Trần Ngọc


Nhà nghiên cứu của đại học Utrecht đi tiên phong trong cuộc nghiên cứu rộng lớn về nạn sụt lún ở Việt Nam

.

Nhà nghiên cứu Địa Lý Tự Nhiên (một phân ngành của khoa Địa lý, chuyên về hệ thống hóa các mô hình diễn ra trong thủy quyển, sinh quyển, khí quyển và thạch quyển) Philip Minderhoud tại Đại học Utrecht vào ngày 15/02/2019 đã bảo vệ luận án về cuộc nghiên cứu sụt lún tại đồng bằng sông Cửu Long (Tiêu đề: The sinking mega-delta - Present and future subsidence of the Vietnamese Mekong delta). Cuộc  nghiên cứu này được thực hiện chung với viện Deltares, có trụ sở đặt tại Delft, chuyên về lãnh vực thủy học và nước ngầm. Công trình nghiên cứu còn được Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Hà Lan (NWO) và viện nghiên cứu phát minh TNO tài trợ thêm.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng lưu vực sông lớn thứ ba trên thế giới, nuôi sống 18 triệu cư dân. Vùng này nhiều thế kỷ qua chịu sụt lún trầm trọng, có nơi tới vài phân mỗi năm. Hậu quả là toàn vùng bị đe dọa bởi ngập lụt, nhiễm mặn và nạn lũ thường trực ngày một tăng. Vào cuối thập niên ’80 (1986 là năm bản lề), Việt Nam bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường. Sự chuyển hướng này đã làm gia tăng sản xuất nông sản, kèm theo tăng dân số và đô thị hóa, khiến nhu cầu nước gia tăng. Khai thác nước ngầm tại những vùng đồng bằng đất mềm (hiện nay tới 2 triệu rưỡi lít mỗi ngày!) có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra sụt lún, bên cạnh sự sụt lún tự nhiên của vùng đất mới bồi, do áp lực từ trọng lượng của mạng lưới hạ tầng cơ sở mới được xây dựng, và do sự gia tăng mực nước biển. Đó là chưa kể tới một hậu quả của những con đập thượng nguồn là mức độ trầm tích trong khu vực hạ lưu sút giảm làm lệch cán cân bồi-lở nơi đồng bằng sông Cửu Long. Sự nhiễm mặn vùng đồng bằng nơi cửa sông Cửu Long và sự gia tăng xâm lấn của nước biển vào đất liền là thực tế không thể chối cãi. Nhóm nghiên cứu của Philip Minderhoud, trong đó có nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam tham gia, đã nghĩ ra một mô hình số (digital) thủy-địa lý 3 chiều, phối hợp với một mô hình phẳng địa lý-kỹ thuật trong cố gắng tách riêng những nguyên nhân nêu trên để chỉ nhắm vào điểm nghiên cứu chính là tác động của khai thác nước ngầm trên sự sụt lún.

Những thông tin, dữ liệu thâu thập được trong 25 năm qua – từ những báo các thống kê cho tới những dữ liệu do vệ tinh cung cấp – đã được cho vào các mô hình này, từ đó người ta có thể rút ra kết luận và sau đó là những dự phóng trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu đã tính ra được là toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 25 năm qua đã sụt lún trung bình 18cm chỉ do khai thác nước ngầm, và khẳng định là nếu chính sách nhà nước không thay đổi thì sự sụt lún của vùng bình nguyên châu thổ sông Cửu Long sẽ mang lại một hậu quả lớn cho con người và kinh tế ở vùng này.

Nhóm đã đề xuất một số phương án cụ thể để giảm mức sụt lún, bao gồm cả biện pháp mạnh lẫn biện pháp nhẹ. Biện pháp mạnh, như xây hệ thống đê bao quanh các vùng đô thị và thực hiện các bãi đất bồi ở những vùng có đặc tính xã hội và kinh tế cao. Biện pháp nhẹ là khuyến khích sự nạo vét bùn sông để đắp thành đê, nhờ đó giảm được một phần chi phí, hay bơm nước trên mặt trở lại xuống lòng đất. Làm đê bao toàn vùng là một biện pháp không thể thực hiện được, vì lý do kinh tế, ông Philip nói.

Và, ông nhấn mạnh, cho dù có thực hiện biện pháp nào đi chăng nữa, sự sụt lún là tiến trình chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ khác nhau ở tốc độ. Vào đầu thế kỷ tới, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm dưới biển. Đó là do những yếu tố khác đã được nêu trên, bên cạnh sự khai thác nước ngầm.

Biểu đồ dưới đây cho thấy dự phóng qua những mức độ can thiệp. Ngay cả khi nước trên mặt được bơm trở lại vào lòng đất thì độ sụt lún cũng chỉ giảm phần nào, và vào đầu thế kỷ tới coi như miệt Hậu giang sẽ bị ngập mặn.

"Tất nhiên người dân sống ở đồng bằng có thể phát triển được trong nhiều thập niên qua một phần là do họ có nguồn nước ngầm này như một nguồn nước ngọt miễn phí," ông nói. "Đó sẽ là một thách thức lớn bởi vì hoặc là bạn tăng tốc sự sụt lún hoặc là bạn không có gì để uống và tưới cho hoa màu của mình." Đó là sự lựa chọn giữa cái xấu và cái xấu hơn. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới, nếu vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn thì có ảnh hưởng rộng lớn đến nền kinh tế quốc gia.

Ông rất vui mừng khi được biết vấn đề sụt lún đã được đưa vào nghị trình của nhà nước. Năm 2014, một cuộc thăm dò khái quát về sụt lún của vùng châu thổ sông Cửu Long do Đại học Stanford (Hoa Kỳ) thực hiện, nhưng kết quả cuộc thăm dò đã không được nhà cầm quyền lưu tâm đề ra biện pháp ngăn chận. Nhóm của ông làm cuộc nghiên cứu sâu rộng này, là xuất phát từ cuộc thăm dò nói trên.

.

Trần Ngọc
(Utrecht, Hà Lan)


Cái Đình - 2019