Cái Đình
“Đặc Biệt Chưa Từng Biết” với “Cặp Bến Utrecht”
Ngày 23/05/2015, Nhóm Việt Nam, trong khuôn khổ kế hoạch “Đặc Biệt Chưa Từng Biết” (Ongekend Bijzonder) đã có một buổi trình bày diễn tiến của kế hoạch.
“ĐBCTB” được phát động từ tháng 10/2013 với mục đích tạo một kho tài liệu lịch sử cận đại dưới dạng “lưu trữ bằng âm thanh và phim”. Những tài liệu này đáp ứng được hai nhu cầu: 1) Bổ túc vào kho tài liệu của thành phố và 2) dưới dạng “sống” thích hợp với nhu cầu tra cứu, tìm hiểu thông tin hiện nay.
“ĐBCTB” nhắm vào những người tị nạn thuốc thế hệ thứ nhất đang sinh sống ở Hòa Lan. 10 sắc dân thuộc 4 thành phố lớn: Amsterdam, Den Haag, Rotterdam, Utrecht, tính luôn những vùng phụ cận được chọn làm mục tiêu thực hiện. Nhóm người Việt tị nạn đang sống trong tỉnh Utrecht đã được chọn làm đối tượng cho những cuộc phỏng vấn.
Kế hoạch này được điều hợp tổng quát bởi Hiệp hội BMP (Stichting Bevordering Maatchappelijke Participatie – Cổ Võ Tham Gia [Hoạt Động] Xã Hội). Những phỏng vấn viên, sau khi được huấn luyện về kỹ thuật phỏng vấn và cách lập hồ sơ, đã được phân xuống từng nhóm để tìm đối tượng phỏng vấn. “Nhóm Việt Nam” được cô Tiffany Pham (Phạm Thị Ngọc Hải – Giám đốc công ty tư vấn Power2me) điều hợp tổ chức, với sự phụ tá của cô Alejandra Peñas. Những cuộc phỏng vấn nhắm vào câu chuyện cuộc đời của cá nhân: từ thân thế, hoàn cảnh sống tại quê hương, diễn tiến quá trình chuyến đi tị nạn và nhất là những gì cá nhân đó đã làm trong cuộc hội nhập vào xã hội Hòa Lan. Tóm lại, đây là một hình thức “sử xã hội” cho người sau có thể biết sự sinh hoạt của các sắc dân tị nạn một cách sống động. Tổng cộng sẽ có khoảng 200 cuộc phỏng vấn các sắc dân tị nạn tiêu biểu.
“Nhóm Việt Nam” đã phỏng vấn được 14 cá nhân trong nhiều lứa tuổi, mỗi cuộc phỏng vấn trung bình kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Trong buổi trình bày diễn tiến, khác hơn những sắc dân khác, “Nhóm Việt Nam” đã chọn hình thức giới thiệu qua việc thực hiện một tập sách dày 80 trang, với tựa đề “Aangemeerd in Utrecht – Bijdragen van Vietnamese Vluchtelingen” (Cặp Bến Utrecht – Những mẩu chuyện của người tị nạn Việt Nam). Cuốn sách là một tập hợp những sáng tác, văn thơ nhạc, những mẩu chuyện trong cuộc đời và cảm nghĩ của một số người Việt tị nạn đang tham gia kế hoạch.
Buổi trình bày của “Nhóm Việt Nam” được tổ chức tại kho lưu trữ của thành phố Utrecht, thu hút gần 100 quan khách tham dự. Ngoài phần tường trình kế hoạch, một số người trong nhóm đã có những bài phát biểu, đọc văn, thơ, trình diễn nhạc…, với sự góp mặt của cặp nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng – Bùi Tố Nga đến từ Delft qua những màn trình tấu nhạc cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt trong bài phân tích về những đợt thuyền nhân từ xưa đến nay, ông Trần Hữu Sơn đã nêu lên sự khác biệt không chối cãi giữa những thuyền nhân Việt Nam và thuyền nhân những nước khác, là làn sóng thuyền nhân Việt Nam xuất hiện khi chiến tranh đã chấm dứt, có nghĩa là không phải người Việt tị nạn vì sợ tai họa do chiến tranh gây ra, mà vì lý do khác: chế độ Cộng Sản hoàn toàn không cho con người có tự do.
Ông Trần Hữu Sơn với bài phân tích về vấn đề thuyền nhân (trái), và ông Đào Quốc Bảo trong mục đọc văn thơ (phải)
Ông Nguyễn Hiền với đề tài so sánh tiếng đệm trong ngôn ngữ HL&VN (trái)
và anh Phạm Văn Tuấn Anh với những kỷ niệm về truyện bằng tranh trong thư viện Utrecht (phải)
Nguyễn Thanh Hùng & Bùi Tố Nga trong tiết mục song tấu nhạc cổ truyền VN (trái) và
Tuấn Trần & Nguyễn Thị Lệ Thùy trong ca khúc "Đêm Chôn Dầu Vượt Biển" (phải)
Những đoạn phim phỏng vấn sẽ được biên tập lại và được lưu trong văn khố của các thành phố lớn. Kho tài liệu này chỉ dành cho những người có nhu cầu nghiên cứu đến tham khảo. Kế hoạch dự trù sẽ kết thúc vào mùa hè 2016.
Toàn bộ kế hoạch mang tầm vóc quốc gia này được tài trợ bởi quỹ thành phố, một số viện bảo tàng và từ nhiều hội đoàn như Fonds 21, UAF, VWN.
Website: http://www.ongekendbijzonder.nl
Cái Đình
(05/2015)
Hình: Đào Quốc Bảo, Nguyễn Hiền & BMP