Phạm Đình Lân


Thảo mộc mang tên động vật

.

Trong rừng thảo mộc có rất nhiều cây có mang tên động vật. Dù là nhà thực vật học Việt Nam hay ngoại quốc, cách gọi tên cây cỏ theo tên động vật căn cứ vào:

a. hình dạng hay màu sắc bên ngoài của lá cây, trái cây với màu sắc hay một bộ phận nào đó của động vật. Do đó chúng ta có lá lưỡi cọp, cây trứng cá, cây trứng cua, cây trứng ếch, cây trứng ốc, cây vòi voi, cỏ chân voi, cây vuốt hùm, cây vuốt mèo, cà dái dê, cây dái ngựa, lá móng bò, cỏ chân gà, cỏ chân vịt, cây khổng tước, cây vòi mực, cây mã đề, lá kiếng cò v.v…

b. công dụng trị liệu của lá, rễ, nhựa hay củ như cây thuốc cá, cây thuốc chí, cây thuốc giòi, dây giun, dây giết ve chó, cây chó đẻ (vì thấy chó đẻ nhai khi mới sinh con), dâm dương hoắc v.v…

c. mùi đặc biệt của lá hay hoa như hy thiêm thảo (cỏ cứt heo), hoa cứt lợn (cây bù xít), rau giấp cá (ngư tinh thảo) v.v…

Trong những trang dưới đây chúng tôi chỉ chọn tượng trưng vài loài thảo mộc mang tên động vật mà thôi.

CÂY KHỔNG TƯỚC

Peacock plant
Maranta makoyana
Gia đình: Marantaceae

Đây là loại cây cảnh có lá đẹp và hiếm lạ. Cây khổng tước gốc ở Brazil và được tìm thấy nhiều ở Trung và Nam Mỹ nhiệt đới và bán nhiệt đới.

Gọi là cây khổng tước (khổng tước: con công) vì lá to, rộng màu xanh nhạt có đốm và gân lá như xương cá đậm nét màu xanh sẫm giống như đuôi con công trống xòe ra. Lá non của loại cây này có màu tím.

Cây cao lối 60 - 80cm. Người ta trồng cây khổng tước trong chậu làm cây cảnh. Lá đẹp nhưng hoa không đẹp. Hoa nhỏ, màu trắng. Cây trồng bằng củ.

Tên khoa học của cây khổng tước là Maranta makoyana, gia đình: Marantaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Anh

Peacock plant; Cathedral window (cửa sổ giáo đường), brain plant (não mộc), Calathea peacock

Pháp

Plante paon

Bồ Đào Nha

Foula pavan

Tây Ban Nha

Planta de pavo real

LÁ LƯỠI TRÂU

Hoya macrophylla
Gia đình: Apocynaceae

Chúng tôi chọn tên gọi Lá Lưỡi Trâu thay cho tên gọi Hồ Gia Đại Diệp dịch âm và dịch nghĩa từ tên khoa học Hoya macrophylla (Hoya: lấy từ tên nhà thực vật Anh Thomas Hoy (1750- 1822) và âm thanh Hồ Gia; macrophylla: lá to; đại diệp).

Gọi là Lá Lưỡi Trâu vì lá khá lớn và giống lưỡi trâu.

Dây lá lưỡi trâu là một loại dây có thân dẻo và cứng. Lá láng, dài và dày. Trên mặt lá có 03 gân lá màu trắng chạy từ cuống lá đến đầu lá. Lá màu xanh; gân lá màu trắng; rìa lá màu hồng. Hoa nở vào giữa mùa Xuân. Hoa nhỏ có 05 cánh. Cuống hoa nhỏ và dài. Hoa nhỏ, nhụy vàng, đẹp và thơm. Nhiều hoa nhỏ tụ lại thành một hình cầu màu hồng hay hồng nhạt. Dây lá lưỡi trâu có trái. Trái có nhiều hột nhỏ. Loài thảo mộc này được tìm thấy nhiều ở Indonesia, Mã Lai, bắc Úc Đại Lợi, các hải đảo Thái Bình Dương, Việt Nam.

Tên khoa học của dây lưỡi trâu là Hoya macrophylla, gia đình: Apocynaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Lá lưỡi trâu; hồ gia đại diệp

Anh

Wax plant, Hoya, Porcelain flower

Pháp

Fleur de porcelaine; Fleur de cire

Bồ Đào Nha

Flor de cera (hoa sáp)

Tây Ban Nha

Planta de cera, cerilla (cây sáp)

Hoa có: methyl butana, ethylbenzen, o-xylen, p-xylen, linalool, phenylethylalcohol v.v

Công dụng:

- trồng làm cảnh đẹp, có hoa thơm

- hương thơm của hoa dùng trong việc sản xuất nước hoa

- trồng trong nhà để hút bớt những ô nhiễm trong nhà

- người Polynesians dùng lá và hoa lưỡi trâu làm thuốc.

