Phạm Ɖình Lân


Việt Nam Thảo Mộc Thán

.

Tôi xin tự giới thiệu tôi là Trưởng Lão Thảo Mộc Việt Nam. Tôi được sự cho phép và uỷ nhiệm của Trưởng Lão Thảo Mộc Thế Giới để trình bày trước quí vị, Trưởng Lão Thảo Mộc các vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới, đại dương, ôn đới, sa mạc, bán hàn đới và hàn đới về đề tài Việt Nam Thảo Mộc Thán.

Dòng họ thảo mộc chúng tôi ở Việt Nam khá đông đảo. Vì nghèo chúng tôi ít thăm viếng nhau nên dòng họ chúng tôi không được ấm cúng và thân thiện như dòng họ thảo mộc vùng khí hậu ôn đới và Địa Trung Hải nơi hoa, cỏ và cây cối của đại gia đình họ Thảo được ăn uống và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Hàng tuần có người đến hớt tóc, xịt thuốc diệt trừ sâu bọ, côn trùng. Thỉnh thoảng có nhà giải phẫu đến cưa cắt những cánh tay nhiễm trùng của anh chị cây cối cao niên và lâm bịnh.

Loài người đối với chúng tôi mạnh bạo lắm. Hễ gặp họ thì thấy họ cầm dao, cưa, búa, rìu, bào, đục. Họ cưa, chặt, đốn chúng tôi nhất là các lão bối có tuổi thọ từ 70 trở lên. Nhờ thân xác của các lão bối Trắc, Gõ, Cẩm Lai, Giáng Hương, Sao, Lim, Chò Chỉ...mà họ trở nên phát đạt và truyền tụng nhau hai nghề phát đạt nhanh chóng là:

Nhất phá sơn lâm
Nhì đâm hà bá.

Trong rừng nhiệt đới dòng họ chúng tôi sống chen chúc và tương trợ lẫn nhau vào những ngày giông bão. Chúng tôi đùm bọc nhau; cây lớn che cho cây nhỏ và hiến dâng thân xác và nhựa cho các loài dây leo sống và đi tìm ánh sáng. Dây Guồi Willughbeia edulis ra trái. Trái chín rụng xuống gốc mọc ra dây guồi khác bám vào cây to để sống. Anh chị tộc Bứa Garcinia olivera sinh con đẻ cháu gần nhau. Anh chị than rằng cuộc sống khó khăn vì một đại gia đình mà chỉ sống trên một diện tích nhỏ hẹp.

Loài người dùng lửa thiêu đốt cộng đồng thảo mộc chúng tôi không thương tiếc. Có người chặt tay chân dòng họ Thảo chúng tôi rồi đem phơi khô làm củi chụm lửa, nấu nướng thức ăn. Có người lột da dòng họ chúng tôi, bỏ vào lò hầm đắp đất kín mít và nổi lửa đỏ lên hầm đốt họ nhiều ngày liên tiếp khiến họ chết cháy đến không còn nhận ra hình hài ban đầu. Họ gọi thân xác cháy đen của dòng họ Thảo là ‘than’, một chất đốt có giá cao ngoài thị trường.

(http://kenh14.vn)

Trong thời kỳ chiến tranh dòng họ Thảo chúng tôi thiệt hại nặng nề vì dòng họ chúng tôi dung chứa du kích. Nhiều thân nhân họ Thảo bị chết cháy vì bom đạn. Có nhiều anh chị họ Thảo chết vì chứng nghẽn nhựa do ảnh hưởng của bột khai quang.

Trong thời kỳ phát động chánh sách Kinh Tế Mới dòng họ Thảo chúng tôi bị thiệt hại nặng nề. Nhiều thân nhân chúng tôi bị thiêu đốt. Loài người dùng râu tóc thiêu rụi của họ Thảo làm phân tro để nuôi dòng họ Thảo khác như Bắp (Ngô), Khoai Lang, Khoai Mì (Sắn), Cao Lương, Rau Cải v.v... Loài người thường nói:

Củi đậu nấu đậu ra dầu.

Nhưng ở đây họ dùng hài cốt (tro) của vài loại thảo mộc để nuôi các loại thảo mộc khác. Nói cách khác cái chết của kẻ này là nguồn sống của kẻ kia.

