Phạm Ɖình Lân


Chim Cút và thân thuộc

 .

Trưởng ban nhạc Parrot bối rối không biết phải dùng bản nhạc gì để trình diễn chào mừng đại diện tộc Am Thuần Điểu và các thân thuộc. Trong văn chương và ngôn ngữ của loài người nói về Cút có vẻ nghèo nàn. Quail đồng nghĩa với sự sợ hãi. Một nhạc sĩ Hồ tộc chuyên sáng tác nhạc Hồ tộc trào phúng vội vã sáng tác ngay bài "Cút! Người Là Chim hay Là Gà?" Bản nhạc vui nhộn với những lời nhạc châm biếm quá đáng khiến cho đại diện Am Thuần Điểu Nhật Bản không hài lòng nhưng đành chịu nhẫn nhục.

Bản "Cút! Người Là Chim hay Là Gà" được đại diện Hồ tộc, Khuyển tộc, Lang tộc tán thưởng. Nhạc sĩ Hồ tộc Việt Nam yêu cầu ban nhạc Parrot hòa tấu bản "Cút Cụt Đuôi Ai Nuôi Mày Lớn?" do ông ấy sáng tác. Cả hội trường đều có những giây phút thoải mái vui cười thỏa thích mặc cho sự buồn lòng của đại diện Am Thuần Điểu tộc Nhật Bản. Ông ấy nghiêm nghị bước lên diễn đàn. Đầu vấn khăn trắng có vòng tròn đỏ biểu tượng của quê hương gốc của ông; lưng thắt dây lưng đen của các võ sĩ nhu đạo (Judo). Trông ông vững vàng và đầy vẻ tự tin, tin vào Cút tộc thì ít mà tin vào quê hương sinh quán của mình thì nhiều.

****

Tôi là trưởng lão tộc Am Thuần Điểu (Cút) Nhật Bản gốc ở miền bắc đảo Honshu. Các nhà động vật học của loài người xem Cút tộc chúng tôi là chim cụt đuôi, không bay được. Có người xem chúng tôi là Gà vì chúng tôi là động vật có lông vũ, có cánh nhưng không bay và sống lẩn trốn trong các bụi cây. Giống như mấy chị Gà các chị Cút đẻ trứng. Về vóc dáng Cút chúng tôi là một loài Gà nhỏ con.

Tên khoa học tổng quát của Am Thuần Điểu tức chim Cút là Coturnix coturnix thuộc gia đình Phasianidae. Tên khoa học của Am Thuần Điểu Nhật Bản là Coturnix japonica. Dòng tộc Cút chúng tôi có mặt khắp nơi trên thế giới (Á Châu, Âu Châu, Phi Châu, Mỹ Châu ở Bắc Bán Cầu và Đại Dương Châu ở Nam Bán Cầu). Người ta tính có 130 chi tộc Am Thuần Điểu. Ở Mỹ Châu có 32 loài không thuộc gia đình Phasianidae mà thuộc gia đình Odontophoridae.

Cút Nhật Bản (https://www.birdsupply.nl/)

Tên gọi thông thường về dòng tộc Cút chúng tôi:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Cút, Cun cút

Nhật Bản

Uzura

Trung Hoa

Anchun niao (Am Thuần Điểu)

Anh

Bobwhite (Cút Hoa Kỳ)

Pháp

Caille

Vì người ta xem chúng tôi như Kê tộc nên người Anh gọi gia đình Cút tộc như gọi Kê tộc:

Nam

Nữ

Con

Rooster

Hen

Chick

Dòng tộc chúng tôi là trung gian giữa Chim và Gà. Chúng tôi giống Chim vì hình dạng nhỏ bé. Giống như Chim chúng tôi có cánh nhưng không có đuôi và không biết bay như Chim. Chúng tôi giống Gà vì không biết bay mà chỉ sống lủi thủi dưới đất và trong bụi rậm.

Cút chúng tôi giống như Chim hay Gà nhưng chúng tôi hầu như không có đuôi. Mắt tròn và sáng. Mỏ màu đỏ khi mới rời khỏi vỏ trứng và màu đen nhạt sau khi lớn lên. Quần áo chúng tôi mặc không đẹp. Áo quần có lốm đốm đen, vàng nhạt đơn điệu.

