Trần C. Trí


Tiếng Việt dùng trong giới trẻ hải ngoại

Chúng ta, những bậc phụ huynh hay nhà giáo dục trong cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ, chắc có cùng một tâm tư. Chúng ta đã xa quê hương trên 35 năm, đã ít nhiều hội nhập cuộc sống ở nước sở tại. Cùng với những thành quả tốt đẹp do sự hội nhập đem lại, chúng ta cũng phải đối diện với những mất mát không thể tránh. Chúng ta e ngại ngôn ngữ và văn hóa Việt đang dần dần phai nhạt trong thế hệ thứ hai và thứ ba. Chẳng vậy mà không biết bao nhiêu nỗ lực trong cộng đồng đã tiếp nối nhau trong sứ mạng bảo tồn tiếng nói và văn hoá: những trung tâm Việt ngữ, những nhật báo, tuần báo, nguyệt san bằng tiếng Việt, những đài truyền thanh, truyền hình Việt ngữ, những sinh hoạt giáo dục và văn hóa..., tưởng chừng như khó có thể mà quên được tiếng mẹ đẻ và những truyền thống tốt đẹp của ông cha với ngần ấy nỗ lực của những tấm lòng nặng tình với tương lai cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tuy nhiên, nếu chúng ta thử quan sát con em của mình về mặt sử dụng tiếng Việt, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh khác. Càng sinh sau đẻ muộn tại xứ người, kiến thức và khả năng nói tiếng Việt của các em càng yếu kém. Tình trạng này do nhiều yếu tố khác nhau gây nên. Vài nguyên nhân nổi bật hơn cả là khi các em và gia đình cư ngụ tại những địa phương không có một cộng đồng người Việt đáng kể, hay các em lớn lên trong những gia đình mà cha mẹ không khắt khe về việc gìn giữ tiếng Việt. Trong bài này, chúng tôi muốn nêu lên một hiện tượng đáng lo ngại hơn nhiều, đó không phải là tình trạng các em thuộc những trường hợp kể trên, mà là tình trạng của những em nói được tiếng Việt nhưng lại không muốn sử dụng nó như một phương tiện giao tiếp chính trong đời sống hằng ngày, kể cả với những em khác cũng nói được tiếng Việt.

Vừa là phụ huynh của hai con nhỏ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, vừa là người giảng dạy tiếng Việt ở bậc đại học tại địa phương, chúng tôi có dịp quan sát các em để xem các em sử dụng tiếng Việt ra sao, trong trường hợp nào, với ai, và không dùng tiếng Việt trong những trường hợp nào. Chúng tôi cũng cố tìm ra một số nguyên nhân khiến cho các em không thể hay không muốn nói tiếng Việt. Nguyên nhân chính yếu thứ nhất là nguyên nhân về ngôn ngữ. Ngay cả ở một số em sinh ra ở Mỹ, nói giỏi tiếng Việt ở nhà từ khi biết nói đến trước khi bắt đầu đi học, tiếng Việt của các em này sẽ biến mất một cách mau chóng chỉ một thời gian ngắn ngủi ở học đường. Điều này có thể xảy ra nếu cha mẹ các em không cố gắng giữ thăng bằng cho các em về mặt ngôn ngữ. Khi vào lớp, các em này có nhu cầu không muốn thua kém các bạn, hay có nhu cầu muốn được làm bạn với những em khác. Muốn vậy, chỉ có một ngôn ngữ duy nhất có thể giúp các em đạt được ý nguyện, có là tiếng Anh. Mặt khác, tuy thời gian ở trong lớp ngắn hơn là thời gian các em ở nhà, tiếng Anh được dùng để truyền thụ kiến thức và dùng trong những sinh hoạt trong lớp hết sức sinh động. Điều đó cũng làm cho tiếng Anh trở thành thứ tiếng chủ động trong đầu của các em. Khi các em về đến nhà, nhiều khi cha mẹ các em vẫn còn đi làm, môi trường sinh hoạt của các em bị thu hẹp lại. Các em không có nhiều cơ hội để dùng tiếng Việt, hay nếu cần dùng, thì chỉ quanh quẩn với những sinh hoạt gia đình hạn hẹp. Tiếng Việt của các em không phát triển được mà xem chừng có cơ mỗi ngày một giảm sút. Đã vậy, khi các em bật truyền hình lên, những chương trình ưa thích của các em lại đem tiếng Anh đến, chiếm thêm thì giờ của các em ở nhà.

