Phạm Ɖình Lân


Thảo mộc trị táo bón

.

Dù là thầy thuốc Đông Y hay Tây Y, tất cả đều quan tâm đến đại, tiểu tiện của người bịnh. Táo bón là một dạng bất thông của hệ thống tiêu hóa xuất phát từ sự chuyển động bất thường và không đầy đủ của đường ruột. Táo bón thường được tìm thấy nơi người cao niên. Nguyên nhân của chứng táo bón có thể:

Không thể xem thường chứng táo bón (constipation) được. Từ táo bón sẽ chuyển sang nhiều chứng khác như trĩ (hemorrhoids), nhiễm trùng đường ruột, sưng đường ruột như trường hợp tài tử Elvis của Hoa Kỳ, loét ruột; xuất huyết đường ruột và nặng hơn nữa là ung thư đường ruột (colon cancer). Đó là những chứng bịnh nặng có thể gây tử vong.

Để ngăn ngừa táo bón ta phải làm ngược lại những nguyên nhân gây ra táo bón nghĩa là phải uống khá nhiều nước; ăn nhiều rau cải, thức ăn dễ tiêu hóa và có nhiều sợi; tránh lo âu suy nghĩ quá nhiều; uống cà phê (nhưng tối đa không quá hai tách mỗi ngày); tránh xa ma túy hay lạm dụng thuốc; cần tập thể dục hay làm những công việc lặt vặt trong nhà để có cơ hội cho cơ thể hoạt động; ăn các loại trái cây hượt trường như chuối, trái ‘prunes’; ‘apple sauce’; uống nước chanh hòa với mật ong v.v...

Theo kinh nghiệm trị liệu dân gian của người Việt Nam và Tây Phương, thảo mộc trị táo bón gồm có: củ cải rhubarb hay đại hoàng, lô hội, lá sống đời, bồ công anh (dandelion), muồng trâu, mã đề sa mạc (Psyllium- Plantago ovata), cây táo gai hay bút mèo hay cây vỏ thiêng (cascara sagrada), cỏ cà ri (fenugreek) v.v...

****

ĐẠI HOÀNG

Củ Rhubarb
Rheum officinalis
Gia đình: Polygonaceae

Cây đại hoàng (biolib.de) và củ đại hoàng (ảnh internet)

Đại hoàng là vị thuốc lấy từ củ Rhubarb, mang tên khoa học Rheum officinale thuộc gia đình Polygonaceae. Cây có thể cao đến 2m; lá hình trái tim hay hình tam giác; rìa lá chẻ. Củ màu vàng (đại hoàng: great yellow). Hoa màu đỏ bầm, trắng xanh-hồng hay hồng-trắng. Hột bắt đầu già vào tháng 07 - 08.

Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Anh

Chinese rhubarb, Tibetan rhubarb; Turkey rhubarb

Việt Nam

Đại Hoàng (âm theo người Trung Hoa)

Trung Hoa

Da huang

Pháp

Rhubarbe chinoise

Nhật Bản

Daio

Loại cây có củ sống lâu dưới đất này được tìm thấy nhiều ở Trung Hoa, Tây Tạng, các nước Trung Á, Thổ Nhĩ Kỳ. Người Trung Hoa có nhiều kinh nghiệm dùng đại hoàng trong y học trị liệu. Củ rhubarb được du nhập vào Âu Châu vào thế kỷ XIII. Người Anh trân quí củ rhubarb. Họ cũng dùng nó làm thuốc nhuận trường vào thời Trung Cổ đến thế kỷ XVIII.

Công dụng:

1. lá và cọng non luộc ăn được. Lá có độc chất calcium oxalate. Độc chất biến mất khi luộc chín.

2. Lá có rutin C27 H30 O16 (1,3%). Thành phần hóa học của củ rhubarb: chrysophan, phaeoretin, erythrorhein, aporetin, chrysophanic acid C15 H10 O4, rheotannic C26 H26 O14, emodin C15 H10 O5, gallic acid C7 H6 O5, calcium oxalate (lá), rhein C15 H8 O6, đường, tinh bột, muối v.v...

