Phạm Đình Lân


Thảo mộc trị viêm khớp xương trên thế giới

.

Viêm khớp xương là chứng bịnh thường thấy trên thế giới. Đa số người bị chứng này là nữ phái. Tên chứng viêm khớp xương trong Tây Y là Rheumatoid arthritis.

Hệ thống miễn nhiễm rối loạn tấn công nhầm các mô trong cơ thể ảnh hưởng đến các khớp xương chân, tay, bàn tay, bàn chân, vai, gây sưng phù và đau nhức khó chịu. Xương bị rỗng, các khớp xương bị biến dạng. Các tế bào bạch huyết cầu len vào các khớp xương tạo ra proteins TNF-alpha (Tumor necrosis factor alpha) và interleukin-1. Theo thời gian những proteins nầy tấn công các mô lành mạnh gây viêm phương hại đến sụn, xương và các mô liên hệ đến các khớp xương.

Các loại thảo mộc được dùng để trị viêm khớp xương đại để gồm có: nha đam, gừng, nghệ, vỏ cây liễu, dây lôi công, quế, cam thảo v.v... Cùng một loại thảo mộc việc chữa trị có khi giống nhau có khi khác nhau tùy từng địa phương. Việc trị bịnh giống như cuộc chiến đấu chống giặc thù nghĩa là phải kết hợp với nhiều phương tiện khác nhau để được chiến thắng. Yếu tố quyết định chiến thắng sau cùng là lòng dũng cảm và sự quyết thắng.

****

NHA ĐAM

Aloe vera
Gia đình: Liliaceae

Nha đam (cgdeaw/Shutterstock)

Nha đam hay lô hội là một loại cây cao lối 60- 70 cm; lá mọng nước, có gai ngoài rìa. Hoa màu vàng cam mọc thẳng đứng như hoa sống đời (trường sinh) Trái có nhiều hột nhỏ.

Tên khoa học của nha đam là Aloe vera thuộc gia đình Liliaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Nha đam, Lô hội

Trung Hoa

Lu hui (Lô hội)

Anh

Burn plant (trị phỏng), lily of the desert (huệ sa mạc), laxative (nhuận trường)

Hindi (Ấn)

Ghee kumari (vì làm trẻ phụ nữ)

Sanskrit

Kumari (trẻ trung hoá nữ giới)

Pháp

Aloès

Cây nha đam gốc ở bán đảo Á Rập, Nam Phi và quần đảo Cape Verdes. Nó được tìm thấy nhiều dọc theo bờ biển trên các hải đảo Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Mỹ Châu nhiệt đới. Ở Việt Nam nha đam được tìm thấy nhiều dọc theo bờ biển khô hạn từ Phan Rang xuống Phan Thiết. Người ta trồng nha đam quanh nhà để lấy lá nấu chè hay để cầm máu, bị phỏng lửa hay phỏng nước sôi hay đắp trên mắt khi bị viêm.

Cây nha đam được đề cập trong cổ thư Ai Cập vào thế kỷ XVI trước Tây Lịch. Nữ hoàng Nefertiti (thế kỷ XIV trước Tây Lịch) và nữ hoàng Cleopatra (69 - 30 trước Tây Lịch) dùng nha đam làm thuốc bảo vệ cho da đẹp không nhăn. Trong y thư De Materia Medica (70 - 79 sau Tây Lịch) cây nha đam được danh sư Dioscorides đề cập đến.

Tương truyền rằng Alexander Đại Đế xứ Macedonia thấy có nhiều cây nha đam trên đảo Socotra trong Ấn Độ Dương. Người ta cho rằng Alexander Đại Đế nghe theo lời khuyên của nhà hiền triết Aristotle đánh chiếm đảo Socotra để gặt lá nha đam để chữa vết thương cho binh sĩ. Như vậy Ai Cập và Hy Lạp đã sớm dùng nha đam trong y học trị liệu.

Người Do Thái học kinh nghiệm này từ người Ai Cập khi họ sống lưu lạc ở đó. Trong Cựu Ước Kinh phần nói về vua Solomon (970 - 933 trước Tây Lịch) có đề cập đến nha đam như một hương liệu. Nhựa của nha đam màu vàng và có vị đắng.