- Lá lưỡi trâu rất độc cho trừu.

LÁ MÓNG BÒ

Piper umbellatum
Gia đình: Piperaceae

Cây móng bò gốc ở miền nhiệt đới Mỹ Châu được đưa sang Phi Châu và Đông Nam Á.

Cây móng bò cao từ 1- 3m; lá to, tròn như cái móng bò. Thân cây màu xanh sẫm, sần sùi như có gai nhỏ, có lông. Hoa màu trắng sữa. Trái nhỏ màu đen.

Tên khoa học của lá móng bò là Piper umbellatum, gia đình: Piperaceae của lá trầu, hồ tiêu, lá lốt. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Lá móng bò; lan hoa

Guinea

Fula pulaar

Mã Lai

Lomba

Indonesia

Lomba

Phi Luật Tân

Kubamba (tiếng Tagalog)

Thái Lan

Phluu teen chang

Pháp

Grand baume; bois d’anisette

Lá móng bò có nhiều alkaloids, fatty acids, 4-nerolidylcatechol trị nọc độc của rắn và côn trùng, trị sốt rét, vết thương.

Trái dùng để trị tiêu chảy, kiết lỵ. Ở Việt Nam người ta dùng trái để trị cước khí, quặn thận (kidneys), đau bụng, thiếu hồng huyết cầu.

Lá và hột dùng để trị lãi. Cách dùng lá móng bò để trị bịnh đều khác nhau ở Guinea (trị đau tai; bịnh scorbutus), Phi Luật Tân (nhặm mắt), Mã Lai (kết hợp với lá trầu để trị ho) v.v.

CÂY HOA MÓNG BÒ

Pata de vaca
Bauhinia forficata
Gia đình: Fabaceae

Đây là một loại cây to có hoa đẹp gốc ở Trung và Nam Mỹ. Người Anh gọi là Brazilian orchid tree (cây phong lan Brazil). Người Tây Ban Nha gọi là Pata de Vaca (Pata: chân hay bàn chân, móng chân bò <hoof>) dựa vào hình dạng của lá chẻ. Người Bồ Đào Nha cũng gọi tương tự Pezuna de vaca. Cây hoa này được du nhập vào Việt Nam và được gọi là cây hoa móng bò, hoa hoàng hậu (không biết vì sao gọi như vậy).

Cây hoa cao 4 - 6m; lá to và chẻ như móng bò. Hoa đẹp, 05 cánh dài; nhụy dài. Hoa màu trắng, tím nhạt hay hồng. Vài tài liệu cho rằng hoa có hương thơm. Người viết bài này có trồng trước nhà năm 1970 nhưng không cảm nhận hương thơm của hoa.

Tên khoa học của cây hoa móng bò là Bauhinia forficata, gia đình: Fabaceae. Lá cây hoa móng bò có astragalin C21H20O11 (sát trùng), flavonoid kaempferitrin (hạ máu đường; lọc thận, trị rối loạn đường tiểu), bauhinoside, beta-sitosterol, flavonols, glycosides, guanidine, saponins, alkaloids v.v...

Các bộ lạc sống dọc theo thung lũng sông Amazon dùng lá cây hoa móng bò làm trà uống trị tiểu đường, trùng lãi, rối loạn đường tiểu, hạ cholesterol, lọc máu, nhuận tiểu, trị bịnh đầu voi (elephantiasis), bịnh da liễu, phong hủi, rắn cắn. Dược tính của cây hoa móng bò được các nhà khoa học Brazil kiểm nghiệm từ thập niên 1930 và gần đây vào năm 2004. Ở Brazil người ta bán lá cây hoa móng bò để nấu nước uống hạ máu đường, nhuận tiểu, chữa bịnh thận (kidneys).

Cây hoa móng bò được xem như có insulin thực vật tự nhiên.

CÂY TRỨNG CÁ

Mật Sâm
Muntingia calabura
Gia đình: Muntingiaceae

Gọi là cây trứng cá vì trái có nhiều hột nhỏ li ti như trứng cá.

Cây trứng cá gốc ở Trung, Nam Mỹ, vùng biển Caribbean và được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á. Đó là một loại cây chóng lớn, dễ trồng. Cây cao từ 5 - 10m. Lá xanh. Rìa lá có răng cưa. Hoa trắng, 05 cánh; nhụy vàng. Trái nhỏ, trơn màu vàng hay màu đỏ. Trái chín ngọt và thơm.

