Phạm Ɖình Lân


Các loại dây có trái to ăn được

.

Trong rừng nhiệt đới và bán nhiệt đới có nhiều loại dây leo. Có loại dây được trồng trong vườn làm cảnh thiên nhiên. Có loại dây cung cấp nguồn nước ngọt cho người đi lạc trong rừng (thận trọng khi dùng nước từ các thân dây. Không dùng nước có: 1. màu trắng đặc sệt như mủ cao su hay có màu. 2. nước có vị đắng). Có loại dây có trái ăn được. Dây có trái ăn ngon và quí giá là dây nho Vitis vinifera, gia đình: Vitaceae. Nho có giá trị kinh tế-thương mại cao. Người ta ăn nho tươi, nho khô, dầu hột nho, uống rượu nho v.v.. Trong bài này chúng tôi chỉ sơ lược về các loại dây có trái to và ăn được.

****

DÂY DỊ QUẢ

Monstera deliciosa
Gia đình: Araceae

(Ảnh: https://fleurenflower.nl/ và https://patioplants.com/) 

Dây dị quả là một dây to lớn nhất trong các loại dây leo bám vào các cây to trong rừng. Loại dây này có trái to ăn được với nhiều tên gọi thông thường.

Tên khoa học

Gia đình

Tên thông thường

Monstera deliciosa

Araceae

Swiss cheese plant (dây phô-mai Thụy Sĩ), Monster fruit (dị quả),
Mexican bread fruit (sa kê Mễ Tây Cơ),
Tarovine (dây khoai môn), Fruta monstruosa (Tây Ban Nha)

Dây dị quả được tìm thấy nhiều ở vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Dây to tựa như dây trầu bà rừng. Đường kính lối 4 - 5 cm, dài trên 20 m, lá chẻ, láng, màu xanh sẫm. Lá dài tựa như tàu dừa hình lông chim. Hoa trắng nở trong một cái bẹ. Trái dài từ 30 đến 40 cm bên ngoài có vảy hình lục giác. Xa xa trông như trái bắp. Phải mất cả năm trái mới chín và ăn được. Cơm bên trong màu trắng. Hương vị tùy cảm giác của người ăn:

- Ăn trái chưa chín có nhiều oxalic acid C2 H2 O4 nên môi, lưỡi, miệng rướm máu và sưng phồng rồi mất tiếng nói.

- Ăn trái chín bằng cách bỏ vỏ có vảy bên ngoài. Cơm bên trong màu trắng đục. Có người cho là có vị của CHUỐI + THƠM. Có người cho là có vị của trái SA KÊ + THƠM. Có người cho là vị tổng hợp của THƠM + DỪA. Cũng có người cho là có vị tổng hợp của THƠM + CHUỐI + DỪA. Nhìn chung hương vị THƠM là hương vị chung theo cảm giác của người ăn. Xem như thấy trái dị quả (Monster fruit) là trái của một loại dây trong rừng có đặc điểm kỳ lạ: trái phải mất một năm mới chín; hương vị thay đổi tùy theo người ăn và đặc biệt là có nhiều tên gọi thông thường.

Công dụng:

- Người ta trồng dây dị quả làm cây cảnh trong nhà (lá láng, xanh rất đẹp).

- Trái ăn được. Thành phần dinh dưỡng trong 100g trái dị quả: protein: 23g; chất béo: 01 g; phosphorus: 10g; sợi: 0,4 g; sinh tố C: 60 g; calorie: 10g.

- Ở Trung và Nam Mỹ người ta dùng rễ dây dị quả đan rổ, bện dây

- Trị liệu: người địa phương sắc lá, rễ dây dị quả uống trị thấp khớp (có nhiều chất vôi Ca). Ở Martinique người ta giã nhuyễn rễ dây dị quả đắp vào vết thương bị rắn hay côn trùng độc cắn. Trái dị quả (fruta monstruosa – tiếng Tây Ban Nha) có nhiều antioxidants, sinh tố C chống lão hóa, ngừa bịnh scorbutus, củng cố hệ thống miễn nhiễm.

DÂY VA-NI

Vanilla planifolia
Gia đình: Orchidaceae

(Ảnh: https://www.pinterest.co.kr/ và  https://www.pinterest.de/)

Dây va-ni có nhiều tên khoa học khác nhau chứng tỏ đó là một loại dây quan trọng trong đời sống con người.