Người ta chém giết và tàn phá dòng họ Thảo chúng tôi liên tục. Hậu quả là đất đai bị nhiệt mặt trời thiêu đốt trở nên chai cứng vì thiếu bóng cây. Nạn lụt lội, xâm thực trở nên trầm trọng. Lớp đất mặt bạc mầu vì gió, mưa và nhiệt của mặt trời. Bụi bặm xâm nhập thị thành khiến người đi đường phải bịt mặt như từ sa mạc mới về. Dòng họ Thảo chúng tôi không phân biệt lớn nhỏ đều phục vụ đắc lực cho loài người. Cây to lớn thì dùng để làm nhà, đóng ghe thuyền, bàn, ghế, tủ v.v... Cây thông dụng thì đóng thùng, làm sàn, làm củi đốt hay hầm than. Mễ cốc là thức ăn nuôi sống loài người hàng ngày. Cây có trái thì ăn trái. Các thảo mộc nhỏ khác thì dùng làm rau cải để ăn hay làm thuốc để trị bịnh. Loài hoa đẹp thì chưng trên bàn ở trên bàn thờ vừa trang nghiêm, đẹp đẽ vừa có hương thơm. Thế nhưng loài người chưa bao giờ đối xử tốt hay có thái độ ôn hòa đối với họ Thảo chúng tôi. Họ dùng dao, kéo cắt đầu anh chị nhà Rau. Họ dùng thuốc hóa học để tiêu diệt anh chị Cỏ Dại. Họ dùng lửa thiêu đốt dòng họ nhà Trinh Nữ. Họ dùng cuốc, xẻng bứng gốc lấy củ Cỏ Gấu và nói một cách hậm hực:

Nhổ cỏ trừ căn.

hay:

Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc.

như Trần Thủ Độ nói với phế vương Lý Huệ Tôn.

Ngoài việc cưa xẻ ra từng miếng ván nhỏ các anh chị Sao, Dầu, Bằng Lăng, Gõ, Trắc, Cẩm Lai, Giáng Hương, Gỗ Teak... còn phải chịu cảnh bào láng, đánh giấy nhám và đánh dầu bóng để có vẻ đẹp rạng rỡ để được người đời khen ngợi và quí trọng. Từ đó loài người nói đủ thứ chuyện dựa vào cảnh đau đớn của các loại cây to cao lớn như:

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

Tốt danh hơn lành áo.

No pain, no gain.

Đối với cây thuốc thì họ dùng chày cối giã nát thân các anh chị dược thảo vắt ra nước cốt để uống tươi, hoặc dùng dao chặt ra từng mảnh nhỏ đem phơi khô bỏ vào bao đậy kín đến ngộp thở. Nhiều chi tộc họ Thảo bị tán nhuyễn thành bột thảm thương. Khi cần họ đem thi thể họ Thảo ra, bỏ vào nồi nấu rã rục lấy nước cốt mà uống. Vừa uống thuốc đắng họ vừa nói:

Thuốc đắng dã tật,
Lời thật mất lòng.

Vì là Trưởng Lão Thảo Mộc Việt Nam tôi không biết nhiều về tâm lý và văn hóa loài người nên không hiểu hai câu trên là sự nhận xét hay là lời khuyên.

Nếu là nhận xét thì thuốc đắng mới là thuốc hay. Lời thật không có kết quả gì ngoại trừ gây mất lòng.

Nếu là lời khuyên thì người ta khuyên uống thuốc đắng để mau chóng hết bịnh nhưng tránh lời nói thật vì gây mất lòng!! Nếu là lời khuyên có phải chăng người ta khuyên thực hành 04 không: không nghe, không thấy, không biết và không nói mà nếu nói thì không nói thật? Như vậy lời khuyên này hoàn toàn khác với lời dạy của thầy giáo trong trường học và lời chỉ dẫn của các tu sĩ của các tôn giáo.

(hellobacsi.com)

Loài người sống bằng ngũ cốc (Lương: Lúa Gạo; Thực: Đậu; Đạo: Nếp; Mạch: Lúa Mì; Tắc: Bắp) và các loại khoai củ. Họ giết nhà họ Lúa bằng liềm rồi đập các anh chị ấy tách rời khỏi thân. Họ đem phơi nhà họ Lúa rồi đem lột da họ. Lúc ấy họ có Gạo hay Nếp. Gạo và Nếp đều trắng nõn nà như nhau trông đẹp mắt. Tất cả đều có hương thơm nhưng Nếp dẻo hơn Gạo. Khi nấu chín dưới nhiệt độ 250 độ F trong vòng 30 phút Gạo chín và được gọi là Cơm. Gạo và Nếp được bỏ vào cối xay đá xay nhuyễn để làm bột. Cuộc đời của Gạo và Nếp rất khổ vì phải trải mình dưới ánh nắng oi bức của miền nhiệt đới rồi phải bị bỏ vào nồi nấu cho đến khi thân thể nở phình. Anh chị Nếp còn khổ hơn. Người ta gói anh chị Nếp với nhân Đậu Xanh, nhân Dừa nạo ngào với đường làm từ huyết ngọt của họ Mía (Cam Giá), nhân Chuối Sứ trong lá Chuối để làm bánh ú, bánh chưng, bánh tét. Người ta bỏ các đòn bánh tét, bánh chưng vào cái nồi to và nung lửa đỏ đến 06, 07 giờ đồng hồ mới thôi. Bột Gạo hay bột Nếp là hậu duệ của Gạo và Nếp hình thành sau khi người ta bỏ Gạo và Nếp vào cối xay nghiền nát không còn hình hài gì rõ rệt. Khi làm bánh người ta bỏ con cái của nhà Gạo, nhà Nếp vào các lò hầm, hấp khi làm bánh tráng hay đổ bánh bèo hay cho vào chảo dầu để chiên như đổ bánh xèo, chiên bánh cam, bánh cống chẳng hạn. Tộc Nếp càng thảm thương hơn khi nấu thành xôi, làm cơm rượu hay cất rượu đế. Dòng họ Thảo Việt Nam của chúng tôi phục vụ loài người ở Việt Nam bằng cách chấp nhận cảnh dầu sôi lửa bỏng như thế đó.

