Phạm Đình Lân


Văn Tử Tộc Thán (Muỗi) 

.

Trước khi đại diện Văn Tử tộc đọc tham luận, giàn nhạc Mosquito Band trình tấu bài Mosquito Song. Cả hội trường rợn tóc gáy khi thấy hàng chục ngàn Văn Tử mặc áo vàng bay lượn khắp hội trường. Khi tiếng đàn vừa ngưng, từ trên không tất cả anh chị Muỗi đồng ca bản I am the Death. Giọng ca và lời ca ghê rợn đến nỗi Cọp, Beo, Sư Tử, Ngựa, Tê Giác, các đại biểu động vật có xương sống hay không có xương sống đều rùng mình ớn lạnh.

Bản nhạc chấm dứt nhưng cả hội trường đều im lặng. Một đại biểu Gấu Bắc Cực hỏi đại biểu Hùm tộc:

"Tại sao đám nầy mặc thuần quần áo vàng?"

"Có lẽ đây là đám Muỗi anopheles. Người bị chúng nó chích và hút máu bị bịnh sốt rét. Người bị chứng sốt rét vì ký sinh trùng Plasmodium falciparum thì toàn thân và đôi mắt vàng như nghệ. Gan bị nhiễm trùng; tiêu hóa khó khăn. Không bao lâu người bịnh bị tử vong." Đại biểu Hùm tộc đáp.

"Bọn nhỏ này làm cho loài người run sợ trong khi bọn loài người có vẻ xem thường sự dũng mãnh của bọn mình.” Gấu Bắc Cực nói.

"Ông nói đúng. Bây giờ tôi mới ngộ ra vài điều mà từ trước tôi không nghĩ đến.” Đại biểu Hùm tộc nói.

"Ông ngộ ra điều gì?” Gấu Bắc cực hỏi.

"Có sức mạnh mà không có trí khôn và đạo lý thì sức mạnh cũng không phải là yếu tố quyết định sự thành công hay thắng lợi. Chính đoàn kết mới là sức mạnh vô địch. Tụi Mã Nghị tộc nhỏ bé nhưng biết đoàn kết, biết tổ chức và có tinh thần kỷ luật tự giác cao nên chúng cũng có nơi ăn, chốn ở tử tế. Chúng không sợ sự dũng mãnh của chúng ta. Chúng không sợ nước, lửa và thuốc hóa học của loài người. Loài người phải kiêng dè chúng. Tụi Văn Tử tộc nhỏ bé nhưng loài người sợ chúng vì không sao giết sạch chúng được. Trái lại đám Văn Tử tộc giết loài người hàng loạt hơn cả bom đạn, võ khí nguyên tử hay đại chiến thế giới. Đó là chỉ có các chị Muỗi anopheles chích và hút máu mà thôi! Hoan hô các chị Muỗi! Hoan hô! Hoan hô!” Đại biểu Hùm tộc dõng dạc hô to.

Bằng một giọng nói run run trưởng ban tổ chức hội nghị mời các đại biểu đứng dậy chào đón đại biểu Văn Tử tộc. Đó là một góa phụ Văn Tử trong dãy Trường Sơn. Bà bay lượn một vòng quanh hội trường giữa tiếng vỗ tay của các đại biểu tham dự hội nghị.

 

****

Trân trọng kính chào toàn thể quí vị đại biểu hiện diện hôm nay tại hội trường ấm cúng, thân mật và đầy tình đoàn kết động vật này.

Tôi là đại diện cho trên 3.000 chi tộc Muỗi trên thế giới. Quê gốc của tôi là dãy Trường Sơn giữa Việt Nam và Lào. Đó là môi trường sống lý tưởng của dòng họ Văn Tử của chúng tôi.

Loài người gán cho chúng tôi một tên La Tinh dài dòng Anopheles dirus thuộc gia đình Culicidae. Cách đặt tên này cho thấy loài người oán ghét Văn Tử tộc của chúng tôi. Theo ngôn ngữ Hy Lạp thi anofelis có nghĩa là vô ích. Vâng, chúng tôi vô ích đối với loài người và cũng không có ích gì với các động vật khác. Tên gọi thông thường của chúng tôi là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Muỗi; muỗi đòn xóc (anopheles), văn, văn tử (Hán-Việt)

Trung Hoa

Wenzi (Văn Tử)

Anh

Mosquito

Pháp

Moustique

Tây Ban Nha

Mosquito

Chữ Mosquito được cấu tạo bằng: Mosca + ito: con ruồi nhỏ.