Áo quần của các anh Cút có màu sắc hơn áo quần của các chị. Đầu và cổ của các anh Cút có vệt trắng hay đen. Các chị Cút không có những vệt đặc biệt như vậy trên đầu hay gần cuống họng.

Các anh gáy khi ái ân cùng các chị. Các chị Cút chỉ kêu nho nhỏ chớ không gáy như các anh.

Về trọng lượng các chị Cút mập mạp và nặng cân hơn các anh.

Trọng lượng trung bình của Cút xê dịch từ 100 - 120 grams.

Cút nặng cân nhất là Cút khổng lồ Georgia (Georgia Giant Bobwhites) mang tên khoa hoc Colinus virginianus (Bobwhites Quail) thuộc gia đình Odontophoridae. Dòng tộc Cút nầy sống ở Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, hải đảo trong biển Caribbean. Trọng lượng trung bình của các anh chị Cút Bobwhites này là 1,2 ki-lô.

Cút Bobwhite trống (trái) và mái (phải) ở Hoa Kỳ  (https://www.allaboutbirds.org/)

Cút Á Châu Màu Xanh (Asian Blue Quail) hay Cút Nút Áo (Button Quail) mang tên khoa học Coturnix chinensis chỉ dài lối 10 - 14 cm và cân nặng từ 30 - 50 grams. Dòng Cút này được tìm thấy nhiều ở Trung Hoa, các nước Đông Nam Á kể cả Việt Nam, Úc Đại Lợi. Các anh Cút Nút Áo mặc quần áo hung đỏ và xanh dương ở vùng ngực. Ở vùng cuống họng có vệt trắng.

Cút Á Châu Màu Xanh (Wikipedia)

Tuổi truyền tử lưu tôn của dòng tộc Am Thuần Điểu xê dịch từ 06 đến 08 tuần tuổi. Các nhà chăn nuôi Cút thường thường cho một (01) anh Cút bắt cặp với ba (03) chị Cút. Trong trạng thái hoang dã một chị Cút có thể chăn gối với nhiều anh Cút khác nhau. Các nhà chăn nuôi không cho các anh Cút cao niên ân ái với các chị vì e sợ khả năng sinh sản suy giảm nặng. Mỗi lứa các chị sinh từ 5 - 12 trứng. Trứng được các chị ấp từ 17 đến 19 ngày thì nở. Ở các nhà lao Am Thuần Điểu người ta dùng máy để ấp trứng. Trứng Cút hay thai chi Am Thuần Điểu nhỏ bằng 1/4 trứng Gà. Trứng Cút có nhiều đốm màu đỏ-đen ngoài vỏ. Các chị Cút trẻ và mạnh khỏe có thể sinh 200 trứng mỗi năm.

Như quí vị đã biết Cút chúng tôi là cầm vũ, đẻ trứng và ăn tạp. Chúng tôi sống bằng côn trùng, cào cào, châu chấu, cỏ, các loại hột, lá cây, rễ cây v.v.. Nơi cư trú của chúng tôi là các bụi cây rậm rạp. Chúng tôi không ngủ trên các cành cây như Điểu tộc vì không bay cao được. Kẻ thù của chúng tôi rất nhiều. Hầu hết đều có mặt trong hội trường này. Để giữ tình đoàn kết động vật triệt để chống loài người, chúng tôi xin miễn nêu tên các động vật đe dọa sinh mạng Cút tộc, Cút tử và Cút thai.

Cộng đồng Cút tộc báo động khi loài người nói rằng trứng Cút bổ hơn trứng Gà gấp 3 đến 4 lần! Trứng Cút có 18% protein trong khi trứng Gà chỉ có 11% protein. Trứng Cút có 140% sinh tố B1. Trứng Gà chỉ có 50% sinh tố B1. Hàm lượng K trong trứng Cút cao hơn trứng Gà gấp 5 lần. Trứng Gà gây dị ứng nhưng trứng Cút không gây dị ứng v.v..

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này. Bây giờ chúng tôi xin được nói qua về vài thân thuộc của chúng tôi.