Quan hệ giữa dòng họ Thảo chúng tôi với các loài động vật cũng không tốt đẹp nhưng không đến đỗi cay đắng và rùng rợn như quan hệ giữa chúng tôi và loài người. Các loài dã thú sống trong rừng được dòng họ chúng tôi che chở. Các tộc Voi, Ngựa, Ngựa Rằn, Tê Giác, Trâu Nước ăn cỏ và lá cây. Tộc Hổ, Báo, Hùng, Lang (Chó Sói) ăn thịt sống. Họ chỉ mượn dòng họ Thảo chúng tôi che nắng, che mưa cho họ mà thôi. Dòng họ Thố, Mai, Thử, Điểu ăn trái cây và hột trong trạng thái hoang dã. Thử tộc phá hại nguồn sống của họ Thảo chúng tôi dữ dội lắm.

(vi.wikipedia.org)

Dòng họ Tảo (Rong) và các loài thủy thảo sống dưới nước có liên hệ mật thiết với Ngư tộc. Rong, Bèo, Lục Bình là thức ăn của Ngư tộc. Dòng họ Thảo chỉ hương liệu như Tỏi, Ớt, Hành, Sả, Tiêu, Gừng, Riềng, Hồi Hương lúc nào cũng tiễn đưa các động vật vào những ngày cuối đời họ mặc dù khi còn sống các động vật đó có quấy phá họ chút ít hay hoàn toàn xa lạ với họ. Người Việt Nam ăn nhiều nước mắm, mắm tôm, mắm ruốc. Để làm các loại nước chấm và nêm nếm này phải hy sinh nhiều thân xác Cá nhỏ, Tôm và Ruốc. Để khử mùi nồng và vị mặn của nước mắm, mắm tôm và mắm ruốc người ta phải dùng giấm, đường, tỏi, ớt. Ở Việt Nam giấm ngon là giấm làm từ thân thể rã rục của dòng họ Chuối Sứ. Ở vùng ôn đới giấm ngon được làm từ thân xác dòng họ Nho. Đường làm từ huyết ngọt của dòng họ Cam Giá (Mía). Ở vùng ôn đới đường làm từ huyết mật của dòng họ Củ Cải Đường Beta vulgaris. Các anh chị Tỏi, Ớt sống chung hài hòa với đồng đội nhà Chuối, Nho và Cam Giá (Mía) trong chén nước mắm hay mắm tôm của người Việt Nam khiến cho cái chết của con cái nhà Tôm, Cá, Ruốc trở nên màu mè tươi sáng hẳn lên.

Con và thai nhi tộc Chuối Hột và Chuối Sứ (cây chuối con và bắp chuối), Rau Răm, Húng Quế cùng chết với Kê tộc mỗi khi người Việt Nam làm gỏi Kê tộc, nấu cháo đãi khách hay bạn hữu tụ họp vào những đêm sáng trăng để đàn ca vọng cổ. Anh chị Sả và Nghệ không thể rời Kê tộc khi các anh chị ấy chết phỏng trong nồi cà ri. Bột ngũ vị hương không rời Trư nhục, Kê nhục và Nga nhục trước khi hầm hay xào, nướng. Ngũ vị hương là tổng hợp của Đinh Hương Eugenia aromaticum + Hồi Hương Illicium verum + Quế Cinnamomum zeylanicum + Hồ Tiêu Mộc Tứ Xuyên Zanthoxylum simulans + Hột Thì Là Anethum graveolens.

Người ta phân biệt con vật có thịt hàn và nhiệt cũng như phân biệt tính hàn, nhiệt của các loại thực vật ăn kèm. Nói một cách tổng quát con vật xuống nước lội được hay không sợ khi tắm nước có thịt hàn. Ngược lại con vật không lội dưới nước hay không thích nước có thịt nhiệt.

Thịt Vịt hàn vì con vịt lội dưới nước và tắm nước dễ dàng.

Thịt Kê tộc (Gà) xem là nhiệt vì Gà tắm cát chớ không tắm nước!

Trư tộc, Thủy Ngưu tộc thích nằm dưới vũng sình. Trái lại Huỳnh Ngưu tộc thích nằm trên khô. Huyết Trư tộc hàn. Huyết Huỳnh Ngưu tộc nhiệt. Người ta làm tiết canh bằng huyết Vịt hay huyết Trư tộc chớ không làm từ huyết Kê tộc hay Huỳnh Ngưu tộc nghĩa là không có tiết canh Bò hay Gà.

