Phạm Đình Lân


Mã Hoàng Truyện

.

Ban tổ chức Quốc Tế Hội Nghị Động Vật vất vả tạo ẩm độ cho phái đoàn Mã Hoàng tộc và ban nhạc La Sangsue của họ. Họ than phiền khí hậu nóng bức của Phi Châu nhiệt đới làm họ khó thở. Ban nhạc La Sangsue tập dợt khó khăn vì có nhiều nhạc sĩ bị ngã quị vì bị mất nước trong cơ thể. Chính vì thiếu nước mà Ngư tộc phải cử Cá Lòng Tong Tri Tôn đại diện Ngư tộc trong hội nghị.

Ban tổ chức phải nhờ Điểu tộc huy động hàng ngàn anh chị Đại Bàng đến quạt cánh nhằm phá tan bức nhiệt Phi Châu nhiệt đới để ban nhạc La Sangsue tập dượt. Ban Ẩm Thực của hội nghị phải vất vả tìm đủ thức ăn cho cả ngàn Đại Bàng đến tạo không khí mát cho phái đoàn Mã Hoàng. Ban nhạc quyết định chọn bài Đỉa Bôi Vôi dựa vào ngôn ngữ Việt Nam và bài La Vipère et la Sangsue của Pháp để trình diễn trước khi đại diện Mã Hoàng tộc đọc tham luận.

Bài Đỉa Bôi Vôi bị đại biểu Mã Hoàng tộc cực lực phản đối vì cụm từ nầy nói xấu Mã Hoàng tộc khi phản ánh sự đau đớn của Mã Hoàng tộc bị loài người bôi vôi.

Bài La Vipère et la Sangsue đi sai lệch lập trường chống loài người của Quốc Tế Động Vật. Bài hát này đề cao Đỉa và gây thù ghét Rắn. Đó là quan điểm đáng ghê tởm của loài người. Chúng nó ghét Rắn vì Rắn cắn chúng và có thể gây tử vong trong khi Đỉa không gây hại khi cắn chúng mà còn làm lợi cho chúng như hút máu độc chẳng hạn!

Ban nhạc La Sangsue bị đánh giá thấp về tư tưởng lẫn thuật trình diễn.

Nghe các đại biểu bàn cãi xôn xao ban tổ chức kêu gọi các đại biểu ngừng bàn cãi về hai bản nhạc Đỉa Bôi Vôi và ‘La Vipère et la Sangsue’. Đó là tôn trọng sự lựa chọn độc lập của ban nhạc Mã Hoàng tộc.

Trưởng ban Trật Tự thông báo đại diện Mã Hoàng tộc đến.

Đó là một trưởng lão Mã Hoàng nước ngọt Bắc Mỹ. Lão nằm trong một cái lọ do một chiến binh Hầu tộc ôm trong tay và đặt trên một cái bàn được trang bị bằng một hệ thống âm thanh cực kỳ tối tân vì lão phát âm từ cái lọ đầy nước. Các thông dịch viên Điểu tộc phải vận dụng tối đa hệ thống thính giác để nắm vững ý tưởng của lão.

Một tiếng nổ to làm văng lên một vệt máu báo hiệu đại diện Mã Hoàng tộc bắt đầu đọc tham luận.

***

Kính chào đại biểu các tộc động vật hiện diện trong hội nghị. Tôi là trưởng lão tộc Đỉa nước ngọt ở Bắc Mỹ, được biết dưới tên khoa học Macrodella decora thuộc gia đình Hirudinidae. Dòng họ chúng tôi có mặt khắp thế giới ngoại trừ Nam Băng Châu. Chúng tôi sống ở những nơi có nước ngọt, nước lợ và nước mặn ở vùng khí hậu ôn đới lạnh hay bán hàn đới. Ngoài ra chúng tôi có thể sống ở những vùng đất ẩm thấp. Tên gọi thông thường của chúng tôi là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Đỉa; Mã Hoàng (Hán Việt)

Anh

Leech

Pháp

Sangsue (sang < Pháp >: máu)

