Nguyễn Hiền


Cho trí tuệ nhân tạo sáng tác giùm, tại sao không?

   

Khi trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) ngày càng được phổ thông hóa và đại chúng có thể dễ dàng tiếp cận – nhất là từ khi ChatGPT ra đời, nhiều ứng dụng đã phát sinh và người ta vẫn còn nghĩ ra nhiều ứng dụng mới, trước đây chưa từng có trong đời thường.

Ngoài những ứng dụng của AI trong lãnh vực khoa học và dịch vụ, còn một mảng nữa là sáng tác và nghệ thuật. Điểm đáng nói nơi đây là trong lãnh vực này đã có rất nhiều ‘tác phẩm’ do trí tuệ nhân tạo làm ra, nhất là phim ảnh và những bài thơ ngắn. Các trang như Midjourney, Dall.E, NightCafe và Stable Diffusion là những công cụ phổ thông, dùng công nghệ AI để tạo ra tác phẩm nghệ thuật chỉ trong chục giây, khi người dùng yêu cầu. Có thể đã có tiểu thuyết do trí tuệ nhân tạo sáng tác, nhưng cho tới nay dường như chưa có ai công bố cho đại chúng biết cuốn sách đó là công trình sáng tạo của ‘máy’.

Mới đây, Jessica de Jong, nhà văn nữ Hòa Lan đã can đảm làm việc đó: cho ChatGPT dịch tác phẩm của mình và không giấu diếm công trình này.

Bà Jessica de Jong là tác giả của một số tiểu thuyết xã hội đen và tác phẩm biên khảo. Lãnh vực bà thường khai thác là tội phạm, tình dục và bảo vệ nữ quyền. Cũng như phần lớn các cây viết ở Hòa Lan, bà không thể sống nhờ vào tiền bán những tác phẩm này, công việc mưu sinh của bà là viết cho những mục thường xuyên trên các nhật báo và tạp chí.

Đầu năm 2024, bà cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Woman van Eer” (Người phụ nữ danh giá), và sau đó đã tự dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo ChatGPT để dịch tác phẩm này sang tiếng Ý và tiếng Anh, với tựa đề “Donna d’Onore” và “Woman of Honor”. Phiên bản tiếng Đức đang được thực hiện và sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Bà cho biết quyết định tự làm bản dịch vì bất mãn với cung cách làm ăn của các nhà xuất bản. Tác giả bị bóc lột đã đành, nhưng khi tác phẩm được chuyển sang ngôn ngữ khác thì dịch giả còn bị bóc lột tàn nhẫn hơn nữa. Chỉ trừ trường hợp tác giả nào đã có chút ít tiếng tăm may ra có thể thương lượng, còn thường thì tác giả chỉ được hưởng 10%, nhà xuất bản ăn 50% và tiệm sách lấy 40%. Đây là một thực tế đau lòng.

“Bộ phận dịch thuật trong các nhà xuất bản là một thế giới thu nhỏ của những người phe cánh. Không dễ gì chen chân vào đó,” bà cho biết. “Bởi vì họ có thể thông đồng với nhau kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của tác giả. Tôi sẽ làm thế giới của họ nổ tung.”

Bà đã thử hỏi vài vị chuyên về dịch thuật, họ đòi tiền công 10.000 euro cho tác phẩm hơn 350 trang của bà. Tự dịch, bà đã tiết kiệm được phần lớn số tiền này. Bà chỉ cần thuê người thực hiện một mẫu bìa dùng chung cho tất cả các phiên bản. Với tài khoản sẵn có trên Amazon để thực hiện việc phân phối những tác phẩm trước đây, bà có thể dùng nó cho những dịch phẩm này. Tóm lại, công trình này giúp bà giảm chi phí, và bà – một cây viết chưa có bao nhiêu tên tuổi – sẽ không bị chèn ép trong việc phát triển tiếng tăm trên văn đàn quốc tế.

Trong hoạt động viết báo, bà có nhiều dịp tiếp xúc với giới tội phạm mafia Ý và xã hội Ý, độc giả Ý sẽ dễ dàng thấy được sự quen thân. Cuốn tiểu thuyết được dựng trong môi trường mafia Ý (truyện viết về một cô gái tên Lente, sau khi bị sẩy thai đã tìm cách quá giang xe đến Milano và vô tình đã lên chiếc xe vận tải chở hoa có dấu cocaine của tay buôn lậu Rocco, rồi bị nhóm tội phạm phỗng tay trên số hàng – do bạn đồng tù của ông anh Dino của Rocco biết được, và thế là cả bọn bị băng đảng mafia kéo đến hỏi tội vì nghi dàn cảnh bị cướp), nên bà nghĩ là nếu tác phẩm của bà được dịch sang tiếng Ý, nó cũng sẽ dễ được phổ biến. Công cụ bà dùng để dịch là phiên bản ChatGPT 4.0 dành cho dân chuyên nghiệp, phải trả tiền sử dụng. Bản dịch tiếng Anh theo bà suôn sẻ hơn bản tiếng Ý, đó là điều đương nhiên của các chương trình vi tính nói chung, nhất là trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo, vì chúng được tập luyện với các dữ liệu tiếng Anh. Nhưng bà nghĩ cứ thử nghiệm xem, chỉ mất vài ngày cho việc dịch toàn bộ tác phẩm ra bản nháp. Bà cảm thấy hài lòng với trình độ dịch của ChatGPT, phần lớn các thành ngữ được chuyển sang tiếng Ý trôi chảy. Bà kiểm soát lại bản dịch nháp, cùng với những người bạn đối chiếu với nguyên bản, sửa chữa câu văn cho đúng ý. Cần nhất phải đúng với ngữ cảnh, đúng với vị trí xã hội, trình độ ngôn ngữ của các nhân vật. Đây là việc khó nhất, vì chương trình dịch chưa được hoàn chỉnh lắm. Thêm vào đó, nó còn kiểm duyệt văn bản theo những quy định trong luật pháp.

