Ngô Thụy Chương


Ðo Pht bén rễ như thế nào trên xhoa Tu-Líp?

Cuối năm 2018 vừa qua, một cuộc triển lãm về cuộc đời Ðức Phật được tổ chức tại thành phố Amsterdam. Cuộc triển lãm kéo dài hơn bốn tháng, lôi cuốn đông khách thưởng lãm cùng sự chú ý của giới truyền thông Hòa Lan trên báo chí, truyền thanh, truyền hình.

Không phải bây giờ người Hòa Lan mới biết đến giáo lý nhà Phật, Phật giáo có mặt trên đất nước hoa tu-líp này đã gần hai thế kỷ. Tuy nhiên, trong bốn thập niên qua, Phật giáo mới thực sự hội nhập vào đời sống Hòa Lan một cách rõ ràng. Người bản xứ càng ngày càng lưu tâm và tìm hiểu nhiều hơn. Nhiều tổ chức Phật giáo đã được thành hình. Hai tu sĩ Phật giáo có ảnh hưởng nhiều tại Hòa Lan là Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Lch shình thành và phát trin Pht Giáo ti Hòa Lan

Theo bài viết của ông Jacques den Boer, một nhà khoa học tôn giáo, ký giả và thành viên ban điều hành Hội Thân Hữu Phật Giáo (Stichting Vrienden van het Boeddhisme) trên nhật báo điện tử Phật giáo (Boeddhistich Dagblad) ngày 12-5-2018, lịch sử Phật giáo tại Hòa Lan bắt đầu vào ngày 18-11-1842 và trải qua bốn giai đoạn: Giai đoạn Phiên dịch - Giai đoạn Khai phá - Giai đoạn An định - Giai đoạn Hội nhập và Phát triển.

1- Giai đoạn Phiên dịch (1842 đến cuối Ðệ nhị thế chiến 1945):

Ngày 18-11-1842 được coi là ngày khai sinh Phật giáo tại Hòa Lan, vì ngày đó một tài liệu cũ nhất viết bằng tiếng Hòa Lan về đạo Phật đã được ấn hành. Người viết văn bản này là vị mục sư Tin Lành, Tiến sĩ J.H. Halbertsma. Mục sư Halbertsma đã nhận được nhiều tài liệu về Phật giáo viết bằng tiếng Phạn do học giả Hodgson sống tại Nepal gửi tặng. Mục sư Halbertsma là một chuyên gia ngôn ngữ, lại chú tâm đến chữ Phạn nên rất thích thú khi có được những tài liệu này. Cuốn sách mục sư Halbertsma viết mang tựa đề Het Buddhisme en zijn Stichter (Phật giáo và Người Sáng lập), dầy 75 trang và in 50 bản.

Tại Nepal, học giả Hodgson đã thu thập hàng trăm bài viết về Phật giáo bằng tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng, tiếng Nepal rồi chuyển các tài liệu này đến các nhà ngôn ngữ học tại Âu châu. Nhờ các tài liệu này, học giả người Pháp, ông E. Burnouf năm 1844 đã viết một sưu khảo sâu rộng về đạo Phật với tựa đề Giới thiệu lịch sử Phật Giáo (Introduction à l’histoire du Bouddhisme).

Vài thập niên sau đó, rất nhiều bài viết về Phật giáo được dịch sang tiếng Anh hay tiếng Ðức. Giới lưu tâm Phật giáo người Hòa Lan có thể nghiên cứu những tài liệu này hoặc những tài liệu đã được dịch qua Hòa ngữ.

2- Giai đoạn Khai phá (1945-1975):

Ðây là giai đoạn thực hành. Ở các nước Âu châu như Ðức (1903), Anh (1907) và Pháp (1929) đã xuất hiện những hội đoàn Phật giáo hoạt động.

Tại Hòa Lan, người đi tiên phong trong sinh hoạt Phật giáo là bà Spruitenburgen-Dwars. Năm 1938 bà qua Adyar, Ấn Ðộ. Sau khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt, bà quay trở về Hòa Lan như một Phật tử thuần thành. Ngày 2-1-1949, bà thành lập Nhóm Thân Hữu Phật Giáo Hòa Lan (Nederlands Buddhistische Vriendenkring). Nhóm này được toàn quốc biết đến qua việc mời các tu sĩ Phật giáo thuộc Hiệp Hội Phật giáo Anh quốc (Buddhist Society) qua Amsterdam và Den Haag thuyết giảng.