Quốc gia

Tên khoa học

Tên thông thường

Anh

Vanilla planifolia

Vanilla orchid
Flat-leaved vanilla
Vanilla vine

Pháp

Vanille

Việt Nam

Va-ni (âm theo Pháp)

Tây Ban Nha

Vanilla
Vainilla (từ chữ Vaina mà ra. Vaina phát xuất từ tiếng La Tinh Vagina tức bộ phận sinh dục phụ nữ)

Sinh quán của dây va-ni là Trung Mỹ đặc biệt là Mễ Tây Cơ. Đó là loại dây thích hợp với khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới và đại dương. Có nhiều loại dây va-ni hoang trong rừng. Có những loại dây va-ni được trồng làm cảnh trong vườn hay trồng để bán trái.

Dây va-ni là một loại dây leo dài đến 30 m. Thân dây to, màu xanh tươi; lá dài, láng có sọc màu xanh sẫm rất đẹp. Hoa màu trắng hay vàng nhạt có 5 cánh. Hoa có hương thơm nhẹ. Khi dây va-ni dài lối 3m, dây bắt đầu có trái. Trái dài từ 15 - 30cm tựa như trái chuối hay trái đậu với lớp vỏ bên ngoài và hột va-ni bên trong.

Va-ni có hương thơm được cho vào kem, bánh ngọt, kẹo, mứt, thức ăn v.v.. Thổ dân ở Nam Mỹ cho va-ni vào cacao để uống. Va-ni được các nhà chinh phục và giáo sĩ Tây Ban Nha đưa từ Mỹ Châu về Âu Châu vào thế kỷ XVI. Ngày nay đảo Madagascar, Reunion, Tahiti, Java, Seychelles sản xuất nhiều va-ni nhất thế giới.

Dây va-ni lá láng và phẳng Vanilla planifolia chứa nhiều va-ni hơn các loại dây va-ni khác. Va-ni quan trọng trong thương mại, kỹ nghệ thực phẩm, kỹ nghệ sản xuất nước hoa, kỹ nghệ giày, nhang thơm, đèn cầy, rượu mạnh, nước ngọt, cà phê cappuccino, thuốc lá v.v..

Nhựa dây va-ni có calcium oxalate C2H2CaO5 gây ngứa, lở da. Va-ni có vanillin C8 H8 O3, vanillic acid C8H8O4, 4- hydroxybenzaldehyde và 4- hydroxybenzoic acid.

DÂY DƯA HẤU

Citrullus vulgaris
Gia đình: Cucurbitaceae

(Ảnh: http://climbers.lsa.umich.edu/ )

Dưa hấu là một loại dây thuộc gia đình bầu bí; lá chẻ ba; trái to, tròn có thể cân nặng trung bình từ 20 - 30 ký-lô. Trái mít, dưa hấu và bí rợ là những loại trái to và nặng cân nhất. Trái dưa hấu nặng nhất cân nặng 122 ký-lô (2010) và trái bí pumpkin nặng nhất cân nặng 1.006 ký-lô (2017) .

Tên khoa học của dưa hấu là Citrullus vulgaris thuộc gia đình Cucurbitaceae.

Quốc gia

Tên gọi thông thường

Việt Nam

Dưa Hấu, Tây Qua (Hán Việt)

Trung Hoa

Xigua (Tây Quả)

Anh

Watermelon

Pháp

Pastèque

Đức

Wassermelone

Tây Ban Nha

Sandia

Nhật Bản

Suika

Dưa hấu mọc hoang rất nhiều trong sa mạc Kalahari trong xứ Botswana nằm về phía bắc của Nam Phi. Các nhà khảo cổ thấy có nhiều hột dưa hấu trong cổ mộ của vua Ai Cập là Tutankhamon khoảng thế kỷ XIV trước Tây Lịch. Như vậy dưa hấu xuất hiện từ lâu dọc theo thung lũng sông Nile. Nó xuất hiện ở Ấn Độ vào thế kỷ VII sau Tây Lịch và ở Trung Hoa vào thế kỷ X sau Tây Lịch. Người Moors theo Hồi Giao du nhập dưa hấu vào Cordoba vào thế kỷ X và Seville (Tây Ban Nha) vào thế kỷ XII sau Tây Lịch. Ngày nay dưa hấu được trồng khắp nơi trên thế giới có khí hậu đại dương, bán nhiệt đới và nhiệt đới. Miền Nam Hoa Kỳ trồng được dưa hấu. Ở Việt Nam dưa hấu được trồng nhiều trên các cù lao ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam, Quảng Ngãi xuống Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh trên đồng bằng sông Cửu Long.

