Lê Ngọc Vân


Vaccin Covid-19 và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Chưa đầy 1 năm kể từ ngày virus cúm Vũ Hán gây dịch bịnh lan tràn khắp thế giới, vào tháng 9.2020 các phương tiện truyền thông đưa ra những tin mừng tới tấp về sự thành công chế tạo các vaccin ngừa Covid-19, lập tức được mọi người hân hoan đón nhận.

Tính đến cuối tháng 11.2020, gần 60 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận trên toàn thế giới, 1,4 triệu người đã được ghi nhận chết vì bịnh. Cả thế giới nôn nóng trong niềm hy vọng sớm có thuốc chủng. Gần nửa dân số địa cầu chịu cảnh lockdown từng phần hoặc toàn phần.

Tin mừng đầu tiên: đầu tháng 9, Nga loan báo bắt đầu cho chích vaccin Sputnik V của họ (tên chính thức là Gam-Covid-Vac, lấy từ tên Viện Nghiên cứu Gammaleya) cho dân chúng tại Nga và 7 quốc gia khác, đốt giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Vaccin này gồm 2 liều, chích cách nhau 3 tuần.

Chỉ 1 tuần sau đó, Trung Quốc loan báo công ty Sinopharm đã thành công trong việc chế tạo 2 loại vaccin. Công ty Sinovac cũng có 1 vaccin đã sẵn sàng. Trung Quốc bắt đầu cho chích ngừa 3 loại vaccin này cho dân chúng trong những hoàn cảnh khẩn cấp hoặc có rủi ro nhiễm bệnh cao. Trung Quốc không tiến hành chính thức thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, lấy lý do là vào thời điểm đó dịch Covid-19 ở Trung Quốc coi như không đáng kể, do đó không thể tìm được số đông người cho thử. Vào cuối tháng 11, 1 triệu người – phần lớn là các viên chức chính phủ, sinh viên và những công nhân làm việc ở nước ngoài đã được chích ngừa và người ta chỉ biết được là không có phản ứng phụ nguy hiểm nào được báo cáo.

Hai tháng sau khi Trung Quốc báo tin thành công chế tạo vaccin, ngày 09.11.2020 công ty Pfizer của Hoa Kỳ phối hợp với công ty sinh học BioNTech ở Đức thông báo đã thành công trong việc chế ra vaccin, thử nghiệm lâm sàng diện rộng cho hiệu quả hơn 90% (vaccin mang mã số BNT162b2). 1 tuần sau đó (ngày 16.11), công ty Moderna ở Hoa Kỳ liền đưa ra tin mừng: vaccin của họ đạt hiệu quả tới 94,5% (vaccin mang mã số mRNA-1273). Liền tiếp theo đó, Pfizer cập nhật số liệu và nói là vaccin của họ đạt hiệu quả tới 95%!!

Rồi ngày 23.11, AstraZenaca, công ty liên quốc gia Đan Mạch-Anh Quốc loan báo vaccin AZD1222 của họ đã được chứng minh đạt hiệu quả trung bình 70%.

Đây là 1 tin mừng thực sự cho các quốc gia Âu Mỹ vì nó mang đến nhiều hứa hẹn. Dân Âu Mỹ không trông cậy vào vaccin của Nga và Trung Quốc, vì không tin tưởng ở cung cách làm ăn của những quốc gia này. Nga và Trung Quốc tạm thời cũng chẳng cần thị trường nào khác ngoài thị trường nội địa mà họ cung cấp không xuể. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng không cung cấp những thông tin rộng rãi về công cuộc khảo cứu. Người ta chỉ biết vaccin của Nga được chế bằng công nghệ vector. Vaccin của AstraZeneca cũng được làm với công nghệ vector, áp dụng trên chủng virus cúm mùa.

Còn cả 2 vaccin của Pfizer-BioNTech và Moderna đều là loại vaccin mRNA. Khác nhau lớn nhất giữa 2 loại vaccin mRNA này là vaccin của Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ -70°C. Vaccin của Moderna phải được bảo quản ở nhiệt độ -20°C. Đây là một vấn đề nhức đầu nếu phải chọn lựa sử dụng vaccin của Pfizer, vì phải mua một loạt tủ siêu đông (super freezer) cho các nơi tồn trữ (kho hàng và bệnh viện), và mạng lưới vận chuyển ở nhiệt độ này không phải dễ dàng một sớm một chiều có thể thiết lập được.

