Nguyễn Quốc Quân


Tiếng đập tường của Diệu

 

 

“Tôi khát khao sống trong một xã hội TỰ DO và CHÂN THẬT.
Ở đó không chia giai cấp, mọi người đối xử với nhau bằng TÌNH THƯƠNG và TRÁCH NHIỆM.
Nhưng vì điều đó mà bị bách hại, tôi bằng lòng đón nhận và sẵn sàng chịu chết vì nó!”

(Huyết thư của Fx Đặng Xuân Diệu)

 

***

Có những người, mình chưa quen, chưa từng gặp mặt,… nhưng đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ trong chuyện người ấy thôi cũng đủ “rung lắc” mình thật mạnh, rúng động cùng cực đến nỗi phải suy nghĩ miên man hết cả ngày ?! Miên man về cuộc sống oan nghiệt của người ấy.  Miên man về cuộc đời.  Miên man về nhiều người khác - những người có đức tin mạnh.

Câu chuyện bắt đầu từ một bạn kể cho nghe, sáng 7/10/2014, có hai ôtô khởi hành từ 3 giờ đêm để chở bà chị của TNLT Trương Minh Tam đến tận cổng trại giam số 5 Thanh Hóa, đón anh ấy vừa mãn hạn tù.  Chị của anh Tam vào trong làm thủ tục đón người và các bạn dân chủ đợi bên ngoài.  Mãi một lúc lâu, không biết quản giáo trại giam sợ điều gì, lén lút chở anh Tam ra ngõ sau và chạy thật nhanh.  Ôtô các bạn dân chủ vội vã đuổi theo nhưng không kịp vì ôtô an ninh chở anh Tam cùng bà chị chạy rất lắt léo.  Ôtô bên ta bị lạc.

Mãi sau liên lạc lại mới biết bên an ninh thả anh Tam ở bên đường, tận Tam Điệp tỉnh Ninh Bình cách trại giam mấy chục cây số.  Thế là nhiều nhóm cùng lục tục đến nơi để theo đoàn chở gia đình anh Tam trở về nhà tại tỉnh Hà Nam.  Có lẽ chỉ có ở nước ta, đi đón tù về nhà mới rắc rối như vậy !?

Tại nhà anh Trương Minh Tam, anh mừng vui có, nhưng chắc xúc động thì nhiều hơn.  Anh kể về mình thì ít, nhưng kể về sự kiên cường và nỗi gian khổ của những tù nhân lương tâm khác thì nhiều.  Kể về những cú đá trời giáng của quản giáo vào hai anh em Pháp Luân Công “xách búa định đập lăng Hồ Chí Minh” để thức tỉnh mọi người.  Sau mỗi cú đá các anh quằn quại dưới đất lại đứng lên hô to trong trại giam “Đả đảo cộng sản!”  Chúng đá mỏi chân, nhưng cuối cùng các anh cũng luôn là người kết thúc bằng lời hô bất khuất.  Đặc biệt, kể rất nhiều về người tù công giáo Đặng Xuân Diệu bị kết án 13 năm tù.  Diệu và anh ở sát buồng nhau, vẫn nói chuyện với nhau, nhưng chưa bao giờ thấy mặt.   Nhiều câu chuyện về những đối xử tàn nhẫn mà Diệu phải chịu đựng với thái độ kiên cường, đã khiến gần 30 anh chị em ở Hà Nội vừa phẫn nộ vừa xúc động đến rơi lệ.  Chính người bạn chỉ kể lại thôi mà cũng nghẹn ngào mãi mới trọn câu.

Riêng tôi bị xúc động mạnh bởi những tiếng đập tường.  Những tiếng đập tường của Diệu như đang đấm mạnh thẳng vào ngực mình!  Tôi hình dung hình ảnh một thanh niên, còng lưng, đang gục đầu xuống, với bàn tay nắm chặt, lặng lẽ đấm đều vào bức tường câm nín.  Rồi miên man nghĩ về nhịp tim của những người nghe qua giọng thổn thức của anh Trương Minh Tam “Tiếng đập tường cứ vang lên như thế mỗi ngày nghe có cái gì đó thật mòn mỏi”

Tìm hiểu và suy nghĩ về Diệu, có thể thấy một số điều dường như rất trái ngược.  Tùy theo góc nhìn, mỗi người sẽ thấy đó là Nghịch Lý hoặc Thống Nhất.   Chẳng hạn như, tại sao một thành viên đầu đàn của nhóm Bảo Vệ Sự Sống lại sẵn sàng đón nhận cái Chết -- Phải chăng chọn lựa cái Chết, để cho nhiều người khác có cuộc sống đúng đắn hơn, ý nghĩa hơn !?  Tại sao có thể tự quyết định tuyệt thực dài ngày, sẵn sàng chịu cùm để bảo vệ người tù khác, … lại “gào lên” giữa bốn bức tường “Tôi đói, tôi muốn ăn để sống ...” -- Phải chăng kiên tâm chọn lựa sự “Tồn Tại” một cách chính danh, để mang được công lý và sự thật ra ánh sáng !?  Tại sao một giáo dân đức tin vững mạnh như vậy lại có thể cảm thấy cô đơn mòn mỏi đến nỗi phải đập tường gọi bạn hàng ngày để được trò chuyện -- Phải chăng đức tin về đấng thiêng liêng đã đủ mạnh, để đánh động lòng Thiện của mỗi con người, hãy gõ sẽ mở !?, v.v…

Ở trong tù, có ba tảng đá đè nặng nhất lên một TNLT bị giam dài ngày.  Một là, nỗi lo lắng cho người thân yêu khi vắng mặt mình; Hai là, sự cô đơn cho thời gian vô tích sự dài đăng đẳng; cuối cùng mới là, cái ăn uống và môi trường sinh hoạt.  Đặc biệt, nhà tù cộng sản được rèn luyện rất nhiều chiêu thức khai thác các áp suất này tối đa, bất kể luật pháp, để hạ gục ý chí người tù!  Họ muốn giành lại chính nghĩa bằng những phương pháp và tâm địa phi nghĩa.  Ý chí sắt đá của Diệu đang là một trong những nạn nhân trực tiếp của chính sách vô đạo và tàn nhẫn này.

