Lê Ngọc Vân


Rồi người ta sẽ kết hôn với robot?

.

Câu hỏi này nếu đặt ra nửa thế kỷ trước,
mọi người đều cho là chuyện hoang tưởng,
hay là câu hỏi của một tên điên.

.

Ngay cả những tác giả truyện khoa học viễn tưởng, cho tới khi đó, cũng không ai có cái nhìn xa về tương lai như vậy. Kết hôn với người ngoài hành tinh thì có, vì nó là một nối dài của những chuyện liêu trai, chuyện vợ chồng với người cõi âm. Nhưng tại sao không ai nghĩ tới chuyện kết hôn với người máy?

Lý do: người máy trong thời sơ khai giống máy hơn giống một sinh vật. Và điểm khác: người máy nếu có, phải hoàn toàn lệ thuộc vào người lập trình. Người máy làm nô lệ thì được, nhưng dứt khoát không thể làm bạn đời. Đó là suy nghĩ kiểu cổ điển.

Không ai ngờ, khoa học vi tính từ nửa cuối thế kỷ 20 đã có những tiến triển nhanh chóng vượt bực. Những con chip ngày càng nhỏ, cộng thêm những phép luận lý như khả năng suy luận của “logic mờ” (fuzzy logic), thuật toán tin học (algorithm) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm giảm khối lượng (thể tích lẫn trọng lượng) của bộ phận điều khiển. Cải tiến kỹ thuật trong công nghệ chất dẻo cho phép tạo hình của sản phẩm một cách thân thiện, “gần với thật” hơn.

Rồi cách suy luận của bộ óc máy tính đã thêm một bước, là máy tính có thể tự học, tự rút kinh nghiệm để tự nó làm giàu thêm khả năng suy luận mà không cần tới sự chi phối của con người. Một thí dụ điển hình là những siêu máy tính chơi cờ hiện đại. Lập trình AlphaZero có thể tự học chơi cờ từ bước khởi đầu hoàn toàn không biết gì, để trong vòng 4 tiếng đồng hồ trở thành vô địch. Đương nhiên, toán lập trình không thể nào có trình độ chơi cờ và tính nước cờ cao như thế, mà đó là do máy tính tự nghĩ ra thế trận. Cách mà các computer chơi cờ kiểu xưa (lập một thư viện với những nước cờ có thể đi với khả năng thắng cao nhất), tuy thắng nhiều trận so tài với các kỳ vương, đã lộ rõ yếu điểm là khi máy so tài với máy chỉ là cuộc đấu giữa hai kho tư liệu với những giới hạn của nó. Đánh cờ không hẳn là thuần túy đi quân để luôn chiếm thượng phong, mà là sự đấu trí qua các thế trận. Do đó, những máy chơi cờ hiện đại đã được lập trình để chúng tự biến hóa thế trận tùy theo cách dàn quân của đối phương, không bằng nước đi cờ.

Đã có những trận bóng đá mà tất cả các cầu thủ trên sân đều là robot. Tuy nhiên, chúng chưa có đủ tính năng để tự triển khai chiến thuật. Trận bóng đá được điều khiển từ xa, có thể ví như một hình thức chơi game hay đánh cờ người trong thời @.

Chó Aibo phiên bản năm 1999

Về những cải tiến để cho robot mang vẻ thân thiện hơn, ta có thể kể đến chó Aibo biết đi, biết sủa, do nhà Sony đưa ra prototype từ năm 1996, và bắt đầu từ thế kỷ 21 đã có vài bệnh viện, cửa hàng đã có nhân viên tiếp tân, hướng dẫn là người máy. Người ta đang thử nghiệm robot chăm sóc cho người già (dọn dẹp nhà cửa, canh chừng sức khỏe, lo ăn lo uống bằng cách đặt món ăn làm sẵn…). Nhưng xét kỹ, bản chất của chúng vẫn còn là những “cỗ xe” mang vỏ “người” và được lập trình để trả lời những câu hỏi cơ bản.

Được quảng cáo um sùm là nhà hàng đầu tiên ở Tp. HCM (đường Nguyễn Huệ) có nhân viên phục vụ là robot,
nhưng thực chất bên trong “cô Ba” chỉ là chiếc xe được điều khiển bằng remote từ xa

Phức tạp nhất là động tác mà ai cũng tưởng là đơn giản, là bước đi. Nó phải có được sự phối hợp nhuần nhuyễn của các cử động rất nhỏ của các khớp để giữ liên tục một chuỗi “mất thăng bằng - lấy lại thăng bằng”, thì với sự thu nhỏ của các động cơ và bộ điều khiển, giờ đây người ta đã chế tạo ra những con robot có thể lấy và xếp đặt những kiện hàng, rồi còn cho vào đó sự kết hợp giữa bánh xe và bước đi (đường bằng phẳng thì dùng bánh xe để vận chuyển cho nhanh, đường gồ ghề thì bước) khiến chúng linh hoạt gấp mấy lần người thực!