Truyền thuyết Việt Nam cho rằng Mai An Tiêm bị vua Hùng Vương (không rõ Hùng Vương thứ mấy?) đày ra hải đảo thuộc huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá và trồng dưa trên hoang đảo đó. Các thương nhân người Quảng Đông (Guangdong) ăn dưa và nói: “Hẩu! Hẩu” có nghĩa là tốt, ‘ngon’ như nghĩa của chữ HẢO của Việt Nam. Từ đó có tên là dưa hấu. Nếu truyền thuyết này đúng thì Việt Nam biết dưa hấu trước người Ấn Độ và Trung Hoa? Hột dưa lấy từ đâu? Thung lũng sông Nile? Bằng phương tiện gì? Chim tải hột từ Phi Châu về trên lộ trình lối 16.000km xuyên qua Ấn Độ Dương?

Thời họ Hồng Bàng (2879 - 258 trước Tây Lịch) chưa có sư tăng Ấn Độ đến Việt Nam giảng đạo. Cũng chưa có thương nhân Á Rập đến buôn bán dọc theo duyên hải Việt Nam. Thời bấy giờ nước ta chỉ giới hạn từ vĩ tuyến 23 độ 24’ xuống đến bắc vĩ tuyến 18 mà thôi. Nước Văn Lang chưa bị Trung Hoa xâm lăng và đô hộ. Những tên gọi Dưa Hấu hay Tây Qua phảng phất chữ HẨU của Guangdong (Cantonese) và Xigua của Mandarin (Quan Thoại). Có đúng là Việt Nam trồng dưa hấu trước Trung Hoa và Ấn Độ hàng chục thế kỷ không? Điều nầy cần thận trọng và dè dặt tối đa.

Dưa hấu có trái to, hình cầu hay hình ống vỏ xanh, ruột đỏ. Ngày nay có dưa hấu ruột vàng. Hột dưa hấu màu đen có nhiều dầu. Người Trung Hòa thích rang hột dưa hấu nhuộm màu đỏ để bán vào dịp Tết.

Dưa hấu có nhiều nước (90%). Một cup nước dưa hấu (154g) có: sinh tố C 12mg; sinh tố A: 43mg; sinh tố B6: 0,05mg; Potassium: 170mg; Magnesium: 15,2mg; Fe: 0,4 mg; Ca: 10,8mg; Phosphorus: 16,9mg, lycopeneamino acid citrulline C6H13N3O3 v.v..

Năm 1939 người Nhật sửa đổi hình cầu của dưa hấu thành hình hộp vuông. Ngày nay Nhật có loại dưa vỏ đen gọi là Black Densuke Watermelon trồng ở Hokkaido và bán với giá 6.100 Mỹ kim!

Mức sản xuất dưa hấu trên thế giới năm 2016 là 117 triệu tấn. Trung Quốc chiếm 68% mức sản xuất dưa hấu hoàn cầu. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Brazil là những nước trồng nhiều dưa hấu sau Trung Quốc.

Dưa hấu rất nhuận tiểu. Đó là nước giải khát được ưa thích trên thế giới nhất là ở Trung và Nam Mỹ.

Vỏ dưa được dùng làm đồ chua ở Nga. Ở miền nam nước Nga người ta làm rượu bia bằng dưa hấu + houblon. Nước vắt của vỏ dưa hấu uống rất nhuận tiểu, kích dục (không mạnh lắm) vì có nhiều citrulline C6H13N3O3.

Hột dưa hấu có nhiều chất béo, dầu linoleic acid, oleic acid, palmitic acid, stearic acid và nhiều phytosterol. Hột dưa nhuận tiểu, mát, trừ lãi và bổ dương (không mạnh lắm)

Rễ dây dưa hấu ép lấy nước dùng để trị chứng xuất huyết vì sẩy thai.

Hoạt chất lấy từ lá dưa hấu có tác dụng diệt lăng quăng và làm cho muỗi phải tránh xa.

Lá có benzene, petroleum ether, ethylacetate và methanol diệt lăng quăng muỗi anopheles gây ra bịnh sốt rét.

