Nguyễn Hiền


Đêm Dạ vũ Từ thiện của VOICE tại Hòa Lan

.

Một chương trình nhạc hội dạ vũ với mục đích giới thiệu tổ chức VOICE đến người Việt tại Hòa Lan, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ cho một số hoạt động mà VOICE đang thực hiện có liên quan đến người Việt, đã diễn ra tại trung tâm Event Plaza tại Rijswijk ngày 09/03/2018. Đêm nhạc mang chủ đề “OUR VOICE OUR FUTURE” (tiếng nói của chúng ta [là] tương lai của chúng ta).

Tuy nhiên, đây là cách chơi chữ. VOICE ở đây là tên tắt của tổ chức phi lợi nhuận Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment (được cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích dịch là “Sáng kiến Thể hiện Lương tâm Người Việt Hải ngoại”). Tổ chức này được thành lập năm 2006, và theo như tên gọi, theo đuổi mục đích như phương châm của nhà cách mạng Phan Chu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Với người Việt ở Hòa Lan, VOICE là một cái tên hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, hai nhân vật đại diện cho VOICE trong chương trình này là hai khuôn mặt có uy tín và thành tích hoạt động được nhiều người Việt ở Âu châu biết đến qua vai trò dẫn chương trình cho những show đại nhạc hội lớn tại Hoa Kỳ: Luật sư Trịnh Hội (hiện là Chủ tịch Điều hành VOICE) và nhạc sĩ Nam Lộc (thành viên Ban Quản Trị, cố vấn cho VOICE). Sự tò mò muốn biết thêm về VOICE, cộng thêm với một chương trình âm nhạc với các ca sĩ nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ và Pháp, là động lực khiến hơn 300 quan khách đã đến dự tại hội trường trang trí sang trọng mà không mất tiền mua vé vào cửa.

VOICE đang trên đường lưu diễn hơn 2 tuần tại Âu châu. Hòa Lan là trạm thứ tư, sau Oslo (Na Uy), Odense (Đan Mạch) và Berlin (Đức).

Ông Nguyễn Quang Kế với lời giới thiệu VOICE đến khán thính giả

Sau lời phát biểu của ông Nguyễn Quang Kế, chủ tịch CĐVNTNCS/HL, ông Nam Lộc đã trình bày sơ lược về sự hình thành của VOICE, và nói về những mục tiêu hội đang theo đuổi, chương trình hành động v.v… Qua phần này, nhiều người ở Hòa Lan trước kia nghĩ là vấn đề người tị nạn ở các trại Đông Nam Á coi như đã chấm dứt, thì nay được biết là không phải như vậy. Theo lời Nam Lộc, VOICE – ông cho biết là có đại diện tại Phi Luật Tân, Thái Lan và Việt Nam, phỏng đoán con số người Việt trốn sang Thái Lan do bị nhà nước Việt Nam áp bức, hăm dọa, truy lùng… hiện đã lên hơn 1000 người. Các quốc gia thứ ba trước đây từng nhận người Việt định cư do nhân đạo thì nay ngoảnh mặt, chỉ trừ có Canada, vì một số luật lệ nhập cư của quốc gia này vẫn cho phép, và vì tuyệt đại đa số người Việt ở Canada đều có thể tự lập sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, muốn nhập cư thì mỗi cá nhân phải đóng tiền ký quỹ 10.000 đô la ngoài số tiền lập thủ tục khoảng 3 - 4000 đô la, và phải được 5 người đứng bảo trợ.

Nam Lộc và Trịnh Hội nhấn mạnh là buổi vận động ủng hộ này chỉ nhắm vào mục đích giúp cho số người này được định cư càng nhiều (và càng sớm) càng tốt. Hai ông cho biết hiện nay đã thiết lập được hồ sơ xin định cư cho 50 trường hợp. Còn về mục tiêu cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam thông qua thúc đẩy xã hội dân sự và pháp quyền trong nước, một kế hoạch lớn mà VOICE đang dốc tâm làm, thì đã có những cơ quan, chính phủ nhiều quốc gia tài trợ, vì đó là một kế hoạch dài lâu và tốn phí, cần đến sự vận động có tầm mức quốc gia và quốc tế.