Trung Hoa

Ma huang (Mã hoàng)

Nhật

Hiru

Tây Ban Nha

Sanguijuela

Mã Hoàng tộc chúng tôi có hình dáng giống các anh chị Địa Long (Trùn Đất). Thân hình chúng tôi hình ống với hai vòi hút máu ở hai đầu, một đầu lớn (xem như phần đầu) và một đầu nhỏ (xem như phần cuối của thân hình của Đỉa). Thân hình chúng tôi có 32 ngăn tựa như vòng tròn của chiếc nhẫn. Chúng tôi có 32 não. Mỗi ngăn mang một bộ não!

Như Trùn Đất, Mã Hoàng đều lưỡng tính nghĩa là có bộ phận sinh dục dương (+) và bộ phận sinh dục âm (-). Khi bắt cặp thì Mã Hoàng A bắn tinh trùng cho Mã Hoàng B và ngược lại. Mã Hoàng đẻ trứng dưới nước, trên bùn hay trên lá mục ẩm ướt. Trứng nở ra Mã Hoàng tử sau 14 ngày ấp trứng.

Đỉa sống nhờ máu người và máu động vật khác như Chim, Rùa, Ếch Nhái v.v.. Đó là loại ký sinh trùng hút máu (hematophagous).

Đỉa nhỏ nhất chỉ dài 3mm. Đỉa to lớn nhất là Đỉa Haementeria ghilianii sống dọc theo sông Amazon dài 45cm!

Đỉa hút máu và chỉ nhả khi nó đầy bụng. Sự tiêu hóa của Đỉa rất chậm. Do đó, thức ăn dự trữ trong bụng có thể giúp cho Đỉa sống mà không ăn suốt cả năm. Đỉa có thể sống trong điều kiện khắc nghiệt nhất như: môi trường bị ô nhiễm trầm trọng hay ít khí oxygen O2.

Đỉa không có tai. Các anh Đỉa cảm nhận qua da và dùng vị giác và xúc giác để truyền thông lẫn nhau.

Ở Việt Nam nơi có nhiều Đỉa là vùng nước phèn và nơi có vũng Trâu nằm vì Đỉa thích hút máu các anh chị Trâu. Văn Tử tộc (Muỗi) và Mã Hoàng tộc (Đỉa) nổi tiếng trong thuật hút máu người và các động vật khác. Cả hai tộc, một bay trên không trung (Muỗi), một sống dưới nước hay đất bùn, làm cho Đồng Tháp Mười và Cà Mau nổi tiếng với cảnh:

Trên Trời Muỗi bay như sáo thổi.
Dưới nước Đỉa lội như bánh canh.

Ở Việt Nam người ta phân biệt:

–  Đỉa mén: Đỉa nhỏ, Đỉa con. Đỉa nhỏ còn được gọi là Đỉa He.

–  Đỉa Trâu: Chữ Trâu ở đây được dùng như một hình dung từ để diễn tả cái gì to lớn. Đỉa Trâu là Đỉa to lớn và cũng là Đỉa hút máu Trâu tức các anh chị Thủy Ngưu.

Các nhà động vật học cho rằng có từ 700 đến 1.000 chi tộc Mã Hoàng khác nhau trên thế giới. Họ phân biệt các chi tộc Đỉa qua môi trường sống. Có:

– Đỉa nước ngọt

– Đỉa nước mặn (ở các hà khẩu, ngoài biển)

– Đỉa sống trên đất ẩm ướt

– Đỉa có hàm, có răng (Gnatbobdellida) và Đỉa không hàm, không răng (Rhyncodellida)

– Đỉa Trùn dòng Pharyngobdellida không hút máu mà ăn những vật nhỏ như Trùn, trứng Cá.