Trong ca dao và các khúc hát bình dân Việt Nam không nghe nói nhiều về dưa hấu ngoại trừ truyền thuyết về Mai An Tiêm qua tác phẩm Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật (1885 - 1940) được giải thưởng của Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1925.

Khi Fidel Castro nắm chánh quyền ở Cuba năm 1959 người ta tiên đoán chế độ chánh trị ở Cuba qua 4 chữ Lòng Đỏ Vỏ Xanh của trái dưa hấu. 

DÂY BÍ PUMPKIN

Bí Ngô
Cucurbita maxima
Gia đình: Cucurbitaceae

(Ảnh: https://www.feedipedia.org/ )

Bầu, bí, dưa gang, dưa tây… đều là những loại dây cho trái to. Năm 2017 có trái bí ngô (pumpkin) cân nặng 1.006 ký-lô.

Tên khoa học của bí ngô (Pumpkin) là Cucurbita maxima thuộc gia đình Cucurbitaceae của bầu, bí, dưa chuột v.v..

Quốc gia

Tên gọi thông thường

Việt Nam

Bí Ngô

Trung Hoa

Nangua (Nam Qua)

Anh

Winter squash, Pumpkin (Hoa Kỳ), Pompion

Pháp

Pompon

Nhật Bản

Kapocha

Tây Ban Nha

Calabaza

Chuyện ngộ nghĩnh là Việt Nam gọi bí pumpkin là Bí Ngô hàm ý nói rằng loại bí đó gốc ở Trung Hoa. Trong khi đó người Trung lại gọi đó là Nangua (Nam Qua) tức bí ở phía Nam! Chúng tôi không dịch chữ Winter squash mà người Anh dùng để chỉ bí pumpkin là Đông Qua. Vì Đông qua theo cách gọi của người Trung Hoa (tongua) là Bí Đao Cucurbita hispida tức bí mốc, bí phấn, dùng làm mứt bí. Chữ PUMPKIN là chữ phát âm trại từ chữ POMPION.

Về hình thức bí pumpkin giống trái bí rợ, tròn, giẹp ở hai đầu, có nhiều múi nổi cộm lên. Khi chín vỏ và cơm màu vàng cam rất đẹp. Dây to; lá to và dày màu xanh sẫm tựa như lá nho nhưng hơi thô. Hoa to, màu vàng chỉ nở một ngày thì tàn; trái tròn, giẹp hai đầu, có nhiều múi nổi cộm lên. Trái rất to như đã thấy ở phần giới thiệu.

Bí pumpkin gốc ở Mễ Tây Cơ và được trồng nhiều ở Bắc Mỹ, Âu Châu, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan. Hiện nay Trung Hoa và Ấn Độ cũng trồng nhiều bí pumpkin. Ở Hoa Kỳ bí pumpkin xuất hiện vào lễ Halloween vào cuối tháng 10 hàng năm. Bí pumpkin được trồng trên địa cầu 4.000 năm nay. Theo tiếng Hy Lạp Pepo có nghĩa là 'trái dưa to’. Một tên khoa học của bí pumpkin và bí rợ là Cucurbita pepo.

Công dụng:

- Trái bí to, màu đẹp dùng trong việc nấu nướng (nấu canh, nấu kiểm: bí + cơm dừa, táo + đậu phọng rang giã nhuyễn, vị béo và hơi ngọt). Hấp trái bí đã gọt vỏ và nhồi thịt.

- Hột có nhiều chất béo dùng ép dầu để chiên xào. Dầu bí dùng để thoa trên da khi bị khô hay để thắp đèn.

- Hột bí nhuận trường, nhuận tiểu, giảm cholesterol, trục lãi. Hột bí trục lãi không mạnh bằng rễ cây dương xỉ đực Dryopteris felix-mas.

- Dầu bí pumpkin được dùng để chữa tuyến tiền liệt nở rộng

- Cơm trái bí pumpkin dùng để đắp nơi bị viêm, vùng bị phỏng đau nhức

- Lá non, hoa, trái, hột bí pumpkin đều ăn được. Lá bí pumpkin sắc nước uống để hạ sốt. Trái nhuận trường, chống béo phì, táo bón, bổ mắt, ngăn ngừa ung thư. Trái và hột bí có nhiều amino acids, cucurbitin C5H10N2O2. Trái bí pumpkin có: potassium: 11%; protein: 2%; Magnesium: 3%; Ca: 2%; Fe: 4%; sinh tố A: 19%; sinh tố C: 17%; sinh tố B6: 5%.