Vaccin của AstraZeneca được tổ hợp này quảng cáo là có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường, và giá thành rất rẻ, chỉ khoảng 2,5 € 1 liều. Ngoài ra họ cũng tuyên bố là vaccin này đặc biệt có hiệu quả tốt trên người cao tuổi và kết quả đầu tiên cho thấy hiệu quả có thể sẽ tới 90% nếu giảm liều chích đầu tiên xuống còn 1/2, nhưng họ chưa tìm ra lời giải cho hiện tượng nghịch lý này (kết quả 90% có được khi tình cờ phát hiện ra là một số tình nguyện viên đã bị nhầm lẫn trong đợt chích đầu, chỉ được chích nửa liều!). Thông thường, vaccin đạt hiệu quả 60% trở lên đã được coi là tốt. WHO ấn định tiêu chuẩn là hiệu quả phải trên 50%. Các thuốc chích ngừa cúm mùa cũng chỉ đạt hiệu quả khoảng 60%.

Tóm lại, nếu những số liệu trên là thực, vaccin của AstraZeneca sẽ ăn đứt 2 loại vaccin của Hoa Kỳ. Pfizer có thể lọt sổ. Moderna sẽ tạm thời tung hoành trên Hoa Kỳ. AstraZeneca trong tương lai có lẽ sẽ lo cho Âu châu. Nhưng trong tương lai gần AstraZeneca cũng không thể nào cung ứng nổi nhu cầu của 450 triệu dân trong 27 nước thành viên EU.

Ngoài những vaccin vừa kể, một số công ty nghiên cứu đã đạt nhiều bước tiến trong chế tạo vaccin của họ. Các nước Âu Châu đã đặt mua nửa tỉ liều của nhiều công ty khác nhau, để có thêm sự bảo đảm nếu chẳng may công cuộc nghiên cứu 1 loại vaccin nào đó nửa đường phải ngưng. Cả Pfizer lẫn Moderna đã phải tạm đình chỉ cuộc nghiên cứu một thời gian ngắn vì có vài phản ứng phụ nghiêm trọng đã xảy ra, nhưng không gây chết người.

Vaccin tác động ra sao?

Nguyên tắc của vaccin là làm cho cơ thể ‘nhớ’ được tác nhân gây bệnh. Cơ thể có một hệ thống báo động khi bị tác nhân lạ xâm nhập, khi đó hệ thống báo động sẽ phân tích sự nguy hiểm và kích hoạt hệ thống phòng vệ để vô hiệu hóa, trong đó có sự tham dự của bạch huyết cầu và các kháng thể.

Kháng thể có điểm yếu là chúng chuyên biệt cho từng loại tác nhân gây bệnh (ở Covid-19 là coronavirus SARS-CoV-2). Trong lần tiếp xúc đầu tiên với tác nhân gây bệnh (virus), cơ thể phải mất thời gian khá lâu mới có thể sản xuất đủ số kháng thể cần thiết, mà trong thời gian đó thì virus đã sinh sôi nẩy nở rất nhiều khiến cho cuộc chiến trở nên gay go (bệnh trở nặng, kéo dài) hoặc bó tay (tử vong). Trong rất nhiều bệnh, khi bình phục, cơ thể còn ‘nhớ’ được tác nhân gây bệnh, để lần sau nếu bị nhiễm thì sự sản xuất kháng thể lập tức được khôi phục. Vaccin thường là một phần của chủng virus gây bệnh, nhưng phần này không có tác năng gây bệnh, chỉ làm cho cơ thể ‘nhớ’ được chủng virus này.

Công nghệ Vector là dùng phản ứng hóa học để cấy 1 “mảnh” vào trong virus. Thí dụ: vaccin của AstraZeneca được làm từ virus cúm mùa đã được làm yếu đi, sau đó một ‘mảnh’ trong virus này được thay bằng một ‘mảnh’ khác giống như trong virus corona.

Vaccin mRNA làm từ một mảnh của RNA giữ nhiệm vụ thông tin gọi là mRNA. mRNA trong virus khi xâm nhập vào tế bào trong cơ thể sinh vật sẽ ra lệnh cho tế bào sản xuất một loạt virus mới giống hệt nó. Vaccin mRNA có cấu trúc tương tự mRNA của virus, nhưng không gây bệnh. Cơ thể vì thế nhớ được ‘hình dạng’ con virus qua mẩu mRNA này. Vaccin mRNA từ trước tới nay chưa bao giờ được sử dụng rộng rãi để ngừa bệnh.