Là một tiểu thuyết tội phạm, cuốn tiểu thuyết của bà có những đoạn mô tả bạo lực, dùng lời lẽ khiếm nhã, hoặc những đoạn có mang tính gợi dục như những màn hãm hiếp. Những đoạn này, nếu nhẹ, thì bị ChatGPT mài giũa thành ‘đứng đắn’ hơn. Nếu nhận thấy đi quá giới hạn, ChatGPT từ chối dịch với ghi chú “nội dung vi phạm chính sách của chúng tôi”, như đoạn kể lại hai nhân vật chính lúc nhỏ đã bị hiếp.

Bà cho biết khi gặp những đoạn ChatGPT không chịu dịch thì bà dùng từ điển và các chương trình dịch văn bản khác, như Google Translate. Những công cụ này có nhược điểm chung là ít uyển chuyển, tuy nhiên, với kinh nghiệm nhà báo, bà cũng có cách vượt qua.

Phản ứng của giới dịch thuật và những phản biện

Đương nhiên giới dịch thuật không vui trước tin này.

Theo bà Anne Marie Koper, chủ nhiệm Phân hội Các Dịch giả của Hiệp hội Tác giả: “Dịch thuật là cả một nghề, cũng như sáng tác, bây giờ lại bị đánh giá quá thấp!”. Quả thực, một bản dịch hay, lột tả được những điều tác giả gửi gấm trong tác phẩm, không phải là chuyện dễ làm. Cho dù trí tuệ nhân tạo liên tục được cải biến, nhưng nó còn vô số nhược điểm. Nó làm mất tính độc đáo của bản gốc, vì chưa kể tới những lỗi thông thường, công cụ dịch không như dịch giả có kinh nghiệm, là người có thể cảm nhận tác giả muốn nói gì đằng sau những con chữ. Nhất là ở những đoạn khôi hài, châm biếm, các chương trình dịch không thể dịch đúng được. Như thế, độc giả sẽ nhận được một bản dịch cẩu thả, và danh tiếng của tác giả, do đó, cũng bị ảnh hưởng.

Đúng vậy. Tuy nhiên phần lớn các nhà văn sống chật vật với tiền tác quyền họ được ‘bố thí’ cho. Trong một quốc gia nhỏ như Hòa Lan, muốn cho tác phẩm được nhiều người biết, tác phẩm phải được dịch ra một ngôn ngữ phổ thông trên thế giới. Dịch giả đòi tiền thù lao 10 ngàn euro để dịch tác phẩm của bà Jessica de Jong, trong khi bà biết không làm sao kiếm ra số tiền này, và cũng không chắc là bà sẽ lấy lại được số tiền này nếu để cho một nhà xuất bản đứng tên phát hành và nhận thù lao chết đói là 2-3 euro mỗi cuốn bán được.

Đó là chưa kể đến áp lực thời gian rất lớn trên dịch giả sẽ có ảnh hưởng tới bản dịch.

Một dịch giả cho biết nếu tiền công dịch một tác phẩm văn học 350 trang là 10.000 euro thì tính ra không đắt. Người có lương tâm sẽ phải bỏ ra khoảng 3 tháng, toàn thời gian, để dịch. Sau khi trừ những khoản thuế má, dịch giả sẽ được khoảng 6000 euro, tức là 2000 euro mỗi tháng, khoảng 100 euro mỗi ngày để dịch 6 trang sách! Do đó, có nhiều dịch giả đã dịch rất nhanh, nhất là hiện giờ họ đã có công cụ dịch trợ giúp, một phần cũng vì phải chạy đua với thời gian. Những tác phẩm ăn khách best seller bắt buộc trong vòng vài tháng phải có bản dịch. Ai dám bảo đảm phẩm chất của những bản dịch loại này, vì tác giả không đọc được, còn nhà xuất bản chỉ muốn có con số.

Người khác tự hỏi: tại sao không để cho ChatGPT sáng tác luôn?

Chắc là trong tương lai sẽ có, miễn là có cách nào cho ChatGPT hiểu được cấu trúc truyện. Khi đó lại phát sinh vấn đề khác: phải chăng ‘tác giả sống’ đã sử dụng trí tuệ nhân tạo như nô lệ và cướp công của ‘nó’, vì trên tác phẩm chỉ có tên tác giả mà thôi.

Cũng như trên các bản dịch cuốn tiểu thuyết của bà Jessica de Jong, chỉ có tên của bà. Nhưng bà nói: bà có công soát lại bản dịch và hiệu đính nó. Bà quyết định cốt truyện. Trên thực tế, có nhiều ‘ghost writer’ (người được tác giả thuê viết, thường là những hồi ký) còng lưng viết mà không để lại dấu ấn nào trên tác phẩm, may lắm thì được một vài dòng cám ơn của tác giả.

   

Nguyễn Hiền

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/chotrituenhantaosangtacgium.html


Cái Đình - 2024