Hoàng Giang


Từ vụ máy bay MH17 bị bắn hạ nghĩ về mạng lưới an ninh trong tương lai

Ngày 17/07/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên đường bay từ Amsterdam tới Kualumpur đã bị trúng tên lửa từ dưới đất bắn lên khi bay qua vùng Donetsk miền đông Ukraine. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn, tổng cộng 298 người, đã thiệt mạng.

Khởi đầu, không ai biết quả tên lửa này được khai hỏa bởi lực lượng nào, trong một vùng đang có tranh chấp quân sự giữa Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga. Không lâu sau đó, người ta đã xác định đây là một hỏa tiễn lắp trên hệ thống phòng không BUK. Về mặt kỹ thuật, BUK chỉ có thể được điều khiển bởi một chuyên viên người Nga và phải được chở từ Nga tới.

Công tác điều tra quá sức phức tạp, do đó một Nhóm Điều tra chung (tên tắt là JIT) đã được thành lập với các thành viên từ các quốc gia có nạn nhân (Hà Lan, Úc, Malaysia, Bỉ), và thêm Ukraine là nước có liên quan trực tiếp. Hà Lan, với số nạn nhân cao nhất (193 người), làm chủ tịch.

Những chi tiết về tai nạn hàng không này ngày càng được rõ thêm:

– Tháng 10/2015 các điều tra viên đã kết luận là máy bay bị bắn bằng một tên lửa từ phía đông Ukraine.
– Tháng 9/2016 Nhóm Điều tra đã đưa ra tuyên bố là họ có bằng chứng không thể chối cãi là tên lửa này có nguồn gốc từ Nga.
– Tháng 5/2018 các điều tra viên đã tuyên bố là họ đã tìm ra nguồn gốc tên lửa, đó là từ một lữ đoàn Nga đóng tại Kursk và nó đã được chuyển vào Ukraine trước khi máy bay bị bắn rơi.
– Tháng 6/2019 JIT đã tuyên bố danh tánh 4 người có liên quan trực tiếp, gồm 3 người Nga và 1 người Ukraine, đồng thời ra lệnh truy nã và truy tố 4 nghi phạm này.

Vụ kiện sẽ được xử vào ngày 20/03/2020 tại Hà Lan.

Thời gian điều tra 5 năm ròng rã với những kết quả thu lượm nhỏ giọt cho thấy sự khó khăn và phức tạp của vấn đề. Lý do là ngay sau khi máy bay bị rơi, những người trực tiếp điều khiển và khai hỏa tên lửa mới vỡ lẽ là họ bắn lầm một máy bay dân sự. Do lỗi lầm này, những cơ quan tổ chức đứng sau đã cố gắng xóa sạch hình ảnh, hay ngụy tạo hình ảnh để đánh lừa dư luận. Nhân chứng dám kể công khai những điều mắt thấy tai nghe trong vụ này cho truyền thông là chuyện hãn hữu. Đến khi kết luận cuối cùng đưa ra, công chúng đã được biết, dù chỉ một phần nào đó rất nhỏ, những gì xảy ra trong suốt cuộc điều tra, và làm cách nào các điều tra viên có thể đi tới kết luận này. Có thể nói đây là một vụ điều tra vô tiền khoáng hậu với những công nghệ hiện đại. Cuộc điều tra phần lớn dựa vào những phim và hình ảnh thu lượm từ khắp các mạng internet, những cuộc nói chuyện qua điện thoại và trao đổi thông tin trên mạng được lấy xuống. Thêm vào đó, phải kể đến sự kiên trì của một số người quyết tâm tìm sự thực hay vì tò mò. Ngoài ra còn có một số yếu tố may mắn bất ngờ.

Thời đại kỹ thuật số đặt ra một thách đố mới. Sự kiện tuy có đầy dẫy, dễ tìm đó nhưng thật khó phân biệt thực giả, và vì số lượng dữ kiện quá lớn nên cần rất nhiều thời gian để phân tích và định giá, thường bằng kiểm tra chéo. Một khoảng khắc nếu được chụp bằng nhiều máy khác nhau ở những góc cạnh khác nhau mà hậu cảnh giống nhau đến từng chi tiết nhỏ thì có sức thuyết phục rất cao, không thể chối cãi được.