Hai chi tộc gần với Am Thuần Điểu chúng tôi là chi tộc Gà Gô và Gà Lôi. Các anh chị thuộc hai chi tộc này đều thuộc gia đình Phasianidae như chúng tôi nhưng họ có ngoại hình đẹp đẽ, có đuôi dài, quần áo có màu sắc khác với quần áo màu u tối của chúng tôi.

Gà Gô

(Anh: Partridge, Pháp:  Perdrix) to lớn hơn tộc Am Thuần Điểu chúng tôi. Mỏ dài, chân cứng cáp. Quần áo khá sặc sỡ: màu hồng nhạt pha lẫn mầu xám, màu đen, trắng, viền đen và có sọc đen trông đẹp mắt. Thức ăn của các anh chị Gà Gô là các loại hột, sâu bọ, lá cây non. Người ta phân biệt:

1. Gà Gô Âu Châu tức Gà Gô xám mang tên khoa học Perdix perdix.

Gà Gô Âu Châu Perdix perdix (https://nl.pinterest.com/)

2. Gà Gô Chukar mỏ đỏ, chân đỏ, cổ màu trắng đục. Các anh chị ấy mặc quần áo màu sắc lộng lẫy. Tên La Tinh của các anh chị Gà Gô Chukar là Alectoris chukar. Các anh chị ấy sống ở Âu Châu, Ấn Độ, Mãn Châu.

Gà Gô Chukar (https://nl.pinterest.com/)

3. Gà Gô Đông Nam Á mang tên khoa học Rollulus roulroul. Đặc điểm Gà Gô Đông Nam Á là ăn mặc quần áo màu xanh sẫm, chân đỏ, mắt có quầng đỏ và trên đỉnh đầu có chòm lông đỏ.

Gà Gô Ɖông Nam Á (https://www.flickriver.com/)

4. Gà Gô Núi hay Gà Gô Tuyết Lerwa lerwa được tìm thấy nhiều trên vùng Hy Mã Lạp Sơn, Tây Tạng, Nepal Ấn Độ, Pakistan và tây bộ Trung Hoa.

Gà Gô Núi hay Gà Gô Tuyết (https://ebird.org/)

Gà Lôi hay Gà Sao

(Pheasants) là những thân thuộc to lớn và sang trọng của tộc Am Thuần Điểu. Các anh chị Gà Lôi ăn mặc có màu sắc, cổ có viền trắng hay đen; áo có sọc đen trên nền nhiều màu khác nhau; đuôi dài trông tha thướt lắm. Chiều dài Gà Lôi có thể đến 1 m hay hơn đôi chút mặc dù trọng lượng không quá 2 ki-lô! Các tộc Gà Lôi thường thấy trên địa cầu gồm có:

1- Gà Lôi Colchis mang tên khoa học Phasianus colchicum. Colchis là một địa danh trên biển Hắc Hải. Các anh chị Gà Lôi Colchis được tìm thấy ở Tây Á, miền nam nước Nga, Trung Hoa, Mã Lai, Indonesia. Người Việt Nam gọi Gà Lôi Colchis là Chim Trĩ.

Gà Lôi Colchis (Chim Trĩ) (Wikipedia)

2- Gà Lôi Xanh ở Nhật Phasianus versicolor kêu ầm lên báo động trước khi có động đất.

Gà Lôi Xanh (Wikipedia)

3- Gà Lôi Đa Nhãn (nhiều mắt vì trên cánh có nhiều đốm đen tựa như nhiều con mắt) ăn mặc quần áo sặc sỡ như các anh Khổng Tước (Công). Các anh chị này sống nhiều ở Mã Lai và Indonesia. Chiều dài của các anh Gà Lôi Đa Nhãn lối 2m. Tên La Tinh của các anh chị ấy là Argussianus argus (Argus: trăm con mắt). Gà Lôi Đa Nhãn có đuôi rất dài và chẻ đôi. Các anh Gà Lôi Đa Nhãn là những vũ công đa tài. Các anh nhảy múa như các anh Khổng Tước. Các nhà động vật học xem Gà Lôi Đa Nhãn là tổng hợp của Gà Lôi và Khổng Tước (Công) như tộc Trĩ chẳng hạn. Người Anh gọi tộc ấy là Peacock Pheasant (Gà Lôi Khổng Tước) vì đuôi dài và xòe ra như cánh quạt khi vũ và cánh có nhiều đốm đen tựa như con mắt đen.

