Thanh Tâm


Khánh thành Tượng đài Thuyền nhân – Hòa Lan

.

Almere, 30-04-2016. Hòa Lan còn đang chìm trong cơn rét bất thường nhưng trong sân chùa Vạn Hạnh vào lúc 10 giờ rưỡi (nửa giờ trước giờ khai mạc) đã có khá đông người đến tham dự lễ khánh thành Tượng đài Thuyền nhân. Suốt nhiều năm chờ đợi và gần ba năm vận động tích cực của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân, giờ phút long trọng sắp điểm. Tính đến giờ phút này, thuyền nhân đầu tiên đã sống trên đất Hòa Lan đúng 39 năm rưỡi! Hòa Lan đã bắt đầu có thế hệ thứ 3 của người Việt tị nạn.

Chùa Vạn Hạnh đã đáp ứng lời kêu gọi thực hiện tượng đài qua việc nhường cho một lô đất rộng rãi nằm trong khuôn viên chùa. Để giữ sự độc lập, phần đất này sẽ được kiến trúc sao cho những người đến chiêm ngưỡng tượng đài không cần phải đi qua chùa.

Đặc biệt trong ngày này có sự hiện diện của khoảng mười người Hòa Lan, những người từng là thành viên thủy thủ đoàn của Nedlloyd, Smit-Lloyd…, những hãng tàu đã vớt người trên biển Đông trong thập niên ’70 - ’80. Cùng với thị trưởng Almere, đại diện Bộ Ngoại Giao Hòa Lan, đại diện Quỹ Prins Bernard Cultuurfonds, các vị lãnh đạo tinh thần…, những người khách danh dự này, sau lời mở đầu của anh đại diện ỦBVĐXDTĐ Trần Quang Ánh, đã được mời lên vị trí hàng đầu chủ tọa buổi lễ.


Một số người Hòa Lan đã từng ra tay cứu giúp thuyền nhân trên biển (trái) và anh Trần Quang Ánh với lời mở đầu (phải)

Điều hợp chương trình là anh Trần Đức Thành.

Sau nghi thức chào cờ, hát quốc ca, mặc niệm và lễ bàn thờ tổ quốc, ông Ngô Thụy Chương đã đọc bài văn tế thuyền nhân. Tiếp theo, các vị khách danh dự đã cùng cắt băng khánh thành tượng đài. 

Bà Lia Krol (1), người vẽ kiểu và thực hiện bức tượng tiếp đó đã giải thích ý nghĩa: con tàu rỉ sét bị mất phần đuôi tượng trưng cho một nửa còn ở lại quê nhà hay đã nằm dưới biển, chiếc thang dây với hai móc đưa lên trời – chiếc cầu đã cứu mạng hàng ngàn thuyền nhân – là biểu tượng của niềm hy vọng đã thành hiện thực. Suối nước chảy cuộn tượng trưng cho những đợt sóng biển, còn khối đá cũ rêu phong mang ý nghĩa một quá trình phải trải qua rất lâu mới xong tượng đài v.v…

Trên đường vượt biên vượt biển, hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình trên biển, trong rừng. Rồi trên đất tạm dung, nhiều người cũng đã nằm xuống. Trong phần nghi lễ tôn giáo, Thượng tọa Thích Minh Giác, Thượng tọa Thích Thông Trí và Thầy Ananda đã cùng Ban Hộ Niệm chùa Vạn Hạnh đọc kinh cầu siêu cho những người này và cầu an cho những ai còn sống.

Sau đó, các vị Linh mục Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Đức Minh, Tạ Kim Thanh Bình, một vị linh mục người Hòa Lan và một dì phước từ Hoa Kỳ tình cờ có mặt trong chuyến thăm viếng gia đình ở Hòa Lan đã cùng ca đoàn đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và hát thánh ca.

Ông Thị trưởng Almere (Franc Weerwind) đã đọc bài phát biểu, trong đó ông nói đến cộng đồng người Việt ở Almere. Được biết trong thị xã này có hơn 800 người Việt đang sinh sống, và người Việt đã góp phần không nhỏ cho xã hội Hòa Lan trong thị xã.