ĐỈA NƯỚC NGỌT

Đỉa Thuốc
Hirudo medicinalis
Gia đình: Hirudinidae

Tộc Mã Hoàng đều lưỡng tính nghĩa là có bộ phận sinh dục dương và bộ phận sinh dục âm tức vừa làm công tác truyền giống vừa sinh sản. Mỗi đơn vị Mã Hoàng sinh lối 50 trứng dưới nước. Sau khi ấp 14 ngày, trứng nở ra Đỉa con. Mỗi Đỉa Thuốc có 33 đến 34 ngăn màu hung đỏ hay màu hồng trên lưng. Đỉa thuốc Hirudo medicinalis có 05 cặp mắt (10 con mắt); 03 hàm, 100 răng. Các anh lưỡng tính này dài trung bình lối 20 cm. Các anh mặc quần áo màu hung đỏ-đen. Các sọc hình vòng cung trên lưng màu xanh hay vàng. Đỉa rất chậm tiêu hóa. Nhờ vậy Đỉa có thể sống cả năm mà không ăn gì cả. Vào mùa đông giá rét các anh trốn lạnh dưới bùn sình.

Đỉa Thuốc là loại Đỉa nước ngọt gốc ở Âu Châu dùng để trị bịnh. Có nhiều loại Đỉa thuốc như Đỉa Hirudo medicinalis. Đó là: Đỉa Hirudo orientalis ở Á Châu, Hirudo verbana, Hirudo troctina, Hirudo manillensis (gốc Manilla, Phi Luật Tân?) ở Mexico, Macrodella decora ở Bắc Mỹ v.v..

Chữ Leech (Đỉa) trong tiếng Anh xuất phát từ chữ LAECE, ngôn ngữ cổ Anglo-Saxon có nghĩa là y sĩ, người chữa bịnh. Từ thời văn minh Ai Cập Cổ, Hy Lạp Cổ đến thế kỷ XIX người ta dùng Đỉa để trị bịnh. Chúng tôi tạm dùng chữ cho có vẻ y học trị liệu đó là khoa Mã Hoàng Trị Liệu Pháp (MLT: Medical Leech Therapy) hay văn vẻ bác học hơn là Hirudotherapy, từ y khoa được dùng chính thức.

Đỉa tiết ra 60 loại proteins. Nước miếng của Mã Hoàng tộc có hirudin với đặc tính chống đông máu và gây tê. Vì vậy khi Đỉa hút máu, người bị hút máu không cảm thấy đau đớn chi cả.

Người Hy Lap dùng Mã Hoàng Trị Liệu Pháp từ năm 200 trước Tây Lịch.

Ngày xưa người Ai Cập cổ dùng Đỉa để trị bịnh thần kinh, bịnh về da.

Ở Trung Đông phương pháp trị liệu bằng Đỉa thịnh hành vào thế kỷ XII. Cho đến thế kỷ XIX phương pháp trị liệu này cũng còn được dùng ở Âu Châu. Người ta dùng Đỉa để hút máu độc, trị viêm, đau khớp xương, làm thông mạch máu. Ngày nay Đỉa cũng còn được dùng trong các ca phẫu thuật thẩm mỹ. Phụ nữ có thai không nên dùng Mã Hoàng Trị Liệu Pháp.

ĐỈA NƯỚC MẶN

Muối mặn làm cho Đĩa có thể chết. Vì vậy Đỉa không có nhiều ở vùng biển mặn gần xích đạo. Đỉa có thể sống ở các hà khẩu nơi tiếp giáp giữa nước mặn và nước ngọt.

Đỉa nước mặn được tìm thấy ở phía bắc Đại Tây Dương từ Greenland xuống duyên hải Đông Bắc Canada và Hoa Kỳ. Đỉa nước mặn vùng lạnh Đại Tây Dương chiếm 14,2% tổng số các tộc Đỉa trên thế giới. Đa số mặc quần áo màu hồng với sọc trắng hay vàng nhạt.

Đỉa nước mặn là một loại ký sinh trùng sống bám vào Cá và Rùa biển.

Đỉa ăn Cá (xương và sụn) thuộc gia đình Piscicolidae như Đỉa Notostomum laeve.