Các nhà dịch tễ học và vi trùng học cho rằng một khi 60 - 70% dân chúng đã được chích ngừa thì sẽ thành một sự miễn nhiễm bầy đàn, khả năng dịch bùng phát coi như gần bằng 0. Ở mức này, virus rất khó để nhảy từ người này sang người khác, vì đại đa số đã có kháng thể. Tuy nhiên, đây chỉ là lý thuyết.

Bao giờ vaccin sẽ được phân phối và áp dụng ở Âu châu?

Tuy Pfizer và Moderna giúp mọi người thở phào nhẹ nhõm, nhưng từ khi tin mừng loan ra cho tới khi những người đầu tiên được chích ngừa còn phải qua một khâu gay go: nộp hồ sơ đăng ký sản xuất và thời gian cứu xét hồ sơ này.

Pfizer và Moderna đầu tiên sẽ nộp hồ sơ tại cơ quan Quản Lý Thực phẩm & Dược Phẩm của Hoa Kỳ (FDA). Họ cho biết sẽ làm luôn hồ sơ nộp cho cơ quan xét duyệt dược phẩm Âu châu EMA. Những hồ sơ này được đệ nạp với yêu cầu xét theo diện khẩn cấp. Trong diện này, một số tiêu chuẩn chưa thể cập nhật được (vì vấn đề thời gian) sẽ được du di cứu xét tạm thời bằng các phép diễn dịch từ các kết quả thu được và công ty phải liên tục cập nhật kết quả bổ túc. Tuy nhiên, những yêu cầu thiết yếu về tính an toàn như độc tính, phản ứng phụ tức thời v.v. không bị ảnh hưởng. AstraZeneca tạm thời sẽ chỉ nộp hồ sơ đăng ký ở Âu châu.

Thời gian cứu xét hồ sơ đăng ký dược phẩm thường kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm vì đây là một công việc đòi hỏi tính chính xác và trách nhiệm cao, nó có liên hệ đến việc khiếu nại về sau này nếu có kiện cáo từ phía người sử dụng. Tuy nhiên, với thủ tục xét duyệt trong trường hợp khẩn cấp, cả Pfizer lẫn Moderna hy vọng sẽ được cấp phép trước cuối năm 2020, và AstraZeneca hy vọng đầu năm tới sẽ được giấy phép. Điều này chỉ có thể xảy ra khi cơ quan xét duyệt không đòi hỏi thêm dữ kiện chứng minh tác dụng của thuốc, cho tới nay đây là điều rất hiếm khi xảy ra. Với một thuốc hoàn toàn mới, người ta thường đòi hỏi phải có những nghiên cứu khoa học cơ bản hỗ trợ, những bài báo cáo khoa học này phải được đăng trên các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng, nhưng thời gian từ khi nộp bài cho tới khi được đăng thường là trên dưới 6 tháng. Một vấn đề nan giải.

Trong khi đó, vào cuối tháng 11.2020, Hungari đã quyết định cho thử luôn vaccin Sputnik V của Nga trong dân chúng, với lý do “biện pháp trong tình trạng khẩn cấp”. Đây sẽ là vaccin ngừa Covid-19 đầu tiên áp dụng ở Âu châu, và đang gây nên làn sóng phản đối – dĩ nhiên từ phía chính quyền, các chuyên gia và các cơ sở nghiên cứu chế tạo vaccin. Họ viện dẫn những lý do như: không có số liệu tin cậy, chưa có kết quả thử rộng lớn v.v., nhưng tiềm ẩn đằng sau vẫn là: sợ rằng Nga (và sau đó là Trung Quốc) hớt tay trên, và các công trình nghiên cứu tiếp về vaccin Covid-19 của Âu châu và Hoa Kỳ sẽ bị đình trệ nếu vaccin của Nga và Trung Quốc tỏ ra hữu hiệu.