Đó là tình trạng của những em nhỏ. Một số các em lớn thuộc trình độ trung học hay đại học, không rành tiếng Việt, muốn học các lớp tiếng Việt để khỏi quên và học hỏi thêm, lại phải đối phó với một nguyên nhân ngôn ngữ khác. Tiếng Việt, tuy dùng mẫu tự La-tinh, lại quá phức tạp đối với các em này, một phần vì hệ thống thanh âm, một phần vì hệ thống chính tả cần những dấu biểu hiện thanh và âm khiến các em cảm thấy bị thách thức và đâm ra nản lòng. Có không ít những học sinh, sinh viên gốc Việt nói tiếng Việt lơ lớ không khác gì người ngoại quốc tập nói tiếng Việt. Nói đã khó, viết lại càng khó khăn hơn. Khi học tiếng Việt trong lớp, các em nhận ra rằng đây là loại tiếng Việt “học thuật”, tiếng Việt “cao cấp”, không phải loại tiếng Việt mà các em dùng ở nhà trong các sinh hoạt thu hẹp ở nhà bếp hay ở phòng ngủ. Vốn ngữ vựng của các em sao mà ít ỏi, hạn hẹp, so với những từ ngữ dùng trong những sinh hoạt mở rộng ra với thế giới bên ngoài. Đã thiếu tự tin, điều mâu thuẫn khi các em học tiếng Việt là đáng lẽ các em phải thấy tự tin hơn, có khi tình trạng nêu trên lại làm cho các em thiếu tự tin hơn nữa.

Đã học thì phải có hành. Một nan đề khác lại nảy sinh khi các em học thêm tiếng Việt, mở rộng phạm vi sử dụng từ ngữ và thành ngữ, lại không có cơ hội để áp dụng những kiến thức và khả năng vừa thu nhận trong các lớp tiếng Việt. Rất nhiều sinh viên của chúng tôi, khi được hỏi các em đã áp dụng được những gì đối với vốn liến tiếng Việt của mình, chỉ có thể kể lại rằng mình đã dùng tiếng Việt khi gọi thức ăn ở nhà hàng hay khi mua bán lặt vặt trong khu phố Little Saigon. Chỉ vậy thôi. Còn với bao nhiêu sinh hoạt khác như ngân hàng, bưu điện, học đường, công sở, phương tiện chuyên chở công cộng, v.v... cho dù có những nhân viên người Việt dùng tiếng Việt với các em đi nữa, thứ tiếng Việt mà các em có thể dùng chỉ là một thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng Anh – trong ngôn ngữ học được gọi là code switching – trong đó tiếng Anh có khi là thành phần áp đảo. Chẳng hạn như một em sinh viên giỏi tiếng Việt cũng thường chỉ nói được một câu như thế này với nhân viên ngân hàng đã là giỏi lắm: “Chị có thể check giùm em xem savings account của em balance là bao nhiêu không?”

Những từ ngữ tiếng Anh trong câu nói trên – check, savings account, balance – không phải là các em không được học bằng tiếng Việt trong lớp. Lý do mà đa số các em không dùng tiếng Việt không phải thuộc về ngôn ngữ, mà là một điều quan trọng không kém gì nguyên nhân về ngôn ngữ, đó là nguyên nhân về tâm lý. Điều này có nghĩa là có những em không nói tiếng Việt, không phải là các em đó không nói được tiếng Việt, mà là không muốn nói tiếng Việt. Đối với những em này, tiếng Việt chỉ là thứ tiếng bắt buộc phải dùng đối với những người không nói được tiếng Anh – như ông bà nội, ông bà ngoại, hay những người đòi hỏi các em phải dùng tiếng Việt – như cha mẹ, thầy cô. Đây là yếu tố tâm lý thứ nhất. Ít ai muốn làm điều gì bị bắt buộc phải làm, nếu có điều kiện tránh làm điều đó. Với các bạn đồng lứa hay anh chị em trong gia đình, các em dễ dàng nhận ra rằng dùng tiếng Anh để tâm sự hay để chơi đùa với nhau lúc nào cũng nhanh hơn là dùng tiếng Việt. Mặt khác, nói tiếng Việt nó cứ ngường ngượng thế nào, không tự nhiên được!

Một yếu tố tâm lý khác đến từ cha mẹ hay thầy cô. Điều này thường xảy ra mà nhiều khi chúng ta là bậc phụ huynh hay nhà giáo dục có khi không để ý đến. Khi các em nói tiếng Việt với chúng ta, lỡ phát âm sai một chữ, hay dùng một câu không chỉnh, chúng ta phì cười hay sửa các em bằng một thái độ thiếu xây dựng. Thái độ vô tình này có thể gây tổn thương tâm lý nặng nề cho các em. Những lần tới, hoặc là các em không muốn nói tiếng Việt với chúng ta nữa, hoặc là các em nói mà phải dè dặt, đâm ra khó mà nói được lưu loát.