Gà Lôi Ɖa Nhãn (Wikipedia)

4- Gà Lôi Vàng (Anh: gold pheasant – Chinese pheasant – Pháp: Faisan chinois) Chrysolophus pictus gốc ở Trung Hoa. Các anh chị mặc áo vàng, đỏ; mỏ tựa mỏ két; đầu có chóp mão vàng; đuôi dài rất đẹp.

Gà Lôi Vàng (https://birdsoftheworld.org/)

5- Gà Lôi Hy Mã Lạp Sơn mang tên khoa học Lophophores impejanus ăn mặc quần áo rất đẹp với các màu xanh dương đen sẫm, cổ màu đỏ đồng, cánh màu tím sặc sỡ, chóp mão xanh sẫm. Áo quần của các anh Gà Lôi Hy Mã Lạp Sơn (Himalayan monal – Pháp: Lophophore replendissant) có màu sắc đậm đà hơn áo quần của các chị. Gà Lôi Hy Mã Lạp Sơn là quốc Điểu của xứ Nepal.

Gà Lôi Hy Mã Lạp Sơn (https://nl.pinterest.com/)

6- Các anh chị Trích mang tên khoa học Porphyrio porphyrio thuộc gia đình Rallidae sống ở các đầm lầy, đầm nước mặn nơi có nhiều lau sậy ở Âu Châu, Phi Châu. Quần áo các anh chị Trích rất đẹp: xanh dương sẫm pha lẫn chút màu hung đỏ nhạt. Chân dài, có vẩy màu hồng nhạt. Các anh có mồng đỏ ngắn. Quần áo các anh có màu sậm sặc sỡ hơn quần áo của các chị. Các anh có mồng cao và đỏ hơn mồng của các chị Trích.

Trích Porphyrio porphyrio (https://nl.pinterest.co)

Các anh to lớn hơn các chị Trích theo tỷ lệ trung bình 10/ 08-10 cho Nam và 08 cho nữ. Trọng lượng trung bình của các anh Trích là 1 ki-lô; các chị là 0,8 ki-lô. Một thành viên chi tộc Trích Porphyrio martinica ở Hoa Kỳ có tuổi thọ lên đến 22 tuổi. Dân số tộc Trích càng ngày sụt giảm nặng nề. Người Anh gọi các anh chị Trích là Purple swamphen. Người Pháp gọi là Poule sultane (Hồi vương nữ Kê).

****

Nhìn áo quần sặc sỡ của các anh chị Gà Gô và Gà Lôi, Am Thuần Điểu chúng tôi không khỏi hổ thẹn với áo quần thô sơ thiếu vải, chỉ đủ che thân mà thôi. Người Việt Nam ban cho chúng tôi tên gọi không mấy gì đẹp đẽ. Cút gợi lên cảnh côi cút. Đã vậy còn ngạo chúng tôi khi hỏi: Cút cụt đuôi ai nuôi mày lớn?

Xem chừng người Việt Nam không biết nhiều về Am Thuần Điểu chúng tôi. Họ chỉ biết ngoại hình xấu xí vì cụt đuôi của dòng tộc chúng tôi mà thôi. Trong ngôn từ của họ không đề cập gì đến chúng tôi. Cho đến năm 1968 họ vẫn tin theo người Hoa cho rằng Cút nuôi hoài không thấy đẻ. Mãi đến khi xảy ra các trận đánh ở Chợ Lớn vào Tết Mậu Thân 1968 người ta mới phát hiện nhiều chuồng nuôi Cút trên sân thượng ở Chợ Lớn. Từ đó phong trào nuôi Cút phát khởi ở miền Nam. Việc nuôi Cút vào năm 1970 ở miền Nam Việt Nam làm cho một số người không nhỏ bị phá sản. Nếu đa số bị phá sản thì cũng có thiểu số làm giàu nhờ cung cấp Cút giống.