Ngày thứ bảy mỗi tuần, các thành viên của Nhóm Thân Hữu tụ họp tại căn biệt thự của bà tại Huizen để cùng ngồi thiền, thảo luận những lời dạy của Ðức Phật dựa theo các bài viết trên báo Con đường Trung đạo (The Middle Way) của Hiệp Hội hay tài liệu của báo Phật giáo từ Tích Lan.

Năm 1962, tuổi gần 80 tuổi, bà Spruitenburgen-Dwars trao trách nhiệm dẫn dắt Nhóm cho ông Ernst Verwaal. Ông Verwaal thuộc gia đình Tin Lành và là người lịch thiệp, học thức, có tài ăn nói. Căn nhà của ông Verwaal tại Den Haag đã trở thành nơi sinh hoạt của Nhóm, và tạp chí đầu tiên về Phật giáo “Hội Thoại” (De Samenspraak) được xuất bản tại Hòa Lan trong thời gian này. Nhiều tu sĩ Phật giáo nổi tiếng thế giới ghé đến Hòa Lan như tu sĩ Narada từ Tích Lan, Kosho Otani Roshi từ Nhật Bản và D.T. Suzuki từ Mỹ quốc. Ông Verwaal được biết đến như một Phật tử thuộc trường phái Thiền do viết hai cuốn sách mang quan điểm của ông về Thiền: Oosters bloemschikken, studie in Zen, xuất bản năm 1958 và Wijzen naar de maan, een benadering in Zen, 1964.

Sau Ðệ nhị Thế chiến, Hòa Lan rơi vào giai đoạn giao động với những phong trào nhạc khích động, chống đối thế hệ trước, đòi hòa bình, phản đối chiến tranh, chống chủ nghĩa vật chất v.v... Ðó là thời kỳ của những đổi mới, cả trong lãnh vực tâm linh. Thiền đã thổi vào và đạo Phật Tây Tạng đã nhập cuộc qua sự kiện Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đi lánh nạn cộng sản Trung quốc tại Ấn Ðộ, còn các vị Lạt Ma khác lưu lạc khắp nơi. Nhóm Thân Hữu của ông Verwaal phát triển nhanh chóng.

Thêm nữa, tại Groningen, ông Peter van der Beek cũng tham gia nghiên cứu đạo Phật. Cũng như ông Verwaal, ông Peter van der Beek xuất thân trong một gia đình Tin Lành. Ông đã khám phá ra đạo Phật khi sinh hoạt trong một hội đoàn thanh niên. Ông đọc được cuốn sách của giáo sư đại học H. Kraemer Một thông điệp Thiên Chúa giáo trong mt thế gii không Thiên Chúa giáo. Ông Peter van der Beek đã kể rằng: “Kraemer mô tả đạo Phật như một triết học thực dụng chứ không phải một tôn giáo giáo điều. Ðiều này đã làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn của tôi về thế giới tôn giáo.”

Van der Beek tìm hiểu đạo Phật nhiều hơn nữa qua sách vở hay thư từ trao đổi với các tác giả. Ông liên hệ với ông Jack A. Austin, một Phật tử người Anh, hội viên Hội đoàn Phật giáo Phương Tây (Western Buddhist Order) tại Luân Ðôn. Ngày 3-7-1953, Van der Beek qua Luân Ðôn, đứng trước mặt Austin, tuyên thệ tin tưởng vào “Phật – Pháp – Tăng”. Sau đó ông đi các nơi để thuyết giảng về đạo Phật.

Ngày 8-11-1967, Stichting Nederlands Buddhistisch Centrum chính thức thành lập với 5 sáng lập viên: Van der Beek, L. Boer, J.J.C. Perk, Burno Mertens và V.F. Laterveer. Tất cả 5 sáng lập viên đều xuất thân là hội viên của Nhóm Thân Hữu Phật giáo Hòa Lan và của Hiệp Hội Phật giáo Anh quốc.