DÂY DƯA GANG TÂY

Passiflora quadrangularis
Passiflora grandiflora
Gia đình: Passifloraceae.

(Ảnh: https://sites.google.com/)

Loại dưa gang Tây này gốc ở Mỹ Châu. Nó không thuộc gia đình  Cucurbitaceae của bầu, bí, dưa chuột mà thuộc gia đình Passifloraceae của lạc tiên (chùm bao). Dùng chữ dưa gang cũng không ổn lắm vì dưa gang khi chín rất mềm, cơm có nhiều bột rất mềm; vị lạt nên phải ăn với đường tán. Dưa gang Tây có cơm trắng- vàng nhạt không có nhiều bột; vị ngọt.

Dưa gang Tây gốc ở Mỹ Châu. Dây có cạnh (quadrangularis) chớ không tròn như các loại dây thường thấy. Lá dày, màu xanh nhạt, láng. Hoa to (grandiflora), có nhiều cánh màu đỏ có lông với nhiều nhụy màu tím kết thành một vòng tròn trên hoa. Chính giữa có nhụy nhỏ màu vàng trông đẹp mắt. Trái to (macrocarpa) hình ống nặng trung bình từ 1 - 2 ki-lô. Trái chín có vị ngọt. Người ta thường ăn dưa gang Tây với nước đá + đường +  cơm dưa gang Tây + hột (vị chua nhẹ).

Tên khoa học của dưa gang Tây là Passiflora grandiflora thuộc gia đình   Passifloraceae.

Quốc gia

Tên gọi thông thường

Việt Nam

Dưa gang Tây

Trung Hoa

Baixiang guo (Bạch hương quả)

Anh

Passion fruit, giant granadilla, giant tumbo

Pháp

Fruit de la Passion

Nhật Bản

Passhonfurutsu (tựa như passion fruit)

Tây Ban Nha

Maracuya

Chữ passion ở đây do chữ pascho của Hy Lạp ngữ và passio của La Tinh mà ra. Nó có nghĩa là sự đau khổ.

Dây dưa gang Tây dài đến 15m. Nó mọc trên giàn. Càng có nhiều ánh sáng mặt trời dây càng có nhiều trái. Dây già có thể cho từ 70 đến 120 trái mỗi năm.

Dưa gang Tây được đưa vào Mã Lai vào thế kỷ XVI. Có lẽ từ Phi Luật Tân đưa sang Mã Lai vì quần đảo này là thuộc địa của Tây Ban Nha. Người Tây Ban Nha chiếm nhiều đất đai ở Mỹ Châu. Dưa gang Tây được trồng nhiều ở Indonesia, Queensland, Úc Đại Lợi. Ở Việt Nam dưa gang Tây đến miền Nam hơi muộn màng (từ thập niên 1960 về sau).

Công dụng:

- Trái chín dùng để ăn, làm thạch, cho lên men làm rượu. Củ nấu ăn được.

- Dưa gang Tây có sợi 7%; magnesium 1%; Fe 1%; sinh tố A 4%; sinh tố C 9%. Lá, vỏ và hột non có cyanogenic glycoside, một độc chất. Cơm trái dưa gang Tây có chất passiflorine tức Harman C12H10N2 gây ghiền và buồn ngủ. Rễ tươi của dây dưa gang Tây gây nôn. Có độc chất. Rễ và dây dùng để chữa đau bụng, bịnh scorbutus vì thiếu sinh tố C tức ascorbic acid, tạo gây nôn, trị lãi, gây sự nhuận tiểu. Cơm trái dưa gang tây nhuận trường. Nó được dùng để chữa nhức đầu, suyễn, tiêu chảy, kiết lỵ, mất ngủ. Hột dưa gang Tây bổ tim, nhuận trường, gây say. Lá sắc dùng để trị lãi, làm trà uống trị tiểu đường, hạ áp huyết.

- Hoa dưa gang Tây là Quốc Hoa của xứ Paraguay ở Nam Mỹ.

