin quá  giang  đến Chùa. Vừa là chỗ thân quen trong nghiệp thích văn, vừa tiện đường nên người bạn đồng ý ngay. Thế là tôi có bạn đồng hành, vừa vui tính dễ thương, vừa có tâm tình tỵ nạn tha hương gặp gỡ.

Chúng tôi khởi hành từ Purmerend lúc 12 giờ 30, thật nhiều chuyện hàn huyên trên đường đi. Ðến Chùa cũng khoảng gần 14 giờ. Người vừa cho đi theo, vừa là hướng dẫn viên đến Chùa mới, lại là bạn tâm tình.. Thật thuận tiện và ngàn năm một thủa.

Đến một nơi mới thành lập, chưa xong, chưa hoàn tất việc xây dựng. Tôi muốn tìm hiểu thực nhiều, vì nơi đây ngoài nghĩa Chùa thuần túy, nó còn là một công trình văn hóa Việt Nam được xây dựng trên vùng đất này. Vì nơi đây là vùng ảnh hưởng Ki-tô Giáo, có một ngôi chùa Việt Nam gọi là Chùa Phật Giáo của người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam tại xứ này, quả tình có một không hai. Tìm những ngôi tháp giáo đường cao vút thì xem ra ở khắp xóm làng nơi nào cũng có, có khi một làng mà có tới hai tháp cao của nhà thờ. Nhưng tìm một ngôi Chùa thì tìm đỏ con mắt không ra, dù rằng đã lái xe đi đến đủ ngõ nghách của xứ hiền hòa này.

Thật đã nhiều năm, chưa có dịp một lần thấy được lòng tin, sự mộ đạo của bà con Việt Nam gắn bó với ngôi Chùa nơi xứ lạ. Nhưng ngày hôm nay, gặp lại những khuôn mặt thật thân thương, quen biết nơi xứ này đã trên khoảng  20 năm, bây giờ lại gặp nhau dưới mái Chùa êm ấm này, có những khuôn mặt nhìn thì nhận ra ngay, nhưng có những khuôn mặt thấy là lạ, mãi rồi mới nhận ra. Lại có những người mà mãi khi mở miệng ra hàn huyên mới nhận ra đã biết nhau từ đã lâu. Thật mái Chùa cũng là nơi hội tụ, dù không phải là mái đình của một làng, xã trong quá khứ.

Lúc đầu thì ông bạn đồng hành giới thiệu đôi nét về ngôi Chùa, nhưng dần hồi có những người bạn khác dẫn lối chỉ đường cho mọi ngõ ngách của ngôi Chùa mà họ đã đóng góp công sức từ thủa đầu, từ ngày thương thảo mua xong miếng đất, đặt viên đá đầu tiên cho đến hôm nay, dòng rã cả mấy năm trời. Thời gian mà các ngày thứ bảy và chủ nhật họ đều đến đây. Họ là các người tình nguyện viên, các chuyên viên, những người học và tốt nghiệp tại Hòa Lan, cũng như những người đã đi làm ở các ngành nghề chuyên môn như thợ: xây, lót gạch nền nhà, lót gạch đường, thiết trí điện, thiết trí các kỹ thuật điện tử như máy camera theo dõi chung quanh nhà vào ban đêm, kỹ sư chuyên môn về xây cất. Kiến trúc ngôi Chùa sao cho có nét vừa là ngôi Chùa Phật Giáo, vừa có nét văn hóa Việt Nam, thể hiện hài hòa hai đặc tính này đã nói lên trọn ý nghĩa văn hóa của người Việt Tỵ Nạn nơi đây.

Dù là một lần tình cờ, nhưng dưới mái nhà ngôi Chùa mới này, tôi đã bắt gặp nhiều khuôn mặt quen thuộc, từ những đồng hương thân thương của tôi ở lớp  tuổi 80, đến những công nhân trẻ hơn mà khi gặp nhau ở Hòa Lan thời mới đến còn ở độ tuổi khoảng trên 20, những chàng trai ngày đó cao ráo trẻ trung năng nổ, đến hôm nay cũng đã vào khoảng trên 50, họ đến tiếp một tay cho những công tác xây cất ngôi Chùa mới. Thật vậy, ban tổ chức xây chùa chỉ nặng tiền vốn bỏ ra mua vật liệu, xây cất khung sườn nền móng ban đầu, còn những công tác phụ thuộc như làm nền, sơn, đánh bóng, trang trí ngoài và trong thì do các tình nguyện viên đến làm công quả cho Chùa vào các ngày cuối tuần. Thế mới biết lòng thành tâm của những người con Phật. Họ không quản ngại nắng mưa, khó nhọc và vất vả.

Ngôi Chùa mới khang trang của người Phật Tử Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan đã thành hình, một hoài bão đã có từ lâu. Từ những ngày đầu lưu lạc mỗi lần phải tổ chức lễ ở các địa phương, đến khi mua được một trang trại cũ ở Nederhorst den Berg. Nhưng chật hẹp, không đủ chỗ cho đồng bào Phật tử đổ về mỗi kỳ lễ, vì cả xứ hiền hòa đất thấp Hòa Lan mới có một nơi lễ Phật, mà đồng đạo thì ở khắp mọi nơi trong đất nước này, khi họ đến thì thường bằng xe hơi và có chở thêm cả gia đình.

Ngôi Chùa mới rộng rãi khang trang có nhiều bãi để đậu xe, lại cạnh bên là ga xe lửa rất thuận tiện cho những người cao niên, khi con cái bị ngăn trở việc làm không đi Chùa được, thì cha mẹ, ông bà có thể dùng phương tiện công cộng để đến Chùa vào những ngày lễ Phật. Một địa điểm thật lý tưởng nơi xứ sở hiền hòa này.

 

Bùi Văn Đỗ

 


Cái Đình - 2015