Quảng Phúc


Ngôi chùa trên quê hương mới

Với niềm mong mỏi tìm tự do, người Việt chúng ta đã ngậm ngùi bỏ nước ra đi, để lại biết bao người thân và bạn hữu, bỏ lại sau lưng cả vùng trời kỷ niệm với lũy tre làng xanh ngát, với tiếng ru ầu ơ giữa buổi trưa hè hay tiếng chuông chùa ngân vang trong buổi hoàng hôn.

May mắn thay chúng ta đã tìm được bến bờ tự do, chúng ta đã được cứu vớt trên biển Ðông và được đến định cư trên một đất nước thanh bình và tự do thật sự. Tuy nhiên, khởi đầu nào mà chẳng khó khăn, càng khó khăn hơn nữa khi bên ta không một trợ lực tinh thần để nương tựa.

Ngay sau khi đến định cư tại đất nước Hòa Lan, người Phật tử Việt Nam cảm nhận họ đã mất đi một niềm vui tinh thần quý báu, đó là được thường xuyên đến chùa lễ Phật. Niềm ao ước có một ngôi chùa đã là một thôi thúc lớn trong những tháng ngày đầu tiên nơi đất lạ quê người.

Như có duyên lành, trong những tháng ngày đầu tiên đó, các Phật Tử đã được gặp gỡ vị thầy khả kính Thích Minh Tâm, trụ trì chùa Khánh Anh, Pháp Quốc và thầy Thích Như Ðiển, trụ trì chùa Viên Giác, Đức Quốc. Các thầy đã thường xuyên lui tới thị xã Hoorn để thăm hỏi và hướng dẫn đời sống tinh thần các Phật tử tại đây.

Khởi đầu, các buổi lễ được tổ chức tại tư gia một Phật tử thuần thành. Dần dà số lượng tham dự ngày càng đông, các buổi lễ được luân phiên tổ chức tại các địa phương để đồng hương trên toàn đất nước Hòa Lan có dịp tham dự.

Ngày 13-8-1983 Ðại Lễ Vu Lan đầu tiên, nơi vùng đất mới Hòa Lan, được trang trọng tổ chức tại thị xã Hoorn dưới sự chứng minh của sư ông Thích Minh Tâm.

Ðại Lễ Phật Ðản năm 1985 tại Hòa Lan

Ðể đáp ứng nguyện vọng của hàng Phật tử sinh sống tại Hòa Lan, sư ông Thích Minh Tâm đã tạm thời cử thầy Thích Thiện Huệ từ chùa Khánh Anh qua Hòa Lan để hướng dẫn đời sống tinh thần cho những người con Phật cũng như gây dựng nền móng Phật sự tại đây.

Qua sự vận động của thầy Thích Thiện Huệ, các ban liên lạc Phật giáo đã được thành hình tại các điạ phương. Ngày 25 tháng 2 năm 1984, lễ Cầu An đầu năm được tổ chức tại thị xã Enkhuizen. Ðại lễ này đã đánh dấu sự chuyển mình của Phật giáo Việt Nam tại Hòa Lan qua sự thành lập Ban Quản Trị Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan. Và ngày 3 tháng 4 năm 1985, Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan chính thức đăng ký hoạt động với danh xưng Stichting Vietnamese Boeddhistische Samenwerking in Nederland.

Niệm Phật Ðường Niệm Phật Hoorn

Việc quan trọng đầu tiên của Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan là nỗ lực vận động chính phủ Hòa Lan chấp thuận cho một vị thầy đến định cư tại Hòa Lan để trực tiếp hướng dẫn đạo pháp cho những người con Phật. Ước vọng đó đã được chính phủ Hòa Lan đáp ứng và tháng 8 năm 1986, thầy Thích Minh Giác từ trại tỵ nạn Thái Lan được chấp thuận đến định cư tại Hòa Lan.

Niệm Phật Ðường Niệm Phật Hoorn

Ngay khi đến Hòa Lan, thầy Thích Minh Giác đã nhận trách nhiệm hướng dẫn và lãnh đạo tinh thần toàn thể Phật tử tại đây. Và ngôi Niệm Phật Đường đầu tiên đã thành hình tại thị xã Hoorn. Dưới sự hướng dẫn của thầy Thích Minh Giác, và sau đó từ tháng 1 năm 1991 thêm thầy Thích Thông Trí, Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan đã thường xuyên tụ tập về ngôi Niệm Phật Ðường, theo câu kinh, nhịp mõ, cùng nhau học hỏi giáo lý đức Phật.

Chùa Vạn Hạnh Nederhorst den Berg

Nhưng niềm thao thức mong chờ của người Phật tử không dừng lại ở đó. Mặc dù mới chập chững xây dựng lại cuộc sống trên quê hương mới, mặc dù còn nhiều khó khăn và công việc làm chưa ổn định, nhưng người con Phật tại Hòa Lan đã chắt chiu từng đồng suốt nhiều năm dài kiên trì và thành tâm cúng dường chư Phật chỉ với một niềm ao ước lớn lao là tạo được một ngôi chùa để có nơi lui tới lễ bái, tu học.

Nhờ sự thành tâm của toàn thể Phật tử tại Hòa Lan, Hội Phật Giáo Viêt Nam tại Hòa Lan đã có khả năng mua một trang trại tại vùng Nederhorst den Berg, và tháng Giêng năm 1993 ngôi Chùa Vạn Hạnh đã thành hình.

Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan đã bỏ ra biết bao công sức biến cải một ngôi nhà bình thường thành một ngôi chùa trang nghiêm ấm cúng,biến đổi một khu vườn hoang sơ trở thành một "vườn Lâm Tì Ni" cho hàng Phật Tử khắp nơi lui tới. Tất cả những đóng góp này trong những năm tháng đầu tiên nơi quê hương mới, thật hiếm quý. Ngôi chùa đã trở thành mái ấm gia đình, nơi tu học, nơi giữ gìn tâm hồn và truyền thống Việt Nam.

Sinh hoạt Gia Ðình Phật Tử Chánh Tín

Ngoài việc tổ chức các buổi đại lễ như Tết Nguyên Ðán, Phật Ðản, Vu Lan, Rằm tháng mười, nhiều sinh hoạt thường xuyên của Hội Phật Giáo như sinh hoạt của nhóm Thực Tập Chánh Niệm, của nhóm Thọ Bát Quan Trai đã được rất nhiều Phật tử hưởng ứng. Thêm vào đó, các khóa tu học Phật pháp được tổ chức hàng năm để Phật tử có dịp cùng nhau học hỏi và trau dồi giáo lý Ðức Phật. Nhưng đông đảo và nổi bật nhất là sinh hoạt của Gia Ðình Phật Tử, với ý hướng đem tri thức Phật Giáo đến với tuổi trẻ, hướng dẫn giới thanh thiếu niên thành những con người chân chính hầu góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp và lành mạnh theo tinh thần Phật giáo.

Chùa Vạn Hạnh Almere

Với nhu cầu phát triển sinh hoạt, cộng thêm số lượng Phật tử và đồng hương tham dự các ngày lễ tết càng ngày càng đông, ngôi chùa Vạn Hạnh tại Nederhorst den Berg trở nên quá chật hẹp, không đủ điều kiện cho Phật tử sinh hoạt hay hội tụ vào những ngày đại lễ.

Niềm ao ước có một ngôi chùa mới với sắc thái Việt Nam lại bàng bạc trong tâm tư người Phật tử. Với tâm thành mong muốn có một nơi tu học rộng rãi, một nơi thờ tự trang nghiêm, Phật tử và đồng hương đã phát nguyện cúng dường hoặc cho mượn để Hội có khả năng tìm mua một nơi khả dĩ có thể xây dựng ngôi chùa mới rộng rãi và khang trang hơn.

May mắn thay, trong giai đoạn đó, thị xã Almere có một khu đất thích hợp cho việc xây dựng ngôi chùa Việt Nam. Sau nhiều cuộc tiếp xúc, nhiều vận động, Hội đồng thị xã  Almere đã chấp thuận kế hoạch của Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan và cho phép Hội được xây dựng một ngôi chùa Việt Nam tại thị xã này.

Ngày 12 tháng 12 năm 2012 là một ngày đáng ghi nhớ cho toàn thể Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan. Ðó là ngày Lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Chùa Vạn Hạnh mới. Dù thời tiết mùa đông giá buốt, hàng trăm Phật tử, đồng hương và quan khách từ khắp nơi đã tụ họp về vùng đất Almere để chứng kiến giây phút quan trọng đầu tiên này. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức Phật Giáo dưới sự chủ trì của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, cố chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu.

Lễ đặt viên đá đầu tiên xây chùa Vạn Hạnh tại Almere

Song song với việc xây cất của nhà thầu Hòa Lan, Hội Phật Giáo đã thành lập Ban Xây Cất để tự mình hoàn thành một số việc nhằm mục đích tiết giảm kinh phí. Có đến đây, bạn mới cảm nhận được sự tâm thành cùng sự hy sinh tận tụy của các anh chị em Phật tử khi dùng những ngày nghĩ cuối tuần về Chùa làm công quả. Thêm nữa, các bác, các cô, các chị đã bỏ những ngày cuối tuần quý giá, về đây nấu những bữa cơm ngon để mọi ngưòi yên tâm làm công quả. Một bức tranh tuyệt mỹ; không có hình ảnh nào đẹp hơn.

Giờ đây đứng trước ngôi chùa Vạn Hạnh đã hoàn thành, chúng ta không thể không nhớ tới những đóng góp bền bỉ tài chánh của Phật tử khắp nơi để tạo dựng ngôi chùa thân yêu này. Chúng ta cũng không quên những đóng góp công sức vô vị lợi mà các anh chị em Phật tử đã bỏ ra trong thời gian qua. Nhìn mái Chùa thân yêu với nét kiến trúc đầy sắc thái Việt Nam, nhìn ngôi Tam Bảo, một hình ảnh của quê hương yêu dấu trên xứ người, lòng người không khỏi bồi hồi xúc động.

Chùa Vạn Hạnh sẽ là mái ấm quê hương, là nơi duy trì và phát triển giáo lý đức Phật, là điểm hội tụ của hàng Phật tử tại Hòa Lan trong cuộc sống ly hương nơi đất khách. Toàn thể Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan có thể tự hào họ đã góp một phần không nhỏ cho sự hình thành và phát triển Phật Giáo tại vương quốc Hòa Lan này.

Quảng Phúc

 


Cái Đình - 2015