Trái lại tên tuổi dòng Am Thuần Điểu được nhắc đến trong Thánh Kinh, sách Exodus (Ê-Díp-Tô Ký- Egypt: Ai Cập) 16:13 và Numbers (Dân Số Ký) 11:31 có đề cập đến Am Thuần Điểu bị gió cuốn từ biển rơi vào sa mạc Sin để cho người Do Thái vượt thoát khỏi Ai Cập bắt ăn thịt. Chúng tôi nhỏ con nhưng mập mạp, nhiều thịt lại không biết bay nên dễ bị bắt. Sau khi ăn thịt chúng tôi nhiều người bị bịnh dịch do sự giận dữ của Thượng Để trước sự đòi hỏi quá đáng của người Do Thái vượt thoát khỏi Ai Cập và lang thang trong sa mạc. Nơi những người Do Thái chết vì dịch sau khi ăn thịt Cút gọi là Kiroth Hattaavah, có nghĩa là nơi chôn những người ham muốn (đã được cho ma-na nhưng vẫn than phiền và đòi ăn thịt). Về phương diện khoa học có phải chăng họ chết vì ăn quá nhiều thịt sau một thời gian dài trong sa mạc chỉ ăn thuần ma-na khiến cho sự tiêu hóa khó khăn? hay vì sự nấu nướng thiếu nước? hay thịt Cút phơi khô bằng nắng sa mạc bị ruồi nhặng bâu vào hay bị cát bụi sa mạc bám vào? Căn cứ vào Thánh Kinh đó là sự giận dữ của Thượng Đế. Theo các nhà dinh dưỡng học của loài người, thịt Am Thuần Điểu chúng tôi bổ chớ không độc với các thành phần như sau:

- mỡ: 6%
- cholesterol: 8%
- protein: 14%
- sinh tố A: 1%
- sinh tố C: 1%
- sinh tố B-6: 10%
- Fe: 7%
- Mg: 1%.

Sách Psalm (Thi Thiên) 105: 40 cũng có đề cập đến tộc Am Thuần Điểu Địa Trung Hải trôi giạt vào đất liền để nuôi con cháu Abraham.

Trong Qur’an Hồi Giáo sách Sura Al-Baqarah câu 57 cũng có nói đến tộc Am Thuần Điểu chúng tôi như Thánh Kinh Do Thái đã đề cập.

Trong huyền thoại Hy Lạp, nữ Thần Asteria, con của Coeus và Phoebe và chị của nữ Thần Leto. Bà là nữ Thần đặc trách các vì sao băng, bói mộng và bói tinh tú. Chồng của bà là Perses. Thần Zeus si mê nữ Thần Asteria. Bà tự biến mình thành một nữ Am Thuần Điểu và nhảy xuống biển tạo thành hòn đảo Ortygia hay Đảo Am Thuần Điểu (Ortux: chim Cút – Hy Lạp ngữ) tức đảo Delos để tránh sự thầm yêu trộm nhớ vu vơ của Thần Zeus. Huyền thoại Hy Lạp lúc nào cũng có những mối tình lăng nhăng như người trần tục. Các vị Thần trong huyền thoại Hy Lạp trở thành đề tài của thi ca, văn chương, hội họa, điêu khắc ở Hy Lạp và các nước Âu Châu.

Loài người có quan niệm HÊN, XUI khác nhau khi nằm chiêm bao thấy Am Thuần Điểu. Người Âu Châu cho là tốt về tình yêu và hạnh phúc khi thấy Cút trong chiêm bao. Nếu thấy Cút chết thì đó là điềm xui xẻo. Chiêm bao thấy ăn thịt Cút là điềm sang trọng. Ngày xưa chỉ có vua chúa ở Âu Châu mới ăn thịt Cút. Ngày nay xã hội loài người dân chủ hóa nên ai cũng ăn thịt Cút. Đó là dấu hiệu bất lành cho dòng Am Thuần Điểu chúng tôi vậy.

Người Ấn Độ cho rằng nằm chiêm bao thấy Cút thì sẽ có tin tức không mấy vui!