Mục đích của Hội là cung cấp thông tin, cố vấn và hổ trợ cho các tổ chức Phật giáo cũng như các Phật tử. Hội này đã hoạt động thành công và mạnh mẽ trong nhiều lãnh vực như ấn hành tạp chí, thuyết trình và tiếp xúc với các nhóm sinh hoạt Phật giáo trên toàn quốc. Theo thống kê của chính phủ Hòa Lan, năm 1971 có 900 người theo đạo Phật.

Năm 1973 là năm cao điểm của Phật giáo tại Hòa Lan với cuộc thăm viếng của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma.

Ðây là cuộc thăm viếng đầu tiên của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đến 11 quốc gia Âu châu. Stichting Nederlands Buddhistisch Centrum được yêu cầu tổ chức nơi nghỉ ngơi cho Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và phái đoàn.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã đọc diễn văn trong một hội trường chật kín người tại Học Viện Hoàng gia Vùng Nhiệt đới (Het Koninklijk Instituut voor de Tropen). Hiện diện trong buổi nói chuyện này có Hoàng thân phụ Bernhard, Hồng Y Alfrink và kỹ sư Frits Philips. Ba ngày thăm viếng của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã là lần giới thiệu đầu tiên về đạo Phật cho toàn nước Hòa Lan. Một cuộc giới thiệu thành công. Báo De Tijd đã viết: “Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã gởi thông điệp Phật giáo đến đất nước chúng ta.”

Một cột mốc nữa trong thời gian này là ngôi chùa Phật giáo xuất hiện tại Waalwijk với hai vị sư Thái Lan trụ trì.

3- An định các tổ chức Phật giáo (1975-1990):

Ðây là giai đoạn của sự giao lưu quốc tế. Giới trẻ theo trào lưu Mỹ bắt đầu du lịch nhiều đến các nước Á châu. Họ gặp gỡ nhiều vị lạt ma, các nhà sư, thiền sư. Ngược lại, nhiều tu sĩ từ Tây Tạng và Nhật Bản đã đến an cư tại Âu châu và Mỹ châu. Cuối năm 1976, một trung tâm Phật Giáo Tây Tạng (Tibetaans Boeddhistische Centrum) ra đời tại Vleuten, Hòa Lan. Vị thầy giảng dạy tại trung tâm này là lạt ma Gawang. Hiện nay vị lạt ma này lưu ngụ tại một ngôi đền có bảo tháp tại Hantum, Friesland.

Năm 1979 học viện nổi tiếng Maitreya Instituut ra đời tại 2 địa điểm: Loenen và Amsterdam.

Từ năm 1969 trung tâm sinh hoạt thanh niên De Kosmos tại Amsterdam biến cải thành Trung tâm Thiền De Kosmos (Meditatiecentrum De Kosmos). Trong nhiều năm, De Kosmos đã là một trọng điểm yểm trợ Phật giáo tại Hòa Lan. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều lần có mặt tại trung tâm này để thuyết giảng Phật pháp.

Năm 1978, tám tổ chức sinh hoạt Phật giáo tại Hòa Lan đồng thành lập một tổ chức mới với tên Boeddhistische Unie Nederland (BUN). Với sự ra đời của BUN, cơ sở hạ tầng của Phật giáo được mở rộng. Cũng trong thời gian này Stichting Nederlands Buddhistisch Centrum đổi tên thành Stichting Vrienden van het Boeddhisme.

Năm 1990, Victor van Gemert Tổng thư ký của Hội Thân Hữu Phật giáo (Stichting Vrienden van het Boeddhisme) đã tổng kết sự tăng trưởng của Phật giáo ở Hòa Lan trong cuốn sách tựa đề Phật giáo tại Hòa Lan (Boeddhisme in Nederland): có 16.600 người tại Hòa Lan theo đạo Phật, gồm bốn nhóm dân tộc Thái, Nhật, Trung hoa và Việt Nam.

4- Hội nhập và phát triển (1990 đến nay):

Năm 1993, hai sự kiện đã đẩy mạnh và cụ thể hóa sự hội nhập của đạo Phật tại Hòa Lan, đó là việc phổ biến báo chí đến đại chúng và các chương trình truyền thanh, truyền hình.