Người Việt Nam ăn thịt Vịt với nước mắm Gừng (Khương), Rau Om Limnophila aromatiaca và Củ Cải Trắng Raphanus sativus longipinnatus lát mỏng thấu chua ngọt để chế ngự hàn tính của thịt Vịt. Rau Muống và Khoai Môn được dùng để ăn với thịt Vịt nấu chao. Chao là cháu của gia đình Đậu Nành tức Đỗ Tương thuộc đại gia tộc họ Thảo chúng tôi. Đôi khi người ta tìm thấy thân thể vài anh chị Kim Châm hay Rau Huyên, Rau Vông Ưu Hemerocallis fulva bị quay cùng anh chị Vịt trong các lò quay Vịt ở Chợ Lớn.

Người ta dùng Đậu Xanh để nấu cháo Cẩu nhục. Họ ăn Cẩu nhục với Rau Om, Khế, Lá Mơ, Riềng chấm với tương bằm xào với đường và Đậu Phọng. Đường là huyết mật của gia đình Cam. Giá và tương là thân xác của gia tộc Đậu Nành nấu hầm rồi phơi nắng trong lu. Hành, Tỏi, Sả, Ớt không thể thiếu trong món ăn Cẩu nhục nầy. Khi còn sống gia tộc Cẩu tức Khuyển không đụng chạm cũng không thân thiện với đại gia tộc họ Thảo chúng tôi. Khi các anh, chị ấy chết các chi tộc Hành, Tỏi, Ớt, Riềng, Lá MƠ, Rau Om, Khế cũng sẵn sàng hy sinh tính mạng để theo các anh, chị ấy.

Giá là thai nhi của gia đình Đậu Xanh. Người Việt Nam dùng Giá, Rau Húng Quế, Ngò Gai khi ăn phở Huỳnh Ngưu nhục. Nồi nước lèo phở có nhiều hương liệu cay nóng và thơm như Gừng, Quế, Hồi Hương. Các đầu bếp dùng Lá Lốt để cuốn thịt Huỳnh Ngưu trước khi đem nướng. Người ta ăn Huỳnh Ngưu nhục nhúng giấm với các loại rau thơm miền nhiệt đới chấm với mắm nêm pha trộn Thơm bằm, Tỏi, Ớt, đường, giấm. Khi ăn thịt bò nướng người ta cũng dùng các loại rau và nước chấm trên cộng với Khế và Chuối Chát. Khi kho Huỳnh Ngưu nhục người ta phải dùng đến tương hột, Sả, Gừng, Hột Điều Nhuộm Bixa orellana, Củ Cải Trắng, Cà-Rốt để có màu đỏ sẫm tươi và đẹp. Chân Huỳnh Ngưu được hầm với Đậu Xanh cho sản phụ ăn cho có nhiều sữa.

Ở nông thôn các anh chị Trư và các Trư tử phá phách dòng họ Thảo chúng tôi rất nhiều. Trư tộc ủi các luống Rau, Khoai Lang, Khoai Mì (Sắn), Măng, thai nhi của gia đình Tre, Trúc. Hèn gì người Việt Nam dùng thai nhi của Tre bào mỏng hầm với với giò Trư tộc. Trư nhục được tìm thấy rất nhiều trong các món ăn của loài người ngoại trừ ở Do Thái và các nước theo đạo Hồi. Nào là Trư nhục kho ăn với dưa Giá hay rau thơm. Nào là lạp xưởng Trư nhục để chiên cơm kết hợp với Tôm khô và các loại Đậu. Nào là thịt xá xíu lát nhỏ trong các tô hủ tiếu bên cạnh một thanh niên Cải tươi tắn và khỏe mạnh, vài cọng Giá và Hẹ bị dìm dưới nước lèo nóng bỏng tựa như núi lửa sôi sục. Nào là lòng Trư nấu với Hẹ; lòng luộc ăn với Rau chấm mắm nêm hay nước mắm nhưng người ta lại khuyên đừng ăn lòng Lợn để cách đêm. Nào Trư nhục quay ăn với bánh hỏi với Mít hầm. Nào Trư nhục làm nem, tré có vài đại diện của gia đình Tỏi, Hồ Tiêu và Riềng. Nào Trư nhục dùng làm bì cuốn, thịt đầu ngâm giấm để ăn với bánh tráng rau xanh và nước mắm. Trư nhục bằm nhuyễn nhồi với bún Tàu, Nấm Tai Mèo và cho vào Khổ Qua cột lại bằng dây lá Chuối đem đi hầm cho đến khi chín mềm để có món Khổ Qua hầm được ưa thích vào những ngày Tết. Từ khi tiếp xúc với người Pháp Trư nhục còn dùng làm thịt jambon ăn với bánh mì, đồ chua hay Dưa Chuột sống. Bánh mì làm từ bột Lúa Mì, thân thuộc gần chi họ Mễ của chúng tôi ở vùng khí hậu ôn đới. Trư nhục luôn luôn hiện diện trong các tô hủ tiếu. Trong tô hủ tiếu Mỹ Tho còn có vài anh chị Tôm, Cua, Mực và các loại thảo mộc như Giá, Tần Ô, Ớt Hiểm, Tỏi ngâm giấm, dầu Mè (Chi Ma). Người ta còn ăn Trư nhục với mắm Tôm Gò Công màu vàng cam rất đẹp bên cạnh dòng họ Rau nhiệt đới xanh tươi và gia đình nhà Ớt cay phỏng miệng.