Những mẻ thuốc đầu tiên hiện đã sẵn sàng để chờ giấy phép. Cho dù mọi chuyện suôn sẻ, không thể nào trong thời gian ngắn chích ngừa cho cả tỉ người. Pfizer và Moderna cho biết muốn có 1 tỉ liều, phải mất ít nhất 1 năm sản xuất ngày đêm. Đó là chưa kể tới những chuyện lặt vặt khác như chai lọ, ống chích, kim tiêm v.v. cũng phải được tính tới. Về mặt sản xuất, muốn có chai lọ thủy tinh có chất lượng cao không phải dễ. Hiện tại, trên thế giới chỉ có một số nhỏ cơ sở còn sản xuất loại bao bì này, vì nó cồng kềnh, tốc độ sản xuất rất chậm, hay bị lỗi về sai số vượt quá tiêu chuẩn trong kích thước và không thu được nhiều lợi nhuận như làm chai lọ bằng chất dẻo tổng hợp… Vấn đề xử lý rác thủy tinh cũng quan trọng không kém. Và cuối cùng: tìm đâu ra đủ số y tá phải có thêm để chỉ lo một chuyện chích ngừa? Do đó, những đối tượng có nguy cơ cao sẽ được ưu tiên chích ngừa trước, đó là:

Với những người không thuộc các nhóm trên, có lẽ phải chờ nửa năm hoặc lâu hơn mới được giấy gọi đi chích.

Trong những ngày qua, câu hỏi dấy lên trong dân chúng, và ngay cả từ các dân biểu trong quốc hội, là tại sao chính quyền không can thiệp vào việc sản xuất, bắt các công ty phải cung cấp thông tin, kỹ thuật bào chế cho các xí nghiệp khác, ngay cả đến biện pháp cưỡng bách từ bỏ độc quyền sản xuất cũng được một số nước như Pháp và Nga đề nghị. Những câu hỏi này thực ra là thừa, bởi vì:

Do đó, các đòi hỏi tước bỏ độc quyền mà các dân biểu, nghị sĩ nêu ra phần lớn chỉ nhằm mục đích kiếm phiếu và trấn an dân chúng, những đề nghị này hoàn toàn không thực tế.

Phản ứng của dân chúng sau những tin mừng liên tiếp

Trái với những mong muốn háo hức trong suốt nửa năm trước đây, tin tức dồn dập về sự thành công trong chế tạo vaccin lại mang đến 1 làn sóng tiêu cực.

Mới vài tháng trước, khảo sát tại Hà Lan cho thấy khoảng 60% dân chúng sẽ sẵn sàng chích ngừa khi có vaccin. Vậy mà, sau khi Pfizer và Moderna loan báo tin mừng, thống kê (giữa tháng 11) cho thấy chỉ còn khoảng 40% sẵn sàng cho chích, hơn 10% dứt khoát nói không và gần phân nửa cho biết là sẽ chờ xem kết quả ra sao trước khi quyết định.

Những lý lẽ do nhóm ‘dùng dằng’ và nhóm ‘không chịu chích’ đưa ra:

Một số dữ kiện và lý do chính được đưa ra để bảo vệ luận điểm trên:

Dĩ nhiên các cơ quan xét duyệt đều khẳng định mọi bước trong thủ tục cấp phép đều được giữ đúng theo như luật định và được tôn trọng tối đa. Để giải thích cho tốc độ kỷ lục trong việc nghiên cứu vaccin lần này, các chuyên gia nói là vì cả thế giới đổ xô vào công cuộc nghiên cứu, và vì người ta đã thu thập được nhiều kinh nghiệm về virus và các cách làm vaccin trong những năm vừa qua.

Thành phần dùng dằng đa số là giới trẻ, vì họ nghĩ như là: Không phải ai nhiễm Covid-19 cũng chết. Tử số trong giới thanh thiếu niên rất nhỏ. Tử số (con số % người bị nhiễm sẽ chết) được ước đoán dao động từ 0,5% tới 1%.

Những người thích suy luận với con số thì đặt dấu hỏi về những con số 70 hay 90% hiệu quả, các con số này nằm ở cách suy luận của các công ty bào chế vaccin, bởi vì không có thử nghiệm nào trong đó các tình nguyện viên được cố tình cho tiếp xúc với virus. Nếu nhìn vào con số thực thay vì nhìn vào số % thì sẽ thấy nó rất khác, như bác sĩ Martin Voerknecht, một người theo hướng bài bác vaccin, đã chỉ ra, với cách tính của ông, là “phải chích ngừa cho 127.500 người để có thể ngăn ngừa 1 ca tử vong, mà trên thực tế, ca này phần lớn nằm nơi những người cao tuổi và có bệnh nền (1).