Trong cuộc tiếp xúc ngắn với Nam Lộc, ông cho biết thêm là VOICE đã và đang mở những khóa huấn luyện cho các bạn trẻ, gây cho họ có ý thức về xã hội dân sự, về các quyền căn bản của con người, trang bị cho họ kiến thức, từ đó họ có thể tự vẽ ra những hướng tranh đấu đòi hỏi Việt Nam phải thực thi đứng đắn những gì luật lệ do chính nhà nước đặt ra nhưng trên thực tế hiện nay chúng lại được suy diễn và thực hành sai lệch.

Chương trình văn nghệ dạ vũ đã diễn ra sôi động với tài nghệ điêu luyện của ban nhạc Ngô Minh Khánh đến từ Pháp, và nhất là do sự có mặt của hai ca sĩ nổi danh: Diễm Liên và Nguyên Khang, bên cạnh Nguyên Đan (Pháp) và những ca sĩ quen thuộc tại Hòa Lan như Vũ Thủy, Bích Chi, Bình Trường, Như Loan…

Một số nhạc phẩm của nhạc sĩ Việt Khang đã được các ca sĩ này trình bày, rất tiếc nhạc sĩ Việt Khang – người mà khán thính giả Hòa Lan mong chờ – đã không đến được vì không xin được visa. Còn Nam Lộc đã trình bày một ca khúc do ông sáng tác trong thời gian đầu của chuỗi ngày tị nạn, đã đi sâu vào lòng người Việt, “Sài Gòn ơi vĩnh biệt”, được dẫn qua tiếng đệm guitar của Trịnh Hội.

Nam Lộc và Trịnh Hội trong nhạc phẩm “Sài Gòn ơi vĩnh biệt”

VOICE đã giới thiệu hai nhân vật đặc biệt, em Vy Yên, một thực tập sinh của VOICE từ Việt Nam đến, và luật sư Anna Nguyễn ở Úc, một người tích cực trong các hoạt động quảng bá cho VOICE. Hai vị đã có những phát biểu nói rộng thêm cho những hoạt động này, và nói về nhận thức của mình về các tổ chức xã hội dân sự. Nam Lộc và Trịnh Hội cũng phát biểu sự mong mỏi một người nào đó có lòng, sẽ tình nguyện làm đại điện cho VOICE ở Hòa Lan.

Nhạc sĩ Nam Lộc (trái) và Luật sư Trịnh Hội giới thiệu chị Anna Nguyễn và em Vy Yên (phải)

Rất tiếc, ban tổ chức đã không dành ra chút thời giờ cho khán thính giả có cơ hội đặt câu hỏi cho các vị khách để tìm hiểu thêm, thí dụ như về các thành quả cụ thể VOICE đã gặt hái được.

Một buổi nhạc hội từ thiện không thể thiếu màn quyên góp ủng hộ. Ngoài thùng tiền quyên góp, VOICE đã mang theo một số vật phẩm để đấu giá gây quỹ. Trong phần này, ca sĩ Diễm Liên đã dùng tiếng hát của mình  kêu gọi ủng hộ trong toàn gian phòng.

Bức tranh do người Việt ở Thái Lan thêu tay mở màn cho chương trình đấu giá, với giá cuối cùng là 1501 euro,
cộng thêm 1500 euro do một thành viên của VOICE tại Anh quốc bù thêm vào.

Đêm nhạc giới thiệu VOICE được hai công ty chả giò Ty-Le và Thế Vỹ tài trợ phần lớn chi phí. Ngoài ra chùa Vạn Hạnh, ban nhạc Mây Hồng, chi bộ đảng Việt Tân Hòa Lan và một số thiện nguyện viên đã góp công góp của, đạt kết quả mong muốn. Đó là chưa kể công sức chạy đôn chạy đáo khắp nơi lo liệu hết mình của người bạn trẻ đứng tổ chức: Nguyễn Văn Hoàng. Nhưng trên hết, phải kể là giờ đây, khi thấy truyền thông loan tin tức về VOICE, người Việt ở Hòa Lan sẽ có khái niệm VOICE là tổ chức hoạt động cho mục đích nào.

Sau đêm diễn ở Rijswijk, VOICE sẽ tiếp tục chặng đường qua các trạm tại Đức: München, Mönchengladbach và Frankfurt, trước khi trở về Hoa Kỳ.

.

Nguyễn Hiền
(03/2019)


Cái Đình - 2019