Các thầy thuốc Trung Hoa để ý đến dược tính của cây nha đam từ thế kỷ XI. Họ dùng nha đam để trị ghẻ, sốt và trị phỏng. Lá nha đam và lá sống đời (trường sinh) Kalanchoe pinnata có dược tính tương tự nhau. Dược tính của lá trường sinh có vẻ trội hơn lá nha đam nên được các dân tộc khác nhau trên thế giới truyền tụng. Lá nha đam có thể hư thối. Lá trường sinh già rơi xuống đất sẽ có hàng chục cây nhỏ mọc lên từ các răng của ngoài rìa lá. Vì vậy lá trường sinh còn được gọi là lá đả bất tử (đánh không chết), lạc diệp sinh căn (lá rụng ra rễ, chứng tỏ sức đề kháng rất mạnh của lá trường sinh).

Người Nhật dùng lá nha đam để chữa vết thương cho các hiệp sĩ (samurai).

Trên tàu, Christopher Columbus trồng nhiều cây nha đam để chữa vết thương cho các thủy thủ. Ông cho rằng có 04 loài thảo mộc cần thiết cho loài người là:

1. lúa mì
2. nho
3. trái và dầu ô- liu
4. lá nha đam.

Mahatma Gandhi kéo dài cuộc tuyệt thực ở Nam Phi nhờ khám phá tính năng trị liệu đặc biệt của lá nha đam.

Đặc tính:

- kháng viêm, kháng nấm, kháng khuẩn và gây tê.

- trị ung thư (thí nghiệm có kết quả), lãi, hoàng đản, viêm gan, táo bón, béo phì, sưng gan, sưng lá lách, bướu, thuốc nhuận trường, đau khớp xương, hạ máu đường, hạ mỡ trong máu (uống- phần cơm màu trắng trong và phần nhựa màu vàng có vị đắng).

- trị hói đầu (alopecia), phỏng (lửa, nước sôi), thoa trên da làm căng da, thoa trên vết nhăn, đắp vào mắt bị viêm, cầm máu, trị vết thương, làm thuốc gội đầu, súc miệng, kem thoa da (thoa ngoài da).

- Thành phần hóa học: acetylated mannans, polmannans, anthraquinone C- glycosides, enthrones và anthraquinones, lectins, sinh tố A, B1. B2, B6, B12, C, E và lối 20 khoáng sản.

Phụ nữ có thai không được dùng vì khả năng kháng trùng của nha đam rất mạnh nên có thể gây trụy thai.

LÔI CÔNG ĐẰNG

Tripterygium wilfordii
Gia đình: Celastraceae

Lôi công đằng (ảnh Internet)

Lôi công đằng hay dây lôi công đã được người Trung Hoa dùng trị các chứng bịnh hiểm nghèo trên 2000 năm nay. Việc dùng dây lôi công trị viêm khớp xương rất kết quả dựa trên cơ sở lấy độc trị độc vì lá và hoa dây lôi công có nhiều độc chất. Nam bịnh nhân bị viêm khớp xương có thể trị khỏi bịnh bằng dây lôi công nhưng có thể bị phản ứng phụ: giảm tinh trùng và có thể rơi vào trạng thái vô tự (sterility – childlessness). Nữ mất kinh nguyệt v.v…

Tên khoa học của lôi công đằng là Tripterygium wilfordii thuộc gia đình Celastraceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Dây lôi công, Lôi thần đằng

Trung Hoa

Lei gong deng (Lôi công đằng)

Anh

Thunder God vine; Thunder Duke vine (Duke: quận công; Thunder: thiên lôi, sấm sét; chữ Lôi Công đọc từ Lei Gong của Trung Hoa được người Anh dịch thành Thunder Duke vine);
Yellow vine (hoàng đằng <huang deng>). Có dây hoàng đằng khác với lôi công đằng này.

Pháp

Tonnerre de la vigne de Dieu (dây Thần Sấm)

Nhật

Raikoto

Dây lôi công được tìm thấy nhiều ở Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên. Lá xanh rất đẹp. Hoa màu trắng. Hoa Y dùng lôi công đằng trị ung thư, viêm gan, bịnh thận, viêm khớp xương v.v... Lôi công đằng có độc chất. Dùng quá liều rất nguy hiểm.

Thành phần hóa học của lôi công đằng: Có triptolide C20H24O6, quinone triterpene C30H48. Triptolide chữa u bướu có kết quả rõ rệt nhưng có thể gây chứng vô tự cho nam giới. Thí nghiệm trên chuột cho thấy triptolide chữa u bướu có kết quả tốt (Hoa Kỳ).

NGƯU BÀNG

Arctium lappa
Gia đình: Asteraceae

Ngưu bàng (Louis-M. Landry  -  https://www.calflora.org)

Ngưu bàng là một loại cây hoa thuộc gia đình hoa cúc, hoa hướng dương. Cây cao từ 1 - 2 m. Lá rộng, gợn sóng, có răng cưa thưa. Mặt dưới của lá có lông mịn. Hoa màu tím bao bọc bởi nhiều tia xanh trông như gai. Hoa có lông như gai bám vào lông trừu khi đi ngang qua cây ngưu bàng.