Đĩa hút máu Rùa bám sát Rùa, hoạt động như ký sinh trùng. Sau một thời gian dài Rùa kiệt sức và chết. Các anh Đỉa lưỡng tính nầy thuộc gia đình Ozobranchidae. Đỉa Ozobranchus branchiatus là điển hình của tộc Đỉa bám và hút máu Rùa.

ĐỈA ĐẤT ẨM ƯỚT

Đỉa Đất (terrestrial leeches) chiếm 12,8% trong tộc Mã Hoàng. Đỉa nước mặn chiếm 14,2%. Đỉa nước ngọt chiếm tỷ lệ cao nhất trong tộc Mã Hoàng: 73%.

Đỉa đất sống đông đảo trong vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới nơi có vũ lượng cao. Đó là tộc Đỉa thuộc gia đình Haemadipsidae có nghĩa là khát máu và dòng Xerobdellida (của các anh Đỉa lưỡng tính có hàm, có răng). Đỉa Đất (Địa Mã Hoàng) được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á và một ít ở Âu Châu và Bắc Mỹ. Các anh Đỉa Đất có thể hút máu người qua quần áo vì các anh ấy có 03 hàm, và nhiều răng bén nhọn với 05 cặp mắt (10 con mắt).

Ở miền nam Chile có Đỉa Americobdella valdiviana mặc quần áo đủ màu: vàng, xanh, hung đen, sọc vàng. Các anh Đỉa nầy dài trung bình từ 15-25cm. Đỉa Americobdella valdiviana sống bằng Trùn.

Các chi tộc Đỉa Mã Hoàng ở Taiwan, Nhật Bản có Haemadipsa picta, Tritetrabdella taiwana. Ở Bắc Mỹ có tộc Đỉa Mã Hoàng Haemopis terrestris.

ĐỈA CÓ HÀM & ĐỈA KHÔNG HÀM

Đỉa có hàm Gnatbobdellida là đỉa có răng và hút máu động vật có xương sống hay không có xương sống.

Đỉa không hàm Rhyncobdellida hút máu bằng một vòi nhỏ như cây kim. Các anh Đỉa không hàm không răng này sống nhờ Trùn, Ốc.

ĐỈA BIỂN

Thạch Ô
Hải Sâm
Sea Cucumber

Holothuroidea edulis

Gia đình: Holothuriidae

Căn cứ theo cách gọi của người Việt Nam thì Đỉa Biển có liên hệ đến chúng tôi. Thực tế Đỉa Biển mà người Việt Nam gọi không phải là Đỉa nước mặn mà chúng ta vừa thấy. Đỉa Biển cũng không thuộc gia đình Hirudinidae của chúng tôi. Giữa Mã Hoàng tộc và Đỉa Biển tức Hải Sâm có vài điểm chung:

1. sống dưới nước. Đỉa Biển sống ở vùng biển cạn có san hô, đá ngầm ở chiều sâu lối 20 m.

2. Đỉa Biển có vóc dáng của Mã Hoàng tộc: thân hình ống; da láng. Mình Đỉa Biển có nhiều gai nổi cộm gồ ghề.

3. Màu sắc của quần áo Đỉa Biển cũng giống quần áo của Mã Hoàng tộc: đen, hung đỏ, xanh.

Tên khoa học của Đỉa Biển hay Hài Sâm, Thạch Ô Hải Sâm là Holothuroidea edulis thuộc gia đình Holothuriidae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Đỉa Biển, Hải Sâm, Thạch Ô Hải Sâm

Trung Hoa

Haishen (Hải Sâm – sea ginseng)

Nhật

Namako

Anh

Sea cucumber

Pháp

Concombre de mer

Mã Lai

Gamat

Indonesia

Trepang

Người Anh gọi là Sea cucumber: dưa chuột biển vì Đỉa Biển mập tròn như trái dưa chuột.

Người Pháp cũng gọi tương tự.

Người Trung Hoa gọi là Haishen vì tính bổ dưỡng của Đỉa Biển ví như sâm Cao Ly. Chữ hải sâm dịch nôm na ra tiếng Anh là sea ginseng (Sâm Biển – Hải Sâm).