Loại Muỗi chúng tôi là loại côn trùng nhỏ hơn ruồi. Dòng họ chúng tôi có mặt khắp năm châu nhất là các vùng khí hậu nhiệt đới, xích đới và bán nhiệt đới nơi có nhiều đầm lầy, cây cỏ âm u. Ở Việt Nam hai vùng nổi tiếng dung chứa Văn Tử tộc chúng tôi là Đồng Tháp Mười và Cà Mau. Cho nên có câu:

Trên trời Muỗi bay như sáo thổi.
Dưới nước đỉa lội như bánh canh.

Vùng Vịnh Mexico ở miền nam Hoa Kỳ từ Texas, Louisiana, sang tận Alabama và Florida là vùng có nhiều Muỗi. Bà con chúng tôi xuất hiện trên cầu Pontchartrain, Louisiana, mỗi khi mặt trời lặn. Các ngư phủ hoạt động trong vùng Vịnh Mexico rất e ngại bà con chúng tôi.

Chúng tôi là côn trùng có hai cánh, nhỏ bằng 1/20 trọng lượng của anh chị Ruồi. Chúng tôi sống bằng máu của động vật có xương sống và cả động vật không xương sống nữa. Máu được Văn Tử tộc ưa thích là máu của loài người.

Về cơ thể học mỗi đơn vị họ Văn Tử chúng tôi được chia ra làm ba phần: Đầu, ngực và bụng.

Chúng tôi mặc quần áo đen, trắng mốc, hung đỏ.

Tuổi thọ của chúng tôi rất ngắn: Tuổi thọ các nam Văn Tử kéo dài 10 ngày. Các nữ Văn Tử kéo dài sự sống từ 42 - 46 ngày.

Thức ăn của chúng tôi là máu người, máu động vật kể cả Chim, Cá và xác chết động vật. Máu được chúng tôi ưa chuộng là máu O. Máu bị chê là máu A. Khi đói thì máu nào cũng được!

Là côn trùng ăn thịt sống chúng tôi đẻ trứng dưới nước. Mỗi chị Muỗi sinh từ 50 - 200 trứng. Sự hình thành của Muỗi trải qua các giai đoạn sau đây:

1. trứng.
2. sau 4, 5 ngày ấp, trứng nở ra lăn quăn.
3. lăn quăn thành nhộng (pupae).
4. nhộng thành hình (imago) một anh hay chị Muỗi.

Dòng họ Văn Tử chúng tôi có trên 3.000 chi tộc khác nhau. Ở Việt Nam người ta phân biệt:

- Muỗi cỏ: sống và sinh sản trong cỏ. Đó là Muỗi ốm với thân hình thiếu dinh dưỡng
- Muỗi đòn xóc: là Muỗi anopheles, muỗi gây bịnh, khi đậu thì đít chổng lên như cây đòn xóc.
- Muỗi tép: Muỗi cò.

Tôi xin được phép nói qua vài chi tộc Văn Tử quan trọng trên thế giới như:

1. Anopheles dirus, gia đình Culicidae:

Dòng anopheles của chúng tôi nổi tiếng nhờ gieo bịnh sốt rét cho loài người. Công việc cao quí này do các chị Muỗi dòng anopheles đảm trách vì các chị có kim hút máu người. Các chị cần protein trong máu người để nuôi trứng. Địa bàn sinh sống của chúng tôi là rừng, núi, đầm lầy, nơi có nhiều lá mục, các đồn điền cao su, rừng tre, các vùng nước đọng. Về phương diện địa lý chúng tôi sống đông đảo ở Nam Á và Đông Nam Á (Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, Việt Nam, Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân, đảo Hải nam (Hainan), Taiwan ( Đài Loan ).