Thị trưởng Almere, Franc Weerwind (trái) và ông Jan de Boer, cựu hoa tiêu Smit-Lloyd 14 (phải) với bài phát biểu

Tiếp theo, ông Jan de Boer, hoa tiêu tàu Smit-Lloyd 14 trong giai đoạn tàu này vớt hơn 400 người Việt ở Biển Đông đã kể lại vài kỷ niệm thời đó, và mọi người giờ đây mới biết là Smit-Lloyd trong thời gian này đã phải thay thuyền trưởng sau mỗi lần tàu vớt người (với Smit-Lloyd 14 tổng cộng có 4 lần thay thuyền trưởng), vì – theo lời ông kể – để tránh phiền phức với chính phủ Việt Nam.

Em Nguyễn Phi Yến đã bày tỏ cảm tưởng của thế hệ thứ 2 về bước đi của những bậc cha mẹ anh chị trong quãng đường xây dựng cuộc đời mới ở Hòa Lan.

Sau cùng, bà Nguyễn Thị Như Tuyết, chủ tịch ỦBVĐXDTĐTN, đã đọc lời cảm tạ các hội đoàn, cá nhân đã đóng góp cho công trình và các quan khách. Tượng đài sẽ được trao lại cho Cộng Đồng VNTNCS/HL tiếp tục công cuộc bảo trì. Chấm dứt buổi lễ là phần tiếp tân với những món ăn chay do chùa Vạn Hạnh đảm trách. Quan khách cũng có thể xem phần triển lãm hình ảnh thuyền nhân đặt trong chùa.

Được biết công trình xây dựng tượng đài (ngoài phần đất do chùa Vạn Hạnh hiến tặng) có kinh phí gần 50.000 euro. Một số người ao ước là sau khi có tượng đài, nên có thêm một “Văn Khố Thuyền Nhân” nhằm lưu giữ những tài liệu về người vượt biển.

Buổi lễ đã thu hút được khoảng 400 người tham dự, chưa đạt một nửa con số mà ban tổ chức đã dự trù. Ở Hòa Lan có tổng cộng hơn 18 ngàn người Việt, trong số này có khoảng 7.500 là thuyền nhân.

Tôi ghi nhận được ý kiến của 2 em thuộc thế hệ thứ 2 khi được hỏi về cảm nghĩ chung, là “het is vreemd”, và “dat klopt niet”, chứng tỏ các em cũng ngạc nhiên về sự vắng mặt của nhiều người trong thế hệ thứ nhất. Tuy nhiên, tôi hiểu tâm tình của họ: ngoài những lý do về tuổi tác, sức khỏe, thời gian đã làm phai mờ kỷ niệm, hay có những người không muốn nhắc đến những ngày đó, còn một lý do khác: trong thời đại này, đi dự một buổi lễ chỉ có những vị chức sắc đọc diễn văn không còn là điều khiến họ phải náo nức hăng hái rời nhà. Nếu muốn, chỉ một vài ngày sau họ có thể xem lại toàn bộ trên YouTube!!!

 

Thanh Tâm

__________

Xem bài tường thuật tại chỗ do Tường An, phóng viên đài truyền hình SBTN (Hoa Kỳ) thực hiện

(1) Lia Krol theo học tại Học Viện Hoàng Gia về Nghệ Thuật và Tạo Hình (Koninklijke Academie voor Kunst en Vormgeving) tại Den Bosch. Tuy nhiên, sau 4 năm bà đã quyết định đi theo con đường tự mình định và theo hướng điêu khắc các công trình tưởng niệm. Bà cũng có khiếu về hội họa. Sở trường của bà là những bức tượng bằng đồng theo trường phái cổ điển mà bà thực hiện cho những buổi triển lãm hay theo sự yêu cầu của khách hàng. Nhiều cơ sở lớn đã đặt bà thực hiện công trình điêu khắc cho họ như thị xã Buren, thị xã Veenendaal, Bộ Quốc Phòng, Bộ Canh Nông, SER, các cơ quan truyền thông EO, TROS, RVU, MTV,  Endemol producties, các cơ sở lớn như WIBRA, UNIVE, Rotterdam Airport, BVR-Group, Wim Bosman, Medisch Centrum Scheveningen, RaboBank, KLM… Lia Krol hiện sống ở Erichem.

 


Cái Đình - 2016