Vì thế, ngay trong những tuần đầu, nhóm điều tra đã cấp tốc lưu 350 triệu trang web có liên quan đến Đông Ukraine, Malaysian Airlines, Boeing… để làm tài liệu đối chứng chống lại ngụy tạo thông tin. Thí dụ điển hình là nhờ những thông tin này mà nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra là có những tấm ảnh ngụy tạo chiếc máy bay MH17 do logo của Malaysia nằm lệch đi một chút so với vị trí thực của chiếc máy bay lâm nạn. Nếu không dùng kỹ thuật đo đạc và so sánh hiện đại thì không thể nào phát hiện ra được. Trớ trêu là sự chậm trễ và phong cách làm việc của nhà nước Nga đã gián tiếp giúp nhóm điều tra thu thập tài liệu, vì họ đã không thủ tiêu kịp thời.

Những tấm hình tình cờ do các cư dân quanh vùng và những người tình cờ chụp được hay những đoạn phim trên YouTube là những tấm hình có giá trị cao, một phần nhờ những tấm hình hay đoạn phim ngắn này mà các điều tra viên đã xác định được vị trí chính xác, khi so sánh hậu cảnh tấm hình (nhà cửa, cây cối, bảng tên đường…) với hàng chục ngàn tấm ảnh trong kho tài liệu của địa phương. Nhiều tấm ảnh chụp kỷ niệm cá nhân, tình cờ đúng lúc sự việc xảy ra (thí dụ như người ta đã tìm được một tấm ảnh do người đi đường tình cờ chụp đoàn xe đang di chuyển ngay sau khi bắn tên lửa). Cũng nên biết rằng nhà cửa trong các nước xã hội chủ nghĩa thường xây một kiểu giống nhau, có trường hợp để có thể xác định 100% vị trí người đứng chụp tấm hình, người ta đã phải tới tận nơi và chụp một loạt ảnh để so sánh hình dáng, chi tiết đặc biệt và vị trí tương quan giữa cây cối, nhà cửa và cảnh quan chung quanh trước khi có thể rút ra kết luận. Các tấm hình chụp từ vệ tinh của Google Earth đã gián tiếp giúp cho việc nhận dạng tổng thể ở vào một thời điểm được xác định trong quá khứ (thí dụ như vào lúc 11:08giờ ngày 17.07.2019 hình vệ tinh cho thấy đoàn xe vận tải chở hỏa tiễn BUK đang trên đường di chuyển, khi đối chiếu hình dáng các xe và đội hình đoàn xe với tấm ảnh tình cờ chụp được sau khi đoàn xe đang trở về, người ta có bằng chứng rõ ràng) v.v…

Mạng xã hội cũng giúp nhóm điều tra rất nhiều, vì những sự kiện cá nhân tưởng như không có gì liên quan đến nhau, nhưng khi ghép các mảnh puzzle này lại thì chúng có thể cho ra nguyên một câu chuyện với đầy đủ chi tiết chính xác không ngờ. Đặc điểm của mạng xã hội là các cơ quan kiểm duyệt cho tới bây giờ vẫn chưa có cách nào xóa sạch dấu vết như trong tiểu thuyết giả tưởng “1948” của văn hào George Orwell.

Và cuối cùng là những cuộc điện đàm được tìm lại trong hệ thống lưu trữ. Chính nhờ những cuộc điện đàm này mà nhóm điều tra đã lần ra được cuộc điện đàm của nhân vật có tên Khmuryi đã yêu cầu gởi tên lửa BUK và điều động đoàn xe chuyên chở BUK. Đây là mấu chốt quan trọng sau cùng, đưa tới kết luận của JIT.

