Topa


Ngày Chúa Nhật tuyệt vời.

 

Theo thông lệ như từ sáu năm qua, đầu tháng năm năm nay, năm  2019 người đến dự Thánh Lễ tưởng nhớ ngày 30.04 tại Thánh đường Sint Antoniuskerk có hẹn với Linh Mục Nguyễn Đức Minh là, sẽ về tham dự Thánh Lễ Mừng Kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và PhaoLô vào ngày 14.07.2019. (Để độc giả không phải là người Công giáo muốn biết thêm, tôi xin vắn tắt về hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô như sau: Thánh Tông đồ Phêrô là trưởng trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trực tiếp trao quyền cai quản Hội Thánh. Ngài là con trai của Giona và là anh em ruột của Anrê  – một vị thánh khác trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu. Ngài là Đức Giáo Hoàng tiên khởi của Hội Thánh.

Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. Tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng Saolô sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài từng bách hại đạo Công Giáo nhưng sau đó đã trở lại đạo và chịu Tử Vì Đạo bằng cách chém đầu dưới thời Hoàng đế Nê-Rô. Ngài được an táng gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô.).

Linh Mục An-rê Đỗ Xuân Quế viết: “Ngày Chúa Nhật tức Ngày của Chúa, tức là ngày thứ nhất trong tuần, ngày rất quen thuộc và mật thiết với người Công Giáo. Không người Công Giáo nào còn xa lạ với ngày này và quên được bổn phận của mình trong ngày đó, trừ ra đã bỏ đạo hay “khô khan nguội lạnh”…

Do vậy mà chúng tôi, những người Công Giáo Việt Nam đang tạm cư tại Vương Quốc Hòa Lan đã tề tựu về Thánh đường Sint Antoniuskerk Waalwijk, xứ Antoniuskerk thuộc địa phận Den Bosch, để tham dự Thánh Lễ do Linh Mục Nguyễn Đức Minh chủ tế như đã hẹn. Tuy đang là mùa nghỉ hè nhưng cũng quy tụ được khoảng một trăm bảy mươi người.

Sáu năm trước tôi đến với Linh Mục Nguyễn Đức Minh khi lần đầu tiên ngài tổ chức buổi Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày Chúa Nhật cuối tháng mười năm 2013. Năm đó Linh Mục Nguyễn Đức Minh mới hơn năm mươi tuổi nhưng ngài đã nổi tiếng là vị Linh Mục hoạt động không thời gian để chống lại những bất công mà nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã, và vẫn đang làm với đồng bào trên quê hương Việt Nam thân yêu.

Thánh đường Sint Antoniuskerk cách nhà tôi khoảng một trăm hai mươi cây số - khoảng cách không xa và cũng không gần - Năm đó khi được tin tôi rất vui mừng và hăng hái đi tham dự. Tôi vui mừng vì biết đây là lần đầu tiên tại Hòa Lan có buổi tưởng niệm vị Tổng Thống Anh Minh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Tôi hăng hái bởi tôi cũng muốn biết những người tổ chức gồm những người như thế nào, và, có bao nhiêu người đến tham dự.

Vì là buổi tưởng niệm đầu tiên nên chỉ có khoảng vài ba chục người đến tham dự. Nhưng, buổi lễ đã diễn ra thật trang nghiêm và cảm động bởi những hình ảnh mà Linh Mục Nguyễn Đức Minh trình chiếu trên màn ảnh đã làm cho những người tham dự vô cùng thương tiếc vị Tổng Thống đã xây dựng được một miền Nam Việt Nam an ninh - hạnh phúc - phú cường… chỉ trong một thời gian ngắn vài năm. Miền Nam Việt Nam ngày đó thật thanh bình. Cuộc sống của đồng bào từ con sông Bến Hải đến tận mũi Cà Mau được an cư - sung túc và hoàn toàn có tự do. Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng đã hoàn thành xuất sắc việc định cư và tạo công ăn việc làm cho gần một triệu đồng bào miền Bắc trốn chạy bọn cộng sản khát máu do Hồ Chí Minh lãnh đạo,trong khi miền Nam Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc khó khăn chưa giải quyết xong.

Phụ giúp Linh Mục Nguyễn Đức Minh để nói về sự khác biệt giữa chính thể miền Nam tự do và sung túc với miền Bắc cộng sản đói nghèo - lạc hậu và độc tài là, một người được sinh ra và lớn lên từ miền Bắc rất nổi tiếng. Đó là Linh Mục Nguyễn Văn Khải. Linh Mục Khải đã thao thao thuyết trình hơn tiếng đồng hồ nhưng không hề biết mệt mỏi. Ngài nói rất hấp dẫn cùng những dẫn chứng xác thật để cho mọi người hiểu về những thủ đoạn của nhà cầm quyền miền Bắc; làm cho mọi người lắng nghe đến say mê.

Việc làm của hai vị Linh Mục đã cho những người tham dự hiểu biết thêm về những gì mà cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã làm được trong chín năm cầm quyền. Cũng từ đó mà con cháu của những người tham dự sẽ biết rõ bộ mặt thật của Hồ Chí Minh chỉ là người gian xảo, vô ơn và dâm đãng…

Sáu năm qua Linh Mục Nguyễn Đức Minh vẫn tổ chức đều đặn mỗi năm ba ngày. Ngày 30.04 để tưởng nhớ quê hương và cầu nguyện cho những người lính đã bỏ mình vì bảo vệ quê hương. Cầu nguyện cho đồng bào đã không may phải bỏ mình trên đường vượt thoát tìm tự do. Tháng bảy lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và PhaoLô. Cuối tháng mười Lễ Giỗ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Trong sáu năm qua tôi và gia đình vẫn đến tham dự vào tháng tư và tháng mười. Nhưng, năm nay ngày 14.07.2019  lần đầu tiên tôi và gia đình tham dự Thánh Lễ Mừng Kính hai Thánh Tông Đồ.