Ở Việt Nam Dê và Trừu không nhiều ngoại trừ ở những địa phương có nhiều người Ấn Độ hay người Chăm sinh sống. Nhờ vậy mà dòng họ Thảo chúng tôi cũng đỡ bị thiệt hại do hai tộc nầy gây ra. Đa số người Việt Nam xa lạ với thịt Trừu nhưng họ có nấu ca ri Dê hay ăn thịt Dê hầm thuốc Bắc tức là các vị thuốc bổ nhập cảng từ Trung Hoa. Đó là cách ăn thịt Dê của người Trung Hoa. Theo khái niệm ăn gì bổ nấy của y học dân gian cổ truyền người ta cho rằng thịt Dê nhất là ngoại thận của Dê bổ dương. Tên văn vẻ của Dê là Dương. Ca ri Dê nấu bằng bột Nghệ, Sả, Ớt, dầu Mè ăn với muối Ớt nặn Chanh.

Khác với người Nhật người Việt Nam không ăn Cá to cân nặng quá 20 ki-lô. Dân đồng nội thích ăn cá có vảy hơn là cá không vảy. Cá được ưa thích là Cá Lóc, Cá Trào, Cá Bông Lau, Cá Rô. Người ta không thích ăn Cá Dứa, Cá Tra, Cá Trê nhất là Cá Trê Trắng tức loại cá không vảy và ăn tạp. Nhưng Khô Tra lại được hưởng ứng vì cá Tra có nhiều mỡ béo. Cá Trê Đen nướng dầm nước mắm Gừng ăn với đọt Bầu luộc là món ăn ngon trong đồng quê Việt Nam. Ở nông thôn người ta dùng Lá Dang Aganonerion polymorphum để nấu canh chua với thịt Gà hay Cá Trào, một loại cá nhỏ bằng hai ngón tay với hình hài của Cá Lóc. Vật liệu nấu canh chua ở thành phố rườm rà hơn. Chúng gồm có Giá, Cà Chua, Me, Cà Bắp, Bạc Hà, hay Ngó Sen nếu là canh chua cá bông lau. Cá Lóc là loại cá nước ngọt có vảy, thịt trắng và mềm. Cá Lóc đã dùng trong nhà bếp của người Việt Nam với các món: cá kho, cá nấu canh chua, cá nướng lụi ăn với Rau, Điều, Thơm với nước mắm hay mắm nêm, cá quay với nước Dừa tươi, mắm Lóc, khô Lóc. Sau Tết Nguyên Đán là mùa Điều. Đó là mùa ăn Cá Nướng Lụi ở các tỉnh miền đông Nam Bộ như Biên Hòa, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa. Dù ăn dưới thức nào người ta cũng dùng đến dòng họ Thảo của chúng tôi. Ăn mắm sống thì người ta phải dùng Tỏi và Gừng, Riềng để khử mùi hôi của mắm. Ăn mắm sống thì phải có Dưa Chuột, Rau, Tỏi, Ớt Hiểm hay Ớt Sừng. Ăn mắm và rau phải thêm Giá và Ngó Bông Súng. Ăn Chả Cá phải có Thì Là. Khi sống họ không quen nhau nhưng khi chết họ thề quyết không rời nhau. Chung thủy thay Chả Cá - Thì Là và Gỏi Cá Sống - Lá Đinh Lăng tức Nam Dương Sâm Panax fruticosum và Lá Súng Non! Hà Tiên và đảo Phú Quốc có nhiều đồn điền trồng hồ tiêu. Vùng duyên hải Hà Tiên- Phú Quốc- Rạch Giá (Kiên Giang) có nhiều Cá Thiều. Ngư phủ bắt nhiều thành viên tộc Cá Thiều làm thịt, cho vào cối xay nhuyễn rồi trộn với muối, đường, Hồ Tiêu, cán mỏng bột cá rồi đem phơi nắng cho đến khi khô cứng. Đó là món Khô Cá Thiều được người sành ăn thưởng thức với rượu đế, rượu nếp than hay bia hộp.

Như đã nói, Cá Tra không được hưởng ứng vì cách nuôi loài cá này. Nhưng Khô Tra, Khô Cá Sặc rất được hoan nghênh. Người ta ăn khô trộn với giấm, đường, Tỏi, Ớt, Thơm và Dưa Chuột. Người nông thôn trong tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Bình Dương Tây Ninh nhốt anh chị Thơm, Dưa Gang trong các lu mắm nêm chờ ngày thấm mặn để ăn cơm. Vì ăn uống mặn lại thiếu chất dinh dưỡng nên vào tuổi trung niên nhiều người bị lao phổi hay bịnh thận, phù thũng. Mắm xác được xẻ ra từng miếng nhỏ trộn với Dưa Chuột Đèo, Dưa Gang thái từng mảnh vụn, Đu Đủ và Tỏi, Ớt. Gừng, Riềng. Tỏi, Ớt rất trung thành với xác chết muối mặn của Ngư tộc. Loài người dùng hình ảnh cá muối mặn này để dạy con với câu:

Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Chi tộc Bầu, Bí sống trên gò hay đất ruộng. Vậy mà khi các anh chị Tôm, Tép chết bằm họ lại quyết một lòng tận tình tiễn đưa. Có nhiều anh chị Tôm thành mắm Tôm được hoan nghênh nhiệt liệt khắp ba miền đất nước. Có những anh chị Tôm khác thành Tôm Khô sau khi bị chặt đầu, phơi nắng nhiều ngày liên tiếp rồi lột da bỏ vào bao hay lu hũ nhốt trước khi bị đày đi xa miền duyên hải sông nước vào thành phố hay nông thôn khô hạn không có nguồn thủy sản. Tôm lột da và phơi nắng thường được tìm thấy trong các nồi nước lèo hủ tiếu, mì hay trong các nồi canh Bầu, canh Khoai Mỡ, Khoai Từ với vài mảnh Rau Om, Rau Tần Dày Lá hay Ngò Gai. Thỉnh thoảng người ta gặp Tôm Khô trên gánh bò bía của những người Hoa bán dạo. Vào dịp Tết Tôm Khô có giá cao. Những tay nhậu ở Việt Nam ăn Tôm Khô với Củ Kiệu. Người nghèo ở thành phố thích thưởng thức cháo trắng nấu sôi ăn với Hột Vịt Muối và Tôm Khô, Củ Kiệu.

Loài bò sát gần với loài người là Cắc Kè. Họ sống trên trần nhà và đóng vai đồng hồ bất đắc dĩ của loài người. Họ bắt Chuột giùm cho loài người nhưng loài người giết họ, thiêu đốt họ, chọc thủng cặp mắt và thả họ vào hũ rượu để cất từ Nếp lên men. Trong hũ rượu có vài loại dược thảo do các tiệm thuốc Bắc cung cấp để làm rượu Cắc Kè uống cho cường thận, kiện thể, máu huyết lưu thông như lời quảng cáo.

Lươn là loài thủy sản không có vảy. Người Việt Nam ăn Lươn hấp sả với nước mắm me như ăn gỏi Rùa, Rắn. Các loại bò sát nầy thiếu vị chua của Me khi còn sống nên họ cần vị chua Me vào phút cuối của đời họ. Ngó và củ Khoai Môn hợp cùng anh chị Gạo và anh chị Lươn tạo thành một nồi cháo ngon và đắt tiền được nêm bằng mắm Tôm hay mắm Ruốc. Người Đông Á thích ăn thịt Lươn xào lăn với sự góp mặt của các tộc Nghệ, Hành, Đậu Phọng, Rau Om v.v... Tính bổ dương của Lươn được người Âu-Mỹ bắt đầu lưu ý nhưng họ vẫn còn dè dặt vì huyết Lươn rất tanh. Người ta cho rằng Chó ăn ruột Lươn bị thắt ruột mà chết!

Ếch, Nhái là động vật sống nửa đất, nửa nước. Khi chết họ gắn liền với bột Nghệ, Đậu Phọng, Sả, Ớt và Rau Om. Thiềm tộc (Cóc) chỉ có món cháo Cóc dành cho trẻ nít bị chứng cam tích, bụng lớn nổi gân xanh. Anh chị Cóc không đòi hỏi dòng họ Thảo chúng tôi cũng theo họ dưới tuyền đài như Ếch và Nhái. Cóc, Ếch, Nhái đều chết vì bị chặt đầu lột da trông ghê rợn vô cùng.

Gia tộc Tôm và Cua ở các nhà hàng thường bị chết hầm ăn với muối tiêu Chanh. Nhìn chung các loài hải sản như Tôm, Cua, Sò gắn liền với muối tiêu Chanh khi chết. Ở thôn quê vài anh chị Cua Đồng bị bắt và ăn sống với muối hột và Lá Dang. Người ta giã nát thân thể Cua Đồng để nấu bún riêu hoặc để nguyên con nấu với Lá Dang. Cua Lột tẩm bột Mì được chiên trong chảo mỡ với Hành, Tỏi, Hồ Tiêu.

Các anh chị Ốc Bươu, Ốc Gạo thường đi đôi với nước mắm Chanh sau khi bị chết luộc trong nồi nước sôi đầy lá Sả và lá Ổi. Thấy các anh Tôm, Cua, Sò chết ở những nơi sang trọng trong thành phố ban đêm đèn đuốc sáng choang khiến các anh chị Khô Hố than phiền họ có quen biết gì đến Lá Dang mọc hoang dại trong rừng đâu mà đem thân xác họ nấu canh với Lá Dang. Đã vậy loài người còn dùng hình ảnh của tộc Khô Hố để ví von với những người ốm gầy của họ qua cụm chữ:

Ồm như khô hố.