Gia đình của 298 nạn nhân vụ MH17 đang trông chờ công lý luận tội các nghi can mà theo họ, những người này đúng là thủ phạm. Tuy nhiên, hy vọng bốn nghi can sẽ có mặt tại tòa gần như con số không. Nga từ đầu đã bác bỏ những bằng chứng mà Nhóm Điều Tra Chung trưng ra. Malaysia, một thành viên trong nhóm, vào giờ chót cũng đã đổi ý và không công nhận kết luận mà chính họ đã nhiều năm cùng các quốc gia khác chung sức làm việc. Sự bác bỏ của Nga và Malaysia dựa trên lý luận là những bằng chứng chỉ là “nghe người ta nói như vậy”, “suy đoán dựa vào lắp ghép các chi tiết”, “cuộc điều tra tóm lại chỉ là tìm cách chứng minh lời buộc tội ban đầu, đổ cho Nga là thủ phạm, vì thế không khách quan”…

Đúng là lý luận củ chuối, ai cũng biết là không thể nào tìm ra một bằng chứng cụ thể hơn, vì nó đã bị xóa sạch. Malaysia thay đổi lập trường vào phút cuối, phải chăng cũng vì áp lực mạnh từ Nga gia tăng mạnh vào những ngày chót. “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”!

Phải chăng hai quốc gia này muốn viện vào một lỗ hổng của nền tư pháp độc lập tại các nước dân chủ thực sự? Trong một tai nạn gây tử vong ở Hà Lan không lâu, hai thanh niên chở nhau trên xe gắn máy, phóng bạt mạng, đụng chết một người đi đường. Không tìm ra nhân chứng nào thấy tận mắt vào giờ phút trước đó ai là người lái xe. Cả hai tên cùng chối biến là không phải mình cầm lái. Quan tòa không biết tính sao, đã xử chia tội đều cho hai người, sau đó luật sư đã kháng án đòi bằng chứng cụ thể ai là người lái xe vào giây phút gây ra tai nạn. Rốt cuộc, rõ ràng người chết nằm đó, xe nằm đó, tai nạn có thực mà tòa tối cao đành tuyên bố vô tội cho cả hai vì thiếu bằng chứng thuyết phục!

Nhân chuyện này tôi chợt nghĩ đến Trung Quốc và dự tính của họ sẽ đặt máy nhận dạng khắp mọi thành phố, với thí điểm đầu tiên là Thẩm Quyến. Hệ thống mạng kiểm soát này có thể theo dõi và lưu lại tất cả hành vi, dù nhỏ nhặt nhất, của cư dân, dùng nó để cho điểm xã hội cho từng người. Ý tưởng này hiện được nhiều quốc gia nghiên cứu áp dụng, lý do là nhờ đó mà công tác truy tầm tội phạm sẽ giản dị và nhanh chóng hơn rất nhiều. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên theo bước Trung Quốc, luật An Ninh Mạng được nhà nước đặt ra là cái lưới để có thể thắt lại bất cứ lúc nào khi muốn loại bỏ một đối tượng không được lòng Đảng Cộng sản, núp dưới từ ngữ “nhà nước”.

Rất có thể, vài chục năm sau hình thức này sẽ trở nên phổ thông, như camera chụp tốc độ trên đường cao tốc hiện nay đã móc với mạng lưới cảnh sát và thuế vụ, khi quan niệm về an ninh xã hội thay đổi.

Nếu giờ đây hỏi những người trong gia đình của 298 nạn nhân cảm nghĩ của họ về khả năng này, chắc hẳn sẽ có người tán đồng, vì họ đang muốn tìm công lý cho thân nhân của họ. Nhưng sự việc sẽ không đơn giản. Một khi xã hội đã tiến tới tình trạng đó, với kỹ thuật ngày càng tinh vi, ai cấm được nhà cầm quyền lấy mặt một nhân vật họ không ưa đem tráo trong một vụ án hình sự nghiêm trọng, thế là họ có ngay bằng chứng hiển nhiên không chối cãi. Kỹ thuật là con dao hai lưỡi.

Tóm lại, mọi chuyện phải bắt đầu từ sự điều hành quốc gia một cách minh bạch.

.

Hoàng Giang (06/2019)


Cái Đình - 2019