Về mặt báo chí: Hội Thân Hữu Phật giáo trước đây phát hành bản tin “Saddharma” ba tháng một lần và chỉ phổ biến đến các cổ động viên, nay Hội quyết định bản tin trở thành tạp chí và phổ biến đến đại chúng. Qua hình thức này, đạo Phật đã đến tay nhiều người hơn. Tạp chí này càng ngày càng đổi mới, sống động, tạo nên một khuôn mặt sinh động cho đạo Phật.

Về mặt truyền thanh, truyền hình: từ năm 1993, Hội Phật Giáo Hòa Lan (BUN) đã có nhiều vận động để có chương trình truyền thanh, truyền hình. Phải đến tám năm sau, năm 2001 Ðài Phát hình Pht giáo (Boeddhistische Omroep Stichting), gọi tắt là BOS, mới có mặt trên truyền hình Hòa Lan để đưa đạo Phật đến mọi gia đình. Song song đó, chương trình phát thanh Phật giáo cũng bắt đầu hoạt động. Sự hiện diện của chương trình Phật giáo trên truyền thanh, truyền hình mang ý nghĩa một công nhận chính thức về sự hiện diện của đạo Phật trên đất nước này. Theo BOS, có 250.000 người hưởng ứng các chương trình. Ðây là một sự kiện đáng ghi nhận vì năm 1971, Hòa Lan chỉ có 900 người theo đạo Phật. Ðiều này có thể giải thích bằng một vài sự kiện như làn sóng di dân từ các nước khác đến, trong đó phải kể đến làn sóng di dân của các dân tộc Á châu như Trung Hoa, Thái Lan, Việt Nam. Thêm vào đó, khí hậu xã hội hưởng thụ vật chất, tham lam, ích kỷ đã làm thay đổi đời sống tinh thần khiến con người muốn tìm đến sự an lạc cho tâm hồn.

Một sự kiện nữa là thời gian đó, nữ hoàng Beatrix nhiều lần đã tỏ ra chú tâm đến đạo Phật. Năm 1996, trong bài phát biểu Giáng sinh truyền thống hàng năm, nữ hoàng Beatrix đã nói đến sự quan tâm đặc biệt của người Phật tử đến việc chuẩn bị cho giây phút cuối cùng của cuộc đời hầu chế ngự sự sợ hãi và chấp nhận giây phút cuối cùng này.

Năm 2016, trong một đại hội tại thành phố Utrecht, với chủ đề Hòa Bình và sự tham dự của nhiều tôn giáo, nữ hoàng Beatrix – khách danh dự của đại hội – đã dành nhiều thời giờ tiếp xúc với phái đoàn Phật giáo. Nữ hoàng đã lưu tâm và cảm kích khi biết Phật giáo có rất nhiều tông phái nhưng vẫn sống chung một cách tốt đẹp.

Qua những hành động trên, nữ hoàng Beatrix đã mặc nhiên công nhận sự hiện hữu của đạo Phật tại đất nước Hòa Lan. Ðạo Phật đã thực sự hội nhập vào xã hội Hòa Lan.

Hội Pht Giáo Hòa Lan: de Boeddhistische Unie Nederland (BUN):

Hội Phật Giáo Hòa Lan thoát thai từ một tổ chức sinh hoạt Phật giáo với tên gọi Nhóm Thân Hữu Phật giáo Hòa Lan (De Nederlands Buddhistische Vriendenkring). Tổ chức này được thành lập tại Huizen vào năm 1948.

Ngày 8 tháng 11 năm 1967, một tổ chức Phật giáo với danh xưng “Stichting Nederlands Buddhistich Centrum (SNBC) được thành lập. Nhóm Thân Hữu Phật giáo Hòa Lan (De Nederlands Buddhistische Vriendenkring) cũng sát nhập vào SNBC.

Ngày 25 tháng 6 năm 1978, tám nhóm sinh hoạt trong tổ chức SNBC đứng ra thành lập một tổ chức mới lấy tên Hội Phật giáo Hòa Lan (De Boeddhistische Unie Nederland) (BUN).