Nhưng khi nhìn vào tổng số thì ta có thể lại có ý tưởng khác. Cho tới giờ (tháng 12), ở Hà Lan đã có nửa triệu người nhiễm Covid-19, và 9 ngàn người chết. Bỏ ra một số tiền khổng lồ mấy trăm tỉ euro (chỉ tính ở Hà Lan) để đổi lấy mạng sống của 9 ngàn người và những hệ lụy về kinh tế, về giao thương quốc tế, phải chăng là cái giá xứng đáng?

***

Tóm lại, chính vì sự ra đời quá nhanh chóng và đồng loạt của nhiều vaccin đã làm mọi người chùn lại. Ít ai chịu đưa mình ra làm vật thí nghiệm. Người ta lý luận rằng: giả sử mình tình nguyện cho chích và rủi thay bị tật nguyền hoặc qua đời do phản ứng phụ, sẽ hối hận suốt đời. Những người đó không bao giờ lý luận ngược lại là: nếu không chịu chích ngừa thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm virus, và có thể sẽ tàn phế hoặc chết do Covid-19. Đó là vì họ thấy con số nhiễm Covid-19 tuy có cao, nhưng tỉ lệ (số % dân số bị nhiễm) vẫn rất nhỏ, và “như vậy chắc là mình không bị nhiễm đâu, nếu đề phòng một chút”.

Tuy nhiên, sự do dự cũng có mặt tốt, vì hiện tại, viễn ảnh có ngay vaccin chích ngừa cho toàn dân vẫn còn rất xa vời. Chính phủ Hà Lan đã đặt mua dư thừa vaccin để chích cho tất cả, nhưng ít nhất phải tới sau hè 2021 mọi chuyện mới tạm coi là ổn. Ngoài ra, trong thực tế, sản xuất có thể sẽ vấp phải những trở ngại không ngờ trước. Đã có rất nhiều thí dụ cho thấy việc sản xuất đã bị đình trệ chỉ vì thiếu một bộ phận rất nhỏ, nhưng rất chuyên biệt trong khâu sản xuất. Giả sử hãng sản xuất cái nút cao su trong ống chích vì một lý do vớ vẩn nào đó phải ngưng trệ (thiếu nguyên vật liệu chẳng hạn) thì mọi khâu sản xuất sẽ dừng lập tức. Những người nghi ngờ có thời gian cả năm để nhắm chừng chung quanh xem kết quả thực tế ra sao, trong khi họ hy vọng dịch Covid-19 này rồi cũng sẽ qua đi. Giả sử như Covid-19 lây lan nhanh chóng và làm chết người hàng loạt như những dịch đậu mùa, dịch hạch, dịch tả… trong quá khứ thì chắc chắn mọi người sẽ xếp hàng rồng rắn đòi được chích thuốc ngừa lập tức.

Vấn đề kế tiếp là chuyện ngừa sẽ liên quan tới câu hỏi: rồi sẽ có phân biệt đối xử (người không chịu cho chích sẽ mất một số ưu tiên và sẽ bị cấm trong vài lãnh vực, như không được đi sang nước khác, đơn xin việc bị từ chối v.v.)?

.

Lê Ngọc Vân
(11.2020)

________

Chú thích:

(1) Lấy thí dụ dễ hiểu: giả sử cứ 40 người thì có 1 người nhiễm Covid-19 (số liệu của Hà Lan) và tử suất là 1% (100 người nhiễm thì có 1 người chết). Như vậy trong 40.000 người sẽ có 1000 người bị nhiễm và 10 người chết do Covid-19. Nếu thuốc chủng có hiệu quả 70%, có nghĩa là thay vì có 10 người chết thì chỉ có 3 người chết. Đối với MỘT cá nhân, nếu người đó không chích thì rủi ro bị chết vì Covid-19 là 1/4000 (0,25%), nếu có chích thì rủi ro đó chỉ còn 3/40000 (0,075%), người đó sẽ suy luận là chẳng thấy khác nhau bao nhiêu giữa 0,25% và 0,075%, vì hai số này đều quá nhỏ.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/vaccincovid19vanhung.htm


Cái Đình - 2020