3. Chủ trị: (dùng củ) trị thổ tả, tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón. Nhuận tiểu, nhuận trường. Ngày nay đại hoàng được dùng để chữa viêm gan B, bịnh bàng quang, trĩ, kinh nguyệt. Đại hoàng kháng trùng, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng ung thư nhờ có aloe-emodin, chrysophanol, emodin, gallic acid, rhein.

4. Không được dùng đại hoàng:

a. phụ nữ mang thai

b. người đau thấp khớp

c. bị bịnh tí thấp (gout)

d. bị sạn thận (không được dùng đại hoàng).

CÂY VỎ THIÊNG

Cascara sagrada
Rhamnus purshiana
Gia đình: Rhamnaceae

Cây vỏ thiêng (Jesse Taylor, Wikimedia Commons)

Cây vỏ thiêng là chữ dịch của tiếng Tây Ban Nha Cascara sagrada (vỏ cây thiêng liêng). Đó là cây táo gai, táo rừng (buckthorn) được tìm thấy nhiều ở Bắc Mỹ Thái Bình Dương. Người Tây Ban Nha khi mới đặt chân lên lục địa Mỹ Châu, bắt chước người Da Đỏ ở Bắc Mỹ dùng vỏ và trái cây táo rừng để trị táo bón, bịnh gan, thận, trĩ (hemorrhoids), sạn mật. Họ gọi cây táo rừng này là cây vỏ thiêng Cascara sagrada.

Cây táo rừng cao từ 5 - 10 m; lá hình bầu dục; gân lá tựa như bộ xương cá. Hoa nhỏ, 05 cánh màu xanh-vàng, kết thành chùm. Trái nhỏ, tròn, màu hồng khi chín chuyển sang màu tím-đen. Trái có vỏ mỏng, cơm nhiều, có 02 hay 03 hột đen và cứng.

Tên khoa học của cây vỏ thiêng hay táo rừng hay hùng mộc này là Rhamnus purshiana thuộc gia đình Rhamnaceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Anh

Buckthorn, bear wood (Hùng mộc); sacred bark;
Chittum bark (theo cách gọi của người Da Đỏ)

Việt Nam

Cây vỏ thiêng; táo rừng

Tây Ban Nha

Cascara sagrada

Pháp

Écorce sacrée

Da Đỏ

Chittum

Cây già từ 15 đến 25 tuổi cho nhiều vỏ. Vỏ có vị đắng.

Công dụng:

1. Vỏ và trái dùng làm thuốc xổ.

2. Gỗ dùng làm củi, làm cột nhà; trái dùng để cất rượu, làm nước giải khát, kem, bánh ngọt nướng.

3. Thành phần hóa học: hydroxyanthracene glycosides (cascarosides C27 H32 O14, C27 H32 O13 etc.) và emodin C15 H10 O5.

Cho đến giữa thế kỷ XX cây vỏ thiêng vẫn còn được dùng để làm thuốc trị táo bón. Đến thế kỷ XXI cơ quan FDA (Food Drug Administration) của Hoa Kỳ ngừng công nhận hiệu năng và sự an toàn của cây vỏ thiêng Chittum (sacred bark - cascara sagrada).

MÃ ĐỀ SA MẠC

Plantago ovata
Gia đình: Plantaginaceae

<=== Cây mã đề sa mạc (https://nl.wikipedia.org)

Gọi là mã đề sa mạc vì dựa vào chữ Plantago của dòng mã đề chớ cây không giống mã đề thường thấy ở nước ta. Mã đề sa mạc được tìm thấy ở Tây Á, ven biển Địa Trung Hải và Bắc Phi nơi có khí hậu nóng và khô. Cây mã đề sa mạc cao từ 50 đến 70 cm; lá dài và nhọn; hoa màu vàng nhạt không tươi. Hoa nhỏ mọc thành chùm trên một trục cao lối 50 cm. Trồng trong vòng 60 ngày (02 tháng) sẽ có hoa và kết hột.

Tên khoa học của mã đề sa mạc là Plantago ovata thuộc gia đình Plantaginaceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Mã đề sa mạc (1)

Anh

Blond psyllium, desert Indian wheat, ispaghul (2)

Ấn Độ

Isabgol

Trung Hoa

Che qian zi (xa tiền tử: mã đề .<.hột.>.) (3)

Nhật

Sairiumu

Công dụng:

– mã đề sa mạc có nhiều công dụng trong kỹ nghệ dược phẩm, mỹ phẩm và kỹ nghệ dệt vải (chất nhờn < hột và vỏ lụa + nước > dùng để hồ vải).