“Thân thiện” với con người nhất, hiện nay ta có thể lấy những con búp bê tình dục làm thí dụ. Những con búp bê hiện đại có thể cho người tiếp cận cảm giác gần như thật, chúng có hơi ấm, có phản ứng nơi một số vùng nhạy cảm, và phản ứng qua lời nói dựa theo tình tiết trong quá trình tiếp xúc (rên rỉ, thủ thỉ v.v…). Đã có những người say mê chúng, sống cùng chúng như bạn tình thật, cho dù quan hệ người-sexdoll không đi xa hơn quan hệ với bạn tình.

Búp bê tình dục không hẳn chỉ là nữ.
Đây là búp bê tình dục được tạo giống ca sĩ nổi tiếng Justin Bieber

Tương tự búp bê tình dục khá giống người với những chức năng như trên, vào tháng 11/2017 tại Lier (Bỉ), người ta đã thành công khi trình diện bà mẹ robot Victoria trong cơn chuyển bụng để sinh ra một đứa con silicon. Victoria có thể có những phản ứng đau, rên la, biết rặn biết thở khi được hướng dẫn. Hơn thế nữa, người ta có thể chọn những kiểu thai nằm khác nhau để dùng bà mẹ này cho việc huấn luyện các sinh viên thực tập đỡ đẻ.

Trong lãnh vực y khoa cũng đã có những tiến bộ vượt bực trong vài thập kỷ gần đây. Người ta đã gắn khớp giả để giúp cho những người bại liệt có thể điều khiển tay chân của họ (đi lại, cầm đồ vật). Nhiều người có gắn trong mình chiếc Pacemaker là một thiết bị phụ trợ cho tim. Đầu năm 2018, y khoa đã thành công cấy một chip vào não một người mù, đồng thời tái tạo võng mạc để người này có thể lờ mờ nhìn cảnh vật xung quanh, qua những sensor truyền tín hiệu vào con chip này. Chỉ thấy được bóng mờ, nhưng là một bước tiến được coi là “lịch sử”.

Tóm lại, trong tương lai sẽ có những cá nhân mà một phần cơ thể sẽ được thay bằng máy. Khái niệm bionic (biology and electronics) khai sinh trong thập niên ’50 của thế kỷ trước, tới nay dần hiện rõ trong đời thường, sẽ còn tiếp tục bước sải của nó. Tỷ lệ máy/người tối đa có thể đạt được – với điều kiện “sinh vật” mới đó có những hoạt động cơ bản của con người – sẽ nghiêng dần về phía máy.

Giới hạn cuối cùng của sự tiến hóa này sẽ nằm ở đâu, còn là dấu hỏi. Không hẳn bộ não sẽ là điểm để quyết định đó là người hay máy. Giả sử con người làm được bộ não nhân tạo để giúp cho những bệnh nhân đang sống đời thực vật có thể thở, có phản xạ tiêu hóa, có thể ra hiệu bằng mắt v.v... thì khái niệm này sẽ bị đảo lộn. Năm 2016, ở Hà Lan, người ta đã thành công cho 2 con robot hoàn toàn làm bằng vật liệu có thể sinh con bằng cách để chúng tự tạo ra một sản phẩm mới có mang “gen” của 2 robot cha mẹ này.

Có thể nào một sinh vật được tạo nên như “Thiếu tá Mira Killian” trong cuốn phim hốt bạc năm 2017 “Vỏ Bọc Ma” (Ghost in the Shell), là một người được cấy ghép gần như toàn bộ, chỉ có trái tim và bộ não là nguyên bản? Trong phim, cô “Thiếu tá” có những lúc trăn trở muốn tìm lại nguồn cội của mình. Cuốn phim, cộng thêm lời phát biểu của nhân vật đóng vai “Thiếu tá” – Scarlet Johansson là cô thấy rằng con người có thể kết hôn với robot, đã gây nên một cuộc tranh luận về bước tiến hóa đáng sợ này.

Không ít người cho rằng chẳng bao lâu nữa bước này sẽ trở thành hiện thực.

Những trở ngại lớn nhất của một cuộc hôn nhân người-robot là sự bình đẳng trong hôn nhân. Trách nhiệm về các hành vi do robot gây ra sẽ quy trách cho ai? Và cũng không kém phần quan trọng: robot có khả năng làm đơn xin ly dị hay không? Hiện nay đã có những tòa trọng tài không người e-court. Rồi một ngày nào đó, người ta bắt gặp “người máy bạn đời” của họ đang gởi tín hiệu tới e-court xin hủy hôn thú! Cũng chẳng sao. Hiện nay ở các quốc gia Âu Mỹ, tỉ lệ ly dị là khoảng 30% và khoảng một nửa các cặp thành vợ thành chồng với hôn ước (qui định về trách nhiệm, tài sản, thừa kế v.v...). Sẽ tới lúc con người cho rẳng hôn ước cũng là một giao kèo, tại sao ta không cho nó một thời hạn hiệu lực (thí dụ 5 năm), sau mỗi chu kỳ hai người sẽ cùng ký gia hạn nếu muốn tiếp tục. Hiện nay, nhiều cặp tổ chức mừng ngày cưới của họ, được đánh dấu bằng buổi tiệc hay một chuyến du lịch. Thật có ý nghĩa hơn nếu ngày đó được đánh dấu bằng việc gia hạn tờ hôn ước.

.

Lê Ngọc Vân


Cái Đình - 2018