- Các tu sĩ Thiên Chúa Giáo xem hoa này như dấu hiệu của đạo. Những sợi dài như chỉ trên cánh hoa tượng trưng cho chiếc vương miện gai của Chúa Jesus đội khi bị đóng đinh trên Thánh Giá. Ba điểm trắng trên nhụy hoa như ba mũi đinh đóng vào thân Chúa. Năm bao phấn tương ứng cho 5 vết thương (4 vết đinh và 1 vết bị đâm vào bụng). Mười cánh hoa tượng trưng cho 10 đệ tử đầu tiên của Chúa Jesus sau khi bỏ Judas Iscariot phản Chúa và Thánh Peter chối Chúa 3 lần trước khi gà gáy sáng!

DÂY KIWI

Actinidia deliciosa
Gia đình Actinidiaceae

(Ảnh: https://www.amazon.co.uk/)

Trái kiwi gốc ở Trung Hoa, là thân thuộc gần của dương đào Actinidia latifolia. Nó được tìm thấy nhiều ở Triều Tiên, Nhật Bản.

Kiwi được du nhập vào Tân Tây Lan vào thế kỷ XIX. Người Tân Tây Lan gọi là KIWI vì trái có lớp vỏ bù xù màu sô-cô-la nhạt tựa như lông chim KIWI, một loại chim mỏ nhọn và dài không biết bay mang tên khoa học Apteryx australis thuộc gia đình Apterygidae.

Kiwi là một loại dây, thân mộc. Khi còn nhỏ dây cần có giàn để leo và tăng trưởng. Dây lớn dần dần mọc thẳng như cây vậy. Dây có thể cao 9 - 10m. Lá bầu tròn màu xanh sẫm. Lá non ăn được. Lá non màu đỏ nhạt có lông. Khi già lá chuyển sang màu xanh sẫm. Mặt trên của lá láng, mặt dưới có lông mịn. Hoa thơm, màu trắng-vàng nhạt với nhiều cánh. Nhụy hoa màu trắng hay vàng sẫm. Trái Kiwi hao hao giống trái sa-bô-chê. Vỏ màu hung đỏ đen, có lông phủ. Ruột bên trong màu xanh tươi có nhiều hột nhỏ li ti màu đen.

Tên khoa học của dây Kiwi là Actinidia deliciosa hay Actinidia chinensis thuộc gia đình Actinidiaceae.

Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi thông thường

Việt Nam

Không có tên gọi (dương đào?)

Trung Hoa

Quiyi guo (kiwi quả)

Anh

Kiwi fruit; Chinese gooseberry

Pháp

Kiwi

Tây Ban Nha

Kiwi

Ngày nay Ý và Tân Tây Lan sản xuất nhiều trái kiwi trên thế giới. Người Trung Hoa có vẻ không thích vị chua của kiwi. Pháp hiện phát triển việc trồng kiwi. Ở Nhật có hạt Kakegawa, phủ Shizuoka, nổi tiếng về vườn cây kiwi. Kakegawa được mệnh danh là Kiwi County.

Công dụng:

- Lá non ăn được. Trái to như hột gà vị chua-ngọt dùng để ăn, làm nước giải khát, làm bánh v.v.. Vỏ có lông được xem là độc.

- Một trái Kiwi 69 grams có: sinh tố C: 64mg; sinh tố E: 01mg; sinh tố K: 27,8mg; Potassium: 215 mg; Ca:  23,5mg; Cu: 90 mg; Fe: không đáng kể; Magnesium: 11,7 mg; Manganese:  0,069 mg; Beta carotene: 35,9 mg; Phosphorus: 215 mg; Folate (sinh tố B9): 17,2mg.

- Trái, dây, rễ dây kiwi nhuận trường, hạ sốt, được dùng để trị sỏi sạn trong đường tiểu, ung thư gan, ung thư thực quản, chống lão hóa (có nhiều anti -oxidants), bổ xương, ngừa đột quị (có nhiều omega-3 fatty acids), ngừa scorbutus (có nhiều sinh tố C), ngừa cao áp huyết.

- Vùng khí hậu lạnh hay hàn đới có dây kiwi hàn đới gọi là arctic kiwi mang tên khoa học Actinidia arguta, gia đình: Actinidiaceae. Loại kiwi này được tìm thấy ở Tây Bá Lợi Á, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Canada. Trái kiwi này nhỏ không giống trái kiwi thường thấy; vỏ không có lông. Nhưng ruột màu xanh nhạt, có nhiều hột nhỏ đen như trái kiwi thường.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/cacloaidaycotrai.htm


Cái Đình - 2021