– lá và hột mã đề sa mạc đều ăn được.

– vỏ lụa của hột mã đề sa mạc có tỷ lệ cellulose cao gồm có arabinose C5 H10 O5, rhamnose C6 H12 O5, galacturonic acid C6 H10 O7. Được dùng để biến chế thức ăn có sợi trị táo bón, tẩy độc trong gan.

– lá, hột, vỏ lụa của hột mã đề sa mạc tạo thành chất nhờn khi gặp nước. Chất nhờn hút độc chất trong màng ruột và tẩy ra ngoài bằng đường tiêu hóa. Mã đề sa mạc nhuận tiểu, nhuận trường, trị đau nhức, bao tử ợ chua, tiêu chảy, kiết lỵ, trĩ (hemorrhoids), hạ cholesterol, hạ đường cho người bị tiểu đường loại I và II.

CÂY MUỒNG TRÂU

Cassia alata
Cassia herpetica
Gia đình: Fabaceae

Cây muồng trâu (https://davesgarden.com)

Cây muồng trâu được tìm thấy khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới đặc biệt là Nam và Trung Mỹ. Chữ TRÂU ở đây được dùng như một hình dung từ chỉ cái gì to lớn. Muồng trâu là cây muồng to lớn đến 2 - 3 m. Tên thuốc gọi là nam đại hoàng (đại hoàng: củ rhubarb). Thân cây muồng trâu mềm, dễ gãy. Lá giống như lá me hay lá mắc cỡ (trinh nữ) to, màu xanh tươi, mọc đối nhau. Hoa cao từ 50 - 60 cm màu vàng tươi rất đẹp. Ban đêm lá xếp lại. Trái to như trái đậu ván.

Tên khoa học của cây muồng trâu là Cassia herpetica (herpes: mụn độc) hay Cassia alata v.v..., thuộc gia đình Fabaceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Muồng trâu; nam đại hoàng

Trung Hoa

Xuan fan pie ye (Huyên Phiên Tả Diệp) (4)

Anh

Ringworm cassia (vị trí hắc lào), Candle bush

Pháp

Fleur dartre

Nhật

Hakusen senna

Mã Lai

Gelenggang

Lào

Khi let ban

Khmer

Dang het

Phi Luật Tân

Akapulko

Thành phần hóa học:

– toàn cây muồng trâu có chrysophanol C15 H10 O4.

– trái có nhiều chrysophanic acid C15 H10 O4

– hột có chrysophanol

– lá có cassic acid, aloe-emodin, rhein, anthrone, kampferol.

– rễ có anthraquinone C14 H8 O2 gây tẩy xổ rất mạnh.

Chủ trị: táo bón, bịnh ngoài da (hắc lào; kháng nấm) vì có fungisidechrysophanic acid.

Ở Phi Luật Tân muồng trâu được dùng làm thuốc tẩy xổ tẩy sạch độc chất trong gan.

Ở Phi Châu người ta dùng nó để hạ huyết áp.

Ở Nam Mỹ nơi xuất phát cây muồng trâu, người ta dùng nó để trị bịnh nấm trên da như hắc lào chẳng hạn, sốt, táo bón, suyễn, rắn cắn, dương mai.

Muồng trâu gây tẩy xổ rất mạnh nên cẩn thận khi dùng. Vì lý do ấy người ta dùng nó làm thuốc tẩy xổ cho súc vật.

CÂY MUỒNG NGỦ

Cassia tora
Gia đình: Fabaceae

Cây muồng ngủ (https://medium.com) và hạt (ảnh internet)

Gọi là muồng ngủ vì lá xếp lại như ngủ về đêm.

Cây muồng ngủ cao lối 50 - 70 cm; lá xanh tươi hình bầu dục; hoa vàng. Trái muồng ngủ giống trái đậu xanh. Cây muồng ngủ có nhiều tên gọi khác như: muồng ngủ, muồng hôi (foetidic cassia), thảo quyết minh, đậu ma. Tên khoa học là Cassia tora, gia đình: Fabaceae.