Thân hình Đỉa Biển có nhiều gai sần sùi. Đỉa Biển được tìm thấy nhiều trong vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đỉa Biển sống tập đoàn. Ở Tân Tây Lan có nơi có 1.000 anh chị Đỉa Biển sống trên 1m2 nước biển!

Đỉa Biển không có mắt nhưng rất nhạy khi bắt gặp ánh sáng. Các anh chị ấy cũng không có não mà chỉ có một chuỗi dây thần kinh mà thôi.

Đỉa Biển có giá trị dinh dưỡng, kinh tế và y học trị liệu đối với loài người. Một ki-lô Đỉa Biển trị giá từ 435 Mỹ kim đến 1.000 Mỹ kim. Người Đông Phương nấu cháo Đỉa Biển hoặc chiên xào Đỉa Biển với rau cải và các loại nấm nêm bằng một loại nước sauce sền sệt. Đó là thức ăn ngon, bổ dưỡng và đắt tiền. Theo Hoa Y thì Đỉa Biển chủ trị: suy nhược cơ thế, bất lực sinh lý, thận yếu hay đi tiểu lắt nhắt, táo bón, đau khớp xương. Đỉa Biển có nhiều chondroitin sulfate dùng để trị viêm khớp xương.

Vladivostok là hải cảng lớn của Nga ở Đông Á được người Trung Hoa gọi là Hải Sâm Uy (Haishenwai: Vịnh Hải Sâm). Tại đây có Bảo Tàng Viện Hải Sâm.

***

Mã Hoàng tộc chúng tôi hăng hái trong việc hút máu người và chỉ nhả khi bụng không còn chỗ chứa máu được nữa. Khi bị Đỉa cắn loài người dùng ngón tay rứt Đỉa ra, dùng muối hay vôi xát vào thân Đỉa cho Đỉa nhả ra hay dùng điếu thuốc đang cháy chạm vào thân cho Đỉa ngừng hút máu. Muối, vôi, lửa là ba võ khí làm cho Đỉa e dè, khiếp sợ.

Loài người ghê rợn khi đi dưới ruộng hay dưới ao rạch và bị Đỉa cắn. Có những ao hồ quanh nhà có Đỉa nhưng họ không biết làm sao khử trừ Đỉa mà không ảnh hưởng đến cây cối quanh ao hồ và cá trong ao. Nếu dùng hoá chất thì không sao tránh khỏi sự thiệt hại về cây cỏ và cá. Do đó họ nghĩ đến việc dùng thịt thú vật để bẫy Đỉa.

Dưới mắt loài người Mã Hoàng tộc chúng tôi là loài Trùn hút máu người và các động vật có xương sống hay không có xương sống khác. Chúng tôi sống dưới nước với hình dáng đáng ghê tởm nhưng lại có ích cho họ trong việc trị liệu. Họ nghiên cứu rất nhiều về Mã Hoàng tộc chúng tôi. Nhưng họ cũng không thể hiểu rốt ráo về đại tộc chúng tôi trên hoàn vũ. Thấy chúng tôi hút máu Trâu thì họ gọi chúng tôi là Đỉa Trâu. Ở Âu-Mỹ người ta thấy chúng tôi hút máu Ngựa nên họ gọi chúng tôi là Đỉa Ngựa (horseleech).

Theocritus (300 - 260 trước Tây Lịch) là thi sĩ đồng quê người Hy Lạp đã đề cập đến Mã Hoàng tộc chúng tôi trong thi ca đồng quê của ông.

Bác sĩ và nhà ngữ pháp Hy Lạp Nicander (197 - 170 trước Tây Lịch) đề cập đến Mã Hoàng tộc chúng tôi.