Cây trứng cá được tìm thấy ở Việt Nam vào thập niên 1950. Nhưng đến thập niên 1970 nhiều nơi cây trứng cá bị đốn vì thân cây trứng cá giòn dễ gãy khiến trẻ em bị té cây. Cũng có tin cho rằng hột trái trứng cá khó tiêu hóa nên hại đến màng ruột.

Tên khoa học của cây trứng cá là Muntingia calabura thuộc gia đình Muntingiaceae. Tên thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Trứng cá; Mật sâm

Anh

Calabura, capulin, Panama berry, Jamaican cherry tree

Pháp

Cerisier de Panama

Tây Ban Nha

Ceriza; memiso

Mã Lai

Ceri kampung (cây anh đào trong làng)

Phi Luật Tân

Sarisa

Cây trứng cá gốc ở Mỹ Châu nơi người Tây Ban Nha sớm khám phá và thực dân. Ở Đông Nam Á, Tây Ban Nha có thuộc địa là quần đảo Philippines (lấy tên vua Philip II của Tây Ban Nha). Vì thế người Tây Ban Nha mang cây trứng cá sang Phi Luật Tân (Philppines) và từ đó truyền sang các nước láng giềng trong vùng.

Trái trứng cá được trẻ nít ưa thích vì thơm và ngọt dịu. Trái chín rất đẹp. Ở Brazil người ta trồng cây trứng cá dọc theo bờ sông. Trái chín rụng xuống sông là thức ăn của cá.

Gỗ cây trứng cá dùng để đóng thùng, làm bột giấy vì mềm. Vỏ cây dùng để bện dây thừng. Trái chín có nhiều sinh tố C.

Thành phần hóa học:

- Trái: squalen C30H50, triglyceride, linoleic acid, palmitic acid, alpha- linolenic acid, beta- sitosterol, stigma sterol v.v…

- Lá: flavonoids, tannins, terpenoid, antioxidants.

Hoa dùng để khử trùng, trị nhức đầu, ho, cảm.

Lá dùng làm trà.

DÂY THUỐC CÁ

Derris elliptica
Gia đình: Fabaceae

Tên khoa học của dây thuốc cá là Derris elliptica thuộc gia đình Fabaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Dây thuốc cá

Anh

tuba root, poison vine (day thuốc độc), fish poison plant (cây thuốc cá thực tế là dây <vine>)

Pháp

Touba

Mã Lai

Akar tuba

Phi Luật Tân

Tugling-pula

Thái Lan

Lai nam

Cambodia

ca bia

Chúng tôi chọn dây thuốc cá Derris elliptica vì loại dây này có nhiều ở Đông Nam Á và trên các hải đảo Thái Bình Dương. Vì trên thế giới có nhiều loại dây và cây thuốc cá ở vùng nhiệt đới Trung Mỹ, Nam Mỹ và trên hải đảo trong biển Caribbean.

Dây thuốc cá dài lối 10m. Lá mọc đối; gân lá nổi lên rõ ràng. Lá hình lông chim khá dày. Hoa nhỏ kết thành chùm màu hồng nhạt không đẹp. Trái dài và giẹp (elliptica như tên khoa học đã định).

Thành phần hóa học: Rễ to của dây thuốc cá là nguồn rotenone C23H22O6 dùng để thuốc cá và làm thuốc sát côn trùng. Rotenone có các hợp chất deguelin, tephosin, toxicarol, sumatrol C23H22O7. Đối với người và động vật máu nóng chích rotenonerotenoids vào mạch thì chết ngay.

Độc chất của dây thuốc cá là nhựa, tannin, rotenone, saponin.

DÂY THUỐC CHÍ

Dây Táo
Cocculus indicus
Gia đình: Menispermaceae

Dây thuốc chí còn gọi là dây táo hay dây thuốc cá. Vì có nhiều nơi dùng nó để thuốc cá. Dây có thân cứng; đường kính lối 10 cm. Lá hình trái tim. Gân lá chìm nhưng rất rõ. Hoa nhỏ, màu vàng nhạt. Trái trơn màu đỏ khi chín. Lá và trái ăn được nhưng hột có chất độc picrotoxin C30H34C13 được dùng để thuốc cá, thuốc chí.

Dây thuốc chí (dây táo) được tìm thấy nhiều ở Ẩn Độ và các nước Đông Nam Á. Tên khoa học của dây thuốc chí là Cocculus indicus thuộc gia đình Menispermaceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Dây thuốc chí, dây thuốc cá, dây táo.