Hột Vịt Lộn là thai nhi của các chị Vịt. Các chị Vịt Ta đẻ trứng tứ tung chớ không có nơi sinh sản nhất định như mấy chị Vịt Xiêm. Càng tệ hơn, các chị Vịt Ta không biết ấp trứng như mấy chị Vịt Xiêm mà người Tây Dương gọi là Turkish duck nghĩa là Vịt Thổ Nhĩ Kỳ. Người Việt Nam đem nó từ Xiêm (Thái Lan) về nuôi nên goi là Vịt Xiêm. Loài người lượm trứng của các chị Vịt Ta đem về ấp trấu. Một số trứng ấp nở ra Vịt Con. Một số trứng ấp từ 12- 15 ngày được bán cho các quán nhậu để ăn với muối tiêu và Rau Răm. Thầy thuốc ngày xưa cho rằng người suy dinh dưỡng chỉ cần ăn mỗi ngày 03 trứng hột Vịt Lộn trong một tháng thì sức khỏe được hồi phục!  Người Phi Luật Tân rất thích ăn hột Vịt Lộn mà họ gọi là baloot nhưng họ không ăn với Rau Răm. Chỉ có những người Phi Luật Tân tiếp xúc với người tỵ nạn Việt Nam ở Palawan và Bataan mới biết ăn hột Vịt Lộn với Rau Răm mà thôi. Vào thập niên 1960 người ta ăn hột Gà Lộn nhưng thức ăn này không được thực khách hưởng ứng như hột Vịt Lộn. Có phải chăng vì Vịt hàn, Gà nhiệt?

Gia tộc Thố ngày thường ăn Lá Cải, Cỏ non và các loại Hột, nguồn sinh sản của đại tộc họ Thảo. Ở Việt Nam người ta nuôi thỏ bằng Lá Cải và nhất là Lá Bù Xít. Vậy mà đến khi chết các anh chị Thỏ đắm chìm trong rượu chát đỏ làm từ huyết chua, chát, ngọt của gia tộc Nho. Cho đến bây giờ Thố tộc cũng chưa biết tại sao. Hỏi các ông Tây thì các ông chỉ cười chớ không giải thích tại sao cả. Thế đủ biết trên thế gian này có lắm chuyện tầm thường còn được giữ bí mật.

Các chi tộc Chim Cút, Chim Sẻ, Mỏ Nhác, Bồ Câu đều bị chết dưới ngọn lửa hồng. Thân thể được đặt trên những chiếc đĩa quí giá phủ đầy Rau Thơm miền ôn đới hiếm hoi và đắt tiền. Cái chết của họ trông ghê rợn nhưng lại là cái chết sang trọng được nhiều chi tộc động vật khác mơ ước và thèm thuồng.

Loài người không từ bỏ bất cứ loài động vật nào trên mặt đất hay dưới mặt đất. Các anh chị Cào Cào, Châu Chấu phá hại mùa màng cũng bị loài người chiên, xào để ăn ở một vài địa phương vào những năm đói kém. Thử tộc ở dưới hang cũng không sống yên ổn. Loài Ve, Ong, Cà Cuống, Đuông, Dế Cơm đều được xem là thức ăn ngon. Thịt Cà Cuống không ngon nhưng người ta khai thác mùi hương do các anh Cà Cuống tiết ra để cho vào nước mắm hầu có một hương vị đặc biệt. Đuông phá hại cây Dừa. Dế Cơm phá hại các mầm Đậu và Lúa. Các tộc ghi trên ngoại trừ Cà Cuống đều chết vì dầu sôi lửa bỏng. Dế Cơm còn được lăn bột Mì và ôm hột đậu phọng vào người trước khi nhảy vào chảo dầu nóng bỏng. Người ta ăn Tằm non, Ong non bằng cách um xào hay đào xới các gò mối bắt Mối Chúa ngâm rượu uống cho cường dương.

***

Chỉ vài trang giấy quí vị đã thấy đại tộc họ Thảo chúng tôi gian khổ như thế nào trước loài người và các loài động vật. Khi còn sống dòng họ Thảo chúng tôi không có quan hệ mật thiết với một số lớn động vật. Vậy mà bất cứ động vật nào chết đều có đại diện chúng tôi tiễn đưa. Các anh trong chi tộc Tỏi, Hành, Tiêu, Ớt, Sả, Gừng là những đại diện thường trực trong ban nghi lễ của đại tộc họ Thảo chúng tôi không bao giờ bỏ quên bất cứ một động vật nào vào ngày cuối cùng của họ trên hành tinh này. Tôi dẫn chứng thêm một thí dụ điển hình về việc tộc Gừng sát cánh với mắm hầm vỉ ở bất cứ nhà hàng Trung Hoa nào ở Việt Nam để xác minh lòng thảo ái của chi gia vị họ Thảo.