Ở bất cứ thời điểm nào trên mặt Địa Cầu, Am Thuần Điểu chúng tôi cũng là đối tượng săn bắn, giết chóc của loài người. Dân số Am Thuần Điểu giảm sút nhiều vì chúng tôi là nạn nhân chẳng những của loài người mà còn bị bọn Mèo, Chó, Chồn, Cáo, Chó Sói và các Điểu tộc to lớn khác bắt nạt và giết chóc chúng tôi để ăn thịt. Loài người làm trại chăn nuôi dòng tộc chúng tôi. Chúng tôi gọi đó là nhà lao Am Thuần Điểu. Thoạt mới nhìn tưởng họ bảo vệ an ninh, chăm sóc sức khỏe và sự dinh dưỡng cho chúng tôi. Không ngờ họ nuôi chúng tôi để lấy thịt và trứng với sự bổ dưỡng tưởng tượng của họ. Thì ra họ rút ngắn cuộc sống của chúng tôi trên mặt đất này.

Trứng Cút (https://confettissimo.com/)

Ở Anh người ta nuôi rất nhiều Am Thuần Điểu để bán Am Thuần Điểu con, trứng, và thịt. Các nước Tây Ban Nha, Pháp đều mua Am Thuần Điểu từ các trại chăn nuôi của Anh. Ấn Độ đang phát triển ngành chăn nuôi tương đổi mới mẻ này. Người ta đề cao thịt Cút và trứng Cút bổ dưỡng. Nào là thịt Cút cường dương vì trong các nhà lao các anh Cút siêng năng trong công tác truyền tử lưu tôn đến nỗi các chị Cút bị sói đầu. Nào là trứng Cút bổ hơn trứng Gà theo bảng phân tích dưới đây:

Phân chất

Trứng Cút

Trứng Gà

Dinh dưỡng

4 lần lớn hơn trứng Gà

4 lần nhỏ hơn trứng Cút

Protein

18%

11%

Sinh tố B1

140%

50%

Sinh tố A, B2

02 lần lớn hơn trứng Gà

02 lần nhỏ hơn trứng Cút

Fe

05 lần lớn hơn trứng Gà

05 lần nhỏ hơn trứng Cút

 Giá bán thịt Cút cao hơn Kê nhục gấp 4 lần, khoảng 4 Mỹ Kim cho hai anh chị Cút cân nặng lối 300 grams (1 pound thịt gà 453 grams giá từ 99 cents - 1,49 Mỹ kim). Giá bán một vỉ trứng Cút 40 hột khoảng 10 Mỹ Kim. Thịt và trứng Cút được các dân tộc Đông Á và Á Châu tiêu thụ nhiều hơn là người Tây Phương mặc dù người ta loan truyền tính năng trị liệu đặc biệt của trứng Cút như: trị bịnh ngoài da, làm đẹp da, trị bất lực sinh lý, hạ áp suất máu, điều hòa tim, trị chứng thiếu hồng huyết cầu, tiểu đường, suyễn, bổ não cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, chống lão hóa. Những điều trên không biết có đúng hay không nhưng chúng là bản án tử hình đối với dòng Am Thuần Điểu chúng tôi.

Trong lịch sử Việt Nam có ghi chép rằng năm 1109 trước Tây Lịch đời vua Thành Vương (Cheng Wang) nhà Chu (Zhou) có nước Việt Thường ở phía nam nước Giao Chỉ sai sứ đem chim Bạch Trĩ Phasianus colchicum sang cống. Vua nhà Chu sai người tìm thông ngôn để nói chuyện rồi ra lịnh cho xe chỉ-nam để sứ Việt Thường về nước. Chi tiết nhỏ này cho thấy bà con thân thuộc của chúng tôi quí hiếm lắm. Đại diện tộc Am Thuần Điểu chúng tôi hơi thắc mắc:

1. Tại sao sứ giả Việt Thường biết đường đi qua bên Tàu với cái lồng Bach Trĩ mà không biết đường về đến phải nhờ xe chỉ-nam chỉ đường?

2. Nước Việt Thường là nước nào? Vào năm 1109 trước Tây Lịch nước Champa (Chiêm Thành) chưa ra đời ở phía nam vĩ tuyến 18.

3. Chuyện vừa khôi hài vừa khó hiểu là sứ giả Việt Thường đi triều cống bên Tàu mà không biết nói tiếng Tàu để ông vua Tàu đi tìm thông dịch viên mới biết họ đi triều cống bằng một anh Bạch Trĩ ăn diện quần áo trắng như tuyết. Lãnh tụ Việt Thường là người có tư tưởng đơn giản đã cho người đi bộ vài ngàn cây số để triều cống vua Tàu bằng một con chim màu trắng.