Phi Luật Tân

Bayati, Lagtang

Ấn Độ

Kakamari

Sanskrit

Kakamari, Kakadani

Anh

Levant berry, crow killer, fishberry, poison berry, louse berry

Trung Hoa

Yin du mu fang ji

Tây Ban Nha

Coca de Levante (Coca vùng Levant – Lebanon bây giờ)

Picrotoxin trong hột trái táo nhỏ là một chất độc được dùng để kích thích thần kinh hệ và hệ thống hô hấp. Ngoài picrotoxin hột còn có alkaloids menispermine, paramenisperme, fatty acids, palmitic acid, oleic acid, linoleic acid.

Dây và rễ dây táo có berberine C20H18NO4+, palmatine C21H24NO4+, magnoflorine C20H24NO4+, colunibamine.

Gỗ dây táo dùng làm củi chụm lửa. Sợi dùng làm dây. Trái dùng để thuốc cá (hột) và làm thuốc trị hắc lào, chí (pediculicide).

Tây Y khai thác picrotoxin C30H34O13 tức cocculin (picro: đắng; toxicon: độc. Picrotoxin: độc chất đắng) để kích thích thần kinh hệ, giải độc sự lạm dụng thuốc ngủ (an thần), thuốc giảm đau bào chế từ barbituric acid C4H4 2O3.

Theo cổ y Ayurveda của Ấn Độ dây táo được dùng để trị loét, viêm, bịnh về da, viêm phế quản, hưng phấn tử cung.

DÂY GIUN

Sử Quân Tử
Quisqualis indica
Gia đình: Combretaceae

Gọi là đầy giun căn cứ vào công dụng trục sên lãi của loại dây này. Dây giun gốc ở Á Châu nhiệt đới, bán nhiệt đới, và trên các hải đảo Thái Bình Dương kể cả bắc Úc Đại Lợi.

Đây là một loại dây leo; thân cứng; lá dài màu xanh tươi; hoa màu trắng chuyển sang hồng nhạt rồi màu đỏ sẫm; nhụy vàng. Hoa có 05 cánh rất thơm như hoa dạ lý. Trái ăn được. Hột hình ngũ giác màu đen. Hột có dầu (dầu giun).

Tên khoa học của dây giun là Quisqualis indica thuộc gia đình Combretaceae (Quisqualis: cái gì <La Tinh>? Indica: thuộc về Ấn Độ). Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Dây giun, cây quả giun, Sử quân tử (âm tự Hoa ngữ Shi jun zi)

Trung Hoa

Shi jun zi (âm thanh Sử Quân Tử)

Phi Luật Tân

Niyog-niyogan; talolong (Tagalog)

Ấn Độ

Madhu malti

Lào

Khua hung

Anh

Liane vermifuge, Rangoon creeper, Chinese Honeysuckle (hoa kim ngân Trung Hoa)

Hột dây giun có: oleic acid, palmitic acid, sterols, saponins.

Hột và trái tẩy xổ và trục lãi rất mạnh.

Dây và trái dùng để trị ho.

Lá dán trên màng tang và đỉnh đầu khi nhức đầu; sắc nước uống trị sốt rét.

Trái dùng để trị viêm thận (nephritis)

Rễ dùng để trị tê thấp. Phi Luật Tân nghiên cứu nhiều về dây giun mà họ gọi là niyog-niyogan hay talolong.

CỎ CHÓ ĐẺ

Phyllanthus niruri
Gia đình: Euphorbiaceae

Gọi là cỏ chó đẻ vì thấy chó mỗi lần sinh con thường chạy kiếm loài thảo mộc này để ăn.

Cỏ chó đẻ được tìm thấy ở bất cứ vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới trên thế giới (Nam Á, Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương, Trung và Nam Mỹ v.v…).

Cây cỏ chó đẻ cao từ 30 - 40cm; thân mềm; nhiều nhánh nhỏ trông yếu ớt. Lá nhỏ như lá me; giẹp màu xanh nhạt. Hoa màu xanh. Trái nhỏ nằm dưới lá. Trái có hột nhỏ li ti.