Dòng họ Thảo chúng tôi nuôi sống loài người khi thiếu ăn, thiếu mặc. Chúng tôi cứu họ khỏi bịnh tật. Nhưng loài người đối với chúng tôi như thế nào? Hễ thấy họ là thấy không khí ghê rợn của sắt thép và lửa đỏ. Họ quên rằng họ diệt chúng tôi thì họ cũng chết. Đến thời gian T nào đó dân số trên địa cầu gia tăng phi mã. Thảo mộc chúng tôi bị tàn sát tập thể trong công cuộc phá rừng để loài người lấy đất xây dựng nhà cửa, bán cho các công ty ngoại quốc, thành lập chợ búa, bến xe, sân banh, hí trường, nghĩa địa và những công ích khác. Rừng rú được đô thị hóa. Đồng ruộng biến thành các nhà máy kỹ nghệ. Sông, hồ và biển cả được biến thành những địa điểm du lịch. Nước trong veo không một phiêu sinh vật nào còn sống. Rong, bèo đều bị vớt sạch nên các tộc Cá lâm vào cảnh đói kém và suy dinh dưỡng thê thảm. Voi, Cọp, Bao, Gấu, Chó Sói... không nơi nương tựa. Người người không nhà ở. Thú dữ không chỗ nương thân. Côn trùng không đất sống. Chim muông mất không gian. Loài Cá nhỏ tuyệt chủng dần. Nước mắm, mắm Tôm, mắm Ruốc tăng giá từng giờ vì không còn nguyên liệu sản xuất. Nạn Cá lớn nuốt Cá bé cũng tai hại không ít! Cá bé sinh sản không đủ cho Cá lớn ăn. Cá lớn bị suy dinh dưỡng. Nhiều anh, chị Cá Voi, Cá Mập bị mắc cạn chết thê thảm vì mực nước hồ và biển bị cạn dần ở vài nơi trên trái đất.

Loài người sống nhờ chúng tôi nhưng không ngừng dùng mọi phương tiện độc hại để tận diệt chúng tôi kể cả việc xử dụng bột hóa học. Họ đày các anh chị Trắc. Gõ, Cẩm Lai, Teak và nhiều con cái tộc Xoài, Chuối, Sầu Riêng, Măng Cụt, Mít Tố Nữ, Chôm Chôm... để con cháu họ phải đổ lệ khi ngân lên: ngàn trùng xa cách người đã đi rồi. Kẻ bị đày luôn luôn là những thành phần ưu tú của đại tộc họ Thảo. Anh chị Cao Su, Cà Phê, Cây Ký Ninh gốc ở Mỹ Châu nhiệt đới (Cao Su, Cây Ký Ninh) và Phi Châu (Cà Phê) bị người Anh, Hòa Lan, Pháp lùa xuống tàu đày sang Mã Lai, Indonesia, Biên Hòa, Bà Rịa, Dầu Tiếng, Lai Khê, Hớn Quản, Lộc Ninh, Long Thành, Xuân Lộc, Bà Rá và cao nguyên đất đỏ. Bây giờ các anh chị ấy hoàn toàn quên quê hương gốc của họ ở Mỹ Châu và Phi Châu.

Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy?!

Loài người còn kiêu ngạo khi khinh bỉ họ Thảo chúng tôi, những người nuôi họ, mang no ấm cho họ (Lúa Gạo, Lúa Mì, Bắp, Khoai, Bông Vải, Đay v.v...) và cứu họ khỏi vô số bịnh tật (dược thảo). Vậy mà họ gọi những người bình dân trong xã hội họ là Thảo Dân đầy ngạo nghễ và khinh miệt. Lãnh tụ là giông tố, là bão lớn (đại phong). Dân là Cỏ thấp lè tè. Giông bão nổi lên Cỏ phải cúi đầu. Người với người còn đối xử nhau như thế thì sá gì đối với đại tộc họ Thảo của chúng tôi. Hèn gì tôi có thấy một người Việt Nam ngồi ngoài bìa rừng vừa khóc than vừa thì thầm câu:

L’homo lupus l’homini

Tôi không hiểu ông ta nói gì nhưng tôi chắc chắn ông ta có lắm chuyện phiền lòng mà không dám nói ra đến nỗi phải vào rừng đầy dã thú để khóc thầm và thì thào những lời than vãn khó hiểu kể trên trong rừng thẳm để cho lời nói của mình bay vào thinh không, hòa lẫn với tiếng gió hú và tiếng gào thét của muôn loài dã thú trong rừng xanh. Tôi thực tình không hiểu nổi tâm lý của loài người. Nó phức tạp, đa dạng và khó công thức hóa vẹn toàn. Một người đau khổ vì loài người không dám nói thẳng với loài người lại nói với rừng xanh vô tri chỉ vì sợ chết. Người sợ chết vì bàn tay của loài người đến nỗi không dám nói tiếng của mình mà thì thầm bằng tiếng La Tinh nhưng anh ta lại không sợ chết vì miệng hùm, lang báo! Thật khó hiểu quá! Mong quí vị trưởng lão giải thích giùm.

Cảm ơn quí vị Trưởng Lão Thảo Mộc các vùng thảo mộc trên thế giới lắng nghe Việt Nam Thảo Mộc Thán.

Kính chúc quí vị trường tồn trong vũ trụ ồn ào, phức tạp và ô nhiễm này.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2018