Những tiếng đập tường, gõ tường, quan chiếu, thiền định, thể dục, tuyệt thực, hát, viết, … là một số cách ít ỏi của các tù nhân lương tâm để hoá giải phần nào cả ba áp suất nặng nề ấy.  Dù là cách nào, cũng nhằm tạm thoát khỏi bốn bức tường và quên cái hoàn cảnh thực tế khắc nghiệt xung quanh.  Chẳng hạn như cách gõ tường trong tù.

Đập tường lâu rất đau tay, thường thì đạp tường và chỉ sử dụng ban ngày nhằm thông báo cho bạn tù phòng bên một điều gì gấp rút như cán bộ tới, ngưng tay đi, …  Còn “gõ tường” thường là cách trò chuyện với nhau vào ban đêm vắng lặng bằng một vật cứng nào đó như cái thìa ăn cơm, cái bo đựng cơm, hoặc chính bàn tay mình. 

Câu chuyện có thể bắt đầu bằng ba tiếng “cạch cạch cạch” có nghĩa là “còn thức không”. Nếu bên kia gõ trả lời một tiếng nghĩa là “còn”; hay có thể dài hơn “cạch … cạch cạch cạch cạch” nghĩa là “còn … muốn nói chuyện không”;  hoặc một sự im lặng, có nghĩa là bạn tù đã ngủ hay không muốn trò chuyện lúc này.  Để đáp ứng với sự im lặng, bạn có thể lập lại bước khởi đầu một lần nữa để biểu lộ sự thúc hối hoặc chuyển sang bức tường bên kia để gõ cho cuộc gợi chuyện với bạn khác, nếu bên đó may mắn cũng có giam người.

Điểm lý thú là, hầu hết đều không biết đến mã morse “tít tít … te te” thế thì nội dung trò chuyện của họ như thế nào? Họ hiểu nhau ra sao?!  Xin thưa, họ hiểu hết dù tiếng “cạch cạch” ngắn dài bao nhiêu cũng được … bởi vì mỗi người đều có một tâm sự riêng, câu chuyện riêng, ước mơ riêng.  Họ chỉ mượn tiếng gõ của người bên kia, mỗi người đang thực sự trò chuyện với vợ con mình, bố mẹ mình, người yêu mình, đồng đội mình, hoặc với chính mình, hay với những giá trị trân quí của riêng mình.  Mỗi người trong cuộc sẽ tự gắn cho những dãy âm thanh cạch-cạch với những ý nghĩa rất riêng của mình.  Và thế là trí tưởng tượng bay bổng. Trong mọi cuộc trò chuyện, cuộc trò chuyện chân thật với chính mình luôn luôn có giá trị nhất.

Trong lúc gõ tường trò chuyện, bạn sẽ cảm thấy gần gũi với người thân yêu hơn, bớt cô đơn và quên đói. Cuộc chuyện ấy thường có thể kéo dài hằng giờ và được kết thúc bằng một tiếng đập lòng bàn tay vào tường “bộp” của một bên nào đó.  Tiếp theo là “bộp bộp bộp” nghĩa là “chúc ngủ ngon!”, và đêm ấy cả hai sẽ có một giấc ngủ an lành.

Trở lại chuyện anh Diệu, chắc chắn tiếng đập tường thống thiết của anh không đơn thuần là cuộc trò chuyện trong mơ với người mẹ già hơn bảy mươi tuổi đang mong chờ con hằng ngày.  Với tôi, đó là một thông điệp 51 chữ bằng máu. Cho tất cả những bậc mẹ cha.  Cho toàn thể đồng đội của anh, cho chúng ta, và cho mọi người Việt trong cũng như ngoài nước.

“Tôi khát khao sống trong một xã hội TỰ DO và CHÂN THẬT. Ở đó không chia giai cấp, mọi người đối xử với nhau bằng TÌNH THƯƠNG và TRÁCH NHIỆM. Nhưng vì điều đó mà bị bách hại, tôi bằng lòng đón nhận và sẵn sàng chịu chết vì nó!”

Tiếng đập tường của kỹ sư trẻ tuổi kiên cường và nhân hậu Đặng Xuân Diệu đã làm rúng động trái tim của nhiều người.  Chắc hẳn anh cũng ước mong tiếng đập tường ấy sẽ vang xa hơn, sâu hơn, vào thăm thẳm của mọi tấm lòng.  Tiếng đập tường mòn mỏi và kiên trì ấy cũng mong rằng sẽ xuyên thủng được những bức tường ngăn cách giữa mỗi chúng ta với cái Đẹp - cái Đúng - cái Tốt… và cả cái Sợ nữa.

Bạn và tôi cùng lắng nghe tiếng đập ấy dội vào ngực mình.
Và cùng đáp lại với anh Diệu bằng một hành động cụ thể, dù là nhỏ nhoi và dễ dàng nhất của riêng mình.

 

Nguyễn Quốc Quân

 


Cái Đình - 2014