Ngưu bàng là thảo mộc miền ôn đới và bán nhiệt đới được tìm thấy nhiều ở Bắc Âu, vùng Địa Trung Hải từ Tây Á sang Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ và vài nơi ở miền Bắc Việt Nam.

Tên khoa học của ngưu bàng là Arctium lappa thuộc gia đình hoa cúc Asteraceae hay Compositae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Ngưu bàng

Trung Hoa

Niu bang (âm thành ngưu bàng)

Anh

Burdock

Pháp

Racine de bardane

Nhật

Gobo

Ngưu bàng có củ màu trắng, vị ngọt và nóng. Củ ngưu bàng có thể dài cả 1 m ăn sâu dưới đất.

Củ ngưu bàng có: K, sợi, Ca, chất nhờn, amino acid, polyphenols.

Trái có arcitine.

Lá có arctiopicrine C19H26O6 kháng khuẩn, kháng trùng rất mạnh.

Hột có hoạt chất kháng ung thư, kháng viêm. Chất arctigenin C20H22O6 giúp gia tăng trí nhớ, kháng viêm (thí nghiệm).

Củ có inulin C6H10O5 dùng trong bánh mì dành cho người bị bịnh tiểu đường hay trong thuốc trị bịnh về thận. Củ có sinh tố C, sinh tố B6, nhiều Fe, Mg v.v…

Củ, hột và lá ngưu bàng đều được dùng làm thuốc nhuận tiểu, tẩy độc trong máu, trị ung nhọt ngoài da, làm cho vết thương sớm tựu mủ, trị thống phong (gout), viêm khớp xương, sưng phổi, sốt xuất huyết, sởi, trái rạ.

CÂY LIỄU RŨ

Salix babylonica
Gia đình: Salicaceae

Cây liễu rũ (https://pixabay.com)

Cây liễu rũ được tìm thấy nhiều trên Đường Tơ Lụa (Silk Road) nối liền lục địa Á-Âu, vùng Babylonia cổ, các thành phố lớn ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên v.v…

Cây liễu rũ cao lối 20 m; cánh rũ xuống đất. Lá nhỏ, giẹp và nhọn. Hoa đuôi sóc màu vàng nhạt.

Tên khoa học của cây liễu rũ là Salix babylonica thuộc gia đình Salicaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Liễu, liễu rũ

Trung Hoa

Liu shu (Liễu thụ)

Anh

Weeping willow, Peking willow (Liễu Bắc Kinh), Babylon willow (Liễu Babylon)

Pháp

Saule pleureur

Nhật

Yanagi

Do Thái

Gharab

Công dụng:

1. trồng làm cảnh

2. lấy gỗ; nhánh dùng để đan rổ liễu (wicker basket)

3. chống xâm thực; giúp tái tạo rừng vì cây liễu tăng trưởng rất nhanh

4. Cây liễu có nhiều tanninssalicin C13H18O7. Vỏ và nhựa cây liễu có salicylic acid. Vào thời đại Thánh Kinh người ta dùng vỏ cây liễu để trị đau nhức và sốt. Dược tính của cây liễu được tổ ngành Tây Y là Hippocrates đề cập. Lá giã nát đắp vào nơi đau nhức. Vỏ và lá sắc nước uống như trà như uống aspirin vậy. Nhìn chung lá và vỏ cây liễu được dùng để trị viêm khớp xương, cầm máu, hạ sốt, bịnh ngoài da, tiêu chảy, kiết lỵ. Hột dùng để hạ sốt, ngăn chặn xuất huyết, hoàng đản, viêm khớp xương.

Người bị dị ứng aspirin không dùng trà lá, vỏ hay bột vỏ cây liễu.

GỪNG

Zingiber officinale
Gia đình: Zingiberaceae

Gừng (http://powo.science.kew.org)

Gừng là một loại củ có nhiều nhánh có vị cay nồng. Hoa gừng được các nhà thực vật học liệt vào loại hoàng hậu của các loại hoa. Gừng có một vai trò quan trọng trong các nhà bếp và trong phương pháp trị liệu cổ truyền trong dân gian ở Á Châu như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam v.v.