Ở Việt Nam chi tộc Anopheles dirus sống dọc theo dãy Trường Sơn, các vùng miền Đông Nam Bộ như Xuân Lộc, Bà Rá, Lộc Ninh, Hớn Quản, Dầu Tiếng, Lai Khê v.v…

Bà con gần của chúng tôi là các chi tộc Anopheles cracens, A. scanloni, A. baimaii. Đó là những chi tộc hút máu người và truyền ký sinh trùng Plasmodium falciparum hay Plasmodium vivax vào cơ thể con người và gây ra chứng sốt rét. Người bịnh mất hồng huyết cầu, máu không dẫn lên óc nên gây hôn mê, tàn phế và tử vong. Bịnh sốt rét giết rất nhiều phu cạo mủ cao su ở các tỉnh miền đông Nam Bộ thời Pháp thuộc. Bịnh sốt rét quan trọng đến nỗi dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm có một tướng lãnh đặc trách việc bài trừ sốt rét ở miền Nam Việt Nam!!

Theo thống kê năm 2017, trên thế giới có 219 triệu người sống trên 90 quốc gia bị bịnh sốt rét. Có 435.000 người chết vì chứng bịnh này. Chỉ trong năm 2017 có 435.000 người chết vì bịnh sốt rét tức bằng 7,5 lần số binh sĩ Hoa Kỳ chết trên chiến trường Nam Việt Nam trong 08 năm!

2. Hổ Văn Tử Á Châu: Aedes albopictus hay Stegomyia alpopicta, gia đình: Culicidae.

Đây là chi tộc lớn của dòng họ Văn Tử có mặt trên các lục địa Á Châu, Âu Châu, Phi Châu, Trung, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, bắc Úc Đại Lợi. Dòng Aedes sống nhiều ở vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới, Địa Trung Hải, hải đảo Thái Bình Dương nhưng có thể thích ứng với vùng lạnh.

Muỗi Aedes albopictus cùng dòng với Muỗi Aedes aegypti ở Phi Châu, Aedes japonicus ở Nhật và Aedes cretinus ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, đảo Cyprus.

Người Anh gọi Muỗi Aedes albopictusAsian Tiger Mosquito (Hổ Văn Tử Á Châu). Các anh chị Hổ Văn Tử Á Châu sống đông đảo ở Nam Á, Đông Nam Á. Các anh chị ấy mặc quần áo đen có sọc trắng trông ghê rợn. Các chị Muỗi dòng Aedes chích, hút máu người, động vật và truyền cho người vi khuẩn Dengue, Chikungunya và vi khuẩn Zika. Vi khuẩn dengue gây ra bịnh sốt Dengue (Dengue fever). Vi khuẩn Chikungunya (theo tiếng Phi Châu chikungunya có nghĩa là bị méo mó) gây ra bịnh Chikungunya xảy ra đầu tiên ở Tanzania năm 1952. Người bịnh bị sốt, mệt mỏi, đau nhức khớp xương. Bịnh Zika do vi khuẩn Zika do Muỗi Aedes bị nhiễm trùng truyền sang. Phụ nữ có thai nếu bị nhiễm vi khuẩn Zika thì có thể bị sẩy thai, sinh non hay thai nhi bị chứng dị hình. Người bị nhiễm vi khuẩn Zika có thể truyền qua người khác quá liên hệ tình dục. Người bị binh Zika lên cơn sốt, nơi bị Muỗi chích nổi mụt đau nhức khó chịu, mắt bị nhậm (conjonctivitis), các khớp xương đau nhức.

3. Muỗi Culex Culex pipiens, gia đình Culicidae:

Các anh chị Muỗi Culex có thể sống trong vùng khí hậu ôn đới như Âu Châu, Bắc Mỹ. Ở Hoa Kỳ Muỗi Culex sống ở phía bắc vĩ tuyến 36. Người Hoa Kỳ gọi là Muỗi Nhà (House Mosquito). Các chị Muỗi Culex được nổi danh vì truyền vi khuẩn West Nile (tây sông Nile), bịnh viêm não Nhật Bản do một loại vi khuẩn dòng Flavivirus nhóm arbovirus B gây ra, viêm não St Louis, giun chỉ thuộc gia đình Onchocerridae trong máu hay trong mỡ tế bào v.v…

 

4. Tượng Văn Tử (Muỗi Voi) Toxorhynchis rutilus, gia đình Culicidae:

Gọi là Tượng Văn Tử vì các anh chị ấy có vóc dáng to lớn hơn các tộc Văn Tử khác. Chiều dài trung bình của Tượng Văn Tử lối 18mm; hai cánh xòe đo được 24mm. Các anh chị Tượng Văn Tử mặc quần áo màu xanh-đen, bóng láng. Loài người còn gọi các anh chị Tượng Văn Tử là Muỗi ăn Muỗi! Cộng đồng Văn Tử tộc rất ghét tộc Tượng Văn Tử vì họ không dám hút máu người lại ăn thịt đồng loại. Đáng buồn thay! Đáng khinh thay!