Năm 1990, hội BUN chính thức ghi danh hoạt động với danh nghĩa một hiệp hội “vereniging”. BUN được sự công nhận của chính phủ Hòa Lan và là tiếng nói chính thức của Phật giáo tại Hòa Lan.

Hiện nay có 45 tổ chức, chùa và tu viện là thành viên của BUN. Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan là thành viên của BUN.

Mặc dù nằm trong một tổ chức, các hội đoàn vẫn có có ban chấp hành riêng, sinh hoạt riêng vì Phật giáo có rất nhiều tông phái: Tây Tạng, Zen, Nam Tông, Bắc Tông v.v.. Tất cả cùng sinh hoạt hài hòa trong lý tưởng phục vụ Ðạo pháp.

Chùa He Hua (Amsterdam), trái - và Chùa Tích Lan (Nederhorst den Berg), phải

Trong số 45 tổ chức sinh hoạt, các cơ sở Phật giáo của người Á châu đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển và phổ biến giáo lý nhà Phật đến người bản xứ. Những cơ sở này bao gồm hai cơ sở của người Tây Tạng, một tại Amsterdam với tên Maitreya Instituut, một tại Hantum, Friesland. Hai ngôi chùa của người Trung Hoa: chùa He Hua tại Amsterdam và chùa Longquan tại Utrecht. Tích Lan có ngôi chùa tại Nederhorst-den-Berg, ngôi chùa này do Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan nhượng lại. Phật tử Việt Nam có chùa Vạn Hạnh tại thành phố Almere. Thái Lan có 3 ngôi chùa. Các ngôi chùa của người Trung Hoa, Tích Lan, Tây Tạng và Việt Nam được xây dựng với nét văn hóa Phật giáo và dân tộc của nước họ. Riêng người Thái Lan thì mua lại các nhà thờ Thiên Chúa giáo để làm nơi lễ bái, tu học. Xin nói thêm, người Việt Nam tại Hòa Lan có thêm một ngôi chùa khác là chùa Linh Sơn tại vùng Oudendijk. Chùa này thành lập cách đây mấy năm và chưa là hội viên của BUN.

Zen River (Nhật Bản) ở Uithuizen (trái) và Phật giáo Thái Lan (Gelderland), phải

Ðóng góp của Phật Giáo Việt Nam trong xã hội Hòa Lan:

Trong thập niên 80, khoảng 10 ngàn thuyền nhân Việt Nam được chính phủ Hòa Lan đón nhận để xây dựng cuộc sống mới trên xứ hoa tu-líp, trong số đó ước lượng 60% theo đạo Phật.

Ở một đất nước mà Phật giáo còn xa lạ, nên người Phật tử tỵ nạn Việt Nam đã tự nắm tay nhau xây dựng nền móng đức tin cho chính mình. Khởi đầu từ một Niệm Phật Ðường trong căn nhà đơn sơ, vài năm sau mua được một trang trại nhỏ và biến đổi thành ngôi chùa đầu tiên cho người Việt tỵ nạn trên xứ Hòa Lan. Sau đó, trong suốt 7 năm qua, người Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan đã tiếp tục chung tay tạo dựng ngôi chùa Vạn Hạnh mới, tọa lạc trên khoảng đất hơn 4 ngàn mẫu tại thị xã Almere, cách Amsterdam 20 km. Chùa Vạn Hạnh là niềm hãnh diện cho toàn thể Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan vì chính họ đã bỏ công sức và tịnh tài xây dựng ngôi chùa này.

Là một ngôi chùa cho người Việt Nam nhưng chùa Vạn Hạnh cũng đã đóng góp trong đời sống sinh hoạt của dân bản xứ. Ðể tạo sự liên hệ tốt đẹp với cư dân quanh vùng, khi ngôi chùa được xây cất xong, chùa Vạn Hạnh đã tổ chức ngày thăm viếng để mời giới chức chính quyền, các tôn giáo bạn, các bạn láng giềng đến thăm viếng và được giới thiệu về các sinh hoạt của chùa.

