Tâm Tịnh An


Viết tiếng Việt

.

Gần đây, người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước đều xôn xao về đề xuất “cải tiến” tiếng Việt của vị Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Bùi Hiền. Tôi chưa nghe hoặc đọc được một ý kiến tán thành nào, chỉ thấy hoang mang và chống đối. Ta thử tìm hiểu xem tại sao chống.

Trước hết tôi thấy một số người e ngại là với lối viết tiếng Việt mới, mình sẽ phải cong môi, uốn lưỡi, trẹo quai hàm để đọc. Tôi không nghĩ như thế, vì thay đổi chữ viết không có nghĩa là tiếng nói sẽ thay đổi. Người Việt sẽ tiếp tục nói tiếng Việt như trước nhưng phải viết cách khác. Có nghĩa là tất cả mọi người, từ em bé lớp một cho đến ông cụ chín mươi tuổi, nếu ông còn muốn đọc sách báo, đều sẽ phải học đọc và viết lại từ đầu. Học một ngôn ngữ là một quá trình lâu dài, từ thuở mới biết đọc cho đến khi đọc được sách dễ, hình nhiều chữ ít, lần lần lên đến hình ít chữ nhiều, từ sách đơn giản cho đến những quyển phức tạp hơn, ý nghĩa trừu tượng hơn, tư tưởng cao siêu hơn… Trong quá trình ấy, đọc sách là một điều không thể thiếu, dù là mình đang học tiếng mẹ đẻ hay là học một ngoại ngữ. Để viết cho đúng chính tả, không có cách nào hay hơn là phải đọc sách nhiều, tiếp xúc với mặt chữ thật nhiều để khi viết nếu mình thấy lạ lạ kỳ kỳ là mình biết mình viết không đúng. Viết đúng chính tả là một đòi hỏi tất yếu cho bất cứ ngôn ngữ nào.

Không rõ bắt đầu từ lúc nào, người Việt Nam cả trong và ngoài nước, cả già lẫn trẻ, người có học cũng như ít học, không còn chú trọng đến việc viết cho đúng chính tả nữa. Chỉ cần lên mạng vào facebook, đọc mấy cái comments về bất cứ vấn đề gì, ta sẽ thấy đầy dẫy những chữ như wá, lun, bít, nhìu, mún, rùi…. Lúc đầu có lẽ là do các em tuổi teen, muốn “tiết kiệm giấy và thời gian” (giống TS Bùi Hiền?), sau thấy cả người lớn cũng viết như thế. Còn dấu hỏi dấu ngã, có g không g, dấu ă dấu â… được viết một cách vô tội vạ. Có những đoạn phải khổ sở lắm mới đoán được người viết muốn nói gì, mà nhìn sơ qua có khi không biết đó là thứ tiếng gì nữa. Những chữ viết sai chính tả nếu được nhiều người viết, nhìn mãi quen mắt thì sẽ không còn thấy sai nữa. Tôi nhớ những năm học Trung học, Thầy dạy Việt Văn của tôi rất chú trọng đến chính tả. Mỗi tuần Thầy đều cho viết một bài chính tả với số điểm tối đa 20 riêng cho bài nầy. Nếu bài luận văn có kém mà bài chính tả được điểm cao thì cũng bù qua được. Nếu Thầy còn sống mà nhìn thấy học trò Thầy viết như vậy chắc là Thầy sẽ buồn lắm.

Sách vở thời ấy cũng được in khá cẩn thận và ta có thể tin cậy khi cần tham khảo về chính tả. Nhưng ngày nay, không hiểu sao sách in không còn được chăm sóc cẩn thận như xưa nữa, ngay cả những sách tiếng Việt in ở nước ngoài. Tôi có được đọc một cuốn sách của một tác giả tôi rất yêu thích, nội dung thật hay nhưng than ôi trong sách đầy lỗi ấn loát. Tôi tiếc cho một đứa con tinh thần không được chăm sóc đúng mức và giá trị của nó bị giảm sút rõ rệt. Tôi không khỏi so sánh với những sách ngoại ngữ, thật khó mà tìm được một lỗi chính tả trong đó.