Tên khoa học của gừng là Zingiber officiale thuộc gia đình Zingiberaceae. Tên gọi thông thường là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Gừng; Khương (Hán Việt)

Trung Hoa

Jiang (âm ra tiếng Việt thành KHƯƠNG hay KHANG)

Anh

Ginger

Pháp

Gingembre

Nhật

Shoga

Ấn Độ (Hindi)

Adarakh (Ấn Độ được xem là quê hương gốc của gừng)

Sanskrit

Singabera

Người Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Indonesia, Mã Lai… biết dùng gừng để trị bịnh từ lâu. Cổ y thư Ayurveda của Ấn Độ chép rằng gừng được dùng để trị các chứng viêm (inflammations), viêm khớp xương (bột gừng), làm giảm đau nhức và sưng phù.

Gừng có: gingerol C17H26O4, shogaol C17H24O3, Zingerone C11H14O3, zingiberene, zingiberol, curcumene có khả năng chống viêm hạch tuyến tiền liệt. Vị cay của gừng do sự hiện diện của gingerolsshogaols mà ra.

Dầu cất từ gừng có zingiberene, beta- phelladrene, cineol, citral.

Công dụng trị liệu:

a. Củ: dùng để trị đau bụng, sình bụng (flatulence), kinh nguyệt bất thông, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, kiết lỵ, gây phát hạn (đổ mồ hôi), trị ho, cảm, đau khớp xương, phụ nữ mang thai hay ói mửa, hạ cholesterol v.v…

b. Dầu gừng: dùng để trị ung thư da. Gần đây người ta phát hiện dầu gừng có thể diệt tế bào ung thư buồng trứng.

Người bị sạn mật không được dùng gừng.

NGHỆ

Curcuma longa
Gia đình: Zingiberaceae

Cây nghệ và Củ nghệ (ảnh Internet)

Nói đến nghệ người ta liên tưởng ngay đến nước Ấn Độ nơi thức ăn chính của cư dân là cà-ri nấu bằng bột nghệ. Người ta cũng tin rằng quê hương gốc của nghệ là nước Ấn Độ.

Tên khoa học của nghệ là Curcuma longa thuộc gia đình Zingiberaceae như củ gừng. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Nghệ, Uất Kim, Hoàng Khương (Gừng vàng- âm từ huang jiang)

Trung Hoa

Huang jiang, jiang huang (khương hoàng)

Anh

Turmeric, yellow ginger, India saffron

Pháp

Safran des Indes

Nhật

Tamerikku

Ấn Độ (Hindi)

Haldee

Thức ăn cà-ri của người Ấn Độ được nấu từ bột nghệ (bột cà ri). Ấn Độ hiện nay sản xuất 75% tổng sản xuất nghệ trên thế giới (từ 600.000 – 800.000 tấn). Các quốc gia sản xuất nghệ phần lớn là các quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á.

Công dụng:

- nấu nướng: làm bột ca-ri; dùng làm hương liệu kho cá hay chiên xào thức ăn có thịt và thực vật.

- màu nhuộm thức ăn như bánh xèo, bánh rế, bánh cay. Màu nhuộm vải vóc và tơ lụa

- người Ấn Độ uống sữa + nghệ cho da được tươi nhuận. Ở Việt Nam phụ nữ sinh con thường thoa nghệ để xóa những vết nhăn. Người ta thoa bột nghệ trên các vết thương để xoá vết sẹo.

- màu vàng của nghệ là do curcumin C21H20O6 mà ra . Nghệ có lối 5% tinh dầu có mùi thơm do sự hiện diện của turmerone C15H20O, ar-turmerone, zingiberene C15H24.

- Trị liệu: trị bịnh dạ dày, hoàng đản, ung thư, vết sẹo, làm cho gan và mật hưng phấn hơn.

Ở Trung Hoa người ta dùng nghệ để trị lãi, đau ngực, đau bụng, viêm gan, chướng hơi. Việc dùng hoàng khương trị liệu có thêm một bước tiến khá dài vì nghệ có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, kháng ốc xy hoá. Nghệ được dùng để chữa chứng Alzheimer, mất trí nhớ, đau khớp xương, ung thư và tiểu đường. Nghệ thanh lọc máu và làm cho máu ấm.

Trong y học dân gian dùng nam dược thảo người ta dùng:

Nghệ (Curcuma longa) + lá Tía Tô (Perilla ocymoides) + Ngò Ôm (Rau ôm) (Limmophila aromatica) giã nát vắt nước hòa chút nước rồi lọc xác uống trị chứng suyễn kinh niên.

Ngoài ra Cam Thảo Glycyrrhiza glabra, gia đình Fabaceae và Quế Cinnamonum zeylanicum, gia đình Lauraceae cũng được dùng để chữa tê thấp.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.


Cái Đình - 2019