 

5. Muỗi Sốt Vàng Da Aedes aegypti, gia đình Culicidae:

Tộc Muỗi Aedes aegypti được tìm thấy nhiều ở Florida, duyên hải Texas, Louisiana, vùng biển Caribbean. Các chị Muỗi nầy mang bịnh sốt vàng da (yellow fever) cho loài người. Bịnh này giết chết một số quân sĩ Hoa Kỳ trong chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha ở Cuba năm 1898. Thiếu tá quân y Walter Reed (1851 - 1902) là người khám phá ra nguyên nhân gây ra bịnh sốt vàng da. Ông là một trong những kẻ thù khả kính của Văn Tử tộc chúng tôi. Trong những năm vừa qua có từ 29.000 đến 60.000 người trên thế giới chết vì bịnh sốt vàng da mặc dù ngày nay đã có thuốc chích ngừa bịnh này.

 

6. Muỗi Mansonia Mansonia titillans, gia đình Culicidae:

Vóc dáng khá to; chân gai góc. Tộc Muỗi nầy mang bịnh viêm não cho Mã tộc ở Hoa Kỳ và các quốc gia Trung, Nam Mỹ. Ở Đông Nam Á chi tộc Muỗi Mansonia gây ra bịnh giun chỉ (filaria).

 

7. Muỗi Psorophora ciliata, gia đình Culicidae "Muỗi Nước Ngập":

Địa bàn của các anh chị Muỗi nầy chiếm 50% diện tích của Hoa Kỳ phía đông, các nước Trung và Nam Mỹ ôn đới. Người Hoa Kỳ gọi các anh chị Muỗi Psorophora là "Muỗi Nước Ngập". Các chị Muỗi Nước Ngập chích rất đau và rất dài khiến người bị chích đau đớn. Các chị đẻ trứng trên bùn. Các chị mang đủ các loại vi khuẩn cho loài người như vi khuẩn gây viêm não Ngựa, vi khuẩn West Nile, vi khuẩn Tensaw.

Vừa rồi các ca sĩ Văn Tử tộc ca bản “I am the Death" rất đúng lúc. Văn Tử tộc chúng tôi là Thần Chết đối với loài người. Chúng tôi truyền bịnh cho loài người ban ngày, ban đêm và chạng vạng tối. Họ ghét chúng tôi làm cho họ ngứa ngáy, nhức nhối và mất ngủ vì những âm thanh do chúng tôi gây ra trong các phi vụ ban đêm. Họ đập chúng tôi đổ máu và chà nát thân xác chúng tôi vì giận dữ. Nhưng máu của chúng tôi là máu của họ mà chúng tôi vừa mới hút được. "Của Cesar xin trả lại Cesar”. Các nữ anh hùng Văn Tử tộc nào sá chi mạng sống nhỏ nhoi của mình. Một nén hương lòng tưởng nhớ đến các chị.

Loài người vẫn dùng mọi cách để giết bào thai, ấu nhi Văn Tử bằng cách khai thông cống rãnh, nước ao tù để nước cuốn bào thai chúng tôi ra sông ngòi, biển cả để không thể tượng hình; nuôi cá Gambusia affinis (Mosquito fish), cá lia thia đề ăn bào thai và ấu nhi của chúng tôi, những Lăn Quăn thân yêu của tộc Văn Tử. Họ khai quang cây cỏ um tùm để chúng tôi mất nơi cư trú. Họ dùng lửa và chất hóa học để tiêu diệt tộc Văn Tử chúng tôi. Văn Tử tộc là tộc anh hùng không sợ chết. Hàng hàng lớp lớp Văn Tử tiến lên nhắm vào loài người và các động vật họ nuôi mà tấn công. Họ không chết thì cũng bị bịnh ảnh hưởng đến hạnh phúc trong gia đình và sự phát triển kinh tế trong nước.