Trong giới học sinh, sinh viên ở môi trường học đường Mỹ, nơi mà tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính, việc nói tiếng Việt với nhau càng là một nan đề. Nếu chúng ta chịu khó để ý khi có dịp ở trong môi trường này, chúng ta có thể thấy số học sinh, sinh viên người gốc Mỹ La-tinh dùng tiếng Tây-ban-nha với nhau tự nhiên và nhiều hơn là học sinh, sinh viên gốc Việt nói tiếng Việt với nhau. Điều này đi đôi với một nguyên nhân lịch sử. Vài chục năm về trước, người gốc Mỹ La-tinh, vì muốn hội nhập vào cuộc sống Mỹ nhanh hơn, cũng đã trải qua những gì người Việt đang trải qua, nghĩa là đã từng tránh nói tiếng mẹ đẻ là Tây-ban-nha, để chỉ dùng tiếng Anh trong mọi nơi, mọi lúc. Ngày nay, cộng đồng người Mỹ La-tinh đang lớn mạnh không ngừng về mọi phương diện, là một lực lượng mà không ai có thể phủ nhận có nhiều tiềm năng về kinh tế, chính trị, văn hoá, v.v… Vì thế, người gốc Mỹ La-tinh dần dần lấy lại được niềm tự tin, bây giờ đã có thể dùng tiếng Tây-ban-nha nơi công cộng một cách thoải mái. Tiếng Tây-ban-nha giờ đây đã là biểu hiện của sự phát triển, của những cánh cửa dẫn đến thành công. Cả người Mỹ cũng đua nhau đi học thứ tiếng của họ, bảo sao họ không cảm thấy tự hào.

Tiếng Việt thì chưa được như vậy, dù tương lai của nó cũng đang dần dần mở rộng. Càng ngày càng có nhiều trường trung học và đại học ở Hoa Kỳ có chương trình dạy tiếng Việt. Cộng đồng Việt đang lớn mạnh cũng đang có một tiếng nói đáng kể về mặt chính trị. Vì thế mà một số ít chính trị gia đã chịu khó học nói bập bẹ vài câu chào hỏi bằng tiếng Việt để lấy lòng cử tri Việt. Tuy vậy, cũng còn lâu lắm tiếng Việt mới có bắt kịp được tiếng Tây-ban-nha về mặt vai vế ở xứ này. Chừng nào chúng ta còn chưa đến giai đoạn đó, chừng ấy chúng ta, nói chung, vẫn còn dùng tiếng Việt nơi công cộng với ít nhiều mặc cảm.

Nhiều lần, muốn tìm hiểu tâm tư của các em sinh viên gốc Việt, chúng tôi có hỏi vì sao các em không dùng tiếng Việt với các bạn cùng lớp. Có em trả lời: “Không hiểu sao khi đi ra ngoài mà nghe hai người nói tiếng Việt với nhau, em thấy tiếng Việt họ nói nghe “rẻ tiền” hay “nhà quê” quá, thầy ạ! Thầy nghĩ sao về điều này?” Tôi trả lời: “Thầy vừa đồng ý với em, vừa không đồng ý với em. Bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới, không riêng gì tiếng Việt, cũng có thể được nói ra bằng một cách “rẻ tiền” hay “sang cả” hết! Đó chỉ là do mình nói thứ tiếng đó như thế nào mà thôi. Cô con gái tuổi mới lớn của tôi cũng có nhận xét tương tự như vậy, và tôi cũng giải thích như trên. Một hôm, cháu đi học về và bảo tôi: “Con thấy bố nói đúng. Tiếng Việt cũng có thể nghe “sang” được. Hôm nay con đi gần hai ông cụ rất lịch sự đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Hai ông nói chậm rãi, từ tốn, không ồn ào. Con nghe thấy rất “sang”!” Tôi cười, đáp lời cháu: “Con thấy chưa? Chỉ cần ăn nói từ tốn, không ồn ào, dùng những chữ đàng hoàng, không dùng tiếng lóng, là bất cứ thứ tiếng nào cũng nghe “sang” được cả!”