Tháng bảy là tháng hè. Cũng vì là tháng hè nên Cha Minh có tổ chức bữa tiệc ngoài trời với món barbecue và rất nhiều những món ăn của quê hương do các anh chị em tham dự đóng góp. Ngoài rất nhiều món ăn ngon còn có các loại lon nước ngọt, bia chai và bia lon nữa. (Viết đến đây tôi chợt nhớ đến khuôn mặt của bà Ninh Thị Thu… LON  quá. Bà LON (Hương) chỉ xứng đáng giữ chức Cục Trưởng cục… phân thôi”. À! Nếu ai muốn uống rượu chát Pháp thì cứ ngồi tại chỗ vì có anh Hướng cầm chai rượu đi mời… Không ai phải sợ mất phần cả. Bữa tiệc barbecue phải nói là hoàn hảo và rất vui. Giúp vui bữa tiệc cho thêm phần sôi động có ban nhạc SAMBAL phụ trách cùng với nhóm Anh Em Kết Nghĩa. Ban nhạc chơi thật hay với những bản tình ca và hùng ca của một thời chinh chiến chống giặc cướp xâm lăng Hà Nội trên quê hương ngày trước nên đã làm mọi ngưòi hồi tưởng về một thuở hoa niên ngày cũ.

Buổi tiệc đang tiếp diễn thì có những anh em trong “nhóm vinh danh cờ vàng” đến tham dự. Anh em này sẽ tham gia đi bộ bốn ngày do Hòa Lan tổ chức vào ngày thứ ba 16.07.2019. Theo tin từ một người bạn cho biết thì: Mấy năm sau này có ông bà người Hòa Lan cũng đi theo, cầm cờ VNCH, quyên tiền cho thương phế binh VNCH, chung với anh em anh Bá con ông Son ở Nijmegen.

(Tôi để “nhóm vinh danh cờ vàng” trong ngoặc kép là vì: Nhóm là từ để chỉ một tổ chức với số ít người mà đôi khi với những ý không đẹp như: nhóm phản loạn, nhóm du đảng, nhóm ăn cướp, nhóm Việt Cộng khủng bố… vân vân. Không ai gọi những tổ chức đó là Hội. Vì vậy tôi muốn gọi những người anh em đó trong Hội. Hội Vinh Danh Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa!

Hòa Lan có khoảng trên hai mươi ngàn người Việt Nam tỵ nạn… khi bỏ nước ra đi là cũng vì lá cờ Tổ Quốc bị bức tử. Hội Vinh Danh Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa có thể cũng sẽ có ít người thôi bởi rất nhiều lý do. Nhưng, tự thâm tâm họ thì không ai muốn chối bỏ lá Quốc Kỳ đó cả.

Tôi không thich gọi cờ vàng mà gọi là cờ Việt Nam Cộng Hòa. Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa không thể sánh ngang với lá cờ đỏ là cờ của bọn giặc cướp cộng sản Hà Nội; cũng như cờ đen của bọn giặc cướp Lưu Vĩnh Phúc . Thật chí lý khi tôi đọc được bài của tác giả Bùi Bích Hà đã đăng trên www.caidinh.com  những lời như sau : “…Vì ai mà lá cờ tổ quốc bị gọi vắn tắt là “cờ vàng,” thường khiến bỉ nhân tôi cảm thấy buồn bã vì lá cờ rất linh thiêng và cao trọng với riêng mình, lại bị xếp ngang hàng với “cờ đỏ” của Cộng Sản, thậm chí “cờ đen,” “cờ vàng” của bè lũ tướng giặc đuôi sam như Lưu Vĩnh Phúc trong những trang sử tối tăm không ai muốn nhớ (*).

Xin hãy trả lại địa vị đúng nhất của lá cờ tổ quốc Việt Nam từng lẫm liệt trường tồn qua bao nhiêu lớp sóng phế hưng trên kỳ đài Ngọ Môn, Hoàng Thành Huế; từng oai hùng tung gió trên cổ thành Quảng Trị và nhiều chiến trường oanh liệt khác trong quân sử của một quân đội lừng lẫy chiến công trước khi bị thời thế xoay chiều bức tử.

Xin hãy lấy chút thời gian viết đủ, gọi đủ danh xưng của lá cờ tổ quốc hay cờ Việt Nam Cộng Hòa, là biểu tượng được suy tôn của một đất nước có lãnh thổ, có lịch sử, có thể chế, có quân đội và dân tộc thống nhất, có tên chính thức trên bản đồ thế giới nay tạm thời bị bạo quyền Cộng Sản xâm chiếm nhưng không vì thế mà bị xóa tên. Mong lắm thay!”

Cuộc vui nào rồi cũng tàn! Cuộc họp (mặt) nào rồi cũng tan! Chỉ có tình thương yêu thật sự với nhau là mãi mãi không tàn và cũng không bao giờ tan. Khi chia tay Cha Minh còn dặn: “Nhớ cuối tháng mười nhé. Cuối tháng mười về đây để tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhé. Lần này cũng có Cha Khải đến nói chuyện đấy”.

Tôi tin hình ảnh Cha Minh, Cha Khải sẽ mãi mãi ngự trong tim những người Việt yêu Chúa yêu Quê Hương và yêu Đồng Bào!

/

Topa (Hòa Lan)
16.07.2019

 


Cái Đình - 2019