Dù miệng nói vậy, Văn Tử tộc cũng có chút hổ thẹn.

Dưới hội trường có đại biểu động vật cất tiếng hỏi: "Văn Tử tộc có nhiều thành tích đáng kể như vậy còn hổ thẹn chuyện gì nữa?”

- Văn Tử tộc hổ thẹn vì chỉ hại thuần người nghèo trên Trái Đất. Họ là công dân các nước nghèo, kém mở mang về kinh tế và khoa học kỹ thuật trên các lục địa Á-Phi và Châu Mỹ La Tinh. Họ là những người ngủ không mùng, mền, chiếu, gối. Họ sống ở những nơi ẩm thấp, đầm lầy nước đọng, cỏ mọc dày đặc. Họ sống trong cảnh nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc. Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng lại còn bị Muỗi, Mòng chích hút máu. Tuổi thọ của họ ngắn ngủi. Bịnh tật sớm cướp sự sống của họ.

Người khá giả hay công dân các nước phát triển đề phòng việc chống Muỗi dễ dàng bằng cách khai thông các vũng nước ao tù, khai quang cây cỏ um tùm, dùng thuốc hóa học, dùng bẫy để bắt Muỗi. Do đó bịnh sốt rét thành thị do các chị Muỗi anopheles truyền ít xảy ra. Nếu có, tỷ lệ tử vong không đáng kể.

Nhớ lại những ngày binh lửa trong dãy Trường Sơn. Mấy chị Muỗi Anopheles dirus hút máu và gây sốt rét cho mấy thằng cha lính Cộng Sản. Nhiều người chết. Những người khác tìm rau giấp cá (ngữ tinh thảo) đắp vào cườm tay để hạ cơn sốt. Mấy thằng cha lính Mỹ đi hành quân lúc nào cũng xịt thuốc vào thân để xua đuổi Muỗi. Nhờ mùi thuốc trừ Muỗi mà mấy thằng cha lính Cộng Sản biết địch quân ở đâu để tìm đánh, pháo kích hay để tránh né giao tranh.

Trước thế kỷ XIX loài người trồng các loại thảo mộc sau đây để Văn Tử tộc chúng tôi phải tránh xa vì kỵ mùi. Đó là: sả Cymbopogon nardus, hoa vạn thọ Tagetes erecta, húng quế Ocinum basilicum, tỏi Allium sativum, cây dầu chanh (Lemon balm) Melissa officinalis, hương thảo (Rosemary) Rosmarinus officinalis, bạc hà chống Muỗi (Penny royal) Mentha pulegium, ngải đắng (Sage) Salvia officinalis v.v…

Loài người dùng chloroquine C18H26ClN3 để ngừa sốt rét và quinine C20H24N2O2 (Qualaquin hay Quinate) chế biến từ vỏ cây Cinchona pubescens để trị ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây bịnh sốt rét. Ngày nay, mặc dù ngành y dược đạt nhiều thành tựu rực rỡ, số người chết vì các bịnh do Muỗi gây ra vẫn còn cao: từ 400.000 - 500.000 người/năm. Số người chết vì Muỗi khá cao này kéo theo hàng triệu người khác lo lắng và sợ sệt vì sự đe dọa của Văn Tử tộc. Cái chết đáng sợ nhưng không thể so sánh với sự sa sút tinh thần và thường xuyên sợ sệt.

Trong lúc Văn Tử tộc gây khiếp đảm cho loài người thì chúng tôi bị ăn tươi, nuốt sống bởi bọn Dơi, Chim, Cá, (ăn bào thai hay ấu nhi Văn Tử), Ếch Nhái, Chuồn Chuồn, Nhện, Kiến và Muỗi Voi Tororhynnchites rutilus. Còn gì đau đớn hơn khi đồng loại ăn thịt lẫn nhau.

Loài người ít đề cập đến Văn Tử tộc ngoại trừ các nhà nghiên cứu y dược. Trong ca dao Nam Bộ nói về Muỗi có câu:

Đưa em cho tới Rạch Chanh,
Muỗi mòng cắn lắm, cậy anh đưa về.