Như vậy thì chúng ta phải làm gì để thế hệ con em của chúng ta ở Hoa Kỳ và các nước khác có thể dùng tiếng Việt với nhau đây? Không biết tôi có bi quan không mà cứ tưởng tượng đến khoảng hai mươi năm nữa, ở hải ngoại này, các sách báo, băng nhạc, băng hình bằng tiếng Việt có cho không cũng không ai lấy; các đài phát thanh hay truyền hình sẽ phải tự động đóng cửa vì sẽ chẳng có ai nghe hay xem. Tôi cứ tưởng tượng khi thế hệ thứ nhất của chúng ta tàn rụi đi rồi, con cháu của chúng ta sẽ không còn ai “canh chừng” xem chúng có nói tiếng Việt với nhau hay không, thì tội gì chúng phải nói tiếng Việt với nhau cơ chứ? Tôi có hỏi thử vài em sinh viên xem các em ấy có muốn con của mình sau này nói tiếng Việt hay không. Hầu hết các em đều nói là có. Tôi phì cười và hỏi vặn lại: “Chính các em còn không nói tiếng Việt thì lấy đâu mà dạy lại cho con cháu các em?” Chúng chỉ cười trừ.

Tất cả những sinh hoạt để gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt ở hải ngoại ngày nay dường như chú trọng nhiều hơn về mặt dạy dỗ, tranh tài, mà lơ là đi mặt thực hành và tâm lý của nó. Tôi đã từng nghe nhiều em học sinh nhỏ xuất sắc đi dự thi chương trình đố vui bằng tiếng Việt nói chuyện và đùa giỡn với nhau bằng tiếng Anh, trước và sau cuộc thi! Đối với hầu hết các em này, tiếng Việt chỉ là thứ tiếng để học chứ không phải để hành, chỉ là thứ tiếng dùng để thi chứ không phải để nói. Khi các em trình diễn văn nghệ, múa hát bằng tiếng Việt, dù đó đã là một điểm son, cũng mới chỉ dừng lại ở việc thuộc lòng tiếng hát, lời ca một cách thụ động, chứ chưa phải là trình độ sử dụng tiếng Việt một cách chủ động và sáng tạo. Muốn các em có nhu cầu nói tiếng Việt, trước hết phải giúp các em tìm đến sự tự nhiên, thoát khỏi những ràng buộc, những mặc cảm. Có rất nhiều hội sinh viên người Việt trong các trường trung học và đại học ở Mỹ, nhưng khi các em hội họp với nhau, các em lại dùng tiếng Anh! Chính những chỗ ấy là những chỗ chúng ta cần giúp các em “trở về cội nguồn ngôn ngữ.” Những câu lạc bộ học sinh, sinh viên gốc Việt cần có những người dìu dắt các em, trước hết là làm gương cho các em. Chúng ta có thể tổ chức những buổi nói chuyện, mời những diễn giả trong cộng đồng đến nói với em về nhiều đề tài thiết thực và dùng một thứ tiếng Việt đơn giản, dễ hiểu cho các em tiếp nhận. Dần dần, chúng ta có thể giúp các em tự trở thành những diễn giả dùng tiếng Việt và thảo luận với nhau cũng bằng tiếng Việt. Trong những sinh hoạt khác như tiệc tùng, văn nghệ, công việc thiện nguyện, v.v…, chúng ta tìm mọi cách để “Việt hóa” từng chi tiết nhỏ như thông báo, giấy mời, các mẫu đơn, chương trình, biểu ngữ, v.v…, nhất nhất tất cả đều bằng tiếng Việt. Làm được như vậy, dần dần các em mới nhận thức được tiếng Việt quả là một thứ tiếng sống động – một sinh ngữ thực thụ – đang được dùng trong mọi sinh hoạt thường ngày của các em. Đây là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi thời gian, công sức và lòng kiên nhẫn.

Trong bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ làm một công việc nhỏ bé – và chưa đầy đủ – là thử tìm ra một số nguyên nhân về ngôn ngữ và tâm lý của hiện tượng các em gốc Việt không dùng tiếng Việt với nhau trong hầu hết mọi sinh hoạt ngoài gia đình, đồng thời tạm đề nghị vài phương pháp để cải thiện tình trạng này. Mỗi người có tâm huyết về tiếng mẹ đẻ và văn hóa nước nhà trong chúng ta – cố nhiên – sẽ phải tìm ra nhiều cách thức cụ thể để áp dụng vào việc giúp thế hệ con em của chúng ta tiếp tục gìn giữ và trao truyền ngọn lửa văn hóa cho những đời sau.

GS Trần C. Trí
University of California, Irvine


Cái Đình - 2017