Tên khoa học của cỏ chó đẻ là Phyllanthus niruri thuộc gia đình Euphorbiaceae hay Phyllanthaceae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Cỏ chó đẻ, châu tử thảo (âm từ zhu zi cao), diệp hạ châu (âm từ Ze Xia zhu)

Anh

Stone breaker (vì khả năng trục sạn thận của loài cỏ này),
Quinine weed (vì trị bịnh sốt rét)

Pháp

Derriere dos (vì trị đau thận), Quinine créole (vì trị sốt rét)

Tây Ban Nha

Chanca piedra (phá thạch <sạn>)

Bồ Đào Nha

Quebra pedra (phá thạch)

Phi Luật Tân

Sampa-sampa-lukan (trái dưới lá)

Trung Hoa

Zhu zi cao, Ze xia zhu

Cỏ chó đẻ có những đặc tính sau đây:

- kháng viêm, kháng khuẩn

- nhuận tiểu, nhuận trường, hạ huyết áp

- hạ đường trong máu, hạ cholesterol, bảo vệ gan, tẩy độc trong gan, trị viêm gan (hepatitis B), trị sốt rét, trục lãi, trục sạn trong thận, làm giảm chất vôi trong nước tiểu

- ngăn ngừa ung thư và trị HIV (còn trong vòng nghiên cứu) vì có niruriside C38H42O17.

- Cỏ chó đẻ có: carboxylic acid R-COOH, ellagic acid, repandusinic acid, alkaloids, astragalin, corilagin, cumene, brevifolin, ellagitannins, gallocatechins, geraniin, hydrophyllantin, lignans, lintetraline, lupeols C30H50O (trị ung thư), methyl salicylate, niranthin C24H32O7, nirtetralin, niruretin, ninepin, ninurine, niruriside C38 H42 O17, norsecurrinines, phyllantin, phyllantenol, phyllochrysine, phyllotralin, quercetin, quercetol, quercitrin, rutin, saponins, triacontanol, tricontanol.

CÂY HOA CỨT LỢN

Cây Bù Xít
Ageratum conyzoides
Gia đình: Compositae

Cây bù xít được gọi là cây hoa cứt lợn vì mùi hoa của loài thảo mộc này. Cây hoa cứt lợn là thảo mộc miền nhiệt đới hay bán nhiệt đới Á Châu, Phi Châu, Mỹ Châu.

Cây hoa cứt lợn (bù xít) cao từ 1 - 2m. Thân cây giòn, phủ lông trắng mịn. Lá nhám, rìa lá có răng cưa. Lá có mùi nồng khó chịu khi vò nát. Hoa nhỏ màu trắng hay trắng-tím nhạt.

Tên khoa học của cây hoa cứt lợn (bù xít) là Ageratum conyzoides thuộc gia đình Compositae của hoa cúc, hoa hướng dương. Theo Hy Lạp ngữ Ageras có nghĩa là không già; Konyz là tên gọi của hoa mộc hương Inula helenium. Hoa Konyz vò nát có mùi phân heo giống như mùi hoa của cây bù xít khi vò nát. Tên gọi thông thường của cây hoa cứt lợn là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

cây hoa cứt lợn, cây bù xít

Anh

billy goat weed, goat weed

Pháp

herbe de bouc, herbe a femme

Tây Ban Nha

barba de chivo

Trung Hoa

Hou xiang ji

Nhật

Kakkoazami

Công dụng:

- lá cây hoa cứt lợn (bù xít) là thức ăn ưa thích của dê và thỏ. Tên gọi goat weed hay billy goat weed của người Anh có thể dựa vào sở thích của dương tộc đối với lá bù xít. Chữ goat weed cũng dành cho cây dâm dương hoắc mang tên khoa học Epimedium acuminatum. Sau khi ăn lá dâm dương hoắc thì dê đực hăng say trong công tác truyền giống. Vì thế mới có tên gọi dâm dương hoắc.

- Nông dân Việt Nam đặt cây và lá cây hoa cứt lợn, dây đậu phọng hay các dây đậu khác dưới các mô khoai lang để khoai có nhiều củ.

- Người ta nấu lá bù xít để gội đầu làm cho tóc mềm và sạch gàu.

- Ở Ấn Độ cây hoa cứt lợn được dùng để sát trùng, trị kiết lỵ, chống sự kết sạn. Lá bù xít có tính cầm máu và trị phỏng như lá sống đời. Ở Trung Phi người ta dùng lá bù xít (cây hoa cứt lợn) để trị bịnh sưng phổi, phỏng lửa, vết thương. Cây hoa cứt lợn kháng viêm, kháng khuẩn, kháng dị ứng. Nó được dùng làm thuốc trị viêm mũi, dị ứng, vết loét phong hủi (leprosy), chống kết sạn (antilithic), rối loạn đường tiểu, xuất huyết hậu sản, đau khớp xương. Dầu cất từ lá bù xít có vanillin C8H8O3 và eugenol C10H12O2.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2019