Bọn Dơi ăn Muỗi. Cặp mắt của Muỗi không tiêu hóa và được Dơi tống ra bằng đường tiêu hóa. Đó là dạ minh sa, một vị thuốc về thị giác trong Đông Y. Để có dạ minh sa người ta vào các đồng Dơi và đãi phân Dơi để lấy dạ minh sa (hột cát sáng trong đêm).

Trong thực vật học có:

- Mosquito fern: là bèo dâu mang tên khoa học Azolla pinnata

- Mosquito plant: a. Cỏ Roi Ngựa (Mã Tiền Thảo) Verbena officinalis b. Hồng Chủng Phụ Bạc Hà (Cây Bạc Hà của Phụ Nữ Da Đỏ) mang tên khoa học Hedeoma pulegioides.

Trong tiếng Anh ta có:

- Mosquito fish: Cá Ăn Muỗi mang tên khoa học Gambusia affinis

- Mosquito fleet: tiểu hạm đội võ trang

- Mosquito hawk: con chuồn chuồn ăn Muỗi (dragonfly).

Trong đệ nhị thế chiến Không Quân Anh có một oanh tạc cơ nhỏ có hai chỗ ngồi gọi là MOSQUITO.

Mosquito Coast là duyên hải giữa Honduras và Nicaragua (Biển Caribbean).

Trong Cựu Ước Kinh, sách Exodus 8:16, 17, 18 và Psalm 105: 31 đề cập nhiều đến Muỗi như một tai họa Trời giáng xuống cho Ai Cập!

Trong Tinh Tú Học có sao Musca (Ruồi) nhưng không có sao Mosquito (Muỗi) vì chúng tôi chỉ là RUỒI NHỎ.

Cuộc đời Văn Tử tộc quá ngắn ngủi. Chúng tôi ra đời để gây họa cho loài người và các động vật khác trên Địa Cầu. Cây cỏ, động vật và loài người đều có sự sống trên Địa Cầu. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn người, vật và động vật có ít bạn, nhiều thù, trân quí luật sinh tồn: mạnh được yếu thua, số nhiều thắng số ít, kiên trì thắng bỏ cuộc, khôn thắng ngu, gan dạ thắng hèn nhát v.v... Mấy thằng cha Tây còn nói: “Sous le poids d’argent la justice s’écrase” (Dưới trọng lượng của đồng tiền công lý xiêu). Không biết tại sao họ hay lặp đi lặp lại về đồng tiền.

Vạn vật xoay vần và rơi vào một cuộc chiến triền miên không có nguyên nhân và không có kết cuộc. Chúng tôi không thù oán loài người nhưng vẫn hút máu và truyền bịnh tật và gây khốn khổ cho họ. Loài người đập, hun khói, xịt thuốc giết chúng tôi là quyền tự vệ của họ. Bọn Biển Bức (Dơi), Điểu tộc, Qui tộc, Thiềm Thừ tộc (Cóc), Mã Nghị tộc (Kiến) ăn thịt dòng họ chúng tôi vì nhu cầu sống của họ mặc dù giữa chúng tôi và họ không thù oán chi cả. Tạm xem như tất cả mọi chuyện trên hành tinh này là sự tiếp diễn của sự VAY TRẢ triền miên vô định. Không NHÂN sao có QUẢ? Không LỬA sao có KHÓI? Cứ thế mà xoay vần mặc cho sự vô định của không gian và thời gian.

Trời có sáng có tối.
Đời lúc thịnh lúc suy.

Nên cảnh Cá ăn Kiến rồi Kiến ăn Cá vẫn triền miên tiếp diễn.

Đến đây tôi xin chấm dứt bài tham luận về Văn Tử tộc hoàn cầu và kính chúc toàn thể quí vị một ngày vui và an lành vì Văn Tử tộc Phi Châu được lịnh không quấy rầy đại biểu các động vật trong thời gian hội nghị.

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay vang dội. Ban nhạc Mosquito Band trỗi bản Dạ Hành Văn Tử Tộc để vinh danh tộc Muỗi dòng Culex.

.

Trường Sơn Góa Phụ Văn Tử Tộc Anopheles dirus Truongsonian.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2019