Bạch Trĩ (https://www.birdguides.com/)

Xứ Nepal trong vùng Hy Mã Lạp Sơn đã chọn Gà Lôi Núi hay Gà Lôi Hy Mã Lạp Sơn Lophophorus impejanus làm quốc điểu. Đó là danh dự thứ nhì của dòng họ chúng tôi vậy. Giữa Gà Lôi Núi này với anh chị Trích Porphyrio porphyrio đều có vóc dáng và quần áo giống nhau (đuôi ngắn, quần áo màu xanh dương sẫm óng ánh, mỏ đỏ v.v.).

Danh dự thứ ba của tộc Am Thuần Điểu là dòng Cút Callipepla californica thuộc gia đình Odontophoridae được xem là Chim biểu tượng của tiểu bang California. Có khi người Hoa Kỳ gọi đó là California Quail (Cút California). Có khi họ gọi là Catalina Quail (Cút đảo Catalina). Có khi họ gọi là California Partridge (Gà Gô California).

Cút Callipepla californica (https://nl.pinterest.com/)

Trong thực vật học loài người dành cho Am Thuần Điểu hai tên: Quail BushQuail plant.

Quail bushcây muối miền duyên hải California, Mễ Tây Cơ. Lão Phạm Đình Lân thêm ba chữ Am Thuần Điểu để gợi lên chữ Quail đồng thời để phân biệt với cây muối hay ngũ bội hay diêm phù mộc Rhus chinensis. Gọi là cây muối vì nó mọc trên vùng đất mặn, khí hậu khô hạn một cách kiên cường. Lá và mầm non ăn có vị mặn lợ. Bà con Am Thuần Điểu đến để rỉa hột trong trái để ăn cho đỡ đói đồng thời có chỗ núp. Từ đó có tên Quail bush với tên khoa học Atriplex lentiformis.

Quail plant được gọi là cây đuôi khỉ gọi theo tiếng Tây Ban Nha Cola de Mico (Cola: đuôi; Mico: khỉ - hầu tộc) vì hoa dài như đuôi khỉ. Sao là Quail plant? Vì bà con Am Thuần Điểu đến đó để ăn trái. Cây đuôi khỉ được tìm thấy nhiều trong vùng biển Caribbean, Hawaii, các nước Đông Nam Á, Úc Đại Lợi v.v. Tên khoa học của cây đuôi khỉ (quail plant) là Heliotropium curassavicum.

Đối với tộc Trĩ và Trích loài người còn chút yêu thương nể vì mặc dù thỉnh thoảng cũng tổ chức săn bắn lấy thịt về xào nấu ăn. Tộc Am Thuần Điểu chúng tôi không TÀI cũng không SẮC. Ăn mặc áo quần rẻ tiền dù quần áo sạch cũng thấy dơ. Chúng tôi chỉ là một khối thịt nhỏ bé đi động. Chỉ biết chạy và lẩn trốn chớ không biết bay hay đương đầu lại với kẻ đe dọa mình. Chúng tôi thiếu tinh thần chiến đấu của Gà Tre, Gà Nòi. Nhưng chạy rồi cũng chết! Hèn gì người Anh có động từ Quail để chỉ sự sợ hãi của dòng tộc Am Thuần Điểu sinh ra đời để bị áp bức, bị bắn giết và bị ăn thịt. Loài người xem việc bắn giết tộc Am Thuần Điểu chúng tôi là một thú vui. Với cách cường điệu hóa về khả năng trị bịnh của trứng Cút, cộng đồng Am Thuần Điểu thế giới lên tiếng báo động. Nhiều cuộc hội họp của tộc Am Thuần Điểu tổ chức liên tục ở Á Châu và Phi Châu để tìm cách đối phó tư tưởng của loài người về tính năng trị liệu huyền diệu của trứng Cút. Nào là trứng Cút trị tiểu đường, trị suyễn. Nào trẻ nít từ 1 tuổi đến 5 tuổi ăn trứng Cút được bổ não và thông minh. Nào là trứng Cút làm cho da tươi nhuận hơn. Nào là trứng Cút cường dương và không bị dị ứng như trứng Gà v.v. Hội Đồng Trưởng Lão Am Thuần Điểu Hoàn Vũ đưa ra những ý kiến kỳ lạ đã được Hội Đồng biểu quyết vì sự độc đoán của các trưởng lão Am Thuần Điểu:

- Ɖưa các thám tử Am Thuần Điểu xem có cách nào phá vỡ các nhà lao Am Thuần Điểu trên thế giới hay không.