Trong lịch sử, nước ta đã hơn một lần thay đổi chữ viết. Từ thời Thái thú Sĩ Nhiếp (137-226) và trong suốt một ngàn năm đô hộ, tiếng Hán và chữ Hán đã được giới quan lại cai trị áp đặt sử dụng. Nhưng cái văn tự “ngoại lai” ấy không thể nào thỏa mãn được yêu cầu trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư tình cảm của người Việt, cho nên chữ Nôm đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán không đáp ứng được. Tuy nhiên, chữ Nôm cũng dùng các đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán, tức là cách “tượng hình biểu ý” để ghi chép từ Việt, cho nên cũng là một thứ chữ rất khó học. Trải qua một quá trình sửa chữa, cải biên, đến thế kỷ thứ XIV đời Trần thì chữ Nôm đã được hoàn chỉnh, phát triển theo hướng ghi âm nhằm ghi chép đúng hơn, sát hơn với tiếng Việt. Đời vua Trần Nhân Tông, vào năm 1282, ông Nguyễn Thuyên làm bài thơ “Văn Tế Cá Sấu” để đuổi cá sấu đang quấy nhiễu trên sông Hồng và cá sấu đã bỏ đi thật. Bài thơ nầy được coi là bài thơ chữ Nôm đầu tiên của Việt Nam. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng là một kiệt tác viết bằng chữ Nôm, sau nầy mới được diễn dịch ra chữ Quốc ngữ.

Đến thế kỷ thứ XVII, với nhu cầu truyền giáo của các cố đạo, một nhóm linh mục dòng tên người châu Âu cùng với sự góp sức tích cực của các thầy giảng Việt Nam đã chế tác ra chữ Quốc ngữ, dùng ký tự La tinh. Người có công lớn trong việc nầy là ông Alexandre De Rhodes và ông đã dùng bộ chữ nầy để biên soạn và in lần đầu tiên cuốn Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – La tinh và cuốn Phép giảng tám ngày. Sau khi người Pháp hoàn thành việc xâm chiếm Nam Kỳ, vào ngày 22 tháng 2 năm 1869, Phó Đề Đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán trong các công văn ở Nam kỳ. Về sau, với phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh và phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, chữ Quốc ngữ dần dần được phát triển và phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Mặc dù sự hình thành và sử dụng chữ Quốc ngữ với ký tự La tinh đã bắt nguồn từ nhu cầu truyền giáo và sau đó là thực dân nhưng đó là một lợi điểm hết sức lớn lao cho dân tộc Việt Nam so với tất cả các nước khác trong vùng Đông Nam Á như Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản, Miến Điện… Với ký tự La tinh, tiếng Việt rất gần với ký âm quốc tế và đã giúp cho người Việt Nam dễ dàng học các ngoại ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, La tinh…, dễ dàng tiếp nhận tư tưởng và học thuật nước ngoài, cũng như dễ dàng cho người ngoại quốc muốn học tiếng Việt. Trong hơn ba trăm năm Việt Nam đã có một kho tàng văn hóa Quốc ngữ đồ sộ. Tiếng Việt đã có đủ chữ để diễn đạt những tư tưởng phức tạp trong triết học cũng như dịch ra những từ kỹ thuật chuyên môn của Âu Mỹ.