Cây muồng ngủ có nhiều anthraquinone tẩy xổ rất mạnh. Hột trái chín màu đen có nhiều protein, tannins, cinnaldehyde C9 H8 O, mannitol C6 H14 O6. Hột rang nấu nước uống như cà phê. Muồng ngủ được tìm thấy nhiều trong thôn quê Việt Nam. Đó là một dược thảo quan trọng có công dụng tương tự như muồng trâu.

BỒ CÔNG ANH

Taraxacum officinale
Gia đình: Compositae

Cây Bồ công anh (http://www.kuleuven-kulak.be)

Thoạt nghe tên gọi ‘bồ công anh’ người đọc ngờ là cây thuốc xa lạ và hiếm hoi. Đó là loại cỏ có hoa vàng nhiều cánh rất quen thuộc với những gia đình có vườn ở Hoa Kỳ. Đó là dandelion hoa vàng mà các nhà làm vườn tìm cách diệt bỏ.

Dựa vào triết lý y học trị liệu thì loại cỏ lấn đất, có rễ to ăn sâu dưới đất này có sức đề kháng rất mạnh khiến người ta nghĩ đến khả năng trị liệu đặc biệt của nó như trường hợp cây sống đời, củ cỏ gấu (hương phụ) chẳng hạn.

Bồ công anh được tìm thấy ở vùng khí hậu bán nhiệt đới và ôn đới. Cây cao lối 30 - 40 cm; lá dài có răng cưa nhọn như là ngò gai; hoa vàng có nhiều cánh nhỏ như hoa cúc. Khi gần tàn hoa có hình cầu màu xám tro. Gió thổi hột bay đi khắp nơi và mọc thành cây con. Bồ công anh bất tử sau mùa đông băng giá vì có rễ ăn sâu dưới đất tựa như củ vậy.

Tên khoa học của bồ công anh là Taraxacum officinale thuộc gia đình Compositae. Chữ Taxacum xuất phát từ tiếng Á Rập tarakhshaqun có nghĩa là rau diếp xoắn đắng.

Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Bồ công anh (âm theo Hoa ngữ Pu gong ying)

Anh

Dandelion (âm từ tiếng Pháp Dent de lion < Răng sư tử >)

Pháp

Dent de lion

Tây Ban Nha

Diente de leon

Nhật

Tanpopo

Trung Hoa

Pu gong ying (Bồ Công Anh)

Công dụng:

– Rễ, lá và hoa bồ công anh được dùng làm thuốc trị sạn túi mật, hoàng đản, táo bón, rối loạn đường tiểu, cổ trướng (cirrhosis), cước khí, đau khớp xương, chàm, viêm gan, tiểu đường, béo phì, rỗng xương (osteoporosis), rắn cắn.

– Lá bồ công anh non ăn như rau cải (người Pháp thích rau này). Nó có sinh tố A, B6, C, K, chất sắt Fe, Ca (chất vôi) cao hơn cải spinach. Lá khô cho vào thức ăn như hương liệu vậy. Một công ty nước ngọt Bỉ dùng bồ công anh làm nguyên liệu sản xuất rượu Pissenlit (tiểu tiện trên giường). Lá bồ công anh có flavonoids luteolin 7- 8- glucoside, apigenin-7-glucoside, sinh tố A, B, C.

– Rễ bồ công anh rang nấu nước uống thay cà phê. Nó được Canada dùng làm thuốc nhuận tiểu và nhuận trường. Rễ bồ công anh có inulin C6 H10n + 2 O5n +1, taraxerol C30 H50 O, taraxasterol, pseudotaraxasterol, beta amyrin.

– Hoa dùng để làm rượu, thạch, màu nhuộm vàng, xanh. Nhựa trắng trong hoa được dùng như keo.

Người Trung Hoa dùng bồ công anh làm thuốc từ thế kỷ VII. Người Âu Châu ghi bồ công anh vào y thư vào thế kỷ XV.

