Trường Sơn


Việt Nam cấm chiếu phim Barbie vì có hình ‘đường lưỡi bò’: nhạy cảm thái quá hay cẩn tắc vô áy náy?

Ảnh minh họa: loạt búp bê Barbie tại Triển lãm New York hồi tháng 2/2020
Jordan Strauss/Invision/AP file

Cục Điện ảnh Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt phim ảnh, vừa ra thông báo không cấp phép cho bộ phim Barbie của hãng Warner Bros với các ngôi sao Hollywood, khiến cho các rạp ở trong nước không thể chiếu bộ phim này.

Lý do của lệnh cấm này được cho là có sự xuất hiện của đường chín đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền về tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông, trong một cảnh của bộ phim (1).

Thông tin trên sau đó đã được các hãng tin trên toàn thế giới loan tải, từ Châu Á, Châu Âu, cho tới Hoa Kỳ.

Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức ép lên Việt Nam ở trên khu vực Biển Đông.

Cụ thể, các tàu hải cảnh, tàu dân quân, và tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những tháng vừa qua, với mục đích ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của quốc gia Đông Nam Á này.

Tuy thừa nhận lệnh cấm đối với bộ phim Barbie là do có liên quan đến ‘đường lưỡi bò’, nhưng phía Cục Điện ảnh lại không cung cấp thông tin cụ thể để làm dẫn chứng cho quyết định trên. Khiến cho dư luận phải đoán già đoán non về hình ảnh nào trong bộ phim khiến nó bị kiểm duyệt.

Phóng viên của Đài Á châu Tự do đã liên hệ với Cục Điện ảnh để hỏi thêm thông tin, sau đó được hướng dẫn gọi vào số máy của Phòng phổ biến phim, nhưng không ai trả lời.

Quyết định trên của cơ quan kiểm duyệt đã tạo ra hai luồng dư luận, một cho rằng như vậy là cần thiết để ngăn chặn hành vi tuyên truyền của Trung Quốc, nhưng ý kiến khác lại cho rằng điều đó là không cần thiết.

Trao đổi với đài RFA từ nước Úc, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, cho biết chính quyền Việt Nam đã phản ứng “thái quá” trong sự việc này. Ông nói thêm:

“Dựa trên những gì mà tôi biết thì tôi cho rằng đây là một phản ứng quá mức cần thiết, và nó đánh lạc hướng dư luận ra khỏi hành vi hung hăng của Trung Quốc hiện đang diễn ra tại bãi Tư Chính”.

Vị giáo sư có thâm niên nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông cũng cho rằng sẽ không ai để ý đến chi tiết này trong bộ phim nếu nhà nước Việt Nam không ra lệnh cấm:

“Nếu Việt Nam giữ im lặng, thì làm sao ai biết, nếu là tôi ngồi xem với cháu của mình và nhìn thấy hình ảnh đó thì tôi sẽ nghĩ ồ cái này trông giống tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng đấy là vì tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực này, còn nếu là người bình thường thì sẽ không thể biết được.”

Ở chiều ngược lại, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Đinh Kim Phúc, thì cho RFA biết rằng việc khán giả xem phim nhận ra ‘đường lưỡi bò’ hay không thì không phải là vấn đề. Mà điều quan trọng là ngăn chặn không cho Trung Quốc tuyên truyền về yêu sách của họ trên Biển Đông ở ngay tại Việt Nam.

“Nếu như bộ phim nay mà thực sự xuất hiện đường lưỡi bò và nếu Việt Nam cho chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam, thì Trung Quốc sẽ ghi ra một điểm, rằng đây, Việt Nam đã chấp nhận sự xuất hiện của đường lưỡi bò, tức là chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.”

Vị cựu giảng viên của trường Đại học Mở TP. HCM cũng cho biết chính sách cấm lưu hành các ấn phẩm văn hóa có chứa thông tin tuyên truyền của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông nhằm ba mục đích:

“Thứ nhất là nhằm khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là không chấp nhận đường lưỡi bò, thứ hai là yêu cầu quốc tế phải chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài thường trực năm 2016, thứ ba việc này nằm trong kế hoạch tổng thể để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam ở trên Biển Đông, và không ai được tuyên truyền ngược lại với quan điểm của Việt Nam rằng Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam.”

Một vấn đề gây bất đồng nữa ở trong vụ việc này đó là có hay không việc Trung Quốc trực tiếp tạo ảnh hưởng để ‘đường lười bò’ xuất hiện trong một bộ phim do Hollywood làm?

Được biết đây không phải là lần đầu tiên một bộ phim được sản xuất bởi các hãng phương tây nhưng lại chứa hình ảnh tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trước đó đã có hàng loạt bộ phim bị Việt Nam cấm chiếu hoặc phải cắt bỏ các phân đoạn có chứa nội dung liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Đơn cử như ở bộ phim Unchartered hồi năm 2022, hay các bộ phim được chiếu trên Netflix như Pine Gap, Madam Secretary, hay Put Your Head on My Shoulder.

Bình luận về khía cạnh này, giáo sư Carlyle Thayer tỏ ra khá thận trọng, ông cho biết:

“Nếu trong trường hợp bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc thành công đến độ nó khiến cho một nghệ sĩ nào đó vẽ ra đường lưỡi bò mà không ý thức được hành động của mình, thì như vậy sẽ rất nguy hiểm cho Việt Nam vì như thế thì Trung Quốc đang thắng trong việc phổ biến quan điểm của họ. Thế nhưng đó mới chỉ là giả thiết.”

Với một thái độ khẳng khái hơn, ông Đinh Kim Phúc cho rằng việc lồng ghép các thông tin tuyên truyền về chủ quyền trên Biển Đông là một “âm mưu” của Trung Quốc. Ông nói:

“Những âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc nó thể hiện qua rất nhiều lĩnh vực như chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế, và văn hóa-nghệ thuật. Do vậy chúng ta phải luôn luôn cảnh giác đối với sự tuyên truyền của Trung Quốc.”

Tại các diễn đàn về phim ảnh trên mạng xã hội Facebook thì phản ứng đối với lệnh cấm chiếu bộ phim Barbie cũng thể hiện sự khác biệt trong quan điểm. Một số cho rằng hành động kiểm duyệt trên là chính đáng vì chủ quyền quốc gia nên được đặt lên trên giải trí. Nhưng cũng có không ít ý kiến bình luận thể hiện sự tiếc nuối vì không thể xem được bộ phim. 

.

Trường Sơn
Nguồn: rfa.org/vietnamese, 04.07.2023

_________

(1) Dưới đây là hình tấm bản đồ trong phim. Chú thích của BBT www.caidinh.com

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/vietnamcamchieuphimbarbie.html


Cái Đình - 2023