Theo huyền thoại sáng thế của Thần Đạo Nhật Bản thì Thần Ebisu (Yebisu) là con của Thần Tzanagi no Mikoto (Nam) và Izanami no Mikoto (Nữ). Sự chung sống giữa hai Thần sinh ra một người con dị hình, không xương, không tay chân tên là Hiruko có nghĩa là ‘con của Đỉa tức Thần Ebisu (Yebisu). Thần Ebisu (Yebisu) là Thần Biển Cả và Nông Nghiệp tức là Thần của ngư phú và nông dân. Đó là một trong bảy Phúc Thần của Nhật Bản.

Trong Thánh Kinh, sách Proverbs (Châm Ngôn) 30:15 có đề cập đến Mã Hoàng tộc.

Nằm chiêm bao thấy Đỉa thì đời sống thiếu năng động, mất nghị lực. Nằm chiêm bao thấy bị Đỉa cắn là điềm nguy hiểm.

Trong Tinh tú học có sao Hirudo tức Mã Hoàng Tinh hay nôm na là Sao Đỉa.

Trong tỉnh Bình Dương, Nam Bộ, có Suối Đỉa và Xóm Bưng Đỉa cách tỉnh ly lối 05 - 06km. Xin phép cho tôi được gọi Suối Đỉa là Mã Hoàng Tuyền và Xóm Bưng Đỉa là Mã Hoàng Thôn để tăng thêm phần thơ mộng thay cho hình ảnh ghê rợn giống Trùn và Sâu Bọ của Đỉa.

Trong ngôn từ của loài người không có từ ngữ nào nói tốt Mã Hoàng tộc cả. Mấy thằng cha Việt Nam dùng hình ảnh của chúng tôi để nói xấu người mà họ muốn nói với các từ:

Dai như Đỉa ám chỉ những người mắc nợ lâu ngày mà không chịu trả, đòi hoài cũng ù lì như không có chuyện gì phải lo.

Bám như Đỉa đói: chỉ kẻ ăn bám vào người khác hay kẻ chầu rìa ăn chực.

Đỉa bôi vôi: diễn tả sự đau đớn, oằn oại của Đỉa khi bị bôi vôi.

Mấy thằng cha Ăng-Lê cũng có ý na ná như vậy. Trong tiếng Anh chữ Leech còn có nghĩa là kẻ hút máu, bóc lột nói theo từ ngữ đấu tranh giai cấp và chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc của những người theo MarxismLeninism.

Quị vị thấy không? Một mặt loài người dùng chúng tôi để trị bịnh. Mặt khác họ chê bai, khinh rẻ chúng tôi. Chúng tôi thách các nhà khảo cứu của loài người không sao hiểu nổi dòng họ Mã Hoàng của chúng tôi với thân có 32 ngăn. Mỗi ngăn có một bộ não. Có con người hay động vật có xương sống hay không có xương sống nào có 05 cặp mắt, 03 hàm và 100 răng như Mã Hoàng tộc không?

Chúng tôi và Trùn Đất (Địa Long) đều lưỡng tính nghĩa là vừa làm cha và vừa làm mẹ. Mấy thầy Fakirs Ấn Độ có thể sống mà không ăn uống suốt một năm như Mã Hoàng tộc chúng tôi không? Mã Hoàng tộc chúng tôi dành cho các nhà thông thái của loài người nhiều điều cần phải nghiên cứu lâu dài.

Kính chúc quí vị đại biểu một ngày vui trọn vẹn. Xin anh chị Rùa, Cá đừng để tâm đến các anh Đỉa quấy rầy các anh chị ngoài biển khơi. Không ai biết sống để làm gì? Nhưng ai cũng sợ chết nếu bị đói. Vì sự sống, mọi động vật trên hành tinh này không từ bỏ một hành động xấu xa, nhơ bẩn hay tàn độc nào cả. Thật thấm thía khi nghe mấy thằng cha Việt Nam nói: "Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi!!”

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay vang dội. Có tiếng huýt sáo và giậm chân nhịp nhàng theo bản Le Pont de la Rivière Kwai như để cổ võ tinh thần cho Mã Hoàng tộc.

Trưởng Lão Đỉa Nước Ngọt Bắc Mỹ Macrodella decora.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2019