Lữ thị Tường Uyên


Trò Chơi Dân Chủ tại Hoa Kỳ

Lắng nghe những đợt thảo luận về cuộc bầu cử gây sốc của Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, tôi thấy có nhiều điều thú vị. Người Việt trên khắp thế giới đã nhập cuộc rất đông đảo. Số lượng người thóa mạ, chửi bới người bất đồng ý kiến có vẻ giảm đi. Trong khi những bài phân tích khá chi tiết, bao quát và số lượng comments có giá trị hình như tăng lên.

Nhưng thú vị nhất cho tôi là khi vô tình đọc được một bài phỏng vấn bà Arlie Hochschild, một nhà Xã hội học ở Hoa Kỳ. Bà là người thiên tả, theo đảng Dân chủ và có những hoạt động rất tích cực trong xã hội.

Cách đây 5 năm, bà nảy ra ý định làm một cuộc nghiên cứu về những thành kiến của mình đối với những người theo đảng Cộng hòa. Để thực hiện công việc này một cách khoa học, bà đã rời Berkeley và dọn nhà xuống Louisiana sống.

Louisiana là tiểu bang nghèo nhất nước Mỹ, với số lượng cử tri đông đảo thuộc về đảng Cộng hòa. Dòng sông Mississippi ở đây bị ô nhiễm trầm trọng suốt 135 km, nên tuổi thọ người dân ở đây chỉ ngang ngửa với Việt Nam. Cho nên vùng này còn được mệnh danh là Cancer Alley (Vùng Ung Thư).

Trước khi tới đây, bà ngỡ 'họ' là những người da trắng, thất nghiệp, thiếu học, ngu dốt, dễ nổi nóng, kỳ thị và khó tiếp xúc. Trên thực tế bà đã chứng kiến 'họ' là những công dân cần mẫn, cởi mở, đủ màu da, tâm trạng bình thường, thậm chí có trình độ hiểu biết và học vấn cao.

Người dân ở đây có cùng một mối lo. Đó là chính phủ hiện thời không đủ sức bảo vệ miếng cơm, manh áo và mạng sống của mình. Nhưng họ không đủ can đảm lên tiếng hay biểu lộ cảm xúc vì sợ bị chỉ trích. Tám năm qua họ có cảm giác đã bị khóa miệng.

Khi đi sâu vào đời sống, bà Hochschild đã thông cảm những nỗi đau đó và đâm ra quý mến họ. Bà kết thúc bằng lời khuyên người dân Hoa Kỳ, nên xóa bỏ thành kiến để lắng nghe nhau, biết tôn trọng nhau, đừng phí thời gian vào việc tranh cãi thắng thua.

Trong xôn xao của những ngày bầu cử sôi nổi đầy kịch tính, tôi từ châu Âu nhận ra mình cũng đã bị cuốn theo làn sóng dư luận. Đau xót khi thấy những giá trị đạo đức, văn hóa và nhân bản được những vĩ nhân như Lincoln, Roosevelt, Rosa Parks, Martin Luther King gầy dựng lên bằng máu và nước mắt đang bị phỉ nhổ.

Nhưng bà Hochschild đã cho tôi thấy, ai trong chúng ta cũng đều có cảm xúc và cần phải được lắng nghe. Những giá trị đạo đức, văn hóa và nhân bản mà tôi coi trọng, làm sao sánh bằng cảm giác hàng ngày phải đối diện với nỗi lo sợ, bị đe dọa từ miếng cơm, manh áo đến mạng sống.

Là công dân của một quốc gia dân chủ, họ đã xử dụng lá phiếu để chọn ra người lãnh đạo biết trấn an họ qua những biện pháp hùng hồn.

Ta có thể trách ông Trump đã tận dụng nỗi sợ của người dân để tạo tư thế anh hùng cho mình. Ta có thể nghi ngờ phong cách sàm sỡ, nhục mạ, kỳ thị, kích động bạo lực chỉ là những kịch bản được sắp xếp kỹ lưỡng, để cử tri tin rằng họ đã được đồng cảm.

Nhưng biết đâu ông Trump thành tâm thực thi những gì ông đã hứa với cử tri, sẽ bảo vệ quyền lợi người dân tới cùng và sẽ đem lại no ấm và an lành như họ mong muốn.

Trong thời gian tới đây chúng ta hãy tỉnh táo quan sát xem ông thực hiện được bao nhiêu trong những lời hứa đó. Và những biện pháp này có ảnh hưởng gì, trực tiếp hay gián tiếp, đến những tương tác trong xã hội của Hoa Kỳ cũng như trên tầm quốc tế.

Hơn hết, tôi ao ước được tiếp tục nhìn người Việt chúng ta quan tâm đến chính trị trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Biết chia sẻ, biết lắng nghe và mỗi ngày bớt đi một thành kiến.

Riêng tôi, sau những ngày sóng gió đã lấy lại được bình an trong lòng và chấp nhận trò chơi dân chủ với tất cả những thăng trầm của nó.

Lữ thị Tường Uyên, Hòa Lan 14-11-2016

P.S. Công trình nghiên cứu của bà Hochschild đã được in ra sách với tựa đề 'Strangers in Their Own Land', tạm dịch là ''Lưu vong trên chính quê hương mình''.

 

 


Cái Đình - 2016