Cái Đình


Hội thảo về nhân quyền Việt Nam, 07.12.2014

Ban Thường Vụ CĐ nhiệm kỳ 2010-2014 và nhiệm kỳ 2014-2018

Chiều ngày 07/12/2014 Cộng Đồng VNTNCS/HL đã tổ chức một buổi sinh hoạt với chủ đề chính là hội thảo về nhân quyền tại Việt Nam tại hội trường ‘t Veerhuis, Nieuwegein.

Trước khi vào chương trình chính, lễ bàn giao giữa Ban Thường Vụ của 2 nhiệm kỳ đã được thực hiện một cách đơn giản qua một bài phát biểu ngắn của bà Nguyễn Thị Như Tuyết, chủ tịch Ủy ban Vận động Bầu cử, và nghi thức trao “ấn tín” (con dấu chính thức) của CĐ cho Ban Thường Vụ mới. CĐVNTNCS/HL là một trong những cộng đồng người Việt hải ngoại có chặng đường sinh hoạt dài nhất (33 năm). Mặc dù trong tình trạng hiện nay việc tìm người gánh vác việc chung có khó khăn, nhưng một số vị nhiệt tâm vẫn thay phiên nhau duy trì tổ chức này. Anh Nguyễn Văn Phước (tân chủ tịch cộng đồng) với nhiệm kỳ mới, là người trong Ban Thường Vụ trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Đi vào chủ đề chính của buổi sinh hoạt, một số đại diện hội đoàn đã phát biểu nhận định về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam hiện nay. Ông Nguyễn Đắc Trung (cựu chủ tịch CĐVNTNCS/HL) và ông Đinh Ngọc Hiển (Việt Tân) nói về những thành quả của việc vận động cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và tầm quan trọng của việc vận động chính giới. Ông Nguyễn Đắc Trung nêu ra trường hợp chị Đỗ thị Minh Hạnh, một nhà tranh đấu trong những phong trào của giới lao động tại Việt Nam phản đối sự bóc lột của các thế lực có quyền có tiền, đã bị kết án tù hơn 4 năm và mới được thả, trong lần cùng với ông đến tiếp xúc với dân biểu Hòa Lan mới đây, cho thấy là người Hòa Lan rất quan tâm đến những chi tiết sống thực về tình trạng nhân quyền, họ đã dành cho chị hai tiếng rưỡi để nghe hết câu chuyện, thay vì 45 phút như dự trù trước đó.

Ông Nguyễn Hiền (nhóm Cái Đình) nhấn mạnh đến sự phức tạp của vấn đề nhân quyền trong bối cảnh toàn cầu hóa và tình trạng kinh tế suy trầm trên toàn thế giới. Trong dịp này ông cũng giới thiệu hai cuốn sách do ông và một số bạn đã dịch trong thời gian qua: “Vinh Quang của sự Phi Lý” (xuất bản năm 2013, tái bản 2014 – Nguyên tác: “Triumph of the Absurb”, tác giả Uwe Siemon-Netto) và “Cưỡi Ngọn Sấm (xuất bản 2014 – Nguyên tác: “Ride the Thunder”, tác giả Richard Botkin). Cả hai tác phẩm đều có nội dung vinh danh những chiến sĩ Quân lực VNCH và đặt lại vấn đề chiến tranh Việt Nam.

Cô Phi Yến, một trong những người tham dự trẻ nhất đã chiếu một slide show về thực trạng xã hội hiện nay tại Việt Nam, do cô thực hiện.

Một khách mời danh dự trong buổi sinh hoạt là luật sư Trần Quốc Hiền. Ông còn có tên trong sinh hoạt là Ba Tam hay Ba Dũng, là một nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông tham gia đấu tranh kêu gọi xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp Việt Nam, đòi thực hiện đa đảng nhân dịp phái đoàn của Mỹ sang Việt Nam dự Hội nghị APEC vào tháng 11 năm 2006. Trước khi bị bắt, ông là giám đốc Công ty Tư vấn luật Sài Gòn. Ông cũng là thành viên của tổ chức hoạt động vì dân chủ, Khối 8406. Ông đã bị xử phạt 5 năm tù. Sau khi được thả ra (năm 2012) và qua thời hạn quản chế, ông vẫn tiếp tục tranh đấu, và liên tục bị đe dọa khiến Hòa Lan đã can thiệp cho ông đến định cư tại quốc gia này (2014). Ông tường trình về một số hoạt động của các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam, tình hình trong nước và hoạt động của một số phong trào đòi tự do, nhân quyền cho Việt Nam.

Trong phần thứ hai, một cuộc hội luận qua Skype với Ông Nguyễn Bắc Truyển, một nhà tranh đấu và bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã được mọi người hăng hái tham gia. Ông Nguyễn Bắc Truyển là thành viên đảng Dân chủ Nhân dân có trụ sở tại hải ngoại vào thời điểm bị bắt năm 2006. Ông có một số bài viết kêu gọi đa nguyên đa đảng, mở rộng dân chủ trước khi bị bắt.

Ông bị mang ra xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” vào năm 2007, với án 4 năm tù giam. Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục tham gia hoạt động đấu tranh dân chủ, gần đây ông điều hành Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo.

Trong cuộc trao đổi với quan khách, ông Truyển đã kể lại những trù dập, đe dọa, bạo hành của nhà cầm quyền Việt Nam, qua những nhóm côn đồ tay sai luôn theo sát ông. Ngay cả lễ cưới của ông cũng bị ngăn trở. Tuy nhiên ông vẫn cố giữ được thông tin về những tù nhân chính trị hiện nay, đang bị tù hay chưa bị tù. Qua những câu hỏi người Việt hải ngoại có thể làm được gì cụ thể, ông cho biết họ có thể quảng bá tin tức, vận động dư luận, hay đơn giản là mang theo (hay gửi cho người khác) những chiếc điện thoại di động không còn dùng nữa khi đi/về Việt Nam, để cho những người đang hoạt động có thêm phương tiện.

Những tiết mục thảo luận trong buổi sinh hoạt được xen kẽ với một số nhạc phẩm gợi tình yêu quê hương và nói lên thực trạng Việt Nam. Buổi sinh hoạt quy tụ được khoảng 30 người.

Cái Đình
(12/2014)

 


Cái Đình - 2014