CỎ CÀ RI

Trigonella foenum- graecum
Gia đình: Fabaceae

Cỏ cà ri (https://www.bolster.nl)

Cỏ cà ri được tìm thấy ở các vùng khí hậu Địa Trung Hải như Nam Âu (Tây Ban Nha, nam nước Pháp), Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ), Bắc Phi (Ai Cập, Morocco). Nó cũng được tìm thấy ở Ấn Độ, Pakistan, tây bộ Trung Hoa.

Gọi là cỏ cà ri vì người Ấn Độ và Trung Đông dùng nó để nấu cà ri thực vật. Nó không thấp lè tè như cỏ mà cây cao từ 60 - 90 cm; tam diệp hình nút chuông; hoa màu trắng hình tam giác. Trái chín có hột màu vàng. Người ta ăn lá tươi non. Lá khô và hột được dùng như hương liệu. Cỏ cà ri có mùi ngọt vì sự hiện diện của chất sotolon C6 H8 O3.

Tên khoa học của cỏ cà ri là Trigonella foenum-graecum thuộc gia đình Fabaceaecủa các loại đậu. (theo tiếng La Tinh Foenum-graecum là rơm Hy Lạp).

Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Cỏ cà ri (để khỏi nhầm với cây cà ri curry leaf tree
Murray koenigii, g.d: Rutaceae)

Anh

Fenugreek

Ấn Độ

Methi

Ả Rập

Hilbeth

Pháp

Fenugreek

Nhật

Koroha

Trung Hoa

Hu lu ba

Mã Lai

Halta

Cỏ cà ri xuất hiện trong vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia) vào thế kỷ VII trước Tây Lịch.

Người Ai Cập cổ dùng cỏ cà ri làm thuốc khi bị hành kinh.

Người Ai Cập cổ và người Trung Đông dùng lá cỏ cà ri phơi khô sắc nước cho phụ nữ mới sinh con uống.

Người Trung Hoa dùng cỏ cà ri như thuốc cường thận, giảm đau, giảm cholesterol, hạ huyết áp, giảm đường trong máu, sa ruột, cước khí, lãnh dục (frigidity), kinh nguyệt đau đớn.

Cổ Y Ấn Độ xem cỏ cà ri như thuốc kích dục và dùng nó để trị bịnh về phổi, tiêu hóa bất thông, suy nhược cơ thể, tê thấp.

Cỏ cà ri kháng viêm, kháng bướu, kháng trùng, lợi cho tim, thận, phổi, nhuận tiểu, nhuận trường, hạ sốt, hạ máu đường, hạ huyết áp.

Cỏ cà ri có: polysaccharide galactomannan, saponins như diosgenin, yamogenin, alkaloids như choline, trigonelline.

Hột có: flavonoids, alkaloids, coumarins, saponins, sinh tố B6, Fe, Ca, cinnamic acid C9 H8 O2, scopoletin C10 H8 O4.

Lá trường sinh (Sống đời) Kalanchoe pinnata và lá lô hội Aloe vera đều có công dụng trị táo bón rất tốt. Lá trường sinh chua (lá to, mọng nước, hái vào buổi sáng) trị táo bón. Lá chát lẫn lá chua đều có tác dụng trị tiêu chảy, kiết lỵ. Chúng tôi có dịp nói qua về lô hội và lá trường sinh nên chúng tôi không lặp lại hai loài thảo mộc có nhiều dược tính trị liệu giống nhau nầy.

Bài viết dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển của tác giả Phạm Đình Lân.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

__________

Chú thích:

(1) Do người viết đặt vì loài thảo mộc này không có ở Việt Nam. Tên gọi nầy dựa vào dòng Plantago của mã đề + vùng khí hậu nóng và khô nơi có nhiều loại thảo mộc nầy.

(2) Dựa theo cách gọi Isabgol của người Ấn Độ. Isabgol: Asp + Ghol của tiếng Sanskrit (Phạn) có nghĩa là Mã Hoa vì hột có hình móng ngựa tức cùng nghĩa với Mã Đề (móng ngựa)

(3) Xa tiền: lá mã đề khô dùng như vị thuốc trong Đông Y.

(4) Xuan fan pie ye: Huyên phiên tả diệp do dược sĩ Lâm Thị Phương, Úc Đại Lợi, âm từ Hoa ngữ.


Cái Đình - 2018