Như vậy hôm nay vì nhu cầu gì mà chữ Quốc ngữ cần phải thay đổi? Xưa nay muốn thay đổi chuyện gì ta đều phải cân nhắc lợi và hại (risks vs benefits). Hơn nữa, thay đổi chữ viết là một chuyện vô cùng hệ trọng vì nó liên quan đến văn hóa của một dân tộc. Trung Quốc với chữ viết tượng hình cồng kềnh không giống ai, rất trở ngại cho việc giao lưu với văn hóa Âu Tây, thế nhưng nó đã tồn tại lâu đời và phù hợp với tâm tình và nếp nghĩ của người Trung Quốc hơn là viết theo lối ký âm, thế nên họ vẫn phải giữ thứ chữ viết nầy. Ngôn ngữ nào cũng có những khuyết điểm và những cái vô lý của nó nhưng không phải vì thế mà có thể tùy tiện thay đổi. Chẳng hạn “heo” và “lợn” là một con, nhưng ta nói “bánh da lợn” và “bánh tai heo” chứ không thể dùng lý mà hoán đổi thành “bánh da heo” và “bánh tai lợn” được. Trong tiếng Anh cũng có đầy dẫy những chuyện vô lý như thế, chẳng hạn chữ “rough” và chữ “though” cùng là “ough” nhưng đọc hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng họ không thể thay “rough” bằng “rouf” được, hay là thay đổi tất cả những chữ có “gh” thành “f “ nếu nó được đọc là “f”, theo như cách thống nhất của PGS TS Bùi Hiền, vì nó đã được dùng và được chấp nhận bởi tất cả những người nói tiếng Anh. Theo PGS TS Bùi Hiền thì chữ Quốc ngữ hiện nay quá khó học, cho người Việt cũng như người ngoại quốc. Tiếng Việt mới sẽ tiết kiệm được giấy mực và thời gian vì chữ viết sẽ ngắn hơn, đơn giản hơn và sẽ giải quyết được vấn đề viết sai chính tả. Chỉ có vậy thôi sao? Khi được hỏi đến vấn đề thời gian, giấy mực, nhân lực và tài lực cần thiết để phiên dịch và in lại tất cả các tác phẩm và công trình văn hóa của hơn ba trăm năm sang tiếng Việt mới thì ông trả lời ngon ơ là không cần, sách cũ cứ để đó, chỉ sách nào mới viết mới in theo chữ mới mà thôi! Vậy thì cái kho tàng ba trăm năm văn hóa ấy có khác nào mớ tiền cũ sau khi đổi tiền mới vì không ai dùng nữa cả? Và lấy đâu ra sách vở tài liệu để dạy dỗ cho cả nước từ già đến trẻ đang cần phải học đọc và viết tiếng Việt lại? Đó là chưa kể đến những hệ lụy như việc bỏ ch, tr, đổi thành c sẽ đưa đến sự thành lập những từ rất phản cảm, thô tục hoặc lẫn lộn, như trong thí dụ “Em nắm chặt anh”, “Em giữ chặt anh”…. “Tranh”, “Chanh” và “Canh” xưa là ba món khác nhau, nay đều biến thành “Can” hết cả!

Ông Tiến Sĩ cho biết ông đã nghiên cứu việc đổi mới tiếng Việt hơn bốn mươi năm nay và ông không hiểu sao nó được công bố quá sớm khi nó chưa hoàn chỉnh, đưa đến việc chống đối của nhiều người! Điều nầy rất lạ vì nếu nó là công trình nghiên cứu của ông thì ai có thể công bố được nếu không phải là chính ông? Và cũng không ai công bố một công trình nghiên cứu chưa hoàn chỉnh cả. Thêm một điều lạ nữa là tại sao một đề xuất hết sức tai hại, vừa thiếu tính chất khoa học vừa thiếu thực tế, lại có nguy cơ làm cho văn hóa Việt Nam thụt lùi lại ba trăm năm và cả nước bị mù chữ, của một nhân vật không “mấy gì quan trọng” như thế, lại không bị những người hoặc cơ quan có thẩm quyền cho ngay vào sọt rác mà lại đang được bàn tán như một chuyện rất có thể xảy ra? Có thực đây là một âm mưu nhằm tiêu diệt nền văn hóa của Việt Nam một cách nhanh chóng không? Khi xưa sau khi đổi tiền thì cả nước cùng nghèo, nay đổi chữ thì cả nước cùng dốt. Có phải đây là cách đem lại sự bình đẳng nhanh chóng nhất hay không? Cũng có thể đây là một phương thức rất phổ biến của các chính trị gia nhằm lái sự chú ý của dân chúng ra khỏi những vấn đề thời sự khác có tính nhạy cảm và nguy hiểm hơn, như vụ xét xử Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần thị Nga…, những người đang tranh đấu cho nhân quyền, hay là vụ Trung Quốc đang tập trận bằng súng thiệt ngoài biển Đông, trong khi ngư dân Việt Nam đang chết đói vì không đi đánh cá được?...

Dù sao thì cái nguy cơ bị “mù chữ cấp tính” không phải là không đáng lo ngại. Mỗi người chúng ta đang nói, đọc và viết tiếng Việt mỗi ngày, hãy cố gắng gìn giữ, phát huy và bảo vệ sự trong sáng của nó. Hãy trả tiếng Việt về với thời vàng son của nó khi mà một câu viết sai văn phạm hay một chữ viết sai chính tả được đánh giá cùng với người viết nó. Số phận và tương lai của tiếng Việt đang nằm trong tay của chúng ta. “Tiếng ta còn thì nước ta còn”, hãy góp phần bảo vệ cái ngôn ngữ mà chúng ta đã “yêu từ khi mới ra đời”.

.

Tâm Tịnh An


Cái Đình - 2018