- Ɖưa các thám tử Am Thuần Điểu giỏi về thuật ăn nói, tuyên truyền đến các nhà lao Am Thuần Điểu kêu gọi các anh Cút và các chị Cút chấm dứt sự yêu thương xác thịt để loài người không tẫm bổ bằng thai nhi của tộc Am Thuần Điểu.

Cả hai phương cách này đều thất bại nặng nề.

Các thám tử Cút làm sao phá nổi các nhà lao Am Thuần Điểu. Nhiều kẻ ra đi không thấy ai trở về cả. Có anh bị Mèo ăn. Có anh bị Chuột cẳn chết vì nọc độc. Có anh bị loài người bắt đưa vào nhà lao cho ăn uống đầy đủ, chăm sóc sức khỏe và cho sống gần các chị Cút bị giam cầm. Các anh ấy bắt đầu thay đổi lý tưởng từ đấu tranh gian khổ chuyển sang no cơm ấm áo bên người đẹp. Đó là cảnh vật chất chi phối tinh thần.

Các thám tử vào nhà lao kêu gọi nam, nữ Cút đoạn tuyệt công tác truyền tử lưu tôn. Cả nhà lao nháo nhào phản đối vì làm như vậy là phá vỡ nhu cầu tự nhiên của vạn vật. Không có nhu cầu sinh lý là tự ý đưa dòng giống Am Thuần Điểu vào đường tuyệt chủng không do loài người hay mấy thằng Chó, Mèo, Chó Sói, Chồn, Cáo, Diều Hâu mà do sự quyết định của các trưởng lão Am Thuần Điểu mà ra. Vì cuộc bàn cãi quá ồn ào ào sôi nổi nhân viên nhà lao Am Thuần Điểu bao vây nhà lao và bắt các thám tử Cút và tuyên án xử tử tại chỗ các thám tử Cút về tội âm mưu xúi giục các anh chị Cút nhà lao nổi dậy và chống lại sự hợp tác với loài người. Họ nướng các anh ấy và nhai ngấu nghiến không bỏ một miếng xương.

Bây giờ các trưởng lão tộc Am Thuần Điểu lần lượt qua đời. Dòng tộc Cút trở nên CÔI CÚT. Và cụ thể cuộc đời trôi qua mãi. Hết ngày đến đêm. Hết nắng rồi mưa. Hết đêm tăm tối thì có đêm trăng rằm sáng sủa. Bốn mùa cứ lần lượt trôi qua. Am Thuần Điểu lần lượt vào nhà bếp của loài người với những hương liệu thơm phức. Loài người độc ác hay dễ thương? Độc ác vì họ giam cầm, bắn giết và đưa tất các các sinh vật vào miệng họ. Dễ thương vì tất cả các động vật nào chết cũng được tẩn liệm bằng những nguyên liệu thơm tho. Nào là quế. Nào là hồi hương. Nào là gừng. Nào là bột nghệ, hành, tiêu, tỏi ớt. Đôi khi có bột ngũ vị hương, dầu hào và rượu Mai Quế Lộ nữa. Ôi! loài người thương động vật đến thế sao?

Dưới hội trường các chị Oanh, chị Yến không cầm được nước mắt. Ban nhạc Lion trổi bản La Marseillaise để làm sống lại khí thế đấu tranh. Trưởng lão Am Thuần Điểu Nhật Bản rùng mình lo sợ. Buổi tường trình của lão Am Thuần Điểu chấm dứt bất ngờ khi ca sĩ tộc Sư Tử thét lên: " Giết sạch loài người! Giết! Giết! Không có loài người nào dễ thương cả.”  Nhà hiền triết Heron tỏ ra ngao ngán.

Trưởng Lão Am Thuần Điểu Nhật Bản Coturnix coturnix

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/chimcutvathanthuoc.htm


Cái Đình - 2021