Chùa Vạn Hạnh – Almere (trái), và Chùa Phật giáo Tây Tạng ở Hantum (phải)

Thật cảm động và tự hào khi nghe vị đại diện chính quyền phát biểu: “Tôi đến đây với lòng kính trọng của riêng tôi cũng như của thị xã Almere mà tôi đại diện để gửi đến quý vị. Tôi sinh ra trong thập niên 50 nên từ bậc Trung học đã được theo dõi và hiểu rõ về cuộc chiến ở Việt Nam. Sau tháng 4 năm 1975, cứ tưởng rằng quý vị sẽ được hưởng một cuộc sống yên bình nơi quê hương quý vị. Nhưng tiếc thay, quý vị đã phải sống dưới một chế độ hà khắc. Do vậy quý vị phải từ bỏ quê hương, ra đi tìm tự do trên những con thuyền nhỏ bé. Kể từ thời gian đó, từ ngữ “thuyền nhân” (boat people) đã xuất hiện. Quý vị đã vượt lên trên mọi nghịch cảnh để tạo dựng cuộc sống mới đầy khó khăn, cũng như tạo dựng ngôi chùa này. Thật đáng khâm phục”.

Chùa Vạn Hạnh cũng là nơi tạo điều kiện để các Phật tử người Hòa Lan có nơi học hỏi giáo pháp Như Lai bằng cách cho phép họ sử dụng chánh điện của chùa để hàng tuần, mỗi tối thứ ba tu tập Thiền.

Thêm nữa, hàng năm chùa Vạn Hanh đón tiếp rất nhiều nhón học sinh Hòa Lan của các trường tiểu học và trung học quanh vùng thăm viếng. Các em học sinh luôn được Thầy trụ trì và các Phật tử Việt Nam đón tiếp. Các em được tập cách lạy Phật, tụng kinh, ngồi thiên và nghe trình bày giáo lý căn bản nhà Phật. Các sinh viên trường đại học khi tìm hiểu về đạo Phật để làm luận án cũng thường xuyên liên lạc với chùa Vạn Hạnh.

Một sự kiện đáng nói là việc chùa Vạn Hạnh đã tạo phương tiện để Phật tử người Tích Lan có nơi sinh hoạt và tu học. Phật tử Tích Lan sinh sống tại Hòa Lan không nhiều nhưng rất mộ đạo. Trong những dịp đại lễ tại chùa Vạn Hạnh như Phật Ðản, Vu Lan họ thường đến tham dự. Trong các dịp tiếp xúc họ đều nói đến ước mơ có một nơi để họ có thể cùng nhau tu học Phật pháp. Thông cảm hoàn cảnh khó khăn đó, chùa Vạn Hạnh quyết định nhường cho các Phật tử Tích Lan cuối tuần thứ ba mỗi tháng được sử dụng miễn phí chùa Vạn Hạnh để sinh hoạt. Nhờ thế họ đã có những sinh hoạt thường xuyên như ý muốn. Khi Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan xây ngôi chùa mới tại thị xã Almere, Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan đã nhượng lại ngôi chùa cũ cho người Tích Lan. Ước mơ của họ đã thành. Họ có chùa, có thầy và có các sinh hoạt tu tập hàng tuần. Sự giao tiếp giữa hai hội Phật giáo Việt Nam và Tích Lan càng ngày càng bền chặt và tốt đẹp.

***

40 năm qua, rất nhiều tổ chức Phật giáo đã bén rễ và trải rộng khắp nước Hòa Lan. Mỗi tổ chức có sinh hoạt riêng, có tu sĩ giảng dạy riêng, có truyền thống riêng. Nhưng tất cả đều hướng về một mục đích cao cả là học theo Giáo pháp Như Lai như lời Ðức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Ðạo Phật phát triển do những áp dụng thực tế vào đời sống và giải quyết được những thắc mắc về con người, xã hội và vũ trụ.

Năm 1990, trong lần thăm viếng Hòa Lan, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã phát biểu: “Ðiều tốt nhất là các bạn hãy lấy ra được những tinh túy của Phật giáo, sau đó bằng sắc thái riêng cộng với hoàn cảnh địa phương, các bạn sẽ có một Phật giáo phương Tây hay một Phật giáo Hòa Lan, một tulpenboeddhisme (Phật giáo tu-líp)”.

.

Ngô Thụy Chương

________

Tài liệu tham khảo:

- Boeddhisme.nl
- Boeddhistischdagblad.nl


Cái Đình - 2019